Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhân tháng các linh hồn, tôi suy nghĩ: thế nào là cuộc đời thành tựu?

§ Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Nguồn: nguoitinhuu.com

Những câu hỏi hệ trọng

Nhờ khoa hoc kỹ thuật, con người hiện đại được cung cấp dồi dào những phương tiện tối tân đề làm việc và những tiện nghi đủ loại để thụ hưởng. Dĩ nhiên, chưa phải mọi người hay mọi nhóm người đều đã  được như thế, nhưng đó vẫn là điều mà chung chung ai cũng hướng tới và hy vọng sẽ đạt được. Những khám phá kỳ diệu của khoa học kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống và cả cách suy nghĩ của con người hiện đại một cách sâu xa. Bây giờ, một cách chung, trong các nước phát triển và cả trong những nước đang phát triển, người ta xa dần với những bận tâm tâm linh, tôn giáo hay những bận tâm về ý nghĩa cao cả của cuộc đời. Cuộc sống thực tế, cuộc sống vật chất hiện có hoặc những gì cuộc sống ấy đang hứa hẹn -một thiên đàng ở trần gian- đã đủ cho họ rồi. Ngoài ra, con người hiện đại có ý thức mãnh liệt về tài năng, về quyền lực của mình. Họ cảm nghĩ rằng mình muốn gì cũng được, làm gì cũng được, -chưa được bây giờ thì sẽ được trong một tương lai gần hay xa. Không ít người tưởng mình là “ông Trời”, không còn ai trên mình nữa, không phải “chịu lụy” ai nữa.

Nhưng thực tế cho thấy con người bao giờ cũng chỉ là con người mà thôi. Họ vẫn mong manh trước thiên nhiên; những trận thiên tai như động đất, sóng thần, bão lụt không hề giảm mà trái lại còn xảy ra nhiều hơn, tàn bạo hơn, một phần do chính con người gây nên.Thiên nhiên đặt cho ta những ranh giới phải tôn trọng, nếu không nó sẽ không để cho ta yên ổn, vô sự.Trước những trận lũ lụt hung hãn xảy ra liên tiếp ở miền trung nước ta trong tháng 10 này, báo chí viết rằng thiên nhiên đang trả thù. Một số bệnh tật ngày xưa hoành hành nay đã được khống chế hay tiêu diệt, nhưng rồi lại xuất hiện những thứ bệnh nguy hiểm và nan y hơn. Ngay này, ta có thể đi lại bằng xe máy, xe hơi, tàu lửa, máy bay, nhưng song song với những phương tiện hiện đại ấy số người chết do tai nạn giao thông càng gia tăng…

Và cuối cùng, dù văn minh đến dâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu …, ai ai rồi cũng pải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng.

Cho nên thời đại ta cũng như mọi thời đại, con người vẫn không tránh khỏi những câu hỏi: Thế thì sống để làm gì? Cuộc đời có ý nghĩa gì không? Phải sống như thế nào mới nói được là cuộc đời đáng giá, cuộc đời thành tựu? Có cái gì bên kia cái chết không? Sớm muộn, chỉ cần quay về mình và sống có chút chiều sâu thì người ta sẽ nghĩ tới những vấn đề trọng đại này.

Câu trả lời của Kitô giáo

Tất cả các tôn giáo bằng cách này hay cách khác, đều nhằm trả lời những vấn nạn như thế. Câu trả lời của Kitô giáo có lẽ là rõ ràng nhất, cụ thể nhất. Câu trả lời đó là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã làm người chia sẻ kiếp người của chúng ta và đã chịu nạn chịu chết rồi phục sinh để cứu độ chúng ta, đem đến cho ta sự sống trường sinh sung mãn.

Bài tường thuật của thánh Gio-an về phép lạ Chúa làm cho anh La-da-rô sống lại mà phụng vụ thường trích đọc trong lễ an táng, là một minh họa tuyệt vời cho giáo lý này. Câu truyện diễn ra theo 5 hồi:

- Hồi 1.Khi Chúa Giêsu đến làng Bê-ta-ni-a  thì La-da-rô đã chết và được chôn cất bốn ngày rồi. Vừa được tin Chúa đến, cô Mác-ta ra đón Người. Cô nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết …” Nhưng bây giờ thì La-da-rô đã chết. Anh phải chết theo lẽ thường tình vì đó là số phận của mọi con người. Số phận mà chính Người cùng chia sẽ. Lát nữa, khi đi ra mộ La-da-rô, thấy cảnh người ta khóc, Người cũng “thổn thức trong lòng và xao xuyến”.

- Hồi 2. Nhưng Chúa Giêsu nói với Mác-ta: “Em chị sẽ sống lại!” Một khẳng định mạnh mẽ.

- Hồi 3. Lý do tại sao, hay bằng cách nào? Thì đây: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.Chị có tin thế không?”

- Hồi 4. Cô Mác-ta tuyên xưng lòng tin. Đó là điều kiện Chúa đòi hỏi. Cô nói: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.

- Hồi 5. Phép lạ chứng thực lời Chúa phán là thật. Chúa Giêsu tiến đến ngôi mộ, cầu nguyện rồi kêu lớn tiếng: “ Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” Và “người chết liền ra, tay chân còn quấn vải,và mặt còn phủ khăn…”

Phép lạ này báo trước sự phục sinh của chính Chúa Kitô trong một thời gian không còn xa. Và theo lời Người dạy, dù ai nấy đều phải chết, nhưng nếu ta tin vào Người, nếu ta đặt trọn niềm trông cậy vào Người, ta cũng sẽ được chia sẽ sự sống vinh quang bất diệt của Người. La-da-rô chỉ được hồi sinh một ít năm rồi lại chết. Nhưng cuộc hồi sinh của anh cũng loan báo sự sống lại của chúng ta trong quyền năng phục sinh của Chúa Kitô trong Nước Trời mai sau. Cuộc sống hiện tại phải hướng về và chuẩn bị cho Ngày đó.

Nhưng phải sống cuộc đời hiện tại như thế nào?

Người Kitô hữu sống cuộc đời mình ở thế gian này như xây một ngôi nhà. Mỗi người xây một cách, theo mẫu nhà mình muốn. Các vật liệu xây dựng cũng có thể khác nhau,- bằng gỗ, bằng đá, bằng sắt thép, kể cả “vàng, bạc, đá quý”, không loại trừ “cỏ và rơm” (x. 1 Cr 3:12). Nhưng thánh Phao-lô quả quyết, nền móng thì chỉ có một mà thôi, đó là Chúa Giêsu Kitô. Trong ngày phán xét, ngôi nhà mỗi người sẽ được nghiệm thu cũng bởi Chúa Kitô. Tất cả những gì chúng ta xây dựng sẽ được đem ra thử lửa, “công việc ai xây dựng trên nền (là Chúa Kitô), thì người ấy sẽ được thưởng; còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt” ( 1Cr 3:14-15).

Hỏi: có cái gì không thể bị lửa thiêu hủy chăng? Có, đó là bác ái, là những công việc bác ái lớn nhỏ của ta. “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13:13), và “đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13:8), trong lúc tin và cậy sẽ không còn trong nước thiên đàng vì lúc đó nó không cần nữa. Đến ngày phán xét chung, Chúa Giêsu sẽ chỉ hỏi ta về cách ta thực hiện lòng bác ái yêu thương mà thôi (x. Mt 25:31-46).

Kết

Lòng bác ái, tình yêu dâng hiến và phục vụ là giá trị cao cả nhất trong thang giá trị của Kitô giáo, nó tiêu biểu cho Kitô giáo. Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu ấy tới mức cao cả nhất có thể có. Người ta thường gọi Đức Kitô là con-người-cho-kẻ-khác. Nhưng không được quên, sở dĩ Người làm được như thế là nhờ Người sống trọn tình con thảo với Chúa Cha. Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng sẽ được đánh giá chung cuộc theo mẫu mực tình yêu này.

(21-10-2007)

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.10.2007. 15:45