Trích từ Dân Chúa

Có thể áp dụng phương thức quân sự vào việc giải quyết nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục chăng?

Vũ Văn An

Nghe thì có vẻ kỳ kỳ, nhưng đã có người đề nghị nên sử dụng phương thức của quân đội, ít nhất của quân đội Hoa Kỳ, để giải quyết nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo. Đó là trung tướng hưu trí James M. Dubik, hiện là thành viên hội đồng quản trị Leadership Roundtable(Bàn Tròn Lãnh Đạo), tiến sĩ triết của Đại học Johns Hopkins và là tác giả cuốn Just War Reconsidered: Strategy, Ethics, and Theory (Chiến Tranh Chính Ngĩa Tái Xét: Chiến Lược, Đạo Đức Học, và Lý Thuyết).

Trên tập san America, số ngày 13 tháng Hai, 2019, Ông Dubik viết rằng: không tổ chức nào là hoàn hảo cả. Giáo Hội Công Giáo cũng thế thôi, hiện đang phải đối phó với hai cuộc khủng hoảng, hay đúng hơn, cuộc khủng hoảng kép: cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục và cuộc khủng hoảng tín nhiệm đối với các thực hành lãnh đạo đã để xẩy ra và sau đó che đậy cuộc khủng hoảng lạm dụng.

Vấn đề hiện nay, vì thế, là làm thế nào phục hồi sự tín nhiệm vào hàng lãnh đạo Giáo Hội. Và sau đây là nguyên văn hiến kế của ông:

Kinh nghiệm của tôi trong Quân đội Hoa Kỳ hơn 37 năm, 11 năm với tư cách là một sĩ quan cấp tướng, cho thấy rằng con đường “tôi xin lỗi, hãy tin tôi lần này” không đưa đến đâu.

Thay vào đó, Giáo Hội phải trở nên đáng tin cậy, và điều đó có nghĩa là thực hiện hành động khắc phục toàn diện.

Giải quyết vụ tai tiếng trong hàng ngũ của mình

Vào một thời điểm trong sự nghiệp của mình, tôi đã mục kích cách mà vị Tham mưu trưởng Lục quân lúc ấy, Đại tướng (hiện đã nghỉ hưu) Dennis J. Reimer, và các vị lãnh đạo cao cấp khác của Lục Quân xử lý vụ tai tiếng lạm dụng tình dục ở Aberdeen năm 1996. Lúc đó tôi là một đại tá, sĩ quan điều hành của Tướng Reimer. Vụ tai tiếng này đã nổ ra khi Thiếu tướng (hiện đã nghỉ hưu) Robert Shadley phát hiện, báo cáo và bắt đầu một cuộc điều tra về các cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan đến các huấn luyện viên quân đội chịu trách nhiệm huấn luyện tân binh tại trại Aberdeen, Md.

Cuối cùng, 12 trung sĩ bị buộc các tội ác về tình dục. Bốn người bị kết án tù. Bốn sĩ quan cao cấp nhận được thư khiển trách mà trên thực tế đã chấm dứt sự nghiệp của họ, một trong số họ là một tướng lĩnh chỉ huy. Cuộc điều tra của Lục Quân cho thấy một số sĩ quan cao cấp che đậy sự lạm dụng dưới một giả định sai lầm rằng họ “bảo vệ hình ảnh của Lục Quân”. Ngược lại, Tướng Reimer và các nhà lãnh đạo cấp cao khác thấy rằng cuộc khủng hoảng mà họ đang đương đầu là một cuộc khủng hoảng tin tưởng. Gần đây, Tướng Reimer nói với tôi “Người dân Mỹ đã trao cho chúng ta những tài sản quan trọng nhất của họ, tức các con trai và con gái của họ, và chúng ta đã làm rối tung tài sản này. Ai còn gửi con gái của họ cho Lục Quân nữa nếu chúng ta không thể bảo đảm với họ rằng chúng sẽ được đối xử cách xứng đáng và được tôn trọng và không phải chịu sự xách nhiễu tình dục?”

Tóm lại, Lục Quân phải chứng minh rằng mình là một định chế đáng tin cậy.

Vì vậy, Tướng Reimer đã thành lập một đội đặc nhiệm để tiến hành các buổi thăm dò và thu thập dữ kiện từ tất cả các căn cứ huấn luyện, chứ không chỉ ở căn cứ Aberdeen. Lực lượng đặc nhiệm nhận thấy rằng các vấn đề ban đầu chưa được phát hiện tại Aberdeen không phải là các biến cố cô lập. Ngoài việc phơi bày và trừng phạt những người bị kết tội lạm dụng tình dục hoặc che đậy, Lục Quân đã biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội, một cơ hội không những chỉ giải quyết khủng hoảng lạm dụng tình dục mà thôi, mà còn giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng: cách Lục Quân đào tạo các nhà lãnh đạo của nó và bầu khí các nhà lãnh đạo tạo ra trong các đơn vị của họ.

Sử dụng thông tin có được từ lực lượng đặc nhiệm, các nhà lãnh đạo cấp cao của Lục Quân đã tạo ra chính sách “tuyệt đối không khoan nhượng” (zero tolerance), cập nhật các quy định, thiết lập đường dây nóng lạm dụng tình dục và nhấn mạnh lại vai trò của hệ thống chỉ huy cũng như việc sử dụng Phân cục độc lập của hệ thống tổng thanh tra Lục Quân và Bộ tư lệnh điều tra hình sự. Hơn nữa, nhận ra rằng vụ tai tiếng là sản phẩm của các thực hành lãnh đạo và bầu khí đơn vị, Tướng Reimer dẫn đầu các nhà lãnh đạo cao cấp trong một cuộc thảo luận kéo dài về các giá trị của Lục Quân.

Kết quả là làm cho Lục Quân minh nhiên cam kết sống một bộ các giá trị hiện vẫn là một phần của các chương trình phát triển lãnh đạo trong nội bộ đơn vị hiện tại: giáo dục trước lúc phong cấp sĩ quan Quân đội tại West Point, các chương trình R.O.T.C. (Reserve Officer Training Corps = Đoàn Huấn Luyện Sĩ Quan Trừ Bị) toàn quốc và tại Trường Ứng viên Sĩ quan; hệ thống giáo dục chuyên nghiệp cho các sĩ quan và trung sĩ; và các khóa học tiền chỉ huy cho các sĩ quan và thượng sĩ (Command Sergeants Major), những người sắp đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy quan trọng. Các giá trị của Lục Quân cũng được dạy trong việc huấn luyện cơ bản của Lục Quân để tất cả các binh sĩ nhập ngũ hiểu được cách đối xử mà họ nên mong đợi và yêu cầu nơi các nhà lãnh đạo của họ. Lục Quân cuối cùng đã tạo ra một học viện chống sách nhiễu và tấn công tình dục và phòng chống tình dục (SHARP), nơi giáo dục và huấn luyện các chuyên gia về tấn công và sách nhiễu tình dục hiện đã được qui định trong toàn Lục Quân.

Để khôi phục lòng tin, Lục Quân đã phải vạch trần những hành vi lạm dụng, đưa cả những kẻ lạm dụng và những kẻ che đậy sự lạm dụng ra công lý, cam kết thực hiện các hành động ngắn hạn và dài hạn để ngăn chặn lạm dụng xảy ra một lần nữa và thực hiện tất cả những điều này một cách công khai và minh bạch. Lục Quân đã tổng hợp các hành động ngắn hạn và dài hạn thành một cách tiếp cận toàn diện nhằm tái lập kỳ vọng của Lục Quân sau đây (1) các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm bản thân về những gì họ làm hoặc không làm, (2), trong khi các nhà lãnh đạo thiết lập bầu khí trong các đơn vị họ chịu trách nhiệm, mọi người trong đơn vị chia sẻ trách nhiệm trong việc nhận diện tác phong lệch lạc, nghĩa là tác phong trái với các giá trị của Lục Quân và (3) các thủ tục báo cáo, điều tra và xét xử chính thức của tổ chức đóng vai trò như một kiểm tra, giúp đảm bảo các hành vi tiêu cực được phát hiện và xử lý. Tóm lại, Lục Quân đã tự cống hiến cho mình một lần nữa một bộ các tiêu chuẩn cá nhân, cộng đồng và định chế và các cơ chế cần thiết để chấp pháp các tiêu chuẩn đó.

Không có hành động nào trong số này, cá nhân hoặc tập thể, đã chấm dứt được mọi trường hợp tấn công hoặc sách nhiễu tình dục. Lục Quân vẫn đấu tranh với vấn đề này. Các vấn đề như thế này không được giải quyết bằng một giải pháp “một lần là xong”. Sự cảnh giác liên tục là điều cần thiết, đó là lý do tại sao cả ba bình diện tiêu chuẩn đều cần thiết. Phản ứng của quân đội đối với vụ tai tiếng Aberdeen cũng không phản ánh sự lãnh đạo hoàn hảo, vì trong một cuộc khủng hoảng kéo dài như thế này, rất có thể có những động cơ hỗn tạp, những biện pháp sai lỡ và lầm lẫn. Một số nhà lãnh đạo cấp cao ủng hộ việc tiết lộ đầy đủ, những người khác thì không. Một số hành động vì tư lợi, một số khác vì lợi ích của binh sĩ và xứ sở. Những loại tình huống này rất năng động và phức tạp, và liên quan đến một bình diện khó lường.

Tuy nhiên, cuối cùng, các nhà lãnh đạo cao cấp của Lục Quân đã thiết lập một cách rõ ràng và không hàm hồ điều mà Lục Quân mong đợi ở các nhà lãnh đạo của nó, tức các giá trị và tiêu chuẩn mà các nhà lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm phải giải trình và loại bầu khí mà các nhà lãnh đạo dự kiến phải thiết lập trong các bộ phận của Lục Quân do họ chịu trách nhiệm. Hơn nữa, Lục Quân đã thay đổi việc giảng dậy trong các chương trình giáo dục quân sự chuyên nghiệp, các chương trình chuẩn bị chỉ huy và các chương trình phát triển chuyên nghiệp trong đơn vị.

Các vị giám mục có thể làm như vậy.

Các câu hỏi khó chịu

Các giám mục Công Giáo của Hoa Kỳ đúng khi duyệt lại Hiến chương 2002 về việc Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên và các bản duyệt lại năm 2005, 2011 và 2018. Các sửa đổi được thảo luận trong hội nghị tháng 11 của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ mở rộng hiến chương để bao gồm các tiêu chuẩn áp dụng cho các giám mục và các thủ tục báo cáo và xử lý các hành vi sai trái của giám mục, bao gồm một ủy ban giáo dân đặc biệt gồm các nhà chấp pháp và điều tra độc lập cũng như các chuyên gia phục vụ xã hội để theo đuổi các cáo buộc. Cách tiếp cận gồm việc phối hợp các tiêu chuẩn với việc phân tích và thẩm quyền chấp pháp bên ngoài đã xác nhận điều mà hầu hết mọi người đều hiểu: rằng không ai trong chúng ta là thẩm phán tốt nhất cho hành động của chính chúng ta. Tất cả chúng ta đều bị những thành kiến và áp lực khi đưa ra các phán kết thực tế trong những tình huống phức tạp, bất luận liên quan đến các hành động của chính chúng ta, các hành động của những cộng sự viên thân thiết hay những người khác mà chúng ta đang có mối liên hệ. Nghĩa là, mỗi chúng ta và các tổ chức chúng ta tạo ra đều không hoàn hảo.
Đó là lý do tại sao Thomas Merton, trong Love and Living (Tình yêu và cuộc sống) (1979), nhắc nhở chúng ta rằng một lương tâm trưởng thành là một lương tâm biết nhìn nhận mình có thể sai lầm, mình cần phải khiêm tốn và thừa nhận mình cần những người khác có sẵn kiến thức và kinh nghiệm về các vấn đề hiện bàn, cũng như việc cầu nguyện, đức tin và tín thác vào Thiên Chúa.

Các chính sách và tiêu chuẩn hành chính cũng như các cơ chế điều tra và chấp pháp đều là những bước cần thiết để khôi phục niềm tin vào Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ. Mọi người đều mong đợi các định chế, tôn giáo hay không tôn giáo, không những chỉ tự mình làm cảnh sát cho mình mà còn sử dụng hỗn hợp cả luật pháp, các chính sách hành chính và các tổ chức “chó giữ nhà” (watchdog) phù hợp để đảm bảo rằng các định chế luôn trung thực với mục đích và giá trị cốt lõi của mình. Tuy cần thiết bao nhiêu đi nữa, các biện pháp này vẫn không đủ.

Giống như việc khôi phục niềm tin vào Lục Quân liên hệ tới nhiều điều hơn là chỉ cập nhật các quy định và các chế độ thanh tra / chấp pháp, việc khôi phục niềm tin vào Giáo Hội cũng đòi hỏi nhiều điều hơn. Các giám mục phải hỏi một số câu hỏi khó chịu, loại mà các nhà lãnh đạo cao cấp của Lục Quân đã phải hỏi sau vụ tai tiếng ở Aberdeen. Những câu hỏi này không thoải mái vì chúng cắt vào cốt lõi tính đáng tin cậy của tổ chức; chúng tạo thành một loại xét lương tâm tập thể của một tổ chức. Một mẫu loại câu hỏi mà các giám mục phải tự hỏi và hỏi Giáo Hội bao gồm các điều sau đây:

• Điều gì trong cách chúng ta đào tạo các linh mục và chọn lựa các giám mục đã để cho hàng thập niên lạm dụng cứ thế tiếp diễn và được che đậy khắp một phần rộng lớn của Giáo Hội như vậy?

• Điều gì trong quan niệm của chúng ta về lãnh đạo, khiến, dưới mắt nhiều người, chức vụ và cách được nhìn dường như quan trọng hơn người ta?

• Làm thế nào chúng ta có thể làm ngơ số lượng các cảnh báo và phản đối của giáo dân và người thụ phong về việc lạm dụng và che đậy kéo dài quá lâu và ở rất nhiều nơi khác nhau như thế?

• Điều gì trong cách chúng ta mô tả các nhà lãnh đạo thụ phong khiến cho không ít vị phát triển một cảm thức quá đáng về quyền lợi của mình?

• Điều gì trong các kỳ vọng của chúng ta về hàng giáo dân đã giản lược nhiều người (trong số họ) “thành những người tiếp nhận thụ động các hành động thánh của các vị thụ phong”?

• Điều gì đã khiến nhiều người có cái hiểu méo mó về nhân đức vâng lời?

• Có khoảng cách nào giữa các giá trị được Giáo Hội tán thành và các giá trị được Giáo Hội thực hành không? Nếu có, đâu là các khoảng cách, và tại sao chúng đã phát triển?

• Làm thế nào chúng ta có thể phát triển một cảm thức mạnh mẽ hơn về việc quản lý cá nhân và cộng đồng tại các giáo xứ và giáo phận để tạo ra một hệ thống miễn nhiễm chống lại các hành động lạm dụng, các lạm dụng quyền lực và mưu toan che đậy các hành động vi phạm các giá trị và mục đích đã được tán thành?

• Các linh mục và giám mục của chúng ta có lắng nghe đủ, không những các nạn nhân bị lạm dụng mà cả nhiều chuyên gia sẵn có và hiểu biết về nguyên nhân gốc rễ của việc lạm dụng tình dục và lạm quyền?

• Khi lãnh đạo các giáo xứ và giáo phận, các mục tử và giám mục của chúng ta tạo ra hay chỉ giả định số tín hữu?

• Làm thế nào để chúng ta thường xuyên kiểm tra bầu khí mục vụ tại các giáo xứ và giáo phận của chúng ta?

Nêu lên các câu hỏi này, và những câu hỏi khác giống như chúng, cũng như xử lý các câu trả lời và rút ra kế hoạch hành động, sẽ chứng minh rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội nghiêm túc trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng song sinh mà các vị đang gặp phải. Đây là loại hành động lâu dài, minh bạch khiến một định chế di chuyển từ phương thức “xin lỗi; bây giờ bạn có thể tin tưởng ở tôi” qua phương thức có thể tạo ra một định chế đáng tin cậy.

Một phương thức như vậy cũng có tính soi sáng, vì nó cho thấy việc tạo ra một định chế đáng tin cậy là vấn đề chính trực (integrity) về tổ chức, một tổ chức sẵn sàng làm điều mình nói (walk its talk). Tướng Reimer và các nhà lãnh đạo cao cấp khác của Lục Quân, do kinh nghiệm, biết rằng các binh sĩ và lãnh đạo cấp dưới tin tưởng các chỉ huy chính trực. Họ cũng biết rằng các định chế có thể có, hoặc thiếu, sự chính trực. Việc biết này khiến họ kết luận rằng để bảo vệ Lục Quân, họ phải phơi bày toàn bộ chiều kích của tác phong gây tai tiếng và buộc những người chịu trách nhiệm về nó phải giải trình. Họ biết rằng lòng tin tưởng không phát sinh từ việc che giấu sự thật mà từ việc sống theo sự thật.

Sự chính trực - và cơ hội

Vụ tai tiếng ở Aberdeen cho thấy tác phong định chế của Lục Quân thiếu tính chính trực, vì các hành động của họ không phù hợp với các giá trị đã được nó tán thành. Tất cả các nhà lãnh đạo Lục Quân, bất kể là hạ sĩ quan hay sĩ quan, đều được kỳ vọng sẽ đối xử với các binh sĩ dưới sự chăm sóc của họ một cách hợp nhân phẩm và tôn trọng. Trong mọi trường học, các nhà lãnh đạo được thông báo rằng họ phải chịu trách nhiệm về “sức khỏe, phúc lợi, tinh thần, hạnh phúc và cuộc sống” của các binh sĩ trong đơn vị của họ. Đây là một trong “những chỉ thị hàng đầu” của giới lãnh đạo Lục quân. Vụ tai tiếng ở Aberdeen cho thấy rõ rằng, ít nhất trong một số bộ phận của Lục Quân, các nhà lãnh đạo đã nói một đàng nhưng đã làm một nẻo. Tác phong như vậy là biểu hiện thể lý của một định chế thiếu sự chính trực và là một định chế, trong Lục Quân, bị đánh giá là không xứng đáng được một người lính hay người lãnh đạo tin tưởng. Và khi một tổ chức hoặc một định chế trở nên không đáng tin cậy, mọi loại năng động tính tiêu cực bắt đầu diễn trò. Trở thành một định chế đáng tin cậy nghĩa là tái lập sự chính trực cho một tổ chức, và điều này, như Lục Quân đã phát hiện ra, đòi phải kết hợp hành động ở các bình diện cá nhân, cộng đồng và định chế.

Có cơ hội trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng song sinh đang đặt ra cho Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ, giống như đã có cơ hội cho Lục Quân giữa vụ tai tiếng ở Aberdeen. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thụ phong và giáo dân của Giáo Hội, nhất là các giám mục, phải nắm lấy cơ hội này. Thiên Chúa đã ban các kỹ năng và kinh nghiệm cho mỗi cá nhân chúng ta và cho mọi người chúng ta một cách tập thể để chúng ta cùng nhau thăng tiến Nước Thiên Chúa trên trái đất cũng như trên trời. Khi chúng ta hiến mình, chúng ta sẽ giúp bầy tỏ lời lẽ và việc làm của Thiên Chúa trong cuộc sống cá nhân, cộng đồng và định chế của chúng ta. Bầy tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa là cơ hội mà các cuộc khủng hoảng song sinh đã mở ra cho Giáo hội.

Hai đề xuất được thảo luận tại hội nghị tháng 11 của các giám mục – thiết lập (1) các tiêu chuẩn áp dụng cho các giám mục và (2) các thủ tục báo cáo và xử lý các hành vi sai trái của giám mục bao gồm một ủy ban giáo dân đặc biệt gồm chuyên viên chấp pháp và điều tra độc lập cũng như các chuyên gia dịch vụ xã hội để theo đuổi các lời cáo buộc, dù cần thiết bao nhiêu đi nữa, cũng vẫn không đủ. Khi thực hiện hai đề xuất này, các giám mục sẽ tiến hành một bước mạnh mẽ ở bình diện định chế. Sau đó là các bước khác: ở các bình diện bản thân và cộng đồng.

Các bước này sẽ đòi phải thu thập dữ kiện nhờ việc nêu ra một loạt các câu hỏi đúng về nhiều loại người Công Giáo khác nhau trên khắp Hoa Kỳ, phân tích các dữ kiện này, sau đó hành động bằng cách biến đổi các thực hành lãnh đạo và quản trị với mục tiêu khôi phục và tái lên sinh lực cho sự đáng tin cậy của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ. Khi thực hiện các bước này, các giám mục phải mời sự cộng tác của các chuyên gia về lãnh đạo và quản trị, như Leadership Roundtable (Bàn Tròn Lãnh Đạo). Một số giám mục đã tìm kiếm loại cố vấn này, nhưng một cuộc đối thoại toàn diện và có cấu trúc hơn là điều cần thiết.

Mátthêu 25: 16-18 nói về ba người đầy tớ được chủ ủy thác tài sản của mình: “Người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ”. Hai người đầy tớ đầu tiên đã mạo hiểm nhân danh chủ nhân của họ. Bây giờ là thời gian để mọi người chúng ta, giáo dân và người thụ phong, chấp nhận rủi ro tương tự nhân danh Chúa và Giáo hội của Người.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net//co-the-ap-dung-phuong-thuc-quan-su-vao-viec-giai-quyet-nan-giao-si-lam-dung-tinh-duc-chang/