Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người trong cuộc kể chuyện về TT Ngô Đình Diệm

§ Lữ Giang

VietCatholic News (Thứ Bảy 23/10/2004 14:30)

Người trong cuộc kể chuyện

Người Việt quốc gia bỏ chạy khỏi miền Bắc đã 50 năm và bỏ chạy khỏi miền Nam cũng đã gần 30 năm. Những sự uất hận và xúc động cũng đã bắt đầu lắng xuống dần. Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: “Tại sao ta thua?”

Ít ai dám trả lời một cách thẳng thắn câu hỏi này. Câu trả lời phổ thông nhất lại “tại Tây bỏ” rồi sau đó “tại Mỹ bỏ”! Đa số chỉ tìm cách che đậy hay biện minh cho những sai lầm của mình. Cách che đậy và biện minh phổ biến nhất là viết phịa sử!

Đặc biệt, từ khi xẩy ra biến cố Phật giáo năm 1963 đến nay, một khối phịa sử khổng lồ đã được tung ra trên thị trường, tưởng có thể đánh lừa được dư luận, nhất là những thế hệ mai sau. Nhưng Emile Zola đã từng nói: “La vérité est en marche, rien ne peut plus l’arrêter”. Chân lý đang tiến bước, không có gì có thể làm nó ngưng lại được!

Ngoài những tài liệu trong văn khố của Hòa Kỳ, nhiều nhân chứng và các tài liệu khác đang nói lên những sự thật lịch sử hoàn toàn trái với phịa sử.

Một chuyện nhỏ như chuyện Bảo Đại đưa ông Ngô Đình Diệm về làm Thủ Tướng năm 1954, cũng đã được thêu dệt thành những chuyện hoang đường khó có thể tưởng tượng nổi. Trong cuốn “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”, những người viết hồi ký cho Đỗ Mậu đã phịa ra rằng sở dĩ ông Diệm được Bảo Đại đưa về nước làm Thủ Tướng năm 1954 vì ba lý do sau đây: (1) Áp lực của Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dullus, (2) sự can thiệp mạnh mẽ của Đức Hồng Y Spellman và (3) chính sách của Phong Trào Cộng Hòa Bình Dân Thiên Chúa Giáo Pháp (tr. 89). Các “sử gia” Phật giáo khác cũng đã viết theo lối rập khuôn như thế hết bài này qua bài khác, sách này qua sách khác. Mục đích của sự gán ghép đầy ác ý này là gì, mọi người đã quá rõ.

Nhưng các tài liệu mật của Hoa Kỳ đã công bố trong thời gian gần đây cho thấy Mỹ và Pháp chẳng những không muốn đưa ông Diệm về mà còn chống đối rất mạnh mẽ. Như chúng tôi đã trình bày, ngày 13.6.1954, Tổng Ủy Viên Dejean của Pháp đã đến gặp Đại Sứ McClintock của Mỹ tại Đông Dương lúc đó và nói rằng ông Diệm quá nông cạn, cứng rắn, xa rời thực tế và trong sạch nên không thể thành lập một chính phủ hữu hiệu được. Ngày 15.6.1954, Đại Sứ McClintock lại gặp Dejean và Tướng Ély. Họ đều không hy vọng ông Diệm có thể lập được một chính phủ đoàn kết quốc gia. Đại Sứ McClintock muốn Bảo Đại từ chức và trao quyền cho Hội Đồng Phụ Chính. Cũng không có bắng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y Spellman và Phong Trào Cộng Hòa Bình Dân Thiên Chúa Giáo Pháp đã can thiệp vào vụ này. Hôm nay, chúng ta lại có thêm một bằng chứng cụ thể nữa cho thấy sự thật hoàn toàn khác xa với những điều mà các nhà viết phịa sử đã sáng chế ra.

Nhân kỷ niêm 50 năm ngày ông Điệm trở về chấp chánh, ông Tôn Thất Thiện, Giáo sư trường Đại Học Vạn Hạnh của Phật Giáo và là một Phật tử thuần thành, đã làm việc với ông Diệm trước khi ông Điệm được đưa về nước làm Thủ Tướng cho đến ngày ông Diệm bị giết, đã viết một bài dưới đầu đề Cụ Diệm ở Paris 1953 - 1954”, tường thuật lại khá tỷ mỹ những điều mắt thấy tai nghe chuyện Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ Tướng năm 1954 mà ông là một trong những nhân chứng. Xin mời độc giả đọc toàn văn bài “Cụ Diệm ở Paris 1953 - 1954” của Giáo Sư Tôn Thất Thiện:

I.- TÔI THÀNH “CẬN THẦN CỦA ÔNG DIỆM”

Tôi viết bài này theo lời yêu cầu của một số anh em muốn biết về giai đoạn Cụ Diệm ta ở Pháp, mà những người “cận thần” của Cụ lúc đó - cách nay đã trên 50 năm --, mới thỏa mản ý nguyện này được. Tôi là một trong những người đó. Thật ra thì tôi chỉ biết một số chi tiết, nhưng nay tôi là một trong những người rất ít còn sống sót mà họ biết có thể xếp vào hạng “cận thần Ông Diệm ở Paris” được. Có thể là do một sự tình cờ của số kiếp hay lịch sử, có thể là kết quả của một sự tìm kiếm kéo dài hơn 18 năm -- từ năm 1935. Năm đó, tôi mới 11 tuổi. Nhưng đó là năm mà lần đầu tôi nghe nói đến “Cụ Ngô Đình Diệm”. Trong trường hợp như dưới đây.

Năm 1933, thân phụ tôi đang làm Tổng Đốc Thanh Hoá, thì được lệnh chuyển về Huế để giữ chức Thượng Thơ Bộ Công kiêm Bộ Lễ. Theo lệ Triều Đình Huế hồi đó, một vị Thương Thơ được quyền có một người hầu có học thức, thuộc về một gia đình Nho sĩ, nhưng không đỗ đạt. Người được chỉ định hầu thân phụ tôi là một người tên Thuyên. Anh em tôi gọi ông ta là “Cậu Giáo Thuyên”. Tôi không biết Họ ông, tôi chỉ biết ông là người làng Mậu Tài, thuộc Huyện Hương Trà. Danh xưng “Cậu Giáo”này đúng, vì ông Thuyên không những biết chữ Hán và chữ Quốc ngữ, mà lại hiểu biết nhiều chuyện, và là một người, hiếm có thời đó, đọc báo hàng ngày.

Cũng theo lệ của Triều Đình Huế, mùa hè, mỗi lúc mà Hoàng Đế (lúc đó là Bảo Đại) đi nghỉ mát ở Đà Lạt, thì các Thượng Thơ phải thay phiên nhau đi Đà Lạt để chầu Vua hai tuần hay một tháng gì đó. Trong thời gian mà thân phụ tôi đi vắng lâu ngày như vậy, ông giao anh em chúng tôi cho Câu Giáo Thuyên trông coi. Nhờ đó mà chúng tôi, tuy tuổi còn non, nhưng được biết về những sự việc xảy ra trong nước và thế giới, nhờ mỗi tối được Cậu Giáo Thuyên kể cho nghe tin tức mà ông đọc trong báo hàng ngày. Tôi còn nhớ rõ ông kể cho tôi nghe tin quân Đức vào chiếm vùng Sarre, Đức chiếm Tiệp khắc, Chiến Tranh Thế Giới II bùng nổ, quân Đức tiến đến đâu v.v... Nhưng điều mà tôi nhớ kỹ hơn cả là một đêm mùa hè năm 1935 ông đề cập đến “Cụ Ngô Đình Diệm” một cách rất kính cẩn và khâm phục, và nói cho tôi biết ông ấy là ai.

Trong thời gian tôi học Trung học, từ năm 1936 đến năm 1944, tôi không bận trí gì về chính trị vì tôi chỉ lo học, nhưng tên “Ngô Đình Diệm” là tên của nhân vật chính trị đầu tiên, và duy nhất, mà tôi biết đến, ngay cả trước khi tôi nghe nói đến Cụ Phan Bội Châu (vào năm 1940). Năm 1943, tôi bị Mật Thám Pháp làm lôi thôi vì ông, nhưng lúc đó tôi không biết. Tôi sẽ kể chi tiết về việc này ở đoạn sau. Còn Nguyễn Ái Quốc và những tên khác thì đến năm 1945 tôi mới nghe nói đến. Trong trí tôi, tên “Ngô Đình Diệm” vẫn chiếm hàng đầu danh sách các nhân vật chính trị cho đến khi tôi sang Âu Châu tiếp tục việc học năm 1947.

Trong thời gian học ở Âu Châu, bắt đầu từ năm 1950, như nhiều thanh niên khác, có vấn đề lựa chọn giữa hai Chính Phủ Bảo Đại và Hồ Chí Minh, hoặc không lựa chọn Chính Phủ nào cả, đứng vào thế lưỡng lự, trung lập. Người Pháp bực bội gọi những người này là “attentistes, (“kẻ đợi chờ”). Đây là một danh từ mà tôi cho là đúng, đúng hơn danh từ “trùm chăn” mà một số người Việt dùng để gọi những người tuyên bố “không theo bên nào cả”. Những người “attentistes” đợi chờ một giải pháp, thích hợp hơn, đem lại độc lập mà không mang theo cộng sản. Trong chính trị, một giải pháp là một tên, một người xứng đáng làm lãnh tụ, chủ trương giải pháp đó. Vì vậy những người “attentistes” không thể “trùm chăn” được, mà phải ngẩng đầu lên hoài hoài để xem có thấy ai đủ điều kiện đó không. Riêng tôi, người đó xuất hiện năm 1953. Ông mang tên Ngô Đình Diệm. Và tôi được gặp ông lần đầu ở Paris, vào mùa Thu năm đó.

1.- Cụ Diệm đến Pháp, 1950:

Để hiểu rõ tại sao sự gặp gỡ lại xảy ra lúc đó, cần nhắc rằng cuối năm 1949, Cụ Diệm khước từ lời của Cựu Hoàng Bảo Đại mời ông làm Thủ Tướng vì ông cho rằng Hiệp Định mà Cựu Hoàng vừa ký với Pháp (Hiệp Định Elysées) không mang lại độc lập thực sự cho Việt Nam, nhứt là về mặt ngoại giao. Sau đó, Ông nhận lời Đức cha Thục cùng với Đức cha đi một vòng thế giới nhân dịp Ông này đi dự một cuộc họp lớn của Giáo hội ở La Mã. Hai ông đi Nhật Bản, rồi từ đó sang Hoa Kỳ. Sau mấy tuần ở Hoa Kỳ, hai ông sang La Mã. Từ đó Đức cha Thục đi hành hương ở Tây Ban Nha, rồi về Việt Nam, còn Cụ Diệm thì đi Thụy sỹ và Pháp.

Trong thời gian ở Paris Cụ Diệm có dịp gặp lại bào đệ Ngô Đình Luyện và gia đình ông này. Ông cũng được cái vui gặp lại anh Võ Văn Hải, đã từng sát cánh Cụ trong những năm 1945-1949. Ngoài ra, một sở thích của Cụ là đi quan sát Paris, và viếng các nhà thờ lớn. Cụ toàn đi bộ, đến nỗi viên mật thám có nhiệm vụ theo giõi Cụ phải kêu trời rằng: “ông này điên rồi! ông muốn viếng hết Paris, mà toàn đi bộ!”. Tất nhiên Cụ cũng được nhiều người tìm gặp. Vì vậy mà nhà chức trách Pháp muốn mời Cụ ra khỏi Pháp.

Vừa lúc đó thì Cụ Diệm được tin Tu viện Maryknoll ở New York, mời Cụ làm nhân viên giảng dạy đặc biệt, nên Cụ lại trở sang Hoa Kỳ. Giữa năm 1953, Cụ lại đi Âu Châu, trú tại Tu viện (Bénédictin) Saint André ở Bruges, nước Bỉ (Belgique). Lý do của sự lựa chọn nước Bỉ là lúc đó những quyết định lớn về Việt Nam thường được lấy ở Paris, nhưng ở Paris thì gây ồn ào, và bị mật thám Pháp rình mò. Ở Bỉ có cái lợi là gần Paris, mà tránh được hai sự phiền phúc trên.

Mùa Thu năm 1953 tình hình Việt Nam sôi động, lôi theo sôi động tình hình chính trị Pháp. Và viễn ảnh điều đình để tái lập hoà hình được đồn đãi. Đặc biệt là có tiếng đồn là trong trường hợp hoà bình tái lập, Ông Ngô Đình Diệm sẽ là Thủ Tướng Việt Nam. Thật ra, thì đây cũng là thời gian mà Cựu Hoàng Bảo Đại bắt đầu tìm cách liên lạc với Ông Ngô Đình Luyện để “nối lại tình xưa” (vì lúc nhỏ, trước Chiến Tranh Thế Giới II, hai ông là bạn chơi với nhau ở Paris). Nhưng Ông Luyện thừa hiểu rằng nguời mà Cựu Hoàng muốn móc nối thực sự không phải là ông mà là Cụ Diệm. Về điểm này, tôi sẽ trình bày chi tiết trong đoạn sau.

Để theo dõi tình hình sát hơn, Cụ Diệm tất nhiên phải ở Paris, nơi tụ tập các chính khách Việt Nam, và cũng là nơi quyết định về Việt Nam - lúc đó đang bị Pháp chi phối -- Nhưng đồng thời muốn được kín đáo, ông không ở với Ông Luyện, ở Choisy, vùng ngoại ô Paris, mà ở với ông Tôn Thất Cẩn, ở vùng Gentilly, phía sau khu Học Xá Đại Học Paris. Ông Cẩn là con của Quận Vương Tôn Thất Hân, từng là Phụ Chính, rất thân với Cụ Ngô Đình Khả (người đã lén giúp Cụ Ngô Đình Khả trong thời gian Ông này khốn đốn vì bị tước hết chức vụ -- nghĩa là mất hết bổng lộc -- vì không chịu ký kiến nghị truất phế Vua Thành Thái). Chính ở đây mà tôi được hội kiến Cụ Diệm lần đầu trong đời tôi, trong những trường hợp như sau.

2.- Tiếp xúc với Cụ Diệm lần đầu, 1953:

Lúc đó tôi đang làm luận án ở Đại Học Genève. Thị xã này cách Paris chỉ có vàì giờ xe hoả nên vào các dịp nghỉ dài ngày, đặc biệt là về mùa hè, tôi thường đi Paris vui chơi với bạn bè. Một hôm, vào tháng 10, lúc buổi tối, tôi ngồi uống bia ở một quán cà phề ở khu Montparnasse với anh Trần Thuyên. Anh này là cựu học sinh trường Thiên Hựu, ở Huế. Trong những câu chuyện trao đổi, anh Thuyên kể cho tôi những chuyện xảy ra trong những năm 1945-1949. Anh nói nhiều về Cựu Hoàng Bảo Đại, nhưng nhiều hơn nữa về Cụ Diệm. Lúc đó tôi mới biết là anh ấy thân cận Cụ Diệm.

Trong lúc chuyện trò, anh ấy hỏi tôi: “Sao Thiện không tìm gặp Cụ Diệm?” Tôi dật mình, trả lời: “Biết Cụ ấy ở đâu mà gặp. Mà chắc chi Cụ ấy cho tui gặp!” Anh Thuyên nói: “Cho chớ! Hiện chừ Ông đang ở Paris. Để tui thu xếp cho. Qua ông Ngô Đình Luyện. Chiều mai, điện thoại cho Ông ấy. Số ni nì. Sáng mai tui sẽ điện thoại báo cho ông ấy biết trước”. Thế là chiều hôm sau tôi điện thoại cho ông Luyện. May gặp ông ngay. Và tôi nói anh Thuyên khuyên tôi làm như vậy. Ông ấy trả lời rất tử tế, và nói: “Ừ, để tui trình với Cụ”. Qua hai ngày sau, ông điện thoại lại khách sạn tôi, nói Cụ sẽ tiếp tôi ngày X giờ Z, tại địa chỉ Y.

Đúng ngày giờ tôi đến bấm chuông địa chỉ ông Luyện cho (ở Gentilly, như kể trên). Một người mà tôi không quen, nhưng biết, vì ông ấy là bạn học ở cùng nhà với một người anh tôi ở Paris trong những năm 1930-1936. Ông đó là ông Tôn Thất Cẩn (như đã nói đến ở trên). Ông đưa tôi vào phòng khách, nói vài lời xã giao, rồi kín đáo rút lui. Chừng 10 phút sau, Cụ Diệm trên lầu đi xuống, Ông mặc một bộ đồ màu nâu lạt, có gạch trắng, má hồng hào, đi dáng khoẻ. Ông vui vẻ bắt tay tôi, và nói ông xin lỗi vì để tôi phải chờ, nhưng Ông đang bận viết cho xong ngay một bức thơ quan trọng để đưa cho một người tối đó phải lên máy bay về Sài Gòn cho kịp việc. Và không đợi tôi hỏi là chuyện chi, Ông giải thích đó là ông căn dặn một số người không nên bỏ phiếu đòi ra khỏi Liên Hiệp Pháp lúc đó.

Tưởng nên nhắc là tháng 10 năm 1953, ở Sài Gòn có một đại hội các đoàn thể chính trị, và một số chính khách và đoàn thể đòi Việt Nam ra khỏi Liên Hiệp Pháp, và chính quyết định này là lý do mà các chính giới Pháp dùng để lập luận rằng Việt Nam không còn là một thành phần của Liên Hiệp Pháp nữa nên Pháp không còn trách nhiệm bảo vệ Việt Nam, không còn lý do để tiếp tục hy sinh chiến đấu ở Việt Nam nữa, và phải điều đình với phe Cộng sản để chấm dứt chiến tranh và rút quân. Quyết định này dẫn đến những thăm dò về chấm dứt chiến tranh trong mấy tháng sau đó, đến Hội Nghị các Cường quốc về Đại Hàn vào tháng 4, 1954, và nhân dịp đó bàn về vấn đề Đông dương luôn, nghĩa là Hội nghị Genève 1954 đưa đến đình chiến, và chia đôi Việt Nam.

Trở lại Cụ Diệm và tôi. Khởi đầu, Cụ nói ngay rằng lúc ở Bình Thuận thân phụ tôi xử mấy cái án “đàng hoàng lắm” (Cụ Diệm là người thay thế thân phụ tôi ở chức Tuần Vũ Bình Thuận/Phan Thiết lúc thân phụ tôi được chuyển về làm Phủ Doãn Thừa Thiên, năm 1929). Tôi đoán đó là một cách Cụ Diệm thông tin cho người đối thoại là Ông ấy coi mình là bạn. Sau này, làm việc với Cụ Diệm nhiều, tôi thấy tôi đoán như vậy là đúng.

Phần tôi thì tôi nói: “Thưa Cụ tôi đã nghe tiếng Cụ lâu rồi, từ hồi còn nhỏ, mà nay mới được gặp Cụ, nên lấy làm hân hoan lắm”. Ông đáp lại: “Tui cũng biết anh từ lâu rồi. Hồi đó tui hỏi ông (Tạ Quang) Bửu trong nhóm thanh niên có ai khá không, thì ông ấy có nói tới anh”. Đây tôi mới nhớ lại là tháng 3 năm 1943, lúc Pháp vây bắt Ông Diệm và cho rình Nhà Ga Huế thì tôi lại ra Ga đợi ông Bửu đi cưới vợ ở Hà Nội về. Có một người mật thám thấy tôi lảng vảng ở Ga bèn đến hỏi giấy tờ tôi. Tôi chẳng hiểu vì sao. Nhưng có chuyện cãi qua cãi lại vì, là học sinh, tôi chẳng có giấy tờ gì cả. Tôi chỉ khai là tôi là học sinh trường Thiên Hựu, và ông ấy có thể kiểm điểm dễ dàng. Lúc đó ông mới để tôi yên. Mãi sau này tôi mới hiểu rằng tôi bị làm lôi thôi vì bị nghi là dính líu với Cụ Diệm.

Cụ Diệm tiếp tôi vào khoảng một giờ. Trong thời gian đó, ông giảng cho tôi nghe tình hình quốc tế, và nói: mình may mắn hơn Tàu, vì họ ở Đài Loan không có hy vọng lấy lại được Lục Địa, trong khi mình có nhiều may mắn hơn. Ông cũng kể về những năm Ông phải nghỉ việc, Ông dành thì giờ nghiên cứu thuyết cộng sản, đọc sách, trồng hoa (hoa sở thích của Ông là Hoa Hồng). Ông muốn một thể chế tối thiểu ngang với Dominion” như các Dominion Anh. “Dominion” là danh từ chính Ông dùng. Ông không nói gì về thể chế tương lai của Việt Nam, nhưng căn cứ trên lý lịch và khuôn khổ gia đình, và cách Ông cư xử với Cựu Hoàng Bảo Đại, tôi đoán rằng thể chế mà Cụ thích là thể chế quân chủ lập hiến.

Ở đây tôi xin mở một dấu ngoặc để nói rằng lúc Ông được bổ nhiệm làm Thủ Tướng, rất ít người biết rõ về Ông, và lúc tôi dùng những chi tiết Ông cho viết một bài gởi về Việt Nam qua ông Ahon, đại diện Việt Tấn Xã ở Paris, với tít: “Ông Ngô Đình Diệm là ai?”. Đó là tài liệu đầu tiên nói về Ông, và được các báo đăng tải rất rộng rãi. Trước khi từ giã Cụ Diệm, tôi hỏi Ông, Ông khuyên những người trẻ như tôi phải làm gì. Ông nói: “Các anh nên vô làm việc trong các cơ quan đi, để lấy kinh nghiệm sau ni mà làm việc”. Tôi thấy đây là một lời khuyên hơi lạ, vì xu hướng “attentiste” khá phổ cập nói trên trong giới thanh niên, và muốn làm việc với một Chính phủ thì phải lựa giữa Chính phủ Bảo Đại - lúc đó đang bị nhiều người cho là “theo Pháp” --, hoặc Chính phủ Hồ Chí Minh - lúc đó đang ở trong rừng, mà lại là cộng sản --. Nhưng nghĩ kỹ thì có lý, vì muốn làm được việc thì phải có kinh nghiệm về hành chánh/tổ chức, mà muốn có kinh nghiệm đó thì phải làm việc trong các cơ quan chánh phủ. Tôi cho là đúng vì vào thời gian đó tôi được đọc một phỏng vấn của một chính khách cộng sản Pháp nói: nên tham gia chính phủ, vì ở trong chính phủ mới được đọc hồ sơ và hiểu tình hình; ông ta biết như vậy nhờ ông đã tham gia Chính phủ Liên hịệp của de Gaulle lúc de Gaulle cầm quyền sau Chiến Tranh Thế Giới II. Điều này giúp tôi sau này hiểu tại sao Cụ Diệm lại tin dùng những người như ông Nguyễn Ngọc Thơ và công chức cao cấp các thời trước, kể các thời Pháp.

Tôi từ giã Cụ Diệm với một niềm thiện cảm và tin tưởng hơn.

3.- Tiếp xúc lần thứ hai, 1954:

Trên đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của tôi với Cụ Diệm. Cuộc tiếp xúc thứ hai dài hơn, và cũng có hậu quả dài hơn. Đó là vào tháng 6 năm 1954, nhân dịp Hội Nghị Genève, lúc Ông được bổ nhiệm Thủ Tướng, đang ở Paris, và tôi được gọi làm tùy viên báo chí cho Ông. Sự viêc xảy ra như sau.

Vào mùa hè 1953, Cựu Hoàng Bảo Đại ngõ ý muốn gặp Ông Luyện, qua trung gian. Nhưng Ông Luyện thoái thác. Như vậy đến 4 lần. Nhưng cuối cùng, vào tháng 3 năm 1954 Ông nhận lời. Tất nhiên là Cựu Hoàng muốn gặp Ông Luyện không phải để nhắc chuyện xưa giữa hai người, mà thực sự, để nhắn mời Ông Diệm ra chấp chánh. Để những vụ gặp gỡ Ông Luyện có vẻ tự nhiên, Cựu Hoàng bổ nhiệm Ông Luyện làm Quan sát viên riêng của Ngài tại Genève, trong lúc các nước đang họp.

Lúc đó tôi đang ở Genève, như đã kể trên. Một hôm một người bạn học tìm gặp tôi. Người bạn đó là Trần Tế Dương, sau này làm Tổng Giám Đốc Ngoại Thương một thời gian, lúc Cụ Diệm cầm quyền. Trần Tế Dương là bạn học cùng trường, cùng lớp với tôi trước ở Trường Thiên Hựu, và Khải Định, Huế. Tôi thỉnh thoảng gặp anh ta ở Paris, nhưng tôi không biết rằng sau Paris anh qua học ở Genève, vì anh ta học ban khác và Trường khác. Lúc ở Paris, anh ta cho tôi biết là anh ta có liên hệ với Bác sỹ Phan Quang Đán, nhưng lúc đó, 1953, anh ủng hộ Ông Diệm. Do vậy mà anh ấy có qua lại với ông Luyện. Và anh tìm tôi để nói ông Luyện cần một người giúp việc thạo tiếng Anh, và ông muốn mời tôi hợp tác. Tất nhiên là tôi nhận lời ngay, và một hai ngày sau gì đó, anh Dương dẫn tôi đến gặp ông Luyện

Như tôi đã kể ở trên, tôi đã có liên lạc với Ông Luyện năm trước, lúc xin hội kiến Cụ Diệm, nhưng chỉ qua điện thoại. Nay gặp mặt trực tiếp, tôi thấy Ông là người vui vẻ, cỡi mở, giản dị, rất dễ chịu. Và cuộc hội kiến mở đầu cho một sự hợp tác lâu dài và rất thoải mái cho tôi. Nó lại là mối dây dẫn tôi đến tư thế một người “cận thần của Cụ Diệm”.

Lúc Hội nghị Genève đang họp và có vẻ gây cấn thì có tin Nôi Các Pháp Joseph Laniel bị đổ. Đó là ngày 12 tháng 6, 1954. Ngày hôm sau, có tin Ông Mendès France được đề cử thay thế Ông Laniel. Ông Mendès France có tiếng là chống chiến tranh Đông Dương. Và trong tuyên bố trước Quốc Hội Pháp Ông cam kết sẽ đem lại hoà bình trước ngày 20 tháng 7. Lúc đó cũng bắt đầu có những tin đồn về Việt Nam sẽ bị chia.

Chính phủ Laniel, mà Tổng Trưởng Ngoại Giao là Georges Bidault, được coi như một chính phủ thân thiện với Cựu Hoàng. Ông Mendès France thì ngược lại. Cho nên thay đổi trong Chính phủ Pháp tất nhiên kéo theo thay đổi về phiá Việt Nam. Vì vậy không lạ gì mà ngày 13 tháng 6 cũng có tin rằng Ông Diệm được Cựu Hoàng chọn làm Thủ Tướng mới của Việt Nam, thay thế Hoàng Thân Bữu Lộc. Nhưng đến ngày 18-6-1954 Cựu Hoàng mới ký Chỉ dụ chính thức bổ nhiệm Ông Diệm làm Thủ tướng. Về những chi tiết dẫn đến sự Cựu Hoàng bổ nhiệm Ông Ngô Đình Diệm tôi đã có kể trong môt bài báo viết từ lâu, và đăng lại dưới đây. (Xin xem Phần II)

Lúc đó tôi đang ở Genève, và có tới lui với Phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Genève. Ngày 19 hay 20 tháng 6, tôi không nhớ rõ, một người ở Phái đoàn, là Ông Bửu Kỉnh, điện thoại bảo tôi đến Phái Đoàn, có tin quan trọng. Khi tôi đến Ông Kỉnh cho tôi biết là “Paris kêu toa gấp đó”. Ông Kỉnh với tôi là chỗ thân tình, và khi nói chuyện với nhau “Paris” là Toà Cao Ủy Việt Nam (danh xưng Toà Đại Diện Việt Nam hồi đó, sau này là Toà Đại Sứ). Ông cũng là nhân viên Toà Cao Ủy và Phái đoàn Việt Nam ở Genève. Ông ghé tai tôi nói nhỏ: “Cụ Diệm kêu toa đó!”. Tôi cũng không biết rõ ai gọi, nhưng tôi đoán đó là Ông Luyện. Dù sao, tôi cũng biết là tôi phải đi Paris gấp. Ra cửa, gặp anh gác, một người tôi quen vì anh ta làm ở Paris khá lâu rồi, cúi nói nhỏ với tôi: “Này, Paris gọi ông gấp đó. Ông có tiền mua vé máy bay không, tôi cho mượn”.

Như vậy là ngày sau tôi đi xe hoả về Paris. (Lúc đó còn là sinh viên, nên tôi không nghĩ đến việc di chuyển bằng máy bay!) Đến Paris, tôi dò hỏi biết Cụ Diệm ở Khách sạn “Palais d’Orsay”. Đó là một khách sạn hạng sang, dành cho các nhân viên ngoại giao, ở gần Bộ Ngoại Giao Pháp, trên bờ sông Seine. Về chi phí tôi không biết ai đài thọ, nhưng tôi đoán là Toà Cao Ủy Việt Nam lo.

Tôi đến thì gặp anh Võ Văn Hải. Lúc đó tôi mới biết là anh Hải là người rất gần gũi Ông Diệm. Cũng như Trần Tế Dương, anh ấy là học trò cũ của Trường Thiên Hựu, Huế, nhưng anh học lớp trên tôi nên tôi không quen anh nhiều, và anh tuy cũng học ở Genève, nhưng học trường khác, nên tôi chỉ gặp có một hai lần. Rồi gặp Ông Luyện. Ông bảo tôi lo việc tiếp báo chí cho “Ông Cụ” vì Ông ấy bận lắm. Sau đó gặp anh Võ Lăng, anh của anh Hải. Ngoài tiếp liệu của Cụ Diệm, anh Lăng có trách nhiệm gì lúc đó tôi không rõ, nhưng sau này anh làm Chánh Văn phòng của Ông Luyện, và phụ trách đặc biệt về liên lạc với Văn phòng Ông Mendès France cùng phía Sứ quán Mỹ. Lúc đó quanh Cụ Diệm ở Khách sạn Palais d’Orsay tôi chỉ thường gặp có mấy người đã kể tên, cùng với Trần Tế Dương. Thế là tôi thành tùy viên báo chí của Ông Diệm, thuộc nhóm “cận thần của Thủ Tướng Diệm”, một chuyện tôi không hề nghĩ đến trước đó.

Ông Diệm được chính thức bổ nhiệm làm Thủ Tướng ngày 18/6, và ông rời Paris bay về Sài Gòn nhậm chức ngày 26/6. Trong thời gian 20 - 26/6 đó, Ông Diệm không bị báo chí phỏng vấn nhiều, một phần vì dư luận chú ý đến Chính phủ Mendès France và những biến chuyển ở Genève hơn, một phần vì Cụ Diệm chú tâm hơn vào việc tham khảo ý kiến của các giới. Tôi nhớ chỉ có một cuộc phỏng vấn do ông Stanley Karnow, của báo Time. Đây là cuộc phỏng vấn Cụ Diệm đầu tiên của ông ta. Sau cuộc phỏng vấn trực tiếp Cụ Diệm ông ta còn trở lại muốn hỏi thêm gì nữa, nhưng Cụ Diệm bận quá không tiếp ông ấy được, và ông Luyện bảo tôi lo việc này. Đây cũng là cuộc tiếp xúc đầu tiên của tôi với báo chí Mỹ. Sau này, năm 1990 lúc tôi viếng Wahsington, ông Karnow mời tôi ăn cơm, và vào dịp này đã đem ra một bài báo ông viết về cuộc phỏng vấn năm 1954 đó và cho tôi bản đó làm kỷ niệm.

Vì ít bận về báo chí, tôi có thì giờ quan sát, và theo dõi hoạt động của Cụ Diệm. Cụ tiếp khách liên miên, không ngớt, từ sáng đến tối, vì rất nhiều người, nhất là chính khách Việt Nam, muốn gặp Ông, và Ông cũng muốn có một cuộc thăm dò rộng rãi. Cứ đến chiều tối là Ông nhoài ra. Do đó, tôi không dám làm phiền xin gặp Ông. Nhưng có một hôm về chiều, anh Hải thấy Ông thong thả nên anh nói tôi “vô ông đi”, và anh vào báo cho Ông biết là có tôi chờ gặp Ông. Ông tiếp tôi rất thân mật. Trong buổi gặp mặt đó tôi nhớ tôi có nói với Ông môt điều mà tôi cho là rất quan trọng: chúng tôi, giới trẻ, rất ủng hộ Ông, nhưng vì chúng tôi trẻ, chúng tôi tính bộc trực, nên xin Ông chấp nhận: cho chúng tôi nói thẳng, nói thiệt với Ông; khi nào thấy gì không được thì Ông cho nói với Ông, và xin Ông đừng phiền. Ông nghe tôi nói vậy, tuy không trả lời, nhưng Ông vẫn vui vẻ; như vậy tỏ ra Ông không phiền gì về điều tôi nói.

Có một điều khá đặc biệt là tuy rằng Cụ Diệm làm việc, tiếp khách tại Khách sạn sang trọng Palais d’Orsay, ông không ngủ ở đó, và tối ông lại về ngủ ở một khách sạn tầm thường, loại “touriste” một sao, phòng không có phòng tắm riêng, Hotel de la Gare, ở gần Ga d’Austerlitz.

Ngày 26/6 là ngày Cụ Diệm ra sân bay Orly để lấy máy bay về nước nhậm chức và lập chính phủ. Ngày đó, tất nhiên sân bay rộn rịp, rất đông người đưa tiễn. Trong số đó có tôi. Trong số mấy “cận thần” Ông ở Paris, chỉ có anh Hải là đi với Ông. Riêng tôi thì ngày trước đó tôi có nhờ anh Hải hỏi Ông có muốn tôi về cùng với Ông không, và ông trả lời, qua anh Hải, rằng: lúc này chưa cần lắm, chưa biết tình hình ngả ngũ ra sao, hãy đợi một thời gian xem đã. Nhưng Ông cũng nhận diện được tôi, và bắt tay tôi nói mấy tiếng. Về Việt Nam cùng chuyến máy bay đó, ngoài anh Hải, tôi chỉ quen có ông Trần Chánh Thành, mà tôi có gặp đâu trước, có lẽ với Ông Luyện (sẽ làm Tổng Trưởng Thông Tin), ông Phạm Huy Cơ (về Việt Nam, ông không tham gia Chính phủ), ông Nguyễn Văn Thoại, (làm Tổng Trưởng Kế Hoạch, nhưng bỏ Chính phủ lúc đi dự Hội nghị Bandung). Còn mấy người khác thì tôi không được biết.

Sau khi Cụ Diệm rời Paris, tôi và các anh Võ Lăng và Trần Tế Dương theo Ông Luyện trở lại Genève, vì lúc này Ông Luyện là một nhân vật quan trọng, vì ông không những là Đại diện của Cựu Hoàng, mà lại là Đại diện của Thủ Tướng Diệm nữa. Và vì vậy, ông mở một văn phòng tại Genève, gần trụ sở Liên Hiệp Quốc. Tôi và mấy anh em kia tụ tập, làm việc ở đó, cho đến khi Hội nghị Genève kết thúc. Sau đó chúng tôi lại cùng nhau trở lại Paris, và Ông Luyện lại mở một văn phòng ở đó, với chức vụ Đại sứ lưu động. Và tôi làm việc với Ông Luyện ở Paris đến tháng 11 năm đó, đến khi tôi tháp tùng Ông về Sài Gòn nhân một chuyến công vụ của Ông, và lại “dính” Cụ Diệm lần nữa. Khi Ông Luyện trở lại Paris, Ông để tôi ở lại lo báo chí cho Thủ Tướng Diệm. Tôi “dính” Cụ Diệm cứng hơn, cho đến năm 1963, và có thể nói là đến ngày nay, là từ đó.

Một trong những chuyển biến quan trọng nhứt trong thời gian nói trên là sự kiện Cụ Ngô Đình Diệm đuợc Cựu Hoàng Bảo Đại mời làm Thủ Tướng giữa năm 1954, và Cụ nhận lời, sau nhiều điều đình, tất nhiên là mật, giữa hai người, qua trung gian của Ông Ngô Đình Luyện. Là một cộng sự viên gần gủi của Ông Luyện, tôi cũng được nghe phong phanh về những sự điều đình đó. Sau này nhân dịp tôi gặp Ông Luyện ở Paris, ông kể chi tiết về sự việc trên. Những chi tiết đó được đăng trong Phần II của bài này. Nó đã được đăng lại từ nguyệt san Việt Nam-Canada, số 37, ngày 1-10-1985, với vài sửa đổi nhỏ.

II.- ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM NHẬN LÀM THỦ TƯỚNG TRONG NHỮNG ĐIỀU KIỆN NÀO?

1.- Sự việc qua trình bày của Cựu Hoàng:

Trong suốt những năm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nắm chính quyền, Việt Cộng không ngớt la lối rằng Ông Diệm là “người của Mỹ”, do Mỹ lựa và đưa ra làm Thủ Tướng năm 1954.

Chính giới cũng như báo chí Pháp, vì khhông ưa thái độ độc lập của ông Diệm, cũng phụ hoạ theo luận điệu đó. Và ngay cả ở Mỹ, trong nhiều giới, nhất là báo chí, đại học thiên tả, cũng rêu rao như vậy, với mục đích làm giảm uy tín ông Diệm.

Có thể nói rằng có một huyền thoại “ông Diệm là người của Mỹ chọn”. Huyền thoại đó do cộng sản và các giới thiên cộng, thực dân tung ra và duy trì.

Nhưng sự thực ra sao?

Ông Diệm ra chấp chánh tháng 6 năm 1954, trong những điều kiện nào, tất nhiên chỉ có Cựu Hoàng Bảo Đại và ông Diệm biết rõ, vì hai người là đương sự.

Về phía Cựu Hoàng, trong Hồi ký “Le Dragon d’Annam” (1980, Paris, Plon) ông ta đã đề cập đến vấn đề đó như sau (trang 328-343):

Ngày 12 tháng 6, 1954 Chính phủ Laniel đổ. Ngày 14 tháng 6 Tổng Thống Coty bổ nhiệm Mendès France làm Thủ tướng. Lúc đó Bảo đại gọi tất cả các xu hướng chính trị và tinh thần đến Cannes, để hỏi ý kiến. Ông ta trình bày tình hình nguy cập ra sao và đề nghị thay ông Bữu Lộc bằng ông Ngô Đình Diệm. Cựu Hoàng ghi: “Tất cả đều chấp nhận đề nghị một cách sốt sắng”.

Sau ông ta gặp ông Dulles, Ngoại trưởng Hoa kỳ và báo cho ông này biết ý định của mình, rồi gọi ông Diệm, mời ông Diệm làm Thủ tướng.

Cựu Hoàng nói với ông Diệm: Mỗi lần tôi mời ông làm Thủ tướng, ông đều chối từ. Ngày nay, tình thế rất nguy cấp, xứ sở có thể bị cắt làm đôi. Ông phải đứng ra cầm đầu chính phủ.

Ông Diệm từ chối, nói rằng ông sắp vào nhà Dòng. Cựu Hoàng cố nài và kêu gọi tinh thần ái quốc của ông Diệm và nhấn mạnh nhu cầu cứu quốc.

Rốt cuộc ông Diệm trả lời: “Nếu vậy, tôi xin lãnh sứ mạng đó”.

Hồi ký của Cựu Hoàng ghi:

Ngay lúc đó tôi cầm tay ông ta, dẫn ông ta vào một phòng bên cạnh có thánh giá. Trước thánh giá, tôi nói:

Thượng Đế của ông đó. Ông thề trước thượng đế của ông rằng ông sẽ giữ vững lãnh thổ mà tôi giao cho ông. Ông sẽ chống cộng sản và nếu cần chống người Pháp để giữ lãnh thổ đó

Ông Diệm mặc niệm một lúc, rồi nhìn tôi, quay lại thánh giá, và nói:”tôi xin thề”. Bốn mươi tám giờ sau, ông Diệm lên đường về Sài Gòn nhậm chức. (18-6-1954). Trước khi lên đường tôi trao cho ông Diệm một chỉ dụ cho ông toàn quyền dân sự và quân sự.

Về cá nhân ông Diệm, Cựu Hoàng nói ông ta là người “khó tính” và mộ đạo, nhưng trong tình hình hiện tại không có ai là một bảo đảm chắc chắn nhất để chống Cộng sản. Ông ta thật là người của thời cuộc.

2.- Sự việc theo trình bày của Ông Luyện:

Về phía Ông Diệm, Ông ta bị ám sát năm 1963 nên không để lại Hồi ký. Nhưng may thay, bào đệ Ông, là ông Ngô Đình Luyện, cựu Đại sứ tại Anh, đã biết rất rõ về việc này, vì chính ông là trung gian giữa Cựu Hoàng Bảo Đại và Ông Diệm.

Trong một buổi gặp ông tại tư thất ông ở ngoại ô Paris mùa hè vừa qua (1984) ông đã bằng lòng kể cho tôi nghe về vụ điều đình giữa Cựu Hoàng và Cụ Diệm trong thời gian 1953-1954, với đầy đủ chi tiết. Nếu trước kia tôi chỉ biết qua loa về giai đoạn này, thì nay tôi có thể kể lại sự việc một cách đích xác hơn. Dưới đây tôi trình thuật nội dung những gì mà Đại sứ Luyện đã kể cho tôi nghe trong buổi hội ngộ nói trên.

Mùa Hè năm 1953, Cựu Hoàng ngỏ ý muốn gặp ông Luyện sau bao năm xa cách. Lúc đó ông Luyện ở vùng Choisy, ngoại ô Paris, còn Cựu Hoàng Bảo Đại thì ở Cannes, nhưng thường lên Paris. Ý muốn của Cựu Hoàng được chuyển cho ông Luyện qua Giáo sư Bữu Hội (lúc đó là một người gặp Cựu Hoàng thường và cũng là bạn của ông Luyện).

Lý do Cựu Hoàng đưa ra là để nhắc lại chuyện thời trẻ vì Ông ta và ông Luyện là bạn học, và bạn chơi đùa với nhau ở Paris lúc hai người đều khoảng 11-12 tuổi, và ở Paris lúc đó, vào khoảng năm 1930, ngoài ông Luyện, chung quanh Cựu Hoàng không có người Việt-Nam nào đồng tuổi để chơi.

Tuy Cựu Hoàng nhắn ông Luyện đến 4 lần (hai lần qua Giáo sư Bữu Hội), ông Luyện thối thoát. Tất nhiên ông Luyện nghĩ rằng Cựu Hoàng muốn gặp ông ta không phải chỉ muốn hàn thuyên về thời trẻ của hai ông, nhưng mà theo ông, muốn móc nối với Ông Diệm (mà có thể giữ kín đáo). Vì vậy, ông Luyện báo cho Ông Diệm biết sự kiện nói trên.

Ông Diệm rời Việt Nam năm 1950, qua Nhật, rồi sau đó qua Mỹ, ở tại Tu viện Maryknoll, ở New York. Mùa hè 1953 ông rời Mỹ qua Âu Châu để tiện theo dõi tình hình Việt Nam, lúc đó đang biến chuyển nhanh. Lúc đó, Ông tránh Paris và lựa Bruges (Bỉ) làm nơi tạm trú.

Được tin ông Luyện, Cụ Diệm hiểu rõ rằng Cựu Hoàng muốn bắt liên lạc với Ông với ý định mời Ông ra tham gia chính quyền, và Ông muốn xúc tiến việc này. Ông cho rằng, khác với nhiều lần trước mà Ông đã từ chối làm Thủ tướng, lúc này là lúc Ông phải ra gánh vác trách nhiệm để cứu nước. Vì vậy, Ông rời Bruges về Paris để tiện liên lạc và giao dịch. Ông ở Choisy với ông Luyên một thời gian, nhưng sau, để tránh dòm ngó (nhất là của Pháp), ông dọn đến nhà ông Tôn Thất Cẩn ở Gentilly, phía sau Khu Học Xá Đại Học Paris (Cité Universitaire de Paris).

Ông Diệm nóng lòng muốn xúc tiến cuộc gặp gỡ với Cựu Hoàng, nhưng ông Luyện hết sức can ngăn vì lúc đó, Hè 1953, về Việt Nam chưa làm được việc gì và Pháp sẽ ra sức phá Ông.

Lúc đó Cựu Hoàng cũng nóng gặp Ông Diệm, nên từ Cannes ông ta lên Paris, ở Khách sạn Plaza Athénée, và mỗi ngày phái ông Nguyễn Duy Quang (lúc đó là Bí thư cũa Ông) đi mời ông Luyện. Nguyễn Duy Quang hết sức năn nỉ ông Luyện vì sợ Cựu Hoàng cho là không làm tròn sứ mạng được giao phó. Cuối cùng ông Luyện nhận lời. Lúc đó là tháng 3 năm 1954, lúc Hội nghị Genève sắp khai mạc, và Việt Cộng bắt đầu tấn công Điện Biện Phủ.

3.- Cựu Hoàng muốn móc nối với Ông Diệm:

Trong một buổi gặp ông Luyện sau đó, Cựu Hoàng cho biết rằng, sau khi đi quan sát Genève, Ông ta thấy các ông Bữu Lộc và Nguyễn Quốc Định (Ngoại trưởng) không tin được. Vì vậy, Ông ta muốn có một người đáng tin cậy để theo dõi tình hình, và muốn ông Luyện đảm nhiệm trách nhiệm đó.

Ông Luyện, vì không muốn dính líu đến chính trị, và muốn tránh gây cảm tưởng là ông đi dò la 2 ông Lộc - Định, nên khước từ với lý do là chuyện ngoại giao đòi hỏi áo quần, phương tiện, những thứ mà ông không có. Nhưng vì tình xưa, nếu Cựu Hoàng nhờ ông chuyện riêng gì khác thì ông không giám từ chối. Ông cho đó là một câu nói hớ, và Cựu Hoàng vin vào đó để nhờ ông giúp cho Ông ta một việc riêng, là làm quan sát viên, đại diện riêng cho Ông. Do đó, ông Luyện phải nhận, và Cựu Hoàng ra lệnh cho Toà Cao Ủy Việt Nam phải lo phương tiện cho ông.

Với tư cách quan sát viên riêng của Cựu Hoàng, ông Luyện đi đi, về về Genève.

Một thời gian sau đó, ông Nguyễn Duy Quang điện thoại cho ông, nói Cựu Hoàng mời ông xuống Cannes. Khi đến nơi, thấy Cựu Hoàng đã ra lệnh cho ông Nguyễn Duy Quang sắp xếp nơi ăn chốn ở cho ông rất chu đáo. Thêm vào đó, Cựu Hoàng đích thân lái xe Sport riêng và dùng thuyền riêng của Hoàng hậu Nam Phương đưa ông đi chơi để tỏ ưu ái riêng của Cựu Hoàng đối với ông ta, chỉ dành riêng vinh dự đó cho ông ta.

Sau mấy lần như vậy, trong thời gian khoảng 4 tuần, một hôm Cựu Hoàng nói huỵch toạc với ông Luyện là chuyện quan sát viên không phải là chuyện chính, mà chuyện chính là tình hình Việt Nam.

Cựu Hoàng nói thẳng rằng: “Tout est foutu, bên nhà sắp tiêu rồi” (“Hỏng hết rồi) và từ năm trước Ông ta đã bỏ đi vì lý do đó. Nhưng Đại chiến thứ III sắp xảy ra, và những vũ khí kinh khủng sẽ được xử dụng. Mỹ đã cho Ông ta coi phim về hiệu quả của các vũ khí đó. Cộng sản sẽ tiêu hết. Nhưng sau khi Mỹ thắng, Việt Nam sẽ về ai? Cựu Hoàng muốn giữ ngôi Vua Việt Nam cho Họ Nguyễn. Vì vậy ông cần đến Họ Ngô. Ông muốn Ông Diệm “giữ ngôi đó cho nóng” (“garder au chaud”) cho đến lúc Ông về. Phải làm sao cho Việt Nam tồn tại cho đến lúc đó. Nhiệm vụ rất nguy hiểm, sinh mạng không được bảo đảm. Nó đòi hỏi một sự hy sinh rất lớn. Và chỉ có một mình Ông Diệm là làm được việc đó mà thôi.

Ông Luyện cũng thẳng thắn trả lời rằng ông không thấy vì sao mà ông anh ông sẽ ngu xuẩn đến nỗi nhảy vào cái “lỗ” (“un trou”) như vậy, vì hy vọng tồn tại mười phần chỉ có một. Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói rằng: sau này, lúc ở Genève, ông Nguyễn Hữu Châu, Phụ tá Ngoại trưởng Trần Văn Đổ, nói với tôi rằng việc bổ nhiệm Ông Diệm làm Thủ tướng lúc đó là “un coup vache” (“một đòn hiểm độc”) nhằm “couler” (“nhận chìm”) Ông Diệm.

Cựu Hoàng giải thích rằng Ông ta không yêu cầu ông Luyện thuyết phục Ông Diệm, mà chỉ yêu cầu ông chuyển đề nghị đó đến ông Diệm mà thôi.

4.- Thoả hiệp Bảo Đại-Ngô Dình Diệm ngày 16.6.1954:

Khi ông Luyện báo cáo với Cụ Diệm về đề nghị của Cựu Hoàng, Cụ Diệm muốn chấp nhận vì Ông nghĩ rằng tình hình xứ sở khẩn trương, càng đợi thì càng khẩn trương thêm, và Ông cần chấp nhận hy sinh để có hy vọng cứu nguy xứ sở. Nhưng ông Luyện nghĩ rằng cần có bảo đảm trước khi nhận, và muốn vậy, phải đòi Cựu Hoàng ký với Ông một thỏa hiệp trao cho Ông toàn quyền dân sự và quân sự.

Cựu Hoàng đồng ý. Ngược lại, Cựu Hoàng đòi Ông Diệm phải tự tay viết cho Ngài một bức thư bằng tiếng Pháp mà Ông ta sẽ xác nhận. Thêm vào đó, Cựu Hoàng đòi Ông Diệm phải hứa là bất cứ lúc nào cũng phải theo chỉ thị của Ngài.

Ông Diệm bằng lòng, và giao cho ông Luyện thảo bức thư đó. Theo lời ông Luyện, sự thảo bức thư này rất gay go, sau không biết bao nhiêu thì giờ và gói thuốc lá mới thảo xong. Trong thư đó, câu then chốt là: “Naturellement, je resterai prêt à tout instant à appliquer les sages Conseils de Sa Majesté” (“Tự nhiên, tôi sẽ luôn thi hành chỉ thị sáng suốt của Ngài” (Nhưng nếu chỉ thị đó không “sáng suốt” thì sao?)

Bức thư đó được Cựu Hoàng và ông Nguyễn Đệ (Đổng Lý Văn Phòng Đức Quốc Trưởng) và các cố vấn Việt và Pháp của Cựu Hoàng phân tích kỹ lưỡng. Mấy ông cố vấn của Cựu Hoàng không hài lòng cho lắm vì họ cho rằng câu nói trên đây không đủ bảo đảm và phải làm sao loại bỏ hoàn toàn nguy cơ Cựu Hoàng có thể bị truất phế.

Muốn vậy, lời lẽ bức thư phải phản ảnh thật rõ ràng tinh thần Ông Diệm, phải là lời của chính Ông Diệm thốt ra. Do đó, đoạn “les sages Conseils de Sa Majesté” được đổi ra: “la sainte Volonté de Sa Majesté”. Tiếng Việt là: “theo thánh ý của Ngài”. (Nhưng nếu ý của Ngài không “thánh” thì sao?)

Sau 3 ngày thảo luận, 2 bên chấp thuận một thỏa hiệp gồm 2 phần: 1/ Toàn quyền dân sự và quân sự; 2/ “Theo Thánh ý”. Đó là ngày 16.6.1954.

Sau này, vào tháng 4-5 năm 1955, lúc Cựu Hoàng bênh vực Bình-Xuyên và Giáo Phái, muốn tước toàn quyền dân sự của Ông Diệm bằng cách buộc Ông phải rời Sài Gòn đi Cannes (ngày 29-4-1955) và toàn quyền quân sự bằng cách bổ nhiệm Tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tham mưu trưởng với ý định lật đổ Cụ Diệm (ngày 30-4-1955), thoả hiệp Bảo Đại- Ngô Đình Diệm ngày 16-6-1954 coi như hết hiệu lực.

Ngày 18-10-1955 Cựu Hoàng cách chức Thủ tướng Ngô Đình Diệm, ngày 23 tháng 10-1955, một cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại, ngày 26-10-1955 Việt Nam Cộng Hoà được thành lập, với Ông Ngô Đình Diệm là Tổng Thống.

Tôn Thất Thiện

Ottawa, Tháng 10, 2004

Viết nhân dịp Lễ Tưởng Niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm

NHỮNG HẬU QUẢ TRÔNG THẤY

Đống phịa sử mà khối Phật Giáo Ấn Quang đang có và đang cố gắng tạo thêm, ít ra cũng đã đưa đến ba hậu quả nghiêm trọng mà chúng ta có thể thấy được:

Hậu quả thứ nhất: Phịa sử và sự đối kháng phịa sử đã tạo nên sự chia rẽ nghiêm trọng trong cộng đồng người Việt chống cộng, khi ở trong nước cũng như khi ra hải ngoại. Việt Cộng đã khai thác triệt để hiện tượng này bằng cách cho in lại các phịa sử đã viết tại hải ngoại và phổ biến trong nước, làm cho sự chia rẽ lan rộng xa hơn.

Hậu quả thứ hai: Alexander Pope đã từng nói: “Kẻ thốt ra một lời nói dối không tiên liệu trước cái việc mà họ dự định, vì phải nói dối hàng ngàn lần nữa để chống đối lời nói dối đầu tiên.”

Hậu quả thứ ba: Sự lãnh nhận liên tục những hậu quả của ác nghiệp: Theo quan niệm của đạo Phật, phịa sử là vọng ngữ, tức là ác nghiệp. Kinh Phật dạy: “Những kẻ tạo ác nghiệp nhất định phải cùng ác nghiệp đi đến khổ báo.” Do đó, trong hơn 40 năm qua, sự khổ đã theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe(Kinh Pháp Cú, câu 1 và 66). Trước khi rời cõi thế ở trại Hàm Tân, Thượng Tọa Thích Thiện Minh cũng đã trối lại: “Cái nghiệp mình tạo ra thì mình phải lãnh nhận cái quả”.

Muốn thoát khỏi những ác nghiệp đó, phải qua ba giai đoạn: Hoàn nghiệp, giải nghiệp rồi mới đoạn nghiệp. Khi mà nghiệp cũ chưa hoàn hết đã vội tạo ra nghiệp mới, rất khó giải nghiệp được!

Đại văn hào Voltaire của Pháp đã từng nói: “Le mauvais politique est celui qui ne sait que filer la carte, et qui tôt ou tard est reconnu.” Nhà chính trị vụng là người chỉ biết gian bài, chẳng sớm thì muộn cũng bại lộ.

Lữ Giang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.04.2006. 05:30