Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phần Ba: Tôn Giáo (11)

§ Hương Vĩnh

Tiếp theo Như Lời Cầu Kinh Anthony De Mello, Hương Vĩnh chuyển ngữ

106.- NAS-RU-ĐIN (NASRUDDIN) TÌM ĐƯỢC VIÊN KIM CƯƠNG

... Luật lệ không được khai thác.

* * *

Giáo sĩ Hồi giáo Nas-ru-đin (Nasruddin) lượm được một viên kim cương bên vệ đường, nhưng theo Luật Lệ, của rơi chỉ được giữ sau khi người nhặt đã thông báo việc lượm được ở trung tâm phố chợ vào ba dịp khác nhau.

Vì Nas-ru-đin có tinh thần quá đạo đức để không đếm xỉa tới Lề Luật nhưng lại quá tham lam để chấp nhận rủi ro phải chia tay với viên kim cương. Vì vậy vào ba đêm liên tiếp, khi chắc chắn là mọi người đã an giấc thì ông ta đi đến trung tâm phố chợ và thông báo bằng một giọng nho nhỏ: “Tôi đã lượm được viên kim cương ngoài đường dẫn tới thành phố. Người nào biết ai là sở hữu chủ thì phải tiếp xúc với tôi ngay lập tức.”

Dĩ nhiên không ai khôn ngoan hơn để hiểu những lời thông báo của vị giáo sĩ, ngoại trừ một người đàn ông tình cờ đứng gần cửa sổ vào đêm thứ ba và nghe vị giáo sĩ nói lầm bầm điều gì. Khi người đó ráng tìm hiểu chuyện gì thì Nas-ru-đin trả lời: “Tôi không bị bắt buộc phải nói cho ông bằng bất cứ cách nào. Nhưng tôi chỉ có thể nói được thế này: vì là một giáo sĩ đạo đức, tôi ra đây ban đêm để nói vài lời ngõ hầu thực thi Luật mà thôi.”

* * *

Để trở nên tội theo đúng nghĩa,
người ta không cần lỗi Luật.
Chỉ giữ Luật từng li từng tí thôi.

107.- HAI LOẠI SA-BÁT (SABBATH)

Đối với người Do Thái, việc tuân giữ ngày Sa-bát (ngày thứ bảy) là ngày của Chúa, khởi đầu là một niềm vui, nhưng quá nhiều giáo sĩ Do Thái giáo cứ ban hành huấn lệnh này đến huấn lệnh khác về việc phải giữ ngày Sa-bát một cách chính xác như thế nào, loại sinh hoạt nào được phép làm, cho đến khi có một số người cảm thấy họ khó có thể di chuyển trong ngày Sa-bát vì sợ vi phạm một điều lệ này hay điều lệ khác.

Ban Sem Tốp (Baal Shem Tov), con ông Ê-li-ze (Elizer), suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Một đêm kia, ông ta nằm mơ. Một thiên thần đem ông lên thiên đàng và chỉ cho ông hai cái ngai được đặt trên các ngai khác.

Ông ta hỏi: “Các ngai đó dành cho ai?

Câu trả lời là: “Cho ông, nếu ông biết sử dụng trí thông minh của ông; và cho một người đàn ông mà tên và địa chỉ được viết xuống để trao lại cho ông.”

Rồi thì người ta mang ông xuống đáy sâu hỏa ngục và chỉ hai ghế trống. Ông hỏi: “Những ghế này dành cho ai?

Cũng được trả lời là: “Cho ông, nếu ông không sử dụng trí thông minh của ông và cho người đàn ông mà tên và địa chỉ đang được viết xuống để ông trao lại.”

Trong giấc chiêm bao, Ban Sem đi thăm người đàn ông sẽ ở với mình trên Thiên Đàng. Ban Sem gặp ông ta đang sống giữa Dân Ngoại, hoàn toàn không biết tục lệ người Do Thái và vào ngày Sa-bát, ông ta đãi tiệc với nhiều trò vui và tất cả những người láng giềng ngoại đạo đều được mời dự.

Khi Ban Sem hỏi ông tại sao tổ chức bữa tiệc như thế, người đàn ông trả lời: “Tôi nhớ lại vào thuở thiếu thời, cha mẹ tôi đã dạy tôi rằng Sa-bát là một ngày nghỉ ngơi và hoan hỉ: do đó, vào các ngày thứ bảy, mẹ tôi đã dọn những bữa ăn ngon nhất mà vào dịp đó chúng tôi ca hát và nhảy múa cùng vui đùa. Ngày nay tôi cũng làm như vậy.”

Ban Sem cố thử chỉ dẫn người đàn ông cách thức hành đạo của mình mà vì đó một người đã được sinh ra như một người Do Thái, nhưng rõ ràng hoàn toàn không biết gì về tất cả những mệnh lệnh của các giáo sĩ. Nhưng Ban Sem nín lặng khi ông nhận ra rằng niềm vui của người đàn ông trong ngày Sa-bát sẽ tan biến nếu ông ta nhận thức những khiếm khuyết của mình.

Rồi thì cũng trong giấc mơ, Ban Sem đi đến nhà người bạn ở trong hỏa ngục. Ông ta gặp người đàn ông tuân giữ Lề Luật cách rất chặt chẽ, luôn luôn e sợ để hạnh kiểm của mình khỏi phải sái quấy. Người đàn ông đáng thương đó đã trải qua mỗi ngày Sa-bát trong sự căng thẳng từng li từng tí như thể ngồi trên đống than hồng. Khi Ban Sem cố thử khiển trách ông ta về việc nô lệ Lề Luật thái quá, Ban Sem không thể thốt nên lời nào vì nhận thấy người đàn ông đó sẽ không bao giờ hiểu được rằng có thể ông đã làm điều không đúng khi chu toàn những huấn thị tôn giáo.

Nhờ điều mạc khải này được ban cho mình dưới hình thức một giấc chiêm bao, Ban Sem Tốp đã triển khai một phương thức mới mà nhờ đó Thiên Chúa được phụng thờ trong niềm hoan hỉ từ con tim phát ra.

* * *

Khi người ta vui vẻ,
người ta luôn tốt lành;
ngược lại khi người ta tốt lành,
người ta ít khi vui vẻ.

108.- COI CHỪNG! COI CHỪNG!

Linh mục loan báo chính Chúa Giê-su Ki-tô sẽ tới trong nhà thờ Chúa nhật kế tiếp. Dân chúng lũ lượt kéo đến xem Ngài. Ai nấy mong đợi Ngài giảng dạy, nhưng Ngài chỉ mỉm cười khi được giới thiệu và nói: “Thân chào!” Mọi người muốn mời Ngài nghỉ đêm, nhất là vị linh mục, nhưng Ngài đã từ chối một cách lễ phép. Ngài nói sẽ nghỉ đêm ở trong nhà thờ. Ai nấy đều nghĩ đó là điều thích hợp biết bao!

Sáng sớm hôm sau, Ngài đã lẻn đi trước khi người ta mở cửa nhà thờ. Và trước sự kinh hãi của họ, linh mục và dân chúng nhận thấy nhà thờ đã bị phá hoại hư hỏng. Khắp nơi trên tường đều được kẻ bằng một chữ duy nhất là COI CHỪNG (BEWARE). Không nơi nào trong nhà thờ mà được miễn cho: các cửa sổ và cửa ra vào, những cột trụ và bục giảng, bàn thờ, ngay cả cuốn Thánh Kinh được đặt nơi bục đọc sách nữa.

COI CHỪNG! Được kẻ bằng những chữ lớn và những chữ nhỏ, bằng bút chì và bút mực và được sơn với mọi màu sắc có thể nhận thấy được. Ở bất cứ nơi nào mà con mắt có thể dán vào, người ta có thể đọc được những chữ: “COI CHỪNG, coi chừng, coi chừng, COI CHỪNG, coi chừng, coi chừng…”

Thật là sửng sốt. Gây phẫn nộ. Hoang mang. Kinh hãi. Họ được giả định coi chừng điều gì? Người ta đã không nói rõ. Người ta chỉ nói: COI CHỪNG.  Phản ứng đầu tiên của dân chúng là phải tẩy xóa hết mọi dấu vết nhơ bẩn đó, tội phạm thượng đó. Họ chỉ kềm chế lại không làm điều đó khi nghĩ rằng chính Chúa Giê-su đã làm công việc đó.

Giờ đây từ ngữ huyền bí COI CHỪNG đã bắt đầu ngấm vào tâm trí dân chúng mỗi một lần họ đến nhà thờ. Họ bắt đầu coi chừng về Thánh Kinh, nhờ đó họ có thể hưởng lợi ích từ Thánh Kinh mà không rơi vào sự tin tưởng mù quáng. Họ bắt đầu coi chừng về các bí tích, nhờ đó họ được thánh hoá mà không trở nên mê tín. Vị linh mục bắt đầu coi chừng về uy quyền của mình trên dân chúng, nhờ đó ngài có thể phục vụ mà không kiểm soát.

Và mỗi người bắt đầu coi chừng về tôn giáo vì tôn giáo dẫn đưa tới việc khinh suất tự cho mình là đúng đắn. Họ bắt đầu coi chừng về luật lệ nhà thờ, nhờ đó họ trở nên tôn trọng luật pháp, tuy thế vẫn mẫn cảm với người yếu kém. Họ bắt đầu coi chừng về kinh nguyện, nhờ đó kinh nguyện không còn ngăn cản họ trở nên tự lực nữa. Họ bắt đầu ngay cả việc coi chừng đối với những ý niệm về Thiên Chúa nhờ đó họ có thể nhận ra Ngài ngoài những biên giới hẹp hòi của nhà thờ.

Giờ đây họ đã khắc chữ gây nên sửng sốt đó trên ngưỡng cửa ra vào của nhà thờ và khi người ta lái xe qua đó ban đêm, người ta có thể thấy chữ đó sáng chói trên nhà thờ bằng những ánh đèn nê-ông nhiều màu.

(Hết Phần III.- TÔN GIÁO)

(còn tiếp)

Hương Vĩnh chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 18.10.2008. 18:11