Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Văn Kiện: Giải đáp cơ bản cho những việc Sùng Kính Bình dân

§ ĐÔ Nguyễn Quang Sách

VietCatholic News (Chúa Nhật 18/01/2004 10:25)

Washington: Các Giám Mục Hoa Kỳ đã viết trong lá thư mục vụ về những việc sùng kính bình dân, văn kiện này đã được chấp thuận trong Hội Nghị Bán Niên Mùa Thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại Washington vào ngày 12/11. Bản văn được chia thành 12 câu vấn đáp. Trong Hội Nghị Mùa Thu lần này cũng có sự tham dự chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa dẫn đầu, đây cũng là lần thứ 2 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức tham dự và chia sẻ với Hội Đồng Giám Mục Quốc Gia bạn, lần thứ 1 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã tham dự với Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân.

Sau đây là toàn văn bản dịch của văn kiện như một món qùa thô thiển nhân dịp Tết Giáp Thân sắp đến:

***

Những việc Sùng kính Bình dân: Những Câu hỏi và Giải Đáp Cơ Bản.

Công đồng Vaticanô 2 dạy rất rõ ràng, sự sống của Giáo hội tập trung vào phụng vụ, sự thờ phượng công khai bởi giáo hội là thân thể Chúa kitô

Hơn hết tất cả, phụng vụ bao gồm Bí Tích Thánh Thể và sáu bí tích khác, nhưng cũng bao gồm nhiều cử hành khác của Giáo hội như đọc kinh theo Các Giờ Kinh Phụng Vụ, những nghi thức mai táng Kitô hữu và những nghi thức cung hiến một thánh đường hay nghi thức dành cho những người tuyên khấn dòng. Chính Chúa Kitô làm việc trong phụng vụ, cho nên hành động của Giáo hội, thân thể Chúa Kitô, tham gia trong hành vi cứu rỗi của Chúa Kitô là vị thượng tế.(1)

Chính vì mọi cử hành phụng vụ "là một hành động của Chúa Kitô linh mục và của thân thể Người là Giáo hội," không hình thức phụng tự nào khác có thế thay thế được. Một cử hành phụng vụ "là một hành động thánh trổi vượt hơn các việc cử hành khác, không hành động nào khác của Giáo hội có thể có hiệu nghiệm bằng việc cử hành phụng vụ dẫu cho cùng một tước hiệu và cùng một cấp độ," (2)

Đang khi phụng vụ là "sinh hoạt tột đỉnh mà Giáo hội hướng tới" và là "nguồn mặch phát sinh mọi quyền phép của Giáo hội," (3) chúng ta không thể nào dành cả ngày tham gia trong phụng vụ. Công đồng đã nói đời sống thiêng liêng "không chỉ hạn chế trong việc tham gia phụng vụ mà thôi....

Theo lời dạy của tông đồ, [những người Kitô hữu] phải cầu nguyện không ngừng." (4) Những việc sùng kính bình dân giữ một vai trò chính yếu trong việc giúp đỡ nuôi dưỡng sự cầu nguyện liên lỉ. Người tín hữu luôn luôn xử dụng một số những thực hành như là một phương tiện thâm nhiễm sự sống mỗi ngày qua sự cầu nguyện với Chúa.. Ví dụ như những cuộc hành hương, những tuần cửu nhật, những cuộc rước kiệu và những cử hành kính Đức Maria và các thánh khác, kinh mân côi, kinh Truyền tin, những chặng đàng Thánh giá, sự sùng kính di tích thánh và việc xử dụng những á bí tích. Nếu xử dụng một cách đúng đắn, những việc sùng kính bình dân không thể thay thế đời sống phụng vụ của Giáo hội; hay đúng hơn, những việc sùng kính đó thêm vào trong đời sống hằng ngày.

Các Nghị phụ Công đồng Vatican 2 công nhận tầm quan trọng của những việc sùng kính bình dân trong đời sống Giáo hội và khuyến khích các mục tử và những thầy dạy cổ võ những việc sùng kính bình dân lành mạnh. Các Ngài đã viết, "Những việc sùng kính bình dân của dân Kitô hữu phải được hết sức tán dương, miễn sao những việc ấy phù hợp với những lề luật và những chuẩn mực của Giáo hội." (6)

Bởi vì những việc sùng kính bình dân có một tầm quan trọng như thế trong đời sống thiêng liêng của những người Công giáo, chúng tôi là những giám mục Hoa Kỳ đã soạn bản văn này để đáp ứng với các vấn đề thường đưa ra đối với những sự sùng kính thể ấy. Chúng tôi nhằm cung cấp một số giải thích về những việc sùng kính bình dân và về nhiệm vụ riêng của những việc sùng kính đó trong đời sống Giáo hội.

Một mặt chúng tôi mong rằng, với sự hiểu biết đầy đủ đến vai trò đúng đắn của những việc sùng kính bình dân, người tín hữu có khả năng tốt hơn để tránh thực hành sai lầm và nhận ra được những nghi nghờ trong sự thích đáng cho việc sùng kính. Mặt khác, chúng tôi hy vọng khuyến khích người tín hữu xử dụng những việc sùng kính lành mạnh ngõ hầu trong cuộc sống của họ qua nhiều cách có thể tràn đầy sự ngợi khen và thờ phượng Chúa. Sự thực hành trung tín những việc sùng kính bình dân có thể giúp chúng ta cảm nghiệm Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta và làm cho chúng ta gần gũi với Đức Giêsu Kitô nhiều hơn.

Như Đức Giáo Hoàng Piô XII dạy, mục đích những việc sùng kính bình dân là "lôi kéo và hướng các linh hồn chúng ta lên tới Chúa, bằng cách thanh luyện chúng khỏi tội lỗi, khuyến khích chúng thực hành nhân đức và cuối cùng, thúc dục chúngtiến tới con đường đạo đức chân thật bằng cách tập chúng ta quen suy gẫm về những chân lý đời đời và chuẩn bi cho chúng chiêm ngắm tốt hơn những mầu nhiệm thuộc nhân tính và thần tính của Đức Kitô," ([8[.

Khi qui chiếu về nhiều hình thức lòng đạo đức bình dân tại châu Mỹ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố, "Những hình thức này và những hình thức khác của lòng đạo đức bình dân là một cơ hội cho người tín hữu gặp gỡ Đức Kitô một cách sông động." [9]

1. Những nguồn gôc của các việc sùng kính bình dân bắt nguồn từ đâu?

Không như chính các bí tích, những việc sùng kính bình dân không thể truy nguyên theo thừa tác vụ của Chúa Giêsu và sự thực hành của các tông dồ. Phần lớn được tiến triển từ từ theo năm tháng và có khi qua hàng thế kỷ khi con người tìm kiếm những phương sách sống đức tin cho mình. Những nguồn gốc các việc sùng kính xa xưa nhất thì thường ít người biết đến. Một số việc sùng kính như kinh mân côi và áo Đức Bà đến với chúng ta được thích nghi từ những thực hành trong các dòng tu. Một số ít như sự sùng kính Thánh Tâm và Ảnh Làm Phép Lạ, được xem như có nguồn gốc trong một mặc khải tư, nghĩa là qua một số thị kiến hay sứ điệp ban cho một người tín hữu.

2. Tương quan giữa những việc sùng kính bình dân và phụng vụ là gì?

Bởi vì phụng vụ là trung tâm của đời sống Giáo hội, những sự sùng kính bình dân không bao giờ được mô tả như ngang hàng phụng vụ, cũng không thể thay thế một cách ngang hàng với phụng vụ. (10) Điều quan trọng là những sự sùng kính bình dân phải hoà hợp với phụng vụ, được linh hứng bởi phụng vụ và cuối cùng dẫn tới phụng vụ.

"Những sự sùng kính này phải được bố trí sao cho được hài hòa với những mùa phụng vụ, phù hợp với phụng vụ thánh, một cách nào đó phát sinh từ phụng vụ và dẫn con người tới phụng vụ, bởi vì trên thực tế tự bản chất phụng vụ vượt xa bất cứ việc sùng kính nào," (11).

Đang khi phụng vụ luôn luôn là điểm qui chiếu hàng đầu, "phụng vụ và lòng đạo đức bình dân là hai hình thức thờ phượng có tương quan hỗ tương và hữu ích với nhau," (12). Sự cầu nguyện cá nhân và sự cầu nguyện gia đình và những việc sùng kính có thể phát sinh từ đó và dẫn tới một sự tham gia đầy đủ hơn trong phụng vụ.

Như Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục đã công nhận rằng duy trì sự quân bình thich hợp không phải luôn luôn là dễ dàng và cần phải có sự kiên nhẫn cố gắng và kiên trì (13) Ngài chỉ hai thái độ quá khích phải tránh. Một đàng, Ngài loại trừ lập trường của những người "trước hết khinh khi đến những việc sùng kính đạo đức mà theo đó với những hình thức đúng đắn đã được giáo quyền chuẩn y, họ bỏ qua những việc sùng kính đó và như vậy là tạo nên một lỗ trống mà họ không thể lấp đầy được. Họ quên rằng công đồng đã nói những việc sùng kính đạo đức phải hài hoà với phụng vụ chớ không phải bị bãi bỏ," (14).

Đàng khác, Ngài cũng không chấp nhận lập trường của "những người không kể gì đến những tiêu chuẩn mục vụ và phụng vụ lành mạnh, lại hòa lẫn những việc thực hành đạo đức và những hành vi phụng vụ trong những cử hành hỗn hợp. Thỉnh thoảng xảy ra điều này là các tuần cửu nhật hay những thực hành tương tự lại xen vào trong chính việc cử hành hy lễ thánh thể. Điều này gây nên điều nguy hiểm, thay vì chóp đỉnh cho cuộc tập hợp cộng đồng Kitô hữu là nghi thức tưởng niệm Chúa thì lại trở nên dịp cho những việc sùng kính." (15).

3. Tương quan giữa những sự sùng kính bình dân và Kinh thánh là gì?

Vì Kinh Thánh là trung tâm của những gì Chúa mặc khải cho Giáo hội, những việc sùng kính bình dân tự nhiên phải thấm nhiễm mạnh mẽ với những chủ đề, ngôn ngữ và hình ảnh kinh thánh. Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục đã giải thích, "Ngày nay điều được công nhận như là một nhu cầu chung của lòng đạo Kitô hữu là mọi hình thức thờ phượng phải có một dấu ấn kinh thánh," (17) Ngài áp dụng điều này cách riêng tới mẫu gương cho những việc sùng kính Đức Maria: "Điều cần thiết là những bản kinh đọc và kinh hát phải kín múc sự linh hứng và lời lẽ từ KinhThánh, và hơn hết tất cả việc sùng kính Đưc Trinh Nữ đó phải được thấm nhiễm với những chủ dề lớn của sứ điệp Kitô hữu." (18).

Khi nói về kinh mân côi, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng kinh đó không thay thế cho việc đọc Kinh Thánh, " ngược lại, kinh đó giả thiết và cổ võ" việc suy niệm Kinh Thánh.(19) Đang khi những mầu nhiệm kinh mân côi " không phát họa hơn cho những yếu tố cơ bản thuộc cuộc đời Chúa Giêsu, (những mầu nhiệm đó) dễ dàng lôi kéo trí khôn suy nghĩ xa hơn về phần còn lại của Tin Mừng, nhất là khi kinh mân côi được đọc trong một khung cảnh hồi tưởng kéo dài." (20)

4. Tương quan giữa những việc sùng kính bình dân và văn hóa là gì?

Những việc sùng kính bình dân nảy sinh trong sự gặp gỡ giữa đức tin Công giáo và văn hoá. Vì Giáo hội mang đức tin vào trong một văn hóa, có hai thứ biến đổi xảy ra. Trước tiên khi đưa vào đức tin Công Giáo, Giáo hội biến đổi văn hóa và để lại dấu ấn đức tin trong văn hóa.

Nhưng đồng thời, Giáo hội đồng hóa một số phương diện văn hóa vì một số yếu tố văn hoá được hấp thụ và hoà nhập trong đời sống Giáo hội. Hai quá trình này có thể thấy trong sự phát triển những việc sùng kính bình dân. "Trong những hình thức chân chính của lòng đạo bình dân, sứ điệp Tin Mừng đồng hóa những hình thức biểu lộ riêng đối với một nền văn hóa nhứt định, trong lúc cũng thấm nhiễm ý thức của nền văn hóa này với nội dung Tin Mừng." (21).

Như thế đức tin Công giáo có khả năng đi vào trong mỗi nền văn hóa, và con người có khả năng sống đức tin trong những nền văn hóa của mình, một khi những nền văn hóa đó được thanh lọc khỏi những yếu tố xa lạ với đức tin Công giáo. Khi sự hội nhập đức tin như vậy xảy ra trong phụng vụ, những việc sùng kính bình dân mang đức tin thêm một bước sâu hơn vào trong cuộc sống hằng ngày của một nền văn hóa riêng.

Khi được qui hướng cách thích hợp tới phụng vụ, những việc sùng kính bình dân thực hiện một nhiệm vụ không thể thay thế là đem sự thờ phượng vào trong sự sống hằng ngày cho con người thuộc những nền văn hóa và thời đại khác nhau. "Phụng vụ là tiêu chuẩn; xét toàn bộ đó là một hình thức sống động của Giáo hội, được Tin Mừng trực tiếp nuôi dưỡng. Lòng đạo bình dân là một dấu chỉ đức tin đã ăn rễ sâu trong con tim của một dân tộc đến nổi nó đi sâu vào sự sống hằng ngày." (22).

Những việc sùng kính bình dân cho phép việc thực hành đức tin vượt qua những biên giới phụng vụ chính thức của Giáo hội, và thấm nhiễm triệt đễ hơn những sự sống hằng ngày của con người trong nền văn hóa riêng của họ.

Đức Gioan Phaolô II dạy rằng lòng đạo bình dân cung cấp sự chỉ dẫn quan trọng cho Giáo hội để Giáo hội thực hiện nhiệm vụ hội nhập văn hóa. (23) Sự hiểu biết lòng đạo bình dân của một dân tộc riêng biệt giúp Giáo hội hiểu biết những nhu cầu và những ân huệ thiêng liêng riêng biệt của họ,"Điều này đặc biệt quan trọng giữa những dân bản xứ, ngõ hầu 'những hột giống của Lời Chúa' gieo vào nền văn hóa của họ để có thể đạt tới sự viên mãn trong Chúa Kitô." (24).

Đức giáo Hoàng cũng qui chiếu về gương những người Mỹ gốc châu Phi: ""Giáo hội công nhận rằng phải tới gần những người Mỹ này từ bên trong nền văn hóa của họ, bằng cách nghiêm chỉnh thâu nhận những sự phong phú thiêng liêng và nhân bản của nền văn hóa này xuất hiện trong cách họ thờ phượng, trong cảm giác vui mừng và liên đới, trong ngôn ngữ và những truyền thống của họ.' " (25).

5. Tại sao có nhiều hình thức khác nhau của việc sùng kính bình dân?

Vì những việc sùng kính bình dân nảy sinh để đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của nền văn hóa trong đó chúng hình thành, mức độ mà sự sùng kính bình dân được thực hiện sẽ thay đổi theo thời gian và tùy theo nền văn hóa.

Khi qui chiếu về những hình thức khác nhau của việc sùng kính Đức Maria bắt nguồn từ những bối cảnh lịch sử và văn hóa khác nhau, Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục giải thích rằng Giáo hội "không tự trói mình với bất cứ một sự diễn tả riêng tư nào của một thời kỳ văn hóa cá thể hay là với những ý niệm nhân loại học riêng biệt làm nền tảng cho những sự diễn tả ấy. Giáo hội hiểu rằng một sự diễn tả tôn giáo bên ngoài, tuy tự nó là hoàn toàn đúng, nhưng có thể ít thích hợp hơn cho những người nam và người nữ của những thời đại và của những nền văn hóa khác nhau," (26).

Một số việc sùng kinh đạo đức rõ ràng đáp ứng chặc chẽ hơn với những nhu cầu thiêng liêng của một dân tộc nào đó trong một thời gian nào đó hơn là những nhu cầu thiêng liêng khác. Những việc sùng kính bình dân không phải là một vấn đề trong đó là "một kích thước đúng cho tất cả," Chúng ta phải ý thức rằng trong Giáo hội chúng ta ngày nay tại Hoa kỳ có nhiều nhóm dân tộc khác nhau sống trong những bối cảnh văn hoá khác nhau, và chúng ta phải nhạy cảm với sự kiện là những nhóm này thường gặp một số sùng kính đạo đức hợp với những nhu cầu thiêng liêng của họ hơn là những cái khác.

Thỉnh thoảng một số thích ứng cần thiết là để cho một việc sùng kính bình dân thích hợp với những người ở nơi khác và thời gian khác. Ví dụ, những Chặng Đàng Thánh Giá đã bắt đầu như là việc làm của những người hành hương đạo đức tại Jerusalem, muốn diễn lại cuộc hành trình cuối cùng cùa Chúa Giêsu tới núi Sọ.

Sau này nhiều người muốn đi qua cũng một con đường đó nhưng không thể đi tới Jerusalem, người ta nghĩ ra thực hiện với 14 chặng đàng như hiện nay được đặt hầu hết trong các thánh đường. Tương tợ như vậy, 150 kinh Kính Mừng đọc trong chuổi mân côi là một sự thích ứng với việc thực hành đan viện thời Trung Cổ khi đọc 150 thánh vịnh trong sách Thánh vịnh.

6. Vai trò các thánh trong đời sống Giáo Hội là gì?

Nhiều việc sùng kính bình dân bao hàm việc kính các thánh. Các thánh có một chỗ đứng đặc biệt trong thân thể Chúa Kitô, bao gồm người còn sống và người đã qua đời. Qua Chúa Kitô chúng ta sống trên thế gian này trong sự hiệp thông với các thánh trên trời và với các người quá cố còn ở trong luyện ngục. Chúng ta có thể cầu nguyện cho những người ở trong luyện ngục và xin các thánh cầu cho chúng ta. (27) Nhờ các Ngài cầu bàu, các thánh trên trời giữ một vai trò trọn vẹn trong sự sống của Giáo hội trên thế gian.

"Bởi vì sau khi các Ngài được rước về quê trời và hiện diện trước mặt Thiên Chúa, nhờ Người với Người và trong Người các thánh không ngưng cầu bàu với Chúa Cha cho chúng ta, trình bày những công nghiệp các Ngài đã lập được khi còn tại thế nhờ vị Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. " (28) Các thánh là những thành phần của Giáo Hội đã tới sự hiệp nhất hoàn toàn với Chúa Kitô, kết hiệp những ý muốn của mình với ý muốn của Thiên Chúa để cầu nguyện cho những người trong Giáo hội còn lữ hành trong đức tin.

Ngoài điều các thánh có thể làm cho chúng ta bằng những lời cầu nguyện của các Ngài, chính việc sùng kính các thánh nên ích lợi lớn lao cho những ai có lòng sùng kính các thánh. Bằng sự thực hiện tình yêu các thánh, chúng ta tăng cường sự hiệp nhất của toàn thân thể Chúa Kitô trong Thần Khí. Điều này đem lại tất cả chúng ta tới gần Chúa Kitô hơn. "Vi cũng như sự hiệp thông Kitô hữu giữa những người còn sống đưa chúng ta tới gần Chúa Kitô hơn, thì tình bạn của chúng ta với các thánh kết nối chúng ta với Chúa Kitô, từ nơi Người cũng như từ nguồn mặch và đầu của nó, phát sinh mọi ân sủng và chính sự sống của dân Chúa. " (29).

Tình yêu các thánh cần thiết được bao gồm và dẫn tới tình yêu Chúa Kitô và tình yêu Ba Ngôi. "Bởi vì mọi bằng chứng đích thực của tình yêu mà chúng ta bày tỏ với các thánh trên trời, tự nó hướng về và kết thúc trong Chúa Kitô là 'triều thiên các thánh,' và qua Người, trong Thiên Chúa Đấng kỳ diệu trong các thánh của Người và được ca tụng trong các thánh." (30)

7. Tại sao Đức Maria có vai trò đặc biệt trong sự giúp đỡ chúng ta?

Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria có một vi trí độc nhất vô nhị giữa hàng các thánh, giữa mọi tạo vật. Mẹ được tôn vinh, nhưng vẫn là một người trong chúng ta.

"Được cứu chuộc do những công nghiệp Con mình, và kết hợp với Người bằng một sợi dây chặc chẽ và không thể tiêu hủy, Mẹ được ban cho chức vụ và phẩm giá cao cả làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó Mẹ cũng là nữ tử đáng yêu của Chúa Cha và là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Vì được ân huệ ân sủng cao siêu, Mẹ vượt xa tất cả tạo vật, cả trên trời lẫn dưới đấr. Nhưng đồng thời vì Mẹ thuộc dòng dõi Adong, Mẹ làm một với tất cả những ai được cứu độ." (31)

Đức Maria ôm ấp ý muốn của Thiên Chúa và tự do chọn lựa hợp tác với ân sủng Thiên Chúa, nhờ đó hoàn thành một vai trò quan trọng trong chương trình cứu rỗi của Chúa.(32) Suốt bao thế kỷ, Giáo hội đã quay về Đức Trinh Nữ Chí Thánh ngõ hầu đến gần Chúa Kitô hơn. Nhiều hình thức đạo đức đối với Mẹ Thiên Chúa đã tiến hành giúp chúng ta tới gần Con của Mẹ hơn.

Trong những việc sùng kính Đức Maria, "đang khi người Mẹ được tôn vinh, thì người Con là Đấng tạo thành vạn vật và nơi Người muốn cho Chúa Cha có sự viên mãn hoàn toàn, để Chúa Cha được biết, được yêu và được tôn vinh và... tất cả những mệnh lệnh của Người được tuân giữ." (33) Giáo Hội tôn kính Mẹ như là Mẹ Thiên Chúa, nhìn đến Mẹ như là một mẫu gương của môn đệ hoàn hảo và xin Mẹ cầu nguyện với Thiên Chúa cho chúng ta.

8.Việc chúng ta sùng kính Đức Maria và các thánh có quan hệ gì với việc chúng ta thờ phượng Chúa không?

Lòng tôn kính chúng ta dâng cho một mình Chúa mà thôi thì gọi là sự thờ phượng, đó là sự kính trọng cao cả nhất mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa. Lòng tôn kính chúng ta dâng lên Đức Maria và các thánh gọi là sự sùng kính. Sự sùng kính thích hợp đối với các thánh không can dự gì với sự thờ phượng dâng lên cho Thiên Chúa, nhưng đúng hơn là nuôi dưỡng điều đó.

"Sự hiệp thông của chúng ta với các thánh trên trời, miễn là được hiểu dưới ánh sáng hoàn hảo hơn của đức tin theo bản tính đích thực của nó, không hề làm suy yếu nhưng ngược lại làm phong phú hơn nữa sự thờ phượng Thiên Chúa (34) chúng ta dâng lên Chúa Cha, qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần." (35) Hiểu như thế chúng ta thấy rằng sự sùng kính Đức Maria một cách thích đáng không làm giảm đi giá trị sự thờ phượng Chúa.

Dầu là Mẹ Đấng Cứu thế, Đức Maria có một chỗ đứng hoàn toàn tùng phục và tùy thuộc chỗ đứng của người Con mình là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vai trò mẫu tử Đức Maria hoàn thành đối với chúng ta như là người Mẹ Giáo hội "không chút gì làm lu mờ hay giảm bớt sự trung gian duy nhất của Chúa Kitô, nhưng đúng hơn là chứng tỏ quyền phép của Người." (36)

Công đồng Vatican 2 giải thích rất rõ là Đức Maria có thể nói được là hoàn thành một vai trò trung gian một cách thứ yếu và phát sinh.

"Bởi vì không tạo vật nào có thể được coi ngang hàng với Ngôi Lời Nhập thể và Đấng Cứu chuộc. Cũng như chức linh mục của Chúa Ktô được chia sẻ bằng nhiều cách khác nhau qua các thừa tác viên và các tín hữu, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Chúa thật sự được thông phần bằng nhiều cách cho các tạo vật của Người, cũng vậy sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu chuộc không loại trừ nhưng đúng hơn làm nẩy sinh sự hợp tác đa dạng, sự hợp tác đó chỉ là một sự chia sẻ trong cùng một nguồn." (37).

Điều Đức Maria làm đề cứu vớt gia đình nhân loại, không đến từ quyền phép riêng của Mẹ, nhưng từ một ân huệ ân sủng thần linh được ban cho Mẹ qua người Con của Mẹ. Tất cả ảnh hưởng cứu độ Mẹ ban xuống cho chúng ta thì được sinh sản " không tự một sự cần thiết nội tại nào, nhưng do ý muốn của Thiên Chúa. Ảnh hưởng đó chảy ra từ sự sung mãn các công nghiệp của Chúa Kitô, dựa trên sự trung gian của Người, tùy thuộc hoàn toàn trên đó và kín mục mọi quyền phép từ đó." (38) Đức Maria không hề thay thế Chúa Kitô nhưng đúng hơn vai trò của Mẹ là mang chúng ta đến với Chúa Kitô, như được minh họa trong lời khuyên của Đức Maria tại tiệc cưới thành Cana, "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo" (Ga 2:5)

9. Có sự khác biệt gì giữa mặc khải công và tư không?

Trong một vài trường hợp đến những việc sùng kính bình dân dựa trên những mặc khải tư hơn là sự mặc khải công. Giáo hội phân biệt giữa sự mặc khải công Chúa ban cho Giáo hội xét theo toàn thể và tất cả tín hữu phải vâng nghe, và sự mặc khải tư Chúa ban cho một cá nhân hay một nhóm riêng biệt mà không buộc đến Giáo hội. Trong văn kiện "Sứ điệp Fatima," Bộ Giáo lý Đức tin cống hiến một bài bình luận thần học, giải nghĩa sự khác biệt giữa sự mặc khải công và mặc khải tư.

"Xét theo toàn diện danh từ mặc khải công qui chiếu về hành động mặc khải của Chúa hướng về nhân loại và mặc khải đó được diễn tả theo văn học qua hai phần Kinh Thánh: Cựu và Tân Ước. Gọi là mặc khải vì trong đó Thiên Chúa từ từ tỏ mình cho con người đến nỗi trở thành chính con người ngõ hầu lôi kéo tất cả thế giới và kết hợp thế giới với chính mình qua người Con nhập thể là Đức Giêsu Kitô." (39)

Mặc khải công đã được truyền sang trong Kinh thánh và trong thánh truyền, cả hai "hình thành một kho tàng thánh của lời Chúa, giao phó cho Giáo hội." (40) Đó là sự mặc khải ban cho toàn Giáo hội và sự mặc khải đó phải được chấp nhận trong đức tin bởi toàn thể dân Chúa. Mặc khải đó tự nó trọn vẹn và không cần được bổ sung bởi những mặc khải sau này.

"Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã nói tất cả, nghĩa là Người đã mặc khải trọn vẹn chính mình, và do đó sự mặc khải kết thúc với sự thành toàn mầu nhiệm Chúa Kitô như được loan báo trongTân Ước." (41) Các Nghị phụ Công đồng Vaticano6 2 quả quyết, " Bây giờ chúng ta không còn chờ đợi sự mặc khải công mới nào nữa trước sự bày tỏ vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta." (42)

Những mặc khải tư thì khác, bởi vì chúng qui chiếu "về tất cả những thị kiến và những mặc khải đã xảy ra từ sự trọn vẹn của Tân Ước. " (43)Một thị kiến hay là bất cứ loại truyền thông lạ lùng từ Chúa hay từ Đức Maria hay từ một vị thánh nào, đều thuộc về loại này. Những mặc khải tư được ban cho một cá nhân hay một nhóm nhỏ, chớ không phải cho Giáo Hội xét theo một cách toàn diện. Bởi đó, khi những mệnh lệnh riêng biệt có thể hướng về một cá nhân hay một nhóm nhỏ, thì theo đức tin Công Giáo toàn thể Giáo hội không bị bắt buộc phải ưng thuận. (44)

"Dầu khi một 'mặc khải tư' đã lan tràn khắp thế giới... và đã được công nhận trong lịch phụng vụ, Giáo hội không ra lệnh chấp nhận cả về lịch sử nguyên thủy hoặc những hình thức riêng biệt đạo đức xuất phát từ đó." (45) Những mặc khải tư không có uy quyền như mặc khải công. Mặc khải công "đòi phải tin, vì trong đó chính Thiên Chúa nói với chúng ta qua Người Con và qua sự trung gian cộng đồng sống động của Giáo hội. " (46)

Xét một cách chung những mặc khải tư không đòi hỏi đức tin về phía Giáo Hội, bởi vì những mặc khải đó không thuộc "về kho tàng đức tin. Chúng không có vai trò phải cải thiện hay hoàn thành sự mặc khải quyết định của Đức Kitô, nhưng giúp [con người] sống đầy đủ hơn trong một thời buổi chắc chắn nào đó trong lịch sử." (47)

Vai trò những mặc khải tư là giúp con người đi vào sâu hơn trong đức tin đã được mặc khải công khai. Như vậy những mặc khải tư là để phục vụ đức tin, dựa trên sự mặc khải công. Những mặc khải tư là "một sự giúp đỡ cho đức tin này và chứng tỏ sự đáng tin của nó bằng cách dẫn [người ta] trở về sự mặc khải công quyết định," (48).

10. Giáo hội dựa theo tiêu chuẩn nào mà phán đoán tính xác thực của những mặc khải tư?

Những mặc khải tư luôn luôn phải đuợc xét coi chúng có phù hợp với sự mặc khải công nhất là đối với Kinh Thánh và không phải đối với cách nào khác. Như mặc khải công tập trung vào Chúa Kitô, bất cứ mặc khải tư đích thực nào sẽ làm cho người ta biết Chúa Kitô và giúp con người tới gần Chúa Kitô

"Do đó tiêu chuẩn về chân lý và giá trị của một mặc khải tư là hướng về chính Chúa Kitô. Khi nó dẫn chúng ta xa Chúa, khi nó độc lập với Chúa và có khi nó tự biểu lộ như một chương trình cúu độ khác tốt hơn và quan trọng hơn Tin Mừng, lúc đó chắc chắn nó không đến từ Chúa Thánh Thần, là Đấng hướng dẫn chúng ta đi sâu hơn vào trong Tin Mừng và không đi xa Tin Mừng. " (49).

Cũng vậy dầu không phải tất cả việc sùng kính bình dân có nguồn gốc trong một mặc khải tư, tất cả việc sùng kính bình dân cũng phải phù hợp với đức tin của Giáo hội dựa trên sự mặc khải công và cuối cùng phải tập trung vào Chúa Kitô.

11. Ai có trách nhiệm bảo đảm những việc sùng kính bình dân trung thành với huấn giáo của Giáo hội?

Tất cả chúng ta có trách nhiệm ăn ở khôn ngoan và làm hết sức để bảo đảm rằng những việc sùng kính bình dân chúng ta thực hiện là trung thành với huấn giáo Giáo hội và chúng ta thực hiện một cách thích hợp. Nhưng với tư cách những người kế vị các tông đồ, xét theo toàn diện các giám mục có trách nhiệm đặc biệt đối với những giáo phận của mình và đối với Giáo hội. Các linh mục và các phó tế giúp đỡ các giám mục làm tròn trách nhiệm này.

Đối với toàn thể Giáo hội, tất cả các giám mục có bổn phận "cổ võ và bảo toàn sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung cho toàn thể Giáo hội, dạy dỗ người tín hữu yêu mến toàn thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, cách riêng đến những người nghèo và những người buồn phiền và những người đang bị bắt bớ vì công lý, và sau cùng cổ võ mọi sinh hoạt có lợi ích cho toàn thể Giáo hội, nhất là để cho đức tin có thể gia tăng và ánh sáng chân lý toàn vẹn có thể xuất hiện cho mọi người." (50).

Hơn nữa, các giám mục có trách nhiệm riêng biệt thực thi sự săn sóc mục vụ trong các giáo phận của mình, sự săn sóc mục vụ đó bao hàm việc giám sát sự nuôi dưỡng các việc sùng kính bình dân lành mạnh và theo dõi sự thích đáng của chúng (51) Trong vài trường hợp đức giáo Hoàng có thể phê chuẩn một việc sùng kính bình dân hay là lưu ý tới một sự sùng kính tư, đôi khi cũng ngăn cấm việc làm đó. Các đấng thường quyền các giáo phận nơi mà những vật sùng kính riêng tư được phổ biến hay những sự sùng kính được tuyên truyền cho dầu trên mạng Internet, các đấng thường quyền các Giáo Phận phải thực hiện việc kiểm tra sự thích đáng để bảo đảm cho những vật tư này phù hợp với những trình bày thần học và đại kết của huấn quyền hiện nay.

12. Những việc sùng kính bình dân liên kết với những trách nhiệm của chúng ta cách nào đối với những người khác trong thế giới chúng ta?

Nhiều việc sùng kính bình dân có một đặc tính công cộng và xã hội. Chúng là một sự nhắc nhở thường xuyên về chiều kích xã hội của Tin Mừng. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta như những hữu thể xã hội tự bản tính chúng ta. Chúng ta luôn luôn sống trong một sự quan hệ ràng buộc với những người khác và luôn luôn có một trách nhiệm phải làm việc vì công ích xã hội chúng ta.

Hơn nữa, vì sự ràng buộc này không hạn chế với những người gần bên chúng ta, nhưng lan rộng tới toàn thể xã hội chung quanh địa cầu, trách nhiệm của chúng ta phải cổ võ công ích tới toàn thể nhân loại. Đức Gioan Phaolô II kêu gọi chúng ta thực thi nhân đức liên đới, nhân đức này "không phải là một cảm giác thương yêu mơ hồ hay là một sự đau khổ nông cạn đối với phận số rủi ro của nhiều người gần cũng như xa. Ngược lại, đó là một sự cương quyết dấn thân cho công ích, nghĩa là cho lợi ích của mọi người và của mỗi cá nhân, bởi vì tất cả chúng ta có trách nhiệm thật sự đối với mọi người." (52)

Nói tới nhiệm vụ chúng ta phải cổ võ phúc lợi cho những người khác trong xã hội chúng ta và trong thế giới chúng ta, thì nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là cổ võ hạnh phúc cho người nghèo, Vì Chúa bày tỏ quan tâm riêng biệt tới họ. Chóp đỉnh của sự thờ phượng Kitô hữu là Thánh Thể, " liên kết chúng ta với người nghèo. Muốn thật sự rước lấy mình và máu Chúa Kitô ban cho chúng ta, chúng ta phải nhìn thấy Đức Kitô trong người nghèo, những anh chị em của Người." (53) Cũng vậy, tất cả sự thờ phượng và kinh nguyện Kitô hữu khác, kể cả những việc sùng kính bình dân, khi đem chúng ta tới gần với Chúa hơn, phải linh hứng chúng ta chia sẻ đầy đủ hơn nữa trong tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với người nghèo.

Kết luận

Giáo hội đã học từ kinh nghiệm những việc sùng kính bình dân chân chính là một phương tiện vô giá để cổ võ một tình yêu gia tăng đối với Thiên Chúa

Vai trò quan trọng của những việc sùng kính bình dân được bàn cãi tại thượng hộiđồng châu Mỹ và đã được lưu ý cách riêng trong tông huấn hậu-thượng hội đồng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II" Giáo Hội Mỹ Châu” (Ecclesia in America).

Các nghị phụ thượng hội đồng nhấn mạnh đến sự khẩn cấp để khám phá những giá trị thiêng liêng thật sự hiện diện trong lòng đạo đức bình dân, hầu nhờ giáo lý Công Giáo chân chính làm cho phong phú, lòng đạo đức đó có thể dẫn tới một sự cải thiện chân thành và một sự thực hành cụ thể đức bác ái. Nếu được hường dẫn cách đúng đắn, lòng đạo đức bình dân cũng dẫn người tín hữu tới một cảm giác sâu xa với tư cách là tín hữu trong Giáo Hội bằng cách gia tăng lòng sốt sắng gắn bó của họ và như vậy cung cấp một sự trả lời hiệu nghiệm cho những thách đố cho sự tục hóa ngày nay." (54).

Như Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục công nhận rằng đôi khi những việc sùng kính bình dân có thể cho thấy một số hạn chế:

"Dĩ nhiên lòng đạo đức bình dân chắc chắn có những hạn chế của nó. Nó thường bị xâm nhập bởi nhiều sự méo mó tôn giáo và có khi mê tín nữa. Nó thường ở mức độ trong những hình thức thờ phượng không bao hàm một sự chấp nhận thât sự do đức tin. Nó cũng có thể đưa tới việc thành lập các giáo phái và làm nguy hiểm đến cộng đồng giáo hội chân thật. " (55)

Nhưng điều này không làm lu mờ đi những lợi ích lớn lao phát sinh từ việc thực hành do những việc sùng kính bình dân lành mạnh. Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục còn nói nếu lòng đạo đức bình dân "được hướng dẫn tốt, nhất là nhờ một khoa sự phạm truyền giáo thì nó phong phú trong những giá trị. Nó bày tỏ một sự khao khát về Chúa mà chỉ những người đơn sơ và nghèo khó mới có thể biết mà thôi.

Nó làm cho con người có khả năng quảng đại và hy sinh có khi đến độ anh hùng khi có vấn đề để bày tỏ niềm tin. Nó bao hàm một ý thức sắc bén về những thuộc tính thâm sâu của Thiên Chúa: tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện yêu thương và bền bỉ. Nó sinh ra những thái độ nội tâm ít thấy nơi nào khác lên tới cùng một mức độ: lòng kiên nhẫn, cảm giác thánh giá trong đời sống hằng ngày, sự không dính bén, sự cởi mở với người khác, lòng sốt sắng. Khi nó được hướng dẫn tốt, lòng đạo bình dân này có thể càng ngày càng thêm số đông, là một sự gặp gỡ thật sự với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô." (56).

Phụ lục: Những ân xá

Một số việc sùng kính bình dân có ân xá kèm theo. Trên thực tế sự kiện đến một việc sùng kính bình dân có một ân xá kèm theo, là một dấu chỉ việc thực hành sốt sắng, tự chứng minh trong Giáo hội là hữu ích vì đem con người tới gần Thiên Chúa hơn. Bởi vì có sự liên kết chặc chẽ giữa những việc sùng kính bình dân và những ân xá, một sự hiểu rõ huấn giáo của Giáo Hội về ân xá là cần thiết để đánh giá vai trò những sự sùng kính bình dân trong sự sống của Giáo hội.

i. Ân xá là gì?

Một ân xá không ban ân sủng. Một ân xá không phải là một sự tha lỗi do tội. Lỗi do tội thường được tha nhờ các bí tích rửa tội và sám hối (xưng tội), trong đó chúng ta nhận lãnh sự tha thứ vì tội nhờ Chúa Giêsu Kitô. Dầu lỗi được tha, và với nó hình phạt đời đời do tội- nghĩa là, sự luận phạt, mất đi đời đời sự hiện diện của Thiên Chúa- lại còn những hậu quả do tội mà những người phạm tội phải mang. Đó là điều mà theo truyền thống được gọi là phần phạt tạm.

Tự bản tính của nó, mọi tội lỗi không thể tránh gây đau khổ cho kẻ đã phạm tội. Tất cả hành vi tội lỗi sinh ra là một sự rối loạn trong linh hồn của con người, nó làm méo mó những ý muốn và những tình yêu của chúng ta, để chúng ta có "một sự dính líu không lành mạnh với các tạo vật, sự dính líu đó cần phải thanh luyện hoặc trên trần gian này hay sau khi chết phải ở trong tình trạng gọi là luyện ngục. " (57) Hơn nữa, tội lổi phá vỡ những quan hệ của con người với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với những người khác và với thế giới nói chung.

Sự hiệp thông như Chúa muốn, bị thiệt hại hay bị mất. Những người đã lãnh ơn tha thứ vì những tội của mình còn buộc phải chịu một quá trình khó nhọc và đau khổ (hình phạt tạm vì tội) phải được thanh lọc khỏi những hậu quả tội lỗi của mình và phục hồi những tương quan bị phá vỡ.

"Đang khi bằng lòng chịu những đau khổ và những thử thách đủ loại và khi đến ngày giáp mặt cách thanh thản với cái chết, người Kitô hữu phải cố gắng chấp nhận hình phạt tạm này như là một ân sủng." (58) Quá trình cần thiết và đau khổ mang lại sự phục hồi và sự thanh luyện, có thể xảy ra hoặc trong cuộc đời này hoặc trong luyện ngục, cũng như bất cứ phần nào trong quá trình chưa được giải quyết xong trong giờ lâm tử thì phải được giải quyết trong luyện ngục. (59).

Nhờ một ân xá, Thiên Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của Giáo hội mà cho phần phạt tạm vì tội của một người đươc giảm thiểu (hay có thể tẩy sạch). Nhờ ân sủng Thiên Chúa, sự tham gia trong một kinh nguyện hay hành động có ân xá kèm theo, mang lại sự phục hồi cần thiết và sự bồi thường mà lại không có sự đau khổ vốn thường đi theo nó.

Việc Giáo hội ban một ân xá là "sự diễn tả lòng tin cậy trọn vẹn của Giáo hội được Chúa Cha đoái nghe vì những công nghiệp của Đức Kitô và bởi ân huệ của Người, vì những công nghiệp của Đức Mẹ và các thánh. Giáo hội xin Chúa giảm nhẹ hay tẩy xóa phương diện đau đớn của hình phạt bằng cách nuôi dưỡng phương diện chữa bịnh của nó qua những nguồn khác của ân sủng. " (60).

ii. Làm sao những ân xá có thể tẩy xóa một số tội hay tất cả hình phạt tạm vì tội lỗi ?

Chính nhờ sự hiệp thông với các thánh mà một số hay tất cả hình phạt tạm do tội được tẩy xoá. Mặc dầu chúng ta luôn luôn phải đương đầu với những hậu quả của tội lỗi chúng ta trong hình thức hình phạt tạm vì tội lỗi- tức là, quá trình đau khổ của sự cải thiện và phạt tạ- với tư cách là những thành phần thân thể Chúa Kitô chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi một mình.

Chúng ta liên kết với Chúa Kitô và với các thánh tử đạo và các thánh và có thể hưởng nhờ sự thánh thiện của các Ngài bằng cách được cất khỏi ít là một phần phạt tạm. 'Trong sự trao đổi kỳ diệu này, sự thánh thiện của một người có lợi cho những kẻ khác, còn quá sự thiệt hại mà tội của một người có thể gây cho kẻ khác." (61)

Như hậu quả của sự hiệp thông hiện hữu giữa Chúa Kitô và tất cả các thành phần Giáo hội, Giáo hội có một kho tàng của cải thiêng liêng vô tận. Nguồn mạch của những của cải thiêng liêng này là Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục đã dạy kho tàng này của Giáo hội "không giống như một sự tich trữ của cải qua bao thế kỷ, Đúng hơn nó chỉ giá trị không hạn chế và vô tận mà những đền bù và công nghiệp do Chúa Kitô cống hiến trước mắt Thiên Chúa để giải thoát toàn thể nhân loại khỏi tội và để xây dựng sự hiệp thông với Chúa Cha. Kho tàng của Giáo hội là chính Chúa Kitô Đấng Cứu thế.Trong Người sự chuộc tội và công nghiệp của sự cứu chuộc của Người hiện hữu và được thực hiện." (62)

Vì các thánh tử đạo và các thánh đã hoàn thành tất cả những gì các Ngài có trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô, kho tàng này cũng bao gồm giá trị của tất cả những kinh nguyện và những việc lành của các Ngài

"Vì các Ngài theo Chúa Kitô nhờ quyền phép của ân sủng Người, các Ngài trở thành thánh và các Ngài đã hoàn thành một công việc đẹp lòng Chúa Cha. Kết quả là khi lo cho phần rỗi mình các Ngài cũng đã góp phần vào sự cứu rỗi của những người đồng thành phần của mình trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô." (63)

Qua sự hiệp nhất của mình với Chúa Kitô, Giáo hội có quyền phân phát kho tàng này. Khi Giáo hội làm sự này hầu thúc giục con người thực hiện những việc đạo đức và bác ái, Giáo hội đòi hỏi những người muốn hưởng một ân xá phải thực hiện một số việc lành hay là việc đạo đức (64)

Hơn nữa, muốn lãnh một đại xá, tha tất cả hình phạt tạm do tội, ngoài việc làm việc lành này hay việc đạo đức, Giáo hội chỉ riêng ra bốn điều kiện: (1) xưng tội bí tích, (2) rước lễ, (3) cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và (4) dứt khoát từ bỏ mọi tội lỗi cho dầu là tội nhẹ. (65)

Nhưng, không nên nghĩ rằng, những việc làm của chúng ta như thế tự nó cũng đủ để được tha phần phạt tạm vì tội. Những cố gắng của chúng ta, chính là việc làm do ân sủng Chúa, bày tỏ sự cởi mở của chúng ta để nhận lãnh lòng thương xót Chúa. Trong việc cứu rỗi chúng ta ân sủng Chúa luôn luôn đứng hàng đầu, với một quyền phép vượt xa mọi cố gắng chúng ta.

iii. Qua những ân xá chúng ta có thể giúp cách nào cho những người quá cố?

Cũng như vì sự hiệp thông của các thánh trong thân thể Chúa Kitô mà Giáo hội có thể ban một ân xá cho một người nào, thì cũng vậy vì sự hiệp thông các thánh mà một người có thể lập được một ân xá cho một kẻ đã qua đời hầu giảm bớt hình phạt tạm của người ấy trong luyện ngục. Chúng ta là những người còn sống, chúng ta không bị phân cách với những tín hữu đã qua đời và còn có thể làm nhiều chuyện cho họ được nhờ.

Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rõ, "Chân lý về sự hiệp thông các thánh liên kết chúng ta với Chúa Kitô và với nhau, mặc khải mỗi người trong chúng ta có thể giúp những người khác-sống cũng như chết-được kết hộp càng thân mật hơn với Chúa Cha trên trời." (66) Đồng thời, tất cả chúng ta trong sự hiệp thông với các thánh cần nhận biết rằng bất cứ sự giúp đỡ nào chúng ta làm cho nhau, cuối cùng không phải do tự chúng ta nhưng tự Chúa Kitô. "Bởi vì khi người tín hữu hưởng ân xá, họ công nhận rằng bởi sức riêng mình họ không thể chuộc lại sự dữ họ đã gây ra cho chính mình họ và cho toàn thể cộng đồng bởi phạm tội; do đó họ được thúc đẩy phải sống khiêm tốn lành mạnh." (67)

Để đọc thêm

Bộ Bí tích và Phụng tự. Cuốn chỉ dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ: Những Nguyên tắc và những Chỉ Dẫn (12/ 2001).

Bộ Giáo lý Đức tin " Sứ điệp Fatima" ( 26/6/2000).

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tông thư về Kinh Rất Thánh Mân côi (Rosarium Virginis Mariae) (16/10/2002).

Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục. Tông Huấn cho việc Chỉ Thị và Tiến Hàng đúng đắn đến sự Sùng Kính Nữ Trinh Maria (Marialis Cultus) (Feb.2,1974).

Pope Phaolô đệ lục. Tông Huấn về Ân Xá (Indulgentiarum Doctrina) (1/1/1967).

Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục. Hiến chế Tông tòa về Ân xá (Indulgentiarum Doctrina) (1/1/1967).

Ghi Chú

1 Công Đồng Vaticanô 2- Hiến Chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), 7, 2 Ibid., 7.

3 Ibid., 10.

4 Ibid., 12. x 1 Thes. 5:17.

5 Giáo Lý Công Giáo, 2th. (Washington, DC: U.S. Conference of Catholic Bishops - Libreria Editrice Vaticana, 2000), 1675.

6 Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 13.

7 ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi (Rosarium Virginis Mariae) (16/10/2002) (Washington, DC: USCCB, 2002), 43.

8 ĐGH Piô XII, Tông Huấn Phụng Vụ Thánh (Mediator Dei) ( 20/11/1947), 175,

9 ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Mỹ Châu (Ecclesia in America) ( 22/1/1999) (Washington, DC: USCCB, 1999), 16, trích đoạn 21.

10 Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích- Cẩm Nang về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ: Những nguyên tắc và chỉ dẫn. (12/2001), 50.

11 Hiến Chế Phụng Vụ Thánh 13.

12 Cẩm Nang 58.

13 ĐGH Phaoiô đệ lục, Tông Huấn cho việc Chỉ Thị và Tiến Hàng đúng đắn đến sự Sùng Kính Nữ Trinh Maria (Marialis Cultus) (2/2, 1974), 31, (Washington, DC: USCCB - Libreria Editrice Vaticana, 1974) 22-23.

14 Marialis Cultus, 31.

15 Ibid.

16 Ibid.

17 Ibid., 30.

18 Ibid., 31.

19 Rosarium Virginis Mariae, 29.

20 Ibid.

21 Cẩm Nang 63.

22 Bộ Giáo Lý Đức Tin, "Sứ Điệp Fatima" ( 26/6/2000)

23 Tông Huấn Giáo Hội Mỹ Châu 16.

24 Ibid.

25 Ibid.

26 Marialis Cultus, 36.

27 Vatican Council II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), 49, 28 Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội- Lumen Gentium, 49.

29 Ibid., 50.

30 Ibid.

31 Ibid., 53.

32 Ibid., 56

33 Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 66.

34 Latreutic sự thờ phượng dành cho Thiên Chúa trong khi Dulia là sự tôn kính dành cho các thiên thần và các Đấng Chân Phước

35 Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 51.

36 Ibid., 60.

37 Ibid., 62.

38 Ibid., 60.

39 “Sứ Điệp Fatima" 120.

40 Công Đồng Vaticanô 2, Hiến chế tín lý về mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), 10.

41 "Sứ Điệp Fatima," 120. x Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 66.

42 Dei Verbum, 4.

43 "Sứ Điệp Fatima," 121.

44 Bộ Giáo Lý Đức Tin trích câu của Đức Hồng Y Prospero Lambertini (người trở nên ĐGH Benedict XIV) nói về mặc khải tư: "An assent of Catholic faith is not due to revelations approved in this way; it is not even possible. These revelations seek rather an assent of human faith in keeping with the requirements of prudence, which puts them before us as probable and credible to piety" ("Sứ Điệp Fatima," 121).

45 Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, "Pastoral Letter Behold Your Mother: Woman of Faith" ( 21/11/1973), 100, trong những Lá Thư Mục Vụ của HĐGM Hoa Kỳ, Volume III, 1962 -1974 (Washington, DC: USCCB, 1983).

46 "Sứ Điệp Fatima 121.

47 Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 67.

48 "Sứ Điệp Fatima," 121.

49 Ibid., 121. x GLHTCG, 67.

50 Lumen Gentium, 23.

51 See Cẩm Nang, 21, 84 và 92.

52 ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp về Xã Hội (Sollicitudo Rei Socialis) ( 30/12/1987) (Washington, DC: USCCB, 1988), 38.

53 GLHTCG, 1397.

54 Tông Huấn Giáo Hội Mỹ Châu, 16.

55 ĐGH Phaolô đệ lục, Tông Huấn Truyền Giáo trong Thế Giới Ngày Nay (Evangelii Nuntiandi) ( 8/12/ 1975) (Washington, DC: USCCB, 1975), 48.

56 Ibid., 48.

57 GLHTCG, 1472.

58 Ibid., 1473.

59 The pains of purgatory are, to be sure, "a purification altogether different from the punishment of the damned." Congregation for the Doctrine of the Faith, "Letter on Certain Questions Regarding Eschatology - Recentiores Episcoporum Synodi (Epistola de Quibusdam Quaestionibus ad Eschatologiam Spectantibus) (May 17, 1979): Acta Apostolicae Sedis 71 (1979), 939-943.

60 Pope John Paul II, Sept. 29, 1999, general audience, 4, http://www.vatican.va (accessed September 2003).

61 GLHTCG, 1475.

62 ĐGH Phaolô đệ lục, Apostolic Constitution on Indulgences (Indulgentiarum Doctrina) (. 1/1/ 1967), 5, trong văn kiện Phụn gVụ 1963-1979: Conciliar, Papal, & Curial Texts (Collegeville, Minn.: Liturgical Press, 1982), 999.

63 Ibid., 5.

64 GLHTCG, 1478.

65 Tín lý về Ân Xá, Norm 7.

66 ĐGH Gioan Phaolô II, Sắc Lệnh Năm Thánh 2000 (Incarnationis Mysterium) (29/11/1998) (Washington, D.C.: USCCB, 1999), 10.

67 Tín lý về Ân Xá, 9.v

ÐÔ Nguyễn Quang Sách

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.06.2006. 00:49