Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngôi Mộ Talpiot, Mộ Của Ai?

§ Lm Trần Anh, SJ

Hôm 26 tháng 2, kênh truyền hình Discovery Channel trình làng hai hộp đựng cốt trong một buổi họp báo ở New York để quảng bá quanh cuốn phim thời sự sắp trình chiếu vào ngày 4 tháng 3, mang tựa đề “Ngôi Mộ Thất Lạc của Giêsu”. Cuốn phim được dàn dựng chung quanh một ngôi mộ cổ được khám phá vào năm 1980 ở khu Talpiot, phía đông thành phố Giêrusalem.

losttomb0.jpg
Hình ngôi mộ Talpiot do Discovery Channel cung cấp

Nhà sản xuất phim James Cameron (đạo diễn phim Titanic) và đạo diễn Simcha Jacobovici cho rằng họ đã khám phá được di hài của một gia đình nổi tiếng trong Tân Ước. Mười hộp đá đựng hài cốt đã được khai quật và tàng trữ bởi Ban Đặc Trách Cổ Vật Israel (Israeli Antiquities Authority) 27 năm về trước đã được các nhà chuyên môn nghiên cứu, nhưng không ai đã thấy gì đặc biệt nơi các di hài này. Một hộp đã bị thất lạc nên chỉ còn có chín.

Chi tiết giật gân mà Cameron và Jacobovici đưa ra là năm hộp đá có khắc tên bằng tiếng Aram và Do thái: Yeshu ben Yossef (Yêsu con ông Yuse), Yehuda bar Yeshu (Yuđa con ông Yêsu), Maria, Matia, và Yose (Giuse). Hộp thứ sáu có ghi: Mariamene e Mara, bằng chữ Hy lạp, có nghĩa là “Maria, người được gọi là bà chủ”. Theo nhóm làm phim này, bà Maria thứ hai là Maria Magđala.

losttomb4.jpg
Hộp đựng hài cốt

Họ đã lấy mẫu DNA từ hai hộp đựng cốt của Yêsu con ông Yuse và Mariamene để thử nghiệm, và đi đến kết luận rằng vì hai người này không có liên hệ huyết thống với nhau, họ là hai vợ chồng. Cũng nên nói thêm, tất cả những hộp này không còn xương cốt, vì đã tiêu hủy theo thời gian. Dù không có mẫu phân tích DNA nào được thí nghiệm trên những hộp còn lại, theo kịch bản Yuđa vẫn được coi là con của ông Yêsu và bà Maria (Magđala).

Dựa trên những chứng cớ này, nhóm làm phim kết luận. Đây là ngôi mộ của gia đình Chúa Giêsu người Nazarét.

“Khám phá” trên đây của nhóm làm phim cũng theo kiểu giật gân của Da Vinci Code, pha thêm tí chi tiết khoa học cho có vẻ đúng đắn. Nhưng thực chất không có giá trị lịch sử. Theo đoàn làm phim, hộp đựng cốt của Yacôbê, người anh em của Yêsu, là hộp cốt bị thất lạc. Hộp đựng cốt này đã gây ồn ào trong giới truyền thông năm 2001, trước khi bị chính quyền Israel vạch ra là đồ giả mạo.

Giáo sư Amos Kloner thuộc đại học Bar-Ilian ở Israel, người đã giám sát việc khai quật ngôi mộ ở Talpiot năm 1980 và xuất bản công trình khảo cổ về ngôi mộ này, đã tuyên bố với báo Jerusalem Post như sau: “Đây là câu chuyện ăn khách cho một phim truyện. Nhưng thực tế không hề là như vậy. Hoàn toàn là chuyện vô lý.”

Theo giáo sư Kloner, các tên khắc trên mộ rất thông thường ở thế kỷ thứ nhất. Sự kiện những người có tên như vậy chôn trong cùng một mộ cũng chẳng có gì đặc biệt. Có ít nhất là 71 di hài mang tên Yêsu trong 900 ngôi mộ thuộc thế kỷ thứ nhất được khai quật trong phạm vi 4 km chung quanh thành cổ Giêrusalem.Giáo sư còn cho biết thêm đã có vài hộp di hài mang tên Yêsu con ông Yuse được khai quật trong nhiều năm qua ở Giêrusalem kể từ thập niên 1930.

“Việc ông Giêsu và gia đình có một ngôi mộ gia đình ở Giêrusalem là điều không thể xảy ra,” giáo sư Kloner khẳng định. “ Họ là người Galilê và không có họ hàng gì ở Giêrusalem. Ngôi mộ Talpiot thuộc về một gia đình trung lưu ở thế kỷ thứ nhất.”

JamesCameron.jpg
James Cameron khai thác thị hiếu giật gân để quảng cáo phim!

Phát ngôn viên của Ban Đặc Trách Cổ Vật Israel (IAA) từ chối bình luận về điều này mà chỉ xác nhận có cho đoàn làm phim mượn hai hộp đựng cốt để trưng bày trong cuộc họp báo. Năm 1996, một phát ngôn viên của IAA đã tuyên bố rằng xác xuất các hộp đựng cốt này thuộc về gia đình Chúa Giêsu thành Nazarét “gần như là zero.”

Nhưng giáo sư toán Andrey Feuerverger thuộc đại học Toronto, người cộng tác với nhóm làm phim, lại cho rằng xác xuất của ngôi mộ Talpoit thuộc về gia đình Chúa Giêsu là 1 trong 600.

Hầu hết các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng như Hồi giáo ở Giêrusalem đã lên tiếng phản đối việc tung tin vô trách nhiệm này.

Cũng như trong trường hợp của câu chuyện hư cấu Da Vinci Code, điều gây chú ý cho giới quan sát là có nhiều người tin vào câu chuyện hoang đường này. Nhiều người ngày nay bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ giới truyền thông. Sống trong một thời đại hoài nghi, cộng thêm với vốn liếng yếu kém về giáo lý và kinh thánh, và bị mê hoặc bởi khoa học và chuyện giả tưởng, nhiều người không còn phân biệt được đâu là sự thật và đâu là giả dối.

Lm Trần Anh, SJ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.02.2007. 17:26