Trích từ Dân Chúa

10 sự kiện tiêu biểu của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trong năm 2019

Chân Phương

1. Nhà cầm quyền Sài Gòn hứa sẽ không giải tỏa Nhà thờ giáo xứ Thủ Thiêm và Nhà dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Hồi tháng 2 nhân dịp Tết Kỷ Hợi, truyền thông nhà nước dẫn lời bí thư thành phố là ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng “sẽ giữ nguyên hiện trạng các công trình này”. Tuy nhiên, đến tháng 7, lại có tin tức nói rằng thành phố cho người đến vận động Nhà thờ Thủ Thiêm giao đất để làm đường ven sông Sài Gòn. Thế mới biết mảnh đất Thủ Thiêm không dễ gì mà các nhóm lợi ích của bộ máy cầm quyền chịu buông tha.

2. Ngày 10 tháng 5, Giáo phận Bùi Chu ra thông báo sẽ hạ giải nhà thờ chính tòa Bùi Chu để xây mới. Đây là nhà thờ được xây dựng từ năm 1884 bởi Đức Giám Mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận, qua trùng tu mấy lần nhưng đến nay đã xuống cấp trầm trọng và giáo phận cho rằng không thể giữ được nữa. Nhiều giáo dân mỗi khi đến nhà thờ dự lễ hoặc cầu nguyện rất lo lắng, bởi vật liệu cũ có thể rơi trúng đầu, gây nguy hiểm. Tuy vậy, quyết định hạ giải nhà thờ chính tòa Bùi Chu cũng gây ra nhiều tranh luận sôi nổi, giữa nhóm muốn bỏ đi để bảo vệ tính mạng giáo dân và nhóm muốn giữ lại để bảo vệ di sản. Điều đáng chú ý là nhân vụ việc này mà nhà cầm quyền Việt Nam đã đánh tiếng là muốn gom hết các nhà thờ Công Giáo cổ kính vào nhóm “di sản cấp quốc gia”. Mà đã là di sản thì tất nhiên từ đó thuộc về nhà nước. Cho đến nay, chỉ có mỗi Nhà thờ chính tòa Phát Diệm là bị rơi vào tròng di sản này mà thôi.

3. Ngày 10 tháng 6, Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi thư đến Cộng đồng dân Chúa để nói về một số lưu ý trong đời sống đức tin. Trong bức thư này, các ngài cho biết đang tồn tại và có chiều hướng gia tăng những hiện tượng và những cách thực hành đạo đức không xứng hợp với Đức tin Công Giáo. Cụ thể là: tin dị đoan, ma thuật, bói toán; phổ biến những tư tưởng lệch lạc như Sứ điệp từ trời, Lòng Mẹ thương xót...; lạm dụng một số cử hành đạo đức của Hội Thánh như Lòng Chúa thương xót, đặc sủng chữa lành bệnh nhân, đặt tay cầu nguyện… Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra những định hướng mục vụ cụ thể, dựa trên các văn kiện của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích và Bộ Giáo lý Đức tin để giúp giáo dân sống đức tin một cách đúng đắn theo giáo huấn của Hội Thánh.

4. Đại hội lần thứ XIV của Hội đồng Giám mục Việt Nam diễn ra từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 4 tháng 10 tại giáo phận Hải Phòng, với sự tham dự đông đủ các giám mục của 27 giáo phận. Các Đức Giám Mục đã bầu mới Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc cho nhiệm kỳ 2019 - 2022. Dịp này, Giáo phận Hải Phòng cũng cho khánh thành tòa nhà trung tâm mục vụ của giáo phận vô cùng khang trang và bề thế.

5. Vụ 39 người Việt thiệt mạng trong một chiếc xe tải ở Anh Quốc được phát hiện vào hôm 23 tháng 10, đã gây bàng hoàng và sửng sốt cho toàn thế giới. Trong số các nạn nhân, đa phần là những người trẻ tuổi và có tín hữu Công Giáo. Họ lên kế hoạch đi tìm một vùng đất mới để cải thiện đời sống nhưng đã không được trọn ý vẹn toàn. Vụ việc này đã khiến Đức Thánh Cha Phanxicô trăn trở và đau lòng. Sau đó, chính ngài đã gửi một sứ điệp video đến Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Miền Bắc Việt Nam để đề cập đến một chủ đề liên quan đến “Nhà”. Ngài kêu gọi giới trẻ, dù đi đâu thì vẫn hãy quan tâm và luôn hướng về nhà, về gia đình của mình.

6. Hàng ngàn người Công Giáo Việt Nam đã sang Bangkok để được nhìn thấy Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du của ngài đến Thái Lan từ ngày 21-22 tháng 10. Được gặp Đức Thánh Cha là mong mỏi của rất nhiều giáo dân Việt Nam. Họ đã rất xúc động và bật khóc dù chỉ được nhìn thấy ngài từ xa. Nhưng niềm vui xen lẫn chút ngậm ngùi, vì các anh chị em hành hương này dù đang ở Thái Lan, là đất khách, nhưng Việt Nam canh cánh bên lòng. Và luôn tồn tại một câu hỏi: “Bao giờ thì mình mới có thể gặp Đức Thánh Cha ngay tại mảnh đất quê hương?”

7. Năm vừa qua, có một số nguồn tin đồn thổi về việc bổ nhiệm, thuyên chuyển các giám mục Việt Nam, mặc dù Tòa Thánh chưa hề công bố quyết định ra công chúng. Đây là những tin tức nặc danh được loan truyền trên internet và mạng xã hội, khiến cho tín hữu Công Giáo hoang mang và xáo động. Cần nhớ rằng, quá trình bổ nhiệm giám mục bị ràng buộc bởi tính bảo mật nghiêm ngặt, liên quan đến một số nhân vật quan trọng, và có thể tốn thời gian thường từ tám tháng hoặc hơn để hoàn thành. Loại tin rò rỉ nặc danh như vậy làm ảnh hưởng đến uy tín của Tòa Thánh và nhất là gây trắc trở cho tiến trình đàm phán giữa Tòa Thánh và phía nhà cầm quyền Việt Nam.

8. Kỷ niệm 60 năm khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tà Pao. Tượng Đức Mẹ trên núi Tà Pao là một trong 5 tượng đài Đức Mẹ được cố Tổng thống Ngô Đình Diệm cho đặt ở Miền Trung, Miền Nam và Cao nguyên Trung phần trong các năm 1959, 1960 và 1961. Lễ Cung hiến và khánh thành tượng Đức Mẹ Tà Pao được cử hành ngày 8 tháng 12 năm 1959 do Đức Cha Paul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi(Giám mục giáo phận Nha Trang bấy giờ) cử hành, với sự chứng kiến của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn giáo dân. Sự kiện này một Đại lễ tôn giáo tầm cỡ quốc gia lúc bấy giờ ở Việt Nam Cộng Hòa. Hiện nay, Tà Pao là một trung tâm hành hương lớn của người Công Giáo Việt Nam kể từ khi bức tượng này được phát hiện lại vào năm 1999, cùng những câu chuyện phép lạ và ơn lành thông qua Mẹ Tà Pao.

9. Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam” trong hai ngày 25 và 26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn. Đây là dịp để Giáo hội Việt Nam và những nhà nghiên cứu xã hội cùng nhau thảo luận về vai trò của các vị thừa sai trong việc hình thành nên chữ Quốc ngữ, và tầm quan trọng của loại chữ viết này trong lịch sử Việt Nam. Đang khi có những thành phần cực đoan chống phá Công Giáo, họ phủ nhận chữ Quốc ngữ và muốn chủ trương quay về chữ Hán, thì nhiều tổ chức xã hội, cơ quan báo chí Việt Nam đã lên tiếng bênh vực và ghi ơn công lao của những người tạo ra chữ Quốc ngữ.

10. Bổ nhiệm và từ nhiệm giám mục:

- Ngày 26 tháng 1, Đức cha Laurensô Chu Văn Minh, giám mục hiệu toà Thinisa in Numidia được được từ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Hà Nội.

- Ngày 14 tháng 9, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương từ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Đà Lạt. Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, giám mục phó kế nhiệm giám mục chính tòa.

- Ngày 19 tháng 10, Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục Phát Diệm được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Sài Gòn.

- Ngày 3 tháng 12, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám Mục Phụ Tá và giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Sài Gòn được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa Phan Thiết.

Chân Phương

URL: http://danchuausa.net//10-su-kien-tieu-bieu-cua-giao-hoi-cong-giao-tai-viet-nam-trong-nam-2019/