Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Giới Trẻ Thế Giới và giới trẻ Úc (4)

§ Vũ Văn An

Linh đạo của giới trẻ Úc lứa tuổi 13-29

(tiếp theo)

(2) Các ảnh hưởng đối với linh đạo

Mục tiêu này cho thấy các tác giả quan tâm tới việc người trẻ đã thủ đắc nền linh đạo này thay vì nền linh đạo kia ra sao và tại sao; từ đó, họ bắt buộc phải xem sét đến các ảnh hưởng xã hội và văn hóa đối với linh đạo. Lý thuyết của Bourdieu về thói quen thực hành (habitus), một lý thuyết nhằm giải thích các thực hành có tính xã hội của một cá nhân, là một trong các phương thức của việc tìm hiểu này. Thói quen thực hành là ‘một mớ các thiên hướng thúc đẩy một người nào đó hành động và phản ứng theo một cách thế nhất định nào đó’ (Thompson, 1990). Hay, như chính Bourdieu đã từng phát biểu: là ‘một hệ thống các thiên hướng bền vững, có thể chuyển chỗ (transposable) được, mà nếu tích nhập được các kinh nghiệm quá khứ, sẽ luôn luôn hành xử như một mạng chồng chéo [matrix] gồm đủ nhận thức, lượng giá và hành động ‘ (1966, trong Swartz, 1997). Theo lý thuyết này, linh đạo của một người nào đó (triết lý sống, các thực hành và thế giới quan) được thói quen thực hành của họ thông tri.

Nhưng các thiên hướng này do đâu mà có? Các thiên hướng (chung) vốn lập thành một thói quen thực hành được thành hình nhờ diễn trình xã hội hóa của cá nhân: tức việc tham dự vào các cộng đoàn, vào văn hóa, giáo dục (chính thức và không chính thức) cũng như sự dưỡng dục mà cá nhân ấy gặp được suốt trong cuộc sống của mình (Schirato & Yell, 1996). Nó cũng được giai cấp xã hội của họ làm trung gian.

Các nhóm xã hội rất quan trọng để ta hiểu được thói quen thực hành: tuy không chấp nhận thuyết định mệnh xã hội [social determinism] nhưng là những nhà xã hội học, các tác giả đặc biệt ý thức được rằng con người nhân bản quả là các hữu thể xã hội cao độ, ngay cả những lúc họ tư riêng nhất; họ giống những cái mấu cái đốt (nodes) trong một hệ thống hơn là những ‘máy vi tính’ biệt lập; luôn luôn hành động qua lại với người khác thực sự đang hiện diện hay chỉ có trong tưởng tượng; là những máy thu nhiều băng tần luôn luôn theo dõi hàng tá hay hàng trăm những dấu hiệu văn hóa khác nhau; phản ứng trước các thay đổi phức tạp theo khuôn mẫu điều đã nhận được hơn là với ‘các âm thanh’ đơn độc xâm nhập vào cõi im lặng (4). Do đó, họ rất chú ý và quan tâm đến các nhóm xã hội khác nhau mà mỗi cá nhân vốn là thành viên, và cách thế các nhóm này nâng đỡ hay thách thức nền linh đạo của họ.

Theo quan điểm của Bourdieu, điều quan trọng là người ta không bị tiền định phải hành động theo một cách thế nào đó chỉ vì họ thủ đắc được một thói quen thực hành đặc thù. Đúng hơn, việc nội nhập văn hóa (enculturation) này hướng dẫn tác phong và các phản ứng của họ tới các tài nguyên văn hóa khác nhau, nhưng nó không định buộc (determine) tác phong và các phản ứng đó. Do đó, các thực hành văn hóa mà cá nhân đảm nhiệm cũng đồng thời là sản phẩm của lựa chọn tự do (dù bị giới hạn bởi điều được thói quen kia cho là chấp nhận được).

Để đạt được mục tiêu này, các tác giả đã tìm cách thăm dò việc xã hội hóa và nội nhập văn hóa nơi người được phỏng vấn, theo một số chiều kích, song song với việc họ tiếp nhận các tài nguyên văn hóa khác nhau, để nhìn ra các loại liên hệ giữa linh đạo, xã hội hóa và văn hóa. Các tác giả cũng quan tâm tìm hiểu các ảnh hưởng khác đối với linh đạo, nhất là các giai đoạn trong cuộc sống của người trẻ và trung tâm thẩm quyền đối với linh đạo của họ. Một cách đặc thù, họ tìm cách thăm dò năm chiều kích có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới linh đạo.

1. Các liên hệ gia đình và cộng đoàn

Gia đình hạch nhân rất quan trọng đối với hầu hết các người trả lời phỏng vấn. Nhưng còn đại gia đình thì sao? Gia đình ảnh hưởng ra sao tới nền linh đạo của người được phỏng vấn? Mặt khác, liệu người trả lời có mối liên kết mạnh nhẹ nào với các cộng đoàn khác như nhóm sắc tộc, băng đảng, giáo hội hay trường học không? Nền linh đạo của người trả lời có tiêu biểu đối với một cộng đoàn đặc thù mà họ có can dự với hay không?

2. Các hệ thống cùng trang lứa

Các hệ thống này mạnh như thế nào? Người trả lời có bị cô lập về phương diện xã hội hay không? Người trả lời có tham dự việc tìm hiểu và phát triển tâm linh với các bạn cùng trang cùng lứa không?

3. Văn hóa

Điều này bao gồm cả hậu cảnh văn hóa, hậu cảnh tôn giáo và giáo dục, vì tất cả những điều này đều góp phần thông tri nền linh đạo của người ta. Cũng có các tài nguyên văn hóa nhờ thế các cá nhân có thể tự do lựa chọn, chỉ bị giới hạn bởi điều thói quen thực hành của họ cho là chấp nhận được. Câu hỏi đặt ra là: ở đấy, có điều gì ăn có, liên quan tới người trẻ hay không? Văn hóa cung hiến được gì cho nền linh đạo qua các phương tiện truyền thông khác nhau như phim ảnh, sách vở, tạp chí, âm nhạc, liên mạng và trò chơi video? Trong các theo đuổi linh đạo, người trả lời đã sử dụng các phương tiện trên ra sao?

4. Giai cấp xã hội

Giai cấp thượng tầng? Giai cấp trung thượng tầng? Giai cấp hạ thượng tầng? Giai cấp lao động?

5. Các giai đoạn đời sống

Trong dòng đời, người trả lời đang ở khúc nào? Họ có còn đi học, lệ thuộc cha mẹ hay không? Họ đã rời gia đình chưa? Theo tuổi, nền linh đạo của họ đã hoàn toàn thành hình chưa?

(3) Các hậu quả của linh đạo

Trong mục tiêu này, các tác giả chú tâm tới các hậu quả của linh đạo người trẻ đối với hoạt động xã hội, nghĩa là, tác phong ý nghĩa có tính hỗ tương, liên chủ thể (không nhất thiết phải là các hậu quả thuộc những thứ khác như bản sắc, phúc lợi tâm lý hay bệnh lý học v.v…)

Nhiều điểm ấy đang được các chuyên viên trong các lãnh vực khác nghiên cứu. Cái nhìn của các tác giả thuộc lãnh vực xã hội học, nên họ tin rằng việc chú tâm tới các hậu quả xã hội có liên hệ đặc biệt khi chủ nghĩa cá nhân nơi người trẻ mỗi ngày mỗi gia tăng. Điều này có đúng không hay nó bắt rễ trong nền linh đạo của họ?

Hơn 10 năm qua, cả ở Úc lẫn quốc tế, người ta càng ngày càng chú ý nhiều hơn tới các ý tưởng của giới trẻ đối với xã hội dân sự và các tác phong công dân của họ (Janoski, 1998; Weidenfeld, 2003; Hartley, 2001). ‘Quan tâm công dân’ (civic-mindedness) là một hạn từ từng được sử dụng để mô tả khuynh hướng chung quan tâm đến ích chung, một khuynh hướng gồm cả tính có qua có lại, sự hợp tác và tin tưởng (Putman, 1995). Nó bao hàm cảm thức trách nhiệm đối với cộng đồng của mình (cả địa phương, quốc gia lẫn quốc tế) và một niềm tin cho rằng dù có các khác biệt cá thể, mọi người đều có điều gì đó để góp phần vào ích chung (Smart, Sanson, da Silva & Toumbourou, 2000). Đối với các nhà xã hội học, ‘quan tâm công dân’ biểu tượng cho một khía cạnh quan trọng của ‘tư bản xã hội’ theo nghĩa nó góp phần vào nền văn hóa tin tưởng và có qua có lại từng nâng đỡ các mối liên hệ và mạng lưới xã hội và làm dễ các hành động tập thể và các cam kết công dân (Winter, 2000). Trong nhiều nghiên cứu, người ta đã thấy rằng tinh thần tôn giáo được liên kết với một số thành quả lành mạnh và đáng ước ao do khá nhiều lãnh vực quan tâm bản thân và công cộng đem lại, trong đó, có sự can dự chính trị và công dân (Smith, 2003; Youniss, McLellan & Yates, 1997).

Sau khi khảo sát một cuộc nghiên cứu trước đây về tư cách và tác phong công dân, các tác giả đã gom các đặc điểm này vào bốn chiều kích tổng quát sau đây:

1. Kiến thức và cách đánh giá: hiểu các nhân quyền căn bản, các cơ cấu xã hội/chính gtrị, và các cơ chế để thay đổi xã hội, cộng với việc đánh giá được công lý xã hội, công bằng, tính đa văn hóa, cam kết với cộng đồng, đưa ra các ý tưởng hay kinh nghiệm mới và làm thiện nguyện.

2. Khả năng và kỹ năng bản thân: có một loạt các kỹ năng và khả năng bản thân: khả năng biết tự mình chọn lựa và quyết định, biết kiểm soát bản thân, biết biện luận một cách hữu hiệu cho quan điểm của mình mà không bôi lọ các quan điểm của người khác và biết làm việc theo nhóm. Các kỹ năng xã hội bao gồm: tài lãnh đạo, tài thông đạt, hợp tác, làm việc nhóm, thương thảo, giữ quân bình giữa tin tưởng và nghi ngờ.

3. Các thái độ xã hội (đối với người khác và xã hội nói chung): các thái độ và hành động chứng tỏ có khuynh hướng vì ích chung và ý muốn làm việc cho cộng đồng. Do đó, các tác giả tìm kiếm những điều như: thái độ săn sóc và kính trọng đối với người khác, yểm trợ các thẩm quyền hợp pháp, trong thế căng thẳng xây dựng, sẵn sàng để bất đồng (trong các vũ đài chính trị và công dân), đồng nhất và cam kết với lân bang hàng xóm, với cộng đồng rộng lớn hơn, với các nhóm và định chế tôn giáo hay công dân (trường học, quốc hội, hệ thống luật pháp). Các tác giả cũng tìm hiểu các dấu hiệu cho thấy khả năng và ý muốn sẵn sàng tham dự vào cách nói năng chung tỏ ra khoan dung đối với ý kiến của người khác, và bất đồng với chính ý kiến của mình.

4. Hành động xã hội (cá nhân hay tập thể): người trả lời có thể và thực sự có đem các thái độ mô tả trên ra thực hành hay không? Hành động của họ ra sao trong tương quan với gia đình hay bạn bè, người cùng trang lứa, và trong cộng đồng? Họ dấn thân đến mức độ nào vào việc thiện nguyện và phục vụ cộng đồng, các sinh hoạt công dân và chính trị trên phạm vi địa phương và miền? Các tác giả cũng khảo sát các sinh hoạt liên quan đến địa bàn quốc gia và quốc tế. Muốn được coi có trình độ cao về hoạt động xã hội, người trẻ cần chứng tỏ một can dự liên tục vào các sinh hoạt cộng đồng, trong đó có việc làm thiện nguyện trong một thời gian đáng kể. Những người thỉnh thoảng lắm mới đi lạc quyên cho các cơ quan từ thiện, chỉ một lần rồi thôi, có thể chỉ là do nhà trường bắt buộc, đương nhiên được xếp hạng thấp trên bậc thang hành động xã hội.

Các tác giả cho rằng một người nào đó rất có thể có mức độ cao ở một số các điểm trên nhưng lại có mức độ thấp ở một số điểm khác. Một người trẻ được xếp loại là thực sự có quan tâm công dân phải có mức độ cao ở tất cả bốn chiều kích trên. Để làm sáng tỏ các kết luận phân tích của họ, các tác giả này đã khai triển một hình loại học (typoloogy) để xếp loại các trường hợp thành những nhóm tổng quát. Họ được lượng giá theo điều được coi là mức độ hợp lý cho mỗi chiều kích đối với người thuộc lớp tuổi họ. Dù không một người trẻ nào rơi hoàn toàn khít vào một loại, các tác giả vẫn thấy hình loại học này có ích, tuy nó chỉ là một ‘công trình đang diễn tiến’. Cho đến nay, năm loại sau đây đã xuất hiện:

1. Khuynh hướng công dân cao: Những ai được xếp cao về cả bốn chiều kích và có thể được coi là lý tưởng đối với các công dân trẻ.

2. Khuynh hướng công dân trung bình: Những ai chứng tỏ mức độ cao trong hành động xã hội nhưng về ba chiều kích kia thì mức độ có thay đổi. Nếu những người này cho thấy mức độ cao ở ít nhất một trong ba chiều kích ấy, thì họ được xếp vào loại này.

3. Khuynh hướng công dân thấp: lãnh đạm, là những người có mức độ từ thấp đến trung bình về kiến thức công dân và các khả/kỹ năng bản thân và chứng tỏ được các thái độ xã hội công dân tối thiểu. Họ chỉ thực hiện một lượng nhỏ các hoạt động thiện nguyện hay hành động xã hội. Họ không chống đối các nhiệm vụ công dân nhưng coi chúng như không dính dáng gì tới mình. Họ là những người lãnh đạm hay thờ ơ đối với các cam kết công dân.

4. Khuynh hướng công dân thấp: tư lợi, là những người hiểu rõ cách vận hành của hệ thống chính trị và kinhh tế và có kỹ năng cao nhưng các thái độ xã hội công dân nơi họ không mạnh. Họ hầu như không thực hiện bất cứ dịch vụ cộng đồng nào ngoại trừ việc ấy mang lại lợi ích bản thân trực tiếp cho họ. Họ không nhìn ra chủ nghĩa vị tha hay không coi các hành động xã hội có dính dáng đến họ.

5. Khuynh hướng công dân thấp: chống đối xã hội, là những người bị xếp ở mức thấp về tất cả bốn chiều kích. Triết lý sống của họ ủng hộ các hành động chống lại xã hội, trong đó họ can dự hoặc vì tư lợi cá nhân hoặc trong tư cách thành viên của một nhóm phản văn hóa như băng đảng chẳng hạn. Trong phần kế tiếp, các tác giả sẽ trình bày các trường hợp điển hình của một số các người được họ phỏng vấn để lên xương thịt cho các khúc xuơng xẩu lý thuyết khô khan trên.

Ghi chú: (4) xem Geertz (1973, tr. 79-82 ).

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.06.2008. 14:19