Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Phụ Tử - 18 Tháng 6 - vài dòng suy tư gởi lại...

§ Anthony Lê

VietCatholic News (15/06/2006)

Nếu Chủ Nhật thứ hai của Tháng Năm dành để vinh danh Người Mẹ, thì Chủ Nhật thứ ba của Tháng Sáu dành để vinh danh Người Cha, vậy Ngày Phụ Tử này chính là ngày gì vậy?

A. Ngày Phụ Tử Và Đôi Dòng Lịch Sử

Ngày Phụ Tử giờ đây đã trở thành một biểu tượng chung trên toàn cầu, là ngày để biểu lộ tình yêu thương và sự kính trọng của chúng ta dành cho những người Cha của chúng ta. Chúng ta, những người con trai và con gái, trên khắp thế giới vào ngày này, tất cả đều dành thời gian để đến gặp gỡ và chúc mừng cho những người Cha của riêng chúng ta.

Xét về mặt lịch sử, Ngày Phụ Tử có nguồn gốc từ cả tôn giáo lẫn xã hội. Theo truyền thống Công Giáo La Mã, ngày này vẫn thường được tổ chức vào Ngày Lễ Kính Thánh Cả Giuse. Ngày Thánh Cả Giuse là ngày được dành riêng để tôn kính Thánh Cả Giuse, chồng của Đức Maria, và là phụ thân của Chúa Giêsu.

Sonora DoddBà Sonora Dodd

Xét về bối cảnh xã hội, Ngày Phụ Tử được xem là ngày kỷ niệm mang tính cách quốc gia, để ghi công một người phụ nữ, vốn được biết đến như là người đã sáng lập ra Ngày Phụ Tử tại Hoa Kỳ. Đó là Bà Sonora Smart Dodd, một cư dân của thành phố Spokane, thuộc tiểu bang Washington, và Bà cũng là một trong 6 người con nhân được sự chăm sóc bởi người Cha của Bà.

Cha của Bà, Cụ William Jackson Smart, là một cựu chiến binh của Cuộc Nội Chiến, người đã một mình như gà trống nuôi cả đàn con sau khi mẹ của Bà qua đời. Người ta kể rằng, được cảm hứng từ việc Bà Anna Jarvis thiết lập ra Ngày Hiền Mẫu, Bà Sonora liền nảy sinh ra ý định để tôn vinh về người Cha trong khi đang lắng nghe một bài giảng về Người Mẹ trong Ngày Hiền Mẫu tại nhà thờ vào năm 1909.

Vì Cha của Bà chào đời vào tháng 6, do đó, Bà cùng các anh chị em của Bà đã tìm cách để tổ chức Ngày Phụ Tử cũng vào Tháng 6. Do đó, Ngày Phụ Tử đầu tiên được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 1910 tại thành phố Spokane, thuộc tiểu bang Washington. Rất nhiều người như: Thượng Nghị Sĩ William Jennings Bryan thời đó, đã ủng hộ việc tổ chức ra ngày này trên cơ sở không được chính thức cho lắm. Sau đó, Tổng Thống Woodrow Wilson đã đích thân được gia đình của Ông vinh danh vào Ngày Phụ Tử của năm 1916.

Tám năm sau đó, vị Tổng Thống thứ 13 của Hoa Kỳ là Tổng Thống Calvin Coolidge đã đề nghị tổ chức Ngày Phụ Tử như là một ngày nghĩ lễ của quốc gia. Vào năm 1926, Ủy Ban về Ngày Phụ Tử Quốc Gia được thành lập tại thành phố New York.

Vào năm 1966, Tổng Thống Lyndon Johnson chính thức để cho ngày này trở thành một ngày lễ được tổ chức vào ngày 3 tháng 6 hằng năm. Ngày Lễ này cuối cùng đã được chính thức công nhận dưới thời của Tổng Thống Richard Nixon vào năm 1972, và Tổng Thống Richard Nixon đã quyết định chọn Chủ Nhật thứ ba của Tháng 06 dành để tôn vinh những người làm Cha, mà chúng ta gọi là Ngày Phụ Tử thời nay.

B. Ngày Phụ Tử Với Các Quốc Gia Trên Khắp Thế Giới

FrDay.jpg

Tại Áo Quốc, Ngày Phụ Tử được tổ chức vào Chủ Nhật thứ hai của Tháng 06.

Tại Úc và Tân Tây Lan: vào Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 09

Tại Argentina, Canada, Chile, Pháp, Nhật Bổn, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Anh Quốc và Malta: vào Chủ Nhật thứ ba của Tháng 06.

Tại Bỉ: vào Ngày Thánh Giuse tức vào ngày 19 Tháng 03, và Chủ Nhật thứ hai của Tháng 06.

Tại Ba Tây: vào Chủ Nhật thứ hai của Tháng 08

Tại Bulgaria: vào Ngày 20 Tháng 06

Tại Đan Mạch: vào Ngày 5 Tháng 06

Tại Đức Quốc: vào Ngày Lễ Chúa Về Trời

Tại Nam Triều Tiên: vào Ngày 8 Tháng 05

Tại Trung Cộng và Đài Loan: vào Ngày 8 Tháng 08

Tại Lithuania: vào Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 06

Tại Scandinavia và Phần Lan: vào Chủ Nhật thứ hai của Tháng 11

Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha: vào Ngày 19 Tháng 03

Tại Thái Lan: vào Ngày 5 Tháng 12

Tại Việt Nam: cũng giống như Hoa Kỳ, tức vào Chủ Nhật thứ ba của Tháng 06.

C. Ngày Phụ Tử - Nhớ Về Một Vị Linh Mục Tuyên Úy Hài Hước, Thánh Thiện Và Can Đảm

Những chuyện kể về một vị Linh Mục Tuyên Úy anh dũng đã bị trọng thương được bắt đầu như sau:

Ngài là một vị linh mục rất hài hước và xem thường mọi hiểm nguy. Đó là tất cả những gì mà những người bạn và gia đình của Ngài có thể tóm gọn về một vị Linh Mục Công Giáo, người đã trở thành vị Linh Mục Tuyên Úy đầu tiên của Lực Lượng Quân Sự Hoa Kỳ bị trọng thương tại Irắc. Lúc đó, đúng ra, Ngài phải có mặt tại Bosnia.

Cha Timothy Vakoc bị trọng thương vào ngày 30 tháng 5 năm 2004 vì bom được cho nổ đặt ở bên đường khi Ngài đang quay trở về căn cứ sau khi cử hành Thánh Lể Ngày Chủ Nhật cho các binh sĩ nơi trận địa. Đó cũng là ngày kỷ niệm 12 năm Ngài được thụ phong chức Linh Mục.

Nói với tờ Register, Jeff – anh ruột của Ngài nói: “Cha bị sức mạnh của vụ nổ tấn công.”

Vụ nổ đó đã khiến cho Cha Vakoc bị mất đi mắt trái, bị chấn động thần kinh, và bộ não về phía bên phải của Ngài cũng bị liệt luôn, và vào lúc mà bài báo này được đưa lên trang báo của tờ Register, thì Ngài đang phải chống lại sự nhiễm trùng viêm màng não, một thứ bệnh mà mọi binh sĩ bị thương tại chiến trường Irắc, ai cũng bị mắc phải cả, không trừ một ai.

Sau khi được điều trị tại một bệnh viện dã chiến của Lục Quân ở Baghdad, Ngài được cấp cứu đưa về Trung Tâm Y Tế Vùng Landstuhl tại Đức Quốc. Vào ngày 2 tháng 6 năm 2004, Ngài được đưa về Bệnh Viện Quân Đội Walter Reed tại Washington, D.C. để được điều trị.

Theo người chị ruột của Ngài, Bà Anita Brand, thì tình trạng của Ngài “rất là nguy cập, được các bác sĩ theo dõi 24/24, ổn định và còn một chút hy vọng.” Các bác sĩ đã giữ Ngài trong tình trạng hôn mê bằng việc dùng các chất hóa học để cho phép bộ não của Ngài có thể được lành trở lại.

Jeff nói thêm, Cha Vakoc cảm thấy Irắc chính “là nơi mà Ngài cần đến. Ngài cảm thấy đó chính là ý chỉ của Thiên Chúa, và Ngài rất lạc quan về những gì mà quân đội Hoa Kỳ đang cố hoàn thành tại Irắc.”

Cha Timothy VokocCha Timothy Vokoc

Ngài đã có lần nói với chị của Ngài rằng, “Điểm an toàn nhất cho em chính là ở ngay giữa trung tâm về ý chỉ của Thiên Chúa, chính là ở ngay giữa vùng lửa đạn, cùng với các binh sĩ.”

Trước khi Ngài bị trọng thương, tờ Register đã có dịp phỏng vấn Cha Vakoc. Buổi phỏng vấn mà Ngài “mô tả về ý định được hiện diện để chăm sóc mục vụ cho các binh sĩ” và được nhắc tới khá rộng rải sau khi cuộc tấn công xảy ra.

Trong email trả lời cuộc phỏng vấn Ngài nói: “Điểm quan trọng sau cùng chính là việc giúp đỡ cho các binh sĩ, bằng chính việc Ngài phải có mặt cùng họ, và cùng bước đi với họ. Tôi luôn cầu nguyện cho các binh sĩ còn sống cũng như đã tử trận. Tôi mang các phép bí tích của Giáo Hội, tôi mang ánh sáng và tình yêu của Chúa Kitô vào trong những hoàn cảnh tối tăm nhất đó cho các binh sĩ.”

Trong lúc Ngài còn năm viện, thì gia đình của Ngài cho biết, điều mà họ cần nhất bây giờ chính là những lời cầu nguyện.

Jeff nói thêm: “Chúng tôi được Thiên Chúa chúc phúc rất nhiều. Ai ai cũng cầu nguyện cho Tim cả. Hy vọng của tôi chính là Ngài trở lại và ít ra là có thể hoạt động được.”

Giải Giới Đức Tin

Các đồng sự và những giáo dân mô tả về Cha Vakoc như là “một vị Linh Mục rất ư là chân chất và giản dị.”

Cha John Echert nói: “Ngài là một người rất chân thật, không hề mưu mẹo gì cả. Ngài làm việc rất chăm chỉ để chuẩn bị các bài giảng của Ngài, và mọi người cảm thấy rất gần gũi với Ngài.”

Polly và David Novack cũng đồng ý như vậy. Cả hai được Ngài cử hành lễ cưới vào năm 1995. Cô Polly khen ngợi đức tín thành thật và sự hài hước của Cha Vakoc.

Cô nói: “Nếu Ngài cảm thấy rằng bạn nên tổ chức lại cuộc sống đâu cho ra đó, thì Ngài sẽ nói thẳng điều đó với bạn liền. Do đó, khi tôi khám phá ra là tôi đã mang thai đứa con thứ ba, tôi rất là giận dỗi. Chính Cha Vakoc đã nói với tôi rằng, ‘Thiên Chúa phải nghĩ rằng con là một người mẹ rất gương mẫu nên Ngài mới cho con đứa trẻ thứ ba. Do đó, hãy biết mà cảm tạ Ngài đi con ạ!’”

Cô nói tiếp, dẫu cho mọi hoàn cảnh có phức tạp và đớn đau đến mấy, lúc nào Ngài cũng có thể làm cho bạn yêu đời bằng chính sự hài hước, và dí dõm của Ngài.

Đại Úy Felix Acosta thuộc Tiểu Đoàn Công Vụ 416th tại Mosul cũng khẳng định về điều tương tự.

Đại Úy kể, có lần Cha Vakoc quên mang nước thánh cho Thánh Lễ Phục Sinh của năm 2004, thế là Ngài lấy một chai nước uống mà các binh sĩ đang mang, làm phép nó và “Ngài tưởng rằng Ngài mở nắp chai của bình nước hở ra một chút thôi, để vẫy lên chúng tôi, thế nhưng không ngờ nước đổ ra rất nhiều, thế là tất cả chúng tôi ai nấy cũng đều bị ướt sũng.”

Còn Cha Francis Kittock, người giám sát việc bổ nhiệm đầu tiên của Cha Vakoc tại Nhà Thờ Thánh Charles Borromeo vào giữa năm 1992 đến năm 1993, giờ đây đã nghĩ hưu nói rằng: “Ngài là một con người rất tràn đầy ơn nghĩa của Chúa Thánh Thần, và biết yêu thương tất cả mọi người. Ngài thường bận rộn với rất nhiều chuyện, và nổi tiếng là người luôn đến trể, thế nhưng không bao giờ mà Ngài không đến cả. Ngài có thể đi đến bất kỳ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào, và Ngài luôn bao giờ cũng cảm thấy như đang ở chính nhà riêng của mình vậy, do đó, Ngài đúng là người mà Lục Quân rất cần đến.”

Một trong những sĩ quan chỉ huy của Cha Vakoc nói rằng Ông rất có ấn tượng về sự tận hiến của vị linh mục này trong việc phục vụ Thiên Chúa và các binh sĩ của Ngài.

Trung Tá Dennis Thompson thuộc Lữ Đoàn Yểm Trợ 296 đóng tại Mosul nói: “Việc Ngài quay trở lại để phục vụ cho các binh sĩ của chúng tôi cho thấy rằng Ngài không bao giờ để cho những nguy hiểm của chiến trận cản ngăn việc phục vụ quên mình của Ngài.”

Trung Tá Thompson giải thích rằng việc Cha Vakoc luôn cố tìm mọi cách để cử hành Thánh Lễ cho tất cả mọi binh sĩ thuộc Lữ Đoàn Stryker, thì đó quả đúng là một thử thách lớn nhất.

Fr Timothy Vakoc

Trung Tá nói thêm: “Các binh sĩ của chúng tôi vẫn thường dàn trải ra rất nhiều nơi trong một vùng bằng cở tiểu bang Connecticut, và luôn ở vào vùng lãnh thổ rất hiếu chiến và nguy hiểm của kẻ thù. Và chẳng có điều gì có thể làm ngăn cản Cha Tim, để Ngài luôn có mặt cùng với các binh sĩ của Ngài. Chúng tôi dàn quân đến bất kỳ đâu, thì Ngài cũng luôn tìm cách để cử hành Thánh Lễ cho chúng tôi, dẫu cho lúc đó chỉ có hai hay ba binh sĩ mà thôi, vốn đang đóng quân tại những tiền đồn hẻo lánh, rất nguy hiểm và xa xôi.”

Là một học sinh tốt nghiệp trường Trung Học Công Giáo Benilde-Thánh Margaret tại thành phố Minneapolis vào năm 1978, và sinh viên tốt nghiệp trường Đại Học St. Cloud, Cha Vakoc được thụ phong linh mục cho Tổng Giáo Phận St. Paul-Minneapolis vào năm 1992. Ngài phục vụ trong tư cách là cha phó tại Nhà Thờ Thánh Charles Borromeo ở thành phố St.Anthony thuộc tiểu bang Minnesota, và sau đó là Cha Sở của Nhà Thờ Thánh John Neumann tại thành phố Eagan cũng thuộc bang Minnesota từ năm 1993 đến năm 1996. Sau đó, Ngài từ bỏ chức vụ làm Cha Sở để gia nhập Lục Quân.

Cha Vakoc đã phục vụ 3 năm rưỡi như là một vị Linh Mục Tuyên Úy tại Fort Carson, thuộc bang Colorado, trước khi được cử làm Tuyên Uý cho Tiểu Đoàn Yểm Trợ 44 tại Fort Lewis, thuộc bang Washington. Tiểu Đoàn này chuyên cung cấp việc hổ trợ hậu cần cho các đơn vị có trụ sở chính tại Fort Lewis, hiện đang hoạt động khắp phía bắc của Irắc, gồm cả trụ sở của Task Force Olympia và Lữ Đoàn 3, Trung Đoàn Bộ Binh 2, lữ đoàn xe Stryker đầu tiên của Lục Quân. Cha Vakoc được điều động sang Irắc vào tháng 11/2003.

Kể lại sự hy sinh cao cả của Cha Vakoc trong Ngày Phụ Tử này là nhằm kêu gọi tất cả các bạn hãy hiệp ý cùng cầu nguyện cho Cha, cầu nguyện cho Cha được mau chóng lành hẳn... để Cha tiếp tục phục vụ mọi thành phần dân Chúa, là điều mà Cha hằng ước mong....

Tại Cuộc Chiến, Sự Thanh Thản Được Tỏa Lộ

Đại Tá Thompson Chuck nhớ lại việc phục vụ của Cha Vakoc khi đơn vị của họ bị dồn vào điểm chết. Đang lúc trên đường để trở về căn cứ đóng quân, xe của Đại Tá Thompson bị hư máy. Không thể sửa xe được, đoàn hộ tống buộc phải kéo nó trong suốt đoạn đường trở về còn lại.

Đại Tá nói: “Khi chúng tôi đến những vùng ngoại ô của Mosul, một trong những chiếc xe của chúng tôi bị trúng đạn phóng từ hỏa tiển. Chúng tôi buộc phải dừng lại, cấp cứu nạn nhân, và bảo toàn cho đoàn hộ tống. Ngay lập tức, Cha Vakoc đã đáp trả ngay và Ngài xuống chăm sóc cho các binh sĩ bị thương và bảo đảm rằng không còn ai khác nữa bị thương cả. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã về được căn cứ một cách an toàn. Khi chúng tôi thả Ngài xuống, Ngài hài hước bày tỏ sự biết ơn sâu sắc của Ngài về chuyến đi khá thú vị, và hy vọng sẽ được tham dự vào chuyến kế tiếp.”

Hàng trăm ngàn lời cầu chúc sức khỏe được gởi đến cho Ngài, bao gồm những vị linh mục, dòng cũng như triều, gia đình, và các bè bạn của Ngài trên khắp thế giới, trong đó có cả tôi – đã gởi lại không biết bao nhiêu là bức thông điệp và những lời cầu nguyện đến cho Ngài. Anita, chị của Ngài, đã luôn cập nhật về tình trạng sức khỏe của Ngài trên một trang Web để cho các bè bạn, các binh sĩ và tất cả mọi người thân trong gia đình của Ngài được hay tin về tiến triển của Ngài (tại trang web có địa chỉ là: www.caringbridge.com/mn/timvakoc).

Cho dẫu đó có là những binh sĩ của Ngài, những vị Linh Mục bạn hữu Ngài hay các giáo dân của Ngài, Cha Vakoc đều gây ra cho từng người một ấn tượng sâu sắc nào đó khi tất cả họ có dịp được gặp gỡ Ngài.

Vào tháng 11/2002, không lâu sau khi đứa con thứ ba của họ được chào đời, gia đình Novacks mời Cha Vakoc đến dự bữa điểm tâm. Lúc đó, Cha lấy phép từ Lục Quân.

Cô Polly Novack nói: “Đứa con trai Charlie của chúng tôi khi đó mới có 3 tuổi.” Khi Cô ta vừa kể cho Charlie nghe về việc Cha Vakoc vừa mới trải qua một tai nạn, thì cậu bé Charlie lúc đó liền nói rằng, “Cha là người đã làm cho mẹ cười và khóc khi mẹ nói lời tạm biệt với Cha, đúng không?”

Kể lại gương hy sinh anh dũng của Cha Timothy Vakoc trong Ngày Phụ Tử này, như là cách muốn gởi lại sự kính trọng và tri ân dành cho Cha, và cũng kêu gọi tất cả các bạn hãy cùng dâng lời nguyện cầu cho Ngài... để Ngài sớm được bình an, khỏa mạnh, và tiếp tục phục vụ quên mình cho những người con tinh thần của Ngài, một ước vọng mà Ngài vẫn hằng đeo đuổi.....


Phần 1 | 2 | 3

Fort Belvoir, VA
Viết Nhân Ngày Phụ Tử

Anthony Lê, 06/2006

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.06.2006. 22:50