Trích từ Dân Chúa

Cha Adolfo Nicolás SJ, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, qua đời

Hoài Thương

Cha Adolfo Nicolás, SJ, người Tây Ban Nha, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên từ năm 2008 đến năm 2016 đã được Chúa gọi về thứ Tư, ngày 20 tháng 5 năm 2020 tại Tokyo, Nhật Bản.

“Để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân đòi hỏi ta phải trao ban tất cả, đây chính là cốt lõi của ơn gọi Dòng Tên và đây cũng chính là điều tạo nên chiều sâu trong các mối tương quan”. Với những lời này, cha Adolfo Nicolás đã mô tả về sứ mạng của Dòng Tên. Cha Arturo Sosa Abascal, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên cũng đã viết một lá thư thông báo về sự ra đi của cha Nicolás rằng: “Với một trái tim đau đớn, nhưng cũng đầy lòng biết ơn. Chúng ta sẽ không bao giờ quên hai cụm từ mà Cha Nicolás thường xuyên lặp lại với chúng ta và nó thực sự là điều truyền cảm hứng cho chúng ta trong việc canh tân Dòng Tên, đó là ‘tính phổ quát’ (về sự phát sinh ơn gọi của chúng ta) và ‘chiều sâu’ (về thiêng liêng và tri thức, trong khuôn khổ sứ mạng của chúng ta)”.

“Biểu hiện tinh tuyền nhất của tình yêu Thiên Chúa chính là tình yêu của một người mẹ dành cho con mình. Không có gì tinh tuyền hơn tình yêu đó, bởi vì nó đòi hỏi tất cả mọi thứ. Và chính tình mẫu tử này làm cho đứa trẻ lớn lên, một tình yêu hoàn toàn và vô điều kiện.” (Cha Adolfo Nicolás)

frAdolfo-Pope.jpg
Cha Adolfo Nicolás, SJ với ĐTC Phanxicô

Cha Adolfo Nicolás sinh ngày 29 tháng 4 năm 1936, tại Villamuriel de Cerrato, Tây Ban Nha. Ngài gia nhập Dòng Tên và vào Tập Viện tại Aranjuez năm 1953. Hành trình được đào tạo và công viêc mục vụ của ngài được gắn kết một cách đặc biệt với châu Á và Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp ngành Triết học, tại Tây Ban Nha, ngài được gửi đi học thần học tại đại học Sophia, Tokyo từ năm 1964 đến năm 1968. Tại thủ đô của Nhật Bản, ngài được phong chức linh mục vào ngày 17 tháng 3 năm 1967. Năm 1971, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học tại đại học Giáo hoàng Gregoriana, Roma và sau đó ngài trở về giảng dạy thần học hệ thống tại Đại học Sophia. Từ 1978 đến 1984, ngài được bổ nhiệm làm giám đốc Viện Mục vụ Manila tại Philippines. Từ 1991 đến 1993, ngài làm viện trưởng viện thần học Dòng Tên tại Tokyo và sau đó được bổ nhiệm làm Giám tỉnh của tỉnh Dòng Tên Nhật Bản. Ngài được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền thứ ba mươi của Dòng Tên vào ngày 19 tháng 1 năm 2008, kế vị cha Peter Hans Kolvenbach người Hà Lan. Kể từ ngày 14 tháng 10 năm 2016, người đứng đầu mới của Dòng Tên là Cha Arturo Sosa Abascal, người Venezuela.

Dòng Tên không phải là một Giáo hội trong Giáo hội

Khi kết thúc Tổng Hội lần thứ 35 vào ngày 15 tháng 3 năm 2008, tại Roma, cha Adolfo Nicolás đã nhắc nhớ bằng những lời này như là sứ mạng của Dòng Tên. Trong một bài phỏng vấn với phóng viên của Radio Vatican, ngài nói:

Như một Hội Dòng, chúng tôi đã cố gắng suy tư về mối tương quan phục vụ của chúng tôi với Đức Thánh Cha; chúng tôi đã suy nghĩ và soạn thảo một tuyên ngôn, trong đó chúng tôi tái khẳng định rằng đặc sủng của chúng tôi là một đặc sủng phục vụ trong Giáo hội. Chúng tôi không phải là một Giáo hội song song và chúng tôi không phải là một Giáo hội trong Giáo hội: chúng tôi là một phần của Giáo hội, chúng tôi là một nhóm nhỏ tìm kiếm việc phục vụ. Chúng tôi muốn xác nhận lại điều này. Đây là điều cốt yếu trong ơn gọi của chúng tôi. Và tất nhiên là vì thế mà chúng tôi muốn tái khẳng định sự hiệp thông của chúng tôi với Đức Thánh Cha. Vì sao chúng tôi muốn làm điều đó một cách rõ ràng như vậy? Bởi vì, vẫn còn có ai đó trong Giáo hội nghĩ rằng chúng tôi không thực sự trung thành và vâng lời. Tôi tin rằng những suy nghĩ này là không thể tránh khỏi. Đối với tôi, việc người ta có suy nghĩ như thế thì không phải là vấn đề, nhưng sẽ là vấn đề nếu những suy nghĩ này là đúng”.

Nhận diện Dòng Tên

Cũng trong cuộc phỏng vấn với phóng viên của Radio Vatican năm 2008, năm Ngài được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, cha Nicolás cũng nhắc về “nhận diện Dòng Tên” rằng: “Hình ảnh, nhận diện Dòng Tên mà chúng tôi nghĩ đến và mong muốn đó là hình ảnh của những con người ý thức việc mình được mời gọi tham dự vào một sứ mạng khó khăn. Ngày nay, Giáo hội cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong thế giới, trong đối thoại với thế giới và đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, chúng tôi mong muốn trở thành những người đi đến những vùng biên: biên giới của văn hóa, của khoa học, của vô thần, của các tôn giáo khác, đến với tất cả các biên giới. Do đó trở thành một tu sĩ Dòng Tên - luôn luôn là điều khó khăn - nhưng ngày nay điều đó càng trở nên khó hơn. Đó là sứ mạng khó khăn đòi hỏi sự sẵn lòng tuyệt đối và sự linh động mới mẻ và bắt buộc”.

Hoạt động tông đồ tri thức

Trong một đoạn khác của cuộc phỏng vấn năm 2008, cha Nicolás nhấn mạnh vào hoạt động tông đồ tri thức, ngài nói: “Cá nhân tôi thích cải tổ việc lao động tri thức với những yếu tố về chiều sâu. Nó không chỉ là việc nghiên cứu, không chỉ là viết sách, không chỉ là làm việc giảng dạy trong một trường đại học, nhưng cần phải đi sâu vào trong mọi vấn đề. Suy nghĩ của tôi là, trong bất cứ môi trường nào chúng ta cũng cần phải hành động cách sâu sắc: dù chúng ta làm việc trong một giáo xứ hay trong một công việc mục vụ khác, trong một trường đại học hay trong một học viện hoặc một trung tâm linh đạo, thì chúng ta luôn phải hướng đến chiều sâu của công việc. Một trong những vấn đề lớn nhất của Giáo hội là vấn đề chăm sóc mục vụ. Thường là thiếu chiều sâu, thiếu năng lực để giúp cho người giáo dân có cơ hội phát triển bản thân. Chúng tôi nghĩ rằng điều này luôn đòi hỏi lao động tri thức, nghĩa là đi đến những ranh giới của con người, đến với trái tim của người ta, đến với sự triển nở của người ta, đối thoại với văn hóa và cách thức mà văn hóa đi vào đời sống của người Kitô hữu. Đây là một lĩnh vực quan trọng. Những người có thể làm điều này bắt buộc phải bước vào môi trường giáo dục, bước vào các trường đại học. Tại trường đại học họ có thể dấn thân vào đối thoại với các chuyên gia thuộc những chuyên ngành riêng của họ về thế giới trần thế, để từ đó tìm ra sự nhân bản hóa của khoa học cũng như trong các lĩnh vực khác”.

Lời cầu nguyện được viết bởi Cha Nicolás

Cha Arturo Sosa viết trong thư gửi đến toàn thể anh em Dòng Tên rằng “Cách tốt nhất để nhớ về Cha Adolfo Nicolás có lẽ là thông qua một lời cầu nguyện nhỏ được viết bằng tiếng Ý, bởi chính tay cha Nicolás. Lời nguyện được viết sau một khóa linh thao tám ngày của cha với Ban cố vấn vào năm 2011”. Lời nguyện như sau:

Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con không biết
Chúa đã thấy những yếu đuối nào nơi chúng con,
đã làm Chúa nghĩ đến việc kêu gọi chúng con, dù bất toàn, vào sứ vụ của Chúa.
Chúng con cảm tạ Chúa về lời mời gọi này,
và Chúa nhớ là đã hứa ở với chúng con luôn mãi.
Chúng con đã trải qua đêm dài vất vả luống công,
có lẽ bởi vì chúng con quên là có Chúa ở cùng.
Xin Chúa hiện diện trong cuộc sống và công việc của chúng con
hôm nay, ngày mai và cả tương lai.
Xin đong đầy cuộc sống chúng con bằng Tình Yêu Chúa,
cuộc sống mà chúng con hằng ước mong dâng hiến để phục vụ Chúa.
Xin cất khỏi lòng chúng con những gì là cục bộ và quy kỷ,
thiếu cảm thông và ít niềm vui.
Xin soi sáng tâm trí và con tim chúng con.
Và xin đừng quên làm chúng con mỉm cười khi mọi sự không như ý.
Xin cho mỗi ngày qua đi, chúng con lại được gắn kết với Chúa hơn,
và có thể nghiệm ra nhiều niềm vui và hy vọng quanh mình hơn.
Chúng con cầu xin bằng con người thật của mình, yếu đuối và tội lỗi,
nhưng chúng con là bạn hữu của Chúa. Amen.

Thánh lễ tưởng nhớ cha Adolfo Nicolás sẽ được cử hành bởi cha Bề Trên Tổng Quyền vào thứ bảy ngày 23 tháng 5, lúc 10:30 tại Nhà Thờ Giê-su, Roma.

Hoài Thương - CTV Vatican News

URL: http://danchuausa.net//cha-adolfo-nicolas-sj-cuu-be-tren-tong-quyen-dong-ten-qua-doi/