Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới, sơ lược tinh thần quốc gia Úc (2)

§ Vũ Văn An

Tinh thần quốc gia Úc (tiếp theo)

X. Thế chiến II.

Thời gian giữa các năm 1939 và 1945, tinh thần quốc gia Úc lại chịu ảnh hưởng bởi hai vấn đề cố hữu đó là việc ủng hộ Anh trong chiến tranh Âu Châu và viễn ảnh bị xâm lăng từ phía Bắc. Khi Đức xua quân tiến chiếm Ba-Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, Anh bèn tuyên chiến với Đức. Tại Úc, sau đó hai ngày tức vào ngày 3 tháng 9, Thủ Tướng Robert Menzies, lúc đó mới nhậm chức được vài tuần, đã dùng truyền thanh thông báo với dân chúng Úc rằng vì nước Anh lâm chiến với Đức, Úc cũng lâm chiến với Đức. Theo ông, Úc là một phần của ‘thế giới Anh’. Thế là, hai sư đoàn 6 và 7 được gửi qua Trung Đông và Bắc Phi. Rồi vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ ngày 7 tháng 12 năm 1941 và vụ máy bay Đức đánh đắm chiến hạm HMAS Sydney tại Ấn Độ Dương trước đó khiến Úc buộc phải trực tiếp nhẩy vào vòng chiến. Ngày 8 tháng 12, Úc tuyên chiến với Nhật. Việc Anh mất hai chiến hạm Prince of Wales và Repulse ngoài khơi Mã-Lai vào ngày 10 tháng 12, và việc thất thủ Singapore vào ngày 15 tháng 2 năm 1942 cho thấy sự sinh tồn của Úc bị đe dọa nặng nề. Thủ tướng Lao Động John Curtin nhìn nhận thực tế dưới ba khía cạnh quan yếu. Ngày 27 tháng 12 năm 1941, trên tờ Herald tại Melbourne, ông thừa nhận rằng vai trò của Mỹ tại Thái Bình Dương có tính sinh tử. Sau đó, tháng 11 năm 1942, ông thuyết phục Đảng Lao-Động chấp nhận tổng động viên. Cuối cùng, ông cho điều động các sư đoàn Úc đóng tại Bắc Phi trở về nước thay vì tới Miến Điện theo yêu cầu của Churchill.

Mùa Thu năm 1942, khi các oanh tạc cơ Nhật tấn công Port Moresby, Darwin, Katherine và Townsville, thì việc xâm lăng Úc xem ra chỉ trong gang tấc. Tuy nhiên tháng 11 năm 1942, khi Lục quân Nhật bị đánh bại trên đường mòn Kokoda bên New Guinea, và Hải quân Nhật bị thất trận tại Coral Sea tháng 5 năm 1942, và tại Midway tháng 6 năm 1942, thì nguy cơ kia không còn nữa. Nhưng cũng đủ để Thế chiến II biến tinh thần quốc gia thành chủ nghĩa bài ngoại (xenophobia). Học để ghét kẻ thù Nhật Bản qua tuyên truyền đã đưa lại một thúc đẩy mới cho chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Úc và làm chậm việc Úc nhìn nhận cái vị trí Á Châu của mình.

Thế chiến II cũng làm thay đổi thành phần dân số Úc. Bộ trưởng Di trú Arthur Calwell đã thành công đưa ra kế hoạch di dân hậu chiến nhằm nhập cư các di dân từ ‘lục điạ Âu Châu’ vào mảnh đất vẫn được tin là gồm đến 98% dân Anh. Nhưng Calwell chỉ có thể làm đến thế, tức vượt qua bức tường ‘Anglo-Saxon’, chứ bức tường ‘Non-White’ thì vẫn còn sừng sững: ông luôn luôn chống đối di dân Á Châu. Chính sách của ông dựa vào những lý thuyết chủng tộc cổ truyền vì ông tin rằng kinh nghiệm Âu Châu cho thấy đưa di dân Á Châu vào chỉ tổ làm họ thất vọng và khốn khổ hơn. Tuy thế vẫn có người chống đối Chính Sách Nước Úc Da Trắng, như Eric và Elizabeth Marshall của Ủy Ban Đông Tây, những người ý thức rất rõ các phong trào độc lập đang lớn mạnh tại Á Châu. Họ đưa ra hai lý do đòi phải duyệt lại chính sách Nước Úc Da Trắng. Lý do thứ nhất là thích đáng, lý do thứ hai là công bằng. Về lý do thứ nhất, cần nhớ thế giới bây giờ không còn do người Da Trắng thống trị nữa. Điều này còn đúng hơn vì vị trí của Úc. Về lý do thứ hai, cần nhớ Úc đã chấp nhận đủ mọi mầu da khi cần họ để bảo vệ đất nước này, nay chỉ vì cái chính sách Nước Úc Da Trắng mà loại họ ra, sao gọi là công bằng?

Thực ra, vấn đề mấu chốt nhất cho tinh thần quốc gia của một nước là vấn đề tư cách công dân và quốc tịch cho đến lúc này vẫn chưa được người Úc giải quyết dứt khoát. Họ có tiền riêng từ năm 1910, bưu điện riêng năm 1913, hải quân năm 1910 và quyền tự trị về luật lệ từ năm 1931, và mặc dù Tối Cao Pháp Viện đã xử vấn đề tư cách công dân từ năm 1925 trong vụ Walsh và Johnson, về phương diện kỹ thuật, người Úc vẫn được coi là ‘thần dân Anh’ mang thông hành Anh, còn đại đa số Thổ Dân Úc vẫn chưa được công nhận quyền công dân đầy đủ. Mãi dến năm 1948, đạo luật Nationality and Citizenship mới được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ Ngày Nước Úc 26 tháng 1 năm 1949. Đạo luật này tạo ra các loại công dân Úc dựa vào sinh đẻ, dựa vào nhập tịch (naturalisation) hay các thần dân Anh sinh ngoài nước Úc nhưng đã sống tại Úc được 5 năm hoặc hơn. Từ nay, người Úc vừa là thần dân Anh vừa là công dân Úc. Điều đáng ghi là Thông Hành Úc do đạo luật Thông hành (Passports Acts) ban bố năm 1948 chỉ sống được rất ngắn vì sau đó chính phủ Tự Do của Menzies đã trở lại với thông hành Anh!

Những năm sau chiến tranh, dĩ nhiên Úc đứng vào phe Tư Bản chống lại phe Cộng Sản trong cái gọi là Chiến Tranh Lạnh. Và họ đề cao ‘lối sống Úc’ ngược với lối sống ngoại lai hay ‘cộng sản’. Trong cuộc tranh cử năm 1949, cả hai đảng Lao Động lẫn Tự Do đều cổ võ đặc điểm Úc và chủ nghĩa chống cộng. Chiến tranh Triều Tiên cũng như tranh chấp giữa Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan và các thay đổi nhanh chóng về xã hội (di trú, đô thị hóa và chủ nghĩa tiêu thụ) cùng với bất ổn về kinh tế làm nhiều người lớn tuổi lo âu. Ngày 11 tháng 11 năm 1951, các chánh án, trong đó có cựu đại tướng Edmund Herring và các lãnh tụ tôn giáo phát ra ‘Lời Kêu Gọi Nhân Dân Úc’ bằng cách báo động rằng: Nước Úc đang lâm nguy cả từ bên trong lẫn bên ngoài, nếu không tái lập được trật tự luân lý thì xã hội sẽ khủng hoảng. Lời kêu gọi trên kết thúc bằng câu: ‘Hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy trọng kính đức vua’. Cũng trong năm đó, Úc mừng 50 năm ngày thành lập Liên Bang với nhiều cuộc lễ được tổ chức khắp nơi mục đích làm người Dân Úc ý thức được sự phát triển càng ngày càng gia tăng của quốc gia, công lao của tiền nhân cũng như tương lai đầy hứa hẹn của đất nước. Nhưng mừng thì mừng, người Úc vẫn không quên thanh niên họ đang hy sinh mạng sống mình trên đất Triều Tiên. Và vì thế, bốn chủ đề đã được đưa ra nhân dịp kỷ niệm này: hội nhập những tân công dân Úc, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phi tập trung hóa kỹ nghệ và dân cư một cách đúng đắn, và quan trọng nhất là tăng cường hệ thống quốc phòng dựa vào một nền sản xuất gia tăng.

Địa vị của Úc mỗi ngày một nổi bật hơn khiến Nữ Hoàng Elizabeth II phải đến thăm vào ngày 3 tháng 2 năm 1954. Đây là lần đầu một vị hiện trị đến thăm Úc. Còn hơn thế nữa, năm 1956, Thế vận hội Melbourne đã đặt Úc lên bản đồ thế giới. Các quán quân Thế Vận như lực sĩ chạy bộ Betty Cuthbert và John Landy, các tay bơi như Dawn Fraser và John Henricks và sau này các cầu thủ quần vợt lần đầu tiên đánh thắng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, là Frank Sedman, Murray Rose và hai thiếu niên sinh đôi Lew Hoad và Ken Rosewall, người đoạt giải Davis Cup tại Adelaide năm 1956, thẩy đều là những anh hùng đối với người dân Úc. Dân số Úc đạt tới 10 triệu theo số liệu của Sydney Morning Herald ngày 10 tháng 3 năm 1959. Sự gia tăng này phần lớn nhờ con số di dân. Họ được gọi là Người Úc Mới, nhưng không thiếu người vẫn chỉ coi họ như ‘ngoại kiều’, bị phân cách tẻ lạnh bởi lớp già và phần lớn bị thiên kiến và bóc lột hành hạ. Đến mãi năm 1962, một di dân từ HyLạp, anh Stefanos Kastamonitis, dù coi người Úc là anh em và hãnh diện đã góp phần làm cho Úc được nể vì trên thế giới, vẫn còn phải cay đắng vì cái thiên kiến chủng tộc nhằm vào con cái anh tại trường, anh thốt lên ‘Chúng tôi không bao giờ ngờ lại có cái thứ ác cảm ấy!’ (M.A. Sophocleous (ed.) The Endless Journey of Stefanos Kastaminitis, Elikia Books, Box Hill Vic 1988).

XI. Đối kháng và thay đổi

Thập niên 1960, một thập niên có nhiều chuyển biến về xã hội và văn hóa khắp nơi trên thế giới, đã thay đổi nhiều khía cạnh trong tinh thần quốc gia Úc. Những giá trị cũ của Úc như ANZAC, sợ Á Châu, các thiên kiến chủng tộc đối với Thổ Dân, chế độ kiểm duyệt và sợ các ý tưởng mới đã bị các trào lưu cấp tiến đẩy lui, cả trong nước lẫn ngoài nước. Việc thay đổi các giá trị xã hội cũng như lòng trung thành được củng cố bởi niềm tin do việc phát triển khoáng sản đem lại đã kích thích một thứ tinh thần quốc gia mới và khác biệt vào cuối thập niên.

Huyền thoại ANZAC lần đầu tiên bị thách thức vì cái tinh thần thượng tôn phái nam, đầy thiên kiến, và be bét (boozy) của nó. Năm 1964, chương trình ‘Four Corners’ của đài ABC làm hội Cựu Chiến Binh Úc tức giận vì đã miêu tả các câu lạc bộ RSl như những ổ nhậu bia và đã coi chủ nghĩa chống cộng của họ là cực đoan và thiếu suy nghĩ. Có lẽ vì thế mà vở kịch The One Day of the Year của Alan Seymour, nhằm thách thức huyền thoại trên về phương diện phái tính, thế hệ và giai cấp nhất là cái tinh thần quốc gia đầy sô-vanh tính của nó, đã bị Đại hội Nghệ Thuật Adelaide từ khước.

Mặc dầu năm 1963, Thủ Tướng Menzies chào đón Nữ Hoàng Elizabeth II bằng những lời hoa mỹ: ‘Ngài là tâm điểm sống động và đáng yêu cho lòng trung thành bền vững của chúng tôi’, Úc cũng đã ấn định đơn vị mới cho hệ thống tiền tệ (theo hệ thập phân) của mình, bắt đầu có giá trị từ năm 1966. Đề nghị đặt tên cho nó là đồng ‘hoàng tệ’ (Royal) của Tổng trưởng tài chánh Harold Holt bị công chúng phản đối. Các tên sau đây đã được đề nghị thay thế: đồng ‘Nam tệ’ (Austral), đồng Koala, đồng Roo, đồng Sovrin, đồng Crown... Cuối cùng, đồng Dollar đã được chấp thuận. Chủ nghĩa phò hoàng gia của Menzies bị nhiều người coi là lỗi thời. Duy có phe bảo thủ vẫn coi những lời chỉ trích chế độ quân chủ là phản quốc. Geofrey Dutton, người chủ biên cuốn Australia and the Monarchy (1966) bị chủ tịch RSL Nam Úc đòi ‘trả về Nga là nơi anh ta phát xuất’.

Dù cái sợ Á Châu gia tăng theo nghĩa nay Trung Hoa không những chỉ là cái họa Da Vàng mà đồng thời còn là cái họa Đỏ nữa, và thêm cuộc chiến tại Việt Nam làm người Úc phập phồng, thái độ đối với Á Châu có thay đổi: nhiều sinh viên Á Châu hơn tại các đại học Úc và sau này nhiều cuộc viếng thăm ‘các đồng minh Á Châu của chúng ta’ do Thủ Tướng Harold Holt thực hiện là triệu chứng của các thay đổi ấy. Cuốn Immigration: Control or Color Bar (1962) của Nhóm Cải Tổ Di Trú làm người ta bắt đầu thấy nhu cầu phải sửa đổi chính sách Nước Úc Da Trắng. Cuốn sách trên cho rằng chính sách ấy vô luân khi bảo tồn cái rào cản mầu da, vì người ta không bao giờ vượt qua được cái rào cản ấy, dù họ có công lao đến bao nhiêu. Mặt khác, chính sách ấy là một chính sách bất hạnh cho chính nội tình Úc. Úc cần tiếp xúc với Á Châu, tìm hiểu Á Châu để làm giầu gia tài văn hóa của mình. Á Châu và Trung Đông là nguồn gốc của những tôn giáo vĩ đại nhất hoàn cầu và của một số những nền văn minh lâu đời nhất... Cuối cùng, chính sách ấy đã gây ấn tượng rất xấu trong dư luận ngoài Âu Châu. Những người không phải là da trắng coi nó nguyên tuyền chỉ là một sỉ nhục khiến cho mọi cố gắng có tính xây dựng của các Ủy Ban Liên sắc tộc trên thế giới khó lòng đạt kết quả.

Về chiến tranh Việt-Nam, Úc bắt đầu gửi 30 huấn luyện viên quân sự qua Việt-Nam tháng 7 năm 1962. Ba năm sau, thủ tướng Menzies cho Quốc Hội hay: theo yêu cầu của chính phủ VNCH, Úc sẽ gửi một tiểu đoàn bộ binh tới. Thực ra, tài liệu lịch sử cho thấy chính Úc đề nghị gửi quân qua và được Thủ Tướng Phan Huy Quát đồng ý. Nguyên Văn bức thư Thủ Tướng Phan Huy Quát gửi đại sứ H.D. Anderson: ’29 Tháng 4 năm 1965. Thưa Ông Đại sứ, Tôi muốn nhắc đến lá thư đề ngày hôm nay của Ông Đại Sứ xác nhận đề nghị của Chính Phủ Úc muốn gửi qua Việt-Nam một tiểu đoàn bộ binh 800 người, với khỏang 100 nhân viên yểm trợ, để phục vụ dưới quyền điều động của quân lực Mỹ trong công việc giúp phòng thủ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi xin xác nhận việc chính phủ tôi chấp nhận đề nghị trên và yêu cầu gửi lực lượng ấy qua Việt-Nam trên căn bản mà chúng ta đã thảo luận. Thành thực kính chào Ông Đại sứ. Phan Huy Quát.’ (chỉ được công bố tại Quốc Hội Liên Bang tháng 8 năm 1971). Chính trong thời gian tham chiến tại Việt-Nam, cái ý niệm lòng ái quốc như một sẵn sàng ‘hy sinh tối hậu’ trong chiến tranh đã bị thách thức, cụ thể hóa trong việc từ chối đăng ký làm ‘nghĩa vụ quốc gia’ (national service). Nhưng đó là chuyện sau này, còn lúc đầu, sự can dự vào chiến tranh Việt-Nam được dư luận nói chung ủng hộ. Và nhờ thế, sau cuộc viếng thăm Mỹ của Thủ Tướng Harold Holt tháng 6-7 năm 1966 và nhất là cuộc thăm Úc của Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tháng 10 cùng năm, đảng Tự Do đã thắng cử vẻ vang trong cuộc bầu cử tháng 11 năm đó.

Trong thập niên 1960, ta thấy có sự lớn mạnh trong tinh thần quốc gia của người Thổ Dân cũng như trong ý thức của người da trắng về chính sách chẳng mấy tốt đẹp của chính phủ đối với lớp dân này. Trong cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên đếm người Thổ Dân trong các cuộc điều tra dân số (census) và có nên trao cho chính phủ quyền được xử lý các vấn đề Thổ Dân hay không, con số ủng hộ lên đến 89.34% cho thấy rõ đã có sự thay dổi thái độ, ít nhất tại các thủ phủ phía Nam và phía Đông. Phong trào đòi bình đẳng cho người Thổ dân được sự ủng hộ ngày một gia tăng nơi các sinh viên và một số nhà cấp tiến như tiểu thuyết gia Frank Hardy, tiếp theo là phong trào đòi quyền đất đai. Cuộc đình công năm 1966 của người Gurindji chống lại công ty đa quốc Vestey của Anh về lương bổng và điều kiện làm việc tồi tệ và sau đó là việc họ chiếm lại mảnh đất truyền thống của họ tại Wave Hill, Bắc Úc đã trở thành vụ kiện có tính quốc gia mà mãi đến đời chính phủ Whitlam mới giải quyết xong qua việc chính phủ nhìn nhận chủ quyền của họ vào năm 1975. Người Thổ Dân còn làm mọi người ngưỡng phục, khi Lionel Rose, một Thổ Dân quê Victoria đánh bại Harada của Nhật ngày 27 tháng 2 năm 1968 tại Tokyo để trở thành vô địch thế giới quyền Anh hạng nhẹ. Anh được diễn hành vẻ vang qua các đường phố Melbourne và được bầu làm Người Úc của Năm 1969. Thái độ người Úc da trắng quả đã thay đổi rất lớn vậy.

Thập niên 1960 cũng là thập niên phát triển rực rỡ của khóag sản Úc tại hai tiểu bang Tây Úc và Queensland khiến người Úc rất tin tưởng vào tương lai của họ. Chính niềm tin tưởng ấy đã giúp Thủ Tướng John Grey Gorton, người kế vị Harold Hold bị chết đuối năm 1967, thành công trong việc cứu công ty bảo hiểm MLC khỏi rơi vào tay ngoại quốc. Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Harold Holt trong việc sáng lập ra Hội Đồng Nghệ Thuật Úc Châu sau này đổi thành Hội Đồng Úc Châu (Australia Council). Cơ quan Bảo Tồn Úc Châu (Australian Conservation Foundation) cũng được thành lập trong thời gian này (năm 1965) mà hành động nổi nhất là chiến dịch cứu Hồ Pedder của Tasmania để gìn giữ gia tài quốc gia.

XII. Một nước Úc mới

Đầu thập niên 1970, tinh thần quốc gia Úc đi vào một bước ngoặt quan trọng, họ mơ ước một nước Úc độc lập về quốc phòng và chính sách ngoại giao, độc lập về kinh tế, xã hội và văn hóa. Sau này, khi nền kinh tế của họ suy giảm do ảnh hưởng chung quốc tế cũng như tranh chấp chính trị, thì tinh thần quốc gia chủ yếu chú trọng đến các khía cạnh xã hội và văn hóa, với việc đề cao các khuôn mặt có đặc điểm Úc rõ rệt.

Đây là lúc đảng Lao Động vượt lên nắm ưu thế bằng cuộc thắng cử vẻ vang của Gough Whitlam tháng 12 năm 1972, sau hơn 20 năm cầm quyền của liên minh Tự Do. Chính phủ Lao Động, với Al Grassby làm Tổng trưởng Di trú, đã một mặt tạo ra nhiều chính sách tích cực đối với di dân tới Úc, mặt khác còn tha thiết kêu mời những hiền tài Úc trở về phục vụ quê hương. Con số những hiền tài bỏ nước ra đi khá đông kể từ những năm 1940 đến 1960, một phần vì tính cách cô lập và dân số ít oi của Úc, một phần cũng vì thái độ đàn áp và bảo thủ đối với các tư tưởng độc lập và sự đa phức về văn hóa. Ngày 9 tháng 7 năm 1973, Al Grassby cho công bố lời kêu gọi 250,000 người Úc trở về ‘xây dựng đất nước’.

Như trên đã nói, chính phủ Whitlam công nhận chủ quyền đất đai của người Gurindji vào năm 1975. Dịp này, thủ tướng Whitlam tuyên bố rằng ‘bổn phận của Úc đối với người Thổ Dân không kết thúc với duy một hành động này tại Wattie Creek’. Phúc trình của chánh án Woodward thuộc Ủy Ban Hoàng Gia Điều Tra Về Thổ Quyền, mà dựa vào đó chính phủ Lao Động soạn thảo ra luật lệ, đã đề nghị ra các nguyên tắc tạo ra thổ quyền (land rights), bao gồm cả việc nhìn nhận rằng ‘ngay từ ngày đầu của năm 1788, toàn bộ Úc Châu đã được người Thổ Dân của xứ này chiếm giữ’. Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tham khảo người Thổ Dân ở mọi giai đoạn và cho rằng sự đền bù thích đáng nhất cho người Thổ Dân là đất đai, chứ không phải tiền mặt, dù phải dành ngân khỏa giúp họ biết xử dụng đất đai.

Riêng đối với phụ nữ, năm Quốc Tế Phụ Nữ 1975 là cơ hội cho họ thách thức cách người ta quen dùng hình ảnh nam giới để tiêu biểu cho Úc. Miriam Dixon, trong The Real Matilda (1976), cho hay người ta cứ ngỡ trong bài gần như quốc ca này có đề cập đến người đàn bà tên Matilda, nhưng thực ra không phải, ‘Waltzing Matilda’ chỉ có nghĩa là ‘khăn gói quả mướp’ (carrying a swag) mà ‘khăn gói quả mướp’ vốn là bị gậy của anh chàng swagman... Chẳng lạ gì, phụ nữ không khi nào có tên trong đền thờ thần minh Úc, dù trong cái đền thờ ấy có cả một con vật, con Phar Lap của Melbourne Cup! Và bà kêu gọi: Đấy là dĩ vãng, ‘nay là 1975, ta cần phải giải quỉ (exorcise) những bóng ma quá khứ’.

Lá phiếu sắc tộc cũng bắt đầu có giá trị. Chính phủ Fraser tiếp tục chính sách đa văn hóa của chính phủ Whitlam và đã thiết lập ủy ban điều tra xem có cần một đài truyền thanh và truyền hình sắc tộc hay không. Thế là năm 1980, ra đời Cơ Quan Độc Lập Truyền Thanh Truyền Hình Đa Văn Hóa (IMBC) với một đài truyền hình riêng. Cơ quan này sau đổi thành Vụ Truyền Thanh Truyền Hình Đặc Biệt (SBS).

Tuy nhiên, biến cố đáng ghi nhận nhất trong giai đoạn này là ngày 11 tháng 11 năm 1975, Tổng Toàn Quyền John Kerr bãi nhiệm chính phủ Whitlam và trao quyền cho Malcolm Fraser thành lập tân chính phủ. Người thì coi đó như một cú đảo chính theo hiến pháp, oan uổng loại bỏ một chính phủ chiếm đa số phiếu tại Hạ Viện, kẻ lại coi đó như việc cần thiết phải làm để loại bỏ một chính phủ quá coi thường trật tự cổ truyền. Dù sao, khủng hoảng trên đã thúc đẩy hơn nữa phong trào đòi thành lập nền cộng hòa Úc, loại bỏ cái ông tổng toàn quyền đại diện Nữ Hoàng Anh. Tháng 12 năm 1976, cuộc thăm dò của Age-Sydney Morning Herald cho thấy 39% dân Úc muốn có nền cộng hòa. Ba tháng sau, cuộc thăm dò của National Times và của Four Corners tiết lộ 58% ‘không cần Nữ hoàng’, và điều lý thú hơn nữa là 39% trong số ấy vốn bỏ phiếu cho Tự Do. Tâm thức chung coi là ’sỉ nhục khi nguyên thủ quốc gia không phải là người Úc’ (Geoffrey Dutton, Republican Australia? Melbourne, Sun Books, 1977).

Tâm thức chống sự hiện diện quá lộ liễu của Mỹ trên đất Úc cũng xuất hiện mạnh mẽ trong thời gian này. Nhà hí họa Patrick Cook của National Times vẽ khá nhiều hình châm biếm đối với các căn cứ quân sự Mỹ như Pine Gap (Bắc Úc), Nurrungar (Nam Úc) và North West Cape (Tây Úc). Việc Lễ Hội Moomba của Melbourne bầu Mickey Mouse, một sản phẩm California, làm Vua đã gây phẫn nộ nơi nhiều người.

XIII. Thời đại quốc tế

Mặc cảm nhược tiểu thực ra khá sâu nặng trong tâm thức quốc gia của người Úc. Vì nhu cầu quốc phòng cũng có mà vì nhu cầu phát triển kinh tế cũng có, họ buộc phải ‘trung thành’ với mẫu quốc Anh trước đây thế nào, thì giờ đây, họ phải ‘đồng minh’ với Mỹ thế ấy. Nhưng có lúc nào họ vượt lên trên được Mỹ, thì cái sảng khóai thật là lớn lao. Đó là tháng 9 lịch sử 1983, khi Australia II của Úc thắng Liberty của Mỹ và đoạt giải American Cup sau 132 năm tranh đua. Thủ tướng Bob Hawke, miệng cười toe toét, mình mặc chiếc áo in đầy chữ Australia II, tuyên bố đây là ‘một trong những giây phút vĩ đại nhất trong lịch sử Úc’. Cũng một cái lối quá đáng ấy đã xẩy ra chỉ vài tháng sau khi đội Úc thắng đội Thụy Điển trên sân Kooyong để đoạt giải quần vợt Davis Cup. Suốt trận đấu, Bob Hawke ngồi ngay phía sau sân chính để khích lệ John Fitzgerald. Cầu thủ này cho hay: ‘ai cũng biết ông ấy yêu nước xiết bao. Tôi thấy ông la hét cổ võ giống hệt mọi người và điều đó quả là khích lệ...’

Tinh thần Úc lên cao. Có cả chiến dịch muốn thay mầu cờ quốc gia. Người Úc phân rẽ giữa các mầu cổ truyền đỏ, trắng, dương và mầu thể thao xanh, vàng. Trong khi đó, với Lao Động lãnh đạo Liên Bang và bốn Tiểu Bang, các chức tước hiệp sĩ cổ truyền cũng như các huân chương đế quốc tự nhiên biến mất, nhường chỗ cho Huân Chương Úc (Order of Australia). Việc nghiên cứu học hỏi về Úc đi vào chiều sâu: các sản phẩm sáng tạo Úc trong tất cả các bộ môn nghệ thuật phổ thông đều được nâng đỡ, và việc học hỏi về Úc Châu trong các học đường và đại học được tăng cường, rồi Hiệp Hội Nghiên Cứu Úc (Australian Studies Association) ra đời năm 1983.

Về di trú, sau hơn 3 thập niên với những đợt di dân lớn từ Âu Châu, từ Thái Bình Dương, từ Trung Đông và từ Á Châu, xã hội Úc có một sắc thái đa dạng rõ rệt. Dù một số di dân và con cái họ bị kỳ thị tại học đường cũng như tại nơi làm việc, phần đông cảm thấy càng ngày càng thoải mái với quê hương mới. Tại các phố thị, nhiều thức ăn mới và nhiều sinh hoạt văn hóa khác nhau cho thấy một khía cạnh sáng tạo của diễn trình hội nhập cả về phía xã hội lẫn người mới tới. Quan trọng hơn nữa là các cuộc hôn nhân qua lại giữa các nhóm sắc tộc khác nhau. Người ta không biết nên gọi đó là ‘cái lò nung chẩy’ (melting pot) hay chính sách đa văn hóa hoặc nửa chừng là‘chính sách văn hóa nung chẩy’ (melticulturalism, nhái multiculturalism). Tài liệu của Giáo sư Charles Price, một nhà dân số học, cho thấy trong cuộc tổng kiểm tra dân số năm 1986, bốn phần năm những người trả lời câu hỏi về tổ tiên ghi rõ gốc gác tổ tiên mình là Anh, là Ý, là Trung Hoa, v.v... còn lại một phần năm (gần 3 triệu) chỉ ghi đơn giản là ‘Úc’, trong số này hết 85 phần trăm là người Úc thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư hoặc muộn hơn. Như thế có ít nhất 30 phần trăm những người thuộc thế hệ thứ ba và muộn hơn coi tổ tiên mình giản đơn chỉ là Úc, không hẳn vì họ nguyên tuyền là người Úc cho bằng vì họ không biết phải trả lời sao cho đúng, khi tổ tiên họ thuộc nhiều sắc tộc khác nhau: ông Tầu, bà có thể là Ái Nhĩ Lan. Điều ấy, theo Charles Price, nói lên tính cách ‘lò nung chẩy’ nhiều hơn. Và ngày nay, cái từ người Úc, do đó, vừa có nghĩa do nguồn gốc sắc tộc và tổ tiên cũng có mà do sinh ra ở đây, được giáo dục và hấp thụ văn hóa ở đây cũng có. Chính vì vậy có người đặt câu hỏi không biết nên mừng năm 1988 như thế nào cho phải đạo! Mừng nó như mừng một đất nước đơn nhất (unity) hay mừng một đất nước đa phức (diversity), mừng một bản sắc hay mừng một phi bản sắc (identiy or non-identity), mừng sự giống nhau hay mừng sự khác nhau (commonnality or difference). Craig McGregor đã thắc mắc như thế trên Sydney Herald Morning ngày 7 tháng 10 năm 1985. Riêng người Thổ Dân thay vì mừng năm 1988, họ lại đặt vấn đề một thỏa ước với kẻ xâm lăng. Tháng 6 năm 1988, Galarrwuy Yunupingu trình cho Thủ Tướng Hawke Bản Yêu Sách Của Thổ Dân Barunga (Barunga Statement of Aboriginal Claims) xác nhận người Thổ Dân chưa bao giờ từ bỏ quyền sở hữu đất đai của mình, và cũng chưa có ai lấy đi cách hợp pháp đất đai ấy của họ, do đó đòi một thỏa ước nhìn nhận người Thổ Dân như các chủ nhân đầu hết của mảnh đất này.

Dù vậy, ngày 26 tháng 1 năm 1988, một quang cảnh hùng vĩ cũng vẫn đã xẩy ra chung quanh Sydney Harbour với 2 triệu người tham dự. Dù chẳng mấy thích Sydney, Melbourne Sun đã nhận xét như sau về ngày hội Lữơng Bách Niên: ‘Quả là một ngày ấm áp và đầy kỷ niệm tuyệt vời; ngày của chia sẻ. Ngày của lịch sử’. Tất nhiên, ngày ấy cũng là ngày của phản kháng: 20,000 người gồm da đen lẫn da trắng diễn hành từ Redfern Oval tới Hyde Park để ‘ủng hộ cuộc đấu tranh của Thổ Dân dành hòa bình, công lý và tự do’. Cuộc tranh đấu ấy có kết quả. Tháng 8 năm 1988, đa số tại Quốc Hội Liên Bang nhìn nhận người Thổ Dân là các chủ nhân ông đầu hết của Úc Châu. Và Ayers Rock hay Uluru đã thay thế Lodon như một thứ ‘thánh địa’ cần phải viếng thăm, vì leo cái núi ấy không phải chỉ có ý nghĩa một thành tích thể lý mà thôi, mà còn là một nghi thức vượt qua mang ý nghĩa xã hội và cả tâm linh nữa (National Times, 20-26/06/1988).

Cuộc tranh đấu của Thổ Dân, tuy thế, vẫn còn phải tiếp diễn. Và không ai trong số họ đã thực hiện được bước nhẩy vọt lớn lao bằng Cathy Freeman. Hình như đầu óc thực tiễn của những người thuộc dòng Anglo chỉ chịu khuất phục trước những thành tích cụ thể của dân bản xứ. Nên họ đã phải để cho Cathy trương cờ Thổ Dân tại Vận Động Hội Thịnh Vượng Chung và nhất là đã để cô châm ngọn lửa Thế Vận Sydney 2000. Hơn thế nữa, cả nước Úc đã dừng lại để chiêm ngưỡng người con gái Thổ Dân này đoạt huy chương vàng chạy bộ. Chiến thắng của cô, như báo chí loan tin, không phải chỉ là chiến thắng thể thao, mà là biểu hiệu của một nước Úc đoàn kết. Thập niên 90 đã mang người chủ đầu hết của nước Úc gần lại tâm trí các cư dân khác nhiều lắm, tuy lời xin lỗi chính thức từ lớp sau thì mãi những năm đầu của thế kỷ 21, ông Kevin Rudd, tân thủ tướng, mới đại diện mọi người nói l ên.

Kết luận

Ở Úc cũng như ở các quốc gia khác, trong hai thế kỷ qua, tinh thần quốc gia mang nhiều sắc thái địa phương và đặc thù dưới những đổi thay lịch sử vô tiền khoáng hậu. Trong một xứ mới lập cư trên thế giới như Úc, nơi người xâm nhập từ bên kia bờ đại dương đến ‘đẩy lui’ (displaced) cư dân nguyên thủy, thì diễn trình tạo quốc chẳng may lại là việc bứng gốc và gồm đủ thứ ‘thống nhất hóa’. Các ý niệm và chủ đề quốc gia được truyền bá qua truyền thông bất chấp hai thực tế trái ngược, đó là các ảnh hưởng quốc tế hóa và đồng nhất hóa của lối sống hiện đại và các kinh nghiệm khác nhau người ta có về giai cấp, địa phương, phái tính và sắc tộc. Tinh thần quốc gia Úc vào cuối thế kỷ thứ 19 được quảng bá quanh 6 thuộc địa nhờ điện tín, xe lửa và tầu thủy chạy bằng hơi nước, đồng thời nối kết Úc với Đế Quốc Anh và được kích thích bởi nỗi sợ bị xâm lăng. Từ 1914, mối liên kết với Đế Quốc được đóng ấn bằng máu của ‘tinh thần quốc gia viễn chinh’ qua những thảm sát tại Gallipoli và Somme trong Thế Chiến I. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 20, người Úc vừa nhìn ra khơi, nguồn gốc của phần đa số dân họ vừa nhìn vào đất liền, nguồn gốc của những người Úc đầu tiên. Đa số không còn thấy mảnh đất này xa lạ nữa cũng như không còn nhìn người Thổ Dân bằng con mắt ngạo mạn cũng như sợ sệt nữa. Người Thổ Dân cũng thế, họ đã từ khước chấp nhận cái địa vị phụ thuộc ngay trên mảnh đất của mình.

Tuy thế trong cái nghịch lý của thời hậu thuộc địa, một số hình thức tinh thần quốc gia trở nên mạnh mẽ hơn. Người Úc trở nên hăng say hơn với tình thần quốc gia về phương diện xã hội và văn hóa, liên hệ đến thể thao, lễ lạc và quảng cáo. Còn tinh thần quốc gia về chính trị và kinh tế xem ra không mạnh bằng. Họ thấy khó có thể bỏ qua mà không theo các chính sách ngoại giao của các cường quốc cũng như quyền kiểm soát kinh tế ngày càng lớn của ngoại quốc. Ngày nay, ‘cái vùng đất nâu bao la’ và ‘cái xứ nắng cháy’ này sẵn sàng trở thành chỗ cho những chiếc xe hơi do người Nhật, người Mỹ làm chủ quảng cáo. Có người tự hỏi: phải chăng cái tinh thần quốc gia cổ điển không còn nữa, thay thế vào đó phải chăng là một trật tự thế giới mới?

• Đọc phần (1) & (2)

Tài liệu: Stephen Alomes và Catherine Jones, Australian Nationalism, Angus & Robertson, 1991.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.07.2008. 00:21