Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phát biểu của Nhà văn Nhật Tiến trong dịp ra mắt cuốn "Thuyền Nhân - Vài Trang Bi Sử"

§ Nhật Tiến

Ngày 30-4-2008 tai phòng hội của Little Saigon Radio

*****

Kính thưa toàn thể quý vị,

Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn quý vị đã tới tham dự đông đủ trong buổi tổ chức ngày hôm nay.

Tôi cũng chân thành ngỏ lời cám ơn quý vị cộng tác viên của đài Lìtlle Saigon Radio và tuần báo Việt Tide, trong thời gian vừa qua đã bỏ nhiều công sức để giúp về mặt kỹ thuật cho cuốn Thuyền Nhân-Vài Trang Bi Sử được hình thành và được ra mắt trong ngày hôm nay.

Thưa quý vị,

Nói cho thật đúng thì cuốn sách ra mắt hôm nay không phải là một tác phẩm của riêng tôi, mặc dù hầu hết những trang in trong cuốn sách này đều do chính tôi đã ghi chép lại, không chỉ tại ngay bây giờ mà rải rác trong nhiều thời gian khởi đầu từ cuối năm 1979 trong ánh sáng mù mờ của ngọn đèn néon ngoài hành lang của trạm cảnh sát quận Pakpanang, thuộc tỉnh Songkhla miền Nam Thái Lan, cách thủ đô Bangkok trên cả ngàn cây số và kết thúc ở Nam California vào những thời điểm mà vấn đề thuyền nhân gây sôi động nhất trong cộng đồng VN ở hải ngoại.

- Gọi là sôi động vì vào khoảng đầu thập niên 80, báo chí Hoa Kỳ rất chú trong đến vấn đề thuyền nhân, đã dành cho chính tôi một buổi họp báo tại Sacramento do VietNam Vision tổ chức. Nguyên văn bài phát biểu của tôi trong dịp này đã được in lần đầu trong cuốn Thuyền nhân vài trang Bi sử này.

- Cũng gọi là sôi động vì năm 1989, khi Hội Nghị Geneve về Tỵ nạn sắp nhóm họp với chủ đích hoàn trả người tỵ nạn đang kẹt tại các trại ở Đông Nam Á thì Cộng đồng VN ở Nam Cali với đủ mọi đại diện các tổ chức, các đoàn thể, các thân hào nhân sĩ đã cùng nhau phối hợp với cộng đồng Lào và Campuchia để có một bản thông cáo chung gửi tới Hội Nghị. Bài phóng sự đầy đủ chi tiết về vụ này do tôi tường thuật cũng được in lại trong cuốn sách này.

- Rồi khi Người Việt hải ngoại sôi động vì chính phủ Nam Dương đục bỏ tượng đài tưởng niệm thuyền nhân theo yêu cầu của chính quyền Hà Nội, và những xúc cảm tràn đầy trong tâm tư mỗi người khi các mộ vùi chôn tập thể nhiều thuyền nhân tỵ nạn ở Mã Lai và Nam Dương được một phái đoàn đại diện cộng đồng người Việt đến từ nhiều quốc gia tiến hành việc cải táng...những sự kiện này đã được đặc phái viên Đinh Quang Anh Thái của Việt Tide và Little Saigon Radio tường thuật đầy đủ. Một trong những bài tuờng thuật ấy cũng được in lại trong cuốn sách này.

Như vậy, dù là đã để công ngồi biên soạn, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đây không phải là tác phẩm của riêng tôi, bởi vì chứa đựng trong những trang giấy được ghi chép lại, là những hoàn cảnh cụ thể, những nhân chứng sống thực, có tên tuổi, có xuất xứ nguồn gốc mà nhiều người trong số đó có thể là chính thân nhân, bạn bè hay những người mà quý vị quen biết. Nhiều người nay có thể không còn, nhưng không ít người vẫn còn tồn tại và hiện đang định cư đâu đó ở xứ này hay xứ khác. Như thế, những tình tiết ghi đuợc chép lại trong cuốn sách này, dù đớn đau, dù bi thảm, nhưng cũng vẫn là của chung tất cả mọi người, hay nói một cách tổng quát, nó là di sản tinh thần của cả một dân tộc đã bị rơi vào một số phận đau thương kể từ sau ngày 30-4-1975, ngày mà Cộng sản VN xua quân cưỡng chiếm miền Nam trong hoàn cảnh miền Nam bó tay vì bị đồng minh bỏ cuộc.

Thưa quý vị,

Việc biên soạn cuốn sách này hoàn toàn không phải vì mục đích nuôi dưỡng hay khơi lại hận thù. Nhưng lịch sử thì không thể bị bỏ quên và những tập đoàn gây nên tội ác, dù ở bất cứ phần đất nào trên thế giới dù sớm hay muộn, cũng đều phải trả lời trước toà án nhân loại. Cho nên cuốn sách này chỉ được coi như là một chứng tích trong muôn ngàn chứng tích khác nhau vẽ lên một bối cảnh trung thực cho thế giới nhận biết tại sao Việt Nam đã độc lập và thống nhất rồi mà người Việt cả trong lẫn ngoài nước vẫn tiếp tục đấu tranh. Những thế hệ đi sau, khi nhìn lại lịch sử, họ cũng sẽ có những cơ sở để hiểu rõ và cảm thông cuộc hành trình gian khổ mà thế hệ cha anh đã từng trải qua. Có lẽ cũng chính vì những lý do này mà trong lời nói đầu của cuốn sách này, nhà xuất bản Việt Tide đã viết rằng : “Cuốn sách nhỏ bé này chỉ được thực hiện như một nhắc nhở cần thiết và đồng thời góp phần vào việc lên án những tội ác do Đảng CSVN đã từng gây ra cho dân tộc VN, vào giữa thời điểm mà các tu sĩ, các nhà văn, nhà báo, các trí thức dấn thân và những công nhân, dân oan trong nước đang quyết tâm lao vào công cuộc đấu tranh cho Tự do và Dân chủ ở VN”.

Thưa quý vị,

Dù là thời gian đã trôi qua vừa tròn ba chục năm kể từ khi danh từ thuyền nhân được cả thế giới biết đến, nhưng cũng không thể vì thế mà chúng ta quên được những ân nhân, những tấm lòng, những nỗ lực của nhiều cá nhân, đoàn thể, tổ chức trên thế giới đã tiếp tay cứu vớt, hỗ trợ, chữa chạy những vết thương từ thể xác tới tinh thần và an ủi các thuyền nhân. Cho nên, nhân dịp này tôi cũng xin được ngỏ lời tri ân đến các tổ chức quốc tế đã mang những con tầu ra khơi vớt người trên biển Đông như các con tàu Ile de Lumière, Cap Anamur, Akuna, Clara Maersk, Médecins sans Frontière...v..v.. Riêng về cá nhân, tôi không thể không nhắc tới Linh Mục Joe Devlin, nay đã quá cố, nhưng là vị sứ giả của tình thương, nguời đã bỏ nhiều năm tận tuỵ để lăn lộn trong các trại tỵ nạn đặc biệt là ở trại Songkhla, miền Nam Thái Lan và một ân nhân khác, Vị Cao Uỷ Tỵ nạn LHQ ở Thái Lan, ông Theodore Schweitzer, người đã bay trực thăng qua đảo Kra và sau đó đã mang con tầu ra cứu thoát nhóm thuyền nhân 157 người gồm 4 ghe thuyền bị hải tặc nhốt trên hoang đảo. Nếu không có sự trợ giúp nhanh chóng và hữu hiệu của ông, chắc hẳn tôi không bao giờ có cơ hội đứng ở đây để nói lên những lời cám ơn này.

Tôi cũng xin chân thành ngỏ lời tri ân đến giáo sư Nguyễn Hữu Xương, các nhà văn Phan Lạc Tiếp, Lê Tất Điều, dịch giả James Banerian, tất cả hiện còn cư ngụ tại San Diego, những người đã khởi xướng việc thành lập Uỷ ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển ( Boat Poeple S.O.S Committee), một tổ chức đã nỗ lực hoạt động từ tháng 2 năm 1980, có nhiệm vụ đánh động lương tâm toàn thế giới và góp phần không nhỏ trong việc kêu gọi những con tầu ra khơi vớt người tại Biển Đông.

Đây chỉ là những lời cám ơn trong muôn một, so với toàn thể các nỗ lực hỗ trợ, cứu giúp người tỵ nạn đến từ các tổ chức, các đoàn thể, hội đoàn của người Việt hải ngoại cùng nhân dân và chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới .

Thưa quý vị,

Một tâm nguyện sau cùng, nhân dịp này, tôi xin được gửi đến quý vị. Đó là Biển Đông quả thực là nơi chất chứa biết bao nhiêu hồn oan của người thân trong gia đình ta, anh em bạn bè ta, đồng bào ta, những người đã từng liều chết đi tìm tự do nhưng vì số phận không may nên thân xác của họ đã phải vùi sâu trong lòng biển cả.

Hẳn trong tâm tư của tất cả mọi người đều hằn lên nỗi niềm mong mỏi không nguôi rằng sẽ có một ngày, một trai đàn giải oan sẽ được thực hiện, chẳng phải ở Hà Nội hay Sài Gòn, mà phải ở ngay chính tại Biển Đông, nơi chôn vùi biết bao con thuyền mỏng manh và thân xác tả tơi của hàng trăm ngàn thuyền nhân tỵ nạn. Và Trai Đàn Giải Oan này nếu có thì sẽ không phải do bất cứ một cá nhân riêng rẽ nào, dù là tăng, là ni, là mục sư hay linh mục và cũng không thể có bất cứ một ý đồ chính trị hay tham vọng cá nhân nào được xen vào công cuộc thiêng liêng và tràn đầy ý nghĩa này.

Do đó, Trai Đàn Giải Oan phải do chính những thân nhân của thuyền nhân, ở cả trong lẫn ngoài nước đứng ra tổ chức. Họ cũng phải là những người có toàn quyền quyết định và tự do thực hiện việc Giải Oan theo đúng ước nguyện của mình.

Chỉ có như thế thì mối hờn oan kết ngậm bởi hàng trăm ngàn nạn nhân ngoài Biển Đông mới mong được hoá giải và món nợ Thuyền Nhân nhờ thế mà một phần nào được trang trải.

Xin chân thành cám ơn toàn thể quý vị.

Nhật Tiến
30-4-2008

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.05.2008. 16:15