Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một Vài Suy Nghĩ Về Chân Phước Anrê Phú Yên

§ Lm Dương Hữu Nhân OMI

Giới Thiệu Tác Giả:

Rev-RolandJacques.jpg

Lm Dương hữu Nhân, OMI

Linh mục Roland Jacques O.M.I. (Tên Việt Nam: Dương hữu Nhân, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ). Sinh năm 1943 tại Lorraine, nước Pháp. Tiến sĩ luật khoa, đại học Paris. Tiến sĩ Giáo Luật, Đại Học Công Giáo Paris. Nói thông thạo nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Latinh... và Việt Nam. Hiện làm Khoa Trưởng phân khoa Giáo Luật Đại Học Công Giáo St. Paul, Ottawa, Canada.

Cha Nhân từng biên soạn nhiều tác phẩm song ngữ Pháp Việt về lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Ngài bỏ công sức rất nhiều trong việc nghiên cứu, điều tra và hoàn thành tiến trình phong thánh cho Chân Phước Anrê Phú Yên. Cha Nhân am tường về địa dư, lịch sử, văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam. Ngài không những nói tiếng Việt Nam theo giọng Hà Nội mà còn có thể thưởng thức những món ăn rất đặc sản Việt Nam như mắm tôm, cà pháo… Hiện tại, Cha Nhân vẫn về Việt Nam đôi lần hàng năm để tíếp tục nghiên cứu về lịch sử truyền giáo.

Hân hạnh và hảnh diện giới thiệu Cha Dương hữu Nhân với bài viết bằng tiếng Việt: "Một vài suy nghĩ về Chân Phước Anrê Phú Yên" trong dịp mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. (Lm Phêrô Trần thế Tuyên)


Trong Lão Giáo dân gian, gọi là Tiên Giáo, có tám ông tiên mà ông già nhất có tên là Thọ Tinh hay Thọ Lão. Ông tiên này chính là vị quyết định giờ chết cho mọi người: ông ghi giờ ấy trên một tấm biển vào lúc một người ra đời. Truyền thuyết kể rằng một hôm Thọ Tinh gặp một chàng trai trẻ tặng ông một bình rượu. Ông thích chí quá bèn quay ngược hai con số 10 và 9 (thập trên cửu dưới): thế là ông cho phép cậu sống 90 tuổi (cửu thập niên) thay vì 19 tuổi (thập cửu niên) !

Theo truyền thống Đông Phương, chết yểu là một bất hạnh lớn: Đấy là một cuộc đời chưa chín muồi và chưa trọn vẹn, một cuộc đời gãy gánh trước khi đơm hoa kết quả. Người ta tin rằng chết non là một hình phạt cho một tội rất nặng mà có thể mình đã phạm ở kiếp trước.

Mặt khác, chết mà không có con nối dõi tông đường là bị phạt vào cõi trầm luân mà không ai kính thờ mình như tổ tiên của họ. Đây còn là tội bất hiếu vì đã làm đứt sợi dây liên kết các thế hệ nối dài dòng tộc và quốc gia mình.

Thế nhưng Anrê Phú Yên lại chết vào năm 19 tuổi, lúc còn là một thanh niên vừa mới lớn, trong tình trạng tứ cố vô thân. Phải chăng ngài đã làm mất lòng Thọ Lão ? Ngài đã phạm tội gì ? Phải chăng ngài đã không tròn nghĩa vụ đối với người trên ? Phải chăng ngài đã quên nghĩa lý của thanh niên đối với kẻ quyền thế ?

Trước khi trả lời những câu hỏi này, xin quý vị vui lòng cho tôi nhắc lại một chút Chân phước Anrê Phú Yên là ai.

Anrê Phú Yên là ai ?

anrephuyen1.jpg

Những công trình nghiên cứu và sưu tra để tôn vinh Anrê Phú Yên – người chứng thứ nhất cho đức tin ở Việt Nam († 26 tháng 7 năm 1644) – đã kéo dài trong nhiều thế kỷ, thường bị gián đoạn không tưởng nổi: biết bao vị đã được tôn vinh trước chàng trai trẻ hiên ngang nầy. Nhưng rồi Giáo hội đã công minh nhìn nhận cuộc tử đạo của ngài. Trên chặng đường tiến đến ngày phong thánh, việc phong chân phước là một giai đoạn then chốt; nhưng cũng chỉ là một giai đoạn thôi. Cần phải tôn vinh hiển thánh để mạnh dạn đề nghị Anrê Việt Nam làm thánh bổn mạng trong toàn giáo hội, trên khắp thế giới, cho giới trẻ, và đặc biệt là giới trẻ dấn thân phục vụ người anh em.

Người mà từ xưa người ta quen gọi là "Thầy giảng Anrê", sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ góa và các anh chị, do chính cha Ðắc Lộ. Lúc đó Anrê đã bắt đầu học chữ nho để thăng tiến sự nghiệp tương lai. Ðến 16 tuổi, ngài được nhận vào nhóm các thầy giảng do cha Ðắc Lộ mới thành lập; chưa đầy ba năm sau, ngài chết tử đạo, mở đường cho biết bao vị chứng nhân khác về Chúa Kitô; họ đã noi theo gương ngài trong cách sống cũng như trong cách ngài chấp nhận cái chết.

Một tuần sau khi Anrê bị xử, Cha Ðắc Lộ đã từng viết về ngài thế nầy:

"Anh ta thông minh lanh lợi; thông thạo chữ nghĩa, và đã biết trình bày mọi lẽ về Thiên Chúa. Anh có trí phán xét lành mạnh và cũng rất khéo tay: ở kinh đô Huế, chính anh đã tổ chức làm máng cỏ và rất thành công. Tuy sức khỏe hơi yếu, nhưng anh không nề phải gánh vác công việc khi cần, như đã thường xuyên chèo thuyền chở tôi đi chỗ nầy chỗ nọ. Ngoài ra, năm ngoái, anh suýt chết vì quá cố gắng hợp lực với các thầy giảng khác xây lại căn nhà của chúng tôi ở Ðà Nẵng; tôi tưởng chỉ còn việc chôn cất anh, vì anh té chết ngất trên nền đất; thế nhưng Chúa dã dành cho anh tiều thiên tử đạo..."

Xứ Ðàng Trong bấy giờ có thể so sánh được với một quốc gia độc lập. Nhóm thầy giảng đầu tiên – trong đó có Anrê – do Cha Ðắc Lộ quy tụ từ năm 1642 đến 1645 và cũng do chính Cha đào tạo phần thiêng liêng cũng như phần sinh hoạt chuyên môn. Nhóm nầy gồm khoảng mười hai người, trẻ có già có, sống thành cộng đoàn chung với vị truyền giáo. Trú sở chính tại Hội An, đôi khi ở Ðà Nẵng.

Tháng bảy năm 1643, hai thầy giảng lâu đời nhất nhận lãnh một quy chế đặc biệt, trao cho họ trách nhiệm riêng khi đi truyền bá Phúc Âm và trong việc điều động những anh em còn lại: đó là hai vị Ðamasô và Inhaxiô. Inhaxiô bây giờ là một quan văn. Hai vị khấn công khai về đức khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, vĩnh viễn sống trong cộng đồng truyền giáo và nhận danh xưng là Thầy. Khi vị thừa sai vắng mặt, họ là những người hữu trách của Giáo Hội trong xứ. Toàn nhóm, trong đó có Anrê, cùng tuyên khấn trong cùng một ngày để tận hiến cho công cuộc truyền giáo.

Vì tuổi còn trẻ, cần phải được hoàn tất chương trình đào tạo, Anrê được gửi gắm cho người được vị thừa sai tin cậy nhất: đây là vị quan Inhaxiô, thuộc nhóm thầy giảng và và là trụ cột của cộng đồng công giáo còn non trẻ. Anrê tiến triển vượt bậc trong việc học các kinh sách truyền thống, nhất là về đức tin Kitô giáo, đồng thời đảm nhận những công việc thấp hèn nhất để phục vụ nhà Chúa và luyện tập công tác giảng dạy.

Cuộc bắt đạo đẫm máu đầu tiên tại Việt Nam

Dưới sự hướng dẫn của "Thầy Inhaxiô", các thầy giảng gặt hái nhiều thành quả đáng kể trong việc truyền giáo trong vùng. Trong mấy tháng vị truyền giáo vắng mặt, họ đã rửa tội cho sáu trăm người tân tòng, và đón nhận nhiều người học đạo. Inhaxiô tích cực lưu tâm đến giới có học như mình. Nhưng điều nầy đã làm nảy sinh ra lòng đố kỵ và tình trạng căng thẳng trong triều đình Chúa Nguyễn, cũng như tại xứ Quảng Nam là nơi có trung tâm sinh hoạt truyền giáo chính của nhóm.

Vị quan trách nhiệm chính quyền dinh Quảng Nam thề sẽ tiêu diệt Inhaxiô, và đã nhận được giấy phép cho bắt giam và kết án tử hình các người mang trách nhiệm chính của cộng đoàn kitô hữu trong vùng của thầy. Theo kế hoạch của nhà cầm quyền thì "đạo của người Bồ Ðào Nha" chỉ dành riêng cho người ngoại quốc, và mọi việc truyền đạo cho người Việt Nam phải bị cấm chỉ.

Inhaxiô vắng mặt khi lính đến tìm bắt ngài ở Hội An; thầy Anrê trẻ tuổi lúc ấy là người lành mạnh duy nhất có mặt ở nhà, và thầy đã tình nguyện nạp mình thế chỗ cho người anh cả của mình. Trước tòa án của quan đầu tỉnh Quảng Nam, Anrê đã tuyên xưng đức tin một cách phi thường, không giây phút nào nao núng: "Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài".

Bị kết án, Anrê chờ đợi cái chết một cách rất bình thản, lòng đầy hân hoan, chỉ xin mọi người cầu nguyện cho thầy, để thầy được ". ..giữ nghĩa cùng đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến blọn [trọn] đời". Anrê chết do nhiều nhát dáo đâm rồi bị chặt đầu, miệng không ngớt kêu tên Giêsu. Ngày ấy là ngày 26 tháng bảy năm 1644. Anrê vừa được 19 tuổi.

Cha Ðắc Lộ ở bên cạnh thầy. Ðứng vây quanh Anrê còn có nhiều tín hữu công giáo Việt Nam và ngoại quốc, cũng như đông đảo đồng bào ngoài công giáo; mọi người rất xúc động trước sự tuyên xưng đức tin của thầy. Gương tử đạo của thầy lập tức nổi danh, và qua những lời chứng và tường thuật, đã lan truyền ra đến nhiều nước tận Rôma. Toà Giám mục Áo Môn (Macao), nơi có rất nhiều nhân chứng sinh sống, đã đón nhận thi hài thầy hết sức trọng thể, và tổ chức ngay trong tháng 12 năm ấy hồ sơ xin phong chân phước cho Anrê. Chính hồ sơ nầy ngày nay đã cung cấp cơ sở lịch sử chủ yếu giúp Giáo Hội có thể căn cứ vào để phán quyết.

117 vị tử đạo, chừng ấy chưa đủ sao ?

Năm 1988, Giáo hội đã phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam, trong đó có 96 người bản xứ; các vị được ghi vào lịch Giáo hội hoàn vũ mừng vào ngày 24 tháng 11. Việc phong thánh cho các vị đã dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt tại Việt Nam. Nay những xung động đã lắng dịu, nhiều người đã nghĩ rằng dấy lên những xích mích lời qua tiếng lại thêm lần nữa thì có lợi ích gì. Có thêm một người thứ 118 (hoặc một người thứ 97 trong các vị người bản xứ) thì cũng vậy mà thôi.

Theo tôi, quan điểm ấy quá thiển cận. Thật vậy, Anrê Phú Yên không phải là người thứ 118, nhưng chính là người tiên khởi, và là người anh đầu của tất cả. Người ta sẽ nghĩ gì về một gia đình Việt Nam, khi mà người anh cả bị bỏ quên, bị xem như không quan trọng, và không được đặt di ảnh lên trên bàn thờ tổ tiên ? Con đường hẹp, khó khăn, gian khổ để nên thánh của người Việt Nam, chính Anrê là người đi tiên phong. Nếu không có ân sủng đặc biệt, duy nhất, của Thiên Chúa, thầy hẳn đã không bước đi được trên con đường ấy. Chúng ta là ai mà có thể nhắm mắt làm ngơ trước mầu nhiệm ấy ?

Hiện nay, người anh cả của những người Việt Nam đã được phong thánh tử đạo là Vinh Sơn Liêm, một giáo sĩ dòng Ðaminh, chết năm 1773. Thánh Liêm là một khuôn mặt lớn, đầy đủ nhân đức để cho chúng ta học tập. Nhưng ngài đã đi du học trong nhiều năm ở nước ngoài, và ngài là một linh mục. Ðịa vị của vị "tử đạo tiên khởi" phải thuộc về Anrê, chết 129 năm trước thánh Liêm, với lòng can cường không kém. Hơn nữa, Anrê là một người con của đất nước, mang trong mình 100% nền văn hóa của đất nước; thầy là một giáo dân công giáo. Vì thế, chắc hẳn Anrê là tiêu biểu trực tiếp hơn cho khối đa số vô danh của những người công giáo Việt Nam, nhất là những người thuộc những thế hệ đầu tiên, nhờ vào sự khôn ngoan và tính kiên cường họ đã khám phá ra phương cách Việt Nam để sống đạo.

Ðối chiếu với phần lớn các vị tử đạo được tôn phong năm 1988, Anrê biểu hiện một kinh nghiệm đặc sắc và có thể là sống động hơn cho ngày nay, do bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác biệt. Những thế hệ công giáo tiên khởi được sinh ra trong bối cảnh của một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập đối với các thế lực phương Tây; không bao giờ Bồ Ðào Nha, là nước đã gửi các nhà thừa sai đến, đã can thiệp vào công việc của Việt Nam bằng bất cứ cách nào, dù là để bênh vực cho người công giáo. Những đồng bào không công giáo, đại đa số đã tỏ ra hết sức ngưỡng mộ đối với chàng trai trẻ có lòng can đảm bất khuất nầy. Họ cảm nhận được nơi Anrê tình thương mà thầy đã đem đến cho tất cả những người đồng hương của thầy – một sự việc mà những nhân chứng đã nói đến –, và họ đã đáp lại tình thương đối với thầy. Ðó là một sắc thái khá độc đáo trong cái chết của Anrê. Ðến thế kỷ xviii và xix thì các tình huống và tâm trạng đã biến chuyển một bầu không khí thù hận lan tràn.

Thực ra người kitô hữu Việt Nam đang ao ước tìm lại nguồn gốc của mình một cách cụ thể, phục hoạt năng động truyền bá Phúc Âm của cha ông họ vào bước ngặt thế kỷ xvi và xvii. Trong bối cảnh như thế, việc phong chân phước cho Anrê Phú Yên tại đền thánh Phêrô ngày 5 tháng 3 năm 2000 là một biến cố trọng đại và là may mắn cho tương lai. Nó sẽ ghi khắc một cách sâu đậm trong cuộc sống của cộng đồng chi thể nầy của toàn dân Chúa, trong cũng như ngoài nước.

Anrê phải lấy lại địa vị của mình, đó là địa vị tiên khởi, trong bảng danh sách các thánh của nước Việt Nam, và cũng để làm chứng cho thời đại hoàng kim của cộng đồng công giáo; chính đó là nguồn đích thực mà người công giáo thời nay được mời gọi trở về. Không nên dừng lại nữa vời và bằng lòng với việc phong chân phước, đấy chỉ là một giai đoạn tạm thời, một phần của sự việc phải hoàn thành mà thôi.

Anrê và những thủy thủ trẻ

Tôi đã dành gần hai năm trong đời mình để nghiên cứu về Anrê Phú Yên. Dưới một khía cạnh nào đó, đấy là một công việc khá dễ dàng, vì trước tôi đã có nhiều người miệt mài tìm hiểu tiểu sử của ngài. Ông Phạm Đình Khiêm đã viết về đời ngài vào khoảng năm 1950: một tập sách nhỏ được viết khá hay mà nhiều người công giáo Việt Nam đã đọc vào thời ấy. Còn có chính Cha Đắc Lộ – Alexandre de Rhodes, vị thừa sai nổi danh nhất Việt Nam –, là người linh mục mà Anrê rất yêu quý, và cũng là người giúp đỡ ngài trong những giây phút cuối đời. Sau đó, vị thừa sai này đã loan truyền dũng khí tuyệt vời của chàng trai ấy trên khắp hành tinh, từ Trung Hoa đến Ấn Độ và khắp cả Châu Âu.

Phần tôi, tôi phát hiện chứng từ của những người rất tầm thường, đó là các thủy thủ Bồ Đào Nha. Hẳn họ không phải là những thánh nhân hay những học giả uyên thâm. Họ chính là những người đã mang xác Anrê về thành phố Áo Môn (Macao) để chôn cất trọng thể. Gương sáng của chàng trai đất Việt đã đảo lộn cuộc đời của họ.

Trong số các thủy thủ ấy, có ba người vào độ tuổi của Anrê. Cùng với những người Bồ Đào Nha khác, họ đã làm chứng trước tòa án Giáo Hội về những gì họ thấy và nghe tại Việt Nam. Lời lẽ của họ toát lên niềm ngưỡng mộ đối với cậu giáo lý viên trẻ tuổi kia. Sau khi khám phá, rồi dịch những chứng từ của họ được ghi lại trong các bản viết Bồ Đào Nha, chính tôi cũng đã xúc động: Vâng, gương sáng của Anrê thật là sống động !

Hôm nay tôi chọn vài câu của một người chứng trẻ tên là Antonio. Tôi xin đọc lại cho quý vị nghe:

"Con thề trên Phúc Âm và hứa nói sự thật về những gì con biết. Con 20 tuổi. Năm nay, con đã xưng tội bốn lần, hai lần ở Việt Nam và hai lần ở tại Macao đây, và con đã chịu mình thánh Chúa.

Con sang Đàng Trong hai lần. Con đã biết Anrê, anh ấy là một Kitô hữu đã chịu phép rửa và là giáo lý viên, và ở với cha Đắc Lộ. Anh đã bị bắt tại Hội An trong nhà của cha. Họ đã trói và hành hạ anh, và anh bị đánh đập vì anh theo đạo. Họ đã đem người tù đến Kẻ Chàm. Trước ông quan, anh đã tuyên bố công khai rằng anh có đạo. Vì lý do đó, anh bị tống ngục với một Kitô hữu khác, một ông già tên là Anrê cả.

Ông Chúa của nước này đã ra lệnh cho quan phải bắt các Kitô hữu, và giết những ai truyền đạo. Chính vì thế mà người ta đã bắt Anrê, và đã xử tử anh. Những người Bồ Đào Nha chúng con không thể làm gì được cho anh. Còn anh Anrê thì đã vui vẻ đón nhận bản án ấy. Họ đã đem anh đi đến cánh đồng ngoài thị trấn với một cái gông trên lưng.

Họ đã đâm và chặt đầu anh. Trong lúc đó, Anrê vẫn tuyên xưng đức tin và Chúa Giêsu Kitô một cách kiên trì. Trước khi chết, anh nói lớn: “Em chết vì em có đạo chứ không phải vì em đã phạm một tội gì.”

Người ta đã đón lấy xác và máu của anh một cách kính cẩn, như là xác và máu của một vị tử đạo. Con vẫn còn có một xâu chuỗi của anh: con kính cẩn và quý mến giữ nó. Con chắc chắn rằng anh bị xử tử là vì người ta ghét đức tin của anh chứ không phải vì một tội nào khác mà anh đã phạm. Mọi người đều biết Anrê là một Kitô hữu tốt lành, nhiệt thành cho vinh danh Chúa. Anh giữ luật và thực thi mọi nhân đức. Vâng, anh thực sự là một vị tử đạo. Mọi người chứng kiến cái chết của anh, tại Việt Nam và tại Macao, đều biết rõ điều ấy."

Cả hai mươi bốn người làm chứng về cái chết của Anrê đều đồng ý về điểm này; tất cả đều tôn kính Anrê như là một vị tử đạo. Nhờ họ, chúng ta cũng có thể tôn kính ngài. Thanh niên Việt Nam, giáo lý viên trên toàn thế giới đã có được một gương mẫu để mình noi theo, một người che chở để mình nguyện cầu, một người anh cả để mình nối gót và ngưỡng mộ.

Cái chết của Anrê có ý nghĩa gì chăng ?

Một số người chứng đã cung cấp cho tòa án Áo Môn những chi tiết rất xác thực; ví dụ cuộc đối thoại giữa Anrê và vị quan tòa, và những lời cuối cùng của ngài. Những lời ấy giúp ta hiểu ý nghĩa của cái chết đó. Cái chết của Anrê là một điều đi xa hơn là một biến cố bi thảm, hơn là cái oái oăm của một cuộc đời gãy gánh khi tuổi còn xuân.

Tôi nghĩ rằng quý vị đã biết thuộc lòng câu nói của Anrê, được ghi bằng tiếng Việt trong các tường thuật cổ. Kính thưa quý vị, câu ấy là câu xưa nhất được viết bằng chữ Quốc Ngữ hiện nay còn giữ được trên thế giới ! Anrê xin các Kitô hữu cầu nguyện cho ngài, để ngài được trung thành đến cùng, để “giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.” Câu nói này được ghi khắc bằng chữ vàng trong lòng những người yêu mến Anrê Phú Yên.

Khi nghe lời này của Anrê, chúng ta thấy rõ rằng, trước cái chết khốc liệt đang chờ mình, ngài vẫn cảm thấy ít nhiều e sợ. Không phải ngài sợ chết đâu, không hề tí nào ! Cái sợ duy nhất là sợ không trung thành tới cùng với đức tin mà ngài đã lãnh nhận khi chịu phép rửa. Sợ không ở với Chúa Giêsu với bất cứ giá nào. Anrê sợ bị đau khổ đánh gục hay sợ tác động của những người lớn quanh ngài.

Một gương mẫu phải noi theo

Khi nói đến lịch sử khởi công xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam, người ta có thói quen đưa ra một vài nhân vật lịch sử lớn, đặc biệt là nhân vật Ðắc Lộ. Ðiều nầy không có gì cần phải cải chính. Nhưng lịch sử của Anrê còn chứng tỏ rằng Giáo Hội cũng đã được xây đắp nhờ vào những nỗ lực của số đông giáo dân Việt Nam thuộc những thế hệ đầu tiên. Ở vào thời của Anrê, thừa sai chỉ thỉnh thoảng mới có thể đến, và không thể sống thường xuyên ở trong nước. Chính vì lý do nầy mà những thầy giảng phải lên phiên thay thế họ.

Anrê là tiêu biểu cho tất cả những thừa sai Việt Nam vô danh nầy, là những anh hùng trong cuộc sống trước khi tỏ ra anh hùng trong khi chết. Người ta không thể không nghĩ rằng chính họ là những thừa sai thực sự, vì chỉ có họ mới đủ sức bảo đảm cho sự liên tục và sự tiến triển của cộng đồng công giáo. Thử hỏi tình trạng nầy không phải là giống như tình trạng ngày nay tại nhiều nơi mà sự lui tới của linh mục bị hạn chế đó sao ?

Chính ở điểm nầy mà Anrê là một gương mẫu của đời sống công giáo rất thích hợp cho thời nay. Thực thế, thật khó mà chọn Ðắc Lộ làm gương mẫu để noi theo, nếu không muốn nói là một cách gián tiếp. Ngài đại diện cho một thời đại vẻ vang của sứ mạng truyền giáo, nhưng thời đó đã qua. Trái lại, thời đại của Anrê, thời đại nầy, lại không ngừng tồn tại.

Là một tín đồ công giáo gương mẫu, Anrê nêu gương về nhiều mặt. Chính thầy đã tuyên bố với quan tòa rằng thầy ở với vị thừa sai "để có dịp học hỏi và tìm hiểu cho thấu đáo đức tin Kitô giáo của mình". Tất cả những ngôn từ kể lại về thầy chứng tỏ thầy đã đạt đến một trình độ cao thâm trong sự hiểu biết và thực hành đời sống công giáo. Thầy đã tóm gọn trong một câu: "Ði theo chỉ huy Giêsu của tôi cho đến chết". Anrê còn là một gương mẫu có tính cách rộng lớn hơn nữa. Thầy chết có những người công giáo thuộc nhiều nước vây quanh, tất cả đều một lòng ngưỡng mộ và tôn kính thầy. Thi hài thầy đến Macao đã đem lại cho thành phố nầy một sự hoà giải rộng rãi, trong lúc tại đây đang có những tranh cãi đau buồn từng chia rẽ tín hữu công giáo từ nhiều năm qua. Như thế, chàng tuổi trẻ Anrê không thể biểu hiện cho sự bình an và sự hòa hợp mà chúng ta hằng cầu mong có được trong Giáo Hội và giữa nhiều dân tộc sống trên địa cầu đó sao ?

* * *

Tôi cũng muốn nói một tí với quý vị, là những người có chức mục sư đối với thanh niên công giáo, về hai câu hỏi đặc biệt liên kết chặt chẽ với nhau:

Người trẻ phải biết tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới; điều ấy có ý nghĩa gì đối với thanh niên công giáo ?

Những người trẻ tuổi – 19, 20 tuổi – có nên sợ chết không ?

Anrê và nền giáo dục truyền thống Việt Nam.

Anrê Phú Yên biết chữ nho, và bắt đầu học tứ thư ngũ kinh. Ngài biết rõ tam cương ngũ thường của một người quân tử theo truyền thống của cha ông: ấy là ‘quân thần, phụ tử, phu phụ’ và ‘nhân, nghĩa, lễ, trí, tín’. Ngài cũng biết rõ mồn một rằng, tại Việt Nam, Kitô giáo phải định vị mình trong nền luân lý cổ xưa đó. Trong lời cuối của mình, Anrê nhắc đến ‘nghĩa’, mà ngài xem là đức hạnh nền tảng cho cuộc đời mình.

Quan tòa kết án ngài không phải là một bạo chúa khát máu, mà là một ông nghè rất tôn trọng truyền thống. Theo ông, tội lớn nhất của Anrê không phải là theo đạo, hoặc làm thầy giảng, mà là lỗi nghĩa đối với quyền lực tối cao. Nói cách khác, điều khiến ngài bị kết án, không phải là hành vi bên ngoài của ngài, mà là thái độ "bất nghĩa" ở bên trong. Những người chứng đã nghe ông nghè tuyên bố:

"Giá như cậu ấy bảo rằng mình nghèo khổ, không tiền không bạc, nên làm việc cho ông Cha để kiếm cơm, thì hẳn tôi đã tha mạng cho cậu; nhưng vì cậu trả lời tôi một cách gan lì và khí phách, nên cậu phải chết, vì đấy là lệnh của nhà vua."

Về phần Anrê, ta không hề thấy ngài thất kính với người trên hay với chính quyền trên đất nước mình. Thế nhưng ta cũng không thấy thái độ hèn hạ hay khúm núm mà người ta thường có trước những bậc quan quyền. Đức tin của ngài đã cho ngài đủ dũng cảm để đứng thẳng, nói rõ ràng và không sợ sệt. Là Kitô hữu, ngài biết rằng bên trên cha ông mà mình phải thảo hiếu, bên trên vua chúa mà mình phải trung thành, thì còn có Thiên Chúa, là Cha của mọi người, và là chủ tể của mọi sinh vật trên trần gian, mà mình phải kính thờ. Một Thiên Chúa đã tỏ bày tình yêu vô biên của Người, theo lời Phúc Âm: "Chúa đã trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên… và cho ta chẳng còn sợ hãi" (Lc 1,72).

Ngược lại, ta cần phải đáp trả bằng đức tin, bằng lễ nghi cầu nguyện và phụng thờ, nhưng nhất là bằng lòng trung tín sâu xa trong mọi giây phút cuộc đời mình.

Đây là điều mà Anrê đã nói lên bằng ngôn ngữ của mình, và ông nghè đã hiểu đúng đắn. Ông nghè loan báo:

"Cậu cả gan đáp rằng cậu là Kitô hữu, và cậu thờ phượng Chúa Trời Đất, và không gì trên đời có thể làm cho cậu bỏ đạo thánh mà cậu đã theo, và vì đạo ấy, cậu sẵn sàng dâng mạng sống và chịu mọi khổ hình mà người ta dành cho cậu ! Do đó, bởi lẽ cậu ấy điên khùng đến độ nói năng như thế, thì cậu phải chết thôi."

Về phần mình, Anrê nhấn mạnh đến bổn phận đền ân trả nghĩa mà mình phải dành cho Thiên Chúa, Đấng tác tạo sự sống và Cứu Độ loài người. Bổn phận ấy phải được đặt trên mọi sự, và trọng hơn cả mạng sống. Ta thấy rõ điều này qua lời đối đáp của ngài, mà một chứng nhân đã kể lại:

"Khi Ông Nghè bảo anh hãy bỏ Đạo Chúa Kitô thì ông sẽ tha mạng cho anh, anh đáp lại: “Tôi không thể nào làm như thế, và nếu ông muốn xử tử tôi, thì tôi sẽ đem mạng sống tôi để trả món nợ mà tôi mắc đối với Thiên Chúa là Đấng Dựng nên tôi. Tôi sẵn sàng dâng một ngàn mạng sống vì đạo.”"

Chết ở tuổi 19

Kính thưa quý vị, điều này liên quan đến trách nhiệm của tất cả chúng ta. Đối với một thanh niên công giáo, như Anrê, có những bổn phận truyền thống là trung tín và kính trọng người trên. Nhưng nhất là có một mối liên hệ mới – mà ta tự do đón nhận – đó là mối liên hệ với Chúa, Đấng đã yêu thương ta từ muôn đời và đã gọi ta vào sự sống. Những tương quan nhân loại chỉ có được tính chất thánh thiêng khi nào chúng được đặt dưới ánh sáng của tình yêu đó, của lời mời gọi đó.

Lòng trung thành và tín nghĩa đó không đưa ta đến một cuộc sống u buồn, bị hy sinh. Trái lại, chúng là nguồn mạch cho một niềm vui sâu xa hơn. Các chứng nhân đã thấy niềm vui ấy toả sáng lên trên gương mặt của Anrê và họ đã nghe những lời này:

"Tôi vui mừng mà chết, vì tôi dâng mạng sống tôi cho Đấng đã hiến mạng sống Người vì tôi… Đừng đau buồn vì án tử hình của tôi, vì tôi chết không phải do một trọng tội nào mà tôi đã phạm, nhưng chỉ vì tôi là Kitô hữu; còn anh chị em, hãy bền tâm vững chí trong đức tin."

Mặt khác, Anrê không quên tôn kính và nghe lời các người lớn tuổi trong cộng đồng mình, những người đủ dũng khí để tuyên xưng đức tin. Trong số đó có Anrê cả, ông già đã chia sẻ ngục tù với ngài. Chúng ta biết được điều này qua chứng từ của con cụ, cũng là một thầy giảng như Anrê. Chàng thanh niên tên Đoan đã kể lại như sau:

"Khi họ buộc Anrê lên pháp đình, tôi đã nhìn thấy anh bị trói, cùng với cha tôi. Tôi nhận ra giọng nói của anh, anh khuyên chúng tôi, cũng như các Kitô hữu khác như sau: “Ông ấy rất già rồi. Ông đã luống tuổi và sắp về với Chúa rồi. Vì lí do gì mà các Kitô hữu lại không chạy đến để đón tiếp ông, để bắt kịp ông ?”"

Như vậy, qua gương của Anrê Phú Yên, chúng ta thấy rằng chết năm mười chín tuổi không hẳn là một bất hạnh. Chúng ta hiểu rằng không cần phải sống đến chín mười tuổi. Điều quan trọng, đối với Anrê cũng như đối với mỗi một chúng ta, ấy là cuộc đời mình phải có một ý nghĩa. Ý nghĩa đó, ta nhận được qua lòng trung tín sâu xa và bền bỉ đối với Đấng là Cha mọi người, Đấng mà ngoài Người thì không có Đấng Cứu Độ nào khác: "Giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời."

Một sự kiện trọng đại cho Việt Nam

Và đến đây, người công giáo Việt Nam có quyền ước mơ. Ðức Giáo Hoàng – hoạc vị kế tiếp Ngài – có thể sẽ đến Việt Nam thể theo lời mời của các giám mục Việt Nam không ? Ở đó, có thể chủ tế đại lễ phong thánh cho Anrê Phú Yên không ? Dẫu Ngài có đến không được thì hẳn Ngài cũng có thể gửi vị khâm sai đến thay Ngài chăng ? Và rồi ngày đại lễ mừng Thầy Anrê Phú Yên được cử hành hết sức trọng thể như mọi người mong ước, trong đất nước mà ngày đã sống, và ngay tại vùng đất mà ngài đã hy sinh tính mạng, trước sự hiện diện đầy hân hoan của đông đảo tín hữu công giáo Việt Nam. Vì những tranh cãi mà cuộc phong thánh năm 1988 đã không cử hành trọng thể và công khai được tại Việt Nam; vào dịp đó, không ai trong nước đến được đền Thánh Phêrô để dự lễ mừng. Dịp phong chân phước Anrê cữ hành tại Roma một cách quá kín đáo. Một cuộc phong thánh phải chăng là phương thế tốt đẹp nhất để xóa đi những kỷ niệm buồn đau và trả lại cho dân Việt Nam những vị tử đạo vinh quang của họ ?

Các giám mục Việt Nam, trong khi chuẩn bị tham dự cuộc họp Thượng Hội Ðồng về Châu Á năm 1998, đã cầu xin cho Giáo Hội của các ngài quay trở về nguồn. Ðiều nầy cũng có nghĩa là người ta phải học hỏi thời kì đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam. Như vậy, việc phong thánh cho thầy Anrê sẽ đến đúng lúc: nó sẽ tạo cơ hội cho mọi người nhận biết rõ ràng hơn những thế hệ đầu tiên của người công giáo Việt Nam, và biết noi gương họ nhiều hơn.

Anrê chắc chắn sẽ gây được nguồn cảm hứng cho đồng bào của mình về một sự đổi mới thật sự trong đời sống tâm linh và sự can cảm trong việc làm chứng nhân trong những tình huống khó khăn mà họ đang trải qua. Khi thầy giảng trẻ tuổi nầy hy sinh mạng sống tại Quảng Nam, thì đời sống công giáo còn khó khăn hơn nhiều. Nhưng thầy đã biết đi cho đến cùng theo sự xác tín của mình, trong niềm hân hoan và sự can đảm. Ngài là người anh cả của mọi người. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy cung kính dành cho thầy một chỗ xứng đáng trong trái tim của chúng ta, và trong niềm xác tín sâu xa chúng ta không ngại kêu cầu với ngài như là vị bổn mạng của tất cả quý vị, trẻ già, đang dấn thân phục vụ công cuộc ra truyền Phúc Âm.

Lm Dương Hữu Nhân, Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm
(Roland Jacques, O.M.I.)

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.11.2007. 15:47