Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sự Sùng Kính Đức Mẹ

§ Ân Giang

VietCatholic News (Thứ Ba 07/10/2003 16:55)

Khoa Thánh-Mẫu-Học cho biết, về phương diện thần-học, sự tôn sùng Đức Mẹ đặt trên ba điểm căn bản là: lòng tôn kính, khẩn cầu sự hộ phù, và noi theo gương nhân đức của Người.

Trải qua hai ngàn năm lịch sử Công-Giáo, sự tôn sùng Đức Maria của các tín hữu đã nổi bật, dấu vết còn ghi lại cho thấy sự tôn sùng này đã có rất sớm và rõ rệt ở khắp nơi.

Tại nghĩa-trang Priscille ở Roma, ngay từ đầu thế kỷ thứ III, người ta đã thấy nhiều ngôi mộ có tạc tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu, với lời nguyện xin hộ phù người sống và cứu giúp linh hồn kẻ đã qua đời.

Khoa khảo cổ Thiên-Chúa-Giáo cho biết, những vết tích cổ xưa nhất chứng minh sự mừng Lễ Chúa Giáng-Sinh trong giáo-hội, mãi tới thế kỷ thứ IV mới thấy xuất hiện, nghĩa là còn sau những di tích chứng minh về sự tôn sùng Đức Nữ Maria; bởi vì ngay từ đệ nhất Công-Đồng Nicée (325) rồi tới Công-Đồng Êphêsô (431) là khi Đức Maria đã được tuyên dương là "Mẹ Thiên Chúa", thì sự tôn sùng Đức Mẹ khi ấy đã phát triển mạnh mẽ lắm rồi.

Tuy nhiên, những di tích cổ này không phải chỉ thuần túy mang tính lịch sử mà thôi nhưng, như thánh Âu-cơ-Tinh từng nhiều lần nhấn mạnh, đó còn là những chứng tích của sự thực hiển nhiên về siêu linh. Thánh nhân nói: "Chúa Kitô đã giáng sinh; do Ngôi Cha là Thiên-Chúa và mẫu thân là loài người; Ngài đã sinh ra từ tính bất tử của Ngôi Cha và từ sự đồng-trinh của Mẹ. Chúa Giêsu đã giáng sinh từ Cha không có sự gặp gỡ nào với một người mẹ, và từ mẹ không có sự gặp gỡ nào của người cha. Ngài từ Cha mà sinh ra ngoài sự chi phối của thời gian, từ mẹ mà sinh ra không cần sự gieo giống; từ Cha mà sinh ra cũng là từ nguyên lý sự sống, từ mẹ mà ra cũng là từ nơi ẩn trú của sự chết; từ cha mà sinh ra để điều chỉnh lại trật tự thời gian, và từ mẹ mà sinh ra để hiến tế thời gian này" (Thánh Âu-Cơ, bài giảng 194).

Qua lời thuyết giảng của thánh Âu-Cơ, người ta đã thấy điểm khúc mắc của thần học khi giải thích về một sự kiện có liên quan với thể chất và với Thiên Chúa. Đó là sự việc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa" (Hy ngữ gọi là "théotokos").

Vì không đủ ơn soi sáng của Chúa Thánh-Thần, giám-mục Nestorius đã khai triển rất sai lầm học-thuyết về hai bản tính của Đức Giêsu, do đó đã đối đầu với giám mục Cyrille thành Alexandria, vào năm 428, về vấn đề Đức Maria là "Mẹ Thiên-Chúa". Nestorius nại rằng suốt dọc Tân-Ước, chẳng hề chỗ nào có nói Maria là Mẹ Thiên Chúa, nên theo ông, Maria thực ra chỉ là bà mẹ loài người của Chúa Giêsu mà thôi.

Lập luận như Nestorius thì ra Thiên Chúa không hề nhúng tay vào việc Ngôi Lời nhập thể. Đó là một sai lầm về tín lý mà Công-Đồng Ephêsô (431) đã phải lên tiếng vạch tội lạc giáo của Nestorius, mà lớn tiếng tuyên dương Đức Mẹ là "Mẹ Thiên Chúa".

Trong Thông-Điệp "Redemptoris Mater", Đức đương-kim giáo-hoàng Gioan Phaolô II viết "Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là một dấu ấn đích thực của tín điều Ngôi Lời nhập thể, theo đó trong Ngôi Hai Thiên Chúa có sự kết hợp chặt chẽ cả hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người".

Tại Công-Đồng Chalcédoine (năm 451) giáo-thuyết này một lần nữa lại được xác nhận để nhấn mạnh điểm "nơi Chúa Giêsu, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người cùng thể hiện và kết hợp làm một".

Sự tôn sùng Đức Maria cứ thế trải qua thời gian và lan rộng khắp nơi, nhưng sang thế kỷ thứ XII và XIII trở đi sự tôn sùng Đức Mẹ lại mang sắc thái khác thường, vì có những nhân vật đặc biệt từng là tông đồ về sự tôn sùng này, như thánh Bênadô, thánh Đa-Minh, thánh Louis-Marie Grignon de Montfort. ..

Thánh Bênađô nói: "Xin hãy vứt bỏ vầng thái-dương này (chỉ Chúa Giêsu) là đèn sáng soi ban ngày, liệu có còn ban ngày được nữa hay chăng?! Xin hãy cất đi Đức Maria, là ngôi hải-tinh chiếu dọi khắp biển cả mênh mông, thì còn lại gì, nếu không phải là đêm mù mịt tăm tối của bóng tử thần..?!"

Sang thế kỷ XIII, sự kiện đặc biệt trong việc tôn sùng Đức Maria là việc thánh Đaminh đã được chính Đức Mẹ trao truyền Phép Lần Hạt Mai-Khôi; sau đó thánh nhân là tông-đồ truyền bá sự suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần hạt. Tới thế XV, phép lần hạt Mai-Khôi này được coi là phương pháp đơn giản nhất để tìm hiểu cuộc đời Chúa Giêsu, qua sự suy niệm theo quan điểm của chính Đức Nữ Đồng Trinh Maria.

Vào đầu thế kỷ XVIII, chính thánh Louis-Marie Grignon de Montfort (1673-1716), là nhân vật đã bôn ba đó đây khắp nước Pháp, với vai trò một hiệp-sĩ-xanh, từng nói: "Chính nhờ Đức Maria mà tôi đi tìm và tôi đã thấy được Chúa Giêsu". Thánh nhân đã lưu lại cho hậu thế nhiều tài liệu về sự tôn sùng Đức Mẹ. Ngài cũng là Đấng sáng lập Dòng các linh-mục Montfort, Dòng nữ-tu của Sự Khôn-Ngoan, và một Tổ chức Xã-hội.

Thế kỷ XIX là thời điểm vinh danh Đức Maria là Đấng vô nhiễm nguyên tội, vì sự này sau khi được tham khảo ý kiến của toàn thể hàng giám-mục toàn cầu, đã trở thành một tín điều mà các tín hữu phải tin theo.

Cho tới nay, tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội vẫn còn bị hiểu rất sai lạc. Người ta vẫn lầm cho rằng sự "vô nhiễm nguyên ti" có liên quan đến vấn đề dục thể. Thật ra đó là tình trạng "bất phục và phản loạn" của nguyên tổ loài người đối với Thiên Chúa, do ma quỉ dưới hình con rắn xúi giục mà ra. Bởi xúi giục của ma quỉ, nguyên tổ nhân loại đã mất đi lý trí nên không còn giữ được trọn vẹn niềm tin cậy nơi Đấng đã tạo dựng nên mình; tình trạng suy sút sa đọa ấy lưu truyền cho miêu duệ mãi mãi về sau nên gọi là "tội nguyên tổ" mà bí tích Phép Rửa đã tạo ơn tha thứ. Đức Maria, vì trung trinh vững vàng trong niềm tin cậy Thiên Chúa, nên đặc biệt được Thiên Chúa tái tạo thành con người không mắc phải sự lưu truyền, nên đã xưng mình là "Đấng Vô-Nhiễm-Nguyên-Tội". Ngày 25 tháng 3 năm 1858, trong lần hiện ra thứ XIII, lần đầu tiên Người đã tỏ mầu nhiệm này với nữ thánh Bernadetta tại hang Lộ-Đức (Pháp). Tình trạng vô nhiễm nguyên tội nơi Đức Maria chính là tình trạng của Adam và Eva trước khi phản nghịch cùng Thiên Chúa. Cũng như chúng ta hết thảy được khỏi tội trước mặt Thiên Chúa là nhờ công ơn Ngôi Hai đã giáng trần, nhận lấy khổ nạn mà cứu chuộc ta, thì Đức Mẹ được Thiên Chúa cất ra khỏi sự di truyền của tội nguyên tổ, cũng là do ơn Cứu Độ của Con Thánh Người. Cho nên, tình trạng vô nhiễm nguyên tội nơi Đức Maria là một ơn đặc biệt, có tính "hồi tố", mà Thiên Chúa đã làm cho Người.

Năm 1854, trong sắc thư "Ineffabilis Deus", Đức Thánh Giáo-Hoàng Pio X viết: "Chúng tôi tuyên bố, xướng đọc và định nghĩa giáo thuyết chủ trương rằng Đức Nữ Đồng Trinh Maria, ngay tự giây phút thành thai trong lòng mẹ, do ơn đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, thể theo công nghiệp vô cùng của Chúa Giêsu Đấng Cứu-Độ nhân loại, Đức Mẹ đã hoàn toàn không hề dính bén tơ hào vết tích của tội nguyên tổ. Học thuyết này quả thật đã được Thiên Chúa mặc khải, vì thế "sự vô nhiễm nguyên tội" của Đức Maria phải là một tín điều mọi tín hữu phải tin theo".

Sang thế kỷ thứ XIX, nhiều phong trào xấu và có hại cho Công-Giáo nổi lên, đẩy giáo hội đi vào khúc đường hiểm nguy. Trong những phong trào ấy phải kể tới chủ trương của bọn người phản lại hàng giáo-phẩm, mạnh nhất là tại nước Pháp. Chúng gieo rắc khủng bố, tổ chức công xã, toan tính lập ra đệ tam đế-quốc, giữa lúc cần phải khởi xướng vấn đề quay về với Thiên Chúa, là vấn đề cấp thiết lúc đương thời tại nhiều nơi, nhất là tại Pháp. Do đó trên toàn lãnh thổ Pháp, giáo hữu khắp nơi đã thành lập và tích cực hoạt động trong hơn bẩy trăm hội-đoàn chuyên việc sùng kính Đức Mẹ.

Guillaume-Joseph-Chaminade, nhân vật khởi xướng và sáng lập phong trào tôn sùng Đức Mẹ đã phân tách vấn đề này như sau: "Hết thảy bọn lạc giáo đều nhất trí chống báng Đức Maria. Hiện nay, bọn chúng đã gây ra sự lầm lạc lớn nhất chính là thái độ rửng rưng với tôn-giáo. Chúng ta là những kẻ sau chót tin tưởng đã được Đức Mẹ mời gọi làm trợ tá cho Người, đem tận lực ra để chiến đấu giải trừ sự lạc giáo nguy hại này hiện đương diễn ra trong thời đại chúng ta. Khẩu hiệu mà chúng ta đã chọn chính là lời Đức Mẹ xưa phán bảo bọn gia nô của chủ nhà tại tiệc cưới thành Cana "Hãy làm mọi việc như Ngài sẽ bảo với anh chị em".

Cũng trong thế kỷ XIX này, Đức Maria đã hiện ra ít là ba mươi (30) nơi được ghi lại đủ tài liệu; cho tới nay những nơi này vẫn còn là thánh địa đón nhận các đoàn hành hương tứ xứ, sốt sắng tới viếng và làm việc tôn sùng Đức Mẹ. Trong số 30 nơi Đức Mẹ đã hiện ra, nước Pháp được vinh hạnh đón mừng Người 22 lần ở các địa điểm khác nhau. Liệu đây có phải là dấu hiệu của thời đại, và là những việc siêu nhiên Thiên Chúa đã làm để tăng cường đức tin của con cái lữ thứ, và đặc biệt cho các tín hữu Pháp hay chăng!?

Sau đây liệt kê 30 lần Đức Mẹ hiện ra ở 30 nơi khác nhau:

Năm/Địa điểm hiện ra/Nhân vật thấy Đức Mẹ
1803/Malcôte, Oman, France/Cécile Mille. La Dame du Chêne
1821/Tino, Hy-Lap/Marie de lAnontiation
1830 (18-07)/1830 (12) Paris (France)/Catherine Labouré
1831/La Creysse (France)
1836/OL of Victories, Paris/Père Genettes
1840/BLANGY, France/Soeur Justine Bisqueyburu
1842 (20-01)/Rome (Italie)/Père Marie
1846/La Salette, France Melanie Calvat & Maximin Giraud
1849/CHAMBERY, FranceSoeur Marie-Marthe Chambon
1858/LOURDES, FranceSte Bernadette Soubirous
1871/PONTMAIN, FranceEugene et Joseph Barbadette
1871/Veysiat (France)
1872/Neubois (France)
1873/Alsace-Lorraine (France)
1873/StBauzille-de-la-Sylve (France)
1873/St Jean de Maurienne (France)
1875/Boulleret (France)
1874/NESTON, Angleterre/TERESA HIGGINSON
1876/PELLEVOISIN, France/Estelle Faguette
1876 (10-04)/St Palais (France)
1877/Gietrzwald, Poland/Justyna Szafrynska, Barbara Samulowska
1878/CORATO, Italie/Luisa Piccarreta
1879/KNOCK, Irlande

15 personnes
1882 (06-11)1883(02-01) Lyons (France)
1884/ROME, Italie/Pape Léon XIII
1886/1887 Besse (France)
1887/Laugnac (France)
1888/Vallensanges (?)
1890/Signy (Nord, France)
1896/Tilly-sur-Seulles (France)/Marie Martel, 3 religieuses, nombreux enfants

Việc sùng kính Đức Maria trong thế kỷ XX mang sắc thái khá đặc biệt và chia ra nhiều giai đoạn khác nhau. Sự kiện nổi bật hơn cả chính là sự xác tín tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, từng được công bố trước đây.

Trong hiến chế "Munificentissimus Deus" Đức Piô XII nói: "Thánh Kinh cho thấy Mẹ Thiên Chúa hằng kết hợp chặt chẽ cùng Chúa Giêsu Con Mình và luôn luôn chia sẻ số phận với Người. Thật không thể nào cho rằng Đấng Từ Mẫu đã từng cưu mang Chúa Giêsu, nuôi dưỡng Con bằng chính sữa Mình, bồng bế, ôm ấp Con, sau khi đã lìa khỏi cuộc sống thế trần này, mà lại có thể xa lìa được Con, dù là phần xác hay phần hồn cũng vậy. Vì Đấng Cứu Thế là con của Đức Maria, mà Ngài là Đấng tuyệt đối tuân theo luật thánh, nên Ngài không thể chỉ làm sáng danh Chúa Cha mà thôi, mà Ngài cũng phải vinh danh Thánh Mẫu Ngài nữa. Bởi thế Ngài đã vinh danh Mẹ Ngài bằng cách giữ cho phần xác của Đức Mẹ không bị sự chết làm cho rữa tan. Ta phải tin vững vàng điều này".

Thánh Công-Đồng Vatican II đã không thể nào không tuyên xưng về Đức Maria. Trong hiến chế "Lumen gentium" Tín lý về Giáo-Hi, thánh công-đồng đã dành hẳn một Chương riêng (Chương VIII) để nói về Người, vì Đức Mẹ vừa là Mẹ, vừa là khuôn mặt của Giáo-Hội.

Đức đương kim giáo-hoàng Gioan Phaolô II đã chọn khẩu hiệu "totus tuus". Ngài cũng ban hành một thông điệp đặc biệt (Mẹ Chúa Cứu Thế) và trong những sách vở trước tác, Đức Thánh Cha không bao giờ quên nói về Đức Mẹ.

Cũng trong thế kỷ XX Đức Maria đã hiện ra ở nhiều nơi trên thế giới để dậy bảo chúng ta nhiều điều.

Trong những nơi Đức Mẹ hiện ra, Fatima (thuộc Bồ-đào-nha) là nơi quan trọng nhất, vì trong những lần hiện ra tại đây (lần hiện đầu tiên vào ngày 13 Tháng Năm 1917), Đức Mẹ đã kêu gọi hết thảy chúng ta phải ăn năn đền tội và nhiệt tâm sùng kính Trái Tim vẹn sạch của Người. Cùng với những thông điệp kêu gọi ăn năn đền tội và sùng kính Mẫu Tâm Mẹ, Đức Maria cũng tiên báo những điều bí mật trọng đại, trong đó có một bí mật liên quan tới sự an nguy của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Tất cả những bí mật Đức Mẹ truyền cho cô Lucia (10 tuổi), cậu Francisco (9 tuổi) và cô Jacinta (7 tuổi), đến nay đều đã được bạch hóa.

Những năm gần đây, Đức Mẹ đã hiện ra ở nhiều nơi và còn đương tiếp tục để dạy dỗ con cái Người. Tiêu biểu hơn cả là tại Medjugorje và Rwanda.

Hiện ra tại Medjugorje và Kibého, Đức Mẹ khuyên ai nấy phải sốt sắng cầu nguyện thì mới mong thoát khỏi được những cuộc tàn sát thảm khốc như tình trạng khủng khiếp đã diễn ra tại Nam-Tư và Rwanda.

Medjugorje là một làng nhỏ của Nam-Tư, nơi Đức Mẹ hiện ra với sáu thanh thiếu niên thiếu nữ (nay họ đã thành niên cả rồi) từ ngày 24 Tháng Sáu năm 1981, và còn đương tiếp tục hiện ra với một vài người trong số họ. Đức Mẹ nhắn nhủ mọi người phải xám hối qua việc củng cố Đức Tin, sốt sắng cầu nguyện và ăn chay, mỗi người trong gia đình đều phải cầu nguyện chung với nhau, có như vậy mới có thể hi vọng thoát khỏi những tai họa đương lăm le đổ xuống hủy hoại nhân loại.

Sự hiện ra của Đức Mẹ tại Medjugorje đã mang lại vô vàn ơn ích, khởi đầu là sự hòa giải giữa hai làng vốn thù nghịch nhau từ trước tới nay, rồi tới sự tòng giáo của rất nhiều người và nhiều bệnh nhân được khỏi những bệnh nan y (hết thảy những trường hợp Đức Mẹ hiển linh chữa khỏi những bệnh nan y này đều đã được khoa-học xác kiểm và chứng minh). Hàng ngày, dân chúng địa phương, và cả những khách hành hương, cùng tụ tập tại nơi Đức Mẹ hiện ra, vào những giờ Đức Mẹ hiển linh, để lần hạt chung. Ngoài ra, khắp nơi trên thế giới, người ta đã tổ chức những "nhóm cầu nguyện" theo lời Đức Mẹ chỉ dạy.

Tại Rwanda, tình trạng khủng khiếp đã hiện ra đến nỗi cả những người được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra cũng bị thảm tử.

.................

Sự tôn sùng Đức Mẹ thể hiện ra trong hai hình thức căn bản:

A- Kinh kính Đức Mẹ

Các nhà Thánh Mẫu học chia những kinh nguyện dâng lên Đức Mẹ ra làm hai loại: một là những kinh chung phổ cập trong toàn thể Giáo-Hội Công-Giáo, hai là những kinh cũ, và những kinh nguyện đặc biệt mang tính địa phương và thời đại.

-Kinh phổ cập trong toàn Giáo-Hội.

Những kinh này là Kinh Kính Mừng, Kinh Lậy Nữ Vương, Kinh Ngợi khen (Magnificat), Kinh Truyền Tin, và Kinh cầu Đức Bà.

Kinh Kính Mừng, như ta đều biết, gồm có hai phần; phần đầu là lời thiên-sứ Gabriel vâng lệnh Chúa mang tin mừng cho Đức Nữ Đồng Trinh Maria biết Người sẽ cưu mang và làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Phần hai là lời nguyện cầu Đức Mẹ hộ phù chúng ta khi sống và lúc chết. Có thể nói Kinh Kính mừng là một kinh vắn tắt (chỉ gồm 50 tiếng), giản dị, nhưng lại mang ý nghĩa rộng rãi sâu xa (lời Đức Gioan Phaolô II), và trải qua tới mười lăm thế kỷ mới hoàn chỉnh dứt khoát như ta tụng niệm này nay.

Kinh "Lậy Nữ Vương, Mẹ nhân lành", là lời nguyện vắn tắt nhưng hết sức sốt sắng, ra đời từ thế kỷ XI. Tại các đan-tu-viện Kinh này thường được hát sau cùng của giờ kinh tối, trước khi hát lời nguyện "phó dâng linh hồn và xác mình trong tay Chúa". Trong kinh tối sáng hằng ngày, kinh này được đọc trước Kinh Cám ơn, vừa để ca tụng vừa để nguyện cầu Đức Nữ Đồng Trinh Maria.

Kinh "Ngợi khen" (Magnificat) chính là lời Đức Maria, sau khi nghe thánh Isave cảm động và tự đáy lòng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì đã được Mẹ Thiên Chúa tới viếng thăm, Đức Mẹ liền cất lời không khen: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi !.." (Lc, 1;46-55).

Kinh Truyền Tin (Angélus) là lời trình thuật ngắn gọn việc sứ thần Gabriel tới chào mừng và loan báo cho Đức Nữ Đồng Trinh Maria Tin mừng Người sẽ làm Mẹ Thiên Chúa. Kinh này có một lịch sử hình thành khá phức tạp và trải qua thời gian lâu dài. Cho tới Đức Urbano II (1088-1099) thì kinh này chính thức thành hình và được đọc hằng ngày mỗi buổi sáng, rồi thêm mỗi buổi tối. Cho tới năm 1472, vua Louis XI nước Pháp ra lệnh cho toàn thể thần dân nước này phải đọc Kinh Truyền Tin vào giữa trưa để cầu hòa bình cho tổ-quốc, thì nhân đó vào năm 1475 Đức Sixtô IV (1471-1484), vốn là vị giáo-hoàng nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Mẹ, đã ra lệnh đọc Kinh Truyền Tin vào cả buổi trưa và ai đọc thì sẽ được hưởng ân xá. Từ đấy trở đi Kinh Truyền Tin được đọc mỗi ngày ba lần, kèm theo tiếng chuông, như ta thi hành hiện nay.

Kinh cầu Đức Bà là một tràng năm mươi câu tán tụng ngợi khen Đức Nữ Maria qua các tước hiệu của Người.

- Các kinh khác

Những kinh kính Đức Mẹ có từ lâu đời, được các nhà nghiên cứu gọi là "những kinh cổ", gồm có:

- Kinh "Kính mừng" do thánh Ephrem (306-373) soạn,

- Kinh "Lậy Đức Nữ Đồng Trinh Maria", do thánh Cyrillo thành Alexandria (380-444) soạn,

- Kinh "Lậy Đức Nữ Đồng Trinh Mẹ Chúa Cứu Thế", do thánh Gioan Damascène (650-749) soạn,

- Kinh "Kính mừng Đức Maria là ngôi sao sáng", do thánh Odilon (962-1049), đan-viện-trưởng đan viện Clouny, đấng khai sáng việc cầu nguyện cho các linh hồn, đã soạn;

- Một bản thánh ca bằng la-ngữ "Hãy nhìn vì sao...", ra đời vào thế kỷ thứ X, tác giả vô danh;

- Kinh "Hãy nhớ", ngày nay ta đọc hằng ngày, do thánh Bênađô (1090-1153) tuyên đọc trong bài giảng thứ hai của ngài ca tụng ngợi khen Đức Mẹ;

- Kinh "Kính mừng Đức Nữ Đồng Trinh", cũng do thánh Bênađô soạn;

- Kinh "Lậy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ Thiên Chúa", được soạn vào thế kỷ thứ XII, do chân phước Pierre (1092-1156);

- Kinh "Lậy Mẹ Maria, Đền Thờ Thiên Chúa Ba Ngôi!", do thánh Thomas Aquinô (1225-1274) soạn;

-Kinh "Lậy Đức Nữ Đồng Trinh, xin hãy nhớ...!", do nữ thánh Catherine de Sienne (1347-1380) soạn;

- Kinh cầu "Kính mừng Maria..." do thánh Francois de Salle (1567-1622) soạn

-....

Trải qua thời gian, không thế kỷ nào mà không xuất hiện những kinh nguyện mới dâng kính Đức Mẹ.

-Trên đây ta đã thấy, ngay từ thời các đấng giáo-phụ, các kinh kính Đức Maria cũng đã được soạn ra rồi. Cho tới hiện nay những lời kinh dâng lên Đức Maria vẫn còn đương tiếp tục hình thành, để mãi mãi tràng hoathơm ngát không bao giờ tàn úa vì thiếu sự nối tiếp kính dâng.

B- Lễ kính Đức Mẹ

Trong những lễ dâng kính Đức Maria, ngay từ thế kỷ thứ V, lễ Truyền Tin đã được định mừng vào ngày 25 tháng Ba; đến năm 541 lễ Dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thờ được quyết định mừng vào ngày mồng 2 tháng Hai, nhân vì một trận dịch trầm trọng xảy ra. Cũng trong thế kỷ thứ VI này, lễ Đức Mẹ lên trời cũng đã được định mừng vào rằm tháng Tám; điều này chứng minh tín lý: "linh hồn và xác Đức Mẹ lên trời" không phải là điều mới xảy ra gần đây, nhưng Giáo-Hi đã được mạc khải rất sớm, qua những khải-huyền của thánh Gioan. Qua thế kỷ thứ VII, lễ kính Sinh nhật Đức Bà được định vào ngày mồng 8 tháng Chín, đã được toàn thể giáo-hội Đông-phương tuân giữ, nhưng mãi tới thế kỷ thứ XI giáo-hội Tây-phương mới noi theo.

Hiện nay, trong năm phụng-vụ, những ngày sau đây được liệt vào Niên-lịch Lễ kính Đức Nữ Đồng Trinh Maria:

-8 tháng Chạp -Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội
-1 tháng Giêng -Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
-2 tháng Hai -Dâng Đức Chúa Giêsu vào đền thờ
-11 tháng Hai -Đức Bà Lộ-Đức
-25 tháng Ba -Lễ Truyền Tin
-31 tháng Năm -Đức Bà đi viếng bà thánh Isave
-Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ
-16 tháng Bẩy -Đức Bà núi Camêlô
-5 tháng Tám -Lễ dâng đền thờ Đức Bà Cả
-15 tháng Tám -Đức Mẹ lên trời
-22 tháng Tám -Đức Maria Nữ Vương
-8 tháng Chín -Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria
-15 tháng Chín -Đức Mẹ sầu bi
-7 tháng Mười -Đức Mẹ Mai Khôi
-21 tháng Một -Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

Xin tạm kết thúc vài lời ngắn ngủi đơn sơ này ở đây. Sau này khi có dịp, chúng ta lại sẽ bàn về chi tiết những ngày lễ kính Đức Maria.

Ân Giang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.06.2006. 00:49