Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tràng Chuỗi Mân Côi Của Ba Má

§ Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Ba con tên Micae Trần Dưng, sinh ngày 11.01.1916 tại Ngọc Hội (Khánh Hòa) và qua đời ngày 27.5.1986 tại Võ Cạnh. Má con tên Maria Nguyễn Thị Tuận, sinh năm 1920 tại Võ Cạnh và qua đời ngày 1.2.1989 cũng tại Võ Cạnh, tỉnh Khánh Hòa.

Ba lập gia đình với Má vào năm 1938 và về sống nơi quê vợ ở làng Võ Cạnh. Từ ngày về với vợ, quê vợ, xóm làng bà con vợ trở thành quê của Ba, xóm làng bà con của Ba. Trong con tim rộng lớn quảng đại của Ba, có chỗ cho mọi người và cho từng người! Má lúc đó mồ côi cha mẹ và được Bà Nội nuôi dưỡng. Các anh em trai của Má đang tu học nơi chủng viện. Phần Ba còn Mẹ già, một người chị gái, một em gái và một em trai...

Đôi "uyên ương Ba-Má" cho ra chào đời 8 trai 3 gái. Nhưng một trai và một gái từ biệt cõi đời khi tuổi con thơ. Hiện tại, trong số 7 người trai, 5 người đã lập gia đình, một người làm linh mục và một người sống độc thân. Còn lại 2 gái thì một người lập gia đình và một người dâng mình cho Chúa.

bama1copy.jpg

Hôm nay con xin phép viết về Ba con, đặc biệt về "Tràng Chuỗi của Ba" - như chứng từ của một người con, đại diện tất cả anh em mình - bày tỏ lòng thảo hiếu cùng Ba Má yêu dấu, trong khung cảnh Năm Quốc Tế Gia Đình 1994.

Ba Má con nghèo thật nghèo. Tất cả anh em chúng con chào đời và lớn lên trong cảnh nghèo. Chỉ có một điều an ủi: Ba Má nghèo tiền của nhưng giàu Đức Tin. Đức Tin chói sáng trong cuộc đời Ba Má và là gia sản duy nhất Ba Má để lại cho con cháu.

Ngược dòng thời gian, vào một đêm khuya giữa năm 1948, bộ đội bao vây làng Võ Cạnh, bắt một số trai tráng trong làng bổ sung vào bộ đội. Ba con cùng người hàng xóm công giáo cũng bị bắt đi trong đêm biến động ấy. Khi vào nhà, những người bộ đội kéo Ba đi tức khắc, nên không mang theo được một thứ gì hết. Vài ngày sau, trên đường đưa ra Phú Yên, sẵn dịp ngang qua nhà, những người lính bộ đội cho phép Ba ghé vào lấy một ít vật dụng cần thiết. Sau khi lấy vội mấy bộ quần áo, Ba lục tìm tràng chuỗi Mân Côi của Ba mà lần rồi bị lôi đi Ba làm rớt lại. Thấy tràng chuỗi của Ba đã cũ, hột lại nhỏ, Má vội vàng lấy tràng chuỗi của Má và trao cho Ba. (Tràng chuỗi của Má hột to hơn và còn mới. Đó là quà tặng của thầy Nhẫn, thầy giảng của họ đạo Bình Cang, chuyên dạy tiếng Việt cho các cha thừa sai người Pháp mới sang Việt Nam. Chính Thầy Nhẫn đã chuyền tràng chuỗi này và tặng cho Má).

Ba ra đi để lại vợ trẻ với 5 con thơ cùng với Bà Cố Nội 95 tuổi và người em trai vợ đang bị bệnh. Hành trang tinh thần duy nhất Ba mang theo là tình yêu gia-đình vợ-con xóm-làng và "Tràng Chuỗi Mân Côi".

Từ Nha Trang ra Phú Yên, đoàn quân bộ đội di chuyển bằng đường rừng núi và dĩ nhiên chỉ di chuyển vào ban đêm. Biết bao khổ cực và đói khát. Không bao lâu sau Ba ngã bệnh sốt rét. Đôi lúc kiệt sức không đi theo được đoàn quân, Ba bị bỏ lại nơi bờ nơi bụi, nằm đó với Tràng Chuỗi Mân Côi trong mình. Ba không ngừng lần hột, kêu xin Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse gìn giữ phù giúp.

Càng đi sâu vào rừng núi và càng sống nơi rừng núi, Ba càng bị bệnh nặng. Thấy thế, vào năm 1949, những người bộ đội liền thả Ba về với đời sống thường dân ở Phú Yên. Trên đường từ núi xuống, vì không có bà con thân thuộc ở đây, nên khi trông thấy tháp chuông nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên), Ba lần mò tìm đến đó. May mắn thay, Ba được cha sở Mằng Lăng, cha Nguyễn Đình Tịch (sau này làm Cha Chính địa phận Qui Nhơn) tiếp đón, nuôi nấng và chữa chạy.

Sống ở Mằng Lăng được 2 năm, vào năm 1951, vì các biến động chính trị bấy giờ, Ba được may mắn trở về làng Võ Cạnh, đoàn tụ với gia đình. Ba trở về gia đình, trở lại với nhiệm vụ người cha, người chồng và người chủ gia đình. Như Thánh Cả Giuse xưa, cuộc sống của Ba thật khiêm tốn và trầm lặng. Nhưng tình thương Ba dành cho gia đình, bà con và xóm làng thật quảng đại rộng lớn.

Vào năm 1971, Ba Má dâng cúng một phần đất của gia đình, rồi quyên góp tiền của và khởi công xây một nhà nguyện trong xóm. Nhà nguyện dâng kính Thánh Gia. Nhà Nguyện là nơi anh chị em công giáo trong xóm tụ họp đọc kinh vào mỗi buổi chiều, hoặc tham dự thánh lễ hàng tháng. Nhưng nhà nguyện cũng còn là nơi gặp gỡ đại kết của anh chị em lương giáo trong làng.

Sau khi hoàn thành Nhà Nguyện Thánh Gia, Ba lại khởi xướng "Hội Tình Thương". Hội có mục đích quy tụ những người thiện chí trong làng, đóng góp một ít tiền của, gây "Quỹ Tình Thương" giúp những người nghèo trong xóm khi đau bệnh và khi qua đời. Một điểm son trong cuộc đời của Ba con là lòng thương những người đau ốm, hấp hối và qua đời. Bất cứ ai đau bệnh trong làng, Ba con đều đến viếng thăm an ủi. Những anh chị em công giáo đau bệnh trầm trọng, Ba con đến giúp dọn mình chết lành.

Cuộc sống âm thầm trôi qua cho đến biến cố 1975. Gia đình con trước 1975 đã nghèo, giờ đây với biến cố 1975 lại càng nghèo hơn! Ba con bắt đầu làm rẫy trồng trọt và đi chài để có thức ăn nuôi sống gia đình... Trong mọi biến cố thăng trầm, lòng tin của Ba con không dời đổi và "Tràng Chuỗi Mân Côi" vẫn luôn theo sát Ba con cho đến khi qua đời.

Ba con lâm trọng bệnh vỏn vẹn đúng một tuần và lúc 11 giờ 30 phút đêm 27 rạng ngày 28.5.1986 thì Ba con êm ái trút hơi thở cuối cùng, trong tay nắm chặt Tràng Chuỗi Mân Côi của Má, Tràng Chuỗi mà Ba vẫn trung tín giữ gìn và lần hột cầu nguyện từ 38 năm qua.

... Nguyện xin Thiên Chúa Nhân Lành thưởng công bội hậu cho Ba Má chúng con, những tôi tớ trung tín của Chúa, đã sinh thành dưỡng dục chúng con nên những tín hữu công giáo, biết đặt trọn niềm Tin-Cậy-Mến nơi Thiên Chúa cũng như hết lòng sùng mộ Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse.

"Thiên Chúa suy tôn người Cha trong con cái, quyền lợi bà Mẹ, Người củng cố trên đàn con. Ai yêu mến Cha mình, thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính Mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính Cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái. Khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính Cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời Cha, sẽ làm vui lòng Mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già Cha ngươi, chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dễ người. Vì của dâng cho Cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho Mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi." (Sách Đức-Huấn-Ca, 3,3-7.14-17)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.10.2006. 21:18