Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sùng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

§ Lm Thomas Trần Ngọc Tuý, OP

Trích Maranatha, số 80 ngày 3-6-2006

Vần đề của chúng ta là lý thuyết nhiều quá, mà thực hành chẳng được bao nhiêu. Điều đó phải chăng là phí uổng thời gian ? Đúng lý chúng ta nên thực hành nhiều hơn. Hôm nay, lễ kính Trái tim Chúa, chúng ta nên nhìn lại vấn đề. Đức Giáo Hoàng Piô IX nói: “Hội thánh và xã hội chẳng có hy vọng nào khác, ngòai hy vọng vào Trái Tim Chúa. Đấng sẽ chữa lành phong hóa xấu xa của thế gian.” Đức Leo XIII thêm: “Chính trong Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu mà chúng ta đặt hy vọng. Chúng ta khẩn xin Ngài và chờ đợi Ngài ban ơn cứu độ.” Phần Chúa Giêsu, Ngài nói với bà thánh Magarita Maria Alacoque: “Trái Tim Ta sẽ hiển trị, hiển trị bất chấp địa ngục….hiển trị bất chấp những kẻ chống đối….hiển trị bằng quyền năng vô hạn của Thánh Tâm Ta trong sự huy hoàng của tình yêu Thiên Chúa.”

Vậy thì trước những thảm cảnh hiện nay của thế giới chúng ta không có quyền buông tay thất vọng. Ngược lại phải biết trông cậy vào Trái tim Chúa và nỗ lực xây dựng một niềm tin cho chính bản thân, cho gia đình, xã hội và thế giới. Liệu công việc này có thể thực hiện được không ? Cha Timothy Radcliffe, cựu bề trên tổng quyền dòng Đa Minh trả lời là được. Và Ngài đưa ra một hình ảnh rất đẹp : Chị dòng nhỏ bé hát thánh ca dưới chân cây nến Phục sinh. Không phải dì chẳng biết đến những khó khăn của cuộc đời dì và của thế giới, nhưng niềm hy vọng đặt vào Chúa Phục sinh lớn lao đến độ nó khiến dì bật lên tiếng hát. Chỉ khi nào dì thôi hát thánh ca, lúc ấy chúng ta mới được phép thất vọng. Dì là biểu tượng cụ thể của niềm hy vọng Kytô giáo. Niềm hy vọng và tin tưởng này không bao giờ bị dập tắt, bởi nó là niềm hy vọng vào Chúa Phục sinh. Thánh tâm Chúa là nguồn mạch và máng chảy ơn cứu độ thế giới, là biểu tượng vĩ đại của Tình Yêu đã ban Con Một cho thế gian. (Ga 3, 16)

Phong trào tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu đặt nền tảng trên niềm tin tưởng và hy vọng ấy. Từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã quyết định đặt Trái tim Chúa Giêsu làm trung tâm điểm vũ trụ, mọi trái tim sẽ bị thu hút vào tâm điểm này, giống như mặt trời thu hút các hành tinh và các ngôi sao xoay quanh nó. Không vật nào chống lại được. nếu chống lại là chống lại sự sống và tồn tại của chính bản thân. Trái tim Chúa là đầu mối mọi quan hệ tình yêu: Thiên Chúa yêu nhân loại, nhân loại yêu thương nhau, cha mẹ yêu thương con cái, vợ chồng liên kết với nhau. Cho nên chúng ta phải học cho được thói quen chiêm ngắm Thánh Tâm này. Kinh thánh Cựu và Tân ước đều có trung tâm là Chúa Giêsu, như vậy Trái tim Chúa cũng là đề tài của mọi suy tư đạo đức và thần học. Có rất nhiều linh hồn, hội đoàn, giáo xứ đã đựơc lợi ích thiêng liêng nhờ lòng tôn sùng Trái tim Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng ao ước điều đó: “Ta mang lửa xuống thế gian và không muốn gì hơn cho lửa đó cháy lên.” Lửa Ngài nói ở đây,chính là lửa tình yêu của Ngài. Nói cách khác là Trái tim cực trọng của Đấng Cứu Thế. Chẳng phải đến thời bà thánh Magarita Maria Alacoque (thế kỷ 17) phong trào tôn sùng Trái tim Chúa mới khởi sự. Nó đã tồn tại từ lâu, từ thời thánh Bonaventura (thế kỷ 13), thánh Albetô cả, thánh Gertruđê, thánh Catarina thành Sienna, chân phước Henri Susô, thánh Phêrô Canisiô, thánh Phanxicô Salesiô, thánh Gioan Euđé. Bà thánh Magarita Maria Alacoque là người có công nhiều nhất trong việc truyền bá lòng đạo đức này. Nhiều lần Chúa đã hiện ra với bà và ước ao người ta tôn sùng Trái tim Ngài: “Trái tim cực thánh của Ta, yêu mến loài người biết bao, đến nỗi không thể kìm hãm được nữa. Nó cháy lửa bác ái đối với mọi linh hồn. Con phải phổ biến tình yêu này bằng nhiều phương tiện. Con phải tỏ rõ cho mọi người kho tàng quý báu mà Cha sẽ cho con hay. Nó chứa đựng toàn thể ơn thánh hóa, ơn cứu chuộc để kéo các linh hồn ra khỏi vực thẳm hư mất đời đời.”

Xin đừng lý thuyết nhiều quá. Phong trào tôn sùng Trái tim Chúa là việc đạo đức thực hành, cần được phổ biến trong hàng giáo sĩ, giáo dân, các gia đình, đoàn thể, tới hang cùng ngõ hẻm. Đức Giáo Hòang Piô XII viết: “Chúa Cứu Thế đã nói với thánh nữ Magarita Maria Alacoque rằng Ngài dành sự sùng kính này như là cố gắng cuối cùng của tình yêu mà Ngài muốn ưu ái những linh hồn của thế kỷ sau cùng này. Hãy truyền bá lòng sùng kính Thánh tâm. Nó là việc dạy dỗ người ta sự dịu ngọt và khiêm nhường, góp phần xây dựng hòa bình thế giới. Ngày nay, hơn bao giờ hết, thế giới đang có nhu cầu về công lý, hòa bình và bác ái. Nhưng đa phần nhân lọai tìm kiếm luống công, ngoại trừ nơi nguồn mạch chân thật là Trái tim cực thánh Chúa Giêsu.” Lý thuyết suông sẽ đưa người ta đến cằn cỗi và vô sinh. Các giáo sư uyên bác chỉ nói về tôn giáo, mà chẳng làm chi cả, đời sống vẫn tầm thường như bao người khác. Nhưng một linh hồn yêu mến với một chút hiểu biết sẽ bay bổng trên đường thiêng liêng. Giống như chiếc thuyền chèo, di chuyển nặng nề chậm chạp, nhưng nếu có cánh buồm căng gió, nó sẽ lướt nhanh trên mặt nước siêu nhiên. Gió ở đây là ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Kiến thức của lòng yêu mến là cánh cửa đưa người ta vào cõi thiên thu với những chân trời mới rộng thênh thang, lạ lùng và sáng láng. Hiểu biết với lòng mến yêu đưa linh hồn vào những thực hành nhân đức, vào nguồn khôn ngoan và thông tuệ. Kinh thánh nói: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì được Người biết đến.” (1Cor 8, 3). Biết đến để ban ơn và dẫn dắt trên con đường nên thánh. Hiện nay Giáo hội có ba vị tiến sĩ phụ nữ chưa học hết lớp một. Có vị hình như không biết đọc, biết viết. Vì trong hạnh không thấy nói đến đi nhà trường. Ba vị tiến sĩ đó là: Catarina thành Sienna, Têresa Avila và Terêsa Hài Đồng Giêsu. Ngoài ra trong lịch sử thời cổ, có bà thánh Catarina Alexandria, thông thái khôn ngoan hơn các triết gia đương thời. Cuộc đối đáp với bà làm họ phải cúi mặt xấu hổ. Sự thông tuệ đó là do thực hành các nhân đức và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, giống như cánh buồm căng gió.

Tôi biết một cha xứ đạo mạo kia, mỗi lần về thăm nhà dòng, câu duy nhất ngài nói: “Nhà mình toàn giám đốc, thông thái quá. Còn đây chỉ là ông cha xứ quèn.” Anh em nghe lời tưởng Ngài khen, mát lòng hả dạ. Nhưng thóang một cái cha xứ biến đâu mất, chẳng để ai hỏi lại ý Ngài muốn ám chỉ điều chi ? Kẻ thì bảo Ngài thật lòng khen, người khác cho là mỉa mai chê bai. Tôi phân vân không biết đứng về phía ý kiến nào ? Cuối cùng quyết định cả hai, vừa khen vừa chê. Thật tình, nhiều anh em có bằng cấp cao, du học nước ngoài nhiều năm. Nhưng nếp sống chẳng hơn ai. Cũng đầy dẫy tính hư tật xấu, nhà lầu xe hơi tiện nghi đắt tiền. Làm sao gọi được là khổ chế, ăn chay đền tội ? Mãi sau này tôi mới ngộ ra: Theo triết học, có hai loại trí khôn, đúng hơn bộ óc người ta có hai mặt: Mặt lý thuyết và mặt thực hành. Mặt lý thuyết thu tích kiến thức, mặt thực hành hướng dẫn cuộc sống. Học hỏi nhiều, biết nhiều chưa chắc đã là người đạo đức, tốt lành. Ngược lại, người tốt lành đạo đức chưa hẳn đã thông minh, uyên bác. Thánh Thomas tiến sĩ phân tích vấn đề này thấu đáo, tôi miễn bàn ở đây. Điều muốn nói là kẻ tội lỗi vẫn thông minh như thường. Học tốt, hiểu sâu, nhưng không biết trình bày về nhân đức. Có hỏi, họ chỉ ấp úng những tư tưởng mông lung, lộn xộn. Tội lỗi đã làm hư hỏng phần thực hành. Kẻ bê tha, suy tư theo nếp sống của mình. Ngược lại, người nhân đức tốt lành có thể là chậm hiểu, không học hành giỏi giang, nhưng nhờ Thánh Thần hướng dẫn họ rất nhạy bén về luân lý, phân biệt chính xác các trường hợp tội phúc. Trí khôn còn nguyên vẹn cả hai mặt. Thí dụ cụ thể: Kẻ rượu chè say sưa không tư vấn cho ai về các nhân đức được. mặc dầu có lúc họ rất khôn ngoan. Người ly dị không thể dạy dỗ đôi vợ chồng còn chung sống. Đúng như lời Chúa Giêsu phán: “Kẻ mù lòa dắt nhau, cả hai đều rơi xuống hố.”(Mt 15, 14). Cho nên chẳng lạ gì học giỏi tài cao mà nếp sống vẫn không khả quan hơn. Câu nói “Sai thì sửa, nhưng sửa rồi vẫn cứ sai” có thể hiểu được. và cũng nên rộng lượng tha thứ cho những kẻ lầm lỗi. Đó là thường tình của con người.

Nhưng không vì thế mà thôi cố gắng cải thiện nếp sống. Người đạo đức chân thật, nói về chân lý tốt hơn. Họ có Thánh Thần hướng dẫn, văn chương Kinh thánh gọi là lòng đầy Thần khí Đức Kitô. Những kẻ thiếu Thần khí, tư vấn chẳng ra làm sao. Các linh mục bê bối giảng giải chán ngấy, không có nội dung. Các thánh hướng dẫn linh hồn người ta rất hay, rất sốt sắng. Bởi chưng những linh hồn đạo đức tập trung vào Thiên Chúa. Họ chẳng có mục tiêu nào khác ngoài Thiên Chúa, nguồn vui, nguồn thông tuệ của lòng mình. Người kém nhân đức còn nhiều mục tiêu khác: tiền tài, sắc dục, danh vọng….. cho nên tâm hồn bị phân tán và nhìn sự vật theo những quan điểm thế tục. Ngược lại kẻ nhân đức không có quan điểm nào nữa ngoài quan điểm cứu rỗi của Thiên Chúa. Cho nên họ thường bị thiên hạ hiểu lầm, ghen ghét, tẩy chay, loại trừ. Chúng ta hãy coi gương sáng nơi các thánh. Trước hết Đức Giêsu trong vườn cây dầu: “Lạy Cha, xin theo ý Cha, đừng theo ý Con.” Đức Maria nói với sứ thần Gabriel: “Xin thực hiện nơi tôi theo như lời Ngài nói.” Thánh Phaolô trên đường đi Đamát: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm chi ?”. tất cả đều chứng tỏ các tâm hồn ấy không lợi dụng Đức Chúa Trời, mà là thuận theo ý Ngài. Họ vẫn sống bình thường, lao động bình thường, nhưng mọi sự được thực hiện trong ý muốn của Thiên Chúa. Giây phút hiện tại đựơc sử dụng như tôi tớ của vĩnh hằng.

Đây là tâm tình chúng ta phải có đối với Trái tim Chúa Giêsu, một đại dương của lòng yêu mến. Tháng này là tháng Trái tim, đừng bỏ lỡ cơ hội, nhưng hãy tập trung tâm hồn vào nguồn mạch yêu thương và nhân đức. Chiêm ngắm Trái tim Ngài, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui và hy vọng. Rồi đây toàn thể loài người sẽ nhìn xem Đấng mà họ đã đâm thâu qua (Ga 19, 37). Thờ lạy và ngợi khen nguồn mạch yêu thương đã đổ hết máu mình để cứu độ nhân loại. Chúng ta không được phép thất vọng. Uy quyền vô biên Thánh Tâm Chúa sẽ cứu thế giới●

Lm Thomas Túy, O.P.

Đọc nhiều nhất Bản in 04.06.2006. 23:10