Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một phát hiện kỳ thú: Đan viện Mỹ Ca

§ Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

Đó là sự phát hiện về Đan viện Mỹ ca. Phải nói là phát hiện vì từ này có nghĩa là tìm thấy cái chưa ai biết, tuy không phải hoàn toàn như vậy. Đan viện này, nhiều người ở Cam Ranh hay Nha Trang đã biết, nhưng đối với người viết thì đó còn là một điều xa lạ. Chính cái xa lạ này đã gây cho người ấy một sự phấn khởi và thích thú lạ lùng. Thật là phấn khởi khi thấy trong hoàn cảnh này mà lại xây dựng được một cơ sở như thế, và thích thú vì được nhìn xem một công trình nghệ thuật đáng kể.

myca1.jpgToàn cảnh Đan viện Mỹ Ca

myca2.jpgNhà Nguyện

Đan viện Mỹ ca được xây mới trong thời gian gần đây và khánh thành ngày 14.11.2005. Lễ khánh thành diễn ra khá âm thầm. Hình như chỉ những ai có liên hệ với đan viện ở Cam Ranh, Nha Trang và một vài nơi khác biết thôi. Vì vậy, ở thành phố không mấy ai biết, mãi đến gần đây, nhân có việc đi Nha Trang, tôi mới được biết và tìm đến xem. Trước khi đến, tôi cứ đinh ninh là đan viện vẫn còn ở chỗ cũ bên Ba Ngòi. Khu vực này năm 1970, tôi đã có dịp ghé qua. Hồi đó đang trong thời kỳ chiến tranh, các cha các thày trong đan viện không có mấy. Lần này tôi cũng trở lại thăm chốn cũ, nhưng chỉ đứng ở xa mà không vào được bên trong, vì hiện đang có một đơn vị không quân đóng tại đó.

Cổng vào đan viện mới xây theo kiểu tam quan. Trên cổng có một câu bằng tiếng la tinh đề là Schola servitii dominici nghĩa là trường dạy làm tôi Thiên Chúa ngụ ý nói rằng những người ở nơi đây là những người đi tìm học cho biết tôn vinh thờ phượng Thiên Chúa qua lời kinh tiếng hát và công việc lao động. Bởi thế mới có khẩu hiệu dành riêng là Ora et labora : cầu nguyện và lao động.

Đi qua cổng này vào bên trong, tôi sững sờ trước một công trình qui mô hài hòa với những đường nét kiến trúc Á Đông và Việt Nam. Tuy đã khánh thành nhưng công trình chưa hoàn tất, vì đường vào tới đan viện còn bằng đất, hồ nước ở giữa mới xây bờ kè được một phần, một khoảng sân cũng chưa lát gạch, v.v…

Nhà nguyện xây theo hình nón lá, tường bằng đá mua tại địa phương. Đan viện được sắp xếp theo lối kiến trúc truyền thống của Dòng Xi-tô : nguyện đường ở giữa, tập viện, học viện, phòng ở của các đan sĩ tập trung chung quanh. Tại đậy ngay sau nguyện đường là tập viện và học viện. Hai cơ sở này được nối liền với nguyện đường bằng một hành lang. Phía trái nguyện đường, nhìn từ bên ngoài vào là phòng ở của các đan sĩ, Chung quanh nguyện đường có các hộc làm sẵn, để dựng tượng các vị thánh lập dòng có con cái đang hoạt động tạiViệt Nam.

Đi xem từng khu vực một, tôi thấy đây là một công trình có suy nghĩ và tính toán trước, theo một đồ án được thiết kế công phu, từ hình dáng, hoa văn cho đến các vật liệu xây cất cũng như vị trí của các tấm cửa và công dụng của các phòng. Sau đây là đôi nét về nguyện đường trích ra từ tờ bướm trong ngày khánh thành :

myca4.jpgSoi trên bờ nước

“Đan viện Xi-tô Mỹ Ca được các Đan sĩ thuộc Đan Viện Lérins tại Cannes (Pháp) thiết lập ngày 21.3.1934 trên bán đảo Cam Ranh, và tháng 7.1977 được dời về Thôn Lập Định, Xã Cam Hòa, Thị Xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đan viện mới này được xây dựng trên khoàng đất rộng 5 ha, với nguyện đường có diện tích 804m2 và đường kính 32,4m. nằm ở vị trí trung tâm của Đan viện, được thiết hài hòa với những đường nét ĐÔNG-TÂY-KIM-CỔ. Có những nét Á Đông và cũng có những nét Tây Phương. Có những nét xưa mà cũng có những nét nay, nhằm nói lên một khía cạnh của Giáo hội Công giáo trải dài trong lịch sử nhân loại, qua các thời đại với những nền văn hóa khác nhau. Nhưng ở đây còn thấy cả dáng dấp của nền văn hóa dân tộc Việt Nam nữa.”

Từ xưa đến nay, người ta biết và nghe nói nhiều đến Phước Sơn, Phước Lý, Châu Sơn hơn Mỹ Ca và hiện nay những nơi này cũng đang thu hút sự chú ý của giới công giáo, vì những công trình mở mang xây cất. Phước Sơn đã được tái tạo ở Phước Lộc trên đường đi Vũng tầu; Phước Lý được mở rộng thêm cho khách đến tĩnh tâm, hội học; còn Châu Sơn (Đơn Dương) bây giờ được coi là nơi lý tưởng cho tu sĩ nam nữ, các đoàn thể công giáo ở nhiều nơi đến tĩnh tâm cầu nguyện. Châu Sơn, khí hậu mát mẻ, phong cảnh ngoạn mục, phòng ở cho khách tĩnh tâm sạch sẽ, tiện lợi với đầy đủ tiện nghi về vệ sinh tắm giặt, lại có nhà nguyện dành riêng cho khách trong khu vực tĩnh tâm. Một học viện riêng cho các đan sĩ cũng đang được xây trong khuôn viên đan viện. Mỹ Ca cũng đã có đủ những thứ đó, nhưng chỉ có người là chưa đông bằng.

Như vậy, các dòng Xi-tô ở Việt Nam hiện nay như đang có chung một chương trình là biến đổi nơi ở của mình thành những đài tiếp vận sức sống thiêng liêng, đúng với khởi hứng nguyên thủy của các đấng sáng lập là làm cho các đan viện thành những trường dạy làm tôi Thiên Chúa, dạy cho chính mình bằng sự học hành, cầu nguyện, lao động, và dạy cho người khác bằng gương sáng đi tìm sự cần duy nhất, trong bình an thanh thoát, rũ bỏ mọi vấn vương mùi đời. Các đan sĩ không cần phải ra ngoài làm công việc của các dòng chuyên lo hoạt động bác ái, xã hội, văn hóa mà cứ ở lại trong nhà lo việc chiêm niệm, hát kinh phụng vụ, lao động chân tay rồi tự nhiên sẽ thành điểm thu hút người ta đến, nhờ phẩm chất đời sống đan tu, nhờ vẻ đẹp và sức lôi cuốn của phụng vụ qua lời kinh, tiếng hát được cử hành trang trọng và nghệ thuật. Có lẽ chính những thứ này đã trở thành động lực lôi kéo nhiều thanh niên thiếu nữ Au châu dâng mình cho Chúa trong nếp sống đan tu.

Việt Nam chúng ta chưa có truyền thống chiêm niệm. Các dòng tu cũng chỉ mới xuất hiện chưa lâu lắm trên quê hương chúng ta. Bởi vậy, ước mong sao cho các dòng chiêm niệm ăn sâu mọc rễ tại Việt Nam, và cầu mong cho các đan sĩ đi đúng với đường lối của mình như ước mong của đan viện Mỹ Ca trong ngày lể khánh thành :

“Cuộc sống của đan sĩ là cuộc sống ẩn dật trong Thiên Chúa cùng với Đức Ki-tô qua việc cầu nguyện và lao động trong thinh lặng, cô tịch. Xin cho các đan sĩ Xi-tô Mỹ Ca luôn trung thành với linh đạo này và sống đời phụng vụ qua cử hành lễ Tạ ơn và các Giờ kinh phụng vụ mỗi ngày.”

Cảm kích trước vẻ đẹp của công trình kiến trúc này cũng như lý tưởng của Đan Viện Mỹ Ca, xin được bày tỏ cảm nghĩ và lời nguyện chúc như sau :

Đây Mỹ Ca

May mắn lần này tới Mỹ Ca
Bấy lâu nghe nói chỉ từ xa
Hôm nay cất bước đưa chân tới
Mới thấy rằng đây đích thật là
Những người quyết chí muốn “ra khơi”
Xa chốn phù hoa lánh bụi đời
Đêm ngày hết sức lo tìm Chúa
Lao động cầu kinh có thế thôi.
Lòng trí bình an chẳng sợ chi
Yên tâm không phải vấn vương gì
Cuộc đời trọn vẹn dâng cho Chúa
Tin tưởng âm thầm dấn bước đi.
Kiến trúc Mỹ Ca đẹp tuyệt vời
Núi rừng cây cỏ ngát xanh tươi
Suốt ngày chìm đắm trong yên lặng
Tiếng hát lời kinh vọng tới trời.

Đan viện Mỹ ca 20.4.2006

Lm An-rê Đỗ xuân Quế, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.09.2006. 10:25