Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ tiêu cực tới tích cực

§ Vũ Văn An

Bất cứ biến cố lớn quốc tế nào cũng gặp nhiều loại phản ứng khác nhau gồm cả tiêu cực lẫn tích cực từ phía quần chúng. Nhất là khi biến cố ấy có tính tôn giáo như Ngày Giới Trẻ Thế Giới, do Giáo Hội Công Giáo đứng ra tổ chức, làm điểm gặp gỡ cho giới trẻ thế giới đến để cùng chia sẻ một niềm tin. Người ta rất vui khi nghe Đức Hồng Y George Pell công bố đại đa số nhân dân Úc nói chung và nhân dân Sydney nói riêng hết lòng ủng hộ biến cố lịch sử này, mặc dù họ thấy trước một số bất tiện đối với cuộc sống họ. Chỉ khoảng từ 10 đến 11 phần trăm là tỏ ra bất thiện cảm mà thôi.

1. Tiêu cực

Trong số những người bất thiện cảm này, ta thấy có những nhà bỉnh bút như Chris McGillion của tờ Sydney Herald Morning. Trên số báo ngày 5 tháng Bẩy, nhà báo này nhận định tiêu cực rằng các thực hành như Đàng Thánh Giá, tôn kính hài cốt các thánh, ơn đại xá…vừa không có gì độc đáo so với các Đại Hội trước đây vừa khiến người ta sợ rằng đạo Công Giáo ở Úc đang lui dần trở lại thời kỳ tiền Cải Cách. Chris McGillon viết: “Nếu WYD mang lại cho giới trẻ một tầm nhìn về các giá trị và mục tiêu của cuộc đời có thể thách thức một cách tích cực được với những mời gọi ích kỷ của xã hội tiêu thụ, thì tốt đẹp xiết bao. Và nếu nó chỉ nhằm khích lệ họ trở thành những người thực hành đức tin tích cực hơn, thì ít ai mà phàn nàn cho được. Nhưng xem ra, công trình ở đây không nhằm truyền bá hay tươi trẻ hóa niềm tin Công Giáo nhưng đúng hơn chỉ là một ý thức hệ loay hoay với việc làm thế nào để phát biểu niềm tin kia trong thế giới ngày nay”.

Nhận định của McGillion thực ra không có gì mới nếu người ta nhớ lại ông vốn là bỉnh bút cuốn A Long Way From Rome: Why The Australian Catholic Church Is in Crisis (Allen & Unwin). Thực ra nhận định của McGillion mới đúng là một ý thức hệ theo nghĩa một cái khung tiền chế có sẵn, không một chút phản ảnh tâm thức người Công Giáo hiện nay. Các thực hành, được ông nhắc đến, xưa nay vẫn thuộc truyền thống Công Giáo, mà nếu cử hành với một ý thức đạo rõ ràng, lúc nào cũng đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng. Giáo Hội Công Giáo chưa hề có những đứt đoạn, nó là một giòng suối liên tục đem sức sống thiêng liêng lại cho muôn thế hệ từ những ngày Tông Đồ Phêrô cúi xuống trên người tàn tật thành Giêrusalem mà nói với ông ta: “nhân danh Chúa Giêsu thành Nagiarét, anh hãy đứng dậy mà đi!” (Cv 3:6). Mục tiêu của WYD bao gồm mọi điều được McGillion nhắc đến. Nó nhằm mang lại cho người trẻ một cái nhìn ngược với cái nhìn của xã hội tiêu thụ, ngược cả với điều được Đức Tổng giám mục thành Bhopal của Ấn Độ gọi là những cơn bệnh của hoàn cầu hóa (Xem bài Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ xin lỗi đến cầu nguyện, đăng hôm qua). Nó cũng nhằm biến giới trẻ trở thành những người thực hành tích cực hơn niềm tin của họ, vừa truyền bá và trẻ trung hóa niềm tin vừa tìm cách phát biểu niềm tin ấy ra trong thế giới ngày nay, không theo bất cứ ý thức hệ nào, mà chỉ căn cứ vào sứ điệp sai đi của Chúa Kitô: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19). Cũng từng ấy nội dung thôi nhưng đã bị những người như McGillion làm ra méo mó.

Michael Duffy cũng có thể được xếp vào hàng bất thiện cảm. Trên tờ Sydney Morning Herald ngày 5 tháng Bẩy, dưới tiêu đề: Church caught in crossfire of public's unholy war, nhà báo này đề cập đến những luật lệ vừa được Chính Phủ NSW phổ biến, cho phép cảnh sát ra giấy phạt cho bất cứ ai “gây phiền nhiễu” nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Theo Michael Duffy, trong số 10,695 người được tờ Sydney Morning Herald thăm dò, chỉ có khoảng 10 phần trăm là ủng hộ các biện pháp trên mà thôi. Và dù không trực tiếp đả kích Giáo Hội Công Giáo trong vụ này, nhưng ông ta ngầm cho thấy có một sự đồng lõa nào đó giữa Giáo Hội này và Chính phủ của ông Iemma. Ông ta khuyên Giáo Hội nên giữ cho mình ở thế độc lập: “Dù không theo Kitô giáo, tôi rất kính trọng các Kitô hữu. Tôi nghĩ họ đã thực hiện được rất nhiều việc, theo nghĩa đã duy trì một số giá trị và đã mang lại trợ giúp cho rất nhiều người, đã tạo ra loại xã hội này mà tôi rất muốn sống bên trong. Một lý do khác khiến tôi kính trọng Giáo Hội Công Giáo là vì đó là một định chế độc lập và tôi nghĩ có được những định chế như thế là điều tốt đối với xã hội. Sự độc lập này sẽ lâm nguy một khi giáo hội nằm chung giường với chính phủ. Nhất là một chính phủ như chính phủ này (tức chính phủ NSW).

2. Tích cực

Lời khuyên của Michael Duffy rõ ràng là dư thừa. Đức Hồng y George Pell từng tuyên bố Giáo Hội đâu có yêu cầu ban hành luật lệ gì đâu nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới (Xem Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ xin lỗi đến cầu nguyện, đăng hôm qua).

Ngày 3 tháng Bẩy, Kristina Keneally, phát ngôn viên hàng bộ trưởng đặc trách WYD của chính phủ NSW, có một bài trên tờ Sydney Morning Herald, tựa là: Libertarian 'moral panic' aside, it's a happy event.

Theo bà Keneally, WYD là một biến cố có tầm mức lớn lao. Nó sẽ đưa 500,000 người trẻ vào trung tâm thành phố và Trường Đua Randwick và rất nhiều đám đông lớn tới hàng chục địa điểm khác khắp Sydney. Các biến cố như thế luôn cần một số luật lệ nhằm bảo đảm an toàn cho đám đông và hữu hiệu cho việc quản trị.

Nhưng trong hai ngày qua, có khá nhiều than phiền “giật gân” liên quan đến một số luật lệ đem ra áp dụng trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Và những than phiền ấy khiến cộng đồng tỏ ra quan tâm đến việc vi phạm các quyền tự do công dân, trong đó có quyền được biểu tình phản đối.

Theo Keneally, quan tâm của cộng đồng là điều dễ hiểu, nhưng không có căn cứ, mà ta có thể gọi là ‘nỗi hoảng loạn tinh thần’ của những nhà chủ trương duy tự do. Vì các quyền chấp pháp này không khác gì các quyền chấp pháp tại các địa điểm có các biến cố lớn trong dĩ vãng, bất kể là đời hay là đạo.

Bà cho hay: các tường thuật cho rằng các quyền trên đã được Đức Hồng Y George Pell yêu cầu một cách đặc thù không những sai lạc, mà còn tạo nên một thứ lý thuyết ‘âm mưu’ giống như tiểu thuyết của Dan Brown. Cái lý thuyết này cho rằng đây là các quy định mới được tạo ra để bảo vệ sự nhậy cảm của người tham dự. Nhưng thực ra, điều khoản gây “phiền nhiễu và bất tiện” (annoyance and inconvenience) không phải là quy định mới hay đặc thù riêng cho WYD. Nó đã từng có mặt trong ít nhất 15 đạo luật và quy định của tiểu bang NSW, từ Các Quy định (về) Công Viên Quốc Gia và Sự Sống Hoang Dã tới các đạo luật về Sân Dã Cầu Sydney và Vận Động Trường Đá Banh Sydney. Các hình phạt trong các đạo luật và quy định đó còn nặng hơn là các quy định áp dụng cho WYD. Như Quy Định (về) Hải Công Viên (Marine Park) chẳng hạn phạt tới tối đa 11,000 dollars cho những vụ gây “phiền nhiễu và bất tiện”.

Các quyết định trong việc buộc một người nào đó phải rời khỏi các địa điểm ấy vì đã gây ra “phiền nhiễu và bất tiện” là quyền của cảnh sát. Họ được quyền chấp hành các quy định này nhằm quản trị và an toàn đám đông tại bất cứ biến cố thể thao hay hòa nhạc công cộng nào. Chưa có than phiền nào là họ đã lạm dụng quyền này.

Bà Keneally cũng bác bỏ lời tố cáo vô căn cứ khác cho rằng các người biều tình phản đối phải mang các biểu ngữ hay áo thung được cảnh sát chấp thuận trước. Cảnh sát vốn không có quyền ấy và cũng sẽ không có quyền ấy trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Họ không phải là cảnh sát viên thời trang cũng không phải các nhà kiểm duyệt nội dung. Quan tâm chính của họ và việc điều hành an toàn một biến cố và điều hợp quyền hợp pháp của người biểu tình phản đối để họ nói lên quan điểm của họ.

Cảnh sát ở đó để bảo đảm cho người biểu tình phản đối có thể thi hành quyền phản đối của họ. Cảnh sát chỉ yêu cầu người biểu tình phản đối phải tuân theo các yêu cầu vốn có sẵn: thông báo cho cảnh sát biết giờ, địa điểm và kích thước của buổi biểu tình…

Lời tố cáo giật gân khác là cảnh sát có quyền ngăn cấm người ta không được dùng các bảng đường (billborads) và chữ viết trên trời để trruyền bá các sứ điệp phản đối của mình. Bà Keneally cho hay: thực ra, các thực hành trên bị ngăn cấm dưới các khoản luật khác nhằm ngăn cản việc tiếp thị có tính phục kích (ambush marketing). Nó bảo vệ các nhà bảo trợ thương mại, chứ không bảo vệ tính nhậy cảm của người tham dự đại hội. Điều này hoàn toàn nhất quán với các biến cố khác như Thế Vận Hội hay Giải Bầu Dục Thế Giới.

Bà Kristina Keneally kết luận rằng điều đáng buồn không phải những lời tố cáo trên, mà là người ta đã quên khuấy đây là một biến cố hân hoan. Các thành phố tổ chức WYD trước đây như Cologne, Paris, Toronto và Rome đều cho hay: bầu không khí của các cử hành này đầy hân hoan và lễ hội, và gây hiệu quả tích cực đối với thành phố của họ. Bà tin Sydney cũng sẽ như thế.

3. Tiêu cực

Linton Besser, Andrew Clennell và Andrew West, ngày 8 tháng Bẩy hôm nay, trên tờ Sydney Morning Herald, có một bài với tựa đề: Những chặng đường rất thánh giá (Stations of the very cross) về cuộc đình công của công nhân hỏa xa, đe dọa sẽ xẩy ra vào ngày 17 tháng Bẩy khi Đức Bênêđíctô XVI tới Barangaroo để được 200,000 người trẻ thế giới chào đón. Việc này còn khiến nhiều người không tới được sở làm trong trung tâm thành phố.

Thủ hiến Morris Iemma cho hay ông sẽ không nhượng bộ cuộc “khủng bố kỹ nghệ” này, được nghiệp đoàn hỏa xa đưa ra để đòi hỏi 5% tăng lương. Hôm nay, dù tòa án kỹ nghệ có thể ra lệnh đình hoãn cuộc đình công này, nhưng Rob Mason, xử lý thường vụ tổng nha Hỏa Xa cho hay: “Rõ ràng chúng tôi phải đặt kế hoạch phòng hờ cho việc không có xe lửa”. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn về vận chuyển, chính phủ chả làm được chi để trám vào chỗ thiếu hụt một khi cuộc đình công kia xẩy ra. Hoả Xa từng dự kiến sẽ có hơn 700,000 lượt người đáp xe lửa vào ngày Thứ Năm tới. Điều ấy có nghĩa chính phủ phải cần tới 8,750 chiếc xe buýt mới thay thế được xe lửa. Con số ấy hiện hơn toàn bộ hệ thống xe búyt của toàn tiểu bang tới 6,850 xe! Trong khi ấy, toàn bộ 2,400 xe buýt tư nhân đã ký giao kèo với WYD hoặc phải chạy trên các tuyến thường lệ.

Đêm hôm qua, văn phòng bộ trưởng vận chuyển, là John Watkins, đang nghiên cứu xem liệu có thể dùng Đạo luật Các Dịch Yếu Cốt Yếu hay ngay cả Đạo luật Các Liên Hệ Chỗ Làm của chính phủ Howard để dẹp cuộc đình công hay không. Người ta đang hy vọng Ủy Ban Các Liên Hệ Kỹ Nghệ Của Úc sẽ ra lệnh cho nghiệp đoàn phải đình hoãn cuộc đình công, nhưng nếu Ủy Ban này từ chối không can thiệp, thì chính phủ NSW phải nại tới Tổng trưởng Các Liên Hệ Chỗ Làm của Liên Bang, Julia Gillard, là người có thẩm quyền chấm dứt giai đoạn hành động kỹ nghệ “kéo dài” của nghiệp đoàn nếu nó ảnh hưởng tới “phúc lợi của quốc gia hay nền kinh tế”. Tuy nhiên, giáo sư Ron McCallum, một chuyên viên về luật lao động, hoài nghi, không chắc Julia Gillard có chịu can thiệp không, vì thẩm quyền của bà chỉ có giá trị trong trường hợp có những cuộc đình công “kéo dài” mà thôi.

4. Tích cực:

Trong khi đó, trên tờ Daily Telegraph ngày hôm nay, Joe Hildebrand, phóng viên chính trị, có bài tựa là Tình trạng hỗn loạn xe lửa Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Mở đầu bài báo, anh cho rằng: “Nó sẽ được ghi nhớ là cuộc đình công ích kỷ và vô tâm nhất trong ký ức người sống - nghiệp đoàn hỏa xa đã tạo ra một hỏa ngục cho người dùng xe lửa giữa ngay những ngày WYD”.

Theo Hildebrand, Hỏa Xa vốn âm thầm nhìn nhận rằng hệ thống của họ không thể nào thoả mãn yêu cầu của WYD, dù mọi sự diễn tiến tốt đẹp như dự tính. Dù gần 1,000 chuyến xe phụ trội đã được dự liệu cho những ngày cao điểm, các ga xe lửa cũng sẽ đầy ứ người và yêu cầu đó cao hơn 3 lần mức cao điểm thường lệ vào buổi sáng.

Tuyến đường phía tây sẽ trầm trọng nhất: dự trù vào cuối thánh lễ bế mạc, tuyến này sẽ có 80,000 hành khách, 3 lần nhiều hơn giờ cao điểm thường lệ

Các tuyến phía nam, phía tây nội thành và tuyến Bankstown cũng sẽ vào khoảng giữa hai và ba lần nhiều hơn mức cao điểm thường lệ. Hỏa Xa sẽ tăng thêm 448 chuyến xe nữa cho các ngày từ thứ Hai tới thứ Sáu, 791 chuyến xe nữa cho ngày thứ Bẩy khi khách hành hương đi bộ và canh thức và 931 chuyến nữa vào Chúa Nhật.

Nghiệp đoàn hỏa xa đã khai thác nỗi sợ thiếu xe ấy bằng cách đưa ra đe doạ sẽ đình công vào Thứ Năm tới, ngày Đức Giáo Hoàng tới. Hành động của nghiệp đoan sẽ làm tê cứng thành phố. Chính phủ sẽ không có kế hoạch phòng hờ để giải quyết việc thiếu các chuyến xe lửa, nên đang tìm cách sử dụng hành vi luật pháp để ngăn chặn cuộc đình công.

Lãnh tụ Đối lập là Barry O’Farrell khuyên chính phủ nên sử dụng Đạo luật Các Dịch Vụ Cốt Yếu của mình để buộc công nhân hỏa xa phải làm việc hay chịu phạt 1,100 dollars.

Dù bộ trưởng vận chuyển John Watkins tin sẽ có giải pháp, ba ký giả này vẫn yêu cầu độc giả của họ hãy gọi cho nghiệp đoàn hỏa xa ở số (02) 9264 2511 để cho họ biết ý kiến của mình.

Hy vọng mọi sự sẽ được giải quyết ốn thỏa để, như Kristina Keneally đã nhấn mạnh trên đây, WYD sẽ trở thành dịp hân hoan và lễ hội cho mọi người kể cả các công nhân hỏa xa, những người đang đòi hỏi 5% tăng lương chứ không chịu chỉ có 2.5 như bộ trưởng ngân khố Michael Costa quy định trong ngân sách tiểu bang vừa qua, và 4% như chính phủ, cho đến nay, đã nhượng bộ.

Một nét tích cực nữa là chiến dịch vận động người dân Sydney chịu mở cửa tiếp đón khách hành hương (Homestay).Theo Jonathan Dart của tờ Sydney Morning Herald ngày 8 tháng Bẩy hôm nay, việc ban tổ chức WYD tỏ ra chậm chạp trong việc sắp xếp càng chứng tỏ thiện chí của người dân ở đây khi tham gia “chiến dịch này”. Họ nôn nóng được thông báo ai sẽ đến với họ.

Các khách hành hương đã được thông báo phải chấp nhận một số điều lệ cư xử trước khi đến ngụ ở một gia đình nào đó. Như không được ngủ chung phòng với người khác phái; không được ra khỏi nhà mà không được một người lớn đi hộ tống, phải giữ giờ “giới nghiêm” từ nửa đêm đến 6 giờ 30 sáng.

Tuy nhiên, một gia đình ở Castle Hill sẵn sàng chấp nhận những lộn xộn mà Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ mang đến cho họ. Nanette và Brian D’Arcy sẽ nhận 20 khách hành hương tham dự đại hội, gần như biến căn nhà của họ thành một nhà trọ tạm thời có cả ăn trong một tuần lễ. Họ sẽ cung cấp 20 chỗ ngủ: gồm 12 chỗ trong các phòng ngủ đôi và 8 người phải ngủ trong túi ngủ ở trên sàn nhà. Ngoài ra còn phải lo bữa sáng cho 20 người này suốt tuần lễ cũng như cung cấp khăn tắm sạch sẽ cho họ nữa.

Bà D’Arcy không lạ gì với chuyện nhà đầy người như thế. Bà vốn dưỡng dục 8 người con và 16 người cháu. Họ thường đến thăm bà thường xuyên. Bà bắt đầu mở cửa đón khách hành hương nhiều năm trước đây rồi, khi một người bạn của gia đình và là một mục sư thuộc Giáo Hội Hillsong yêu cầu bà cung cấp nơi ở cho các vị khách tham dự các lễ hội tuổi trẻ kéo dài một tuần của giáo hội này.

Bà bảo: "tôi luôn vui thích khi thấy người trẻ quan tâm đến đức tin của họ và làm một điều gì đó tích cực. Hillsong rất hay trong việc làm cho giới trẻ quan tâm, cho nên khi (WYD) được công bố và vì mình là người Công Giáo, nên chúng tôi bảo: lẽ dĩ nhiên bọn này phải giúp một tay chẳng cách này cũng cách khác”.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.07.2008. 22:42