Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới, sơ lược tinh thần quốc gia Úc

§ Vũ Văn An

Tinh thần quốc gia Úc

Các bạn trẻ sắp tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã được cung cấp nhiều tư liệu hữu ích cho chuyến đi của họ. Phần lớn những tư liệu ấy, dù qúy giá, vẫn thường chỉ đề cập đến khía cạnh địa dư, giới thiệu nước Úc về phương diện du lịch và các biến cố bao quanh Đại Hội. Ít tài liệu có tác dụng chuẩn bị món ăn tinh thần, không hẳn tinh thần tôn giáo, cho các bạn. Tài liệu sau đây mong giúp các bạn phần nào về khía cạnh tế nhị của chuyến đi ấy, một chuyến đi không hẳn xẩy ra nhiều lần trong đời. Cũng như bất cứ dân tộc nào mới lập quốc, người dân Úc cũng biết tự hào về mảnh đất của họ.

Michael Roe, thuộc Đại Học Tasmania, đã nhận xét rất đúng khi cho rằng người Úc đã kinh qua một phong thái tinh thần quốc gia rất đặc thù. Có người cho rằng phong thái đặc thù ấy đã đi trệch hẳn ra ngoài mẫu mực chân thực. Nhưng Roe cho hay sự đi trệch ấy lại chính là cốt lõi của tinh thần quốc gia trên mảnh đất này. Thực vậy, tinh thần ấy trước nhất được biểu lộ qua tình yêu xứ sở mới của những người đến lập nghiệp đầu tiên. Nó cũng được biểu lộ qua lòng tận trung đối với mẫu quốc và đế quốc Anh. Mặt khác, sự đối kháng của người Thổ Dân chống lại sự xâm lăng của người da trắng hay sự dấn thân của di dân thời hậu chiến đối với Úc cũng được coi là tinh thần quốc gia tại đây.

Đọc các tài liệu truyền thông từ trước đến nay, người ta nhận ra tinh thần quốc gia Úc đã được diễn tả dưới nhiều hình thức: từ văn hóa, xã hội đến chính trị kinh tế. Muốn hiểu các hình thức này, thiển nghĩ nên dựa vào lịch sử khai triển tinh thần quốc gia Úc.

I. Thời thuộc địa

Sống tại một thuộc địa vốn dành cho các tội đồ trên vùng đất khô khan và vô danh Terra Australis Incognita (Đất Vô Danh Phương Nam), xa mẫu quốc cả ba bốn tháng hải hành quả là điều chả thích thú chi. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống tại New South Wales đã tạo nên một cảm tình đậm đà đối với mảnh đất mới và sau này làm cho thế hệ ‘sinh tại đây’ (native born) có được lòng tự hào thay thế cho những thể tài buồn xa xứ ngày trước. Tình yêu nước đối với họ chính là tình yêu đối với mảnh đất khô khan và cây cỏ thú vật đặc sản của nó (khuynh diệp, kangaroo). Cảm thức lớn mạnh coi Terra Australis như ‘nhà’ cũng đã được diễn tả qua các lễ lạc mừng kỷ niệm ngày đến định cư cũng như qua thơ văn và ca vãn. Năm 1814, Matthew Flinders đề nghị xử dụng Australia làm tên thay thế cho New Holland (phía Tây), New South Wales (phía Đông) và cả Terra Australis nữa. Giống như các hình thức lên bản sắc quốc gia khác, việc thay tên này đã được kích thích bởi bóng ma Napoleon, với mưu đồ bành trướng của người Pháp lúc đó. Ba năm sau đề nghị của Flinders, Thống đốc Lachlan Macquarie, trong văn thư gửi Thứ Trưởng Goulburn ngày 21 Tháng 12 năm 1817, đã chính thức đề nghị dùng tên ấy.

Cái tinh thần quốc gia dưới hình thức chính trị này được thế hệ con cháu của lớp người đầu tiên đẩy mạnh. Đây là thế hệ ‘sinh tại đây’. Trong hai thập niên 1820 và 1830, họ đã thành lập ra nhóm giải phóng (emancipist) đòi có tiếng nói trong chính quyền New South Wales. Người nổi nhất chính là William Charles Wenworth, con một chủ đất và y sĩ giầu có và bà mẹ cựu tù. Đối với lớp người này, Anh quốc và Âu Châu nói chung trở thành vùng đất kỳ cục, xa lạ, một thứ ‘phản cực’ (antipodes). Lớp trẻ này rất gắn bó gần gũi với xứ sở, ít người đi thăm Anh mà lại không mong ngày trở lại quê hương. Họ coi tất cả những gì tại đất tổ đều thua xa những vật tương tự tại quê nhà, nhất là bầu trời Sydney không mây quả là một trời một vực so với đường phố âm u London...

II. Tự do và độc lập

Càng về cuối thế kỷ, tâm trí cư dân thuộc địa càng quan tâm đến vấn đề tự trị. Rồi từ năm 1851, tự trị được thiết lập lần lượt tại New South Wales, Tasmania, Nam Úc và Victoria. Người nổi nhất trong giai đoạn này là John Dunmore Lang. Ông là một trong những người đầu tiên cổ vũ việc tách khỏi mẫu quốc, khuyến khích di dân, và vận động tự trị. Trong bài diễn văn đọc tại Sydney ngày 11 tháng 4 năm 1850, Ông tuyên bố: ‘đối với Bà Mẫu quốc... thời điểm ấy (thời điểm tự trị) chẳng bao giờ được phép xẩy ra, cho đến khi các Thuộc Địa bắt buộc, để tự vệ, phải cướp lấy tự do và độc lập từ tay Bà Mẫu quốc...(để) được xếp vào hàng các Tiểu Bang có Chủ Quyền và Độc Lập... không cần sự trợ giúp lẫn sự bảo vệ của Mẫu quốc’. Một di dân khác là Charles Gavan Duffy, người luôn cổ động việc hiệp nhất các thuộc địa, không thích người ta nhận mình là người Victoria, người New South Wales, mà phải là người dân Úc: ‘Khi có người hỏi tôi tôi sẽ cư ngụ ở đâu, thưa qúi vị, tôi đáp: ở Úc. Ta nên tự hào với tên người Úc, tôi tin rằng cái tên ấy sẽ là cái tên đáng ghi nhớ trong lịch sử - nhưng qúi vị sẽ không là người Úc cho đến khi có một liên kết liên bang giữa các thành viên biệt lập của Úc.’

Liên bang là một ý niệm tuy chưa đến lúc trong thập niên 1850, nhưng các chính trị gia đã nghĩ đến việc vượt qua các tranh chấp giữa các thuộc địa, bằng cách thiết lập ra một hệ thống hành động hỗ tương và hợp tác, nhằm khắc phục các khác biệt về thuế xuất, luật di trú, hệ thống thổ trạch, bưu điện, giao thông liên lạc, tư pháp... Ý niệm người Úc phải cai trị người Úc đã nhen nhúm khi George Meudell cho hay quốc hội đương thời thiếu lòng ái quốc, vì những người xuất thân từ Anh luôn luôn coi mình như người xa xứ, đến đây chỉ để làm tiền và không bao giờ bỏ được ý niệm ‘chẳng có nơi nào bằng quê hương’. Ông cũng cho rằng một chính phủ muốn hữu hiệu, phải là một chính phủ nội hữu (inherent) chứ không do bên ngoài đặt để (Melbourne Review, July 1882).

III. Một xã hội và một văn hóa quốc gia

Trong hai thập niên cuối của thế lỷ 19, những người cấp tiến, các văn nghệ sĩ đã tỏ mối hy vọng về việc sáng tạo ra một xã hội mới cũng như tìm được tiếng nói của mình trong văn chương và nghệ thuật. Họ cho rằng cái tình đồng bạn (marteship) nơi nương đồng (bush) sẽ dẫn tới một chủ nghĩa xã hội chính trị, và chủ nghĩa này sẽ giải thoát Úc khỏi các cơn bệnh trầm kha của ‘thế giới cũ’, như giai cấp và hợm hĩnh (snobbery). Nói chung, các văn nghệ sĩ rất hứng khởi trước việc khám phá ra những cách nắm bắt ngôn ngữ, ánh sáng và phong cảnh Úc, còn các nhà cấp tiến thì mơ ước những triển vọng mới về một xã hội được cai trị bởi dân, chứ không phải bởi các nhà quí tộc hay tài phiệt.

Phần Henry Lawson, ông giận thấy nhiều người trung thành với Nữ Hoàng Victoria hơn chủ nghĩa cộng hòa qua Bài Ca Cộng Hòa (A Song of The Republic): ‘Con cháu miền Nam, cuối cùng đứng lên! Con cháu miền Nam, giờ này còn ít! Nhưng hàng ngũ bạn nhanh chóng triển khai, bạn sẽ lớn nhanh thành đạo quân to lớn, giải phóng mảnh đất vốn thuộc quyền bạn, khỏi Phương Bắc và Quá khứ lầm lạc’.

Trong khi đó, hội họa của trường phái Heidelberg biết thu nhận các sắc mầu đặc trưng trong cảnh trí và ánh sáng Úc: màu dương và mầu vàng, mầu đất đỏ (red ochres) và mầu xanh duyên hải, hơn là vẽ bằng con mắt tưởng tượng đầy mầu mè của thời Victoria. Tuy nhiên có điều đáng buồn là ngườì Úc lúc ấy lại rất thờ ơ với các tác phẩm có tinh thần quốc gia này. Một phần vì các sách báo từ mẫu quốc mang sang được bán với giá rất thấp, ‘ấn bản thuộc địa’, nên các văn sĩ yêu nước như Henry Lawson, Jack Lindsay... có lúc đã phải qua Anh sinh sống, dù nhà xuất bản Angus & Robertson đã được thành lập năm 1886. Một phần cũng vì người ta vẫn còn bám lấy văn hóa mẫu quốc.

IV. Liên bang

Sau khi tất cả các thuộc địa ngoại trừ Tây Úc trở thành tự trị trong thập niên 1850, họ vẫn tiếp tục phát triển như là những thực thể biệt lập. Mỗi thuộc địa có quan thuế riêng, luật di trú riêng, bưu điện và quốc phòng riêng, và họ ít tin tưởng nhau. Tuy thế thỉnh thoảng vẫn có những buổi nói chuyện về các lợi ích của một nước Úc thống nhất. Và năm 1885, một Hội Đồng Liên Bang đã được thành lập, đây là một cơ quan cố vấn gồm mỗi thuộc địa hai đại biểu. Duy có New South Wales là không tham dự, và do đó Hội Đồng chẳng gây được ảnh hưởng gì.

Phải đợi đến năm 1889, triển vọng về một liên bang mới có dấu hiệu nghiêm chỉnh, khi Henry Parkes, thủ hiến New South Wales, đọc bài diễn văn nổi tiếng tại Tenterfield. Henry Park nêu gương nước Mỹ để cổ vũ chính nghĩa liên bang. Sau bài diễn văn này, Nghị Hội Quốc Gia Úc Á gồm đại biểu sáu thuộc địa Úc và New Zealand, họp tại Sydney năm 1891, đã soạn ra bản dự thảo hiến pháp thành lập Liên Bang Úc. Dự thảo này không được các quốc hội thuộc địa phê chuẩn, nhưng tình cảm ủng hộ liên bang vẫn tiếp tục lớn mạnh. Và Nghị Hội Liên Bang họp tại Adelaide, rồi tại Sydney và cuối cùng tại Melbourne năm 1898 đã đưa ra một dự thảo khác. Dự thảo ấy được tất cả các tiểu bang chấp thuận ngoại trừ New South Wales, nên sau đó đã được sửa đổi và được đưa ra trưng cầu dân ý một lần nữa vào năm 1899. Tất cả các tiểu bang đều bỏ phiếu thuận. Năm 1900, dự thảo được Quốc hội Anh phê chuẩn và Liên Bang Úc chính thức ra đời từ ngày 1 tháng 1 năm 1901, khi cuộc diễn hành qua các đường phố Sydney kết thúc với lễ tuyên thệ của tổng toàn quyền Hopetown tại Centennial Park. Ngày 9 Tháng 5 năm 1901, Quốc Hội Liên Bang họp phiên đầu tại Melbourne, chờ xây trụ sở chính thức tại Canberra. Một điều đáng suy nghĩ là một trong các đạo luật đầu tiên do quốc hội Liên Bang ban hành lại là Đạo Luật Hạn Chế Di Dân (Immigration Restriction Act). Đạo luật này không minh nhiên hạn chế di dân không phải là da trắng, nhưng đã mặc nhiên làm điều đó bằng cách bắt di dân phải thi chính tả. Và trong những năm sau, còn được xử dụng để loại bỏ các di dân trên căn bản chính trị lẫn chủng tộc.

V. Quốc phòng và kỳ thị chủng tộc

Ở các thuộc địa Úc, người ta sợ bị xâm lăng thế nào thì họ cũng sợ và ghê tởm các giống dân khác như thế. Từ lúc người da trắng đến xâm chiếm, Thổ Dân bị các cư dân người Anh coi không phải là người, chỉ là đồ mọi rợ, không biết xử dụng đất đai như người Âu Châu và do đó không có quyền trên đất đai ấy.

Việc kỳ thị chủng tộc này cũng áp dụng đối với các sắc dân không phải là da trắng, và việc người Trung Hoa đến tìm vàng trong thập niên 1850 đã tạo nên hàng loạt những vụ tấn công dã man từ phía người đào vàng sinh tại Úc cũng như người đào vàng đến từ Âu Châu. Có những cuộc bạo loạn chống lại người Trung Hoa đã xẩy ra tại Buckland River, thuộc Victoria, Tháng 7 Năm 1857, và tại Lambing Flat, thuộc New South Wales, Tháng 6 Năm 1861, cũng như rất nhiều cuộc chạm trán nẩy lửa khác. Khi vàng được tìm thấy tại Palmer River, Queensland, vào năm 1877, con số người đào vàng lên đến 17,000 người Trung hoa, và 14,000 người Âu Châu, mối sợ cố cựu lại tái phát.

Trong thập niên 1870, người Trung Hoa có mặt trong hầu hết mọi ngành nghề, do đó phong trào lao động coi họ như một đe doạ đối với lương bổng và điều kiện làm việc. Người ta tin rằng họ sẵn sàng làm với những đồng lương mà không một người da trắng nào chịu nhận. Và đó là nguyên nhân gây ra cuộc đình công của thủy thủ vào năm 1878. Năm 1880, tất cả các bang trừ Tây Úc đều đã ban hành các đạo luật nhằm hạn chế di dân Trung Hoa; Tây Úc theo gót năm 1886. Đến khoảng cuối thập niên 1880, việc di dân của người Trung Hoa hầu như bị cấm hẳn.

Tại Queensland, người thuộc các đảo tại Thái Bình Dương (gọi là Kanaks) đã được tuyển làm cho các đồn điền trồng mía, vì lúc ấy người ta tưởng người da trắng không kham nổi khí hậu Bắc Queensland. Đến thập niên 1880, việc chống nhân công không da trắng đã làm việc tuyển lựa kia giảm hẳn. Tuy thế nó vẫn tiếp tục đến những năm đầu của thế kỷ 20.

Chính sách kỳ thị chủng tộc này một phần do Chủ Nghĩa Darwin về xã hội (Social Darwinism), một chủ nghĩa cho rằng có những sắc dân thượng đẳng và có những sắc dân hạ đẳng, và các sắc dân không phải là da trắng đều thấp kém và thoái hóa về phương diện tinh thần và xã hội, nên người da trắng bắt buộc phải giữ cho mình trong sạch, khỏi hoen ố bởi việc trà trộn với các sắc dân khác.

Trong chiến tranh Crimean thập niên 1850, các bang thuộc địa cũng lo sợ sự xâm lăng của người Nga. Mối sợ này sau đó đã mất đi, nhưng trong thập niên 1880, một cảm thức lo âu lại tái xuất hiện. Vì ở Thái Bình Dương, Đức đang mưu toan thôn tính New Guinea, cách không xa Bắc Queensland và Pháp đang dòm ngó New Hebrides. Dường như Anh không quan tâm đủ tới các mối lo sợ của các bang thuộc địa Úc. Tuy nhiên, các bang này vẫn trung thành với mẫu quốc; và vẫn mừng lễ bạc của Nữ Hoàng Victoria năm 1887. Hai năm trước đó, New South Wales còn gửi một đơn vị quân đội tới Sudan sau cái chết của Tướng Gordon. Có những phản ứng khác nhau trước hành động này: đa số đã nhiệt liệt ủng hộ, tuy nhiên không thiếu người cho rằng không nên gửi quân để chiến đấu như thế trong một chiến tranh đế quốc. Một can dự nghiêm chỉnh hơn vào nỗ lực chiến tranh của Anh xẩy ra hồi Tháng 10 Năm 1899, khi chiến tranh Boer bắt đầu nổ ra tại Nam Phi.

Tại Úc, nhiều người coi chiến tranh như giai đoạn cuối cùng hình thành tư cách quốc gia. Henry Lawson viết năm 1895: ‘Tôi nói bạn nghe: Sao phương Nam sẽ tung bay trong mây mù khủng khiếp chiến chinh’.

VI. Một tỉnh đế quốc?

Những người vận động thành lập Liên Bang không bao giờ quên mối liên hệ với mẫu quốc Anh. Trong bài diễn văn tại Tenterfield đã nhắc trên đây, Thủ hiến New South Wales, ông Henry Parkes, cho hay: ‘Điều người Mỹ làm được (liên bang) nhờ chiến tranh, người Úc sẽ làm được trong hòa bình mà không cần phải cắt đứt liên hệ vốn nối kết họ với nước mẹ’. Do đó, cùng với viễn tượng liên bang vào năm 1901, người Úc vẫn không quên gửi quân chiến đãu dưới ngọn cờ Anh trong chiến tranh với người Boers tại Nam Phi năm 1899. Tuy nhiên không thiếu người phản đối việc góp quân ấy vì cho rằng cuộc chiến ấy sai lầm cũng có mà vì nước Anh bị hướng dẫn sai lạc và nước Úc không nên can dự vào cũng có (cùng một kiểu như việc chống đối sự can thiệp của Úc vào chiến tranh Việt-Nam trong thập niên 1960).

Nhưng như trên đã nói, quốc gia Úc không những được sinh ra trong chiến tranh, mà những năm đầu đời của quốc gia này còn chịu ảnh huởng mạnh bởi các vấn đề quốc tế cũng như quốc phòng. Tình trạng căng thẳng quốc tế giữa Anh và Pháp lúc ấy cũng như các tranh chấp hải quân sau này giữa Đức và Anh, và chiến thắng năm 1905 của Nhật đối với Nga cho người Úc thấy họ cần có một hải quân tốt để gìn giữ an ninh đã đành mà lòng trung thành với đế quốc Anh cũng là điều căn bản đối việc việc phòng thủ Úc. Chính để khích lệ cái lòng trung thành ấy, năm 1905, George Reid thuộc New South Wales đã thiết lập ra Ngày Đế Quốc (Empire Day, 24 Tháng 5) cùng lúc với việc ông phát động chiến dịch chống lại chủ nghĩa xã hội.

Ngày Đế Quốc này gây tranh luận sôi nổi tại New South Wales. Và nó bị người Công giáo Úc gốc Ái Nhĩ Lan chống đối kịch liệt. Đối với họ, Úc phải độc lập hẳn khỏi đế quốc Anh. Hồng Y Murray Moran, do đó, đã đưa ra sáng kiến thành lập Ngày Nước Úc (Australia Day) trong các trường Công giáo để chống lại Ngày Đế Quốc. Ý kiến ấy đã được Thủ hiến Lao động New South Wales là ông W.A. Holdman ủng hộ. Những chống đối này khiến chính phủ Liên Bang, dù liên tiếp gửi quân qua Nam Phi giúp Anh, đã bắt đầu nhìn ra khả thể không hoàn toàn lệ thuộc Anh nữa. Điều này rất quan yếu đối với một liên bang mới như Úc, do mối sợ trước sự bành trướng của các thế lực đế quốc Châu Âu trong vùng Thái bình dương, cũng như các nước Nhật và Trung Hoa gây ra. Năm 1908, nhân dịp hạm đội Great White Fleet của Mỹ viếng Thái Bình Dương, thủ tướng Alfred Deakin đã xin Tổng Toàn Quyền Northcote lo liệu mời họ đến thăm Úc. Việc tiếp đón niềm nở dành cho Hạm đội tại tất cả các cảng nó viếng thăm đã tạo nên một truyền thống lâu đời sau này, đồng thời cho thấy sự lo âu của Úc trước việc thiếu khả năng tự phòng thủ của mình. Dù sao, tất cả những tâm trạng trên đã góp phần làm nước Anh dần dần trở thành ‘xa lạ’.

VII. Chiến tranh và quốc gia

Có lẽ không biến cố nào đã ảnh hưởng đến đặc điểm và sự khai sinh ra tinh thần quốc gia Úc bằng Thế chiến I trong các năm 1914-1918. Cuộc chiến của Âu Châu này đã được coi là chủ yếu nhờ đó tư cách quốc gia của Úc đã được đúc nên. Việc đổ máu và lòng qủa cảm của các đội quân Úc tại Gallipoli trên bán đảo Thổ Nhĩ Kỳ và trong các hầm hố của Pháp, của Bỉ không những đã đặt nước Úc trên bản đồ thế giới mà còn mang lại một ‘thời khai sáng’ (coming of age), một ý thức về tư cách quốc gia. Trong cái không khí say sưa của tháng 8 năm 1914, phần đông người Úc coi chiến tranh như cơ hội để thanh niên Úc làm một cái gì đó trên vũ trường thế giới và để tự chứng tỏ bản lĩnh của mình trên chiến trường Châu Âu. Thi sĩ Edward Dyson viết: ‘Nước Úc, quê hương tôi, Xin thủ thỉ khúc nhôi, Đây là giờ để hiểu - Bạn số một tuyệt vời’. Tuy nhiên, cái tinh thần quốc gia trong thời gian này đã không tránh khỏi những áp chế đối với người khác chính kiến, bỏ tù những người bị coi là ngoại lai thù nghịch và những thành kiến kỳ thị chủng tộc đối với người Đức (mà họ gọi là rợ Hung Nô): nhiều thị trấn mang tên Đức như Bismarck gần Hobart đổi thành Collinsvale, Germantown gần Geelong đổi thành Grovedale. Thậm chí nhiều người Úc gốc Đức bị sách nhiễu và tấn công. Tuy thế, từ đống tro tàn của những tiêu cực do chiến tranh gây ra kia, ta có được huyền thoại Anzac, huyền thoại Gallipoli và huyền thoại về người chiến binh Úc. C.E.W. Bean đã viết như sau về các chiến binh Anzac lúc đội quân Úc và Tân Tây Lan tiến chiếm các ngọn đồi tử thần Gallipoli: họ là‘những người đàn ông mà nỗi sợ lớn nhất là không được nhập vào ‘bên trong’ điều đang xẩy ra, và chiến tranh có thể kết thúc trước khi họ tới được chiến trận’. Thi sĩ Anh John Masefield gọi họ là ‘một cơ đội thanh niên đẹp đẽ nhất chưa từng bao giờ được đem lại với nhau trong lịch sử hiện đại’.

Ngay sau khi Đại Chiến kết thúc, các cộng đồng địa phương đua nhau xây đài tưởng niệm chiến sĩ. Về phương diện kinh tế, có chiến dịch khuyến khích việc mua các sản phẩm Úc, nhằm đi đến một nước Úc tự lập về kinh tế. Rồi đến việc khuyến khích đi khám phá nội địa Úc (Reso Tours), giúp người dân Úc ý thức được các tài nguyên của mình. Nhờ các cuộc du hành này, người dân Úc nhìn ra cái bao la vĩ đại của mảnh đất này, mà một phần rất lớn không có người ở. Bắc Úc là một. Năm 1926, chính phủ Liên Bang chia Northern Territory thành hai: Bắc Úc (North Australia) và Trung Úc (Central Australia) vì lý do phòng thủ. Thủ tướng Stanley Melbourne Bruce cho hay, một lãnh thổ với diện tích 523,620 dặm vuông mà dân số da trắng chỉ có 3,406 người, quả là mối lo lớn về quốc phòng. Ông gọi vùng đó là ‘Empty North’ (Phía Bắc Trống Không), có thể làm mồi cho mộng bành trướng của nhiều nước. Tây Úc cũng chẳng hơn gì: gần 3 dặm vuông một đầu người. Năm 1925, chính phủ Tây Úc mang triển vọng thịnh vượng cũng như khí hậu tốt ra kêu gọi di dân Anh đến lập nghiệp, và hứa với họ sẽ giữ nước Úc mãi mãi là ‘xứ của người da trắng’.

Cùng với việc khai trương trụ sở chính thức của quốc hội Liên Bang tại Canberra năm 1927, sau 27 năm họp tạm tại Melbourne, người dân Úc cảm thấy rất phấn chấn trước viễn ảnh phồn thịnh của mảnh đất bao la Úc châu nơi mà họ tiên đoán dân số sẽ lên đến 150 triệu với những nông trại sản xuất dài vô tận. Cho nên khi nhà địa dư học Griffith Taylor của Đại học Sydney tiên đoán ngược lại liền bị dư luận coi là phản quốc, đến độ thất vọng ông phải qua dạy cho đại học Chicago bên Mỹ.

VIII. Đại suy thoái

Việc xụp đổ của thị trường chứng khoán Wall Street năm 1929 kéo theo việc giảm gía các hàng hóa tiêu dùng trên thế giới đã làm nền kinh tế của Úc trở nên tê liệt. Không những thế, nó còn kéo theo việc thành phố London buộc Úc phải bồi hoàn các món nợ trong thời chiến. Việc này đã đưa lại nhiều xáo trộn xã hội, chính trị và kinh tế biến nước Úc thành một trong những nước có mức độ thất nghiệp cao nhất trong số các nước Phương Tây trong thập niên 1930. Hệ lụy đối với tinh thần quốc gia khá sâu rộng. Cuộc tranh luận chung quanh việc bồi hoàn nợ cho Anh đã chia rẽ toàn bộ quốc gia Úc. Phe bảo thủ cho rằng danh dự đất nước buộc phải định kỳ hoàn trả nợ cho các ngân hàng London. Phe Lao-Động, đặc biệt là Thủ hiến New South Wales, Jack Lang, cho hay phải hoãn trả tiền lời để giảm thiểu đau đớn cho người dân Úc.

Tại chính trường Liên Bang, Thủ tướng Lao Động James Scullin vận động việc đề cử Thẩm Phán Tối Cao Isaac Isaacs, người Úc đầu tiên, làm Tổng Toàn Quyền. Việc này bị phe bảo thủ gồm phe đối lập tại Quốc hội, các giới chức Anh và cả Liên Đoàn Phụ Nữ Quốc Gia Úc công kích kịch liệt. Cuối cùng cái chính sách thắt lưng buộc bụng để trả nợ và cái khuynh hướng trung thành với truyền thống Anh đã thắng thế trong cuộc bầu cử Liên Bang năm 1931. Liên minh Lyons-Latham đánh bại phe Lao Động của Scullin để trao quyền vào tay ‘những người trung thực và đáng tin’ (honest and safe), giải thoát nước Úc khỏi ‘các chính sách xã hội chủ nghĩa xưa nay vốn sói mòn các nền tảng của cá nhân chủ nghĩa’ và nhất là để chứng tỏ rằng người dân Úc luôn gắn bó với Truyền Thống Anh và trìu mến Đế Quốc Anh. Tuy thế, trong thập niên 1930, Úc luôn luôn quan tâm đến việc phát triển chính sách ngoại giao và quốc phòng riêng của mình, một chính sách chú trọng đến hoàn cảnh Thái Bình Dương của Úc. Theo thủ lãnh Lao Động John Curtin, cần phải có lực lượng phòng thủ không quân, gồm các chiến đấu cơ do Mỹ chế tạo, chứ không chỉ nên tin cậy vào Hải Quân Hoàng Gia như từ xưa đến nay.

Về mặt văn hóa, để chống lại những cái kinh hoàng của cuộc Đại Suy Thoái, các văn thi sĩ, phần lớn xuất thân từ Adelaide, đã quay về tìm hứng ở mảnh đất thân yêu của họ, ở đấy họ hy vọng tìm ra tinh thần Úc, một tinh thần gắn liền với thiên nhiên và truyền thống Thổ Dân. Rex Ingamells đề nghị xử dụng từ ‘Jindyworobak’ (Nhập Cuộc), một từ Thổ Dân, để chỉ các nghệ sĩ muốn giải thoát nền nghệ thuật Úc khỏi các ảnh hưởng ngoại lai, quay trở về với các chất liệu riêng của mình. Ông cho rằng tâm thức phần đông người Úc bị đầy ứ với cái thứ Duy Âu Châu Chủ Nghĩa giả hiệu (Pseudo-Europeanism), một chủ nghĩa chỉ biết xử dụng ngôn từ và tư tưởng Âu Châu, rất xa vời thiên nhiên. Ông đưa ra một thí dụ: ví những giọt sương đọng trên lá bạch đàn như những viên kim cương óng ánh là không đúng vì làm gì có kim cương óng ánh trên đồng quê khô cằn Úc Châu?

IX. Hoài niệm dĩ vãng

Thập niên 1930 cũng là thời gian người Úc tìm về dĩ vãng, thể hiện qua các đài kỷ niệm những người khai phá. Đền Tưởng Niệm Chiến Tranh (Australian War Memorial) được khánh thành năm 1929 tại Canberra. Đền Hồi Niệm (Shrine of Remebrance) được dựng tại Melbourne năm 1934 để tưởng nhớ các chiến sĩ Thế Chiến I. Tại Sydney, Đền Kỷ Niệm Hyde Park mở cửa năm 1930. Về lễ lạc mừng ngày khai sáng, phải kể đến việc kỷ niệm 100 năm ngày ra đời Nam Úc, tháng 10 năm 1935, và mừng New South Wales 150 tuổi ngày 26-01-1938. Đấy cũng là dịp người Thổ Dân tưởng nhớ lại các đau khổ của tổ tiên họ. Họ gọi ngày đó là ‘Ngày Khóc Than và Phản Kháng’ (Day of Mourning and Protest). Trong khi người Úc da trắng, dựa vào các lý thuyết khoa học lúc ấy, tin rằng chẳng chóng thì chày Thổ Dân cũng sẽ đến ngày tuyệt giống, thì không ngờ họ vùng dậy đoàn kết đấu tranh, họp Hội Nghị tại Australian Hall đường Elizabeth Sydney dướì sự lãnh đạo của Hiệp Hội Tiến Bộ Thổ Dân và đưa ra lời kêu gọi sau đây:

"Chúng tôi... cực lực phản đối sự đối xử tàn nhẫn của người da trắng đối với dân tộc chúng tôi suốt 150 năm qua. Chúng tôi kêu gọi Quốc Gia Úc của ngày hôm nay hãy đưa ra các đạo luật mới về giáo dục và chăm sóc người Thổ Dân, đồng thời đòi hỏi một chính sách mới nhằm nâng dân chúng chúng tôi lên địa vị công dân và bình đẳng đầy đủ trong xã hội".

Lời kêu gọi này do J.T. Pattern, chủ tịch Hiệp Hội ký phổ biến. Trong một truyền đơn khác, J.T. Pattern cho hay: ‘Các anh (chỉ người da trắng) đã gần như tiêu diệt hẳn dân tộc chúng tôi, nhưng con số sống sót của chúng tôi vẫn đủ để vạch trần trò bịp bợm trong yêu sách của các anh từng huyên hoang cho mình là một quốc gia văn minh, tiến bộ, tốt bụng và nhân đạo. Trước con mắt thế giới văn minh, thực ra các anh bị lên án nặng nề vì chính sách độc ác và nhẫn tâm của các anh đối với người Thổ Dân... Chúng tôi yêu cầu các anh nghiên cứu vấn đề, theo cách trình bày của chúng tôi, dưới cái nhìn Thổ Dân. Chúng tôi không kêu gọi lòng bác ái của các anh; chúng tôi không yêu cầu các anh nghiên cứu chúng tôi như những đối tượng kỳ dị của khoa học. Đặc biệt hơn cả, chúng tôi không yêu cầu các anh ‘bảo vệ’ chúng tôi. Không, xin cám ơn thôi! Chúng tôi đã được ‘bảo vệ’ 150 năm qua rồi! Chúng tôi chỉ đòi hỏi công lý, một chút liêm sỉ và chơi đẹp... Chúng tôi đã được chấp nhận sung vào quân ngũ (A.I.F.). Chúng tôi đủ tư cách chiến đấu như những người ANZAC. Chúng tôi bình đẳng lúc ấy. Tại sao bây giờ các anh lại không cho chúng tôi bình đẳng?’

(Còn một kỳ)

• Đọc phần (1) & (2)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.07.2008. 00:07