Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Giới Trẻ Thế Giới và giới trẻ Úc (1)

§ Vũ Văn An

Lịch trình sinh hoạt của Đức Bênêđíctô XVI, trong những ngày lưu lại Sydney sẽ hết sức xít xao, nhưng Ngài đã đích thân yêu cầu được gặp một nhóm thanh thiếu niên “kém may mắn” (disadvantaged). Người ta vốn hiểu chữ kém may mắn theo nghĩa kinh tế xã hội. Tuy nhiên, khi được phỏng vấn, Đức Cha Anthony Fisher, Phối Trí Viên Đại Hội, cho hay: cuộc gặp gỡ này sẽ khởi đầu cho diễn trình hàn gắn hay chữa lành. Khiến người ta hiểu nhóm thanh thiếu niên ấy không hẳn chỉ kém may mắn theo nghĩa kinh tế xã hội mà thôi. Và điều này cho thấy rất có thể Đức Giáo Hoàng đã biết đến bản phúc trình của ba tác giả Michael Mason, Andrew Singleton và Ruth Webber về cuộc nghiên cứu thăm dò kéo dài ba năm từ 2003 tới 2005 nhằm tìm hiểu cuộc sống tâm linh của giới trẻ Úc. Ba tác giả này đã từ từ chia sẻ các khám phá của họ qua các phúc trình từng giai đoạn của cuộc nghiên cứu. Và các phúc trình ấy đang được Website chính thức của WYD08 “nối kết” và được các tác giả chia sẻ với các nhà chuyên môn của Mỹ thuộc dự án “National Study of Youth and Religion” viết tắt là NSYR. Tựa đề cuộc nghiên cứu tại Úc là “Linh Đạo Thế Hệ Y”. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy nội dung các phúc trình của các tác giả này, nhân những ngày hồng ân mà cũng là thách đố của WYD08.

Cầu nguyện với nhau, là cấu kết với nhau

Hai tác giả phúc trình “Linh Đạo Thế Hệ Y”, là Michael Mason và Andrew Singleton, đã được Rachael Kohn, thuộc chương trình “The Spirit of Things” của ABC Radio National, phỏng vấn.

Linh Đạo Thế Hệ Y là một cuộc nghiên cứu kéo dài 3 năm thu thập dữ kiện từ hơn một ngàn người. Một trong các khám phá lớn là mức độ cá nhân chủ nghĩa cao nơi Thế Hệ Y.

Cả hàng trăm năm nay, các nhà xã hội học vẫn tin rằng xã hội sẽ vững ổn khi mọi người tương đối đều có chung các giá trị và niềm tin như nhau… Nhưng một cuộc nghiên cứu lớn tại Úc về Thế Hệ Y, tức những người sinh sau năm 1975, dường như đang thách thức quan điểm trên.

Thế Hệ Y là thế hệ nào?

Trước khi đề cập thẳng đến cuộc nghiên cứu này, tưởng nên biết qua về cách đặt tên các thế hệ. Tại sao lại gọi là Thế Hệ X, Thế Hệ Y, nghe ra như là các thế hệ sắp chấm dứt lịch sử con người, vì là hai chữ gần như cuối cùng của mẫu tự. Thực ra, thuật ngữ Thế Hệ Y sở dĩ có là vì Thế Hệ trước đó đã được gọi là Thế Hệ X. Một tác giả Mỹ, Douglas Coupland, đã dùng thuật ngữ Thế Hệ X lần đầu tiên trong thập niên 1990 để chỉ Thế Hệ sinh sau Thế Hệ “Được Mùa Con Nít”, là thế hệ ai cũng biết. Thế Hệ X của Coupland hơi giống ý niệm “ẩn số” trong toán học, nhưng nặng về nghĩa không hiện diện hay bị bỏ quên. Khi muốn chỉ thế hệ sau đó, người ta quen dùng thuật ngữ Thế Hệ Y. Đây là thế hệ sinh sau 1975, tức trong khoảng 1976 tới 1990. Nhiều người cho rằng, sau Thế Hệ Y, ta không cần dùng mẫu tự để đặt tên các thế hệ nữa, vì đã sẵn có nhiều cách đặt tên thời thượng hơn nhiều, như Thế Hệ “Dot Com” chẳng hạn.

Bây giờ xin vào thẳng Phúc Trình. Đây là cuộc nghiên cứu dựa vào một mẫu gồm 1,272 người thuộc Thế Hệ Y, thêm một mẫu kiểm soát gồm 370 người nữa thuộc hai Thế Hệ X và Thế Hệ Được Mùa Con Nít. Như thế tổng cộng là 1,619 người. Sau đó, các tác giả còn phỏng vấn khoảng 100 người nữa, phần lớn thuộc Thế Hệ Y và sống tại các Tiểu Bang Miền Đông Úc Châu. Nhờ những cuộc phỏng vấn sâu sắc này, phúc trình nhận được một hình ảnh phong phú hơn nhiều.

Michael Mason, vốn là một linh mục kiêm nhà xã hội học, tin rằng Thế Hệ Y không được lên khuôn do các biến cố mới đây, mà chính nền văn hóa Úc và cha mẹ họ đã lên khuôn cho họ. Chính Thế Hệ Được Mùa Con Nít, tức cha mẹ họ, đã sống qua thời kỳ có những biến chuyển lớn về xã hội và văn hóa trong hai thập niên 1960 và 1970. Ông nghĩ Thế Hệ Y là thế hệ cho thấy kết quả của các biến chuyển trên. Điều lý thú đối với thế hệ này là họ đã khởi đầu cuộc sống riêng hay đã bước vào tuổi mười mấy hai mươi ngay vào thời điểm Hai Thế Hệ Được Mùa và X đã hoàn tất công việc của họ đối với văn hóa.

Nền văn hóa này dĩ nhiên có tính đa sắc, đa mầu do nơi sinh của cha mẹ họ cũng có mà do nguồn gốc máu mủ họ cũng có. Nhưng ngay nền văn hóa Úc chính dòng, trong suốt 40 hay 50 năm qua, cũng đã trở nên thế tục hơn nhiều lắm. Trong cái nền văn hóa ấy, vì sợ bị ảo tưởng, nên người ta ngần ngại không dám mơ mộng nữa. Thành ra, bạn có thể coi Thế Hệ Y như thế hệ trẻ đầu tiên trong nền văn hóa ấy không tin tưởng mộng mơ hay thị kiến.

Linh đạo là gì?

Có người cho rằng nghiên cứu việc tham dự tôn giáo theo lối cũ nghĩa là căn cứ vào số người đi nhà thờ sẽ dễ dàng hơn là căn cứ vào linh đạo hay cuộc sống tâm linh. Mà linh đạo hay cuộc sống tâm linh là thế nào? Michael Mason cho hay thật khó định nghĩa các hạn từ này một cách chính xác. Căn cứ vào lịch sử, ta thấy có nghĩa nguyên khởi trong cổ ngữ Hy Lạp, sau đó, mới có nghĩa tôn giáo tại Israel.

Thực vậy, ý niệm thần linh (spirit) liên hệ đến Thánh Thần Thiên Chúa. Từ thế kỷ 17 trở đi, linh đạo hay cuộc sống tâm linh có nghĩa là phong cách bản thân của từng người đối với việc tôn giáo (religiosity). Gần như luôn luôn ám chỉ Kitô giáo. Nhưng những lúc gần đây, linh đạo có một định nghĩa rộng rãi hơn nhiều, trong đó, tôn giáo định chế chỉ đóng một phần rất nhỏ.

Ai cũng có thể tự định nghĩa được linh đạo của riêng mình. Khởi đầu cuộc nghiên cứu, nhiều người từ khước hoàn toàn ý niệm ‘tâm linh’ tuy họ vẫn có một lối sống, một thế giới quan, một hệ thống giá trị và đạo đức riêng. Thành ra, để không độc đoán loại trừ một ai, các tác giả đã đưa ra một định nghĩa hết sức rộng rãi về linh đạo: để chỉ bất cứ thế giới quan nào bạn có và bất cứ hệ thống giá trị nào đi đôi với thế giới quan kia, dù trong cách nói năng của bạn, bạn từ khước không dùng các hạn từ như linh đạo, tâm linh.

Từ đó, các tác giả đưa ra ba mẫu linh đạo: Truyền Thống, Chiết Trung (eclectic) và Duy Nhân (humanist). Linh Đạo Truyền Thống để chỉ những ai nhận mình là Kitô hữu, tham dự các giáo hội Kitô giáo, cũng như một số tín hữu thuộc các tôn giáo lớn có tính hoàn cầu, như Hồi Giáo, Phật Giáo và Ấn Giáo, vốn là các truyền thống tôn giáo cực kỳ lâu đời trên thế giới. Tuy nhiên, họ chỉ đại diện rất ít trong cuộc nghiên cứu này. Tóm lại, tuy Truyền Thống ở đây chỉ các Kitô Hữu và Các Truyền Thống Khác, nhưng cốt chính chúng tôi nhằm vào các Kitô hữu, bởi lý do đơn giản họ là nhóm đa số gắn bó với con đường truyền thống.

Chiết Trung là những người tin theo hai hay nhiều hơn các niềm tin Tân Đại (New Age), bí truyền hay Đông Phương. Thí dụ, tin tái sinh, tin đồng bóng (psychics), tin bói toán hay thuật chiêm tinh. Thêm vào đó, họ còn có thể thực hành tới bốn thể loại tôn giáo và tâm linh Tân Đại, bí truyền hay Đông Phương sau đây: yoga, tai-chi, bói bài hay bói toán. Phải nói ngay, một số người tự nhận là Chiết Trung vẫn duy trì một số niềm tin của Kitô giáo, như tin có sự sống đời sau, tin thiên thần, ma qủy v.v… Tuy chưa biết liệu các niềm tin này có phù hợp với quan điểm truyền thống của Kitô giáo hay không. Căn cứ vào tính chiết trung của họ, nghĩa là cái quan điểm sẵn sàng ‘thu nhặt’ đủ thứ, thì các niềm tin kia khó mà đi đúng hướng của Kitô giáo chính thống.

Nhóm Duy Nhân là nhóm khá đông của Thế Hệ Y. Nên các tác giả muốn tìm hiểu cái nhìn của họ về cuộc đời. Gọi họ là Duy Nhân, vì xem ra nhóm này không muốn đi theo một con đường tâm linh nào, kể cả con đường Truyền Thống lẫn các nẻo đường Chiết Trung của Tân Đại, của bí truyền và của Đông Phương. Xem ra họ nhất định quay gót đối với các nền linh đạo ấy. Mà thật ra, họ không duy nhân theo nghĩa cực đoan của hội duy nhân hay hội duy lý. Họ không nhất thiết giận dữ chống đối tôn giáo cổ truyền, mà có phần tỏ ra khoan dung đối với các tôn giáo ấy. Nên theo định nghĩa, họ không bài tôn giáo, họ chỉ không chọn con đường ấy cho bản thân họ.

Nhiều người duy nhân cho hay họ tin Thiên Chúa. Thành thử, các tác giả Phúc Trình chia các người Duy Nhân theo nhiều cấp bậc khác nhau. Có những người duy nhân kiên định, nghĩa là những người cho hay họ không tin Thiên Chúa và chưa bao giờ tin cả. Tuy nhiên vẫn có một biên giới chung giữa người duy nhân và người truyền thống, trong đó, có người trước đây từng có liên hệ với Kitô giáo hay một tôn giáo truyền thống nào đó, nhưng nay đã rời khỏi các tôn giáo này, nhưng vẫn giữ lại một số niềm tin nào đó. Những người này không những có thể nói họ tin Thiên Chúa, mà cho dù họ nói họ không tin đi chăng nữa, thì họ vẫn tin vào một lực sống hay một hữu thể cao siêu nào đó.

Nói cho ngay, căn cứ vào con số thống kê, ta thấy 48% Thế Hệ Y tin Thiên Chúa. Nhưng điều đó có thể gây hiểu lầm. Vì còn 30% nữa cho biết họ không biết chắc. Ngay những người nói họ không tin Thiên Chúa, ta vẫn có thể hiểu họ muốn nói: “chúng tôi không tin Đấng Thiên Chúa của các anh, hay Đấng Thiên Chúa của các tôn giáo định chế”. Còn những người không biết chắc, thì hết hai phần ba cho biết họ tin vào một hữu thể hay một lực sống cao hơn trong vũ trụ. Và đa số họ còn tin thêm rằng hữu thể hay lực sống cao hơn đó quan tâm chăm sóc tới họ nữa. Thành thử ra, có đến 80% Thế Hệ Y tin có một cái gì đó ở bên ngoài kia, và có tới 70% Thế Hệ Y tin cái gì bên ngoài kia ấy quan tâm tới họ. Michael Mason cho rằng đó là hình ảnh có tính cá nhân hóa rõ rệt đối với ‘cái gì đó ở bên ngoài kia’, một cái gì họ tin là có thật.

Vai trò các Giáo Hội

Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy nhóm Truyền Thống chiếm 44 %, nhóm Chiết Trung chiếm 17% còn nhóm Duy Nhân chiếm 31%. Như thế đủ thấy nhóm Duy Nhân khá đông. Đông hơn con số thống kê chính thức của điều tra dân số. Nhưng đâu là vai trò của các Giáo Hội, một lãnh vực vốn là chuyên môn của Mason, vì ngài là một linh mục. Theo ngài, đây là phạm vi chính của cuộc điều tra. Và ở đây, người ta thấy các Giáo Hội như Anh Giáo và Công Giáo cũng chẳng lôi cuốn Thế Hệ Y gì lắm so với một vài giáo hội khác. Anh Giáo chiếm khoảng 8% Thế Hệ Y, ít hơn con số Thống Kê Dân Số chừng 8% hay 9%. Có khá nhiều người Anh Giáo thuộc Thế Hệ Y cho biết trước đây họ từng theo Anh Giáo nhưng nay không còn thuộc hệ phái ấy nữa. Các tác giả hỏi những người hiện nay không còn thuộc bất cứ giáo hội nào xem họ có thuộc giáo hội nào khi còn nhỏ tuổi hơn không, thì phần lớn nói là họ thuộc một giáo hội nào đó, cho đến cuối ban tiểu học. Việc chuyển tiếp từ tiểu học qua trung học thường là lúc người trẻ quyết định giáo hội không là của họ nữa. Và trong cả hai nhóm Anh Giáo và Công Giáo, đến hơn một phần tư trả lời “Có”, tôi vốn thuộc giáo phái ấy, tôi vốn nghĩ mình là Anh Giáo hay Công Giáo, nhưng nay, tôi hết nghĩ như thế nữa.

Tuy nhiên, những giáo phái như Luthêrô, Giáo Hội Chúa Kitô, Baptist, Pentecostal chiếm đến 16% Thế Hệ Y và họ nổi bật về nhiều phương diện trong niềm tin và thực hành Kitô giáo. Về phía Công Giáo, xem ra nhiều người thuộc Thế Hệ Y có phần tâm linh cao hơn là thế hệ cha mẹ họ, tức Thế Hệ Được Mùa Con Nít. Xem ra họ ý thức mạnh hơn đến mối liên kết bản thân của họ với Thiên Chúa. Và hình như cũng vì vậy mà có sự thay đổi trọng tâm từ chính trị qua bản thân nữa.

Đối với các tôn giáo khác như Hồi Giáo chẳng hạn, thì tuy họ rất mạnh về một số niềm tin và thực hành tôn giáo, nhưng việc tham dự các buổi phụng vụ, thì có vẻ lại không bằng các nhóm Kitô giáo khác. Có thể vì họ sống không gần các đền thờ chăng. Họ có chịu ảnh hưởng bởi trào lưu thích ứng với hiện đại và đổi thay không? Điều này không tránh khỏi, vì mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh bởi gia tài sắc tộc của họ với các yếu tố tôn giáo của nó, họ vẫn tỏ ra hết sức Úc Châu ở nhiều phương diện khác. Giữa các niềm tin từng tạo nên tôn giáo của họ, họ nghĩ họ có quyền muốn lựa và lọc niềm tin nào họ thích, họ có khuynh hướng muốn nhìn nhận rằng các giá trị luân lý chỉ là tương đối, và không hề có điều đúng và điều sai tuyệt đối cho mọi người. Thành ra, nói chung, một số các nhấn mạnh có tính duy cá nhân, vốn là đặc điểm nổi bật của Thế Hệ Y, cũng đã tìm được đường xâm nhập các nhóm tôn giáo khác như Hồi Giáo, Phật Giáo và Ấn Giáo.

Các tín hữu riêng tư

Nhưng cần lưu ý một điều những người trả lời không thuộc một trong các giáo hội định chế trên không có nghĩa là họ thuộc Nhóm Vô Tôn Giáo. Nghĩ như thế không đúng. Vì tuy không thuộc một giáo hội định chế nào, nhiều người vẫn duy trì một số niềm tin tôn giáo và tham dự một số các thực hành tôn giáo riêng tư. Đúng như nhà xã hội học Hans Moll ở thập niên 1970 đã nói: phần lớn những người thuộc nhóm “Vô Tôn Giáo” thực sự là đại biểu cho những người thực hành tôn giáo cách riêng tư, một thứ cảm nhận linh đạo cá thể. Ông ta gọi họ là các tín hữu riêng tư. Nhưng ngày nay, trong ngành xã hội học về tôn giáo, người ta đang tranh luận gay gắt xem liệu những tín hữu riêng tư ấy có giữ được chút tôn giáo nào trong họ hay không. Nhiều người cho rằng cái gì đơn độc (solitary) cũng hết sức mỏng dòn, dễ vỡ.

Nhưng phải nói sao về những người cho là mình vô tôn giáo nhưng là người tâm linh? Theo Andrew Singleton, tại Hoa Kỳ, người ta đã tìm hiểu nhiều về mối liên hệ giữa những người thưa Có, tôi là người tâm linh, nhưng không phải là người tôn giáo. Thiển nghĩ nhóm chiết trung cho ta một số ý niệm ở đây, vì họ vốn ủng hộ một loạt các niềm tin khác nhau và một số ít hơn các thực hành, nên ta có thể gọi họ là tâm linh nhưng đứng ngoài biên giới tôn giáo. Tuy nhiên, trong cuộc điều tra này, các tác giả tránh không đặt ra các câu hỏi liên quan đến tâm linh đối nghịch với tôn giáo. Vì trong các cuộc phỏng vấn trước khi thực hiện cuộc điều tra này, họ thấy rằng phần lớn giới trẻ không thực sự hiểu rõ linh đạo là thế nào. Mà có yêu cầu người trẻ định nghĩa chữ linh đạo đi chăng nữa, hay họ nghĩ gì về chữ này, thì phần đông tỏ ra lúng túng. Thành thử, các tác giả chỉ đặt những câu hỏi đại loại như “bạn có nghĩ là bạn sống lối sống đó không? Hay nếu không, thì là lối sống nào? Một lối hỏi gián tiếp. Nói cách khác, theo Michael Mason, giới trẻ không dùng hạn từ linh đạo. Điều ấy không mấy quan trọng. Các tác giả dùng cách khác để đề cập tới nội dung của linh đạo. Dù sao, ở đây, hạn từ này cũng không được dùng rộng rãi như tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, các tác giả phỏng vấn người trẻ mà có em chỉ mới 12 tuổi, nên chữ linh đạo có một nghiã rộng rãi hơn chữ tôn giáo.

Linh mục kiêm nhà xã hội học

Được hỏi trong tư cách vừa là linh mục, vừa là nhà xã hội học, ngài có quan tâm đến việc làm thế nào để linh đạo và tôn giáo lên khuôn cho xã hội hay không, xã hội ngày nay có đang gặp khủng hoảng hay không, Michael Mason nghĩ rằng bất hạnh thay, tư cách linh mục chẳng giúp ngài được gì trong việc làm tiên tri. Các nhà xã hội học thuộc trường phái cũ vốn quan tâm tới vấn đề làm thế nào một xã hội có thể liên kết với nhau mà sinh tồn nếu không cùng có một thế giới quan mạnh mẽ chung, nhất là không cùng chia sẻ một nền tảng gồm các giá trị chung. Theo ngài, xã hội chúng ta hiện đang được hòa nhập nhiều hơn nhờ một cấu trúc lớn lao các luật lệ, các quy tắc, và các chính phủ đang có nhiều quyền hành trong việc giám sát chặt chẽ các cá nhân công dân nếu công dân ấy lãnh tiền hay hưu bổng của chính phủ, có tên trên máy vi tính của Bộ Anh Sinh Xã Hội, chính phủ theo xát các đơn xin việc của bạn và nhiều việc khác, lại còn hệ thống thuế khóa nữa, liền khi bạn có lợi tức là nó tóm lấy bạn, quả nó kiểm soát thật kỹ cuộc sống của người ta. Thiển nghĩ, xã hội tùy thuộc nhiều vào các biện pháp cưỡng chế đó, xã hội thực sự kiểm soát dù không có âm mưu.

Ấy thế nhưng trong khi xã hội dựa vào các biện pháp kia mà hành động thì họ lại tỏ ra bất cần đến mức độ người dân có nội tâm hóa được các giá trị nghiêm chỉnh về ích chung hay không. Điều ấy quả là đáng tiếc vì nó khiến người ta quên không còn cảm nhận bản sắc mình như những cá nhân nữa. Mason quan tâm tới Thế Hệ Y là vì họ là thế hệ đầu tiên lớn lên trong cái môi trường thế tục hơn, nhiều mộng ước tự do hơn này mà bản sắc của họ từ nay lệ thuộc nhiều hơn vào sự trợ giúp của gia đình và bạn hữu, và hiện đang không còn được củng cố bởi các giáo hội, các nhóm hướng đạo, các nhóm cộng đồng, các khu xóm địa phương. Thế hệ này vì thế mỏng dòn, dễ bị thương tổn hơn các thế hệ trước. Không biết tương lai của họ trong xã hội sẽ ra sao.

Riêng đối với các giáo hội, ta thấy không hề có những viên đạn ảo thuật, không hề có những giải pháp dễ dãi, không hề có một chiến dịch quảng cáo nào cho Thế Hệ Y thấy số phận họ sắp gặp vận may. Điều các tác giả Phúc Trình này nhắm là khuyên họ thấu hiểu chính hoàn cảnh khác biệt trong đó Thế Hệ Y phải lớn lên so với hoàn cảnh 50 năm về trước và nếu Thế Hệ Y, nhờ kinh nghiệm sống, mà đạt được cảm thức muốn thuộc về một cái gì rộng lớn hơn, thì các giáo hội chính là các nguồn tài nguyên tuyệt vời vốn đã trở thành truyền thống. Không là thành phần của một định chế có nghĩa là bạn phải tự làm lấy các lỗi lầm của mình, bạn phải tự tái sáng chế lấy bánh xe cho từng vấn đề lớn trong đời. Điều mà truyền thống đề nghị chính là thứ túi khôn đã được tích lũy từ những điều tốt nhất của các thời đại. Thiển nghĩ các truyền thống kia phải sẵn sàng những thứ ấy khi Thế Hệ Y cảm thấy nhu cầu cần đến chúng.

Theo Andrew Singleton, hiện nay, hướng nhìn của cá nhân chủ yếu chỉ là chính họ, phúc lợi của riêng họ, làm thế nào để thoả mãn mình, và quá chút nữa là gia đình họ, chứ không phải công ích cộng đồng như một toàn bộ. Ta có thể nhận thấy điều ấy qua việc xuất hiện những khu ngoại ô với những dẫy nhà rộng lớn trong đó con nít được trang bị đủ thứ X-box, thay vì mạo hiểm ra ngoài chơi đùa với bạn bè cùng phố. Mà cả các giáo hội nữa xem ra cũng đang ráng thân thiện với những người trẻ bằng cách nhấn mạnh những thứ lý thuyết như Thiên Chúa hết mực quan tâm tới sự an toàn tài chánh của họ, phúc lợi bản thân họ, tình trạng làm ăn của bạn, v.v… dù các giáo hội ấy vẫn có một số yếu tố có tính định hướng cộng đồng. Thành thử, xem ra câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là thực sựThiên Chúa muốn làm gì cho tôi ở trên đời?

Chú Thích:

1. Tiến sĩ linh mục Michael Mason là chuyên viên nghiên cứu của Viện Cổ Vũ Nghiên Cứu và là Giám Đốc Văn Phòng Nghiên Cứu Mục Vụ Của Viện Đại Học Công Giáo Úc tại Melbourne.

2. Tiến sĩ Andrew Singleton là Giảng Sư Xã Hội Học tại Đại Học Monash, Melbourne. Ông chuyên nghiên cứu xã hội học về đàn ông và nam tính cũng như linh đạo trong xã hội ngày nay.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.06.2008. 14:19