Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày 11 Tháng Hai: Đức Mẹ Lộ Đức, Lễ Nhớ

§ dongcong.net

Nguồn: dongcong.net

Ngày lễ này kỷ niệm lần đầu tiên, năm 1858, Đức Mẹ Maria đã hiện ra với Marie Bernadette, một thiếu nữ mười bốn tuổi. Đức Mẹ đã hiện ra cả thảy mười tám lần, và lần cuối cùng vào ngày 16 tháng 7 năm 1858. Sứ điệp Lộ Đức là lời mời gọi hãy hoán cải, cầu nguyện, và sống bác ái. Đức Lêô XIII đã chuẩn nhận, và Đức thánh giáo hoàng Pius X đã thiết lập ngày lễ này trong khắp Giáo Hội. Chị Bernadette đã được Đức Pius XI tôn phong chân phước, và sau đó, lên bậc hiển thánh vào năm 1925.

17.1 Hiện ra tại hang đá. Mẹ Maria, sức khỏe cho người yếu bệnh - Salus infirmorum.

Vào năm 1854, Giáo Hội đã tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bốn năm sau, tại vùng Lộ Đức heo hút ở miền nam nước Pháp, Đức Mẹ đã nhiều lần hiện ra với Bernadette Soubirous, một thôn nữ mười bốn tuổi. Về sau, theo lời chị Bernadette kể lại, Đức Trinh Nữ xinh đẹp không thể tả.1 Nhiều năm sau các cuộc linh khải ấy, một điêu khắc gia lừng danh đã được mời thực hiện bức tượng Đức Mẹ cho đền thánh. Sau khi hoàn tất, ông hỏi chị Bernadette tác phẩm tuyệt vời của ông có phần nào giống Đức Mẹ Maria trong những cuộc hiện ra hay không. Chị đã đơn sơ đáp lại: Ồ, thưa ông, không giống chút nào. Không giống Đức Mẹ được một chút nào.

Đức Mẹ đã hiện ra tổng cộng mười tám lần, kéo dài trong nhiều tháng. Lần đầu, khi Bernadette hỏi danh tánh, Đức Nữ chỉ mỉm cười dịu dàng. Sau cùng, Đức Mẹ đã xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Sau những biến cố kỳ diệu, tại Lộ Đức đã xảy ra vô số phép lạ, trên bình diện thể lý cũng như tinh thần. Quả thật con số các phép lạ không sao kể xiết. Nhiều người đã trở về với đức tin, và đã rời hang đá Đức Mẹ với tâm trạng vui lòng chấp nhận thánh ý Chúa.

Bài đọc Một của thánh lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy suy tư về những lời ngôn sứ Isaia khi an ủi dân Chúa trong cảnh lưu đầy: Này đây là lời của Giavê: này Ta sẽ hướng bình an tới nó như sông cả, nguồn phú vinh các nước như thác lũ. Và các ngươi sẽ được bú mớm, được bế bên sườn và được nâng niu trên đầu gối, như một người được mẹ an ủi, Ta cũng vậy, Ta sẽ an ủi các ngươi.2

Cầu nguyện trong ngày lễ hôm nay, chúng ta thấy Chúa đã muốn ủy thác nơi Đức Maria tất cả những kho tàng cần thiết cho nhân loại. Mười tám lần Đức Mẹ hiện ra với Bernadette là một lời nhắc nhở chúng ta về lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa đã tỏ hiện nơi Đức Mẹ Maria.

Đức Trinh Nữ là sức khỏe cho những người yếu bệnh và an ủi cho những người khổ đau. Ngày hôm nay, chúng ta hãy đem đến cho Mẹ mọi nhu cầu của chúng ta. Mẹ quá biết chúng ta. Mẹ lắng nghe những lời kêu xin của chúng ta. Sự phù giúp từ mẫu của Mẹ sẽ cho chúng ta được chan chứa bình an và hoan lạc. Như những đứa con nhỏ không bao giờ xa mẹ, chúng ta cũng đừng bao giờ sống xa Mẹ trên trời của chúng ta. Mẹ ơi, Mẹ là mẹ của con… Trong giờ cầu nguyện, chúng ta có thể xin Mẹ ban ơn trợ giúp trong công tác tông đồ, ánh sáng cho đời sống nội tâm, và các ân huệ cho thân hữu của chúng ta.

17.2 Ý nghĩa của đau khổ.

Khi hiện ra tại hang đá Lộ Đức, Đức Mẹ đem đến một sứ điệp rõ ràng. Mẹ muốn nhắc nhân loại phải hoán cải và sám hối. Mẹ muốn nhấn mạnh rằng mọi linh hồn đều được hy sinh thập giá của Chúa Kitô trên đồi Canvê cứu chuộc. Mẹ dạy chúng ta hãy cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô bằng đau khổ, bệnh tật, và những khổ chế tự nguyện.

Những gì nhân loại cho là thảm họa có thể trở thành một nguồn lợi lớn lao khi được nhìn bằng con mắt đức tin. Bệnh tật, nghèo nàn, đau đớn, thất bại, gương mù, thất nghiệp – mỗi mỗi đều có thể đưa chúng ta đến với Chúa. Với sự trợ giúp của ơn thánh, chúng ta có thể gặp được trong những khó khăn ấy một sự khiêm nhượng thực sự, bởi vì chúng đưa chúng ta đến chỗ lệ thuộc hơn vào Thiên Chúa. Bệnh tật có thể giúp chúng ta bớt dính bén với trần thế. Chúng ta nhận ra nhu cầu phải lệ thuộc vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa, để củng cố cho niềm cậy trông lành thánh của chúng ta.

Bệnh tật giúp chúng ta tín thác hơn vào Thiên Chúa, tin vào quyền năng Chúa hơn là nỗ lực èo uột của bản thân.3 Là con cái Chúa, chúng ta hãy có một tâm tình phó thác, vì Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta. Người quá biết những điểm mạnh và điểm yếu nơi chúng ta. Người không bao giờ đòi hỏi những điều quá sức chúng ta. Bệnh tật là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta thực hành câu châm ngôn của thánh Augustine: Anh em hãy làm những gì làm được, và hãy xin những gì không làm được.4

Đối với chúng ta, việc chấp nhận bệnh tật và cái chết theo thánh ý Chúa là một cuộc trắc nghiệm về tình yêu đích thực. Chúng ta phải dâng hiến lên Chúa Kitô mạng sống của chúng ta như một của lễ để mưu ích cho Nhiệm Thể Người là Giáo Hội. Những đớn đau và khổ sở của chúng ta sẽ không còn cay đắng nữa khi được hiến dâng lên trời cao. Trong La ngữ có một ngạn ngữ: Poenae sunt pennae – Gian nan có cánh. Bệnh tật có thể biến thành những đôi cánh nâng chúng ta lên cùng Chúa. Một người chấp nhận bệnh tật với niềm tin và khiêm tốn thật khác xa với một người phẫn uất và cay đắng vì bệnh tật!

17.3 Thánh hóa đau khổ. Nhờ Đức Mẹ cầu bầu.

Mẹ Chúa Giêsu cũng ở đó.5 Thật kỳ diệu khi thấy không biết bao nhiêu người vẫn lũ lượt tuốn đến những đền thánh và nài xin Đức Mẹ cầu bầu. Có lẽ rất đông người trong số ấy sẽ không đến cùng Mẹ, nếu như họ không gặp bệnh tật hoặc khó khăn.

Đức Gioan Phaolô II đã đặt câu hỏi về vấn đề này: Tại sao những bệnh nhân lại hành hương đến Lộ Đức? Chúng tôi tự hỏi, Phải chăng nơi ấy đối với họ đã trở nên một ‘Cana xứ Galilê,’ một nơi họ cảm thấy được mời gọi đến? Điều gì lôi kéo họ đến Lộ Đức mạnh mẽ như thế?… Bởi vì họ biết nơi ấy là một Cana, ‘Mẹ Chúa Giêsu cũng có ở đó’: Và nơi nào có Mẹ, thì nhất định Con Mẹ cũng ở đó. Đây chắc chắn là điều đã thúc bách vô số người lũ lượt đến Lộ Đức hằng năm để xin ơn giải thoát, ủi an, và cậy trông…

Phép lạ diệu kỳ vẫn còn đó, một biến cố phi thường. Thần lực cứu độ của Chúa Kitô, được hối thúc qua lời cầu bầu của Mẹ Người, đã được tỏ hiện tại Lộ Đức, đặc biệt trên bình diện tinh thần. Từ tâm hồn các bệnh nhân, Đức Mẹ đã thốt lên lời xin thảm thiết khiến Con Mẹ phải nhậm lời: một tiếng nói làm tan biến sự chai đá của cay đắng và khởi loạn, và phục hồi thị lực cho các linh hồn nhìn thấy thế giới, tha nhân, và số phận họ trong một ánh sáng mới mẻ.6

Đức Maria luôn đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu, Con Mẹ, Đấng có lòng thương đặc biệt đối với các bệnh nhân. Thánh Phêrô đã tóm lược cuộc đời Chúa Kitô như sau: Đức Giêsu thành Nazareth… đi đến đâu thi ân giáng phúc đến đó…7 Các thánh Sử không hề mỏi mệt mô tả mối ân cần của Thầy Chí Thánh dành cho các bệnh nhân và những người đau khổ. Chúa Kitô đã dành cho các bệnh nhân một phần lớn tác vụ trên trần gian của Người. Chúa cảm nhận từng nỗi đau – nơi thân xác hoặc tâm hồn - của nhân loại.8 Chúa đầy lòng cảm thương, nhưng Người muốn chúng ta phải tận dụng những phương thế sẵn có. Người không bao giờ thử thách quá sức chúng ta. Chúa luôn luôn ban cho chúng ta đầy đủ ơn thánh, thành ra những hoàn cảnh khó khăn chỉ góp phần đưa chúng ta và thân hữu chúng ta đến gần Người hơn mà thôi. Chúng ta có thể vững tâm xin Chúa chữa lành các bệnh tật hoặc giải tỏa các vấn đề của chúng ta. Nhưng trên hết, chúng ta cần xin Chúa giúp chúng ta biết mềm mỏng hơn với ơn thánh, để gia tăng đức tin, đức cậy, và đức ái.

Chúng ta hãy trao phó những đau đớn khổ sầu trong tay Chúa. Vì vậy, các con đừng lo lắng áy náy về ngày mai; ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khó của ngày đó.9 Chúng ta đừng quên rằng tất cả chúng ta đều được mời gọi hãy chịu đau khổ ở đời này, mặc dù không cùng một cách thế hoặc mức độ như nhau. Mỗi người phải quảng đại đáp lại thánh ý Chúa. Đau khổ trước mắt nhân loại thực khó chịu, nhưng lại là một nguồn thánh hóa và tông đồ khi được liên kết với Chúa Giêsu.10 Ở đây, chúng ta có một cơ hội để cộng tác với Chúa Giêsu, để cảm nghiệm chúng ta là con cái Thiên Chúa một cách đặc biệt.

Chúng ta hãy trọn niềm đến với Mẹ Maria. Mẹ luôn bên cạnh chúng ta. Mẹ sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta muốn hoặc chúng ta cần thiết, để sự lành có thể được rút ra từ sự dữ. Từ một sự dữ lớn lao vẫn có thể rút ra được một sự lành lớn lao. Cho dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa, Mẹ không bao giờ tiếc lời an ủi chúng ta. Consolatrix affliction, Salus infirmorum, Auxilium christianorum… ora pro eis… ora pro me. Lạy Đấng an ủi của những người đau khổ, Sức Khỏe của các bệnh nhân, Phù Trợ của các tín hữu, xin cầu cho họ… xin cầu cho con. Xin hãy đến cứu giúp chúng con trong giờ thử thách, ôi lạy Chúa xót thương. Trong ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm của Con Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ, xin giải cứu chúng con cho khỏi tội lỗi.11

dongcong.net

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.02.2007. 13:52