Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương VI: Một Cuộc Hành Trình Mới

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

PHẦN HAI

Cho đến nay Mặt Trời Thánh Thể vẫn chưa ló dạng.
Nhưng sự phong phú viên mãn của Thánh Thể đã được bày tỏ cho chúng ta.
Thật đáng kinh ngạc.
Chúng ta chỉ nhận ra một tia sáng đơn độc;
Sau này sẽ còn như thế nào?

Thánh Phêrô Giulianô Eymard
Tháng 9 năm 1861

Chương VI: Một Cuộc Hành Trình Mới

Chúa sẽ lo liệu, đây là việc của Người.

Cộng Đoàn Đầu Tiên

Vào cuối tháng 5-1856, cha Eymard trở lại Paris sau một thời gian nghỉ ngơi với các bạn ở Leudeville. Cha bỏ ra một ít thời gian để xem xét lại bản văn của Luật Dòng Thánh Thể. Đó cũng là bản văn mà trước kia cha đã gởi cha Touche đem sang Rôma.

Ngày 1 tháng 6, cha Eymard và cha De Cuers đã dời về một căn nhà tồi tàn trên phố Enfer mà họ đã thuê của tổng giáo phận bằng tiền hưu của cha De Cuers. Trước tiên cha Eymard từ chối xin tiền của những người bạn mà cha quen biết trong thời gian dài làm mục vụ khá thành công với tư cách một tu sĩ dòng Đức Mẹ vì sợ làm tổn thương đến những bạn đồng liêu cũ, đồng thời cũng để duy trì mối quan hệ tốt với dòng Đức Mẹ. Cha viết cho một người bạn: “Chúng tôi đã bắt đầu như một người làm việc trong hoang mạc, với hai cái khăn trải giường, một cái ghế, và một cái muỗng, không có được cái thứ hai!” Họ phải dùng bữa ở một nhà hàng địa phương cho đến khi có thể mua được nồi niêu xoong chảo trong nhà. Hai sinh viên vừa trở lại từ đạo Do Thái sắp sửa vào chủng viện để lại cho họ đồ đạc. Thời gian sau, một nữ tu ở tu viện gần đó gởi lương thực đến cho họ mỗi ngày.

Mặc dù Đức Tổng Giám Mục chịu chi phí cho một vài sửa chữa cơ bản của ngôi nhà, cả hai cha Eymard và De Cuers đã phải góp công sức mình vào làm để hạ thấp chi phí. Thời kỳ đó cha viết: “Chúng tôi đã làm việc chân tay, chúng tôi đánh bóng sàn nhà và chuyển vật tư đến chỗ công nhân làm.” Vào cuối tháng chín, cộng đoàn nhỏ bé đó có được bốn người gồm hai linh mục, một người gác cổng và một người nấu bếp.

Mặc dù cố gắng rất nhiều, những thiếu hụt về tài chánh ngày càng gia tăng. Một ngày kia người đầu bếp đã bỏ trốn lấy theo tiền bạc. Cha Eymard kể lại tình hình ấy trong bức thư gởi cho một người bạn:

“Chúng tôi phải vác thánh giá khác. Một cảnh sát trưởng, các sĩ quan cảnh sát, và một quan tòa đến gặp chúng tôi. Chúng tôi bị người nấu bếp lấy cắp mỗi ngày. Anh ta đã sử dụng một chìa khóa giả. Tên bất lương đã bị bắt giam và có lẽ sẽ bị kết án tù. Tôi phải có mặt trong phiên tòa. Bạn hãy tưởng tượng điều ấy làm tôi buồn phiền như thế nào. Chúng tôi mỉm cười với sự cố ấy và nói rằng có lẽ Thiên Chúa nhân hậu nghĩ chúng tôi có quá nhiều của cải cho nên cho anh ta lấy bớt đi chăng? Đó là một thử thách gay go, nhưng bạn chớ lo, chúng tôi sẽ không ngã quỵ. Tên trộm đã lấy mất số tiền chúng tôi để dành để xây nhà nguyện, nhưng Chúa sẽ cung cấp cách khác, đó là việc của Người.”

Khoảng tháng 12, nhà Tiệc Ly, tên mà cha Eymard thích dùng để gọi trung tâm Thánh Thể hầu như đã hoàn thành. Nhưng các môn đệ không ai đến. Một cảm giác thất vọng bao trùm trên họ, tuy nhiên không ngã lòng, cha Eymard viết cho một người bạn:

“Chúng tôi không tạo ra các ơn gọi, nhưng lãnh nhận chúng từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đấng mời gọi chúng ta là Đức Vua chứ không phải là những tôi tớ. Niềm hạnh phúc của chúng tôi là luôn có Đức Giêsu ở cùng. Điều gì có thể lớn hơn phước lành ấy? Nếu Thầy nhân hậu muốn chúng tôi phải sống đơn độc trong một vài tháng, một năm hoặc hai năm thì nguyện xin danh Người được tôn vinh. Đó sẽ là điều tốt nhất cho chúng tôi. Để được phước lành ấy cho gia đình Thánh Thể của Người, có giá nào là quá đắt? Thế gian, dù là bạn bè của chúng tôi đi nữa, thường chỉ phán đoán mọi việc theo sự thành công, theo những con số, theo những thành tựu, sẽ chế giễu chúng tôi, hoặc sẽ coi chúng tôi như những người làm việc không đạt hiệu quả hoặc đáng nghi ngờ. ”

Vào dịp Giáng Sinh có hai linh mục xin gia nhập cộng đoàn Thánh Thể mới thành lập. Bây giờ có thể chọn một ngày cử hành việc đặt Mình Thánh lần đầu tiên cho công chúng thờ lạy. Cộng đoàn ấn định ngày 6 tháng 1, nhằm ngày lễ Hiển Linh. Họ đã mời Đức Giám Mục Hartmann ở Bombay, lúc đó đang đến thăm Paris, chủ tọa biến cố đáng nhớ này.

Để chuẩn bị cho thời điểm đặc biệt ấy, cha Eymard đã thực hành nhiều việc hy sinh hãm mình. Thời kỳ đó cha bỏ việc đội mũ chỏm bằng nhung để bảo vệ đầu chống lại chứng viêm màng phổi và đau đầu thường tái phát. Cha cũng thôi quấn băng cánh tay để chống lại những căn bệnh mãn tính nào đó mà cha rất mẫn cảm. Việc hy sinh sau cùng của cha là bỏ hút thuốc lá.

“Đúng vào ngày 8 tháng 12, tôi đã xin Đức Mẹ ơn bỏ hút thuốc lá và bỏ đội mũ chỏm, và Mẹ nhân từ đã nhận lời tôi. Cho đến nay, tôi vui mừng về việc ấy, và việc hãm mình ấy không còn là một thử thách khó khăn đối với tôi nữa . Đó chỉ là một hy sinh nhỏ thôi, nhưng khi đến gần Chúa nó sẽ xứng hợp hơn.”

Một tai ương đã giáng xuống họ và trên toàn thể Paris, khi vị hỗ trợ đồng thời là bạn hữu của họ, Đức Tổng Giám Mục Sibour đã bị một kẻ sát nhân đâm chết khi đang chủ sự việc sùng kính trong nhà thờ Thánh Tê-pha-nô. Cha Eymard đã viết về thời gian đó: “Cái chết của Đức Tổng Giám Mục đã tác động mạnh mẽ lên tất cả chúng tôi. Đức Cha rất tốt đối với chúng tôi. Cái chết tàn bạo này nhắc chúng tôi rằng chỉ Thiên Chúa muốn làm người bảo vệ chúng tôi.”

1857 – Một Năm Hoang Sơ

Qua mùa đông đầu tiên ấy, nghèo khó luôn là bạn đồng hành với họ. Họ đã phải bán một số sách riêng của mình đi lấy tiền mua thực phẩm để khỏi bị chết đói. Cha Eymard mở đầu những trang nhật ký với câu chuyện: “Thứ năm, 26 tháng 2. Không có tiền. Thứ sáu 27, cha De Cuers ngã bệnh vì đau buồn. Thứ bảy 28 cũng thế, chúng tôi chẳng được ai giúp đỡ.” Lời cầu nguyện của cha là vô vọng. “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con niềm hy vọng vượt trên mọi nỗi tuyệt vọng.”

Các thỉnh sinh đến rồi bỏ đi. Chỉ có vài người chịu ở lại. Không lần nào cộng đoàn nhỏ bé này có được số người nhiều hơn sáu thành viên. Mỗi người đến nhập cộng đoàn không ai có sẵn của cải và chi phí lại tăng lên. Cha viết cho chị bạn Marguerite Guillot, “Đây là giờ chịu đau khổ trên núi Can-va-ri-ô. Điều làm tôi hy vọng đó là những hy sinh sẽ được chúc phúc.”

Mùa xuân không đem lại lời hứa hẹn sẽ phát triển và tràn ngập ánh sáng mặt trời. Đầu tháng ba, tổng giáo phận báo cho biết họ phải tìm một chỗ ở khác vì Đức Tổng Giám Mục mới, Hồng Y Morlot muốn đòi lại ngôi nhà. Họ đứng trước nguy cơ có trong danh sách 30.000 gia đình không nhà cửa vì những dự án chỉnh trang đô thị để mở rộng các đại lộ ở Paris và làm đẹp thành phố. Nhiều tuần lễ trôi qua mà họ vẫn không thể tìm được chỗ ở. Nhiều ngôi nhà bị giải tỏa chỉ để làm cho Paris trở nên thanh lịch hơn chứ không phải để có không gian tiện lợi cho những người không nhà cửa cư trú.

Cha Eymard mỗi ngày hầu như đều đi tìm chỗ ở. Một đêm cuối tháng tư, mệt lả vì đi bộ qua các phố và chán nãn vì không tìm được gì, cha quay lại cộng đoàn nhỏ để thấy cha De Cuers đã bỏ đi mà không có ý định quay lại. Ngày hôm đó cha viết trong nhật ký:

“Giờ đây, chúng tôi không có bất cứ sự trợ giúp nhân loại nào nữa. Tôi đang ở trong bóng tối dày đặc, trong tình trạng cô độc lẻ loi.”

Hai mươi bốn giờ sau, cha De Cuers trở lại, có hơi bối rối bởi thái độ hấp tấp của cha nhưng sẵn sàng nhổ neo bất chấp mọi phong ba đang chờ họ. Cả một mùa hè dài, họ phải tiếp tục chiến đấu với sự nghèo khó và bấp bênh. Cũng thời gian đó sức khỏe cha Eymard suy sụp vì căng thẳng. Đến tháng tám cha buộc phải đi xa để điều trị. Cha rời cộng đoàn trong năm tuần và trở lại vào tháng chín và thấy tình hình càng tồi tệ hơn. Hai thỉnh sinh đã bỏ đi. Một vài giáo sĩ địa phương đã vu cáo cộng đoàn nhỏ, và cả người bạn cũ là cha Hermann Cohen cũng quay lưng lại với cha Eymard và hội dòng của cha. Đức Tổng Giám Mục đã nghe được những lời nói xấu cha Eymard và nhóm nhỏ của cha. Vào tháng mười, cha Eymard được gọi đến tòa tổng giám mục để trình những giấy tờ cho phép dự án Thánh Thể của cha. Sau khi nhìn lướt qua các tài liệu mà cha Eymard đã trao tận tay, Đức Tổng Giám Mục đưa cho linh mục niên truởng, vị này tuyên bố chúng không có giá trị chính thức và ném vào giỏ rác.

Bối rối và nhục nhã, cha Eymard ra về thêm một gánh nặng trên vai, đó là sự bác bỏ của Đức Tổng Giám Mục. Cha ngỡ ngàng về toàn bộ sự việc quá đến nỗi quên đòi lại tập tài liệu. Phải mấy ngày sau, cha mới tập trung đủ can đảm để trở lại toà giám mục xin lại các tài liệu đó, nhưng chúng đã bị thất lạc. Cha trở về cộng đoàn hoàn toàn quẫn trí.

Ít ngày sau, thư ký của tòa giám mục xuất hiện ở ngưỡng cửa nhà cha Eymard để sửa chữa cách đối xử tệ hại mà cha đã lãnh nhận. Ông ta yêu cầu cha viết lại những biến cố đã đưa cha ra khỏi dòng Đức Mẹ, và sau đó là việc tiến hành công trình Thánh Thể với sự tán thành của Đức Tổng Giám Mục tiền nhiệm. Cha Eymard vâng lời làm như thế. Từ lúc đó trở đi, thái độ của Đức Tổng Giám Mục thay đổi cách khác hẳn đến mức sai vị linh mục đã làm khó dễ cha Eymard đến gặp cha với mệnh lệnh: “Cha hãy làm bất cứ việc gì mà cha Eymard yêu cầu, tôi không thấy có linh mục nào thánh thiện hơn cha ấy.”

Cha Eymard hết sức vui mừng vì đã làm hòa với Đức Tổng Giám Mục. Tuy nhiên nỗi lo lắng của cha còn lâu mới hết. Một ngày nọ, cha biết được sau cùng chỗ ở của họ đã được bán rồi, và họ phải dọn đi vào đầu năm mới. Sau cuộc tìm kiếm vất vả, cuối cùng cha đã tìm được một căn nhà trong vùng ngoại ô thuộc khu vực Faubourg Saint-Jacques. Nhưng việc thương lượng bị gián đoạn, cho đến ngày lễ Giáng Sinh, cộng đoàn nhỏ bé có sáu người vẫn chưa biết chắc họ sẽ có một căn nhà trong năm mới hay không.

Vào ngày lễ Giáng Sinh, cha viết cho người bạn và đồng sự của cha, chị Marguerite Guillot:

“Tối qua, tôi đã cầu nguyện từ mười một giờ đến nửa đêm; tôi cảm thấy khỏe mạnh. Ngày hôm nay tôi có thể khóc được; điều đó làm tôi dễ chịu hơn. Hôm qua, trên đường đến tòa tổng giám mục để bàn bạc vấn đề nhà ở, lần đầu tiên tôi đã khóc một hồi lâu.”

Sau cùng, vào ngày 19 tháng 2, ngôi nhà mới đã được mua trong khu vực Faubourg Saint-Jacques, nhưng mãi đến lễ Phục Sinh họ mới có thể dọn đến đó để cử hành Thánh Lễ và đặt Mình Thánh. Sau cùng, cộng đoàn bé nhỏ này đã có thể thiết lập ở đó phòng Tiệc Ly mới của cộng đoàn với một chút sóng yên biển lặng.

Giáo Lý Rước Lễ Lần Đầu Và Phúc Âm Hóa

Công việc chuẩn bị cho rước lễ lần đầu, đặc biệt ở người lớn, là một trong những sứ vụ của dự án mới về Thánh Thể làm Đức Tổng Giám Mục Paris quan tâm và do đó đã chuẩn nhận nhóm mới này. Những cộng đoàn và tổ chức Thánh Thể khác đã nổi lên khắp nước Pháp, nhưng Tổng Giám Mục Sibour đã nhận xét rất đúng rằng trực giác của cha Eymard về Thánh Thể không chỉ giới hạn trong việc thờ phượng Thánh Thể mà còn tích cực vươn đến với những người xa rời Giáo Hội để Phúc Âm hóa họ. Tuy nhiên, cha Eymard hướng sứ vụ của cha trước tiên đến trẻ em và công nhân trẻ là những người chiếm đa số lực lượng lao động ở Paris.

Cha Eymard mô tả lực lượng lao động mà cha đã thành lập các lớp giáo lý cho họ:

“Những người ấy gồm những trẻ em lao động, trẻ lang thang, hoặc những em phải vào đời sớm và những người lỡ để thời kỳ học giáo lý trôi qua...Có hàng ngàn trẻ em như thế ở Paris. Những người sống đói rách, cướp giật và dẫn mối tạo thành lớp người được hàng ngũ công nhân thu nhận; còn lại là những người từ hàng ngũ những kẻ lười biếng, nghèo khổ và ăn xin.”

Ban đầu cha Eymard cộng tác với một giáo dân là Louis Perret mà cha đã quen biết ở Lyons, để có thể tiếp cận với những người lao động trẻ ở Paris. Người giáo dân ấy là một kiến trúc sư có sáng kiến cùng một vài người bạn thâm nhập thế giới của các công nhân bằng cách đi thăm các nhà máy, các xưởng thợ, và đã tập họp được ba mươi công nhân trẻ đến các lớp giáo lý. Về sau khi việc tông đồ này phát triển, cha Eymard kêu gọi sự cộng tác của nhóm giới trẻ từ Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, cả những người khác đến xin cha làm linh hướng, cũng như một số bạn gái có dịp làm việc chung với các bà và các cô thiếu nữ.

Cha Eymard phải mất nhiều tháng để đấu tranh với một nhóm hỗn tạp những công nhân trẻ vô kỷ luật. Họ là một nhóm chia rẽ, ồn ào và ít chịu tập trung chú ý. Nhờ những lời khích lệ, những món quà nho nhỏ và cả việc tổ chức những buổi xổ số cho họ, sau cùng cha đã chinh phục được sự tín nhiệm và lòng tôn trọng của họ. Ngay khi thấy sự tiến bộ của họ, cha cho phép họ được rước lễ lần đầu. Những người “đã thi đậu” phải tuyển mộ học viên khác. Cha nghĩ ra việc xổ số dựa trên một hệ thống điểm :

“Để duy trì sự im lặng tập trung và việc học tập của những công nhân trẻ tuổi, chúng tôi tổ chức xổ số... những món quà nho nhỏ như áo quần, sách vở, bánh kẹo. Muốn nhận được các giải đó phải có số điểm xứng đáng. Những điểm xứng đáng đó... được chấm cho sự tập trung chú ý, và một số điểm chấm cho việc thuộc bài và hiểu bài. Cuộc xổ số sau ngày Chúa Nhật rước lễ lần đầu là một cuộc xổ số quan trọng. Nó có những giải thưởng có giá trị hơn và đòi hỏi nhiều điểm xứng đáng hơn. Đó là cuộc xổ số tuyển người... Người được tuyển càng lớn tuổi [trong số những người được nêu tên] càng có nhiều điểm xứng đáng hơn... Đó là những phương tiện hiệu quả nhất và dễ dàng nhất để tuyển người của chúng tôi.”

Trong bức thư gởi người bạn là ông Perret, có lần cha viết rằng hệ thống xổ số “vẫn hoạt động kỳ diệu. Những điểm số xứng đáng giống như vàng ở California.”

Lần khác cha viết về công việc của cha, “Các chàng trai của chúng tôi là những thừa sai của Thiên Chúa. Thật tuyệt vời khi thấy tất cả bọn họ tìm kiếm những chàng trai khác chưa được rước lễ lần đầu trong các nhà máy. Rồi họ đưa các bạn đó đi học giáo lý và khuyến khích họ luôn kiên tâm. Họ len lỏi vào khắp mọi nơi rất lanh lợi và đầy duyên dáng.”

Những “thừa sai” trẻ tuổi ấy thường đi tuyển mộ những người ngoài trang lứa. Cha Eymard thuật lại: “Nhiều người đã đưa cha mẹ hoặc chị em của mình đến, những người này chưa rước lễ lần đầu. Qua con cái chúng tôi dễ dàng tiếp cận với cha mẹ, những người sống mà không thực hành bất cứ tôn giáo, và con số này nhiều cách đáng ngại.”

Cha Eymard không bỏ rơi những công nhân và những người sống trong cảnh lầm than sau khi họ được rước lễ lần đầu. Cha giúp họ thành lập câu lạc bộ công nhân và tập trung họ lại để tĩnh tâm hàng năm. Đối với người lớn, cha có kế hoạch thành lập một phòng đọc sách.

Đến cuối năm đầu tiên, hơn một trăm trẻ em và người lớn đã được rước lễ lần đầu. Chương trình ấy quá thành công đến nỗi những nghi lễ này phải tổ chức làm ba lần trong năm, thông thường là vào ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Mông Triệu.

Vì các công nhân trẻ này chỉ có thể đến lớp giáo lý sau giờ làm việc, việc họ cam kết phải nghiêm túc; và vì thế các linh mục cũng tỏ ra rất quảng đại về giờ giấc và tạo những điều kiện thuận tiện cho các công nhân. Một ngày kia, cha Eymard đã nói với các thành viên của hội dòng:

“Tôi hài lòng vì tác vụ của chúng ta không đặt trên vẻ lôi cuốn bề ngoài. Chúng ta dạy dỗ năm mươi em trai thay cho giờ giải trí của chúng ta vào buổi tối. Chúa nhân từ thấy điều ấy, thế là đủ....Nếu chúng ta giáo dục mười hai Hoàng Tử thay vì những đứa trẻ ấy, người ta sẽ nói, ‘Hãy xem các ông cha ấy đang làm việc thiện kìa! Dòng đó lớn thật!’ Đối với chúng ta những em trai ấy là mười hai ông vua; chúng đại diện cho Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nói: ‘Mỗi lần anh em làm điều ấy cho một trong những anh em nhỏ bé nhất của Ta, là anh em làm cho chính Ta.’”

Một ngày nọ khi thấy một số lớn những người nghèo khổ đến với các lớp giáo lý của mình, cha Eymard nói với cộng đoàn:

“Dòng Thánh Thể có mục đích cao đẹp nhất mà một dòng tu có thể mơ ước. Do đó, Dòng của chúng ta phải có sứ mạng cao cả này: vực dậy những gì khốn khổ và suy đồi nhất. Chúng ta không thể tìm thấy cái gì còn hèn kém hơn những người sống trong cảnh lầm than ở Paris nữa. Giờ đây chúng ta đã có nhiều người trong số họ. Đó là một sứ mạng cao đẹp. Nó nhắc đến lời mời gọi thứ hai của Chúa để đến với Thánh Thể. Lời mời gọi thứ nhất đến với những người quyền quý nhưng họ đã khước từ. Họ quan tâm đến công việc của họ hơn là bữa tiệc của con trai nhà vua. Vậy đức vua đã nói gì ? Ngài nói: ‘Các ngươi hãy mau đi ra các đường phố trong thành và đem những người nghèo khó, yếu đuối, tật nguyền, mù lòa về đây.’ Và đầy tớ đáp: ‘Lệnh của Chúa Thượng đã được thi hành nhưng vẫn còn chỗ.’ Lúc đó Chúa Thượng nói với đầy tớ: ‘Ngươi hãy ra các đường cái và bờ rào buộc họ đến đây.’Sứ vụ đầu tiên của chúng ta là như thế. Thực vậy, điều đã xảy ra lúc ban đầu chắc hẳn là sứ mạng của chúng ta.”

Trong một đoạn mở đầu khác trong nhật ký, cha kể lại cha đã cảm động đến chảy nước mắt vì hạnh phúc như thế nào khi nhìn thấy 37 người lớn rước lễ lần đầu trong ngày lễ Mông Triệu. Đến ngày lễ Giáng Sinh, cha giảng và cử hành Thánh Lễ cho 42 thanh niên được rước lễ lần đầu, có gia đình họ đi theo. Sau buổi lễ “có một bữa tiệc nhỏ gồm có chả giò, bánh pa-tê, táo hầm, bánh mì và rượu nho.” Đến ba giờ chiều họ lãnh nhận bí tích thêm sức và phép lành Mình Thánh. Rồi họ lãnh nhận vật lưu niệm và xâu chuỗi Mân Côi, họ ra về lòng sốt sắng hân hoan dù thời tiết hôm đó xấu và tuyết rơi cả ngày.

Cha Eymard không chỉ quan tâm đến những vấn đề thuần túy tâm linh. Cha cũng chăm sóc đến nhu cầu vật chất của con người nữa như tìm những bộ quần áo lịch sự cho người rước lễ lần đầu để họ không bối rối khi đến nhà thờ; cho họ ăn uống sau buổi học; cho những món quà nhỏ để nhắc họ nhớ rằng họ được quan tâm đặc biệt như thế nào, và để họ không quên ngày họ được rước lễ lần đầu.

Hình ảnh Cha Eymard quan tâm lo lắng nhu cầu vật chất và tinh thần cho những kẻ “du thủ du thực”, như mấy bà giàu có chăm sóc nhà nguyện thích gọi họ là thế, thì rõ ràng tương phản với những khẳng định của một số giáo sĩ thời đó. Trong một lá thư mục vụ, Đức Giám Mục giáo phận Paris đã viết: “Với các bạn là những người nghèo, chúng tôi đem lại niềm hy vọng của tôn giáo như sự đền bù kỳ diệu những gì mà số phận đã khước từ các bạn, và như động lực mạnh mẽ để giúp các bạn nhẫn nại chịu đựng.” Trong bức thư mục vụ khác cùng thời gian ấy của Đức Giám Mục Bayonne, sứ điệp cũng tương tự: “Kitô giáo nói với người lầm than cơ cực, với mọi người lo lắng vì thiếu thốn các nhu cầu sống rằng ‘Tại sao lại bối rối, lo âu đến thế?...Cha anh em trên trời không biết điều gì tốt cho anh em sao?’ Điều ấy đủ để anh em đảm nhận nỗi bất hạnh đang đè nặng trên anh em, và anh em chịu đựng với lòng nhẫn nại, can đảm, tri ân và cả niềm vui...”

Vì chương trình bắt đầu mở rộng và phát triển cho nên chi phí cũng tăng theo. Khi khai mạc ba ngày tĩnh tâm cho nhũng người trưởng thành để họ được rước lễ lần đầu, cha Eymard thấy mình có trách nhiệm phải trả tiền lương cho các công nhân không có khả năng xin nghỉ việc để đi dự tĩnh tâm. Cha cũng cam kết trả tiền lương thực cho họ trong những ngày tĩnh tâm. Vì thế đôi ba lần trong năm, cha Eymard phải đi giảng trong một vài nhà thờ nổi tiếng ở Paris để kiếm thêm tài chính. Cha không tự cao đến nỗi không thèm xin xỏ để hỗ trợ cho tác vụ của cha. Cha cũng khéo léo chen vào một vài từ tế nhị trong các bức thư gởi bạn bè để xin tài trợ.

Cha cũng không ngại quan hệ tốt với người giàu để cho họ có cơ hội giúp đỡ người nghèo và tham gia vào tác vụ của cha. Một danh sách toàn bộ những mệnh phụ danh tiếng đã đến giúp đỡ cha, như nữ Bá tước Andigne, Bà Fraguier, Bà Wiriot, và Bà Bouralière. Một vài mệnh phụ này là quả phụ, họ chia sẻ tài sản và thời gian cách quảng đại vì lợi ích của giáo hội.

Một câu chuyện được kể lại để minh họa sự nhạy bén tông đồ của cha Eymard, và cách cha thích ứng dễ dàng với nhu cầu bức xúc của giáo dân. Ngày nọ, có một cặp vợ chồng trẻ đến gặp cha. Họ là những người lang thang đói khổ và chỉ có thể gặp được cha vào buổi tối. Thế nên họ đến gặp cha ban đêm khi các tu sĩ trong cộng đoàn đã đi ngủ. Cha dạy giáo lý cho họ để họ có thể rước lễ lần đầu. Sau khi rước lễ xong, cha chúc lành cho hôn nhân của họ. Ngày hôm đó cha đãi họ một bữa ăn và chính cha đi lại phục vụ họ.

Dù thi hành sứ vụ ưu tiên cho người lầm than đói khổ và giới lao động, nhưng cha Eymard không làm ngơ với bất cứ ai đến xin cha dạy bảo. Cha cũng rửa tội và chuẩn bị cho nhận lãnh các phép bí tích những tân tòng trở lại từ đạo Tin Lành hoặc Do Thái.

Nhiều câu chuyện được kể lại về những ngày đầu tiên ấy của hội dòng. Một tường thuật cảm động về việc hoán cải của một người thợ đẽo đá mười tám tuổi; người thợ ấy tuyên bố đã sống như một con vật trước khi được dạy dỗ về đức tin và lãnh nhận Thánh Thể. Là người mù chữ, anh ta phải trả mỗi ngày một xu để người bạn đồng nghiệp dạy anh biết đọc, nhờ đó anh mới có thể học giáo lý được. Ngày được rước lễ lần đầu, anh quay về nhà gặp lại người mẹ mù lòa tội nghiệp, anh ôm chặt lấy bà và hứa từ giờ trở đi sẽ sống đàng hoàng tử tế hơn vì đã được rước Chúa, anh thấy mình hạnh phúc biết bao! Nhưng mẹ anh bỗng trở nên buồn bã.

Anh hỏi mẹ: “Sao vậy mẹ? Mẹ không hạnh phúc vì con được rước lễ sao?”

Bà mẹ bật khóc, đáp lại: “Dĩ nhiên là mẹ rất hạnh phúc, nhưng mẹ không thể không khóc vì chính mẹ không bao giờ được rước lễ lần đầu. Mẹ thật không xứng đáng.”

Người con ứa nước mắt vì anh biết mẹ mình mù lòa làm sao đi học giáo lý để rước lễ lần đầu như anh được. Anh hứa sẽ dạy cho mẹ anh những bài học giáo lý mà anh vừa mới học được. Mỗi tối sau giờ làm việc, người con vội vàng về với mẹ để nghe mẹ mình lặp lại những bài giáo lý. Cha Eymard thuật lại: “Một ngày kia, hai mẹ con đến gặp tôi, và bà mẹ nói với tôi bà đã sẵn sàng xưng tội lần đầu. Bà giải thích bà đã khóc như thế nào ngày con bà rước lễ lần đầu vì con bà rất hạnh phúc, còn bà rất muốn được rước lễ lần đầu. Khi ngày ấy đến, cả hai quỳ gối bên nhau để lãnh nhận Thiên Chúa của mọi nguồn an ủi. Tôi không thể diễn tả nỗi vui mừng trọn vẹn của hai mẹ con họ trong ngày ấy như thế nào.”

Cha Eymard cũng dành thời gian đi thăm những vùng phụ cận nơi cha ở. Người ta thường trông thấy cha trong những khu vực được coi là không an toàn, có khi còn nguy hiểm. Một lần nọ cha Eymard cùng với một thầy mạo hiểm vào một khu phố đặc biệt được gọi là Hang Sư Tử, nơi cha được mời đến để ban các bí tích. Ngay khi hai người vừa đến một nhóm người bắt đầu chửi rủa họ. Thình lình có mấy cậu con trai mà cha đã dạy giáo lý chuẩn bị cho rước lễ nhận ra cha, liền chạy đến giải vây. Đám đông giải tán và cha tiến thẳng đến ngôi nhà mà cha được mời đến để ban bí tích rửa tội. Những thanh niên trong khu phố thường nói: “Trong vùng ngoại ô của chúng tôi, thậm chí chúng tôi không nhìn thấy bóng dáng của cảnh sát; họ không dám bén mảng đến đây. Nhưng chúng tôi thường nhìn thấy cha Eymard.”

Nhiều năm sau, từ Bỉ cha viết thư cho một người bạn rằng cha ao ước nhìn thấy việc tông đồ mở rộng ở nhiều khu vực tại Paris, và “sau cùng ở đây” tại Brussels. Thật vậy cha Eymard đã viết trong Hiến Pháp rằng tác vụ giúp cho người lớn rước lễ lần đầu phải là việc tông đồ của Hội Dòng của cha.

Quý Bà Đến Từ Lyons

Ngay sau khi cùng cha De Cuers ổn định ở Paris, cha Eymard tiếp xúc với một vài phụ nữ đến từ Lyons mà cha đã quen biết và làm việc chung khi cha làm giám đốc Dòng Ba Đức Mẹ. Giám đốc của Dòng Ba ngành nữ là Marguerite Guillot, một người phụ nữ trẻ có năng lực và rất sốt sắng, chị cùng ba người em gái mở dịch vụ chuyên may vá sửa chữa và giặt ủi quần áo, trong đó chị Marguerite quản lý về tài chính. Chị đã chọn cha Eymard làm cha linh hướng cho chị, về phần mình, cha Eymard đã cảm kích tinh thần đạo đức sâu xa và lòng nhiệt thành của chị. Vì thế, cha định nhờ đến chị khi cha nhận thấy dự án rước lễ lần đầu sắp bao gồm cả việc dạy giáo lý cho các thiếu nữ để họ lãnh nhận bí tích ấy. Cha đã được vài ba phụ nữ từ Toulon đến Paris giúp đỡ; thỉnh thoảng ở đây họ cũng tham gia nhóm cầu nguyện trước Thánh Thể do các cha dòng Đức Mẹ điều hành. Tuy nhiên cha Eymard muốn thành lập một tổ chức trực tiếp liên hệ đến Hội Dòng mới của cha, tức là ngành nữ của Hội Dòng Thánh Thể. Cha đã dự kiến điều ấy khi yêu cầu Marguerite đến Paris. Chị đã đến với em gái là Claudine và một cô bạn tên Benoite vào tháng 5, năm 1858.

Lúc đầu, cha Eymard đã cho hai nhóm phụ nữ hợp lại thành một cộng đoàn duy nhất và đặt chị Marguerite làm người phụ trách, dù chị luôn phản đối. Cha đã tâm sự với chị Marguerite viễn cảnh của cha về “một nhà nguyện chung cho các linh mục và các nữ tu ”, ở đó “chỉ đặt một Mình Thánh duy nhất” cho cả hai nhóm. Điều này gợi nhớ lại việc “giáo hội thời tiên khởi ở đó các tông đồ, các môn đệ, những phụ nữ thánh thiện và Đức Mẹ họp nhau cầu nguyện trong nhà nguyện đầu tiên dưới chân nhà tạm đầu tiên.” Trong sáu năm sau đó, các phụ nữ chia sẻ đời sống cầu nguyện của họ trong một nhà nguyện chung với linh mục và giáo dân.

Mỗi buổi sáng, sau khi cầu nguyện riêng, những phụ nữ ấy dạy giáo lý chuẩn bị cho các thiếu nữ rước lễ lần đầu. Họ vẫn mặc y phục giáo dân và được dân nghèo ở địa phương gọi một cách bình dị là Quý Bà (Phu Nhân) của Thánh Thể.

Ít năm sau cha Eymard thành lập cho họ một cộng đoàn nữ tu và chuyển họ về Angers. Ở đó họ bắt đầu mặc tu phục và lấy tên là Chị Em Nữ Tỳ Thánh Thể; cha nói với các chị đó là cái tên diễn tả chính đời sống Đức Mẹ trong nhà Tiệc Ly cùng các tông đồ. Dù cha rất muốn họ chấp nhận cái tên nữ tỳ, nhưng đối với dân nghèo ở Paris họ luôn luôn được gọi là các Phu Nhân (dạy giáo lý) của dòng Thánh Thể.

Cộng đoàn bắt đầu phát triển dù có nhiều trở ngại về vật chất và những gánh nặng mà các hội dòng mới thường gặp. Cha Eymard tiếp tục khích lệ các chị với những kỳ tĩnh tâm, nói chuyện và hội thảo thường xuyên dành cho các chị. Tuy nhiên trong viễn cảnh phát triển của hội dòng, chị Marguerite chứng tỏ là một người đứng đầu can đảm, chị chịu đựng nhiều đau khổ để đem lại sự sống cho cộng đoàn. Những người con gái tinh thần của chị đã gọi chị một cách thân thương là Mẹ Marguerite.

Một Đời Sống Thuần Túy Chiêm Niệm Không Thể Mang Tính Thánh Thể Trọn Vẹn Được

Có một linh mục ở Lyons, cha Antoine Chevrier cũng dấn thân vào việc tông đồ tương tự là chuẩn bị cho trẻ em nghèo được rước lễ lần đầu. Một ngày nọ cha Eymard phấn khởi báo cho cha De Cuers biết vừa nhận được một bức thư của cha Chevrier, và cha dùng cơ hội này để nhấn mạnh cha quan niệm việc tông đồ ấy quan trọng như thế nào.

“Tôi vừa nhận được một bức thư từ vị linh mục thánh thiện này mà tôi quen biết. Tôi rất vui mừng. Tôi thích công việc rước lễ lần đầu. Đó là hoa trái của bữa tiệc Thánh Thể. Phải có một số hoạt động liên kết với việc chầu Thánh Thể. ”

Ít lâu sau cha Eymard lại viết cho cha De Cuers giải thích ước muốn mở rộng tác vụ giúp cho người ta rước lễ lần đầu, và cha nghĩ nó sẽ được hoàn thành tốt đẹp như thế nào bằng việc kết hợp những nỗ lực của cha với công việc của cha Chevrier, vì cha Chevrier đã bày tỏ ước muốn gia nhập Cộng Đoàn Thánh Thể.

“Năm ngày trước đây tôi đã đến Lyons. Cha Chevrier muốn gặp tôi để tôi có thể trực tiếp xem xét tình hình và giáo dân ở đây. Tôi bỏ ra 24 giờ chỉ để tìm hiểu việc đó. Tôi hoàn toàn phấn khởi với việc cha Chevrier chấp nhận hội dòng không chút lưỡng lự và muốn dâng mình cho hội dòng cách trọn vẹn ...Trong mấy năm qua, cha Chevrier đã dấn thân thi hành tác vụ dạy giáo lý rước lễ lần đầu cách tuyệt vời. Khu nhà của cha được lập ra để đón nhận những trẻ em nghèo. Cha coi chúng như con cái của mình. Cha giữ chúng lại hai hoặc ba tháng tùy theo tính khí và thái độ của chúng. Cha đang làm một sứ vụ thật hữu ích và có giá trị. Nhiệt tình Thánh Thể của chúng ta cũng cần phải diễn tả ra qua việc dấn thân vào một sứ vụ nào đó, bằng không nhũng người chầu Thánh Thể như chúng ta sẽ bỏ phí thời gian khi chỉ ngồi suy tưởng, chỉ lý thuyết mà không hành động, không dấn thân vào công việc… Một đời sống thuần túy chiêm niệm không thể mang tính Thánh Thể trọn vẹn được. Một ngọn lửa dữ dội phải bốc cháy lên.”

Tuy cả hai cha cố gắng liên kết sức mạnh lại với nhau nhưng không bao giờ thành, không phải vì họ có những quan điểm khác nhau, nhưng đơn giản vì Đức Giám Mục Lyons không cho phép một trong những linh mục thánh thiện, đáng kính nhất của Đức Cha đến với một dòng tu mới lập mà chính giáo phận của mình còn chưa đón nhận. Cha Eymard vẫn hy vọng rằng sự thống nhất ấy có thể đưa Hội Dòng mới của cha đến Lyons. Sau đó chính cha Chevrier đã thành lập một Hội Dòng các linh mục làm việc cho người nghèo bằng cách sống ở giữa họ. Cha Chevrier được phong chân phước năm 1986.

Cuộc Hành Trình Thứ Nhất Đến Rôma

Cuối năm 1858, sau hai năm đấu tranh để tồn tại, cộng đoàn nhỏ ở Faubourg Saint-Jacques có được 12 thành viên gồm 7 linh mục và 5 tu sĩ. Họ cùng lao tác để thiết lập phòng Tiệc Ly nhỏ của họ như một ốc đảo giữa thủ đô thịnh vượng và ồn ào của nước Pháp. Trong suốt thời gian đó, cha Eymard và các môn đệ tiếp tục thi hành tác vụ dạy giáo lý rước lễ lần đầu cho những người nghèo khổ, đồng thời duy trì đời sống cầu nguyện năng động bằng việc chiêm niệm Thánh Thể trong nhà nguyện nhỏ bé của cộng đòan; cha Eymard cũng mời các linh mục và giáo dân đến chia sẻ những thời gian rảnh rỗi ngắn ngủi trong ngày sống của họ trước sự hiện diện tăng nguồn sức mạnh của Thánh Thể. Cha De Cuers đặc biệt thúc đẩy việc chầu đêm mà cha đã phát động trước đây với cha Cohen, một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng trở lại từ đạo Do Thái.

Được động viên bởi những bước tiến nhỏ trong việc tông đồ mà cộng đoàn đạt được, cha Eymard mạnh dạn quyết định đã đến lúc yêu cầu Rôma thừa nhận chính thức hội dòng Thánh Thể của cha. Chừng nào cha mới chỉ có được sự tán thành của Đức Tổng Giám Mục ở Paris thì nhóm nhỏ của cha không thể phát triển sang những giáo phận khác dể dàng được. Cha De Cuers đã nhắm đến Marseilles là nơi có thể lập một cộng đoàn thứ hai. Brussels cũng yêu cầu thành lập một nhà ở đó. Tháng 11 năm 1858, cha Eymard thảo sẵn một thư thỉnh nguyện để trình lên Đức Thánh Cha, xin Tòa Thánh chính thức chuẩn nhận. Nhưng trước tiên thư thỉnh nguyện đó cần có được ý kiến tán thành của một vài giám mục.

Ngay khi thu xếp xong, cha Eymard đi thăm một số giám mục để xin sự hỗ trợ cần thiết. Yêu cầu của cha được các giám mục nhiệt thành hưởng ứng. Cha có thể liệt kê sự hỗ trợ của Đức Giám Mục ở Grenoble, địa phận quê hương của mình; Đức Tổng Giám Mục ở Lyons, nơi cha đã làm việc nhiều năm và được kính trọng; Đức Giám Mục Wicart ở Laval, một người bạn cũ; Đức Giám Mục De Mazenod, người hy vọng cộng đoàn Thánh Thể sẽ đến thành lập một nhà trong giáo phận của mình; và dĩ nhiên là Đức Tổng Giám Mục ở Paris, người đã tuyên bố rằng các linh mục và tu sĩ ở phòng Tiệc Ly xứng đáng được Giáo Hội ban phước lành vì lòng sùng kính Thánh Thể sâu xa và nhiệt tình làm việc tông đồ của họ.

Khi có được những hỗ trợ nhiệt tình ấy, cha Eymard khởi hành đi Rôma, đến đó vào ngày 8 tháng 12 năm 1858 và vào trọ trong một chủng viện. Cha viết cho chị Marguerite Guillot: “Giờ đây tôi đang ở Rôma. Tôi đến nơi bình an và không thấy mệt mỏi cũng không bị say sóng. Tôi dâng Thánh Lễ ở mộ Thánh nữ Catarina Sienna, trong nhà thờ Đức Mẹ của dòng Đa Minh ở Minerva.” Sau khi dâng Thánh Lễ, cha đi thẳng đến quảng trường Thánh Phêrô và đi bằng đầu gối vào trong vương cung thánh đường. Cha chia sẻ những cảm tưởng của mình trong một bức thư:

“Khi bạn bước vào vương cung thánh đường Thánh Phêrô, bạn được tràn đầy đức tin và lòng sùng mộ nâng bạn lên cùng Đức Giêsu Kitô. Ngôn ngữ không thể diễn tả điều bạn cảm nhận trong lòng. Bạn rất tự hào mình là người Công Giáo. Tôi rất xúc động khi cầu nguyện ở mộ Thánh Phêrô và cử hành Thánh Lễ trong hầm mộ ở tầng dưới đền thờ Thánh Phêrô nơi mà các Kitô hữu đã tôn kính qua bao thế kỷ.”

Ngày 20 tháng 12, cha Eymard được đưa vào trình diện Đức Giáo Hòang Piô IX. Sau buổi tiếp kiến này, cha viết thư cho một người bạn: “Tôi đã được gặp Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha ban phép lành cùng các ân xá quý báu cho chúng ta. Người cha nhân hậu hứa sẽ xem xét thư thỉnh nguyện của tôi và sẽ trả lời cho chúng ta trong vòng hai tuần. Vì thế bây giờ chúng ta phải cầu nguyện.”

Trong suốt hai tuần sau đó, cha Eymard cầu nguyện gấp đôi. Cha đã thường xuyên trở lại Đền Thánh Phêrô để cầu nguyện. Cha kể lại một sự cố xảy ra khi cha đến thánh đường để cầu nguyện:

“Một ngày nọ, đó là ngày 5 tháng 1, tôi đến trước mộ Thánh Phêrô. Chiều tối nên có ít người đến viếng. Tôi quỳ xuống gần một cái cột bằng đá và bắt đầu chăm chú cầu nguyện đến quên hết mọi tiếng ồn ào và những sự việc xảy ra ở chung quanh. Tôi không biết đã quỳ trong tình trạng ấy bao lâu nhưng tôi đóan là cũng khá lâu... Khi tôi nhận thức lại những sự việc chung quanh, mọi vật đều im lặng và không còn ai đến viếng nữa. Tôi quay lại để đi ra thì thấy sau lưng tôi một khoảng cách ngắn, Đức Thánh Cha đang cầu nguyện ở bàn quỳ của mình, và sắp sửa ra về. Đức Thánh Cha đã vào đây với sự tháp tùng của đội vệ binh Thụy Sĩ, thế nhưng tôi đã không nghe thấy gì. Tôi bị một vệ binh Thụy Sĩ đưa ngay ra ngoài, anh ta tỏ vẻ bực bội vì có một linh mục đang đứng trố mắt ra nhìn một cách ngớ ngẩn ngay trước mặt Đức Thánh Cha.”

Ngày hôm sau cha Eymard nhận được “Chiếu thư khen thưởng” (Writ of Praise), một tài liệu của Tòa Thánh do chính Đức Giáo Hoàng ký, đánh dấu bước đầu tiên dẫn đến việc hoàn toàn công nhận hội dòng, và chỉ khi một hội dòng được thành lập với tối thiểu ba cộng đoàn mới được chính thức cấp cho.

Cha Eymard đã hành động mau lẹ dựa trên tình trạng pháp lý mới mà “Chiếu thư khen thưởng” đã cấp cho cộng đoàn nhỏ bé của cha. Cha nhanh chóng quay về Paris, và sau khi tổ chức một tuần tĩnh tâm, mỗi thành viên của Dòng Thánh Thể mới này bắt đầu tuyên khấn. Hôm đó là ngày thứ Tư mồng 2 tháng 3 năm 1859, tất cả tập họp trong nhà nguyện. Sau khi hát bài Veni creator để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, cha Eymard ngỏ lời với họ và đặt mặt nhật có Mình Thánh lên bàn thờ. Rồi quỳ gối trước Thánh Thể, cha là người đầu tiên tuyên khấn với Thiên Chúa như một tu sĩ Dòng Thánh Thể. Đến lượt các thành viên khác cũng làm như thế.

Như vậy phòng Tiệc Ly ở Faubourg Saint-Jacques đã trở thành nhà mẹ của Dòng Thánh Thể. Ngay ngày hôm sau cha De Cuers khởi hành đi Marseilles để tìm nơi xây dựng cộng đoàn thứ hai.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 18.03.2006. 17:46