Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Giới Trẻ Thế Giới và giới trẻ Úc (2)

§ Vũ Văn An

Linh đạo giới trẻ trong một xã hội đang thay đổi

Đó là tựa đề một phúc trình do ba tác giả Michael Mason, Andrew Singleton và Ruth Webber hoàn thành trong ba năm (2003-2005). Các nhà nghiên cứu này thuộc các Đại Học Công Giáo Úc, Đại Học Monash và Hiệp Hội Nghiên Cứu Kitô giáo. Cuộc nghiên cứu có tính toàn quốc của họ nhằm tìm hiểu linh đạo của giới trẻ Úc ở tuổi mười mấy, hai mươi, dựa vào cuộc điều tra toàn quốc một mẫu đại biểu cho cả nước thuộc Thế Hệ Y (sinh năm 1981-1995) so với các nhóm thuộc Thế Hệ X (sinh năm 1966-1980) và Thế Hệ “Được Mùa Con Nít” (Baby Boomers, sinh năm 1946-1965). Cuộc điều tra này sau đó được bổ túc bằng các cuộc phỏng vấn chi tiết trực diện.

Mục tiêu của dự án là thăm dò một loạt các thế giới quan và giá trị của Thế Hệ Y, cảm thức của họ về ý nghĩa và mục đích ở đời, các phương cách qua đó họ tìm được bình an và hạnh phúc, việc họ can dự vào các tôn giáo truyền thống và các nền linh đạo thay thế khác, cách họ liên hệ với xã hội chung quanh và các ảnh hưởng từng lên khuôn cái nhìn và lối sống của họ.

Các khám phá chủ yếu

Chương 12 của phúc trình tóm lược cho ta các khám phá chủ yếu của cuộc nghiên cứu này.

Linh đạo truyền thống

1. Chỉ hơn một nửa Thế Hệ Y nói họ tin Thiên Chúa (51%); 17% nói họ không tin, và 32% không chắc chắn.

2. Gần một nửa giới trẻ Úc tuổi từ 13 đến 24 không thuộc hay không nhận mình thuộc một tôn giáo hay một hệ phái nào. 46% coi mình là Kitô hữu, 17% theo đuổi các hình thức linh đạo Tân Đại (New Age), 28% Thế Tục, 6% thuộc các tôn giáo hoàn cầu có tính truyền thống khác, và 3% tin có Thiên Chúa nhưng không tự nhận thuộc bất cứ tôn giáo truyền thống nào.

3. Xét theo hầu hết các khía cạnh trong niềm tin và thực hành, các Kitô Hữu Thế Hệ Y (46% Thế Hệ Y này) không khác bao nhiêu so với các cha mẹ thuộc Thế Hệ “Được Mùa Con Nít” hiện vẫn còn là Kitô hữu của họ.

4. Nhưng có nhiều khác biệt lớn giữa hai thế hệ này về các phương diện khác; một trong các phương diện quan trọng hơn cả là các thiếu nữ hiện nay không còn “đạo hạnh” hơn các thanh niên ở một số điểm nữa.

5. Một cách tổng quát, Thế Hệ Y ít quan tâm và can dự đối với tôn giáo hay linh đạo: chỉ có khoảng 41% thực sự dấn thân vào một trong ba hình thức linh đạo chính và chỉ có 17% là dấn thân với một hình thức Kitô giáo nào đó.

6. Thế Hệ Y thuộc các giáo phái Thệ Phản bảo thủ chứng tỏ mức độ tin và thực hành tôn giáo cao hơn các đối tác Công Giáo hay Anh Giáo của họ, và cũng cao hơn so với thế hệ cha anh cùng một giáo phái của họ.

7. Đa số người thuộc các giáo phái đều đồng ý rằng “bạn có quyền lựa và lọc các niềm tin tôn giáo nào bạn muốn…”; Và đa số Thế Hệ Y đồng ý rằng ‘luân lý là chuyện tương đối, không có điều đúng điều sai dứt khoát cho mọi người’ (dù chỉ có ít hơn một nửa người Theo Kitô giáo nghĩ như vậy).

8. Giới trẻ Úc ngần ngại không muốn tuyên bố rằng chỉ có một tôn giáo chân thực: chỉ có 13% Thế Hệ Y tuyên bố như thế.

9. Thế Hệ Y đang trôi xa dần Kitô giáo một cách mạnh mẽ: một số trước đây tham dự đều đặn, nhưng nay đã ngưng không làm thế nữa; nhiều người khác trước đây tin Thiên Chúa nhưng nay không còn tin nữa; trước khi qua tuổi 25, khoảng 18% những người vốn thuộc một giáo hội Kitô Giáo nay đã thành cựu thành viên.

10. Một điều hết sức rõ rệt là cha mẹ sống đạo, tha thiết với đức tin của mình, đã gây ảnh hưởng lớn khiến con trẻ hướng tới một mức độ dấn thân cao với linh đạo Kitô giáo. Người ta không tìm thấy hiệu quả của việc học trường giáo hội, ngoại trừ trường hợp các trường ‘Kitô giáo khác’. Tuy nhiên, đa số những người tin Thiên Chúa và học trường giáo hội cho hay việc học giáo lý tại trường có ích hay rất có ích trong việc củng cố đức tin của họ. Khoảng 1/3 các học sinh dấn thân cao về phương diện tôn giáo cho biết đôi khi bị gây áp lực hay bị chế diễu tại trường vì các niềm tin và thực hành tôn giáo của mình.

Linh đạo Tân Đại

11. Khoảng một nửa Thế Hệ Y từng thăm dò các tôn giáo khác bên ngoài Kitô giáo, nhưng phần lớn ‘để tìm tòi các hiểu biết tổng quát’. Những người hay rảo quanh các tôn giáo khác nhiều hơn cả lại là những người đạo hạnh hơn hết, đặc biệt là vì họ thường là những người học trường giáo hội và lấy các môn về tôn giáo so sánh trong hai năm cuối làm môn thi tốt nghiệp trung học.

12. 31% Thế Hệ Y ‘dứt khoát’ tin có tái sinh, tức ý niệm cho rằng người ta từng có kiếp trước, 24% tin thuật chiêm tinh, nghĩa là các vì sao và tinh cầu có tác động trên số phận con người ta. Đối với phần lớn những người tin có luân hồi, thì niềm tin này không hẳn dựa vào bối cảnh các tôn giáo cổ truyền như Ấn Giáo hay Phật Giáo, cho bằng vào các niềm tin bình dân.

13. Đối với Thế Hệ Y, các thực hành của Tân Đại không quan trọng. 4 phần 5 thành viên của Thế Hệ Y không bao giờ nghiêm chỉnh tham dự các buổi yoga (dưới hình thức linh đạo), tai-chi, thiền Đông Phương hay đọc bài Tarot.

14. Trong số 17% Thế Hệ Y từng tự xếp loại thuộc linh đạo Tân Đại, thì non một nửa là ‘Những Người Tin vào Tân Đại’, nghĩa là những người theo một mớ hỗn độn các niềm tin của Tân Đại nhưng không tiếp nhận các thực hành của họ. Số còn lại là ‘Những Người Tham Dự vào Tân Đại’, nghĩa là vừa tin một mớ hỗn độn các niềm tin của Nhóm này vừa nhiêm chỉnh can dự vào một hai thực hành của Tân Đại. Đa số những người theo Tân Đại không can dự vào một tôn giáo cổ truyền, nhưng có theo một hay hai niềm tin của các tôn giáo ấy.

15. Các đặc điểm thuộc dân số và xã hội như coi truyền hình nhiều hơn, sống xa gia đình và gần những khu vực kém may mắn về phương diện kinh tế xã hội vốn được liên kết với Người Tin vào Tân Đại. Trong khi các nhân tố như già hơn và là phụ nữ thường được liên tưởng với Người Tham Dự vào Tân Đại. Nói một cách chung, nữ giới thường hay thăm dò nền linh đạo Tân Đại nhiều hơn nam giới.

Linh đạo Thế Tục

16. 17% Thế Hệ Y không tin Thiên Chúa, 19% cho rằng có rất ít sự thật trong bất cứ một tôn giáo nào và 23% không tin có sự sống đời sau.

17. Trong số 28% Thế Hệ Y theo con đường thế tục ở trên đời, thì 10% là những người Vô Tôn Giáo, chưa bao giờ tin Thiên Chúa và từ khước các niềm tin của Tân Đại, 4% là Cựu Tôn Giáo, nghĩa là có lúc đã tin Thiên Chúa nhưng nay bác bỏ cả niềm tin Cổ Truyền lẫn niềm tin Tân Đại, trong khi 14% còn lại là những người Do Dự, nghĩa là không biết chắc liệu Thiên Chúa có thực hay không, nhưng họ cũng không chấp nhận các niềm tin của Tân Đại.

18. Là phái nam hay sống ngoài gia đình thường là các đặc điểm được liên kết với người Vô Tôn Giáo và Cựu Tôn Giáo. Trong khi già chưa chắc đã là đặc điểm của cả người Vô Tôn Giáo lẫn người Cựu Tôn Giáo.

19. Thế Hệ Y là thế hệ quan tâm tới truyền thông: hơn một phần ba ngồi trước màn ảnh từ 20 tới 50 giờ một tuần, coi truyền hình, chơi trò chơi video hay truy cập liên mạng, trong khi hai phần ba kia ngồi trước màn ảnh từ 10 đến 20 giờ một tuần.

20. Dù có một ý thích phổ thông đối với các chương trình truyền hình hay các cuốn phim miêu tả các chuyện ngoại thường và bí nhiệm, nhưng các loại chương trình này phản ảnh ý thích thưởng ngoạn và tin tưởng của người xem hơn là một ảnh hưởng nhằm thuyết phục cử tọa tin vào qủy quái hay ma cà rồng.

Giá trị và quan tâm xã hội

21. Giới trẻ cho thấy họ coi trọng các mối liên hệ thân mật với bạn bè và gia đình, và việc làm thế nào để có được một cuộc sống đầy hứng thú và vui hưởng. Họ cũng muốn có được một thế giới bình yên, biết hợp tác với nhau, công chính và an toàn. Các quan tâm tôn giáo hay tâm linh thường thường được coi là không quan trọng.

22. Phần lớn người trẻ nói rằng họ có mục tiêu trong đời, dù một số có cảm tưởng đời họ không ăn có gì với một kế sách lớn hơn, họ thực sự không thuộc đâu vào đâu cả hay ‘họ đang bị thương tổn rất sâu ở bên trong’.

23. Các sinh hoạt được xếp hạng quan trọng nhất để hưởng bình an và hạnh phúc là nghe âm nhạc, làm việc hay học hành. Đa số coi việc suy niệm là không quan trọng.

24. Các em Kitô hữu tích cực, từng biết áp dụng niềm tin tôn giáo vào thực hành, là những em có thái độ công dân tích cực, chứng tỏ các mức độ cao về quan tâm xã hội và tích cực can dự vào việc phục vụ cộng đồng. Các em Kitô hữu càng có cam kết cao về tôn giáo của mình thì càng quan tâm tới người khác; rất ít các em Thế Tục có quan tâm nhân bản này.

25. Các em Thế Hệ Y thuộc các hệ phái Thệ Phản bảo thủ chứng tỏ mức độ cao hơn trong quan tâm và can dự xã hội hơn các em thuộc các hệ phái phóng khoáng hơn.

26. Các em Tân Đại, từng được nuôi dạy làm Kitô hữu trước đây, và các thiếu nữ Thế Tục (chứ không phải nam giới) từng được nuôi dạy như thế cũng chứng tỏ mức độ cao hơn trong quan tâm xã hội, nhất là trong phạm vi làm thiện nguyện viên.

27. Các Giáo Hội và tổ chức giới trẻ có thể và thực sự đã giúp giới trẻ ra khỏi ‘khu vực thoải mái’ (comfort zone) của họ để can dự vào các sinh hoạt công dân ở nhiều mức độ khác nhau. Các Giáo Hội và tổ chức ấy là những cơ sở quan yếu cung cấp cho họ cả việc huấn luyện kỹ năng lẫn cơ hội để làm thiện nguyện viên.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.06.2008. 14:19