Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vụ giáo sĩ làm mật vụ

§ Lữ Giang

Vụ Giám Mục Stanislaw Wielgus vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Warsaw thay thế Đức Hồng Y Jozef Glemp xin nghỉ hưu, đã phải xin từ chức vì bị tố cáo trước đây đã từng cộng tác với mật vụ Cộng Sản Ba Lan, đang gây khá nhiều khó khăn cho Giáo Hội Công Giáo Ba Lan nói riêng và chò Giáo Hội Công Giáo toàn càu nói chung. Linh mục Jozef Kloch, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám mục Ba Lan tuyên bố: “Chúng ta không thể sống như vầy được nữa. Mỗi tuần chúng ta nghe một tên mới được phát hiện! ”

Hội Đống Giám Mục Balan đang ra những chỉ thị cần thiết và quyết định triệu tập một phiên họp khoáng đại bất thường vào ngày 12.1.2007 để thảo luận về cuộc khủng hoảng này.

Kinh nghiệm của Ba Lan cũng sẽ trở thành kinh nghiệm của Việt Nam và một số quốc gia khác, nên cần được nghiên cứu và trình bày để các giáo hội và các giáo sĩ thuộc các tôn giáo lớn ở Việt Nam rút kinh nghiệm.

VÀI NÉT LỊCH SỬ BA LAN

Trước khi tìm hiểu sâu rộng hơn vấn đề nói trên, chúng tôi xin trình bày qua vài nét lịch sử Ba Lan và bối cảnh lịch sử đã đưa một số giáo sĩ đến chỗ làm mật vụ cho Cộng Sản.

Cộng Hòa Ba Lan (Rzeczpospolita Polska) là một quốc gia ở Trung Âu, tiếp giáp với các nước Đức, Slovakia, Serbia, Ukraina, Belarus, Litva, Nga và biển Baltic; diện tích 312.685 km2 với dân số khoảng 38.35.200 người, gần như thuần chủng người Ba lan, 95% theo đạo Công giáo.

Nước Ba Lan đầu tiên được hình thành vào thế kỷ thứ 10 và trong lịch sử, lãnh thổ có nhiều thay đổi. Ba Lan đã đạt tới thời kỳ hoàng kim ở gần cuối thế kỷ 16 dưới Triều đại Jagiellonia. Lúc đó Ba Lan đã trở thành một trong những nước lớn nhất, giàu nhất và mạnh nhất Châu Âu. Năm 1791, Khối Thịnh Vượng Chung Ba Lan-Litva chấp nhận Hiến pháp ngày 3.5.1791, một bản hiến pháp hiện đại đầu tiên của Châu Âu và thứ hai trên thế giới sau Hiến pháp Hoa Kỳ. Sau đó, Ba Lan bị phân chia bởi ba nước láng giềng là Nga, Áo và Phổ. Năm 1918, sau Thế Chiến I, Ba Lan giành lại độc lập và hình thành Đệ Nhị Cộng Hòa Ba Lan.

Giai đoạn đen tối nhất của Ba Lan là thời kỳ bị Nga và Đức xâu xé trong Thế Chiến II. Ngày 1.9.1939, không quân Đức dội bom tàn phá thủ đô Warsaw. Hơn 2 tuần sau, Liên Xô tràn sang xâm chiếm miền đông Ba Lan. Trong vòng chưa tới 2 tháng, Ba Lan đã bị hai đế quốc hùng mạnh đánh bại và chia nhau quyền cai trị. Theo ước lượng, chỉ trong một năm, từ năm 1939 đến năm 1940, có khoảng 2 triệu người Ba Lan bị Liên Xô đưa đi đày ở Siberia và Bắc cực. Vào mùa xuân năm 1940, tại vùng Katyn, hồng quân Liên Xô bắn chết khoảng 20.000 tù nhân Ba Lan, trong đó có 5.000 sĩ quan cao cấp và chôn vùi thi thể họ dưới các nấm mồ tập thể. Trong khi đó, Đức quốc xã cũng tiến hành hàng loạt những vụ bắt bớ, hành hình và lưu đày biệt xứ hàng chục ngàn người Ba Lan. Phong trào khởi nghĩa ở Ba Lan được thành lập. Cuộc khởi nghĩa lần cuối xảy ra vào năm 1944, kéo dài hơn 2 tháng thì bị Đức quốc xã đè bẹp. Đức biến Warszawa thành bình địa: 90% các công trình xây dựng trong thành phố bị phá hủy và khoảng 700.000 người bị giết, tức hơn 50% dân số Warszawa.

Từ năm 1940, Đức thiết lập nhiều trại tập trung ở Ba Lan, vì tại đây có nhiều người Do Thái sinh sống nhất. Thành phố Oswiecim ở miền Nam Ba Lan bị người Đức đặt tên mới là Auschwitz, nơi có hai trại tập trung lớn là Auschwitz và Birkenau hay còn gọi là Auschwitz 2. Birkenau được xây làm trại tử thần, nơi đó vô số người Do Thái khắp Âu châu bị chở tới và đẩy vào các phòng hơi độc. Chỉ riêng ở trại Birkenau, khoảng 4 triệu người, phần lớn là người Ba Lan gốc Do Thái, bị Đức quốc xã giết chết. Tính chung, trong Thế Chiến II, có hơn 20% dân Ba Lan đã bị Liên Xô và Đức quốc xã tiêu diệt.

Sau Thế Chiến II, Liên Bang Xô Viết thành lập ra một chính phủ cộng sản mới tại Ba Lan. Năm 1952, nước Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan (Polska Rzeczpospolita Ludowa) được chính thức thành lập. Tình trạng hỗn loạn lao động năm 1980 dẫn tới việc thành lập "Công Đoàn Đoàn Kết" (Solidarnosc), và tổ chức này dần dần trở thành một lực lượng đối lập chính trị. Năm 1989, Phong trào Công Đoàn Đoàn Kết đã đánh bại những người cầm quyền cộng sản và thành lập Đệ Tam Cộng Hòa Ba Lan với một hiến pháp mới ban hành năm 1997. Năm 1999 Ba Lan gia nhập NATO, và năm 2004 tham gia Liên Minh Châu Âu.

BIẾN GIÁO SĨ THÀNH MẬT VỤ

Hôm 30.7.2006, qua một cuộc phỏng vấn của thông tấn xã Zenit, một sử gia Ba Lan là Linh Mục Peter Raina, đã cho chúng ta biết qua những nét chính về mối tương quan giữa các giáo sĩ và Cộng Sản Ba Lan.

Zenit: Bộ máy trấn áp hàng giáo sĩ đã được chính quyền cộng sản Ba Lan tổ chức như thế nào?

LM. Peter Raina: Một trong những mục tiêu chính của Cộng Sản độc tài là hủy hoại tâm lý và hủy hoại thân xác người đối lập. Hủy hoại thể xác bao gồm dùng bạo lực, kể cả việc giết người đó. Khủng bố tâm lý là để hủy hoại nhân cách con người đó.

Cách thường dùng là biệt giam người đó trong tù trong thời gia nhiều năm. Trong hoàn cảnh ấy mọi người thấy đó là con đường cùng. Tất cả đều phải nhận thức rằng đời sống cá nhân của họ, nghề nghệp, tương lai tuỳ thuộc vào Sở An Ninh Mật Vụ. Tiếng Ba Lan gọi là "Sluzby Bezpieczenstea," hay gọi tắt là SB. Bộ máy An Ninh Mật vụ là thành phần của Bộ Nội Vụ trong đó có một ngành gọi là Ngành IV đặc trách vấn đề chống lại Giáo Hội rồi cũng trong đó, có chi nhánh chuyên chống lại những “giáo sĩ phản động”. Rồi cũng có một văn phòng đặc biệt chuyên trách thu thập tin tức của những kẻ bị nghi ngờ. Văn phòng đó gọi là “Văn Phòng C”, tiếng Ba Lan gọi là "Biuro C".

Cũng phải nói rằng dù nhà cầm quyền cộng sản dùng biện pháp đàn áp, có khi kéo dài hàng nhiều năm, nhưng họ đã không thành công trong việc huỷ diệt Giáo Hội Công Giáo, hay là tách rời được sự gắn bó giữa giáo dân và Giáo Hội như là họ đã thành công đối với các tổ chức khác không phải là cộng sản

Nguyên do của sự thất bại này có gốc rễ sâu xa nơi Giáo Hội Công Giáo trong xã hội Ba Lan. Cộng sản cũng đã thất bại vì vị lãnh đạo Giáo Hội Ba Lan trong những năm ngặt nghèo là vị mục tử đồng thời là một chính trị gia vĩ đại. Đó là Giám Mục Ba Lan, Đức Hồng Y Stefan Wyszynski. Lập trường của Ngài đối với chế độ độc tài là biểu tượng cho sự tranh đấu chống lại chủ thuyết Cộng Sản.

Zenit: Làm sao Sở An Ninh Mật Vụ đã thành công trong việc buộc các linh mục phải hợp tác, và sự hợp tác bao gồm những điều gì?

LM. Peter Raina: Sở An Ninh Mật Vụ đã dùng 2 phương pháp. Phương pháp thứ nhất là chính sách chống lại Giáo Hội, thí dụ việc hủy bỏ các lớp tôn giáo trong nhà trường, cấm tổ chức các nghi lễ tôn giáo, không cho Giáo Hội được dùng các phương tiện truyền thông đại chúng. Phương pháp thứ hai khủng bố tâm lý.

Cách thức khủng bố linh mục thì nhiều, đây chi kể ra một ít: Linh mục càng hăng say họat động thì càng bị cáo buộc là có những hoạt động chống lại nhà nước và có dính líu đến kẻ thù đế quốc. Họ cố gắng ngụy tạo ra các phiên tòa rồi đưa ra bản án tử hình hay tù chung thân. Một số linh mục như Linh Mục Kacxynski đã chết rũ tù. Họ cố gắng dùng các âm mưu làm hại các linh mục để rồi hăm dọa các linh mục ấy. Cách thường dùng nhất là Sở An Ninh Mật Vụ thu thập tin tức về thói quen của mỗi linh mục, xem vị nào thích rượu, thích đàn bà, vị nào chán nản công việc của mình.

Thông thường, điệp viên phụ nữ được dùng để chiêu dụ các linh mục, tạo ra các tình huống làm hại các vị ấy. Ví dụ bí mật chụp hình hay tuyên bố là mình có thai. Thế rồi Sở An Ninh Mật Vụ bắt đầu hăm dọa, đề nghị linh mục ấy hợp tác với Sở An Ninh Mật Vụ. Sự hợp tác bao gồm việc cung cấp tin tức tình hình của giáo xứ, những hoạt động của các linh mục trong giáo xứ, chỉ đạo công tác lên án Giám Mục v.v..

Tại mỗi tỉnh, Văn Phòng Theo Dõi Tôn Giáo hoạt động dưới sự chỉ đạo của Sở An Ninh Mật Vụ. Mỗi khi vị Giám Mục nào ra một lá thư mục vụ có điểm nào chỉ trích hệ thống cộng sản, thì tỉnh ủy triệu tập tất cả các Giám Mục lại giải thích, hoặc làm sáng tỏ vấn đề nêu trong lá thư mục vụ.

Trong các trường hợp như thế, viên chức chính quyền luôn dùng phương pháp “Củ cà rốt và que roi”. Họ chuyển từ đe dọa sang giúp đỡ. Ví dụ vị Giám Mục nào hứa sẽ tự tránh xa vị Giám Mục đưa ra lời chỉ trích thì chính quyền sẽ cho phép xây nhà thờ mới.

Nói chung, các Giám Mục đều không chịu hợp tác nên đã không có nhiều nhà thờ mới. Công an kiểm soát sự chi tiêu và thuế má của các nhà thờ một cách đầy ác ý, các chủng sinh bị đối xử một cách khắt nghiệt trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự.

Cơ quan kiểm duyệt nhà nước luôn luôn giới hạn số ấn bản tạp chí Công Giáo. Số ấn bản có tăng hay không là tùy báo cáo của Văn Phòng Theo Dõi Tôn Giáo. Văn phòng này hợp tác chặt chẽ với Sở An Ninh Mật Vụ.

Với những Linh Mục giám đốc tờ báo hay thư ký tòa soạn, người ta áp dụng phương pháp mà tôi gọi là “có qua có lại” Chính quyền hứa sẽ cho tăng số ấn bản, hoặc cấp thêm giấy in báo, để đổi lại, người phụ trách tờ báo ấy phải hứa sẽ hợp tác với chính quyền bằng cách cung cấp tất cả những tin tức liên quan đến các thành viên trong ban biên tập tờ báo.

Một số giáo sĩ phụ trách báo chí được bề trên cho phép chấp nhận sự dụ dỗ của chính quyền, cho hợp tác với họ vì theo các bề trên việc gia tăng ấn bản báo chí Công Giáo là ưu tiên hàng đầu.

Một trong những vũ khí thông thường nhất mà Sở An Ninh Mật Vụ áp dụng là cấp giấy xuất cảnh ra ngoại quốc cho những ai hợp tácường hợp này, lại cũng có điều kiện “có qua có lại”. Người được cấp giấy xuất cảnh phải hứa sẽ cung cấp tin tức về những người Sở An Ninh Mật Vụ muốn biết.

Nguyên tắc này cũng áp dụng cho các linh mục muốn được du học ở ngoại quốc. Nhiều linh mục mơ được viếng thăm Roma và được học tại các Giáo Hoàng Học Viện, hoặc các linh mục muốn đi truyền giáo, đều phải xin giấy phép xuất cảnh. Để thoả mãn Sỡ An Ninh Mật Vụ, các linh mục thường chỉ kể lại những sự kiện không mấy quan trọng. Tuy nhiên, nhân viên an ninh cũng ghi chép tất cả những điều linh mục đó nói ra.

Zenit: Động lực nào và nguyên nhân mà truyền thông đã đem hàng giáo sĩ ra để lăng mạ tại Ba Lan?

LM. Peter Raina: Tôi chắc chắn rằng đàng sau vụ lăng mạ các giáo sĩ là tập đoàn Cộng Sản cùng với tập đoàn giang hồ cấp tiến muốn sĩ nhục giáo hội trước con mắt dân chúng. Không phải tình cờ họ đã lựa chọn những người có đức tính trổi vượt trong xã hội và thời điểm để đem ra lăng mạ cũng không phải là tình cờ. Các tập đoàn nói trên đây sợ ĐGH Gioan Phaolô II, chúng phải chờ đến khi ĐGH qua đời mới tung ra mặt trận chống Giáo Hội Công Giáo.

Zenit: Việc cáo buộc các vị Linh Mục căn cứ trên những phúc trình do các nhân viên của Sở An Ninh Mật Vụ viết. Vậy giá trị trung thực của những tài liệu này như thế nào?

LM. Peter Raina: Những tài liệu của Sở An Ninh Mật Vụ mà tôi có thể tham khảo đều khả tín, nhưng mỗi tài liệu phải được đọc rất cẩn thận và người ta phải biết đánh giá tài liệu đó.

Chúng ta không được quên đặt câu hỏi những phúc trình này được người ta viết như thế nào. Thông thường các viên chức đều thêm thắt vào bản phúc trình số dữ kiện để người khác nhìn vào thấy đây là phúc trình tốt. Người ta có thể thấy nhiều viên chức nói họ đã trả tiền cho các điệp viên, nhưng thực ra số tiền ấy đã rơi vào túi của họ. Cũng nên nhấn mạnh một điều là một người có gặp nhân viên Sở An Ninh Mật Vụ thật, thì chưa chắc người đó đã là cộng tác viên của họ.

Do vậy, trước khi cáo buộc một ai, người đó phải bảo đảm rằng người bị cáo buộc đã ký vào văn kiện nhận sự hợp tác hay đã ký nhận tiền. Người ta không thể công khai tuyên bố người này, người nọ là điệp viên, đã hợp tác với Sở An Ninh Mật Vụ vì đã có lần gặp nhân viên của sở này. Làm vậy là phỉ báng người đó.

VIỆN KÝ ỨC QUỐC GIA

Sau khi chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ, ngày 18.12.1998, Quốc Hội Ba Lan đã thông qua một đạo luật gọi là IPN Act thành lập “Viện Ký Ức Quốc Gia – Ủy Ban Truy Tố các Tội Ác chống Quốc Gia Ba Lan” (The Institute of National Remembrance - Commission of the Prosecution of Crimes against the Polish Nation). Viện Ký Ức và Ủy Ban này viết theo tiếng Ba Lan là “Instytut Pamieci Narodowej — Komisja Scigania Zbrodni przeciwko Narodowi Polskiemu”, viết tắt là IPN. Viện này do một Chủ Tịch điều khiển với nhiệm kỳ là 5 năm. Chức vụ này hoàn toàn độc lập với các thẩm quyền khác của quốc gia Ba Lan.

Mục tiêu của cơ quan này là điều tra các tội ác của Đức Quốc Xã và Cộng Sản, bảo vệ các tài liẹu về hai tổ chức này, công bố những tài liệu đó ra cho công chúng biết, truy tố những kẻ đã phạm các tội đó và giáo dục dân chúng về phương diện này. Mục tiêu chính mà IPN nhắm tới là các tội phạm mà chính quyền cộng sản Ba Lan đã phạm trước 1989.

Chủ Tịch đầu tiên của IPN là ông Leon Kieres được Quốc Hội Ba Lan bầu ngày 8.6.2000 với nhiệm kỳ 5 năm, khởi sự từ 30.6.2000 đến 29.12.2005. Chủ Tịch thứ hai của Viện này là ông Janusz Kurtyka, được bầu ngày 9.12.2005 với nhiệm kỳ được khởi đầu từ 29.12.2005.

IPN đã thật sự bắt đầu hoạt động kể từ 1.7.2000 và có trách nhiệm thu thập, đánh gia, lưu trữ và tiết lộ các tài liệu được thiết lập trong thời gian từ 22.7.1944 đến 31.12.1989.

TÀI LIỆU DÀI ĐẾN 90 CÂY SỐ!

Giáo Sư Jan Zaryn, một sử gia chuyên nghiên cứu về Giáo Hội Balan, cho biết những tài liệu của Sở An Ninh Mật Vụ Ba Lan nếu được xếp hàng có thể dài đến 90 cây số. Đa số người dân Balan là Công Giáo nên ngành mật vụ đã tìm kiếm tin tức về các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo để có phương cách chống phá Giáo Hội này trên một địa bàn rộng và sâu. Ngay Tòa Thánh Vatican cũng bị cơ quan mật vụ Ba Lan theo dõi, nghe lén điện thoại, sao chép tài liệu.

Qua các tài liệu của Sở An Ninh Mật Vụ Ba Lan vừa được công bố, người ta thấy công an Ba Lan đã theo dõi rất chặc chẽ sinh hoạt của các giáo phận và các dòng tu nam nữ. Công an Ba Lan quan tâm nhiều đến Dòng Đa Minh, Dòng Tên và Dòng Phanxicô, vì giới trẻ thường lui tới sinh hoạt tại những nơi này. Cho đến năm 1990, mỗi linh mục và ngay cả tu sĩ đều có hồ sơ mật tại Phòng VI của Bộ Nội Vụ.

Cũng qua các tài liệu này, IPN đã khám phá ra nhiều giáo sĩ và tu sĩ Công Giáo đã làm mật báo viên (informant) cho Công an. IPN ước lượng có thể có đến khoảng 2600 linh mục, tức khoảng 15% tổng số linh mục Ba Lan, đã cung cấp tài liệu cho chính quyền Balan.

Linh mục Hejmo Konrad Starslan là trường hợp tiêu biểu, có hồ sơ công tác mật vụ dày 700 trang. Ông là Linh mục dòng Đa Minh phụ trách khách hành hương từ Balan đến Roma.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tạ thế chưa đầy 2 tuần thì Tiến Sĩ Leon Kieres, Chủ Tịch Viện Ký Ức Quốc Gia báo cáo rằng có một trong những linh mục thân cận nhất với ĐGH đã cung cấp tin tức cho cơ quan Mật Vụ Cộng Sản Ba Lan.

Vì ông Chủ Tịch không tiết lộ danh tánh vị linh mục này nên thoạt đầu người ta tưởng đó là Linh Mục Mieczyslaw Malinski, người bạn thân thiết của Đức Hồng Y Wojtyla, tức ĐGH Gioan Phaolô II. Chỉ vài ngày sau đó, Linh Mục Malinski đã phải thanh minh nhiều lần rằng mình không phải là người đó. Sau đó vài ngày, với kiểu cách đặc biệt, ông Chủ Tịch Kieres tiết lộ cho ký giả biết đó là linh mục Hejmo.

Linh Mục Konrad Hejmo là một nhân vật rất nổi tiếng ở Ba Lan và Tòa Thánh Vatican. Trong vòng 20 năm, Linh mục này đã cầm đầu Trung Tâm Hành Hương ở Roma, hướng dẫn nhiều phái đoàn hành hương đến triều kiến ĐGH.

Rev.IsakowiczZaleski.jpg
Lm Isakowicz Zaleski

Linh Mục Isakowicz Zaleski, cựu Tuyên Úy Công Đoàn Đoàn Kết trong thập niên 80, đã dựa trên những tài liệu còn được lưu giữ trong Văn Khố Mật của Sở An Ninh Mật Vụ Ba Lan, để viết tập sách có tựa đề “Các linh mục Ba Lan và Sở An Ninh Mật Vụ Ba Lan" và sẽ phát hành vào ngày 28 tháng 2 tới đây. Ở chương 7 của tập sách này, Linh mục Isakowicz Zaleski đã liệt kê danh sách 39 giáo sĩ Ba Lan đã cộng tác với Sở An Ninh Mật Vụ Ba Lan, trong đó có 4 giám mục. Ngài cũng đã nhắc đến trong tập sách này những giáo sĩ đã nêu gương can đảm trong thời Cộng Sản cai trị Ba Lan.

Tuy nhiên, nhà sử học Ian Zaryn, người nghiên cứu các tài liệu đang được giữ tại Viện Hồi Ức Quốc Gia đã cảnh giác rằng từ tháng 3 năm 2006, các tài liệu này được mở rộng cho cả những ký giả và nhiều việc lạm dụng đã diễn ra trong những chiến dịch nhằm hạ bệ uy tín của các nhà lãnh đạo cả dân sự lẫn Giáo Hội.

HƯỚNG DẪN CỦA HĐGM BA LAN

Hôm 26.8.2006, Hội Đồng Giám Mục BaLan đã công bố một bản phúc trình về sự xâm nhập của cơ quan mật vụ cộng sản Ba Lan vào trong Giáo Hội Công Giáo Ba Lan. Bản phúc trình nhận định rằng đa số hàng giáo sĩ công giáo tại Ba Lan luôn là những "kẻ phục vụ xứng đáng của Chúa Kitô", đến độ đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống mình, trong thời gian đất nước Ba Lan bị đảng Cộng Sản thống trị, từ năm 1947 cho đến năm 1989. Tuy nhiên, “không có lý do chính đáng nào để biện hộ cho việc những linh mục làm mật báo viên báo cáo cho cơ quan mật vụ cộng sản BaLan, bởi vì không bao giờ có thể đi tìm điều tốt bằng cách làm điều xấu. ” Hội Đồng Giám Mục BaLan kêu gọi các linh mục đã cộng tác với cơ quan mật vụ cộng sản tự nhìn nhận lỗi lầm của mình. Nhưng các Giám Mục cũng cảnh giác giáo dân và dân chúng đừng có thái độ kết án và trả thù.

Một số giáo sĩ pham lỗi đã làm tờ thú nhận với vị giám quản của mình, nhưng không phải mọi giáo sĩ phạm lỗi đã làm như vậy. Đây chính là điều đã gây ra những rắc rối cho Giáo Hội khi bổ nhiệm các giáo sĩ vào các chức vụ quan trọng.

Vào tháng 5 năm 2006, báo chí Ba Lan đã phanh phui vụ Linh Mục Michal Czajkowski hợp tác với mật vụ cộng sản Ba Lan. Ông là một linh mục nổi tiếng ở Ba Lan nhờ các hoạt động liên hệ giữa người Công Giáo Ba Lan với người Do Thái. Nhưng linh mục Michal đã cực lực bác bỏ. Mãi đến ngày 11.7.2006, ông mới chính thức thú nhận đã cộng tác vơi sở mật vụ Ba Lan trong 24 năm liền. Trong bức thứ gửi báo chí, linh mục viết: “Tôi muốn xin lỗi và xin tha thứ, nhất là những người tôi đã làm tổn thương. Chắc chắn đó là lỗi tại tôi”.

Phúc trình của Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Quốc Gia có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ dưới thời công sản Ba Lan cho biết Linh Muc Michal Czajkowski, người từng là phụ tá của ĐGH Gioan Phaolô II thời ngài còn ở Ba Lan, đã báo cáo cho mật vụ Ba Lan biết những hoạt động của các giáo sĩ Ba Lan đang vận động cho tự do dân chủ.

Trường hợp của TGM Stanislaw Wielgus còn đáng tiếc hơn. Ngày 6.12.2006, được ĐTC Beneđitô XVI bổ nhiệm làm TGM Giáo phận Warsaw. Được tin này, tờ nhật báo Gazeta Polska xuất bản ở Ba Lan lên tiếng tố cáo Giám Mục Wielgus đã từng cộng tác với sở mật vụ Ba Lan trong vòng 25 năm dưới thời cộng sản Ba Lan cai trị nước này. Nhưng TGM Wielgus đã đưa ra một bản tuyên bố nói rằng ông có gặp giới chức chính quyền cộng sản Ba La một số lần, nhưng đó là chuyện bình thường như bao vụ các linh mục khác gặp và nói chuyện với các nhân viên mật vụ cộng sản. Những cuộc đàm thoại như thế không thể được coi là có sự hợp tác vô luân lý và những cuộc gặp gỡ như thế là không thể tránh được.

Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Dân Sự Ba Lan liền mở cuộc điều tra về động cơ của những lời cáo giac gán cho TGM Wielgus. Giáo Hội Công Giáo Ba Lan cũng đã thành lập Ủy Ban Điều Tra cao cấp để mở cuộc điều tra. Kết quả, Ủy Ban đã tìm thấy nhiều tài liệu chứng minh vị Giám Mục này đã hợp tác với cơ quan mật vụ của Cộng Sản Ba Lan bắt đầu từ năm 1978, lúc còn làm giáo sư tại Viện Đại Học Lublin.

Chiều thứ sáu 5.1.2007, một ngày trước lễ nhậm chức TGM thủ đô Warsaw, Đức TGM Stanislaw Wielgus thú nhận: “Sự thật tôi đã có dính líu. Tôi đã gây ra thiệt hại lớn cho Giáo Hội, và tôi đã lại gây họa lần nữa trong những ngày gần đây trước một cơn sốt truyền thông khi tôi phủ nhận sự kiện cộng tác này”.

Cũng trong ngày 5.1.2007, Ủy Ban Điều Tra của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhấn mạnh rằng trong suốt thời kỳ cộng sản, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã liên tục đưa ra lệnh cấm cộng tác với Đảng Cộng Sản, đặc biệt với các cơ quan an ninh. Tuy nhiên, Ủy Ban ghi nhận rằng cho tới nay, Ủy Ban chưa thấy có bằng chứng nào cho thấy các hoạt động của TGM Wielgus “đã gây hại cho một cá nhân cụ thể nào”.

CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẮT

Như dã nói trên, các Đức Giám Mục Ba Lan đã quyết định triệu tập một phiên họp khoáng đại bất thường vào ngày 12.1.2007 để thảo luận về cuộc khủng hoảng vừa qua. Cuộc họp này tập trung chủ yếu vào việc đề ra một chính sách đối với các giáo sĩ đã dính líu với chế độ cộng sản và những bước cần thiết để thanh tẩy Giáo Hội khỏi các phần tử này. Đưc TGM Josef Michalik, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết:

“45 Giám Mục đã đồng thanh thông qua nghị quyết là chúng tôi mỗi một người sẽ làm đơn xin một bản hồ sơ lý lịch cá nhận về những tài liệu thời cộng sản hiện tồn kho tại Viện Hồi Ức Quốc Gia để xem lại các dữ kiện. Kết quả về cuộc điều tra này sẽ không được công bố công khai nhưng sẽ được gửi tới Vatican. Không ai tại Ba lan có thẩm quyền phán xét và được xem tài liệu riêng về vị giám mục, chỉ có Tòa Thánh mới có thầm quyền đó mà thôi”.

Ngài nói tiếp:

“Đây thực là nỗi đau thương và một điều nhục nhã, nhưng đây cũng chính là tiến trình trưởng thành cho Giáo hội trong một thực tại mới”.

Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cũng quyết định thành lập tại mỗi giáo phận một Ủy Ban Lịch Sử để xem lại quá khứ của các linh mục trong giáo phận của mình.

Đức TGM Michalik cho biết thêm: 133 vị giám mục khác còn lại sẽ có cơ hội chấp thuận nghị quyết tương tự nêu trên trong kỳ họp Hội Đồng Giám Mục khoáng đại vào tháng ba năm nay.

Đức TGM Jozef Michalik nhấn mạnh: “Đối với Kitô Giáo, người giáo dân thường, linh mục hay giám mục cũng chỉ có một bộ luật luân lý: Nói dối là sai. Cộng tác với những kẻ bất lương cho những cớ bất lương cũng là sai”.

NHÌN VỀ VIỆT NAM

Chúng tôi nhớ lại, vào tháng 4 năm 1975, khi đoán biết miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản, ngày 23.4.1975 Tòa Thánh đã cử ĐGM Nguyễn Văn Thuận làm TGM Phó Tổng Giáo Phận Saigon với hy vọng sự khôn ngoan của ngài có thể đưa Giáo Hội Việt Nam vượt qua những cơn khó khăn sắp đến. Nghe tin này, ngày 8.5.1975, một nhóm Linh mục đã gởi đến Đức TGM Nguyễn Văn Bình một kiến nghị yêu cầu hoãn bổ nhiệm ĐGM Nguyễn Văn Thuận làm TGM Phụ Tá. Kiến nghị này do các Linh mục sau đây ký tên: Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm, Hoàng Kim, Huỳnh Công Minh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Đinh Bình Định, Nguyễn Thiện Toàn, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Nghị.

Mặc dầu có sự phản đối nói trên, ngày 12.5.1975 Tòa Giám Mục Saigon vẫn thông báo cho các giáo xứ trong Giáo Phận biết ĐGM Mục Nguyễn Văn Thuận đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM Phó Giáo Phận Saigon. Ngay lập tức, các Linh mục Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm và Hoàng Kim đã đến Chủng Viện Thánh Giuse ở đường Cường Để, Sài Gòn, chất vấn Đức TGM Nguyễn Văn Bình và yêu cầu Đức Phó TGM Nguyễn Văn Thuận từ chức. Ngày 15.8.1975, Công an đến bắt Đức TGM Nguyễn Văn Thuận đưa ra giam ở xứ Cây Vông thuộc xã Diên Sơn, Huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Khi còn ở Việt Nam, chúng tôi đã có cơ hội được đọc một bản phân tích của Công An về một số linh mục thuộc Giáo Phận Sài Gòn. Tôi biết ngay đó là một bản phân tích do một linh mục viết, vì chỉ có “ngươi trong cuộc” đã từng sống và sinh hoạt với nhau lâu mới có thể viết được như thế. Đa số các linh mục ở Sài Gòn cũng biết như vậy.

Cũng như ở Ba Lan và Tiệp Khắc, Công An Việt Nam cũng đã dùng mỹ nhân kế để sập bẫy một số linh mục rồi buộc phải cung cấp các tin tức về giáo hội cho họ. Có linh mục đã than phiền với chúng tôi rằng vừa họp Hội Đồng Quản Hạt xong chưa đến nửa tiếng mà Công An đã biết hết rồi! Các linh mục biết ai là người đã báo cáo những chuyện đó cho Công An.

Ở Huế tình trạng còn bi thảm hơn. Công An đã gài được điệp viên vào Tòa Tổng Giám Mục Huế để gây mâu thuẫn giữa Giám Mục và Linh mục, giữa Linh mục và Linh mục. Có Linh mục khi ở tù cũng như lúc về ở Nhà Chung, đã công khai ngồi viết báo cáo về từng linh mục trong Giáo Phận cho Công An, và có khi nộp báo cáo xong, Linh mục này đã đến gặp thẳng linh mục vừa bị ông báo cáo và nói: “Khi nãy Cha có phát biểu như thế này... Tôi đã báo cáo cho Công An rồi!” Điều đáng tiếc là nhóm Giao Điểm Công Giáo ở hải ngoại chẳng biết gì về thực trạng trong nước, cứ ra hết tuyên ngôn này đến tuyên cáo khác đòi Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải “phong thánh” ngay cho ông ta và phải thi hành “Lời kêu gọi” của ông ta vì ông ta là “Ngôn sứ” được Thiên Chúa sai đến!

Chúng tôi đã nghiên cứu về tình hình Giáo Hội Công Giáo miền Bắc trước 30.4.1975 và biết được trong thời gian từ 1954 đến 1975, giáo hội ấy cũng đã phải chịu những gian truân gióng như các giáo hội ở Ba Lan hay Tiệp Khắc, vì nhà cầm quyền Hà Nội đã cho khoảng 200 công an sang Tiệp Khắc học về “tôn giáo vụ” và đem về áp dụng tại miền Bắc Việt Nam. Nhưng Giáo Hội miền Bắc đã sống rất kiên cường. Chỉ có một nhóm nhỏ linh mục hợp tác với chính quyền trong “Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo yêu Tổ Quốc và Hòa Bình” như Nguyễn Bá Trực, Nguyễn Thế Vịnh, Hồ Thành Biên, v.v. mà thôi. Tuy nhiên, sau ngày 30.4.1975, khi thấy miền Nam không còn nữa, có một giáo sĩ đã bị chao đảo. Có Giám Mục đã giả vờ không cẩn thận, để lộ hồ sơ đề nghị các vị có thể làm Giám Mục cho Công An biết. Nay tình hình đang trở lại tốt đẹp hơn.

Không phải chỉ trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mới có những chuyện như thế. Trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, Phật Giáo Hòa Hảo hay Giáo Hội Cao Đài cũng gặp thảm họa đó. Trong báo cáo ngày 17.8.1981, Thượng Tọa Thích Minh Châu đã từng báo cáo Thượng Tọa Thích Quảng Độ: “Thượng Tọa Thích Quảng Độ Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo triệt hạ uy tín toàn Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo, ngang nhiên thách thức Chính phủ và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. ”

HƯỚNG ĐI ĐÃ ĐƯỢC CHỌN

Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Interfax, Linh mục Igor Kovalevsky, Thư ký Hội Đồng Giám Mục Cộng Hoà Liên Bang Nga, đã nhận xét rằng sự hợp tác với cộng sản của một số linh mục “là một thảm họa cho Giáo Hội và cho các tín hữu”. Việc nhượng bộ và đi xa hơn là cộng tác với chế độ cộng sản có thể đem lại một số điều kiện sinh hoạt “dễ thở” hơn cho Giáo Hội, nhưng “chính ưu thế trong một xã hội bị áp bức này là bản án mai hậu lâu dài mà Giáo Hội phải đeo trên vai trong sự nhục nhã”.

Trong thông báo được đọc trong tất cả các thánh lễ hai ngày 13 và 14.1.2007 vừa qua trên toàn quốc Ba Lan, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan thông báo cho giáo dân biết những kế hoạch cụ thể trong quyết tâm loại bỏ tất cả những giáo sĩ đã hợp tác với cộng sản sau vụ khủng hoảng liên quan đến những cáo buộc tân TGM Stanislaw Wielgus từng cộng tác với mật vụ cộng sản. Thông báo đưa ra nhận định về cuộc khủng hoảng vừa qua như sau:

“Chúng tôi tin rằng những kinh nghiệm hiện nay của chúng ta sẽ đóng góp cho sự canh tân của Giáo Hội, cho sự minh bạch hóa rõ ràng hơn và cho sự trưởng thành trong các thành viên Giáo Hội.

Giáo Hội không sợ hãi sự thật ngay cả nếu như đó là sự thật khó khăn và tủi nhục, và đối diện với nó đôi khi rất đau xót. Chúng tôi kêu gọi mọi người trong Giáo Hội, giáo sĩ cũng như giáo dân, tiếp tục tự vấn lương tâm về thái độ của họ trong thời kỳ độc tài”.

Nhắc lại quá khứ thời cộng sản, thông báo viết:

“Giáo Hội tại Ba Lan luôn cảm thấy đồng hành với dân tộc và chia sẻ cùng một vận mệnh với đồng bào, đặc biệt trong những giai đoạn đen tối của lịch sử chúng ta. Sự kiện này không thể bị đảo lộn bởi việc phơi bày ra ánh sáng sự yếu đuối và bất trung của một số thành viên Giáo Hội, bao gồm hàng giáo sĩ”.

Thông báo cũng cho biết ngày Thứ Tư Lễ Tro 21.2.2007 đã được chọn là “ngày cầu nguyện và sám hối cho toàn thể giáo sĩ Ba Lan”. Trong ngày đó, các thánh lễ trên toàn quốc Ba Lan sẽ được cử hành với ý chỉ xin Thiên Chúa và anh chị em “tha thứ cho những sai lầm và yếu đuối” của hàng giáo sĩ Ba Lan trong thời cộng sản.

Linh Mục Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh, tuyên bố: “Đây là một điều đau lòng của Giáo Hội Ba Lan, một giáo hội đã nhận lãnh rất nhiều yêu thương từ sự hy sinh của Đức cố Hồng Y Stefan Wyszybnski và nhiều hơn hết là từ chính Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Giáo Hội hoàn vũ hiệp thông với nỗi đau buồn này của Giáo Hội Ba Lan và qua những lời cầu nguyện, ước mong Giáo Hội Ba Lan sớm trở lại sự kiên cường và dũng cảm trong đời sống chứng nhân đức tin của mình".

Để tránh một tình huống như vụ ĐGM Wielgus có thể xẩy ra cho Việt Nam, chúng tôi đề nghị HĐGMVN bắt chước HĐGMBL, yêu cầu các giáo sĩ đã từng hợp tác với nhà cầm quyền CSVN, nhất là các Linh mục trong Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước, làm tờ tự thú nếu họ đã làm mật báo viên cho Công An và nộp cho Giám Mục Giáo Phận. Chắc chắn từ nay, khi cứu xét để bổ nhiệm một giáo sĩ giữ các chức vụ cao cấp trong Giáo Hội, Tòa Thánh cũng sẽ chú ý đến hồ sơ hợp tác với Cộng Sản. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị mỗi Giáo Phận Việt Nam nên thành lập một ủy ban gióng như Ủy Ban Lịch Sử sắp được thành lập tại mỗi giáo phận Ba Lan để xem kỷ hồ sơ của các giáo sĩ được đề cử giữ các chức vụ quan trọng.

Chúng tôi hy vọng với các biện pháp dự phòng này, sẽ không xẩy ra một trường hợp Wielgus ở Việt Nam trong tương lai.

Lữ Giang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.01.2007. 12:50