Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những tiếng nói khác về Ngày Giới Trẻ Thế Giới

§ Vũ Văn An

Sydney sắp tưng bừng chào đón khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD), dưới sự chủ trì của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Biến cố vĩ đại có một không hai trong lịch sử Giáo Hội Úc và cả đất nước Úc này lẽ dĩ nhiên lôi cuốn sự chú ý của nhiều giới ở đây, trong đó hàng đầu phải kể là báo chí. Các báo chí Đạo thì hiển nhiên chứng tỏ tình hiệp thông bằng cách hết lòng cổ vũ biến cố trọng đại và nhiều ý nghĩa này, đồng thời cung cấp thật nhiều dữ kiện để giúp khách hành hương những ngày tuyệt vời trên mảnh đất vẫn còn xa lạ với thật nhiều bạn trẻ này.

Dù người Công Giáo hiện nay là khối quần chúng đông nhất tại Úc, tỷ lệ của họ vẫn chưa vượt quá 30% dân số nước này, và dư vị của những kình chống trong dĩ vãng giữa Anh giáo và Công giáo chưa hẳn là đã lu mờ hoàn toàn trong ký ức người dân ở đây, mặt khác, theo nhận định của Đức Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Úc, Ambrose B. De Paoli, Úc là nước thế tục hóa chẳng nhất thì cũng nhì. Nên biết “tác phong” của các báo chí “đời” trong việc đưa tin về biến cố này cũng có thể hữu ích để tránh thái độ hãnh tiến, vô tình khuấy động tâm tư những người vẫn quen với thời thượng chống tôn giáo chăng?

1. Tối cao Pháp viện cân nhắc sự hào phóng đối với WYD

Hôm nay, 27 tháng Sáu, tờ Sydney Morning Herald có hai bài nói đến WYD. Bài đầu là của Richard Ackland đăng ở mục ý kiến, có cái tựa dài lê thê như trên. Richard cho hay: năm ngày trước kỳ bầu cử liên bang vừa qua, ông John Howard đã tuyệt vọng lục lọi hầu bao để tìm ra 22 triệu Úc Kim tiền của Liên Bang mà đem tặng Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ngày mà Richard gọi là “một cuộc khoa trương dùng để cải đạo và tiếp thị” (proselyting & marketing extravanza) của Giáo Hội Công Giáo.

Rồi anh ta đặt câu hỏi: Liệu khoản chi ấy có vi hiến hay không? Vấn đề sau đó đã được đưa ra trước Tối Cao Pháp Viện. Trước đây nó đã được bàn thảo một hai vòng rồi, nhưng sáng nay, lại được mổ xẻ một lần nữa.

Người đứng đơn khiếu nại chính là Carmelo Vescio, một người Công Giáo đã ngưng không còn thực hành Đạo nữa. Khi nghe được chuyện “vung vãi” tiền bạc hòng mua phiếu của những người Công Giáo do dự, anh này bèn liên lạc với vị tổng trưởng liên hệ ở Canberra, lúc ấy, là Peter McGauran (cựu sinh viên trường Xavier, Melbourne), và đặt câu hỏi: “các ông làm việc này trên căn bản nào?”.

Nhưng anh ta không nhận được câu trả lời nào. Ông Howard và nhân viên của ông cũng không trả lời. Các vị tổng trưởng liên hệ trong chính phủ hiện nay thì chưa trả lời.

Thế là ngày 20 tháng Ba vừa qua, Vescio đệ đơn (writ of summons) lên Tối Cao Pháp Viện tố cáo khoản chi tiêu kia là vi phạm điều 116 Hiến Pháp, là điều qui định rằng: “Liên Bang sẽ không ban hành bất cứ luật lệ nào nhằm thiết lập một tôn giáo, hay đặt để bất cứ thực hành tôn giáo nào, hay ngăn cấm việc thực hành tự do bất cứ tôn giáo nào, và không được đòi hỏi bất cứ một trắc nghiệm tôn giáo nào làm điều kiện cho một chức vụ hay một ủy thác công nào của Liên Bang”.

Ngân qũy dành cho WYD này sẽ được một đạo luật chuẩn chi. Dĩ nhiên, đây không phải là món tiền duy nhất dành cho Đại Hội. Chính Phủ Tiểu Bang New South Wales cũng thực hiện điều Richard gọi là phân phối lãng phí (ladling) 86 triệu Úc Kim nữa, công ty Telstra “đang xì ra” (stumped up) hàng đống tiền bảo trợ, và “nếu bạn nhìn vào cửa tiệm WYD trên liên mạng, bạn sẽ thấy hàng lô hàng hóa lóa mắt, hay sản phẩm tôn giáo, mà bạn có thể đặt mua bằng thẻ tín dụng”.

Liệu điều 116 có chống lại vụ ông Howard “hối lộ chính trị” hay không? Richard cho hay: Tối Cao Pháp Viện tỏ ra không muốn can dự vào việc này, ngoại trừ Chánh Án Michael Kirby (cựu học sinh Fort Street High).

Khi đơn kiện tới nơi, Trưởng Chánh Án, Murray Gleeson (cựu học sinh St Joseph, Hunters Hill), từ chối không nhận. Ông chỉ thị viên đăng bộ tòa án từ khước không cho tiến hành vụ kiện nếu không được một quan tòa cho phép.

Vescio và các luật sư của anh bèn kêu lên Chánh Án Susan Crennan (cựu nữ sinh Our Lady of Mercy, Heidelberg). Bà cũng từ khước, nói rằng tài liệu ấy “hỗn độn, dài dòng và gây bối rối”. Bà còn nói thêm, các khiếu nại này “tự bản chất có tính chính trị”, hiển nhiên ám chỉ sự hào phóng của ông Howard không có tính chính trị.

Bởi vậy mà thứ Sáu vừa qua, vấn đề được đệ lên Chánh Án Kirby. Richard cho hay: thời gian là chủ yếu, vì Vescio muốn ngăn chặn món tiền trên không ‘bị nuốt trửng trong cái cuồng nhiệt của cuộc phấn khích của giáo hoàng”.

Kirby hiện chưa nghe lời kháng án của Crennan. Ông chỉ đang quyết định xem liệu đơn xin tiến hành vụ kiện kia có hợp lý đáng được biện bác hay không mà thôi.

Lời kháng án của Crennan được đưa ra trước toàn bộ Tối Cao Pháp Viện vào sáng hôm nay. Để thổi sự sống vào vụ này và cho hay nên nhanh tiến hành nó, Kirby tuyên bố: “Nếu có một thiếu sót gì đó trong diễn trình của đương đơn, thì cần phải ráng sửa lại thiếu sót ấy, hơn là ngăn cản một người vốn có một trong những quyền căn bản nhất hiện có trong một xã hội do luật lệ cai trị, tức quyền được tòa án thụ lý”. Richard cũng cho hay, theo chánh án Kirby: “Việc Chánh Án Crennan nhắc đến sự kiện các lời khiếu nại của đương đơn ‘trong bản chất có tính chính trị’ không nhất thiết biến chúng thành không thể xem sét được dựa trên các tiêu chuẩn do Hiến Pháp quy định”.

Tuy nhiên, theo Richard, các trở ngại mà nhóm luật sư của Vescio phải vượt qua là các phán quyết của tòa trước đây về việc cấp ngân khoản cho các trường của các giáo hội, vụ Greg Combet (chống lại các quảng cáo cho đạo luật Work Choices) trong đó “việc chuẩn chi cho các mục tiêu của Liên Bang” đã được xem sét…

Dù sao, theo Richard, Kirby vẫn cho hay tất cả đều có thể “biện bác” (arguable) được. Và một số biện bác đã được đưa ra. Đương đơn cho hay bản thân anh ta bị ảnh hưởng vì đã bị loại ra khỏi Trường Đua Randwich trong tư cách người coi đua ngựa suốt thánh lễ của Đức Giáo Hoàng. Anh ta cũng bị loại ra khỏi một số đường phố và “làn sóng”.

Luật sư cho đương đơn là Peter King (cựu học sinh Sydney Church of England Grammar School) nói rằng trong suốt WYD (một tuần lễ) những người tới Randwick bị loại không được thực hành bất cứ tôn giáo nào khác ngoại trừ Công Giáo. Việc ấy đủ là một “can thiệp” vào việc giữ đạo, được nhà nước hỗ trợ.

Các điểm đặc thù được xác nhận trước tòa cho hay: thánh lễ của Đức Giáo Hoàng là một thực hành tôn giáo và do đó quả là chính xác khi nói rằng “nó loại bỏ những người tuyên tín các niềm tin khác và tôn giáo khác không được tham gia”.

Để xem câu chuyện sẽ ra sao vào ngày hôm nay. Richard cho hay nếu Vescio không thành công trong kháng án của mình, chắc chắn anh ta sẽ tham gia nhóm “No To Pope” và phân phối “áo mưa” cho các khách hành hương đang tiến về nơi Richard gọi là “cực thánh” (holy of holies) tức trường đua Randwick.

2. 175 Úc Kim bảo đảm có chỗ ngồi trong Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng

Bài báo thứ hai vào ngày hôm nay của tờ Sydney Morning Herald là của Josephine Tovey và Linda Morris. Tuy đầu đề có vẻ “châm chọc” như trên, nhưng giọng điệu có trung lập hơn và cũng nhiều tin tức khách quan hơn bài trước.

Theo bài báo này, Giáo Hội Công Giáo đang khuyến khích dân Sydney đăng ký với giá 175 Úc Kim để bảo đảm có chỗ ngồi dành riêng trong các biến cố chủ yếu của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Bao gồm đêm canh thức và Thánh Lễ bế mạc tại Trường Đua Randwick.

75,000 người sẽ được cấp thẻ để tham dự đêm canh thức và 75,000 người khác tham dự Thánh Lễ trên căn bản ai đến trước thì ngồi trước. 200,000 ngàn người khác có thể theo dõi các biến cố trên các màn truyền hình vĩ đại dựng ở bên ngoài trường đua tại khu Alison Road và Centennial Park. Việc sắp ghế ngồi ưu tiên dành cho các khách hành hương đã đăng ký, bảo đảm rằng những chỗ ngồi dễ nhìn nhất sẽ dành cho các khách quốc tế và người địa phương đã đăng ký.

Những người không đăng ký tới tham dự Thánh Lễ tại trường đua sẽ phải thật vội vã đi sớm mà dành vé, họ rất có nguy cơ bị từ khước không được vào trong. Ngày hôm qua, ban tổ chức WYD xác nhận rằng họ chờ đợi hơn 200,000 người không đăng ký sẽ tới tham dự Thánh Lễ vào ngày 20 tháng Bẩy cộng với số khoảng 225,000 khách hành hương đã đăng ký.

Một người trong ban tổ chức cho hay: “Giáo Hội Công Giáo mời gọi mọi người tham gia một số biến cố, trong tư cách khách hành hương hay công chúng nói chung. Đăng ký không phải là việc bắt buộc nhưng ưu tiên dành cho khách hành hương có đăng ký ở một số địa điểm. Khách hành hương cũng nhận được các phần ăn, một túi đeo, vé di chuyển tự do trên xe lửa và xe buýt cũng như chăm sóc sức khỏe khẩn cấp. Đối với những người Sydney nào chỉ muốn tham dự một số biến cố, chúng tôi hết lòng hoan hô họ xuất hiện và tham dự các biến cố ấy”.

Ông Danny Casey, viên chức điều hành chính của Đại Hội, khuyên người chưa có vé, nên “thức dậy sớm. Chúng tôi dự định phân phối những vé đó tại nơi đến, trên căn bản ai đến trước được trước, tùy thuộc sức chứa còn lại của trường đua Randwick”.

Nữ phát ngôn nhân của Chính Phủ NSW về WYD, bà Kristina Keneally, cho hay: người ta không nên phó mặc vận may nếu họ muốn tham dự. “Nếu bạn muốn bảo đảm có mặt ở trường đua Randwick vào Chúa Nhật với Đức Giáo Hoàng, bạn cần đăng ký làm khách hành hương để chắc chắn bạn có mặt ở đó”.

Với 335 Úc Kim chi ra, người ta có thể bảo đảm một chỗ ngồi/đứng tại mọi biến cố và được tận mắt thấy 6 trạm cuối cùng của Đàng Thánh Giá, bao gồm cả các bữa ăn và vận chuyển.

Tuần này, ban tổ chức nói rằng người Úc chậm đăng ký hơn dự tính nhưng họ vẫn đạt được mục tiêu 225,000 người đăng ký. Phần lớn con số 132,671 khách hành hương đăng ký đã nạp tiền. 64,181 người còn lại đã khởi sự nhưng chưa hoàn tất việc đăng ký.

3. Các linh mục ‘nóng bỏng’ trong cổ cồn trên một cuốn lịch đặc biệt

Tờ báo thứ hai rất đông người đọc của Sydney là tờ Daily Telegraph, hôm nay, cũng có một bài về WYD nhưng lại trình bầy dưới một hàng tít hơi lạ như trên. Bài này của Michelle Cazzulino. Cô cho hay: họ là các linh mục đang dụ bạn (đừng) bị cám dỗ trong những ngày dẫn vào WYD tại Sydney. Theo Michelle, các nhà tổ chức WYD nói rằng 12 nhân vật ‘thiên giới' có hình trên cuốn Calendario Romano của năm nay này không có dây mơ rễ má nào trực tiếp với Đại Hội, nhưng điều đó không ngăn cản họ sử dụng các tấm hình đen trắng đó để quảng bá cho đại hội.

Các tấm hình trên lịch đã được chụp từ hơn ba năm trước với lời chú thích là lịch treo tường, bán với giá 22.99 úc kim, thực ra đã được phổ biến để dụ du khách Mỹ tới thăm Rome. Lời quảng cáo cho cuốn lịch nói rằng: “Nhằm quảng bá du lịch tới thủ đô Ý đại lợi, cuốn lịch gây ngạc nhiên này cung hiến chân dung các linh mục của mình trước hậu cảnh các nhà thờ chính tòa hết sức đẹp đẽ của Kinh Thành Muôn Thuở”

Ngày hôm qua, khi đưa tin, một cái tin chắc chắn làm các nữ khách hành hương đa tình thất vọng, các nhà tổ chức WYD cho hay họ không biết chắc liệu các vị linh mục ấy có tới Sydney tham dự Đại Hội hay không.

Tuy nhiên, họ quả quyết rằng họ đã đạt mục tiêu có được 225,000 khách ngoại quốc và trong nước tham gia Đại Hội, trong đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ thăm nước Úc lần đầu tiên.

Họ cũng cho người dân Sydney nào không muốn đăng ký việc họ tham dự từ trước hay những người ấy vẫn có thể tới tham dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng chủ tế vào ngày 20 tháng Bẩy. Người ta mong cuộc cử hành này sẽ lôi kéo 500,000 người tới Trường Đua Randwick và Centennial Park.

Viên Chức Trưởng Điều Hành WYD, Danny Casey, cho hay trường đua có sức chứa 300,000 người, nên còn dư 75,000 vé dành để phân phát cho những người không đăng ký.

Nhiều tấm màn truyền hình vĩ đại sẽ được dựng trên đường Alison và Centennial Park gần đó, giúp cho 200,000 người nữa có thể thấy Đức Giáo Hoàng. Ông Casey cho hay: “chúng tôi dự tính phân phối vé trên căn bản đến trước nhận trước, tùy theo sức chứa còn lại của Randwick. Chúng tôi ước đoán hơn 75,000 người nữa sẽ xuất hiện ở đấy vào ngày đó”.

Phát ngôn nhân của Chính Phủ New South Wales, bà Kristina Keneally, nói rằng người địa phương nào muốn thấy Đức Giáo Hoàng, thì nên dùng bảng lên kế hoạch các biến cố trên trang mạng chính thức của Đại Hội. Trang mạng này cũng trình bầy nhiều tín liệu về những nơi đường xá bị hạn chế hay bị đóng, các cách vận chuyển công cộng, cả các địa điểm thuận tiện để theo dõi Đại Hội. Đức Giáo Hoàng sẽ đến Cảng Sydney trong một “đoàn thuyền giáo hoàng” vào ngày 17 tháng Bẩy.

4. An ninh chặt chẽ tại Barangaroo nhân WYD.

Ngày 17 tháng Sáu, Michelle Cazzulino cũng có một bài báo khác với tựa đề gần như trên về địa điểm sẽ diễn ra Lễ Khai Mạc Đại Hội và sáu chặng Đàng Thánh Giá cuối cùng. Theo Michelle, địa điểm đó được mệnh danh là thành phố bỏ túi, nhưng hôm trước đây, các nhà tổ chức WYD nhìn nhận Barangaroo cũng có thể trở thành một cộng đồng kín cổng cao tường trong những ngày Đại Hội.

Dù công chúng có thể tham dự một số biến cố tại địa điểm này nằm về phía Đông Darling Harbour, nhưng các khách hành hương có đăng ký sẽ dành được quyền vào đó tham dự bất cứ biến cố nào khác.

Vào khoảng 100 công nhân đã được ủy nhiệm để chắc chắn rằng khu vực này sẽ sẵn sàng chào đón tới 150,000 người trẻ tới tham dự thánh lễ khai mạc, cũng như chào đón Đức Giáo Hoàng, các lễ hội tuổi trẻ và sáu chặng Đàng Thánh Giá cuối cùng.

Với công trình xây cất còn phải tiếp diễn sau WYD, phát ngôn nhân Chính Phủ NSW, bà Kristina Keneally, cho hay các biện pháp cẩn trọng đã được đưa ra nhằm tạo an toàn cho các khách hành hương. “ Phần lớn khu vực này có nước bao quanh, nên vì các lý do an toàn, chúng tôi cần phải lập hàng rào chung quanh khu vực ấy”.

Bà thêm: người trẻ đã đăng ký tham dự WYD cần đeo “thẻ ra vào hành hương” (pilgrim pass) quanh cổ trong một số sinh hoạt đã dự liệu trước”.

Đức cha Anthony Fisher cho hay các kế hoạch cho địa điểm này rất lớn nhưng hy vọng công việc ở đây sẽ hoàn tất kịp thời. “Barangaroo sẽ là một thành phố bỏ túi với hai khán đài chính, 45 địa điềm cho khách hành hương, 1,200 nhà vệ sinh, 25 địa điểm phân phối lương thực, sáu màn ảmh lớn, một diễn đàn truyền thông 300 chỗ ngồi, với 7 phòng phiên dịch, khu dành cho thượng khách, các địa điểm bán hàng hóa và một khu dành cho các nhu cầu đặc biệt”.

Đức hồng y George Pell sẽ chủ tọa thánh lễ khai mạc vào hôm Thứ Ba, 15 tháng Bẩy và, hai ngày sau, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ được chính thức chào đón tại địa điểm này khi Ngài dùng thuyền tới Cảng Sydney.

Một bàn thờ cao 17 thước đang được dựng cho các biến cố trên. Đức cha Fisher cho hay: “Cung thánh sẽ là 78 thước từ bên này qua bên kia, mặt tiền 20 thước và sâu 46 thước, ngay ở đàng kia, trên nước, để giới trẻ có thể thấy, phía sau Đức Giáo Hoàng hay các vị hồng y và giám mục đang cử hành thánh lễ, là vẻ rực rỡ của Cảng Sydney khi chúng ta chào đón các vị ở đây. Quả là một địa điểm ngoạn mục và là một địa điểm tôi chắc chắn sẽ gây ấn tượng lớn trong lòng mọi khách viếng thăm của ta”

Đức cha Fisher cũng bác bỏ nguồn tin cho rằng việc Giáo Hội sử dụng Hyde Park có thể bị lâm nguy vì đã không chịu trả 150,000 úc kim tiền đặt cọc cho việc sử dụng ấy. Ngài nói: “Giáo Hội đã trả cho Chính Phủ Tiểu Bang 10 triệu úc kim để bảo đảm được sử dụng các nơi công cộng và tôi chắc chắn họ sẽ dành các chỗ ấy cho chúng ta. Tôi hoàn toàn tin tưởng việc ấy sẽ xẩy ra. Đó chỉ là món tiền nhỏ chúng tôi để dành cho các địa điểm công cộng”.

5. Các địa điểm tốt để thấy Đức Giáo Hoàng

Ngày 24 vừa qua, tờ Dailky Telegraph có bài của Bruce McDougall cho hay lộ trình của Đức Bênêđíctô XVI trong những ngày WYD. MacDougall viết như sau:

Hàng chục ngàn người sẽ được thấy tận mắt Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khi ngài du hành trên Cảng và các đường phố trong Thành.

Ngày hôm qua, khi chiếc bàn thờ khổng lồ tại Trường Đua Randwick đã được dựng lên, các nhà tổ chức WYD cho công bố lộ trình các đoàn xe và đoàn thuyền hộ tống Đức Giáo Hoàng và các địa điểm tốt nhất để thấy ngài vào ngày Thứ Năm, 17 tháng Bẩy.

Đoàn tầu 13 chiếc sẽ rời Rose Bay và lướt qua Farm Cove và Circular Quay, băng qua Cầu Harbour để vào Barangaroo ở Đông Darling Harbour.

Sau diễn văn ngỏ với hơn 140,000 khách hành hương, du khách và dân chúng sở tại, Đức Giáo Hoàng sẽ lên Giáo Hoàng Xa của Ngài. Đoàn xe sẽ chạy dọc theo Hickson Road và George Street trước khi chạy dọc theo các đường Bridge, Loftus, Alfred và Macquarie để tới tiền đình Opera House. Sau đó, đoàn xe sẽ qua Vườn Bách Thảo mà vào Mrs Macquarie Chair, dọc theo Art Gallery Road băng qua The Domain, Hospital Road rồi Shakespear Place và Macquarie Street để vào Nhà Thờ Chính Tòa St Mary.

Phát ngôn nhân chính phủ NSW là bà Kristina Keneally cho hay tất cả khu vực buôn bán trung tâm sẽ bị ảnh hưởng do việc ngăn đường và những khúc cấm đậu xe vì các biến cố đặc biệt. Bà nói: “Lộ trình này hiển nhiên khá dài và vì hôm đó là ngày làm ăn buôn bán bình thường đối với 180,000 công nhân khu CBD, nên chúng tôi phải chắc chắn làm họ hiểu rõ những gì xẩy ra để họ có thể đặt kế hoạch trước. Sydney đang ở đỉnh cao biến cố quốc tế lớn nhất trong năm nay ngoại trừ Thế Vận Hội Bắc Kinh”.

Người ta chờ đợi tới 225,000 khách hành hương đăng ký và công chúng sẽ xếp hàng ở Hải Cảng và các lộ trình của đoàn xe.

Tại Trường Đua Randwick, nơi 500,000 người sẽ tham dự thánh lễ bế mạc, một tòa có mái với kích thước 30m x 40m đã được dựng lên. Cấu trúc này đã được nâng cao 25 thước khỏi mặt đất trên phạm vi sẽ dựng bàn thờ cho Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ.

Các công nhân cũng đang bắt đầu dựng các nhà vệ sinh tạm thời tại trường đua.

Vào buổi sáng Thứ Năm, Đức Giáo Hoàng sẽ qua North Sydney để cầu nguyện tại Nhà Nguyện Chân Phước Mary MacKillop và dự cuộc họp tại Kirribilli (Nhà khách Chính Phủ Liên Bang).

Lộ trình Thánh Giá và Ảnh Đại Hội qua Sydney vào ngày 14 tháng Bẩy đã được tiết lộ: Bà Keneally cho hay: " Thánh Giá sẽ tới Khu Trung Tâm Buôn Bán trên các Chuyến Phà đi Manly từng trở thành một trong các biểu tượng của thành phố, rồi sau đó sẽ được rước dọc theo Pitt Street tới Belmore Park gần Ga Trung Ương. Chúng tôi mong biến cố này sẽ thu hút nhiều đám đông đáng kể… nên vì các lý do an toàn, một số đường xá chính sẽ tạm thời bị đóng lại”. Pitt Street sẽ hoàn toàn bị cấm lưu thông từ lúc 11 giờ sáng cho tới 2 giờ chiều và các giao điểm với nó sẽ tạm thời bị cấm trong khi đoàn rước băng qua phía nam để vào Belmore Park.

Các nhà tổ chức WYD khẩn khoản yêu cầu người lái xe tránh không đi vào trung tâm thành phố suốt trong tuần đại hội. Bà Keneally thì nói rằng họ nhắm mục tiêu giảm số lượng xe xuống 30% mỗi ngày, gần như 50,000 chiếc ít hơn mức bình thường. Bà nói: “Thành phố sẽ không có chỗ cho xe hơi trong suốt tuần lễ đó, nhất là vào ngày Thứ Năm. Với hơn 300 khúc đường bị cấm và 500 địa điểm không được đậu xe dành cho các biến cố đặc biệt, các xáo trộn lớn về lưu thông nhất định phải có”.

Bộ trưởng giao thông là ông John Watkins cho hay: “Bất kể các bạn tham dự hay không tham dự các cuộc cử hành này, giờ đây cũng vẫn là lúc để các bạn bắt đầu đặt kế hoạch từ trước cho tuần lễ có WYD. Ngày này là biến cố lớn ta sẽ cử hành tốt nhất bằng cách dùng các phương tiện chuyên chở công cộng với vé giảm giá đặc biệt mua trước của xe lửa và xe buýt".

Thay kết luận

“Tác phong” của tờ sau rõ ràng thân thiện hơn ”tác phong” tờ trước. Nghĩ một hồi, mới nhớ ra tờ sau là tờ Đức Hồng Y George Pell vốn có một cột báo thường xuyên để trình bầy quan điểm. Và nghe đâu còn là tờ báo được chọn để đưa tin chính thức về Đại Hội. Còn tờ trước kỳ cựu hơn, có tính “establishment” hơn, nên cũng ít thân thiện hơn đối với người Công Giáo xứ này,những người xưa kia chiếm đa số trên những chuyến tầu chở tội đồ từ Anh quốc qua và cho đến mãi những năm tiền bán Thế kỷ 20, vẫn được coi là công dân hạng nhì.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.06.2008. 08:47