Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phép Lạ Thánh Thể ở Slavonice, Tiệp Khắc, năm 1280

§ Dân Chúa

Phép lạ Slavonice được mô tả rất đơn giản. Vào năm 1280, một du mục, dẫn đàn vật ra cánh đồng ở ngoài thành phố. Ông ngạc nhiên thấy một ngọn lửa huyền diệu cháy trên các bụi cây mọc trên các đống đá. Ông tới gần quan sát, thấy Mình Thánh Chúa ở giữa ngọn lửa mà không bị lửa và hơi nóng thiêu hủy. Ông vội trở về trình báo với một vị linh mục trong giáo xứ gần đó. Được cấp báo, vị linh mục vội vã đến tại chỗ nhìn tận mắt hiện tường lạ lùng này và vị linh mục xác nhận Bánh Thánh đang ở giữa đống lửa là Mình Thánh Chúa thật. Vị linh mục lấy Mình Thánh Chúa đặt trong một chiệc hộp bằng vàng để rước về nhà thờ. Vị linh mục cho biết đã có một tên trộm vào nhà thờ ăn cắp đã lấy chiếc hộp quí giá để Mình Thánh trong một đêm tối trời cách đây một năm trước. Người ta không biết thủ phạm là ai. Nhưng chắc chắn là tên thủ phạm đã đổ ra lấy chiếc hộp quí và vất Mình Thánh Chúa tại đây.

Vị linh mục đặt Mình Thánh Chúa vào hộp mà ngài đem theo. Rồi cùng với những người giáo dân theo ngài tới chứng kiến phép lạ tại chỗ, rước Mình Thánh Chúa về thánh đường tại thành phố cách đó không xa. Khi về tới cổng thánh đường tại thành phố thì lạ lùng thay, Mình Thánh Chúa đã biến mất khỏi hộp! Người ta lại thấy Mình Thánh Chúa bay trong ngọn lửa trên đống đá. Vị linh mục trở lại và lấy Mình Thánh Chúa đặt trong hộp và lại rước về nhà thờ. Nhưng lạ lùng quá sức! Mình Thánh Chúa lại bay trở lại chỗ cũ. Vị linh mục và đoàn giáo dân như được ơn trên soi sáng, vị linh mục cùng mọi người hiện diện đọc kinh và hứa là sẽ xây một đền thờ trên mảnh đất xẩy ra phép lạ này. Sau đó mới rước Mình Thánh Chúa về được và đặt tại nhà thờ giáo xứ trong thành phố Slavonice của Tiệp Khắc ngày nay.

Lời hứa được giữ đúng, ngay sau đó không lâu, một ngôi nhà nguyện xinh đẹp đã được xây cất ngay trên đống đá. Từ đó, hằng năm đã có rất nhiều cá nhân cũng như đoàn thể hành hương tới kính viếng, cầu nguyện và rất nhiều người đã được những ơn lành hồn xác. Các vị giám mục sau này như Đức Cha Dietrich của Olmutz, Đức Cha Grêgory, Giám mục của giáo phận Praha đã khuyến khích và ban nhiều ân xá cho những người tới hành hương cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa nơi ngôi nhà nguyện xinh đẹp này.

Tới thế kỷ thứ 15, khi phái Huss chủ trương phải rước Chúa dưới hai hình bánh rượu xâm chiếm lãnh địa, gieo rắc sự tàn phá và lạc đạo. Nhà nguyện quí giá này bị phá hủy bình địa, mặc dầu dống đá nhỏ còn tồn tại. Sau khi phái Huss rút lui, tới năm 1476, giáo dân lại xây cất ngôi nhà nguyện xinh đẹp khác cũng ngay trên đống đá cũ. Nhà nguyện được Đức Cha Olmutz thánh hiến và ngài đặt tên là thánh đường Mình Thánh Chúa Kitô. Cũng như ngôi nhà nguyện trước, thánh đường mới cũng nhỏ nên không thể nào đủ chỗ để dung nạp những đoàn người hành hương đông đảo từ nhiều nơi xa xôi tới. Tới năm 1491, đức giám mục giáo phận lại cho phép nối rộng và dài ra hơn để có thể tương đối đáp ứng với nhu cầu đòi hỏi. Và vì số người hành hương tới tôn kính Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày một đông nên Đức Thánh Cha đã ban ơn toàn xá cho tất cả những ai tới đây kính viếng Thánh Thể Chúa với lòng ăn năn thống hối và dâng lễ, rước Chúa thì được Ơn Toàn Xá. Nhờ đặc ơn toàn xá này, khách hành hương đến đông đến nỗi phải có nhiều linh mục hiện diện thường xuyên để lo việc phụng vụ, nhất là việc giải tội và cho rước lễ thường xuyên.

Đặc biệt trong ngôi thánh đường là Bàn Thờ Ơn Thánh. Đây là vật quí giá nhất của thánh đường vì Bàn Thờ Ơn Thánh này đã được dựng lên ngay trên đống đá xưa, chính nơi đã xẩy ra phép lạ và đã được bảo trì một cách rất chu đáo. Hằng ngày, thánh lễ cũng được cử hành ngay trên bàn thờ này. Trên Bàn Thờ Ơn Thánh, người ta tạc hai thiên thần bằng đá trắng, đang thờ lạy Thánh Thể Chúa, có lửa và những tia sáng bao quanh. Trong nhà thờ, người ta trang hoàng một phù điêu lớn diễn tả người du mục chỉ tay về những ngọn lửa trên đống đá, với đoàn rước mang biểu ngữ từ cửa nhà thờ tiến lên.

Ngày nay tại thành phố này, giáo dân vẫn còn long trọng tổ chức kỷ niệm phép lạ Thánh Thể trong ngôi thánh đường này. Người địa phương gọi là ngày lễ Bauern-Feuerfest, có nghĩa là lễ Lửa của Người miền quê.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Xin Chúa ban thêm Đức Tin cho chúng con,
để chúng con sốt sắng rước lễ mỗi ngày
để chúng con được sống trong Chúa,
để Chúa luôn sống trong chúng con.
Chúng con yêu mến Chúa luôn mãi, muôn đời.
Amen.

Đọc nhiều nhất Bản in 24.04.2007. 10:41