Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người Tin Lành Nhìn Về Ðức Mẹ

§ Ðức Khánh

Nguồn: nguoitinhuu.com

Mitch Finley
"Tổng quát, Tin Lành tạo nên một tôn giáo chỉ chú trọng đến nam giới. Sự quá đáng như thế đối chọi với Công Giáo bởi sự hiện diện của những đặc tính nữ giới liên quan đến Ðức Maria."

Ðã hơn 500 năm, người Công Giáo và Tin Lành bất đồng ý mãnh liệt về vai trò của Ðức Maria, mẹ Chúa Giêsu. Tin Lành cho rằng Công Giáo đã sai lầm khi coi Ðức Mẹ ngang hàng với Chúa Kitô. Nhưng Công Giáo lại cho rằng Tin Lành sai lầm khi khước từ vị trí xứng đáng của Ðức Maria là mẹ Ðấng Cứu Thế.

Lourdes.jpg

Trong cuốn sách mới xuất bản, A Protestant Look at Mary, Tiến Sĩ Charles Dickson, một mục sư Lutheran và học giả ở North Carolina, nhấn mạnh rằng việc sùng kính Ðức Maria phải là một phần của đức tin người Kitô hữu. Ông giải thích, "Ý niệm Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) được chính thức đưa ra bàn cãi trong Công Ðồng Êphêsô năm 431, dù rằng trước đó tước hiệu này đã được cộng đồng Kitô hữu hỗ trợ từ lâu."

Hai mươi năm sau, Công Ðồng Chalcedon tái xác nhận rằng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, và vào cuối thế kỷ thứ năm, việc sùng kính Ðức Maria được lan tràn khắp nơi.

Ðiều có thể làm kinh ngạc cả người Công Giáo lẫn Tin Lành ngày nay là Luther, người cải cách ở thế kỷ 16, nhấn mạnh rằng việc sùng kính Ðức Maria không phải là một vấn đề thứ yếu. Ông Dickson viết, "Luther nói về Ðức Maria như 'công trình của Thiên Chúa.' Ông đã lên tiếng trách cứ những người Tin Lành chống đối Ðức Maria như một hậu quả không thích hợp khi tranh chấp trong Giáo Hội."

Luther cũng tin ở việc cầu xin Ðức Maria phù giúp. Thí dụ, năm 1521 ông viết bài bình luận về kinh Magnificat, lời ca tụng Ðức Mẹ trong Phúc Âm theo Thánh Luca đoạn 1 câu 46-55, và gửi cho Hoàng Tử John Frederick, quận công vùng Saxonny. Luther đã dùng chính kinh Magnificat để giải thích tại sao một đức tin Kitô giáo trọn vẹn phải gồm việc sùng kính Ðức Maria. Ông viết, "Trinh Nữ Maria có ý nói rằng việc ca ngợi ngài được cất lên từ thế hệ này đến thế hệ kia, do đó sẽ không có quãng thời gian nào mà ngài không được ca ngợi."

Nhưng, Martin Luther e ngại rằng sẽ có những điều tin tưởng hay thực hành dẫn tới việc coi Ðức Maria ngang hàng với Ðức Kitô trong công việc cứu chuộc, là một điều thận trọng mà đạo Công Giáo cũng nhấn mạnh đến. Tuy nhiên, trong sự đồng ý hoàn toàn với thần học Công Giáo bây giờ và ngay cả khi ông còn sống, Luther thấy thích hợp để gọi Ðức Maria là "Nữ Vương Thiên Ðàng."

Tuy nhiên, vào lúc gần cuối đời, Luther đã phản ứng lại điều mà ông tin rằng quá đáng về việc sùng kính Ðức Maria của người Công Giáo. Ông nói, "Tôi chỉ có thể ao ước là việc 'tôn thờ' Ðức Maria sẽ bị hoàn toàn hủy bỏ chỉ vì sự lạm dụng." Trong khi đó, lời tuyên bố này không xóa tan đi thái độ tích cực của ông đối với Ðức Maria.

Ulrich Zwingli, một người cải cách Tin Lành khác, cũng ủng hộ việc sùng kính Ðức Maria qua sự bảo vệ việc đọc kinh Kính Mừng. Ông nói, "Càng yêu mến và tôn kính Ðức Kitô bao nhiêu thì càng phải kính mến Ðức Maria bấy nhiêu."

Như vậy, Martin Luther không muốn giảm vị thế của Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ. Chỉ trong những thế kỷ sau này người Tin Lành mới chống đối việc sùng kính Ðức Maria. Nhưng điều mà Công Ðồng Chalcedon tuyên bố về sự kết hợp tuyệt đối của thần tính và nhân tính trong Ðức Kitô thì đa số người Tin Lành cũng chỉ chú trọng đến thần tính của Ðức Kitô. Hậu quả là nhân tính của Ðức Giêsu bị coi thường và người mẹ nhân loại của Ngài, là Ðức Maria cũng không được coi trọng đúng mức.

Quan điểm xưa cũ của Tin Lành đưa đến hậu quả không những chỉ trên phương diện thần học mà còn tâm lý nữa. Mục sư Dickson nói, "Tổng quát, Tin Lành tạo nên một tôn giáo chỉ chú trọng đến nam giới. Sự quá đáng như thế đối chọi với Công Giáo bởi sự hiện diện của những đặc tính nữ giới liên quan đến Ðức Maria."

Ông Dickson nhận xét thêm rằng, nhiều người Tin Lành không ý thức rằng việc sùng kính Ðức Maria đã được lồng trong đức tin của họ trong chính những bài thánh ca mà họ ưa thích nhất. Việc họ hát nhiều đoạn trong kinh Magnificat chỉ là sơ khởi. Một câu trong bài hát Giáng Sinh cổ của người Pháp, thí dụ bài Angels We Have Heard On High, người Tin Lành cầu xin sự trợ giúp không những của Ðức Maria mà cả Thánh Giuse nữa.

"See Him in the manger laid
Whom the angels praise above
Mary, Joseph lend your aid
While we raise our heart in love."

(Chiêm ngắm Ngài nằm trong máng cỏ
Ðấng thiên thần ca tụng trên cao.
Lòng con yêu mến dạt dào
Xin Ðức Maria, Thánh Giuse hộ phù giúp con.)

Bài At the Cross Her Station Keeping được người Tin Lành đọc trong mùa Chay, ca tụng lòng tin của Ðức Maria và coi ngài như gương mẫu của tất cả Kitô hữu. Trong đó có một câu rất mạnh mẽ:

"Who on Christ's dear mother gazing
Pierced at anguish so amazing
Born of woman, would not weep?
Who, on Christ's dear mother thingking
Such a cup of sorrow drinking.
Would not share her sorrow deep?

(Nhìn Mẹ Ðức Kitô buồn sầu thống khổ
Là loài người ai chẳng lệ rơi?
Nghĩ đến Mẹ ngậm ngùi chén đắng
Lẽ nào ta chẳng chia vơi?)

Thật vậy, qua những bài thánh ca, nhiều người Tin Lành đã chấp nhận những điều mà người Công Giáo tin về Ðức Maria. Mục sư Dickson nhận xét, "Ðã đến lúc phải ngừng tranh luận về sự khác biệt và bắt đầu hân hoan với những gì chúng ta có chung."

Nhưng mục sư Dickson không chỉ ngừng ở việc chấp nhận Ðức Maria. Ông tin rằng, các nhà thờ Tin Lành phải tiếp nhận việc cử hành những ngày lễ Ðức Maria của Giáo Hội Công Giáo. Ngày Sinh Nhật Ðức Maria (8 tháng Chín), Lễ Dâng Ðức Mẹ (21 tháng Mười Một), Lễ Truyền Tin (25 tháng Ba), Ðức Mẹ Ði Viếng Bà Thánh Isave (31 tháng Năm), và lễ Hiển Linh (2 tháng Hai) tất cả đều có nền tảng trên Phúc Âm. Vì những ngày lễ này, có nguồn gốc xa xưa, hướng chúng ta đến Chúa Kitô, người Tin Lành không có lý do gì mà không cử hành những lễ này cùng với người Công Giáo.

Tuy nhiên, mục sư Dickson công nhận rằng ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám) là một trường hợp đặc biệt đối với người Tin Lành. Người Tin Lành cho rằng nguồn mạc khải chỉ có một, là Phúc Âm. Ông giải thích "Vì trong Tin Mừng không có đoạn nào đề cập đến việc Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nên người Tin Lành thấy rằng họ không thể chấp nhận bất cứ giáo huấn nào nói rằng Thiên Chúa đưa Ðức Trinh Nữ Maria lên trời."

Tuy nhiên, mục sư Dickson yêu cầu người Tin Lành phải sáng suốt. Ông nhận xét rằng ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã có từ thế kỷ thứ tư, khi Thánh Germanus của thành Constantinople viết về Ðức Maria: "Thân xác tinh tuyền của ngài thì thánh thiện toàn vẹn, tinh khiết toàn vẹn, thật sự là nơi Thiên Chúa ngự." Ngay cả Martin Luther cũng gồm ngày lễ này trong danh sách những ngày lễ phụng vụ mà "người Tin Lành phải giữ một cách liên tục và thứ tự."

Mục sư Dickson nói rõ, khi người Tin Lành khước từ lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời thì họ đã không nhận ra điều mà các nhà thần học gọi là hai nguồn hiều biết: sự mạc khải và lý lẽ. Ông nhấn mạnh rằng, "Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời phải được suy nghĩ lại để quyết định trong nghi thức của người Tin Lành, bởi vì nó được dựa trên lý lẽ. Sức mạnh lý lẽ mà Thiên Chúa ban cho loài người phải dẫn dắt tất cả Kitô hữu đến việc nhận thức rằng lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được dựa trên những dữ kiện lịch sử... Nó không phải là một cố gắng của Giáo Hội sau này nhằm thần thánh hóa Mẹ Thiên Chúa như một vài người đã chỉ trích."

Ngày lễ làm chia cách Công Giáo và Tin Lành hơn nữa là lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8-12). Cũng thế, người Tin Lành khước từ lễ này vì không thấy được đề cập trong Phúc Âm. Nhưng theo mục sư Dickson, ngày lễ nhắc nhớ "một sự thật vĩ đại," là Ðức Maria được thụ thai trong lòng mẹ ngài, bà Thánh Anna, mà không mắc tội nguyên tổ. Ơn Cứu Ðộ của người con tương lai của Ðức Maria đã đổ xuống ngài ngay từ giây phút đầu tiên của đời ngài.

Hơn nữa, tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã có trong lịch sử Giáo Hội thời sơ khai và không ai khước từ điều này. Do đó, mục sư Dickson kết luận rằng, "việc chính thức công bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong khoảng giữa thế kỷ 19 không phải là một ý tưởng mới mẻ; đúng hơn, nó là sự đáp ứng tự nhiên với dòng tư tưởng trong Giáo Hội đã có từ ngàn năm trước. Nó cũng là sự nhận thức rằng Chúa Thánh Thần tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội qua sự luân chuyển của truyền thống và cảm nghiệm."

Mục sư Dickson nhấn mạnh rằng chuỗi Mai Khôi (Mân Côi) là lời cầu nguyện của tất cả Kitô hữu. Dầu sao đi nữa Martin Luther và những người lãnh đạo Tin Lành khác cũng đã lần chuỗi Mai Khôi. Mục sư Dickson nói, "Ðó là lời cầu nguyện có nền tảng dựa trên Phúc Âm," dù rằng ông không tin là việc thực hành này sẽ lan tràn rộng rãi trong người Tin Lành một cách mau chóng.

Tuy nhiên, mục sư Dickson kết luận rằng người Công Giáo và Tin Lành cần nhắm đến Ðức Maria như một nguồn hiệp nhất chứ không phải lý do ngăn cách. "Mẹ Thánh vẫn mở rộng vòng tay âu yếm của một người mẹ đón chào tất cả các con cái mình trở về trong cùng một gia đình, đó là Giáo Hội."

Ðức Khánh
lược dịch trong Catholic Digest 3-1997


Reference: The Marian Apparitions: Divine Intervention or Delusion?, By Miriam Lambouras

Đọc nhiều nhất Bản in 04.10.2006. 02:25