Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Giới Trẻ Thế Giới và giới trẻ Úc (8)

§ Vũ Văn An

Trường hợp điển hình 4: ‘Rohan’

(2538 chữ; nam phỏng vấn viên)

Rohan 15 tuổi học sinh lớp 10 tại một trường Công Giáo. Gia đình em là một gia đình lao động; một trong hai cha mẹ sinh tại một nước thuộc khối Anglo-Celtic. Em đi làm buổi tối và những ngày cuối tuần tại một tiệm bán đồ ăn nhanh.

Linh đạo:

Các cuộc phỏng vấn các học sinh trung học ở lớp đầu tiên của tuổi mười mấy có tính thông tri hết sức phong phú về kinh nghiệm làm thiếu niên trong xã hội ngày nay: các tác giả có được ít phút nhìn thấu, cách đầy may mắn, vào điều làm một thiếu niên 13 tới 15 tuổi là như thế nào, trong khi ít được nâng đỡ hơn các thế hệ đàn anh về các phương thức suy nghĩ và hành động vốn được truyền thống xác định ra, bị ném trở lại với chính các tài nguyên bản thân của mình (vốn vẫn còn hết sức thô thiển) để loay hoay tạo ra ý nghĩa, chọn lựa giá trị, học cách liên hệ với người khác và tự tìm cho mình một chỗ đứng ở đời; họ phải thử nghiệm nhiều phương thức khác nhau để tự là chính mình, giáp mặt với cuộc sống như ‘một điều vô cùng có khả thể’, trong khi không ngừng chường mình cho một bầu khí nghi hoặc (cynicism) đang giải thể mọi giá trị, và những cảnh tượng bạo lực và độc ác hết sức sống động và hãi hùng (10).

Nơi Rohan, các tác giả thấy một thế giới quan còn đang diễn biến, đang phát triển, đang trải qua các sửa đổi tu chính quan yếu. Em chọn hình chụp đường rầy xe lửa, và nhận định như sau:

Rohan: Vì nó chạy khắp hướng. Chỉ là vì em không rõ nó sẽ đi hướng nào. Cứ lung tung cả lên.

Hỏi: Rồi, thế lúc này em cảm thấy em không có gì chắc chắn đời em sẽ ra sao phải không?

Rohan: Em không chắc chắn em sẽ muốn làm gì với đời em.

Rohan từng theo học một trường tiểu học Công Giáo, và ở cuối cuộc phỏng vấn đã ghi nhận rằng học trường Công Giáo có ảnh hưởng tới cách nhìn của em, nhưng giờ đây, em và các bạn cùng lớp em bắt đầu tra vấn tất cả những điều đó. Em nhận định một cách thuận lợi đối với môn Giáo Dục Tôn Giáo tại trường:

Rohan: Em thích môn đó vì nó không phải chỉ chú tâm tới Công Giáo mà thôi, mà chú tâm tới tôn giáo nói chung nên anh thấy được cả điều người khác tin, nền văn hóa của họ tin. Nó giống như chiếc cửa sổ mở cho ta thấy các tôn giáo khác để so sánh và những điểm khác nữa.

Hỏi: Rồi. Có phần nào trong học trình, những điều chính em làm, nổi bật trong đầu óc em mà thực sự hữu ích hay không?

Rohan: À, có lẽ khi anh nói về đạo Công Giáo, chúng em học hỏi vấn đề nếu không có bằng chứng có thực thì làm sao một điều gì đó lại có thể xẩy ra. Những vấn đề như thế, chúng em bàn thảo về chúng và đưa ra khá nhiều lý thuyết.

Rohan không biết chắc phải tin những gì. Em nghĩ ‘có một Thiên Chúa nào đó… nhưng em không biết vì luôn luôn có những tôn giáo khác nhau, vậy tôn giáo nào đúng…?’

Hỏi: Có phải em muốn nói rằng điều em tin có thể nói được là đã thay đổi trong nhiều năm qua?

Thưa: Dạ. Thí dụ, em từng tin vào Chúa, gần như thế, hay tin Chúa Giêsu và tất cả những điều như thế. Nhưng nay em bắt đầu nghi ngờ những điều ấy. Bắt đầu suy nghĩ thì ồ, đúng, có lẽ ngài hiện hữu, nhưng khi lớn hơn một chút, như lúc em học nhiều hơn về khoa học và sự biến hóa hay những điều như thế, em bắt đầu nghĩ có lẽ đây mới chuẩn xác hơn.

Rohan vốn luôn nghĩ tới Chúa Giêsu như ‘một con người bình thường, vì người ta luôn ráng nói với bọn em rằng lúc còn nhỏ, ngài cũng giống hệt như các em vậy’.

Còn về vấn đề: điều gì xẩy ra sau khi chết, Rohan cho hay: ‘Em không biết. Vì có quá nhiều khả thể. Em đoán anh sẽ chết, thế thôi’.

‘Quá nhiều khả thể’ xem ra đã đủ để tóm lược kinh nghiệm của Rohan về đủ mọi phương diện. Em đọc một tấm thiệp với nhiều mô tả ngắn về ‘các kinh nghiệm tôn giáo’; được yêu cầu lựa bất cứ điều gì có thể nhắc em nhớ lại chính kinh nghiệm của em, em đã chỉ một trong các mô tả trên rồi nhận định: ‘Ông ấy muốn nói đến cảm thức vô ích và nếu có Chúa, thì sao điều dữ lại có thể xẩy ra. Đó là điều ông ta muốn nói, và đó (cũng) là điều đôi lúc em cảm thấy thế, như anh thấy’. Tấm thiệp được Rohan nhận định có viết câu này: ‘cảm thấy thất vọng về sự vô ích của đời tôi’. Rohan nhận định tiếp bằng cách mô tả ‘cảm quan về một Sự Hiện Diện, về Ánh Sáng, về Tình Yêu, tất cả bao quanh tôi’. Trong tấm thiệp, không có lời nào nói về vấn đề ‘điều dữ xẩy ra’. Điều ấy được chính Rohan thêm vào để liên kết với ‘cảm thức vô ích’.

Có lẽ ta thấy ở đây có một chút gì đó nản lòng, lo lắng. Rohan giống một ai đó bỗng nhận thấy mình đang lạc đường; mất tin tưởng vào tấm bản đồ họ từng sử dụng từ trước đến nay; có một cảm thức bị tràn ngập bởi các chọn lựa quá nhiều khác nhau; nhưng xem ra em không để mình bị hoảng loạn (panic). Cũng có một sự bình tĩnh và một cảm thức tin tưởng cho rằng mình sẽ giải quyết được vấn đề.

Một khung cảnh khác xuất hiện cùng với các ngôn từ sau: ‘Không ai trong gia đình chúng em đi nhà thờ…’ rồi tiếp tục mô tả kinh nghiệm rất mạnh tự cảm thấy mình là một với vũ trụ. Em nhận định: ‘Còn điều này nữa, không một ai trong gia đình đi nhà thờ, và đó là hoàn cảnh gia đình em’. Rồi, lạ lùng thay, em nói thêm: ‘Đôi lúc anh cảm thấy như có một sự hiện diện tôn giáo khi anh nghĩ về nó’.

Em không nói cho các tác giả điều gì hơn về việc cảm nhận ra sự hiện diện trên. Dựa vào cơ sở lý thuyết, các tác giả có khuynh hướng hy vọng rằng các kinh nghiệm mới thoáng nhận ra ấy sẽ có mặt ở bên bờ hữu thức và sẽ tạo được một ‘lực kéo’ tế vi ngầm dưới đất đối với suy tư và cảm thức minh nhiên của giới trẻ.

Còn bản sắc tôn giáo của em thì sao? (Nghĩa là: em sẽ trả lời ra sao đối với câu hỏi của Thống Kê Dân Số về tôn giáo, mà không hàm nghĩa một chấp nhận đầy đủ bất cứ trọn ‘gói’ (package) tín ngưỡng và các lệnh truyền luân lý, và chắc chắn không hàm nghĩa bất cứ việc tham dự thường xuyên nào). Trong quá khứ, có lẽ em sẽ tự nhận mình là Công Giáo; hầu như chắc chắn em đã được rửa tội và thêm sức.

Còn bây giờ thì sao? Các tác giả có cảm tưởng rằng dù em đang duyệt lại các niềm tin của em một cách đáng kể, có lẽ em vẫn nhận mình là Công Giáo để trả lời câu hỏi trên, có thể với nghĩa ‘tàn dư’ (residual) mà thôi: nghĩa là ít cả quyết hơn trước. Mà cũng có thể không; nhưng, việc xếp mình về tôn giáo trong các cuộc điều tra thường cho thấy khá dai dẳng, dù người ta thay đổi nhiều về niềm tin và thực hành.

Dù cuộc phỏng vấn này thuộc loại khá ngắn, nhưng thế giới quan đang được duyệt lại của Rohan lại khá đầy đủ rõ ràng; các nghi hoặc và nan đề của em khá minh nhiên, và em quả thật đang dấn thân vào diễn trình suy tư về chúng, một diễn trình em biết là còn lâu mới hoàn tất. Và ngay ở giữa dòng biến đổi ấy, vẫn có một gắn bó rõ ràng trong thế giới quan: không phải là một câu truyện gắn bó, hay một hiểu biết gắn bó về thế giới, hay một tổng hợp các niềm tin, nhưng là một diễn trình gắn bó để tái giải thích: mọi sự cần được nhìn trở lui và tái thẩm định dưới ánh sáng cái hiểu đang phát triển của em.

Còn triết lý sống của em? Tính tình em ôn hòa; dù em cho thấy một vài lo lắng trước tình thế không chắc chắn em gặp phải khi giáp mặt với muôn vàn các khả thể khác nhau, nhưng em đối diện với tương lai một cách bìnhh thản và can đảm lạ thường, và nhất là luôn tin tưởng là mình có thể tìm ra giải pháp.

Tự lập là thể tài được lặp đi lặp lại; em thán phục cha vì tính khoan dung và phải lẽ (fairness) của ông; em không phê phán ai, và cho thấy em cũng có cùng các giá trị như cha trong cái nhìn của mình.

Thực hành tâm linh đầu hết của Rohan có thể được mô tả là việc tra vấn, suy nghĩ lại thế giới quan truyền thống của em trước đây. Nhưng em có giữ lại một số thực hành có liên hệ tới lối sống ấy.

Thỉnh thoảng em có cầu nguyện ‘khi gặp chuyện chẳng lành’, đặc biệt nghĩ tới những người đang kinh qua một khó khăn nào đó. Em có tham gia các buổi phụng vụ ở trường, nhưng vội nói thêm: ‘À, mà bọn em không tham dự hàng ngày đâu’. Khi mô tả Thánh Lễ tại trường vào Thứ Tư Lễ Tro, em nhận định một cách khoan dung như sau: ‘không tệ lắm… Thánh Lễ không phải là chuyện tệ… Có thể buồn chán nếu anh dự quá thường xuyên… vì chúng cứ nhắc đi nhắc lại hoài một câu truyện duy nhất. Chả có chuyện gì mới. Anh đã nghe từ trước’.

Em và gia đình em không đi nhà thờ ngày Chúa Nhật. Ám chỉ các buổi phụng vụ tại trường, em nhận xét: ‘Chúng em chỉ tham dự dịp Lễ Giáng Sinh, thế thôi’. Điều ấy nhất định không phải là các Thánh Lễ ở trường được, vì lúc ấy em đâu có đi học để mà tham dự; có lẽ em muốn nói đến việc đi lễ Giáng Sinh với gia đình tại nhà thờ khác chăng.

Em bác bỏ thẳng thừng các câu hỏi về Tân Đại: ‘Em không tin những thứ ấy, ma quái với đồng bóng’

Hỏi: Em có nghiêm chỉnh coi hoàng đạo hay tử vi không?

Thưa: Không. Nếu có đọc, em cũng chỉ tò mò mà nghĩ chuyện này dám xẩy ra lắm ạ. Nhưng em không bao giờ tin cậy vào nó để hướng dẫn em bất cứ cách nào.

Âm nhạc là sinh hoạt được Rohan thưởng thức nhiều nhất. Em cảm thấy phấn chấn khi chơi ghi-ta trong một ban nhạc nhỏ mà chính em và các bạn thành lập ra.

Sau khi đọc câu truyện rất thành thực của em, các tác giả hy vọng em có được điều thi sĩ Rainer Maria Rilker đã viết cho một bạn trẻ ở tuổi đôi mươi, lúc ấy đang bị dằn vặt bởi câu hỏi liệu anh ta có ‘ơn gọi’ làm thi sĩ hay không: ‘Hãy nhẫn nại đối với tất cả những gì chưa được giải quyết trong tâm hồn và cố gắng yêu chính các vấn nạn như thể chúng là những căn phòng khóa kín, hay những cuốn sách viết bằng thứ tiếng hoàn toàn xa lạ. Giờ đây đừng đi tìm các câu trả lời vốn không thể có cho bạn vì bạn chưa có khả năng sống các câu trả lời ấy. Và điều quan trọng là, sống mọi sự. Hãy sống chính các vấn nạn ấy ngay lúc này. Có lẽ nhờ thế, dù không để ý, bạn sẽ dần dần sống một ngày thật xa để tìm ra câu trả lời’ (Rilke, 1934 tr.33) (11).

Loại linh đạo: đệ nhất đẳng: thế tục; đệ nhị đẳng: truyền thống.

Một tỉ số khá lớn các trường hợp đều có chung một loại xếp loại tương tự; một ngày gần đây, các tác giả có thể phát biểu nó dưới mội loại riêng; loại này xẩy ra nơi những người xuất thân từ các hậu cảnh tâm linh khá truyền thống, nhưng nay đang thấy một là các quan niệm thế tục của mình đang tra vấn các niềm tin truyền thống của mình, mà chưa cưỡng bức các niềm tin này phải ‘treo chén’ (nên các tác giả đã xếp truyền thống làm linh đạo đệ nhất đẳng) hay là thế giới quan thế tục của họ có tính đầy thuyết phục hơn.

Các ảnh hưởng đối với linh đạo:

Dù hiện nay Rohan khá hàm hồ về tôn giáo, nhưng Đạo Công Giáo là một phần không thể loại bỏ khỏi thói quen thực hành của em. Hậu cảnh gia đình Công Giáo của em, việc giáo dục Công Giáo của em và việc đi nhà thờ trước kia của em cho ta một bối cảnh đặc thù và một đạn đạo (trajectory) nhất định cho các vấn nạn, các hoài nghi và khám phá không ngừng của em, bất kể em có ý thức được điều đó hay không. Việc tra vấn của em cũng cho thấy giai đoạn sống trên đời của mình; ở giao điểm tuổi thiếu niên, lúc sắp kết thúc bậc trung học đệ nhất cấp, đang suy tư về muôn vàn khả thể nằm quá bên kia.

Cha mẹ của Rohan đã ly dị; sống qua cuộc ly dị này cũng có thể đem lại đủ điều không biết chắc về ý nghĩa đời sống đối với một người trẻ và kinh nghiệm này đã từng lên khuôn cho em một cách sâu sắc. Tuy thế, gia đình vẫn quan trọng đối với em; em nhắc đến cha em như một người em thực sự thán phục:

Hỏi: Em có thể cho anh biết qua ai là người em thực sự thán phục, đâu là điều em thích về họ?

Thưa: Em không biết nữa. Có lẽ là cha em.

Hỏi: Ừ, hử.

Thưa: Cha em là người tốt, vâng, đúng.

Hỏi: Đặc biệt như thế nào?

Thưa: À, vì cha em thực sự khoan dung đối với mọi người. Ông không phê phán ai. Ông thực sự công bằng và không ti tiện.

Cuộc phỏng vấn của các tác giả cũng nhằm tìm hiểu các cách thế qua đó, các tài nguyên văn hóa khác nhau, như âm nhạc, phim ảnh và truyền thông đại chúng, được sử dụng để xây dựng ra nền linh đạo. Các tài nguyên này xem ra ít nổi bật lộ liễu đối với Rohan, bất kể sở thích yêu âm nhạc của em và tầm quan trọng của nó đối với đời em:

Hỏi: Thế ngoài việc có thể gọi là la cà với bạn bè ra, em còn có gì có thể gọi là sinh hoạt ưa thích không, bên ngoài nhà trường và công việc?

Thưa: Có lẽ âm nhạc.

Hỏi: Rồi. Khi em chơi âm nhạc, nó làm em cảm nhận ra sao?

Thưa: Có thể nói được là phấn chấn. Anh biết đấy em quả là, em không biết nữa, em chỉ cảm thấy khoan khoái và phấn chấn.

Hỏi: Em có nghĩ âm nhạc của em có thể nói được là sẽ đem được điều gì đó qua suốt quãng đời còn lại của em một cách đặc thù nào đó không?

Thưa: Em đoán là cách này, nhưng em thật sự không biết rõ. Em chưa thực sự nhìn ra nó.

Điều ấy không có nghĩa là đối với Rohan, âm nhạc không gợi được một cảm thức ngưỡng phục, kính sợ hay về người khác nào. Như cuộc phỏng vấn em đã minh họa, đối với một người trẻ, không dễ gì mong họ thực hiện được những mối liên kết kia, ngay cả việc hiểu được một cách chắc chắn các sinh hoạt và thực hành nào đó ảnh hưởng ra sao đến nền linh đạo của họ cũng thế.

Các hậu quả của linh đạo:

Tốt nhất nên xếp Rohan vào khuynh hướng công dân thấp, thờ ơ lãnh đạm. Em chứng tỏ một kiến thức hạn chế về công dân, một ít khả năng và kỹ năng bản thân để làm việc tốt, và ít bằng chứng cho thấy các thái độ công dân. Gần như em không thực hiện bất cứ dịch vụ cộng đồng nào; em chỉ làm công việc nhỏ nhoi là giao vật liệu tới chỗ ba em đang làm công việc thiện nguyện. Em không chống đối nhiệm vụ công dân nhưng xem ra nhiệm vụ ấy không ăn nhằm gì tới em.

1. Kiến thức

Rohan cho thấy em có kiến thức rất căn bản về nhân quyền và các cơ cấu xã hội và chính trị. ‘Em thực sự không coi tin tức’

2. Các khả năng và kỹ năng bản thân

Xem ra Rohan thiếu nguyên động lực một cách đặc biệt về tác phong công dân. Em cho rằng bạn bè em nghĩ em là người ngộ nghĩnh vui đùa, nhưng em không chứng tỏ nhiều sáng kiến về phương diện trợ giúp, giúp đỡ người khác.

Hỏi: Vào dịp nghỉ hè, có điều gì đặc biệt giúp em tung chăn thức dậy vào buổi sáng không?

Thưa: Có thể nói không.

Khi được hỏi về các biến cố bất công xẩy ra trên thế giới, em nhắc đến chiến tranh Iraq và George Bush nhưng không nghĩ ta có thể làm được gì về chuyện đó. Câu em trả lời cho thấy em có trung tâm kiểm soát ở bên ngoài. ‘Không. Em không nghĩ ta có thể nói gì được nhiều về các điều đang diễn ra trên thế giới’.

3. Các thái độ xã hội

Rohan không thể nhớ được bất cứ thí dụ bất công nào. Thực tế, em chỉ nghĩ đến vấn đề bất công đối với chính em, hơn là các bất công ngoài xã hội. Câu trả lời sau đây cho thấy khuynh hướng lấy mình làm trung tâm hơn là vị tha:

Hỏi: Rồi. Gần đây, có thí dụ bất công nào làm em chú ý không?

Thưa: Không, em không nghĩ thế. Em đâu có bị đối xử bất công gì đâu.

4. Hành động xã hội

Em rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều người khác nghĩ về em và em muốn được người ta nhớ đến như người đã thực hiện một việc đáng ghi nhớ nghĩa là đầy mạo hiểm.

‘Vâng, em muốn nói, em không muốn họ (gia đình và bè bạn) xấu hổ vì em hay gì khác. Em chỉ muốn ráng làm thật nhiều chuyện, làm bao nhiêu có thể, do tự tay em, để tuyên bố: à, tôi đã làm được điều đó. Như nhẩy từ một phi cơ chẳng hạn, hay leo núi. Thực hiện một điều tốt nào đó để kể lại cho con cháu mình’.

Tuy nhiên, khi cùng cha tới chương trình Trợ Giúp Cộng Đồng, em lại chẳng làm chi cả.

Ghi chú

(10) Người ta kể rằng khi cây cối thổ ngơi của Úc được trồng bằng hạt, trước lúc hạt mọc nhánh đủ để bứng ra trồng, thì các loại bạch đàn (gum tree) đỏ thường rụng hết lá và mọc lá mới trông rất khác. Hiển nhiên, những chiếc lá ‘nguyên sinh’ kia không thích hợp cho giai đoạn tăng trưởng mới này của cây. Hơi giống con người khi họ mất những chiếc răng đầu tiên. Một điều tương tự cũng có thể xẩy ra đối với các niềm tin cùng lớn lên với các thiếu niên, khi họ ‘gạt qua một bên các phương cách trẻ thơ’ (1Cor 13:11). Nhưng ngày nay, họ như những nhánh non đơn độc, mọc giữa cánh đồng; thay vì lớn lên trong một cánh rừng, được các tàn cây trưởng thành che chở, họ bị chường ra cho mọi thứ cùng cực của thời tiết và thú dữ rình rập.

(11) Do Robinson (1978) trích dẫn, người đã lấy nó làm tựa đề cho một cuốn giải thích hết sức thông sáng các trình thuật kinh nghiệm tâm linh lấy từ văn khố của Trung Tâm Hardy.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.06.2008. 00:29