Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phút Đấu Bù Giờ Của Trận Chung Kết

§ Kim Yên

Chỉ Nhờ Cuốn Sách Nhỏ “Nhờ Mẹ Đến Với Chúa”

Đó là câu chuyện của một gia đình ở Biên Hoà, Đồng Nai đến với Điểm Hẹn Giêsu. Nhiều năm qua không gì có thể lôi kéo người vợ của mình ra khỏi chốn cờ bạc đỏ đen, quá buồn chán và thất vọng ông chồng sa vào rượu chè be bét. “Bà ăn chả thì ông cũng ăn nem”! Bầu khí gia đình bất hoà, buồn tẻ không thể giữ chân hai đứa con ở nhà, nên mạnh đứa nào đứa nấy trốn học đi chơi.

Nhìn vào gia cảnh ấy ai cũng nghĩ không thể cứu vãn được, nhưng Lòng thương xót của Chúa không làm ngơ trước sự rạn vỡ của gia đình này nhờ Đức Mẹ chuyển cầu. Cả vợ chồng và hai đứa con chưa hề biết đến đọc kinh Lòng thương xót Chúa, và cũng chưa hề nghe nói về Điểm Hẹn Giêsu Chí Hòa, cho đến một hôm Tình yêu Giêsu thức tỉnh anh ngay tại cuộc nhậu nhẹt.

Người bạn chung bàn nhậu đưa cho anh cuốn Tập san “Nhờ Mẹ Đến Với Chúa” số tháng 8/2008. Những bài viết về các chứng nhân trong đó đã đánh động tâm hồn anh, và anh quyết định làm lại cuộc đời. Đặc biệt các “ađam” của nhóm chứng nhân “Con Nay Trở Về” đã giúp anh dứt khoát quay về cùng Cha.

Anh không đi nhậu nữa, vợ anh lấy làm lạ. Hỏi ra mới biết anh đọc tập sách nhỏ đó và đã quyết định từ bỏ lối sống cũ. Chị vợ không khỏi tò mò, với tay lên bàn thờ lấy tập sách xuống đọc. Thật lạ lùng, trong chốc lát Lòng thương xót của Chúa đã giải thoát chị khỏi đam mê cờ bạc tội lỗi. Lòng trí được sáng ra sau bao ngày tăm tối, chị như bừng tỉnh nhận ra Thiên Chúa, đấng giàu lòng thương xót vẫn hiện diện trong cuộc đời này, vậy mà bấy lâu nay mình quên lãng. Hai đứa con đi chơi về thấy sao lạ lùng quá. Ba không đi nhậu, má không đi ngồi sòng. Lâu lắm rồi gia đình mình có bao giờ sum họp đông đủ thế này. Sao lạ quá vậy??? Ba mẹ đưa cho hai con coi cuốn tập san “Nhờ Mẹ đến Với Chúa” thay cho lời giải thích. Cả hai cùng đọc và cũng quyết định không thèm đi chơi nữa.

Từ ngày đó, tối đến cả gia đình đọc kinh, lần hạt chung với nhau. Bao năm tháng mối tương quan giữa vợ với chồng, con cái với cha mẹ như bị cô lập bằng những tảng băng cồng kềnh lạnh lẽo, vậy mà giờ đây bỗng chốc đã tan chảy nhường chỗ cho sự quan tâm lo lắng, yêu thương nhau và mỗi người là hạnh phúc của nhau. Anh chị đã tìm đường đến với cộng đoàn cầu nguyện Chí Hòa để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã giải thoát khỏi những đam mê tội lỗi, và cứu vãn hạnh phúc tưởng đã bay mất của gia đình mình.

Tình yêu Giêsu đem lại niềm vui và hy vọng cho con người để họ có thể kiên trì, vượt qua sóng gió cuộc đời. Một người vợ vẫn chung thủy, vẫn chờ đợi, vẫn cứ tảo tần làm lụng nuôi con với gánh rau ra chợ hàng ngày lúc chồng đang trong trại cai nghiện ma tuý. Vẫn cứ kiên tâm cầu nguyện và hy vọng dù trời mưa hay trời nắng, những lúc khỏe mạnh hay yếu mệt.

Hay một người chồng đang tận tình chăm sóc vợ trong bệnh viện Chợ Rẫy vì căn bệnh sống dở chết dở mà vẫn không chút than thở càu nhàu. Đem niềm vui và hy vọng đến cho người vợ tội nghiệp bằng chính tình yêu thuỷ chung gắn bó của mình.

Người vợ tảo tần hay người chồng chịu khó đó đều đang sống cho một tình yêu mang tên Giêsu. Trong tự do họ đã lựa chọn, đã giao ước và vẫn đang trung thành với quyết định của mình. Đức tin qua việc cầu nguyện cho họ sức mạnh để bước đi trọn đoạn đường chông gai đến với hạnh phúc – và được hạnh phúc thật.

Phút Bù Giờ Của Trận Chung Kết

Lòng thương xót Chúa là niềm an ủi lớn lao cho những tâm hồn lẻ loi cô độc. Những ngày cuối đời của cụ Giuse Trần Văn Hai được Nhà Cỏ giang rộng vòng tay yêu thương, chăm sóc. Thực ra tên thánh và tên họ của cụ là do các anh em ở đây đặt cho. Tên Hai vì cụ đến với Nhà Cỏ vào ngày thứ Hai.

Một ngày thứ hai, tiết tháng 7-2008, Đội Quân Áo Xanh Nhóm Phục Vụ trong chuyến công tác bác ái đưa giường, áo quần, thực phẩm và những thảm cỏ xanh để trồng cho anh chị em mang “căn bệnh thế kỷ” trong mái ấm Nhà Cỏ ở Củ Chi đã gặp cụ nằm ở ven đường. Như người Samaria tốt bụng trong Tin Mừng, anh tài xế trong nhóm Phục Vụ dừng lại đưa cụ lên xe chở vào Nhà Cỏ chăm sóc.

Tứ cố vô thân, con cháu bỏ rơi, bị lẫn thẫn cho nên không thể biết danh tánh, quê quán, tuổi tác chính xác của cụ. Anh em Nhà Cỏ, những mảnh đời rách nát, đã thể hiện tinh thần “lá rách đùm lá nát”. Họ cưu mang ông, chăm sóc ông như một người cha trong gia đình. Sau hơn một tháng dưỡng bệnh ở đây, cụ trút hơi thở cuối cùng đúng vào chiều ngày thứ năm khi anh em Nhà Cỏ lên nhà thờ Chí Hoà làm chừng trong giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa.

Lòng thương xót của Chúa không để cụ, một người già “tứ cố vô thân”, phải hiu quạnh trong cơn hấp hối và giờ lâm tử hãi hùng bên đường vắng hay bờ ruộng lạnh lẽo. Ấm cúng hơn nữa khi có một trại hòm lo liệu cho cụ cỗ áo quan và cho mượn mặt bằng để cụ nằm ở đó.

Đêm hôm đó, sau buổi làm chứng và cầu nguyện ở Chí Hoà, anh em Nhà Cỏ cùng với Đội Quân Áo Xanh thức với cụ đêm cuối. Các anh em ngồi quanh cụ, chẳng ai là ruột thịt, nhưng hết lòng an ủi hương hồn cụ bằng câu kinh tiếng hát thốt ra từ trái tim yêu thương. Sau mỗi chục kinh kính mừng chậm rãi, sốt sắng là một bài hát với trọn tâm tình dâng Chúa và Đức Mẹ. Giọng hát với cây đàn guitare của anh Ngọc, phụ trách Nhà Cỏ bên ngọn đèn cầy leo lét và nén hương đơn sơ vang trong đêm như những lời kinh thật trầm ấm, làm rung động lòng người.

Sáng sớm hôm sau, trong cơn mưa giông tháng bảy, người linh mục lãng tử cùng Đội Quân Áo Xanh đã dâng thánh lễ cuối cùng cho cụ ngay tại trại hòm này và sau đó đưa cụ đi hỏa táng. Vì không có mảnh giấy tờ tuỳ thân nào nên một người anh em trong Đội Quân Áo Xanh đã lăn tay xác nhận đây là ông nội của mình để làm thủ tục hoả táng rồi đưa nắm tro tàn của cụ về lại Nhà Cỏ. Lòng thương xót Chúa là thế, “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người thương yêu họ đến cùng” (Ga 13,1).

Đã hết giờ thi đấu, nhưng những phút bù giờ của trận chung kết lại làm nên chiến thắng chung cuộc. Từ một người lang thang, thất thểu ngoài đường, không ai thân thích, thậm chí không tên, không tuổi, không quê quán, nhưng phút cuối cùng của trận đấu bù giờ, cụ ra đi thanh thản ấm cúng trong tình yêu thương của mọi người. Chúa đã bù đắp cho cụ tất cả. Phần thưởng Chúa dành cho cụ thật tuyệt vời! Chợt nghĩ đến trong nhân gian không thiếu những người khi vừa nằm xuống, con cháu túc mục kiếm tìm chìa khóa két sắt, tranh giành, tị nạnh, xô xát nhau chia chác nhà cữa đất đai khi thân xác người thân của mình nằm đó còn chưa lạnh.

Ôi! Lạy Chúa Giêsu. Chúng con xin ngợi khen chúc tụng tình yêu Chúa đến muôn thuở muôn đời!

(Mùa Olympic 2008)

Kim Yên

Đọc nhiều nhất Bản in 03.09.2008. 22:36