Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương VIII: Cuộc Hành Trình Kết Thúc

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

PHẦN BA

Người thợ nề qua đời sau khi đã đặt nền móng cho một công trình kiến trúc đồ sộ, đó là người sáng lập hơn là người hoàn thành công trình đó.

Thánh Phêrô Giulianô Eymard, tháng mười một, 1866

Chương VIII: Cuộc Hành Trình Kết Thúc

....và mưa cứ rơi.

Tổng Tu Nghị Đầu Tiên

Cha Eymard quyết định trở về quê hương bằng đường bộ để tránh những đêm mất ngủ và những ngày suy nhược làm cha vật vã mỗi khi đi đường biển, tuy nhiên cha cũng không hoàn toàn dễ chịu vì xe ngựa làm cha bị xóc và đường đi nhiều bụi bặm. Cha đến Lyons sau khi ghé thăm bà chị ở La Mure, và hoàn toàn kiệt sức khi vào nghỉ ở nhà một người bạn thân, bà Jordan và gia đình bà. Vào giữa tháng tư 1865, cha trở về Paris sau thời gian đi xa khỏi cộng đoàn hơn 5 tháng dài để lo vụ Giêrusalem. Ngày 22 tháng đó, cha viết:

“Tôi lại phải lao đầu vào thế giới của công việc và những cuộc thăm viếng. Nguyện Chúa được chúc tụng. Tuy nhiên tôi hơi chán nản vì ngay khi về đến nơi tôi bị cúm cho nên phải ở nhà và miễn cưỡng làm việc.”

Công việc khẩn cấp đầu tiên là triệu tập tổng tu nghị gồm những thành viên đã tuyên khấn của hội dòng để thông qua lần cuối Hiến Pháp và tiến hành bầu cử Bề Trên Tổng Quyền. Cha viết cho mỗi thành viên để báo cho họ biết tu nghị sẽ được tổ chức ở cộng đoàn Paris, cha cũng cho họ biết lịch trình tu nghị.

Thư từ của cha trong suốt thời kỳ này cho thấy có sự soi sáng trong việc chuẩn bị tâm hồn cha khi tu nghị lịch sử ấy đến gần. Cha viết cho bà Andigne:

“Tổng tu nghị...để bầu ra Bề Trên sẽ tiến hành ngày 3 tháng 7. Tôi hy vọng nhờ đó mà tôi được giải thoát khỏi trách nhiệm nặng nề này, và sung sướng thấy mình chỉ là một tu sĩ chuyên lo việc bổn phận của mình; tôi đã chiến đấu trong suốt 8 năm qua. Chỉ cần một chỗ dưới chân Chúa chúng ta... sẽ làm cho linh hồn khốn khổ của tôi được bổ dưỡng và dứt bỏ khỏi nhiều điều lo lắng.”

Trong thư gởi cha Chanuet, cha cũng chia sẻ những tình cảm tương tự:

“Trong suốt 4 năm lo việc thành lập [Hội Dòng], tôi đã có kinh nghiệm về mọi thử thách. Giờ đây Hội Dòng đã được phê chuẩn và tiến bước; sứ vụ của tôi đã hoàn thành.”

Với người cộng tác lâu dài của mình là cha De Cuers, hai người đã đồng hành với nhau từ ngày đầu tiên thành lập hội dòng, và tình bạn có lúc xáo trộn như những chuyến du hành trên biển mà cha Eymard rất ngán ngại, cha viết:

“Xin cha cho tôi niềm an ủi được luôn là một tu sĩ bình thường với sự cô tịch nào đó. Một người nào khác giờ đây có thể hướng dẫn hội dòng... Người này gieo, người khác gặt! Tôi xin cha một ân huệ và vì tình bạn mà đừng đặt tôi vào vị trí đó. Tôi sẽ vâng lời bất cứ ai được bầu như là người đại diện Đức Giêsu Kitô.”

Sau ba ngày tĩnh tâm để chuẩn bị tổng tu nghị, cha Eymard được bầu làm bề trên suốt đời vì chỉ trừ một phiếu trắng còn tất cả các phiếu dồn cho một mình cha, dù có sự nài xin rút lui của cha Eymard và sự bực bội của cha De Cuers. Cha Eymard tin chắc chắn mình sẽ không bị bầu lại, nên khi kết quả được loan báo cha bỡ ngỡ xin được miễn dù anh em đặt trọn sự tín nhiệm vào sự lãnh đạo của cha. Cha lui về chỗ thanh vắng trong lúc những người khác đi đến nhà nguyện hát bài Te Deum để tạ ơn Thiên Chúa.

Cuối cùng nhận thấy rõ ràng đó là ý Chúa và ước muốn quá mạnh của anh em trong dòng, cha can đảm lãnh nhận việc chăm sóc và phát triển hội dòng, công việc mà cha mô tả cho Marguerite Guillot như là “vắt kiệt” sức của cha.

Ngoài công việc của hội dòng, cha còn lo lắng cho bà chị Marianne đang ngã bệnh nặng. Ngày 16 tháng 7 năm 1865 cha viết cho chị:

“Tin chị bị bệnh làm em buồn lắm. Em không thể chạy ngay về La Mure để thăm chị được vì em đang họp Tổng Tu Nghị....Trong 10 ngày liền em không có một phút nào rảnh. Chị thân mến, em cầu nguyện nhiều với Chúa chúng ta để Người an ủi và chữa lành chị; em chỉ còn lại một mình chị trên cõi đời này. Em biết rằng sống ở thiên đàng thì hay hơn sống ở trần thế đáng thương này....Em không biết khi nào em mới được rảnh, nhưng em định sẽ về thăm chị sớm nhất, có lẽ trong vòng hai tuần nữa.”

Sau khi đi hành hương ba ngày ở Đền Đức Mẹ La Salette để cầu nguyện cho chị, ngày 1 tháng 8, cha về thăm và thấy chị đã thuyên giảm đôi chút. Khoảng một tuần lễ sau, cha trở về Paris thì được tin tình trạng của chị trở nên xấu đi, cha vội vàng giải quyết công việc rồi quay về La Mure với chị. Trong thư gởi Marguerite Guillot, đề ngày 8 tháng 9 năm 1865, cha viết:

“Sáng nay tôi dâng Thánh Lễ trong phòng chị ấy và đã cho chị rước lễ; chị vui mừng và tôi cũng thế. Buổi chiều chị đau dữ dội và đến tối thì hoàn toàn kiệt sức. Bà chị khốn khổ của tôi...Dường như thiên đàng đang gọi chị ấy.”

Ba ngày sau, ngày thứ hai 11 tháng 8, cha lại đến đền Đức Mẹ La Salette để nài xin Đức Mẹ phù hộ chị Marianne. Từ đó cha đi xuống miền Nam đến đền Đức Mẹ Laus, và sau đó ít ngày cha viết:

“Chúng tôi đến viếng Đức Mẹ Laus ngày thứ tư 13 khi chị tôi gần qua đời; nhưng chị đã hồi phục sau 3 giờ tái phát nghiêm trọng.

“Giờ đây chị đã khỏe hơn, chứng ho chấm dứt khi chúng tôi từ đền Đức Mẹ Laus trở về. Đêm hôm ấy tôi xức cho chị một ít dầu lấy từ ngọn đèn trên bàn thánh ở đền Đức Mẹ Laus. Chị đã qua đêm bình an và sáng hôm sau không còn ho nữa. Lúc đó, tôi xức dầu thánh cho chị và có cùng kết quả. Tôi nghĩ tôi có thể trở về nhà dòng vào cuối tuần này.”

Khi chị Marianne đã qua cơn hiểm nghèo, Cha Eymard trở về Paris tiếp tục công việc để lại sau lưng và đang chờ cha giải quyết.

Bên Ngoài Nước Pháp

Giờ đây khi vấn đề cơ sở ở Giêrusalem không còn đặt ra nữa, cha Eymard quan tâm đến một yêu cầu đã có từ lâu, đó là việc thành lập một cộng đoàn ở Brussels. Cha đã đến Bỉ nhiều lần để thi hành sứ vụ rao giảng, và qua những lần thăm viếng ấy cha đã gặp được một phụ nữ giàu có, bà De Meeus, bà này nóng lòng muốn cha Eymard thành lập hội dòng Thánh Thể ở Brussels. Cha gặp bà vào tháng 10 năm 1865 tại lâu đài của một người bạn ở Ostreignie khi cha vừa khỏi bệnh dịch tả đã tàn phá Paris trong thời gian ấy. Cuộc gặp ấy kết thúc với sự thỏa thuận là một nhà nguyện và mấy gian nhà phụ sẽ được xây dựng sẵn cho cộng đoàn Thánh Thể. Với sự chúc lành của Đức Tổng Giám Mục, cơ sở đầu tiên bên ngoài nước Pháp đã được khánh thành ở Brussels ngày 2 tháng 2 năm 1866 vào ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh.

Trong ngày 6 tháng đó, cha viết cho cha De Cures:

Tôi bận rộn kinh khủng, nhưng cũng cố gởi cho cha một ít tin tức... Người Bỉ lạnh lẽo... Cuộc chiến đấu cao cả của chúng ta là làm cho phụng vụ Rôma chiến thắng để họ dẹp bỏ những thực hành chống lại phụng vụ và theo Rôma thuần túy.

“Việc thờ lạy Mình Thánh Chúa ở đây bắt đầu lúc ba giờ vì những nhà thờ khác bắt đầu phụng vụ lúc bốn giờ và chúng tôi không muốn khiêu khích cha xứ lân cận nếu làm cùng giờ với giáo xứ. Chúng tôi phải uống bia vì rượu ở đây rất đắt. May thay, cha Champion đã gởi cho chúng tôi một ít Rượu Lễ từ quê cha. Tài chánh của chúng tôi rất eo hẹp... nhưng tôi từ chối xin bất cứ điều gì của Bà Meeus hoặc của ai khác. Cho đến nay, chúng tôi không muốn thêm gì nữa. Nhưng tôi có một hóa đơn tính tiền khăn trải giường và những cái ghế; cha có thể gởi cho tôi số tiền mà cha đã dành dụm được không...?

“Tôi đã nhận được một thư của thầy Francis đòi lại món tiền thầy đã đem theo khi vào dòng để về gặp mẹ thầy trước khi bà mất... Tôi không nhớ thầy đã đưa bao nhiêu, nhưng con số có ghi chép trong sổ lưu ở nhà dòng Paris. Tôi không mang theo giấy tờ nào đến đây.

“Cha có thể nói thầy ấy cố gắng chờ cho đến lúc tôi về lại Paris. Điều khó khăn là chúng ta không có một thầy nào thay thế thầy ấy trong nhà bếp ở Marseilles. Chỉ cần biết rõ nhu cầu của mỗi thầy để biết phải nấu nướng thế nào khi cần; tôi sắp làm như thế ở đây và ở Paris. Một hôm vào ngày lễ, chúng tôi bị bỏ đói, và tôi phải tự mình nấu nướng vì thầy Francis bị cúm nặng.”

Tám ngày sau cha viết cho cha tập sư Chanuet, cũng những dòng như thế:

“Cám ơn cha đã gởi cho 200 quan; tuy nhiên tôi cũng hơi áy náy vì biết cha lấy số tiền đó ra từ lợi tức mỗi ngày của cha. Ngay khi tôi có được chút gì tôi sẽ gởi lại cho cha... Khi thầy Francis bị cúm, tất cả chún gtôi đều làm bếp dưới sự chỉ đạo của tôi… Chúng tôi tiếp tục như khi chúng tôi có đủ 20 người, mỗi thầy phục vụ hai Thánh Lễ, và điều tôi thán phục và ca ngợi là không ai than vãn một câu hoặc tỏ một dấu hiệu nào đã làm việc quá tải. Họ là những người thờ phượng đích thực bởi tình yêu! Chúng tôi không gặp gỡ ai vì luôn ở với Chúa. Chúng tôi không có vườn cây, không rượu, không lò sưởi, không bánh mứt; thế đấy, dù sao chúng tôi hạnh phúc hơn tất cả các bạn vì Chúa ban cho chúng tôi ân sủng gấp đôi.”

Những bức thư này cho thấy cha Eymard phải giải quyết đủ mọi công việc thế tục tầm thường như vấn đề tài chánh, vấn đề cá nhân, việc lặt vặt trong nhà mỗi ngày. Công việc của cha không có gì phi thường, tuy nhiên như một người làm trò tung hứng cuối một màn trình diễn dài và mệt mỏi, anh ta thường không thể giữ cho mọi vật ăn khớp với nhau cách hoàn hảo, cũng thế có những lúc cha cảm thấy bị quá tải và không thể kiểm soát hàng loạt công việc dồn dập đến với mình. Cha mô tả cảm giác ấy cho Mẹ Marguerite: “Tôi làm những việc mà người ta phải làm khi trời mưa mà lại không có dù; mưa cứ rơi mà người thì ướt đẫm.” Cha để cho mình bị ướt đẫm và trong quá trình ấy sức khỏe cha gần như hoàn toàn suy nhược. Cha càng muốn chịu đựng những gian khổ khi thiết lập một cơ sở mới với mọi thiếu thốn, thì thân thể cha càng không thể chịu đựng nổi sự căng thẳng như vậy. Cha ngã bệnh nặng với da bị nổi mụn và sốt cao. Ngày 1 tháng 3, cha viết:

“Tôi vẫn còn đau. Tôi không biết mình mắc bệnh gì, có phải là bệnh sởi hay không. Đôi lúc tôi thấy kiệt sức... những chỗ da nổi mụn hiện ra rồi lặn mất.”

Nhưng một lúc sau cha viết cho cha Chanuet:

“Cha đừng lo lắng cho tôi. Tôi đã có thể tiếp tục lại việc phục vụ Thánh Thể rồi. Tôi không còn cảm thấy sốt nữa. Những mụn trên da lặn dần. Tôi không hiểu sao ban đêm đôi vai tôi nhức quá, và tim tôi cũng đau... Ngày thứ sáu khi bác sĩ đến, tôi nói với ông là tôi có những mụn nhọt lớn. Tôi đã làm theo lời ông; ông cho tôi thuốc sổ làm tôi yếu đi... Người ta làm tôi sợ khi nói về bệnh sởi và bệnh đậu mùa, nhưng chúng không xảy ra. Cha thấy sức khỏe tôi đã khá vì tối qua tôi có thể giảng được rồi.... tôi gởi cha ít trăm quan mà tôi đã quyên góp được ở đây để mua nến.”

Khi cảm thấy có sức trở lại, cha Eymard trở về với những bổn phận của mình, nhưng cơn bệnh lại tái phát khiến cha phải liệt giường. Có một lúc cha cảm thấy mình đến gần cái chết vì cơn sốt lên rất cao, nhưng đột nhiên những chỗ da bị phồng rộp vỡ ra làm hạ cơn sốt, và từ lúc đó căn bệnh thuyên giảm và cha bình phục.

Ít lâu sau nhận biết rằng hiện nay mình đang đến rất gần cái chết, cha gởi một bức thư cho cha De Cuers: “Tôi nghĩ nên gọi điện cho cha trước khi tôi yếu hơn để nói với cha lời tạm biệt... Tôi đã cầu xin Chúa cho tôi được chết đi... Tôi muốn nói với cha rằng tôi bệnh nặng và hiện vẫn còn đau đớn... Thứ bảy vừa qua, tôi thấy cái chết kề bên... tôi chợt hiểu ra rằng chúng ta chỉ có một nơi trú ẩn, đó là lòng thương xót vô cùng và lòng nhân hậu của Chúa chúng ta.” Nhưng cha giải thích với một người khác: “Thiên Chúa nhân từ không cần đến tôi. Chúa cho tôi có dịp làm ít việc sám hối đền tội, để tôi sẽ không phải ở lâu trong luyện ngục.”

Từ lúc đó đến cuối năm, khi không giải quyết những vấn đề của cộng đoàn, cha giảng dạy và giúp tĩnh tâm, đó là công việc tông đồ ưa thích của cha. Cuối tháng tư, cha giảng trong thành phố Ghent cho một nhóm được gọi là “Các Bà Chầu Thánh Thể”. Tháng sau, từ Bỉ trở về, cha giảng tại dòng Cát-minh ở Bergerac; tháng bảy giảng tĩnh tâm ở Mauron; tháng chín giúp tĩnh tâm ở Angers; rồi đến Nemours giảng tĩnh tâm sau khi hành hương lần cuối đến các Đền Đức Mẹ La Salette và Laus. Trong thời gian đi giảng dạy, cha cố tìm một khu đất gần Paris để làm nơi thích hợp và thuận tiện cho một nhà tập. Cha cảm thấy cộng đoàn ở Paris trở nên quá xao lãng trong việc cung ứng sự đào tạo thích hợp cho tu sĩ trong dòng, và con số tập sinh tăng lên khiến sự có mặt của họ trở thành gánh nặng cho cộng đoàn. Sau nhiều lần tìm kiếm không vừa ý, cuối cùng cha cũng chọn được ngôi nhà ở St. Maurice cách Paris một đoạn đường tàu hỏa.

Cha báo tin việc mua nhà ấy cho cha De Cuers vào tháng sáu: “Tôi viết để báo cho cha và các anh em trong cộng đoàn biết một tin, chúng ta đã mua được một căn nhà có sân đàng hoàng, chỉ cách Paris hai giờ tàu hỏa trên đường đi Orleans... Đây đúng là có sự can thiệp của Thiên Chúa Quan Phòng, vì hiện nay chúng ta cần có một nhà tập và sau này một nhà ẩn cư : đất có hàng rào bao quanh là 5,75 mẫu Anh, một ngôi nhà khá lớn, tình trạng còn tốt, khi cần có thể ngăn làm 25 phòng và một nhà nguyện thích hợp. Khu nhà ấy đã được bán cho tòa án với giá... 77.000 quan. Vẫn là cha Chanuet nhiệt tình và tốt bụng của chúng ta sẽ nhận trả phí tổn, chí ít là phần lớn.”

Ngôi nhà chưa sẵn sàng để dọn đến ở ngay được vì có một số chỗ hư hỏng cần phải sửa chữa. Cha Eymard nóng lòng muốn khánh thành vào dịp lễ Giáng Sinh nên đã lên đường đi St. Maurice để giúp cho công việc chóng hoàn thành. Lúc 10 giờ trước đêm Giáng Sinh, cha còn đóng đinh ghép những phần của bàn thờ lại với nhau cho ăn khớp. Đúng nửa đêm mọi việc đã sẵn sàng, và cha dâng Thánh Lễ cùng với 14 tập sinh. Trừ một thời gian ngắn bị gián đoạn do cuộc chiến tranh 1870, nhà tập này hoạt động liên tục ở St. Maurice cho đến năm 1880 khi mọi tu sĩ bị trục xuất khỏi nước Pháp, lúc đó người ta phải bán ngôi nhà đi để có tiền thiết lập một nhà tập mới ở Brussels.

Trong suốt thời kỳ ấy, cha Eymard cũng quan tâm đến việc thành lập một dự án với cha Dhé thuộc giáo phận Paris để tìm cách phục chức cho các linh mục hồi tục. Trong một bức thư gởi cha Dhé, cha nhắc lại rằng trước đó đã lâu, từ năm 1855, cha đã đề nghị một kế hoạch như thế lên Đức Thánh Cha và nhận được hồi đáp thuận lợi: “Ý tưởng ấy đến từ Thiên Chúa. Ta tin rằng Giáo Hội cần đến sự giúp đỡ này. Dự án đó phải được mau chóng thực hiện.” Cha Eymard động viên cha Dhé đừng nên ngã lòng trước những khó khăn có thể xảy ra, nhưng hãy đơn sơ tín thác vào ân sủng Thiên Chúa. Rồi cha đính kèm bản sao thư thỉnh nguyện gởi Đức Thánh Cha, trong đó khẳng định cha và cha Dhé đã “đề xuất một dự án để cống hiến hết sức mình cho công việc phục hồi [...] những linh mục bất hạnh.” Dự án ấy đã không được thực hiện.

Năm 1867

Sang năm mới cha cũng không có thời gian nghỉ ngơi vì phải luôn chăm lo điều hành hội dòng mới. Mặc dù vậy, cha vẫn tìm được thời gian để tiếp tục việc tông đồ giúp rước lễ lần đầu, ngoài ra cha còn đảm nhận việc dạy thần học trong cộng đoàn cho 3 tu sĩ trẻ. Cha không miễn cho mình những gì mà đời sống cộng đoàn quan tâm và đòi hỏi. Đầu tháng giêng cha viết cho cha De Cuers rằng một vài người đau ốm, và thầy E. khốn khổ không thể chữa được thói quen uống rượu nên buộc phải rời khỏi cộng đoàn. Ít ngày sau cha lại viết cho cha De Cuers:

“Tôi đã không thể gởi linh mục phụ tá đến như cha yêu cầu, vì tôi không có. Cha Champion cũng yêu cầu tôi việc đó, và tôi cũng đáp lại như thế. Trong sáu tuần lễ nữa thầy C. sẽ được truyền chức... xin cha kiên nhẫn chờ thêm ít nữa.” Và cha nói tiếp: “Chừng nào cha còn có thể đảm trách làm bề trên, tôi xin cha hãy tiếp tục; tuy nhiên nếu trách nhiệm ấy làm cha thêm đau khổ và không được bình an trong tâm hồn thì tôi không muốn nài ép cha. Trong trường hợp ấy tôi sẽ giảm bớt công việc cho cha.... Hãy cầu nguyện cho tôi, vì tôi chẳng có thời gian để thở.”

Đầu mùa xuân, cha lại phải đi tìm nhà mới ở Paris vì cộng đoàn vừa được thông báo căn nhà ở Faubourg Saint-Jacques sẽ bị giải tỏa theo dự án mở đường. Nhà dòng tìm được một căn nhà trọ bỏ hoang ở số 112 đại lộ Montparnasse. Không đủ tiền để mua, cha Eymard phải thuê căn nhà đó cho tới khi có tiền từ việc bán cơ sở ở Saint Jacques. Việc sửa chữa ngôi nhà mới bắt đầu cách khó khăn khi những nhân viên phá dỡ nhà đến, và họ phải hối hả dọn nhà đi.

Mấy ngày sau, vào buổi tối, cha Eymard nói với thầy Albert: “Hãy cầm theo một cái rổ và đi tìm con mèo của chúng ta về. Chúng ta đã quên nó và chắc nó sắp chết đói.” Họ tìm thấy con mèo đáng thương giữa đống đổ nát của nhà mẹ đầu tiên của hội dòng.

Trong thời gian đó, sau cuộc thương lượng căng thẳng và 3 tháng trì hoãn, cuối cùng Đức Giám Mục Angers cho phép cha Eymard xây ngôi nhà thờ mới trong giáo phận của mình. Trước đó, Đức Giám Mục không cho phép cộng đoàn sử dụng một nhà hát đã được tu sửa thích hợp làm nhà thờ, và buộc họ phải triệt hạ nhà hát với chi phí đáng kể. Niềm phấn khởi trước viễn cảnh mở thêm một nhà thờ mới ở Angers chỉ kéo dài trong chốc lát, vì cộng đoàn không có đủ tiền để xây dựng. Cha Eymard hy vọng sẽ trang trải những chi phí đó bằng việc rút số tiền đầu tư vào nhà in của giáo phận Paris. Nhưng hỡi ơi, đến lúc đó cha mới biết nhà in đã bị phá sản. Cha viết thư cho Bề Trên cộng đoàn Angers để giải thích việc công ty in ấn Leclerc của giáo phận Paris đã phá sản:

“Một tai họa đã ập đến chúng ta: Công ty Leclerc thua lỗ; chúng ta có ở đó 67.000 quan, và tôi đã tính gởi số tiền này cho cha. Quả là một thử thách nặng nề! Sự cố này làm tay cầm bút của tôi phải tê dại và niềm vui mừng cũng tiêu tan... Cha thấy đó, chúng ta không còn thiếu một rủi ro nào.”

Vụ phá sản tai hại ấy làm cha Eymard rối bời và tài chánh của hội dòng bị xáo trộn. Cha không có thời gian để ước lượng ảnh hưởng của vụ mất mát đó khi nhận được tin dữ đến từ Marseilles. Ngân hàng ở đó yêu cầu trả hết mọi khoản nợ hội dòng đã vay để mua cơ sở ở Marseilles. Tiền lãi được trả trong 8 năm và bây giờ ngân hàng đòi phải trả hết tất cả tiền vốn. Tình hình tài chánh không có chút gì phấn khởi và đang gây sức ép càng ngày càng làm cha Eymard bận tâm: “Cộng đoàn Anger sắp đòi chúng ta chi một khoản tiền lớn, ngân quỹ ở Paris vẫn không có gì, St. Maurice chưa trả hết nợ…” cha đã mô tả tình hình như thế với Bề Trên ở Marseilles

Họa vô đơn chí! Cha Eymrad còn gánh thêm thất bại nặng nề ở Nemours. Cơ sở cộng đoàn của các nữ tu ở Nemours xây dựng trên cát xốp từ lúc ban đầu, ít lâu sau nền nhà dần dần bị lún sâu có nguy cơ tòa nhà bị sụp cho nên buộc lòng phải đóng cửa cộng đoàn. Hậu quả những sự việc ấy rất nghiêm trọng khiến cho các giám mục không còn tin tưởng vào khả năng của cha Eymard, và cha cũng bị uy tín với các tu sĩ đàn anh khác. Một vài rắc rối về tài chánh phải đưa ra tòa xét xử, mặc dù sau cùng tất cả đều được thu xếp ổn thỏa, nhưng sự căng thẳng bắt đầu vắt cạn kiệt năng lực tinh thần của cha.

Tuy nhiên cú sốc nặng nhất đến từ cha De Cuers vì vào mùa hè năm 1867, một lần nữa lại quyết định rời khỏi hội dòng. Cha De Cuers muốn thiết lập một “nhà ẩn cư” ở đó sẽ không có tác vụ tông đồ. Ý tưởng của cha là tổ chức một cộng đoàn chiêm niệm dựa trên kiểu mẫu của đời sống đan tu. Cha Eymard cho phép cha De Cures đi theo xu hướng ấy như một chọn lựa cá nhân nhưng không cho hội dòng có cam kết gì với đường lối đó. Với ba người bạn đồng hành, cha De Cuers bắt đầu cuộc thể nghiệm ở Roquefavour, một nơi vắng vẻ hoang sơ. Họ sống nghèo khó, thường nhịn đói và không có phương tiện tài chánh nào trợ giúp. Sau cùng nhóm nhỏ ấy tan vỡ và cha De Cuers quay lại hội dòng như cha đã làm trước đây, nhưng lần này cha sáng lập dòng không còn nữa để đón tiếp cha. Tháng giêng 1868, cha Eymard đến thăm cha De Cuers lần cuối rồi không bao giờ hai người còn gặp lại nhau nữa.

Cuối năm 1867, sau một năm đầy căng thẳng, cha Eymard có niềm an ủi duy nhất đó là một cộng đoàn khác ở Brussels được thành lập và dự kiến đây sẽ trở thành nơi nghiên cứu thần học.

Năm 1868

Đầu năm mới, cha Eymard mắc bệnh cúm và luôn bị sốt cao. Ngay sau khi bình phục cha lại lên đường. Ngày 4 tháng giêng, cha giảng tĩnh tâm ở cộng đoàn Marseilles và đi thăm cha De Cuers ở Roquefavour. Cha than phiền về chứng đau đầu suốt thời gian lưu lại miền Nam nước Pháp. Cha trở về Paris sau khi ghé qua La Mure ít ngày. Giữa tháng ba, cha đến ở Angers và giảng mỗi ngày hai lần ngay cả khi chân cha đứng không vững. Cuối tháng đó, cha giảng tĩnh tâm nơi khác, lần này là Ghent ở Bỉ. Sau cùng cha dành cho mình một ít thời gian nghỉ ngơi rồi đi tĩnh tâm ở nhà tập St. Maurice. Những ghi chép trong khi tĩnh tâm của cha cho thấy một tâm hồn trĩu nặng ưu tư khi nhìn lại những thời điểm đầy ý nghĩa của cuộc đời mình:

“Tình trạng tâm hồn tôi trong 3 năm nay thật buồn bã, âu sầu và hoang vắng.”

“Chúa đã gọi tôi phục vụ Thánh Thể dù tôi không xứng đáng. Chúa đã chọn tôi làm việc cho hội dòng của Người dù tôi không có khả năng và sức khỏe yếu kém. Chúa đã dẫn tôi từ cái chết đến sự sống của hội dòng.”

“Tôi đã tập chết nhiều lần: chết khi rời Hội Dòng Đức Mẹ, rất đau khổ; chết trong cuộc tiếp kiến Tổng Giám Mục Paris sau 13 ngày băn khoăn lo lắng; chết cho chính mình khi bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị ruồng rẫy; chết ở Paris khi vị Hồng Y được nhắc nhớ phải tống chúng tôi đi; chết vì những vấn đề của mình; chết ở Rôma khi nhận được Sắc Lệnh.; Tuy nhiên, đối với tôi, cái chết đau buồn nhất là chia tay với người bạn đồng hành đầu tiên; chết vì không còn được các giám mục tín nhiệm sau vụ Nemours; chết vì không còn được anh em mình quý mến...”

“Đời sống tâm linh của tôi yếu đuối, khô khan nguội lạnh, thân xác thì ốm đau, rã rời. Tôi ở trong tình trạng như thế từ lâu nay.”

“Khi thử thách xuất hiện bên ngoài cũng như bên trong, thông thường chỉ 15 phút trước Thánh Thể đủ để tôi lấy lại bình an và sức mạnh, nhưng hôm nay hàng giờ trôi qua trước Thánh Thể rồi mà tôi vẫn còn thấy cô quạnh.”

Cha tìm trong Thánh Kinh những lời cầu nguyện cho chính mình. Ở đó tâm hồn Cha được mạc khải và nuôi dưỡng.

Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa.” (Tv 130:1)

Sức lực con rã rời như gốm vỡ.” (Tv 22:15)

Chúc tụng Thiên Chúa vì chẳng bác bỏ lời con cầu khẩn, cũng chẳng tách lìa tình yêu bền vững của Ngài ra khỏi con.” (Tv 66:20)

Cuối tháng năm, cha bận rộn giúp các tu sĩ dòng Vinh Sơn Phao-lô ở Paris tĩnh tâm, giảng về việc “sùng kính bốn mươi giờ” (Forty Hours devotions); và kết thúc bài giảng bằng việc kêu gọi đóng góp vào việc tông đồ đặc biệt của cha. “Tôi đã giảng ở nhà thờ Đức Bà Chiến Thắng để gây quỹ cho dự án rước lễ lần đầu, và đã quyên góp được 450 quan.” Tháng sáu, cha trở lại Angers để đặt viên đá đầu tiên xây ngôi nhà thờ mới.

Cơn gió lốc của những hoạt động tông đồ không biết mỏi mệt ấy đã cuốn cha đi.

Ngày 17 tháng 7 theo lệnh của bác sĩ, cha Eymard khởi hành đi Vichy để nghỉ ngơi một thời gian dài. Suối nước khoáng Vichy có từ thời kỳ La-mã đã nổi tiếng là nước dùng để trị bệnh tiêu hóa và bệnh gan. Cha quyết định gặp Mẹ Marguerite Guillot ở đó, vì chính mẹ đang bị bệnh nặng cần được điều trị. Mấy ngày trước đó cha bị một cơn đau làm tay trái gần như bị liệt hoàn toàn và hai ngón tay của bàn tay ấy bị sưng phù lên.

Từ Vichy, cha viết cho các chị của mình: “Em hy vọng gặp lại các chị vào cuối tuần này. Em đến đây để gặp Mẹ Guillot và vài người khác mà em quen biết. Em phải đi Lyons, và từ đó sẽ đến La Mure và Đền Đức Mẹ La Salette... Các chị thân mến, em rất sung sướng nếu có thể gặp lại các chị; em không dám mong Thiên Chúa ban cho ân huệ này vì có quá nhiều việc đang chờ em ở Paris.” Bức thư này đề ngày 19 tháng 7 và đó là bức thư cuối cùng cha gởi cho hai người chị của mình.

Mặc dù cha bị đau do chứng thấp khớp và thần kinh hông nhưng trong thư từ gởi các anh em tu sĩ trong dòng hầu như cha không hề tiết lộ căn bệnh rất nặng ấy cho ai biết, dù trong tháng hai cha phải liệt giường vì đau lồng ngực. Trong thư gởi từ Vichy cho cha Stafford, một linh mục trẻ ở cộng đoàn Paris, không giống mọi khi, cha tâm sự:

“Tôi ở đây nhưng bác sĩ không muốn tôi sử dụng nước để trị bệnh vì tôi bị chứng thấp khớp, mà chỉ khuyên tôi nên hít thở không khí trong lành của miền núi.... nhờ có bức thư sau cùng của cha A. mà tôi biết được cha A vẫn chưa khỏe. Tốt nhất nên đưa cha ấy đến Paris. Nếu cha A. bỏ ngang thì quả là đáng tiếc (...) Tạm biệt, xin cầu nguyện cho tôi. Tôi sẽ cố gắng đến tĩnh tâm ở đền Đức Mẹ Laus, đền ân sủng của tôi, nếu bệnh thấp khớp của tôi cho tôi có được chút thời gian ngơi nghỉ.

T.B. Mẹ Guillot cũng đang ở đây, bệnh rất nặng, rất đau đớn và đã ngưng việc điều trị. Mẹ con bà Gourd cũng có mặt ở đây.”

Đối với các tu sĩ trong dòng, cha cho anh em thấy mọi việc xem ra vẫn bình thường. Tuy nhiên, trong thư gởi bạn bè giáo dân quen biết từ lâu, cha hoàn toàn thẳng thắn và thành thật nói về tình trạng sức khỏe của mình. Trong tháng ba, cha viết thư cho một người bạn:

“Tôi nghĩ rằng thời gian của tôi đã hết. Nhưng Thiên Chúa nghĩ tôi chưa sẵn sàng cho nên Ngài còn chờ đợi. Đúng thế, tôi thấy mình có quá nhiều lỗi lầm cần phải sửa chữa, và có quá nhiều việc phải làm cho tốt hơn!”

Tình trạng tâm linh sa sút đi đôi với tình trạng sức khỏe suy yếu của cha. Trong tháng tư, cha viết cho một người bạn khác:

“Bạn thân mến, xin cầu cho tôi, tôi rất cần lời cầu nguyện. Nỗi buồn phiền đang ngấm vào tâm hồn tôi cùng với nỗi cô quạnh. May mắn thay, nó không biểu lộ ra bên ngoài.”

Ở Vicky, ngày thứ hai 20 tháng 7, cha Eymard mừng ngày khánh nhật của Mẹ Marguerite bằng một bữa ăn ở khách sạn Barre cùng với bà Gourd và cô con gái Stéphanie, cả hai là những ân nhân lâu dài của dòng. Sau này, khi nhớ lại biến cố ấy, Mẹ Marguerite nhận thấy cha giữ im lặng suốt bữa ăn và đến 2 giờ cha từ gĩa họ: “Tôi không muốn ngã bệnh ở đây, đến giờ tôi phải đi.” Cha ra đi với những lời từ biệt ấy.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 18.03.2006. 17:47