Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nguy cơ coi thường bí tích Thánh Thể

§ Lại Thế Lãng

Là người Công giáo thì ai cũng đều biết sau lời truyền phép của linh mục thì bánh trở nên Mình và rượu trở nên Máu Chúa Kitô. Biết vì được dạy như vậy nhưng tin thì có người tin nhiều, có người tin ít, thậm chí còn có người ngờ vực nữa là đàng khác.

Tôi nhớ một dịp chuẩn bị cho một số em trong cộng đoàn xưng tôi để được rước lễ lần đầu. Khi đó một linh mục người Mỹ đợc Đức Giám Mục địa phận chỉ định trông coi cộng đoàn, cha Francis Holland, là người sẽ giải tội cho các em hôm đó. Cha đã cho mời cha mẹ của tất cả các em đến gặp gỡ và nói chuyện trước khi ngài ngồi tòa giải tội cho các em.

Trước mặt đông đủ cha mẹ của các em xưng tôi ngày hôm đó cha nói: ngày nay người ta có khuynh hướng coi thường bí tích Thánh Thể và đó thật là điều tệ hại. Cha nói cha mẹ cần phải chấn chỉnh niềm tin để chính mình vững tin và giúp cho con em vững tin vào bí tích Thánh Thể. Ngài nhấn mạnh cha mẹ cần luôn nhắc nhở cho con cái nhớ mỗi khi rước lễ là rước chính Chúa Kitô vào trong lòng.

Thật ra thì cũng không dễ dàng gì khi giải thích bí tích Thánh Thể. Dưới con mắt của mọi người thì trước và sau khi linh mục đọc lời truyền phép tấm bánh vẫn là tấm bánh, rượu vẫn là tượu. Không có gì thay đổi cả.

Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm vượt qua trí hiểu của con người cho nên không thể nhìn bằng con mắt xác thịt mà phải nhìn bằng con mắt đức tin. Người có con mắt đức tin là người tin tưởng tuyệt đối vào lời Chúa mà chẳng cần quan sát hay suy luận. “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Khi còn ở thế gian Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Chúa Giêsu cũng đã nói với đám đông dân chúng “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong ngừời ấy” (Ga 6:56). Và để thực hiện hai điều hứa trên, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể.

Trong bữa ăn với các môn đệ trước khi tự nộp mình để chịu tử hình Chúa Giêsu bẻ bánh trao cho các ông và nói “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26:26) và Người cũng trao chén rượu cho các ông và nói “Tất cả anh em hãy uống chén này vì đây là máu Thầy” (Mt 26: 27-28).

Bí tích Thánh Thể đã được thiết lập kể từ ngày đó. Sau Chúa Giêsu, các linh mục là đại diện của Chúa Giêsu được ban cho đặc quyền khi đọc lại lời truyền xưa thì bánh trở thành thịt và rượu trở nên máu của chính Chúa Kitô.

Để hiểu được mầu nhiệm bí tích Thánh Thể như trên đã nói, phải dùng con mắt tâm linh, phải có đức tin mạnh mẽ. Tuy vậy cũng có khi chỉ bằng con mắt xác thịt, con người cũng có thể nhìn thấy bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu sau lời truyền phép của linh mục. Đó là những phép lạ Thánh Thể đã xẩy ra ở nhiều nơi trước sự chứng kiến của nhiều người và đã được xác minh bởi những nhà khoa học.

Sách báo đã viết không ít về những phép lạ liên quan đến bí tích Thánh Thể. Ở đây chỉ xin đựơc nhắc laị phép lạ đã xẩy ra tại Lanciano thuộc vùng Frentania nước Ý. Phép lạ này tuy xẩy ra từ thế kỷ thứ 8 nhưng các cuộc nghiên cứu cho đến cách đây không lâu lắm, năm 1971 cũng vẫn cho thấy khoa học không thể bác bỏ được.

Câu chuyện xẩy ra trong ngôi nhà thờ bé nhỏ kính thánh Legonziano ở Lanciano. Một đan sĩ Dòng Thánh Basilio, trong lúc cử hành thánh lễ, sau khi đọc lời truyền phép, bỗng cha thấy thoáng một chút hoài nghi về sự hiện diện đích thực của Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu bên trong hình bánh và rượu. Vậy là, trong phút chốc, tấm bánh trắng trong tay cha đã biến thành một miếng Thịt sống, và rượu trong chén thánh đã trở nên Máu tươi dưới dạng 5 cục đông đặc lớn nhỏ khác nhau. Mãi cho đến hôm nay, những gì xẩy ra ngày hôm đó vẫn còn được lưu giữ trọn vẹn và hàng ngày đã thu hút người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng Mình Máu Thánh Chúa. Dưới đây xin được ghi lại một phần bài viết của linh mục Jean Derobert nói về những cuộc nghiên cứu liên quan đến phép lạ Lanciano được trích đăng trên danchuausa.net ngày 18-6-2006 để cùng suy nghĩ.

Lanciano2.jpg

“Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều biên bản giám định đã được tiến hành bởi các Đấng Bản quyền trong Hội Thánh, đặc biệt, của Đức Hồng Y Rodriguez vào ngày 17.2.1574, của Đức Giám Mục Phó của Giáo Phận năm 1637, của Đức Hồng Y Gervasone năm 1770, và của Đức Hồng Y Petrarca ngày 26.10.1886.

Ngày 18.11.1970, được Đấng Bản Quyền cho phép, các Tu Sĩ Phan-xi-cô đã ủy thác Di Tích Thánh cho một nhóm các nhà khoa học cùng tiến hành phân tích, đứng đầu là giáo sư Odoardo Linoli chuyên về giải phẫu cơ thể, bệnh lý các mô, hóa học và lâm sàng. Ngoài ra còn có sự cộng tác của giáo sư Ruggero Bertelli của Trường Đại Học Sienna.

Ngày 4.3.1971, ngay trong Nhà Thờ Thánh Phan-xi-cô, giáo sư Linoli đã tổ chức một hội nghị trình bày các kết quả nghiên cứu trước các vị Bề Trên Dòng cũng như chức sắc dân sự, cả các vị đại diện ngành văn hóa và y khoa. Các phân tích đã được minh họa bởi một bộ ảnh chụp bằng ống kính hiển vi. Và các kết luận sau đó đã được đăng tải trên rất nhiều tạp chí khoa học khắp thế giới như sau:

- Đây là thịt và máu thật sự.

- Cả thịt và máu đều thuộc về cùng một cơ thể con người.

- Cả thịt và máu đều thuộc vào nhóm máu AB.

- Phần máu cho thấy đây là máu của một con người hiện tại, ngay ngày hôm nay, chứ không phải là đã được lưu giữ 12 thế kỷ trước.

- Phần thịt cho thấy đây là một thớ thịt thuộc phần cơ của quả tim.

- Không hề có dấu hiệu nào cho thấy có một chút liên quan gì đến các dung dịch dùng để ướp xác.

- Các thớ thịt cho thấy không hề có một bàn tay nào đã giải phẩu và lấy ra từ một con người. Phần máu cũng không hề được rút ra từ một xác chết, nếu không, nó đã bị biến chất, phân hủy và thối rữa.

- Các hàm lượng chất prô-tê-in chứa trong máu đều bình thường.

- Một số chất đã được tìm ra trong máu gồm có: clo-rua, phốt-pho, ma-nhê, na-tri và can-xi.

- Việc bảo quản các Di Tích Thánh trong tình trạng tự nhiên trong suốt nhiều thế kỷ, mà không bị ảnh hưởng một chút gì bởi các tác nhân vật lý, khí hậu và sinh học, quả là một hiện tượng khoa học không thể nào giải thích nổi.

Tiếp sau bản báo cáo gây xúc động của giáo sư Linoli, đại diện tối cao của tổ chức OMS ( Organisation Mondiale de la Santé ) của Liên Hiệp Quốc đã thành lập một hội đồng khoa học để kiểm chứng lại những kết luận nói trên. Công việc kéo dài trong 15 tháng với tất cả 500 thí nghiệm. Các kết luận đều giống nhau. Các Di Tích Thánh ở thành Lanciano không thể được coi như một thứ xác ướp. Người ta không thể giải thích tại sao và như thế nào mà các Di Tích Thánh này lại được lưu giữ trong suốt 12 thế kỷ mà không hề có một phương tiện bảo tồn khoa học nào.

Về tình trạng của mẩu Thịt, Hội Đồng đã mạnh dạn công bố rằng: đây là một thớ thịt tươi nguyên bởi nó có thể nhanh chóng đáp ứng trước mọi nghiên cứu lâm sàng như đối với những cơ phận sống của một con người”.

Bằng vào lời Chúa trong kinh thánh và bằng vào những phép lạ nhãn tiền liên quan đến Thánh Thể mà dấu tích vẫn còn lưu lại cho đến ngày hôm nay nếu ai còn chưa vững tin vào bí tích Thánh Thể thì qủa thật là qúa cứng lòng. Vững tin vào bí tích Thánh Thể nhưng niềm tin ấy cần phải thấm nhập vào trong tim óc để rồi thể hiện ra ngoài từ trong cách suy nghĩ, nói năng cho đến hành động, cách xử thế… chứ không chỉ tin bằng môi miệng. Người có niềm tin vững chắc khi rước lễ thì tin thật có Chúa ngự trong lòng sẽ không giữ trong đầu óc những ý nghĩ đen tối, không ăn nói điêu ngoa, không gian dối, không lừa bịp người khác …

Khi còn nhỏ tôi thường được bà nội nhắc nhở rằng rước lễ là rước Chúa vào lòng. Khi có Chúa ở trong lòng thì phải giữ gìn không được làm điều gì mất lòng Chúa. Bà tôi cũng nói khi đã có Chúa ở bên mình thì phải biết nhân cơ hội đó mà cầu xin. Bà tôi nói gỉa dụ như một ngày nào đó có vị hoàng đế ghé thăm nhà mình thì làm sao mình không nhân dịp may mắn đó để ngỏ ý xin hoàng đế ban cho một ân huệ. Cũng vậy sau khi rước lễ nghĩa là đang có Chúa ở ngay bên cạnh tại sao lại không biết giãi bày cùng Chúa những điều chất chứa ở trong lòng để xin Chúa giúp. Bà tôi nói mỗi buổi sáng được rước lễ thì ngày hôm đó bà không còn sợ bất cứ điều gì. Bà tôi tin rằng dù có gặp hiểm nguy thì Chúa cũng che chở.

Tôi tin bí tích Thánh Thể nhưng có lẽ đức tin của tôi chưa mạnh như bà tôi để có thể cảm nhận được cách rõ rệt như bà tôi đã cảm nhận. Tuy nhiên có một điều tôi biết chắc chắn là mỗi khi qùi trước Mình Thánh Chúa thì tôi cảm thấy thật bình an, tất cả những lo lắng, ưu tư, phiền muộn đều tan biến hết.

Tại giáo xứ Saint Mark nơi tôi đang ở là một trong hai giáo xứ của địa phận được phép thiết lập một phòng riêng biệt đặt Mình Thánh Chúa cho giáo dân có thể lui tới kính viếng bất cứ lúc nào. Phòng này mở cửa 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Từ khi được thành lập giáo dân đã ghi tên thay phiên nhau đến chầu Mình Thánh Chúa trong 1 giờ vào ngày và giờ nhất định trong tuần. Và như vậy là không có giờ nào, ngày nào mà không có người đến chầu Mình Thánh Chúa. Nhiều người thường nghi ngờ lòng đạo đức của người Mỹ nhưng trong suốt hơn 5 năm qua tôi đã nhìn thấy tận mắt bất kể những ngày thời tiết thuận lợi hay những ngày giá buốt và ngay cả bão tuyết trong mùa đông, lúc nào ít nhất cũng có một chiếc xe đậu trước cửa phòng nghĩa là không có lúc nào không có người chầu Mình Thánh Chúa.

Hiện tại tôi chưa thể sắp xếp để ghi danh chầu Minh Thánh Chúa trong 1 giờ vào một ngày, giờ nhất định mà chỉ đến viếng Mình Thánh Chúa mỗi khi có thể. Mỗi lần bước vào phòng đặt Mình Thánh Chúa và sau khi cánh cửa đã đựợc khép lại tôi có cảm tưởng như mình đang sống ở một thế giới khác. Có lúc tôi thấy trong phòng có đến cả chục người nhưng căn phòng hoàn toàn vắng lặng, mọi người đều âm thầm cầu nguyện. Qùi trước Mình Thánh Chúa có khi tôi lần hạt, có khi tôi giãi bày với Chúa như tâm sự với một người bạn, cũng có khi tôi chẳng lần hạt hay giãi bày gì cả mà chỉ qùi thinh lặng và chiêm ngắm Mình Thánh Chúa đặt trong mặt nhật. Nhưng dù với cách nào khi ra về tôi cũng cảm thấy tâm hồn thật thanh thản và thấy yêu mến Mình Thánh Chúa hơn.

Thường ở Mỹ giáo dân đi lễ không đông lắm nhưng trong thánh lễ hầu như cả nhà thờ đều lên rước lễ, hoạ hoằn mới có người không. Ngược lại ở Việt Nam giáo dân đi lễ thật đông nhưng lại có nhiều người không rước lễ. Tình trạng này khiến nhiều linh mục đã phải lên tiếng nhắc nhở giáo dân rằng đi lễ mà không rước lễ chẳng khác nào đi dư đại tiệc mà lại không chịu ăn uống gì.

Tuy nhiên lời mời gọi này phải được hiểu là chỉ muốn nhắn gửi đến những người có đủ điều kiện rước lễ nghĩa là không mắc tội trọng. Đối với những người đang mắc tội trọng thì không nên rước lễ vì như thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã cảnh cáo “bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa (1Côrintô, 11:27). Rước lễ đang khi mắc tội trọng chẳng khác gì “…ăn và uống án phạt mình” (1Côritô, 11:29). Để xứng đáng rước Mình Máu Thánh Chúa phải có đủ ba điều kiện: không mắc tội trọng, có ý ngay lành và giữ chay 1 giờ trước lúc rước lễ.

Nhân Lễ Mình Máu Chúa 2008

Lại Thế Lãng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.05.2008. 02:06