Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Olympic Bắc Kinh 2008: Bao giờ?

§ Lm Nguyễn Trung Tây, SVD

Từ hôm thứ Sáu, 8 tháng 8 của Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh cho tới bây giờ, trong nhà dòng của tôi, chủ đề Olympics bỗng dưng trở thành một đề tài khá nóng bỏng trong những bữa ăn. Đặc biệt, cộng đồng dòng tu Úc Đại Lợi của tôi lại rất quốc tế, Nam Hàn có, Nam Dương có, Việt Nam nè, rồi Fuji, Tonga, Phi Luật Tân, Ba Lan, Anh, Hòa Lan, Mỹ, đủ mặt, đủ các sắc dân.

80810olympic.jpg

Sáng sáng sau thánh lễ sáng, chúng tôi ngồi đếm xem coi Úc Đại Lợi tổng cộng đã đạt được mấy huy chương vàng, bạc và đồng đang là con số mấy? Bắc Kinh giờ vẫn đang đứng đầu bảng chứ? Rồi chúng tôi lại bắt đầu điểm danh các nước khác, Mỹ thì sao? Michael Phelps với giấc mơ đoạt tám huy chương vàng của môn bơi lội giờ đã cầm trong tay mấy cái huy chương rồi? Nam Hàn thì sao? Sau Nam Hàn, các đôi mắt đổ vào nhìn các cha các thầy người Anh, Hòa Lan, Nam Dương, Fuji, Tonga, Ba Lan, rồi tới phiên tôi cũng được chiếu cố. Nhưng tự nhiên mấy chục con mắt khựng lại, rồi cũng có người hỏi,

- Việt Nam đã đạt được huy chương vàng nào rồi?

Tôi ngớ ngẩn ra, bởi vì đã có huy chương vàng nào đâu… Nhưng thật may có hai người nhào vào cứu nguy. Một ông thầy Fuji nói to,

- Việt Nam cũng đạt được một huy chương rồi, một cái bạc.

Ông thầy Nam Hàn thì nói,

- Cha đâu phải Việt Nam, cha ở bên Mỹ mà. Mỹ hôm nay xếp hạng hai, trên cả Nam Hàn rồi.

Cha bề trên người Phi Luật Tân thì ngậm ngùi,

- Nước Phi cũng đã nhận được huy chương nào đâu.

Rồi ngài nói luôn,

- Ưu tiên hàng đầu của Phi Luật Tân vẫn là miếng cơm manh áo. Cơm thì còn chưa có, nói chi tới thể thao…

Thế ư, câu nói của cha bề trên thật là chí lý, bởi người Việt Nam mình vẫn cứ nói, “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Người nhà giàu thì mới để ý đến vấn đề nhân quyền, người nhà nghèo thì chép miệng, “Thật đúng là dỗi hơi! Cơm chưa có mà đổ vào lỗ miệng kia kìa…”. Chẳng thế mà bàn về cùng một vấn đề, Cô dâu và Công nhân Đài Loan, nhà dòng Úc Châu thì lúc nào cũng khuyến khích tôi, còn người Việt Nam qua một vài lần tiếp xúc tại quê hương thì mỉm cười nói nửa đùa nửa thật, “Cũng chỉ là một vấn đề di dân mà thôi”.

Thế ư?

Hồi mới tới Úc, tôi được tham dự một khóa học Cultural Orientation giới thiệu văn hóa và phong tục nước Úc. Vào ngày cuối cùng của khóa học hai tuần, tôi học về những môn thể thao của Úc. Ông hướng dẫn viên buổi học người Úc gốc tây cho biết, phong trào thể thao của Úc cũng chỉ mới phát triển gần đây thôi, đặc biệt là sau Đại hội Olympics Moscow năm 1980. Lần đó, phái đoàn thể thao của Úc chỉ đoạt được tổng cộng tất cả là 9 huy chương, 2 vàng, 2 bạc, và 5 đồng. 7 trong tổng số 9 huy chương này là của môn bơi lội. Moscow 1980, Úc Châu xếp hạng khiêm nhường thứ 15.

Sau lần thất bại nặng nề đó, chính phủ Úc mở ra nhiều trung tâm huấn luyện thể thao trên toàn quốc. Chưa hết, giữa các khu phố với nhau, chính quyền địa phương còn mở ra nhiều trung tâm thể thao tại nhiều góc phố để thanh niên và giới hâm mộ thể thao có phương tiện học hỏi và rèn luyện thêm về thể thao. Trung tâm thể thao Aquatic của Box Hill nơi tôi cư ngụ, ngày nào cũng tấp nập người ra người vào đông như kiến. Kẻ bơi dưới hồ, người chạy trên máy. Đặc biệt nhất, hồ bơi rộng lớn của trung tâm lúc nào cũng đông nghẹt trẻ em bé tí ti nhưng đã được bố mẹ mang tới hồ bơi tập tành để làm quen với nước và để học bơi lội.

Cứ thế! Và cũng bởi Úc là một trong những cường quốc của thế giới, đời sống kinh tế rất cao, thiếu nhi và thanh niên của quốc gia này ngày ngày đứng đợi xe bus chở tới trường đi học, chiều về chơi banh, đi bơi, quật tennis, chơi foofball.

Cứ thế, làm chi phong trào thể thao toàn quốc không lên cao. Để rồi vào năm 2000, đại hội Olympics Sydney, Úc Đại Lợi rực rỡ hạng tư với 58 huy chương, 16 vàng, 25 bạc, và 17 đồng, sau Bắc Kinh hạng ba, Nga hạng hai, và Mỹ nhất bảng.

Tới ngày hôm nay, thứ Tư, 13 tháng 8, Úc hạng năm với 10 huy chương, 3 vàng, 2 bạc, và 5 đồng.

Việt Nam tham gia Thế Vận Hội lần đầu vào năm 1952. Phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa năm đó về nhà tay trắng.

Năm 1980, Thế Vận Hội Moscow tại Liên Bang Sô Viết, Việt Nam không đạt được một huy chương nào.

Năm 1988, Thế Vận Hội Seoul tại Đại Hàn, Việt Nam vẫn thế.

Năm 1992, Thế Vận Hội Barcelona tại Tây Ban Nha, Việt Nam vẫn tiếp tục khiêm nhường với không một huy chương.

Năm 1996, Thế Vận Hội Atlanta tại Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn tay trắng.

Vào năm 2000, Thế Vận Hội Sydney tại Úc, Việt Nam đạt được 1 huy chương bạc của môn Taekwondo.

Vào năm 2004, Thế Vận Hội Athens tại Hy Lạp, Việt Nam vẫn cứ nghèo với huy chương.

Vào năm 2008, Thế Vận Hội Bắc Kinh tại Trung Hoa, tính tới ngày hôm nay, thứ Tư, 13 tháng 8, Việt Nam đoạt được một huy chương bạc môn cử tạ.

Ngồi nhẩm tính làm toán giữa hai quốc gia, Úc Đại Lợi và Việt Nam, tự nhiên cảm thấy buồn buồn.

Tôi tham dự Đại Hội Giới Trẻ với tất cả rộn ràng và khí thế đã được tạo nên bởi những sinh hoạt thuần túy tôn giáo trong suốt một tuần lễ, cộng với đêm Canh Thức với 125 ngàn người ngủ tại sân đua ngựa Randwick và đoàn hành hương 500 ngàn người vai sát vai trong một thánh lễ dài ba tiếng đồng hồ của ngày Chúa Nhật kết thúc. Về tới nhà, tụi tôi hỏi nhau,

- Bao giờ tới phiên Việt Nam tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới nhỉ?

Tự nhiên tôi nhớ tới lời phát biểu của một em thanh niên địa phận Huế trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Hồng Y Crescenzio Sepe vào năm 2005. Lần đó, em nói với Đức Hồng Ý,

- Con nhờ Đức Hồng Y nói với Đức Giáo Hoàng để Ngài sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ tại Việt Nam.

Thông minh quá! Hay quá! Một câu nói khéo, thật là hay. Nhưng vẫn lại là câu hỏi bao giờ?

Bao giờ?

Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008 vừa qua, tôi gặp phái đoàn hành hương Nam Hàn đông đảo cầm cao cờ Nam Hàn ngạo nghễ chen vai với các bạn trẻ của quốc tế. Nam Hàn tính cho tới ngày hôm nay và giây phút này, đang đứng hạng ba trong bảng, với 12 huy chương, 5 vàng, 6 bạc, và 1 đồng. Nam Hàn của Đại Hội Olympics 1988 vẫn rực rỡ hãnh diện vươn cao trong Thế Vận Hội 2008.

Tháng Mười năm 2005, tôi có cơ hội đi qua đất Medjugorje hai tuần lễ cầu nguyện cùng với phái đoàn hành hương của đài Radio Giờ Của Mẹ. Tới đâu cũng vậy, từ nhà thờ cho tới đồi Thánh Giá cao ngất trời, kéo xuống ngọn đồi đá nơi Đức Mẹ hiện ra, tôi thường xuyên gặp phái đoàn Đại Hàn xuất hiện đông đảo quấn khăn trên cổ, tay cầm tràng hạt sốt sắng cầu nguyện, ánh mắt ngẩng cao nhìn người dân bản xứ Bosnia và dân hành hương của tứ xứ.

Vào tháng Mười Hai năm 2007 vừa qua, tôi có dịp tham gia một khóa học Kinh Thánh tại Do Thái. Lớp học của tôi trong vòng một tháng đi khắp nơi, từ Bắc Galilee kéo dọc theo dòng sông Jordan đi tới Biển Chết, rồi về lại kinh thành Jerusalem. Đi tới đâu tôi cũng thấy phái đoàn hành hương với mấy xe bus cầm cờ Nam Hàn dương cao. Người Nam Hàn đấy, cũng vẫn với dáng đứng thẳng băng nhìn vào đôi mắt của người tứ xứ kéo về đất Do Thái.

Câu hỏi “Bao giờ?” của tôi, Nam Hàn đã trả lời vào năm 1988 với Thế Vận Hội Seoul, qua một lần tôi gặp họ năm 2005 tại Medjugorje và năm 2007 tại Do Thái. Người Nam Hàn tiếp tục trả lời câu hỏi “Bao giờ?” qua một tuần Đại Hội Giới Trẻ Sydney tháng 7 năm 2008 rộn ràng với rừng cờ Nam Hàn ngạo nghễ tung bay trên khắp các nẻo đường Sydney. Và bây giờ của ngày hôm nay với hạng ba trong bảng vàng của Olympics Beijing 2008.

Cứ thế, tôi vẫn cứ lẩn thẩn đi ra đi vào tự hỏi,

- Còn mình thì tới bao giờ nhỉ?

Một người anh lớn nói với tôi,

- Cái phận nhược tiểu thì nó như vậy đấy?

Tôi cự nự,

- Chán anh bỏ xừ!

Lm Nguyễn Trung Tây, SVD

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.08.2008. 22:06