Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương V: Cuộc Hành Trình Kết Thúc

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Thiên Chúa luôn thúc giục tôi.
Trước Hết Cha Là Tu Sĩ Dòng Đức Mẹ

Suốt mười bảy năm kể từ lúc gia nhập Cộng Đoàn Đức Mẹ, cha Eymard nổi tiếng trong dòng là một thành viên có trách nhiệm và sống hy sinh hãm mình. Dòng Đức Mẹ đã giao cho cha nhiều vị trí quan trọng trong gia đình hội dòng. Ở những thời điểm khác nhau, cha phục vụ như Tập sư, Bề trên tỉnh, Tổng kinh lý, giám đốc trường trung học ở La Seyne, và giám đốc Dòng Ba Đức Mẹ.

Trong lúc cha toàn tâm toàn ý với ơn gọi dòng Đức Mẹ thì Thiên Chúa đến gõ cửa lòng cha với một lời mời gọi khác. Thiên Chúa gọi cha đến với ơn gọi Thánh Thể.

Nguồn gốc của ơn gọi Thánh Thể này đã được định hình qua hai kinh nghiệm tôn giáo mạnh mẽ. Kinh nghiệm thứ nhất xảy ra ngày 25 tháng 5 năm 1845 lúc cha tham dự cuộc cung nghinh Thánh Thể trong nhà thờ Thánh Phaolô ở Lyons. Trong suốt cuộc cung nghinh ấy, cha xúc động sâu xa khi suy tư về ngôi vị Đức Kitô, và cha quyết tâm tập trung bài giảng về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Kinh nghiệm thứ hai xảy ra ngày 21 tháng 1 năm 1851 tại Đền Đức Bà ở Fourvière, nơi ấy cha được thúc giục mạnh mẽ bởi ý định thành lập một nhóm người nam chuyên tâm thờ phượng Chúa Giêsu trong Thánh Thể để đáp ứng một số nhu cầu mục vụ trong Giáo Hội. Mặc dù những ân sủng đặc biệt ấy ghi dấu sâu đậm trong tâm hồn, tuy nhiên cha Eymard luôn thận trọng và chưa có quyết định dứt khoát về bất cứ kế hoạch nào tập trung linh hứng của cha về Thánh Thể một cách cụ thể khiến cha phải một mình đảm nhận trách nhiệm trong cuộc phiêu lưu ấy.

Ở mức độ rộng lớn hơn, cha Eymard nhận được sự động viên của vị sáng lập dòng Đức Mẹ cho sứ vụ Thánh Thể của cha, đặc biệt trong những năm cuối ở La Seyne và ở Toulon nơi mà Hội Chầu Đêm đã hoạt động. Mỗi tối thứ sáu, cha đến vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria để giảng về lòng sùng kính Thánh Thể cho một nhóm người ngày càng đông kéo đến từ Hội Chầu Thánh Thể.

Trong thời gian làm giám đốc trường trung học ở La Seyne (1851-1855), cha Eymard cộng tác với cha De Cuers với hy vọng thành lập Dòng Thánh Thể. Mặc dù chính cha De Cuers có sáng kiến tuyển lựa hội viên mới với ý định thành lập một dòng của các linh mục chuyên tâm chầu Thánh Thể liên tục, nhưng chính cha Eymard được kêu gọi để giúp đỡ xúc tiến dự án với việc viết ra bản dự thảo đầu tiên bộ luật hướng dẫn hoạt động của nhóm. Trong thực tế, cha còn đi xa hơn khi tích cực khuyến khích một số học sinh trong trường trung học Đức Mẹ tìm hiểu ơn gọi Thánh Thể. Một khi người ta khám phá ra rằng cha Eymard, giám đốc trường trung học ở La Seyne đang tuyển những ứng sinh trong dòng cho một thứ ơn gọi khác, các đồng nghiệp của cha trong trường sửng sốt, và những bề trên của cha ở Lyons tìm cách đưa cha vào kỷ luật.

Tháng sáu năm 1855, cha bề trên Favre loan báo muốn đến thăm cha Eymard ở trường trung học La Seyne, nhưng cùng lúc ấy cha được cảnh báo rằng hội dòng Đức Mẹ không thể khuyến khích cho một dự án Thánh Thể, và hơn thế nữa cha Favre đã ra lệnh cho cha Eymard phải chấm dứt mọi dấn thân trong cuộc phiêu lưu Thánh Thể ấy.

“Trước hết cha là tu sĩ dòng Đức Mẹ; và hội dòng Đức Mẹ là con thuyền cứu độ cha. Cha phải xử sự thật khôn ngoan để không một bóng đen phê bình nào có thể nhắm vào cha liên quan đến dự án Thánh Thể, mà trong bất cứ trường hợp nào dự án này không nên là mối bận tâm của cha, vì cha đã là một tu sĩ được thánh hiến của dòng Đức Mẹ.”

Với những nhận xét ấy, cha Favre có ý định hạn chế sự dấn thân của cha Eymard vào dự án Thánh Thể. Bàng hoàng trước quyết định ấy, cha Eymard cố biện minh cho trường hợp của mình, nhưng không thành. Cha không được phép theo đuổi việc thiết lập một dự án Thánh Thể trong khi còn là thành viên của hội dòng Đức Mẹ.

Chán nản trước cái tin ấy, cha Eymard quay về tìm sức mạnh và an ủi trong việc cầu nguyện. Lần đầu tiên cha nhận thấy rằng sự đánh cuộc này trở nên quá cao nếu cha phải theo đuổi ơn linh hứng mà hiện nay cha mạnh mẽ tin rằng nó đến từ Thiên Chúa. Cha không chắc mình sẽ có thể tìm ra giải pháp thích hợp trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan này như thế nào. Khi đối diện với sự chống đối của các bề trên và những nỗi băn khoăn trong lòng, cha cảm thấy quyết tâm hơn bao giờ hết phải luôn trung thành với lý tưởng Thánh Thể này. Ý tưởng này ngày càng định hình rõ nét trong tâm hồn và cha chia sẻ cảm nhận ấy với một người bạn là cha Mayet:

“Thiên Chúa đang thúc giục tôi. Ý nghĩ về việc thiết lập một công trình cho Thánh Thể cuốn hút tôi; nó đang làm cho tôi nên tốt hơn. Ý tưởng đó dịu dàng, mạnh mẽ, bình an và làm vui thỏa. Tôi biết mình phải trả giá cho tất cả điều ấy. Không người nào thiết lập một công trình mới mà không bị đóng đinh. Tôi từ bỏ một hoàn cảnh an toàn và sẽ hứng chịu sự nghèo khó, khinh khi và cơ cực. Nếu việc này không thành công, người ta sẽ chế giễu tôi. Tôi thấy tất cả điều đó, tôi cảm nhận hết. Nhưng tôi chỉ tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa.”

Tuy bị các bề trên khước từ, nhưng được khích lệ bởi ý thức cao cả và trách nhiệm nhiệt thành với điều mà cha nhận biết là ý Chúa, nên cha Eymard đã cầu cứu Tòa Thánh Rôma.

Đúng là ý Chúa quan phòng, cha Touche là người bạn cũ và cố vấn tâm linh của cha Eymard, tình cờ ghé lại La Seyne trên đường đi Marseilles để đáp tàu qua Rôma. Cha Eymard có dịp giải bày sự việc với người bạn thân này, và cha Touche đã khuyên cha: “Dự án của cha là một công trình của Thiên Chúa, nhưng phải đệ trình lên Tòa Thánh để xem xét.” Vì thế cha Touche đồng ý trình một thư thỉnh nguyện do cha Eymard viết lên Đức Giáo Hoàng. Cha Touche đáp thuyền từ cảng Marseilles ngày 12 tháng 8 để đến kinh thành vĩnh cửu Rôma.

Thư Thỉnh Nguyện Đến Rôma

Sau đó cha Eymard rời La Seyne để đi dưỡng bệnh theo yêu cầu khẩn thiết của bác sĩ. Từ suối nước nóng Mount Doré, cha viết: “Đây là một nơi lạnh lẽo. Tôi không gặp một người quen nào. Tôi hoàn toàn cô độc như tôi mong muốn. Nhưng thiên đàng ở trên đầu và bên cạnh tôi là nhà tạm: Tôi có mọi thứ tôi cần.”

Ít lâu sau cha viết:

“Việc trị liệu bằng nước rất tốt cho tôi. Thiên Chúa nhân hậu dường như đã ban cho tôi phương tiện chữa trị này để yêu cầu tôi tận tụy hơn nữa trong việc phục vụ Người. Vì thế tôi ước ao làm việc nhiều hơn vì vinh quang Người, và đem nhiều tâm hồn nhân loại về cho Người. Thiên Chúa tốt lành dường bao khi muốn sử dụng một người khốn khổ và bất hạnh như thế. Thiên Chúa không cần chúng ta. Nhưng khi Người quyết định sử dụng nỗi bất hạnh và sự trống rỗng của chúng ta cho vinh quang Người, khi Người cho chúng ta vinh dự được đau khổ vì danh Người, đương nhiên chúng ta sẽ bị tổn thương.”

Cha Touche đến Rôma ngày 27 tháng 8 và ít ngày sau trình thư thỉnh nguyện của cha Eymard lên Đức Thánh Cha. Trong thư viết:

“Kính thưa Đức Thánh Cha: Cho phép đứa con kém cỏi nhất của cha, một tu sĩ dòng Đức Mẹ, hoàn toàn đơn sơ đặt dưới chân cha suy nghĩ của tâm hồn mình. Vì con không thể đến Roma lúc này, nên cha Touche đồng ý đại diện cho con, và là người giải thích những cảm nghĩ của con.

“Trong bốn năm qua chính con đã cảm thấy ân sủng thúc giục mạnh mẽ đi xin phép bề trên của con để hoàn toàn chuyên tâm làm sáng danh và phục vụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta trong Thánh Thể. Trong ba năm con đã chống lại sự thúc giục nội tâm ấy vì sợ rằng đó chỉ là một sự lôi cuốn tự nhiên hoặc sự lừa lọc của ma quỷ. Tuy nhiên vì sợ chống lại tiếng gọi của Thiên Chúa nên con đã giải bày tâm trí con cho cha Alphonsus, Bề trên tỉnh dòng Capuchins, và bây giờ làm Phụ Tá Bề Trên Tổng Quyền ở Rô-ma. Cha Alphonsus khuyên con hãy trắc nghiệm ý tưởng ấy một thời gian lâu hơn nữa, và nếu nó còn dai dẳng, hãy trình bày vấn đề cho Bề Trên Tổng Quyền. Con đã làm như thế. Cha bề trên Colin, sau khi nghe con trình bày, đã đáp lại: ‘Tôi tin ý tưởng mà cha có kinh nghiệm lâu như thế đến từ Thiên Chúa, và sẽ đem lại vinh quang cao cả hơn cho Người. Một ngày nào đó cha sẽ thực hiện được ý tưởng ấy.’

“Kính thưa Đức Thánh Cha, [...] ý tưởng mạnh mẽ và dịu dàng này đã đi vào tâm trí con: Tại sao mầu nhiệm cao cả nhất lại không có dòng tu riêng của nó như những mầu nhiệm khác đã có; tại sao không có những người với sứ mạng cầu nguyện liên tục dưới chân Chúa Giêsu trong Bí Tích thần thiêng của Người? [...]

“Hội dòng Thánh thể sẽ không tự giới hạn trong sứ mạng cầu nguyện và chiêm niệm. Đường lối tông đồ của hội dòng là chăm lo việc cứu độ các linh hồn bằng cách sử dụng mọi phương tiện được linh hứng bởi lòng nhiệt thành, sáng suốt, cẩn thận và đức ái thần thiêng của Đức Giêsu Kitô. Hội dòng sẽ làm việc để đem đến dưới chân Chúa Giêsu trong Thánh Thể những người thờ phượng với con số lớn nhất qua việc thành lập hiệp hội những người chầu Thánh Thể trên thế giới.”

Rồi cha Eymard giải thích việc tông đồ Thánh Thể có thể phát triển như thế nào. Bức thư viết tiếp:

“Đã có sáu linh mục và sáu sinh viên ban triết sốt sắng ước muốn tuyên khấn theo ý tưởng Thánh thể ấy...

“Còn lại vấn đề cá nhân liên quan đến con. Cha bề trên đáng kính Favre, người thừa kế cha Colin, khi xem xét ý tưởng của con đã thấy sự khích lệ con của người tiền nhiệm, nhưng không muốn tán thành ý tưởng ấy bên ngoài hội dòng Đức Mẹ cũng không cho phép con làm việc cho ý tưởng ấy. Cha Favre nói rằng cha không có thẩm quyền giải quyết vấn đề và giao con cho Đức Thánh Cha quyết định. Đối với con, dường như Đức Thánh Cha không lấy đi vinh quang nào của Đức Mẹ khi đem một người con khốn khổ của Đức Mẹ cho Đức Giêsu. Trong suốt mười sáu năm làm tu sĩ, con đã giữ những nhiệm vụ Bề Trên tỉnh và Phụ tá Bề Trên Tổng Quyền. Bây giờ con đã từ nhiệm mọi chức vụ ấy, và việc con rút lui không hề làm hại đến hội dòng Đức Mẹ.

Thưa Đức Thánh Cha, con đặt trường hợp của con ở trong tay cha.”

Bức thư được ký tên: Phêrô Eymard, linh mục dòng Đức Mẹ và ghi ngày 2 tháng 8 năm 1855.

Đức Thánh Cha chúc lành và khuyến khích dự án, nhưng ghi thêm rằng phải có sự cho phép của Bề Trên Tổng Quyền và giám mục địa phận thì dự án mới được tiến hành.

Trong khi đó, cha bề trên Favre và ban cố vấn không nhìn sự việc theo cách đó. Trái lại, một lần nữa họ bác bỏ kế hoạch của cha Eymard về một dự án Thánh Thể. Cha Favre cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng, một định hướng Thánh Thể không phù hợp với những mục tiêu của Dòng Đức Mẹ. Bề trên dòng Đức Mẹ sợ những nguy hại mà cuộc phiêu lưu ấy có thể gây ra cho hội dòng Đức Mẹ còn non trẻ. Có lẽ cha Bề Trên cũng buồn vì đột nhiên mất đi một thành viên có năng lực, thánh thiện và được hội dòng quý trọng. Cha Eymard không bao giờ từ chối một sự bổ nhiệm nào, và được kêu gọi đảm nhận nhiều trách nhiệm mà nhiều khi là những nhiệm vụ khó khăn nhất trong dòng Đức Mẹ. Tuy nhiên giờ đây việc ủy nhiệm đã khác nhưng không kém phần đòi hỏi. Eymard phải lựa chọn một trong hai: hoặc bỏ qua ý tưởng về một dự án Thánh Thể hoặc rời bỏ dòng Đức Mẹ.

Khoảng cuối tháng chín, cha Eymard rời khỏi chức vụ giám đốc trường trung học La Seyne và được sai đi nghỉ ngơi một thời gian ở tập viện của dòng Đức Mẹ Chaintre. Cha viết cho cha Touche: “Tôi ở nơi này, và không dám nói là ở trên Can-va-ri-ô, vì tôi không xứng đáng điều đó, nhưng trong một tình trạng thử thách, trong một vị trí hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ một mình Thiên Chúa. Xin Cha cầu nguyện cho tôi.”

Vì vâng lời, cha Eymard đã bỏ hết mọi tiếp xúc trực tiếp liên quan đến dự án Thánh Thể, dù cha luôn xác tín mạnh mẽ rằng ơn linh hứng Thánh Thể của mình chắc chắn là một lời mời gọi Chúa gởi đến. Nhưng làm thế nào để có thể tiến hành dự án đó khi không có sự tán thành của các bề trên? Năm 1855 rồi cũng khép lại với tâm trạng dày vò của cha trước tình cảnh nan giải ấy.

“Với Tôi, Rôma Là Đức Thánh Cha”

Dường như không có giải pháp nào tiến triển cho đến một ngày vào tháng hai, cha Favre báo cho cha Eymard biết cha sắp đi công tác ở Rôma và muốn bàn bạc vấn đề với Đức Thánh Cha.

“Tôi sẽ trình bày sự việc của cha lên Đức Thánh Cha, và tôi hy vọng cha sẽ tuân theo những gì Đức Thánh Cha yêu cầu.”

Cha Eymard đáp lại: “Tôi hoàn toàn sẵn sàng.”

Cha biết rằng Đức Piô IX đã chúc lành cho dự án, và chắc chắn không có việc xét lại vấn đề. Dự án Thánh Thể coi như đã được bảo đảm.

Cha Favre lên đường đi Rôma vào cuối tháng hai. Từ Chantré cha Eymard viết; “Tôi đau khổ và tôi hy vọng”. Cha so sánh mình với một người đang lênh đênh trên biển “người ấy chỉ có một tấm ván để bám vào trong niềm tín thác vào Thiên Chúa nhân từ, mặc cho sóng gió dập vùi. Ở Chantré tôi cầu nguyện, thậm chí có thể nói rằng chưa bao giờ tôi đã cầu nguyện và đau khổ nhiều như thế để Thiên Chúa cho tôi hiểu được thánh ý Người.”

Sau cùng mãi đến ngày 22 tháng 4, cha Favre từ Rôma trở về đã đến Chaintre gặp cha Eymard. Lúc 9 giờ sáng, cha Favre mời cha Eymard đi với mình ra vườn để nói chuyện. Sau khi biến cố này xảy ra, cha Eymard thuật lại một cách vắn gọn:

“Cha Favre nói: Rôma gợi ý rằng tôi không nên để cha ra đi đảm nhận dự án Thánh Thể này.”

Cha Eymard không ngập ngừng đáp lại: “Thưa cha, thế thì tốt quá, vấn đề coi như đã giải quyết xong.”

Toàn bộ sự việc đã dày vò cha chỉ kéo dài trong ít phút. Rôma đã nói và cha phải tuân theo. Cha lại tiếp tục theo ơn gọi dòng Đức Mẹ và dứt khoát bỏ cuộc dấn thân cho dự án Thánh Thể. Bỗng nhiên mọi sự có vẻ quá đơn giản. Mọi việc đã được giải quyết quá nhanh. Cả hai đều cảm thấy nhẹ nhõm.

Họ tiếp tục đi dạo trong vườn và nói về cách mà cha Eymard có thể bắt đầu lại công việc của cha. Sau khi một vài việc đã được thu xếp ổn thỏa, cha Favre bắt đầu chia sẻ cảm tưởng của mình về Rôma và lần thăm viếng Đức Thánh Cha. Cha Eymard tò mò muốn biết chính xác những gì Đức Thánh Cha đã nói về dự án Thánh Thể cho nên yêu cầu cha Favre nói cho biết mọi việc đã xảy ra thế nào.

Cha Favre đáp:

“Tôi đã gặp các bạn và cố vấn của cha, đó là cha Alphonsus, giám mục Luquet, và cha Jandel Bề Trên Tổng Quyền dòng Đa Minh, các vị ấy đều nói với tôi rằng không nên để cha đi khỏi dòng Đức Mẹ, và hơn thế nữa tôi không nên để cha tiếp tục hoạt động cho một dự án Thánh Thể.”

Cha Eymard hỏi: “Và Đức Thánh Cha cũng khuyên cha điều đó?”

Bề Trên Tổng Quyền ngập ngừng, tỏ ra bối rối và chậm rãi thú nhận:

“Khi được tiếp kiến Đức Thánh Cha, tôi quá xúc động đến nỗi hoàn toàn quên mất việc trình lại trường hợp của cha.” Và nói thêm, “Chắc chắn đó là do ý Chúa.”

Cha Eymard sững sờ nhìn chằm chằm vào vị Bề Trên. Cha không thể tin nổi điều tai mình vừa nghe thấy, nhưng cha hiểu ngay những hàm ý trong lời thú nhận của cha Favre. Đức Thánh Cha không gạt bỏ đề nghị về dự án Thánh Thể của cha. Đối với cha điều này đã rõ ràng và rất quan trọng trong toàn bộ sự việc.

Cha Eymard kêu lên: “Ồ! Thế thì chưa có gì được giải quyết. Với tôi Rôma là Đức Thánh Cha.”

Cha Favre vắn tắt đáp lại: “Trong trường hợp này, cha phải ra khỏi dòng Đức Mẹ. Tôi không thể và không muốn để cha lơi lỏng với những lời cha đã khấn.”

Cha Eymard sửng sốt trước phản ứng của cha bề trên, và khi lấy lại bình tĩnh, cha xin bề trên cho phép mình được ở trong dòng để thực hiện dự án Thánh Thể trong ít năm cho đến khi nó được thành hình. Cha Favre dứt khoát từ chối. Không thể có giải pháp thỏa hiệp cho dự án Thánh Thể.

Cha Eymard biện bạch:

“Thiên Chúa đã lôi kéo tôi mạnh mẽ vào công trình này, đặc biệt trong hai năm cuối đây. Hơn bốn năm trời, ân sủng này đã làm việc trong linh hồn tôi. Tôi sợ hãi và đã chiến đấu chống lại nó. Tôi sợ thập giá và đau khổ; tất cả điều tôi muốn là được phép chờ đợi dự án này trong một thời gian nữa; tôi không muốn cắt đứt dây liên kết tôi với dòng Đức Mẹ mà tôi yêu mến; mặt khác tôi không muốn dại dột rời bỏ chỗ trú ẩn an toàn này.

“Giờ đây tôi biết Thiên Chúa muốn tôi phải hoàn toàn dứt bỏ, kể cả việc phải đốt bỏ chiếc cầu thoát thân sau lưng mình. Sự hy sinh phải triệt để. Thiên Chúa đòi tôi phải hoàn toàn phó thác vào ân sủng của Người.”

Trong cuộc gặp gỡ khó khăn và khổ tâm nhất phải có giữa hai cha, cha Eymard đã có thể tập trung nghị lực cần thiết để đương đầu với thử thách quan trọng đầu tiên. Cha tìm kiếm ở nơi sâu thẳm của lòng mình và chỉ thấy một Thiên Chúa không thỏa hiệp. Nhưng thay vì bị vùi dập bởi điều Thiên Chúa đòi hỏi, cha Eymard nhận ra lời mời gọi đi theo một lộ trình khác. Ân sủng Thiên Chúa sẽ nâng đỡ cha bất chấp những hy sinh không thể tránh khỏi. Chưa bao giờ điều ấy rõ ràng như bây giờ. Con đường mở ra phía trước dẫn cha đến Thánh Thể. Từ trước đến nay cha vẫn ngập ngừng khi đi theo con đường ấy, nhưng đây là lần đầu tiên cha nhận ra rằng mình không thể quay lại được vì Thiên Chúa đã chọn cha. Vì thế, cha đáp gọn: “Thế là xong. Tôi đã quyết định.”

Khi nói những lời đơn sơ ấy với cha Favre, cha Eymard đã đem số mệnh mình đánh cuộc với Chúa. Cha sẽ dứt bỏ hội dòng Đức Mẹ thân yêu nơi cha được quý mến, nơi cha biết mình có thể sống an toàn hết cuộc đời trong cộng đoàn với sự quý mến chiều chuộng của các bạn.

Cha Favre kêu lên: “Cha sẽ rời bỏ dòng Đức Mẹ?

Cha Eymard đáp lại: “Vâng, tôi đã cầu nguyện nhiều ngày. Tôi đã cầu xin Chúa, Đức Mẹ và Thánh Giu-se thà để tôi chết đi còn hơn để tôi bị lừa dối hoặc lạc đuờng. Tôi luôn luôn cảm thấy mình bị thúc giục, bị thập giá và đau khổ lôi kéo.”

Cha Favre nói: “Trong trường hợp này tôi chỉ còn cách để cha đi. Tôi sẽ gỡ cho cha khỏi mọi lời khấn.”

Hai cha chia tay nhau, mỗi người tin chắc mình đã hành động theo ý muốn rõ ràng của Chúa; người này theo lợi ích tốt nhất của hội dòng Đức Mẹ, người kia theo tiếng gọi không thể thoái thác của Chúa Thánh Thần.

Trở về phòng mình, cha Eymard lập tức viết cho cha De Cuers, bạn đồng nghiệp của mình: “Khi cha Favre nói với tôi: ‘Tôi sẽ gỡ cho cha khỏi mọi lời khấn’, tôi xúc động đến rơi lệ và nói: ‘Cám ơn cha.’ Chúng tôi im lặng một lúc. Vấn đề đã được giải quyết; bản tính tự nhiên bị đóng đinh nhưng ân sủng đã chiến thắng. Lập tức tôi cảm thấy một sự bình an ngọt ngào mạnh mẽ đi vào tâm hồn tôi; trái tim tôi tràn ngập niềm vui; Thiên Chúa đã an ủi tôi.”

Sau đó có lúc cha viết, “Không ai biết tôi phải trả giá thế nào để quyết định như vậy và để nói với Thiên Chúa, ‘Lạy Chúa, này con đây; con đã rời bỏ gia đình tự nhiên và sinh quán của con. Con cũng sẽ rời bỏ gia đình thiêng liêng là dòng Đức Mẹ để phục vụ Chúa trong Thánh Thể.”

Trước khi ra đi, cha Favre yêu cầu cha Eymard đến Lyons để nhận giấy phép chính thức rời khỏi dòng do chính tay cha Favre cấp. Tiên cảm những phản ứng tiêu cực mạnh mẽ không tránh khỏi từ các bạn đồng tu dòng Đức Mẹ. Cha Eymard đã viết cho cha De Cuers ngày 25 tháng 4: “Tôi sợ cảnh tượng ở Lyons trong giờ phút chia tay.”

Quả thật nỗi sợ hãi của cha Eymard là có cơ sở. Khi đến Lyons, người ta không tiếc lời buộc tội cha là bất trung với ơn gọi, là để cho lòng tự mãn và tham vọng tác động. Bị các bạn đồng tu tấn công như thế, cha rất bối rối và thức trắng đêm, vì vậy sáng sớm hôm sau việc đầu tiên là phải đi gặp cha Favre. Sự tấn công của các bạn trong dòng về những động lực khiến cha rời bỏ dòng Đức Mẹ đã làm lung lay quyết định của cha. Trong trường hợp đặc thù này, cha quyết định cách duy nhất để giải quyết tình trạng khó xử này là trình bày vụ việc cho sự phân định của một thẩm phán độc lập. Khi gặp cha Favre, cha Eymard trao đổi sự việc xảy ra, và ước muốn đặt trường hợp của mình cho sự phán xét của một người vô tư, và xin cha Favre không đưa ra giấy xá miễn các lời khấn cho đến khi nào việc phán xét ấy được thực hiện. Cha Favre sẵn lòng chấp nhận lời yêu cầu của cha Eymard.

Phán Quyết Ở Paris

Bị tổn thương bởi những đả kích bất công của một số bạn tu dòng Đức Mẹ làm cho cha Eymard một lần nữa phải đặt lại vấn đề động cơ thúc đẩy mình. Cha đáp tàu hỏa đến Paris để tìm kiếm sự bảo đảm. Ở kinh đô cha tìm được chỗ trọ trong một dòng tu nhỏ sắp giải thể. Cha viết cho một người bạn: “Người ta cho tôi một căn phòng không có lò sưởi mở ra hướng gió và còn ẩm thấp. Ban đêm các khăn trải giường thì ẩm ướt như bị phơi sương. Thức ăn thì tồi tệ. Nhưng Thiên Chúa đã nâng đỡ tôi.”

Rồi cha bắt đầu tĩnh tâm vào ngày 1 tháng 5 năm 1856 lễ Thăng Thiên. Với sự giới thiệu của một người bạn là Đức Cha Bouillerie ở Carcassonne, cha Eymard đến gặp Đức Cha Sibour là Giám Mục phụ tá ở Paris và là anh họ của Tổng Giám Mục cùng tên để giải thích những khó khăn của mình. Đức Giám Mục yêu cầu cha Eymard trình bày sự việc bằng văn bản để ngài có thể nghiên cứu và tham khảo ý kiến Đức Tổng Giám Mục.

Eymard trở về căn phòng lạnh lẽo và bắt đầu viết:

“Con xin phép bày tỏ tâm hồn cho quý Đức Cha về một ý tưởng mà con tin là do Thiên Chúa gởi đến. Nhưng xin đừng tin vào sự yếu đuối của con và những ảo tưởng của lòng tự phụ. Con cần sự khuyên bảo khôn ngoan của Đức Cha để có thể hành động hợp với đường lối thông thường, có nghĩa là bằng sự vâng phục.”

Kế đó cha tuần tự giải thích hoàn cảnh của cha, và hứa sẽ tuân theo quyết định của giám mục.

Trong lúc chờ đợi được trả lời, cha viết thư cho một người bạn:

“Tôi đã bày tỏ tâm hồn cho một người hiểu biết, có kinh nghiệm và cương quyết mà trước đây tôi chưa từng quen biết. Những lời sau cùng người ấy nói với tôi là: ‘tôi phải cầu nguyện, suy nghĩ và bàn hỏi, ngày thứ ba tôi sẽ trả lời cho cha.’ Tôi không biết câu trả lời sẽ như thế nào. Dù sao tôi cũng được yên tâm với việc tôi chân thành thuật lại những điều mà ở Lyons tôi bị chống đối. Tôi nói thật nhiều để không một điều tâm sự nào bị bỏ sót. Nhưng ý của Thiên Chúa sẽ được cho biết qua câu trả lời của người ấy. Nếu người ấy bảo tôi gạt bỏ ý tưởng ấy thì tôi sẽ làm như thế vì biết rằng tôi đã hành động theo lương tâm mình. Tôi vẫn sống ẩn dật một mình, một mình với Chúa. Cầu nguyện, nhẫn nại và từ bỏ nhiều hơn một chút vì Chúa, tất cả mọi sự rồi sẽ qua thôi.”

Dù luôn xác tín vào tay Thiên Chúa quan phòng trong vấn đề ấy, tuy nhiên, cha Eymard vẫn bi quan về kết quả. Cha đã từng nói với cha De Cuers rằng cha đã thu xếp hành trang và sẵn sàng trở về dòng Đức Mẹ ngay sau khi nhận được câu trả lời phủ quyết của giám mục. Cha không còn việc gì phải làm ngoài việc đóng va-ly và vâng phục. Cha De Cuers đáp lại cùng một kiểu: giống như cha, tôi cũng chỉ đi tìm điều Chúa mong muốn. Tôi sẽ đi Rô-ma để sống hết đời tôi ở đó.

Sau cùng, ngày 13 tháng 5, cha Eymard đến tòa tổng giám mục để nhận quyết định đã phải chờ khá lâu. Cha de Cuers đã đến trước cha. Vì thế cả hai cùng ngồi ở tiền sảnh lo lắng chờ đợi được giám mục gọi vào.

Cha Eymard đã mô tả lại sự việc diễn tiến như sau:

“Chúng tôi đang ngồi đợi ở tiền sảnh thì Đức Tổng Giám Mục vốn không có thói quen tiễn khách ra tận cửa, nhưng hôm nay Ngài buộc phải làm như thế để tỏ lòng tôn kính đối với Đô Đốc Parceval vừa mới cáo lui. Khi quay lại Đức Cha nhìn thấy chúng tôi, đã hỏi chúng tôi là ai và cần việc gì. Chúng tôi nói với Đức Tổng Giám Mục rằng chúng tôi chờ Đức Giám Mục Sibour. ‘Nhưng điều gì Đức Giám Mục Sibour làm ở đây mà tôi lại không thể làm được? Các cha muốn gì?’ Thế là tôi nói với Đức Tổng Giám Mục về quyết định mà chúng tôi phải đến để nhận. ‘Vậy cha là tu sĩ dòng Đức Mẹ?’ ‘Vâng,’ tôi đáp lại. ‘Giám Mục Sibour đã nói với tôi tất cả việc đó. Không, không. Đó là Dòng thuần túy chiêm niệm. Tôi không tán thành những việc đó. Không, không.’

“Tôi sôi nổi đáp lại: ‘Thưa Đức Cha, điều đó không đúng với mục đích của chúng con. Đây không phải là một nhóm người chỉ chuyên về chiêm niệm. Dĩ nhiên chúng con chầu Thánh Thể, nhưng chúng con muốn hướng dẫn người khác cũng làm như vậy. Chúng con muốn dấn thân trong việc giúp đỡ những người trưởng thành Rước Lễ Lần Đầu. Chúng con muốn khơi dậy nhu cầu rất cần thiết ấy ở bốn phương trời trên nước Pháp và trước tiên là ở mọi nơi của Paris’. Nghe những lời ấy khuôn mặt của Đức Tổng Giám Mục sáng ra. ‘ Rước Lễ Lần Đầu cho người trưởng thành, đó là công việc mục vụ mà tôi còn thiếu, chưa làm được, tôi ao ước thực hiện công việc ấy.’ Đức Tổng Giám Mục tỏ ra phấn khởi.”

Đức Tổng Giám Mục liền nắm tay hai cha dẫn vào phòng hội, ở đó Giám Mục Sibour và cha Carrière, bề trên của dòng Sulpice đã ngồi chờ. Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng vấn đề đó cần phải được bàn cãi thêm. Cha Eymard thuật lại chi tiết những việc đã xảy ra. Đức Tổng Giám Mục diễn tả công việc đó với lời khen ngợi. Giám Mục Sibour gọi đó là tột đỉnh của những việc thờ phượng trong thành phố Paris. Cha Carrière tán thưởng dự án đó. Đức Tổng Giám Mục cho phép thực hiện và chấp thuận dự án đó với lòng nhân từ của một người cha và nói: ‘Giờ thì các cha là con cái của ta.”

Tuy nhiên cha Eymard xin các giám mục xử lý việc tháo lời khấn của cha như một vấn đề riêng rẽ, thế nên họ đồng ý gặp lại cha hôm sau. Ngày hôm sau, cha đến đối chất với ba Đức Giám Mục. Giám Mục De la Bouillerie cũng được mời đến để tham dự cuộc tranh luận.

Sau khi cha Eymard thuật lại chi tiết hành trình tâm linh của cha đến với ơn gọi Thánh Thể và những bước cha đã thực hiện để kiểm tra tính chất xác thực của ơn gọi ấy, cả ba Giám Mục đều đồng ý rằng Thiên Chúa quan phòng hẳn đã hoạt động trong vấn đề này, và đã hướng dẫn các biến cố để đưa cha Eymard đến đây và được họ quan tâm. Họ xác nhận lại sự tán thành của ngày hôm trước. Hơn thế nữa họ xác nhận cha Eymard đã liều mình tìm kiếm phương thế để dấn thân toàn tâm toàn ý cho dự án Thánh Thể, và họ gạt bỏ hết những nỗi nghi ngờ, do dự và mơ hồ của cha một lần cho xong. Cha Eymard đã nghe được những lời cha muốn nghe khi đến Paris. Phán quyết của ba Giám Mục đã làm cha yên tâm.

“Ý muốn của Thiên Chúa được biểu lộ cách rõ ràng trong công trình Thánh Thể. Chính Thiên Chúa đã giải gỡ những khó khăn. Cha phải toàn tâm cho công việc này. Không có lý do gì mà ngần ngại nữa; cha phải tiến lên.”

Tối hôm đó cha Eymard viết cho cha Favre:

“Sau mười hai ngày chờ đợi cầu nguyện trong nước mắt và từ bỏ, sau cùng thử thách đã được vượt qua. Hai lần tôi đã nhận được câu trả lời rằng ý Chúa muốn tôi để hết tâm trí cho công trình Thánh Thể.

“Tôi sẽ không thuật lại chi tiết những đau khổ, cám dỗ và thử thách mà Thiên Chúa muốn tôi phải chịu. Tôi cũng không nói tâm trí và mọi cảm xúc của tôi đã phải trả giá đến mức nào khi tôi thực hiện bước đi cao cả này. Dù chỉ thấy thập giá và chén đắng, tuy nhiên tôi vẫn vui sướng nếu Thiên Chúa chấp nhận hy sinh của tôi. Điều tôi có thể nói với cha là tôi luôn luôn như người con biết ơn và yêu quý cha, tôi sẽ luôn là đứa con của dòng Đức Mẹ....Tôi có thể làm được gì hơn là yêu mến hội dòng vì đã quá tốt và dịu dàng với tôi như một người mẹ.”

Cha Favre viết thư hồi đáp không chậm trễ, trong thư đề ngày 20 tháng 5, cha viết:

“Cha Eymard thân mến. Sau cùng thì công việc đã kết thúc. Nguyện xin thánh ý Thiên Chúa được thực hiện chứ không phải ý muốn của chúng ta! Tất cả điều tôi có thể nói là xin Chúa chúc lành cho cha và công việc của cha....Tôi xin cha tiếp tục cho tôi biết tin tức về cha, đó luôn luôn là điều rất thích thú đối với tôi. Việc chúng ta chia tay sẽ không cản trở lòng yêu mến nhau luôn trong trái tim Chúa Giêsu và Đức Mẹ.”

Cha Eymard giờ đây bắt đầu một cuộc hành trình mới mà trong một thời gian dài xem ra không chắc chắn và rõ ràng. Rời bỏ dòng Đức Mẹ là một nỗi đau. Bắt đầu thiết lập một dòng tu mới sẽ không cho cha có được sự nghỉ ngơi. Thật vậy, bị kiệt sức vì việc dàn xếp căng thẳng với dòng Đức Mẹ để cha được phép ra đi và có được sự phê chuẩn dự án mới về Thánh Thể khiến cha ngã bệnh viêm phổi trầm trọng, và bắt buộc phải nghĩ dưỡng bệnh với bạn bè ở trang viên Leudeville, miền nam Paris.

Công trình Thánh Thể này đặt cha Eymard vào chiều hướng làm sống lại lòng sùng kính đối với Thánh Thể đang diễn ra trong Giáo Hội Pháp thời kỳ đó. Dù nói chung người ta vẫn chưa rước lễ thường xuyên, nhưng những hạt giống của việc đề cao giá trị Thánh Thể đã được gieo xuống qua nhiều hoạt động sùng kính. Cha Eymard đã khuyến khích không mệt mỏi việc rước lễ thường xuyên, trái với việc thực hành và suy nghĩ thời đó. Một số người cùng thời với cha bằng nhiều cách đã khuyến khích việc sùng kính Thánh Thể với nhiều hình thức khác nhau: Marie Tamisier vừa mới khai mạc Đại Hội Thánh Thể; Hermann Cohen và Raymond de Cuers cũng đã xúc tiến một hội chầu đêm; Mẹ Dubouche đã thành lập một tu hội nữ chuyên tâm vào việc cầu nguyện trước Thánh Thể.

Đóng góp đặc biệt của riêng Cha Eymard cho sự phát triển nhận thức về giá trị Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu có lẽ được diễn tả tốt nhất trong xác tín của cha cho rằng Thánh Thể phải được hiểu như suối nguồn chắc chắn của sự phục hưng Gíao Hội Công Giáo. Chính xác tín này giờ đây hướng dẫn đời sống cha và rõ ràng đã trở thành tảng đá đỉnh vòm trong di sản tâm linh của cha.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 18.03.2006. 17:46