Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tình mẹ bao la!

§ Lm Anrê Lê Văn Hải

Trời vùng cao hiu hắt nhè nhẹ mưa,
Gió rừng sâu xào xạc khe khẽ đưa.
Nhớ ơn mẹ lấy chi đền đáp đủ?
Thấm công cha làm sao nói cho vừa !

Sau bảy năm làm cha phó một giáo xứ đầy đủ về mọi mặt, thế rồi tôi lại được sai đến một giáo xứ vùng cao, giáo xứ Sông Pha, nơi có nhiều tộc người chung sống như : K’ho, Raglai, Churu, Kinh … Khi phải đối diện với môi trường mới, thiếu thốn đủ điều, đặc biệt đời sống văn hoá cũng như kinh tế của giáo dân quá thấp, tôi quyết định bắt tay vào việc. Rút kinh nghiệm từ những năm tháng bỉ cực, làm thuê cuốc mướn, chăn bò, trồng dâu nuôi tằm trong thời tu chui … Tôi tự tin đi mua bò, lên kế hoạch trồng cỏ cho chương trình kinh tế dài hạn của giáo xứ.

Một buổi sáng, sau khi giật chuông báo thức giờ thánh lễ, tôi đã gặp ngay một phụ nữ, hay nói đúng hơn là một bà lão đã ngồi ở hành lang nhà thờ từ lúc nào, bà dè dặt bước đến gần tôi :

- Thưa cha, con xin trình cha chút việc.

- Có việc gì thế ?

- Dạ thưa cha, con thấy hai con bò cha cột ở góc vườn quá tội nghiệp, cha để con nuôi giúp hoặc cho con chăn rẽ, cha đỡ vất vả mà rồi con cũng có chút chi để phòng khi ốm đau, hoạn nạn.

- Tôi mới nhận giáo xứ, chưa biết ai cho tường tận, từ từ rồi tôi sẽ liệu.

- Dạ thưa cha, trong giáo xứ này ai ai cũng biết con, nhà con ở sát chân núi, cỏ cây nhiều lắm, bò tha hồ mà ăn …

- Bà có con cái gì không, chứ tuổi tác như bà chăn bò gì nỗi ?

- Dạ thưa cha, chồng con đang ở nhà, nhưng thương tật đã lâu vì tai nạn sập lò than … Hồi đó tài sản làm ăn chỉ là một con bò đực kéo cây kéo củi, vậy mà sau khi nhà con mất sức lao động, con liền bán con đực, mua con nái, ngày qua tháng lại, cắt cỏ cho ăn, cột nó chỗ này đến nơi khác … Vậy mà con chèo kéo nuôi chồng, nuôi 3 con, 2 trai 1 gái nay đã có nơi có chốn cả rồi cha ạ.

- Thế bây giờ ở với con với cháu, rảnh rỗi thì đọc kinh dâng lễ chứ nuôi bò mà làm gì nữa ?

- Dạ thưa cha, được như vậy thì quý biết mấy, nhưng thực tế phũ phàng lắm cha ơi! Thằng trai đầu ăn ra làm được, theo vợ bỏ xứ đi cả chục năm nay, có lần nhớ nó quá, con nhờ thằng út mang theo cặp gà và một chục trứng dẫn con vào thành phố thăm anh nó. Hai vợ chồng nó tiếp con và em nó không đầy 15 phút, lại chê gà gầy gà ốm, rồi còn la con đem bệnh cúm gà đến đổ cho nhà nó chứ chẳng hỏi thăm sức khoẻ cha nó được một tiếng … Ay rồi lấy cớ là bận công tác nên nó dẫn con ra lại bến xe, cho con một tô cháo, dúi vào tay con một xấp bạc lẻ đủ tiền về lại đến nhà … Cha nghĩ thử có tủi phận không ?

Còn thằng út thì chí thú làm ăn, nhưng nơi cái xứ “khỉ ho cò gáy “ này làm chi ra tiền, moi đâu ra của ! Thế là nó cũng theo cái nghề của cha nó, rồi nay đau lưng, mai sốt rét rừng nên con đành phải bán con bò cuối cùng chạy thầy chạy thuốc … Nay con muốn xin cha cho con nuôi rẽ hai con bò đó, may ra Chúa thương sang năm con có được con nghé để giúp con giúp cháu khi hoạn nạn … và khi chết, con cũng như nhà con có được tấm vãi, cái hòm đỡ phiền con, phiền cháu …

Suốt ngày hôm đó, tâm sự chân chất, ước mơ bình dị và bóng dáng cam khổ của người mẹ ấy chờn vờn mãi trong trí tôi :

Ai ơi ! xa xứ nhớ mẹ già
Chăn bò, cắt cỏ nuôi thêm gà
Để phòng giúp con khi hoạn nạn,
Hiểu chăng tình mẹ quá bao la ?!

Ai trong chúng ta được sinh ra và lớn khôn thành người mà không do bởi công sinh dưỡng của mẹ của cha ? nhưng hầu như chúng ta không có kinh nghiệm, hay nói đúng hơn là không có khả năng để chứng kiến công cha cao như núi, nghiã mẹ tựa nước nguồn, vì lúc đó chúng ta còn thơ ấu, trí khôn chưa đủ để nhận định và lưu trử những hình ảnh đáng trân trọng ấy. Tuy nhiên hôm nay vẫn chưa muộn để thấu hiểu công ơn cao dày và dịu mát đó một khi chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe tâm sự một đời lam lũ thức khuya dậy sớm, một thời buôn khoai đầu đình, cắt cỏ cuối sông của mẹ … dù đôi lúc mất chút thì giờ, hay bận rộn công việc.

Hãy tinh tế nhìn vào mặt cha may ra có thể nghiệm được vì sự lớn khôn của ta mà mắt cha mờ trước tuổi, tóc cha bạc trước hạn bởi thức trắng nhiều đêm canh lo lò than, hoặc chong mắt suốt sáng soi rọi tìm con cua con cá.

Hãy cúi xuống thật sâu mà hình dung, mà nghĩ suy để thấy rằng tay chân mẹ sớm run rẩy, da dẻ mẹ sớm nhăn nheo già cỗi vì chính ta đã rút hơi sức cuả mẹ qua dòng sữa ấm mỗi ngày mà không mấy khi mẹ được bồi dưỡng chén cơm cho chắc dạ, ly nước cho mát lòng.

Xin hãy hiểu cho rằng thể trạng của cha nay không còn cương phương phong độ chẳng qua vì thân xác cha từng là lá chắn khi nắng cháy, lúc mưa tuôn, thời gió tạt để che chở cho ta khỏi ốm đau, đủ cơm áo, được học hành … Đừng nông cạn chê trách mẹ lẩm cẩm nói trước quên sau hay dễ duôi mẹ luộm thuộm đờ đẫn, vì đây là một sự vô ơn, một cách xúc phạm công sinh thành và xem nhẹ luật Chúa như sách Huấn ca khuyến cáo :

“Hỡi con, hãy săn sóc cha con lúc tuổi già …
Trí khôn người có suy giảm con cũng nể vì,
Đừng nhục mạ người, khi con đương sức …
Chớ khinh rẻ mẹ, chọc giận Đấng Tạo Hoá …”

Qua nỗi lòng yêu thương vô bờ của người mẹ nơi vùng sâu nghèo hèn trên đây âu cũng là một trong muôn tâm sự cuả mẹ đẻ mỗi người trong chúng ta ? Tôi xin mạo muội tường thuật và suy gẫm đôi dòng …

Cầu mong cho những ai đang trong phận làm con hãy khiêm tốn lắng nghe tâm sự của mẹ, mà tinh tế báo đáp phần nào đó cho mẹ thoả lòng, để cha mát dạ . Đồng thời qua chân dung của những người con trong tâm sự đơn thành và mơ ước bình di của người mẹ nhân ái này âu cũng là bài học hiếu đạo cho chúng ta soi chiếu để sống sao cho xứng phận làm con, hầu đáng đón nhận lời hứa của Chúa Giêsu như Ngài đã trả lời cho người thanh niên đi tìm sự sống vĩnh cữu : “….Anh hãy thảo kính cha mẹ thì anh sẽ được sự sống đời đời. ”

Ngày của Mẹ 13/5/2007
Quản xứ Sông Pha – Tầm Ngân, Nha Trang

Lm Anrê Lê Văn Hải

Đọc nhiều nhất Bản in 13.05.2007. 15:32