Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Giới Trẻ Thế Giới và giới trẻ Úc (6)

§ Vũ Văn An

Trường hợp điển hình 2: ‘Monique’

(5876 chữ; nữ phỏng vấn viên)

Monique 17 tuổi, học lớp 12 tại một trường Công Giáo, và sống tại một khu ngoại ô thuộc giai cấp trung thượng lưu. Cô sinh tại Úc, mẹ người Úc và cha sinh tại Libăng. Cha cô là một nhà chuyên nghiệp về tài chánh, còn mẹ cô làm nghề thư ký. Cô là một trong năm người con của gia đình. Monique đeo một dây chuyền và dây tay có hình Thánh Giá (6).

Linh đạo

Linh đạo của cô là linh đạo cổ truyền, và rất cổ truyền. Cô là người Công Giáo theo nghi lễ Maronite (7), sùng đạo, chính thống, và dấn thân.

Một trong các kỹ thuật được các tác giả dùng, trong cố gắng đụng tới các chiều kích linh đạo vượt quá từ ngữ và quan niệm, là cho chủ thể thấy một số hình ảnh có tính gợi cảm (8) và hỏi họ xem những hình ảnh nào miêu tả được điều gì đó về chính họ hay cuộc sống của họ. Monique lựa tấm hình cửa sổ kính mầu của nhà thờ và một em nhỏ đang chãy về phía cha mẹ mình, và nhận định: ‘vâng, hình đó, nó có nghĩa tôn giáo, em muốn nói vì chúng em là một gia đình Công Giáo và thường quen làm những điều người Công Giáo làm, hơn nữa, vì chúng em thường đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Bây giờ đang là Mùa Chay, nên chúng em kiêng thịt và ăn chay cho đến 12 giờ trưa. Chúng em thực hành những việc ấy. Gia đình em cũng thường tụ tập nhau. Nhưng em nghĩ cả hình kia nữa, hình gia đình, hình có em nhỏ đang chạy tới bố. Nó nhắc em nhớ đến gia đình em. Bố em rất khác với các ông bố khác.

Thí dụ, phần lớn các ông bố ra ngoài, làm việc, rồi đưa tiền về, đến khi về đến nhà thì mệt nhoài, nhất là mấy ông bố người Libăng. Bởi vì ở bên Libăng, họ phải làm việc khá cực, cực thật, mới có tiền nên khi về đến nhà là mệt nhoài, nên chỉ còn biết ăn và đi ngủ. Nhưng bố em thì dù cũng phải làm việc mới có tiền, lại còn phải học vì công việc nữa và nhiều chuyện khác, nhưng bố luôn dành thì giờ cho em và cho các anh chị em và má em…”.

Hạn từ ‘gia đình’ luôn được nhắc đi nhắc lại trong các trình thuật của cô, đầy giọng ấm áp, tự hào và một cảm thức an ổn. Được hỏi điều gì mang lại ý nghĩa và mục đích cho đời cô, cô trả lời: “Như em đã nói trước đây, cái đó phải là gia đình. Không có gia đình là không có gì cả. À quên, với em, đó là gia đình và tôn giáo. Chúng em rất trọng tôn giáo, hiển nhiên như thế. Và gia đình nữa. Bởi thế, em cũng không biết nữa, (nhưng) gia đình làm chị tiến bước… như với em chẳng hạn, bố em luôn luôn tình nguyện giúp em làm bài và đưa em đi đó đi đây, (rất tự nhiên), chả thấy cố gắng chi. Với các anh em trai của em cũng thế, tuần nào bố em cũng đưa họ đi chơi đá banh, bất cứ khi nào họ muốn đi là bố em đưa họ đi. Phần em gái em, nếu nó muốn đi coi hát là bọn em đưa nó đi. Má em cũng thế. Cả hai đấng đều rất tốt… Nhờ đọc các loại sách về Trung Đông, em mới hiểu em may mắn xiết bao vì được sống ở Úc ngay từ đầu, và được sống với gia đình như em hiện nay. Thí dụ như dù có năm con và cả hai ba má em đều phải đi làm và lo đủ chuyện, nhưng chúng em thực sự là một gia đình gần gũi nhau, chúng em lại có các giá trị và luân lý gia đình và tất cả những điều (giống) như thế. Tất cả những điều ấy hẳn phải làm chị nhận ra chị may mắn xiết bao. Chị đâu buộc phải tự mình kinh qua tất cả những điều ấy”.

‘Vui thú nhất’ của cô là khi một nhóm gia đình, trong đó có gia đình cô, cùng đi xa với nhau dịp Giáng Sinh. Cô tin Chúa, cầu nguyện thường xuyên, mấy tối lại đọc đọc Thánh Kinh một lần. Điều lý thứ là cách cô nói về Chúa.

Hỏi: Vậy em nghĩ Chúa là Đấng ra sao?

Thưa: Em không bao giờ tưởng tượng Chúa ra sao cả hay Ngài giống như cái gì, nhưng Chúa là Chúa.

Hỏi: Em tin gì về Chúa?

Thưa: Chúa hả, Ngài làm nhiều chuyện cho ta. Em muốn nói, Ngài là Chúa. Em có đủ thứ tức cười nói về Chúa. Em không biết phải nói như thế nào.

Xem ra ở đây, chả cần phải vất vả lắm mới nhận thấy nơi thành viên trẻ trung của một Giáo Hội Đông Phương này một số vết tích của lối nhấn mạnh có tính phủ định (apophatic) hết sức đặc trưng trong thần học Phương Đông: điều ta không biết về Thiên Chúa vượt xa điều ta biết về Người, bởi thế, tốt nhất nên im lặng và ‘để Chúa là chính Chúa’ hơn là tưởng tượng rằng mình đã ‘nắm’ được Người trong một mớ các ý niệm thiếu sót. Phương thức này hy vọng sản sinh trong tín hữu một thái độ nhiều kính sợ hơn là bằng hữu thân mật; các tác giả chỉ có thể nói rằng dù Monique rõ ràng không dễ nói về Thiên Chúa, nhưng các thực hành tôn giáo của cô không cho thấy dấu hiệu xa cách hay sợ hãi nào trong mối liên hệ này.

Người phỏng vấn cố gắng tìm hiểu một số niềm tin khác của Monique một cách chi tiết hơn; sau khi chết, chuyện gì sẽ xẩy ra? Monique tin vào các học thuyết Công Giáo truyền thống về Thiên Đàng, Hỏa Ngục và Luyện Ngục. Cô cảm thấy gần gũi Chúa nhất lúc nào? Khi hai em gái của cô sinh ra.

Hỏi: Vậy có phải trước đây em nói em đi nhà thờ mỗi tuần phải không?

Thưa: Đúng.

Hỏi: Em thấy Thánh Lễ ra sao?

Thưa: Rất thư giãn. Như một thứ trị liệu. Như thể là nơi duy nhất, trong vòng một giờ, để chị suy nghĩ thẳng thắn và trong tâm trí chị chả có chi ngoại trừ sự nối kết giữa chị và Chúa. Em thấy như vậy đó.

Hỏi: Rồi, thế em có thu lượm được nhiều từ bài giảng hay những việc như thế không?

Thưa: Có chứ chị.

Hỏi: Chị thấy nhiều người bảo họ rất khó theo dõi?

Thưa: Không, chúng rất dễ. Em muốn nói, em hiểu chúng và theo dõi hết được.

Monique nổi bật trong số các học sinh Lớp 12 được phỏng vấn mà không biểu lộ dấu hiệu nào cho thấy bị ảnh hưởng bởi tính thế tục của xã hội và văn hóa Úc. Các cuộc thăm dò toàn quốc các người Công Giáo cho thấy chỉ một thiểu số học sinh lớp 12 trong các trường Công Giáo đi nhà thờ mà thôi; và ít em duy trì trọn bộ các niềm tin Công Giáo.

Qua gia đình, cô liên kết chặt chẽ với cộng đồng sắc tộc Công Giáo Li Băng; ấy thế nhưng, ngay trong cộng đồng ấy, dù các giá trị gia đình được hỗ trợ rất nhiều, người ta vẫn thấy nhiều dị biệt trong việc giữ đạo, và khu ngoại ô của cô cũng như chính trường học của cô nữa cũng là những môi trường khá đa nguyên về phương diện tôn giáo.

Cô không bao giờ hoài nghi Thiên Chúa hay Giáo Hội, cũng như học đòi các thực hành huyền bí hay Tân Đại, là những điều cô cực lực bác bỏ trên cơ sở tôn giáo.

Dù niềm tin của cô có thể được mô tả là đơn giản hay như trẻ thơ, theo nghĩa tốt nhất, ta vẫn thấy rất nhiều dấu chỉ cho thấy một trí khôn thông minh trong đó. Được hỏi về các ảnh hưởng đối với đời cô, cô nhắc tới truyền thông, cho rằng: “Truyền thông không có giá trị mấy vì em đã lớn đủ để biết là họ phóng đại và họ chỉ cho công chúng biết điều công chúng muốn nghe. Bây giơ, ờem đã hiểu rất rõ điều ấy”.

Cô phê phán cách người ta miêu tả đời sống trong chương trình truyền hình ‘The Bold and the Beautiful’ và cả trong chương trình cô ưa thích là ‘Home and Away’, mà cô cho là có phản ảnh nhưng phóng đại cuộc sống thiếu niên, và ‘đang trở thành hủ hóa’.

Cô rất thích đọc sách, nhất là loại sách về cổ lịch sử, và mong có ngày được du hành và viếng thăm Hy lạp, La Mã và Ai Cập.

Thế giới quan của cô xem ra đầy đủ, rõ ràng gắn bó, toàn bộ, hết sức minh nhiên, diễn tả khéo và có suy tư so với một học sinh lớp 12; và hoàn toàn đã được thủ đắc. Thế giới quan ấy được phát biểu qua nhiều thực hành: các nghi lễ công cộng, việc ăn chay trong gia đình vào mùa chay và cầu nguyện tư riêng. Cô tự nói lên bản sắc Kitô hữu của mình bằng cách mang nữ trang có hình Thánh Giá (9).

Trong triết lý sống của cô, các giá trị gia đình rất nổi bật, gia đình và cộng đồng sắc tộc là ‘nhóm qui chiếu’ của cô, nghĩa là cơ sở nâng đỡ thế giới quan của cô; đến nỗi dù các thái độ và thiên hướng luân lý của cô thuộc loại bảo thủ và nghiêm nhặt, nhưng tinh sắc và khí sắc (tone & mood) cuộc sống cô lại nhiễm đầy ấm áp và một cảm thức an toàn hết sức vững ổn.

Linh đạo của cô chính là loại linh đạo cổ truyền.

Các ảnh hưởng đối với linh đạo:

Linh đạo của Monique là linh đạo tiêu biểu thuộc gia đình hạch nhân của cô, thuộc đại gia đình Li Băng của cô và thuộc Giáo Hội Maronite mà cô vốn là một thành viên. Tất cả các thực thể ấy tương quan qua lại với nhau. Phần lớn các người được phỏng vấn có hậu cảnh không nói tiếng Anh (NESB) đều cho thấy những mối liên kết chặt chẽ với gia đình. Nên không ngạc nhiên khi Monique duy trì được một sự đồng hóa rất mạnh với gia đình cô cả ở thời điểm này trong cuộc đời cô. Đối với cô, đại gia đình của cô đầy tính dưỡng dục và gần gũi. Được hỏi cô ngưỡng mộ ai, cô trả lời:

Người phỏng vấn: Người đó có thể là một quán quân thể thao hay bất cứ người nào em biết. Gia đình hay bằng hữu.

Monique: Có thể là một trong các chị em họ của em. Em có cần nêu tên không?

Người phỏng vấn: Không, em không cần phải nêu tên.

Monique: Vâng, chắc hẳn là một trong các chị em họ của em. Em muốn nói, chị ấy, em không biết (phải nói ra sao), chị ấy như một thứ gợi hứng rất mạnh, thúc đẩy em vượt qua mọi sự và luôn chuyện trò với em và chúng em ra ngoài với nhau nhiều lần và đi tha thẩn với nhau.

Người phỏng vấn: Thế, tại sao chị ấy lại gợi hứng được cho em?

Monique: À, chị ấy… chị ấy cũng xuất thân từ một gia đình đông con, nên dù đang đi học chị ấy cũng vẫn phải đi làm, cả chị ấy lẫn người chị của chị ấy nữa, đều đi là để giúp đỡ gia đình, (dù) cha mẹ chị ấy cũng có đi làm. Còn điều này nữa vì đi làm sau giờ học, nên chị ấy phải thức dậy lúc 3 giờ 30 sáng để 4 giờ còn học bài và sauu đó đến trường. Cứ thế cái thời khóa biểu ấy diễn tiến.

Người phỏng vấn: Thế, theo em, điều gì đem lại ý nghĩa và mục đích cho đời sống?

Monique: Như em đã nói ở trên, hẳn phải là gia đình. Không có gia đình là không có gì cả. À (mà quên), đối với em, đó là gia đình và tôn giáo. Gia đình em rất coi trọng tôn giáo, hiển nhiên là như thế. Và gia đình nữa. Em không rõ, (nhưng) chúng giúp chị tiếp tục tiến bước”.

Hành trình thiêng liêng của cô là hành trình được thực hiện trong cộng đoàn (gồm cả các bạn cùng trang cùng lứa đồng cảm thông) hơn là trong cô lập. Ngoài ra, các tài nguyên văn hóa được cô sử dụng trong cuộc tìm kiếm thiêng liêng cũng là những tài nguyên được thói quen thực hành của cô thúc đẩy cô lựa chọn:

Hỏi: Đồng ý. Thế em có đọc Thánh Kinh không?

Thưa: Có. Em có cuốn mới này, mập ụ này. Không, em có cuốn Thánh Kinh này và là cuốn thực sự rất dễ đọc. Nó cũng là sách Thánh Kinh bình thường thôi nhưng các đoạn của nó có kèm các câu hỏi giải thích.

Hỏi: Em nghĩ nó hữu ích như thế nào?

Thưa: Nó làm dễ sự nối kết. Em muốn nói, thí dụ khi em ra ngoài và nói mình sẽ đọc đoạn này hay đoạn nọ đêm nay. Thế là em chỉ cần mở những đoạn ấy và đọc thôi.

Monique tránh các phương tiện khám phá linh đạo khác. Cũng nên ghi nhận sự kiện này nữa là các gặp gỡ tôn giáo tại trường rất quan trọng với cô:

Hỏi: Bây giờ, chị hiểu trường em có các thánh lễ nữa. Em thấy các thánh lễ ấy ra sao?

Thưa: Ồ, các thánh lễ ấy thật sự rất tốt, một cách nào đó, chúng kết hợp trường lại với nhau vì chỉ những lúc như thế toàn trường mới tụ họp với nhau một cách rất thư giãn được. Như chị biết đấy, bọn em không có vấn đề gì rắc rối về việc làm bài ở nhà hay mặc lầm đồng phục hay bất cứ điều gì kiểu đó. Chúng em rất nhất chí trong các việc ấy vì những lý do tốt.

Các hậu quả của linh đạo:

1. Kiến thức:

Monique biết nhận ra các nhân quyền căn bản và chứng tỏ sự hiểu biết về một số các vấn đề công lý và tầm quan trọng củc việc làm thiện nguyện trong các sinh hoạt xã hội và cộng đồng.

Cô có đưa ra một số ý tưởng giải thích lý do của các tranh chấp trên thế giới và trong cộng đồng. Monique hơi nhậy cảm trước sự bất công bị cha cô đối xử cách phân biệt, hơi có tính bảo hộ hơn một chút, chỉ vì cô là con gái, trong khi các anh em trai của cô ‘thì thoát ách hơn cô nhiều’, và cô thường phản đối điều ấy với mẹ, người thường làm trung gian một cách khá thành công.

Các quan điểm của cô cho thấy một mức ngây thơ nào đó liên quan đến các nguyên nhân và cách giải quyết các vấn đề xã hội, nhưng việc đó không gây ngạc nhiên gì nhiều vì tuổi của cô còn tương đối trẻ, vả lại cô có cố gắng nối kết đức tin tôn giáo với thế giới quan của mình.

“Vâng, em nghĩ tất cả những cuộc tranh chấp và hòa bình thế giới này cần phải được tham gia ý kiếnmvà mọi tranh chấp cần được chấm dứt. Chúng đang hủy hoại thế giới. Em muốn nói, theo em, nếu mọi người hợp nhất với nhau, như các tôn giáo chẳng hạn, nếu mọi tôn giáo đều chăm lo tới việc riêng của mình và để mặc các tôn giáo khác hành động theo lối riêng của họ thì mọi sự sẽ êm xuôi ngay. Lẽ dĩ nhiên, ai cũng nghĩ tôn giáo của mình mới là tôn giáo đích thực nhưng ai là người phán định một niềm tin nào đó không đúng đối với họ, và Do Thái Giáo là không đúng đối với họ… Chị không thể phán đnịh như thế. Nều họ nghĩ tôn giáo ấy đúng đối với họ, thì nó đứng đối với họ. Bao lâu tôn giáo đó phù hợp với họ, thì xin hãy để mặc chúng tôi.

2. Các khả năng và kỹ năng bản thân

Monique ăn nói hoạt bát, có suy nghĩ và thích đọc sách báo. Cô ý thức được các lợi điểm được sống ở Úc và cô thấy cô may mắn về nhiều phương diện. Cô có được tâm điểm kiểm soát từ bên trong vì cô tin rằng các hành động của cô có hể tạo ra khác biệt và tương lai của cô không hẳn chỉ là chuyện may rủi.

3. Các thái độ xã hội

Monique rất gắn bó với trường, với giáo hội và với cộng đồng rộng lớn hơn của cô. Cô biểu lộ nhiều thái độ quan tâm tới người khác và một khuynh hướng vì ích chung, một sẵn sàng muốn làm việc cho cộng đồng.

“Em rất cởi mở với người ta. Đôi khi quá cởi mở nhưng thường thì rất cởi mở. Thí dụ em thích ai và yêu mến ai thì họ cũng thích như thế và em muốn chỉ cho họ thấy em sẵn sàng có đó cho họ nếu họ muốn và nếu họ không muốn lúc này, họ luôn luôn có thể trở lại với em”.

Cô chứng tỏ cô ủng hộ các thẩm quyền hợp pháp và các giáo huấn của Giáo Hội.

“Em biết có nhiều người thường nghĩ o.k. mình có thể đi ăn cắp một chiếc xe hơi hay đánh cướp một ngân hàng, rồi đi lễ ngày Chúa Nhật thế là được tha. Chị hiểu em muốn nói gì chứ? Không đúng như thế đâu. Chị không thể đánhh cướp ngân hàng và ăn cắp xe hơi”.

4. Hành động xã hội

Dù có hiểu một số vấn đề hiện đang thách đố thế giới ngày nay, nhưng Monique không để mình can dự vào hoạt động chính trị nhằm giải quyết chúng. Thí dụ, về các mối tranh chấp tôn giáo đã đề cập trong chi tiết như trên đây, mặc dù cô biết đến chúng, nhưng cô không can dự vào việc làm bất cứ điều gì để cổ vũ hoà hợp giữa các nhóm tôn giáo.

Hỏi: Rồi, thế em có coi tôn giáo là một nguồn gốc gây ra cuộc tranh chấp này hay không?

Thưa: Có.

Hỏi: Rồi, thế em có làm gì cho vấn đề ấy không? Chị không biết nữa, như ký thỉnh nguyện hay phản kháng chiến tranh chẳng hạn?

Thưa: Không.

Hỏi: Theo em, liệu có điều gì những người như bọn mình có thể làm được?

Thưa: À, chị luôn có thể làm điều gì đó. Em muốn nói, dù đó là một việc nhỏ nhoi như ký kiến nghị.

Hỏi: Ừ, nhưng về phương diện tỷ dụ như bất khoan dung tôn giáo chẳng hạn, bọn mình có hể làm gì để chấm dứt nó?

Thưa: Em nghĩ cái đó tùy mỗi cá nhân phải trưởng thành lên và hiểu ra rằng mình không phải là tôn giáo duy nhất ở trên đời, mình không phải là dân tộc duy nhất ở trên đời. Còn nhiều dân tộc khác với các cảm quan, xem sét và tôn giáo riêng của họ nữa.

Monique can dự mạnh mẽ đối với những người thuộc lứa tuổi của cô qua việc làm hiện nguyện ngay trong cộng đồng của cô, trong đó có làm việc cho người vô gia cư và thăm viếng các nhà dưỡng lão. Đó là một phần dịch vụ cộng đồng được tổ chức qua trường học của cô. Gần đây, cô tham gia một nhóm Hội Thánh Vincent de Paul tại trường, và đi theo xe ‘van’ về đêm để nuôi ăn những người vô gia cư, người lớn và trẻ em đói.

Monique: Em có đi một số đêm Thứ Tư với nhóm Hội Thánh Vincent ở trường và bọn em tới Ga Xe Lửa… Chúng em nuôi ăn người vô gia cư và cho họ uống, đồ uống nóng, đồ uống lạnh, thức ăn, săng-uých, đô-nất, bất cứ thứ gì họ muốn. Lần đi ấy kéo dài mấy tiếng. Em nghĩ bắt đầu khonảg lúc 5 giờ 30 và kết thúc khoảng 12 giờ đêm…

Hỏi: Điều ấy có thoải mái đối với em không?

Monique: Không, đau lòng lắm chị, nhất là với con nít. Nhiều con nít lắm chị, nhất là ở Bradstow, chúng gần như gào đòi thức ăn, hết sức thương tâm.

Monique cũng có thể được xếp vào loại có khuynh hướng công dân cao. Tuy nhiên, cô được coi như kém hơn Michael. Nếu ta đánh giá Michael theo một cái thang từ một tới mười cho cả bốn chiều kích, thì anh ta được 9 hay 10 về mỗi chiều kích ấy. Ngược lại, Monique chỉ được khoảng 6 hay 7 về mỗi chiều kích mà thôi.

Chú thích:

(6) Ngoài các bản ghi chép cuộc phỏng vấn ra, các tác giả còn có những ghi chú từ các quan sát bên lề của các phỏng vấn viên nữa, được thực hiện ngay lúc phỏng vấn, cho thấy nhiều điều qúy giá như điều vừa trích dẫn.

(7) Phần lớn người Công Giáo ở Úc thuộc tổ tiên Li Băng đều thuộc Giáo Hội Maronite, một giáo hội (Công Giáo) Phương Đông có căn cứ ở Li Băng, trong hiêệ thông với Giáo Hội Công Giáo (Phương Tây). Giáo hội Maronite có Thượng Phụ riêng tại Li Băng, có giám mục riêng cho Úc (thường trú tại Sydney), có phụng vụ và giáo luật riêng, và môt ộệ thống nhà thờ địa phương. Monique và gia đình cô tham dự một trong cácnhà thờ này, khá xa nơi họ sinh sống.

(8) Có tất cả 11 hình chụp, lựa từ bộ ‘Photolanguage Australia’ (Burton & Cooney 1986). Các tấm hình này rất khác nhau về nội dung và mục đích theo kiểu vẽ TAT (Thematic Apperception Test=Trắc Nghiệm Tri Thức Có Chủ Đề) rất nổi tiếng. Chúng được miêu tả là: đen trắng được chọn vì các phẩm chất mỹ thuật, khả năng kích thích trí tưởng tượng, trí nhớ và cảm xúc, và khả năng thách thức người nhìn chịu suy tư. Hình chụp nào có thể mô tả như là biểu tượng sẽ trở thành chìa khóa giúp kinh nghiệm quá khứ và tiềm thức của người ta tìm được phát biểu hữu thức’ (đã dẫn, tr.2).

(9) Dĩ nhiên, danh ca Madonna cũng có đeo nữ trang với cây thánh giá, nhưng xem ra không chia sẻ các giá gtrị của Monique! Thánh Giá khá phổ thông; ý nghĩa đối với người đeo chỉ được biết căn cứ vào hậu cảnh hòan toàn bản thân mà thôi. Trong trường hợp Monique, hậu cảnh đó làm ta đủ tư cách để giải thích việc cô đeo Thánh Giá như một biểu hiệu bản sắc của cô.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.06.2008. 23:05