Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mẹ Têrêxa: Người đền tội cho những kẻ khác

§ Phụng Nghi

(VietCatholicNews 12/09/2007)

Một trích đoạn trong cuốn sách Come Be My Light mới xuất bản, do Linh mục dòng Thừa sai Bác ái Brian Kolodiejchuk biên tập.

MotherTeresa-1.jpg

Hàng mấy chục năm, Mẹ Têrêxa và công việc Mẹ thực hiện đã được công chúng rộng rãi quan tâm. Vì các chú ý dành cho Mẹ trong suốt cuộc đời và đặc biệt là thời gian Mẹ qua đời 10 năm trước đây vào tháng 9 này, thọ 87 tuổi, câu hỏi được đặt ra là: Đâu là nguồn sức mạnh hấp dẫn đã lôi kéo quá nhiều người đến với Mẹ? Mẹ chắc chắn đã muốn không ai để ý tới mình. Mẹ chỉ coi mình là “một cây viết chì trong bàn tay Chúa.” (Diễn văn tại Rome tháng 3 năm 1979) và tin chắc rằng Chúa đang dùng sự “không là gì hết” (nothingness) của mình để biểu hiện sự vĩ đại của Người. Mẹ không bao giờ nhận công lao vì các thành quả của mình và luôn tìm cách chuyển hướng sự chú ý Mẹ nhận được vào Chúa và “công việc của Người” giữa những kẻ nghèo nhất trong các người nghèo. Thế nhưng, giữ được cho không ai biết đến mình, không nằm trong chương trình Chúa quan phòng cho Mẹ. Người thuộc mọi tín ngưỡng và mọi tầng lớp xã hội đã công nhận tình yêu thương và lòng trắc ẩn đến quên mình của Mẹ đối với người nghèo; họ thán phục sự đơn sơ và chân thành của Mẹ và được lôi cuốn vì niềm vui và an bình rạng rỡ từ Mẹ phát xuất ra. Đồng thời, tất cả những người đã gặp Mẹ, dù chỉ một lần, đều cảm nhận là còn có một cái gì khác nữa sau cái nhìn sắc sảo của Mẹ.

Mẹ Têrêxa đã không thể giấu giếm công việc của mình giữa đám người nghèo, nhưng những gì Mẹ cố gắng giấu kín – và rất thành công đến độ ngạc nhiên - đã là khía cạnh sâu xa nhất trong sự kết hợp với Chúa. Mẹ đã quyết tâm giữ những niềm bí mật về tình yêu Chúa này khỏi những đôi mắt trần tục. Đức cố Tổng Giám mục Ferdinand Périer ở Calcutta và một số ít linh mục là những người đã có được cái nhìn vào sự giàu có tâm linh trong cuộc sống nội tâm của Mẹ, và ngay cả với họ, Mẹ không ngừng xin tiêu hủy tất cả thư từ liên quan đến việc đó. Lý do về sự nài nỉ như thế là vì Mẹ rất mực tôn kính Chúa và công việc Người thực hiện nơi Mẹ và qua Mẹ. Lúc này, sự im lặng của Mẹ có nghĩa như lời chứng về lòng khiêm tốn và sự tế nhị trong tình yêu thương.

MotherTeresa-2.jpg

Theo sự quan phòng của Chúa, các vị linh hướng đã gìn giữ một số thư từ của Mẹ Têrêxa. Vì vậy khi các chứng từ và tài liệu được thu thập trong tiến trình xin tuyên phong chân phước và phong thánh cho Mẹ, câu chuyện đáng chú ý về sự liên hệ mật thiết của Mẹ với Đức Giêsu được giấu kín ngay cả với những người cộng sự thân tín nhất, được khám phá ra. Trái ngược với “sự bình phàm” (ordinariness) của Mẹ, các điều thầm kín của Mẹ Têrêxa tiết lộ những chiều sâu về sự thánh đức mà trước đây chưa được biết tới, và có thể đưa Mẹ vào hàng các vị thần nghiệm (mystic) vĩ đại của Giáo hội.

Mẹ Têrêxa chấp nhận tất cả mọi nỗi khổ đau nội tâm và thể xác mà Chúa ban cho như một đặc ân, dùng những đau khổ này để làm tròn mục tiêu của tu hội mình. Thế nhưng không phải Mẹ sống với ý thức bất lực hoặc thụ động hàng phục, mà Mẹ làm rạng rỡ niềm vui được thuộc về Chúa, được sống với Người. Mẹ đã biết rằng sau sự đau đớn của cuộc Thương Khó thì niềm vui của ngày Phục sinh sẽ hiển hiện.

Ôm ấp Thánh Giá

MotherTeresa-3.jpg

Nhiều thư từ Mẹ Têrêxa viết trong những năm cuối đời đã rút lại chỉ còn là những ghi chú ngắn, nhưng chuyên chở một cách súc tích các tư tưởng, các ao ước và lời cầu nguyện của Mẹ. Các ghi chú đó thường chỉ khuyến khích các lời cổ võ và lối diễn đạt đơn giản của Mẹ che dấu một sự khôn ngoan thâm trầm. Xin hãy coi lá thư viết năm 1993 cho linh mục Micheael van der Peet, thành viên tổ chức các Linh mục Thánh Tâm, Mẹ gặp ngài năm 1975:

“Thiên Chúa yêu thương chúng ta và tiếp tục ban chính mình cho thế giới – qua cha – qua con….

“Ước chi cha tiếp tục là ánh sáng của tình yêu Người cho những kẻ thuộc về cha, được như thế làm cho cuộc đời cha thật đẹp đẽ đối với Chúa.”

Làm “điều thật đẹp đẽ cho Chúa” không chỉ là một khẩu hiệu hấp dẫn; đó là cách Mẹ nỗ lực để chứng tỏ tình yêu Đức Giêsu suốt mọi năm tháng, làm tất cả mọi sự một cách thật đẹp đẽ hết sức mình cho Chúa. Mẹ coi việc ôm ấp mầu nhiệm thánh giá trong cuộc đời mình là cơ hội làm cái gì đó đẹp đẽ cho Chúa và mang tình yêu của Người cho những kẻ còn sống trong bóng tối.

Một đời kiếm tìm thánh đức

Năm 85 tuổi, với lòng khiêm tốn và đơn sơ, Mẹ Têrêxa vẫn còn tha thiết muốn nhận được các lời khuyên và các hướng dẫn tinh thần. Giám mục William G. Curlin ở Charlotte, N.C. nay đang hồi hưu đã là nhân chứng cho đặc tính này của Mẹ :

“Tôi nhớ đặc biệt đến lần gặp gỡ cuối cùng tại Charlotte khi Mẹ tới đây năm 1995. Chiều tối hôm đó chúng tôi nói chuyện riêng trong một tiếng đồng hồ thảo luận về cuộc sống tâm linh của Mẹ. Khi tôi đề nghị Mẹ dâng sự khô cạn về tinh thần cho Chúa như là một quà tặng đặc biệt, Mẹ đã nhiệt tình đáp ứng. Mẹ lặp đi lặp lại nhiều lần: “Thật là quà tặng kỳ diệu của Chúa khi được dâng cho Người sự trống vắng con đang chịu đựng. Con thật hạnh phúc được dâng cho Người món quà này.’

“Trong những lần nói chuyện bằng điện thoại sau buổi gặp mặt đó, Mẹ không thay đổi khi đề cập đến việc tiếp tục dâng món quà nội tâm và ẩn giấu này.”

Như thế, chỉ hai năm trước khi qua đời, Mẹ Têrêxa sẵn sàng đón nhận lời đề nghị dâng cho Chúa sự trống vắng là kẻ “đồng hành” không rời bỏ Mẹ. Từ đầu thập niên 1960 Mẹ đã làm thế như là một phần trong tiếng gọi của Mẹ muốn đồng hóa với Đức Giêsu và những kẻ nghèo đói nhất trong những kẻ nghèo. Một lần nữa Mẹ chuẩn nhận sự dâng hiến này. Tất cả những bằng chứng hiện có cho biết Mẹ ở trong tình trạng đức tin “tăm tối” đó và hoàn toàn hàng phục cho đến khi chết, dâng hiến cho đến cùng cái món quà ẩn giấu và kỳ diệu này.

MotherTeresa-5.jpg

Mẹ đã dâng hiến cho Chúa không chỉ bóng tối của mình mà còn cả hoài niệm về ánh sáng đã ban tặng cho mình lúc khởi đầu tiếng gọi đi phục vụ người nghèo. Một chị nữ tu hồi tưởng:

“Một buổi chiều lúc tôi ở một mình với Mẹ, tôi thưa người rằng lễ Kim khánh Ngày Linh Hứng sắp tới rồi (Ghi chú của người biên tập: Đối với tu hội Thừa Sai Bác ái, Ngày Linh Hứng (Inspiration Day) là ngày kỷ niệm sự gặp gỡ thần bí giữa Mẹ Têrêxa với Chúa Giêsu – 10 tháng 9 năm 1946 – và do đó đưa tới việc thành lập tu hội) Mẹ nói :’Phải rồi, nhưng lạ là không ai hỏi tôi về Linh Hứng cả. Nhưng khó mà giải thích được. Tôi nói với Người (Chúa Giêsu) hãy lấy hết cả đi để tôi khỏi phải giải thích. Tôi biết, tôi hiểu nhưng tôi không thể giải thích được. Khi đưa ra cho mọi người biết, nó mất đi sự thánh thiện.’ Điều đó cho tôi một ý niệm mơ hồ về chiều sâu của sự khiêm nhường và tận tụy của Mẹ. Nó cũng làm cho tôi hiểu tại sao Mẹ luôn luôn thay đổi đề tài mỗi khi chúng tôi hỏi Mẹ về chuyện Linh Hứng.”

Sức mạnh chữa lành của Thánh Thể

Năm 1996 sức khỏe của Mẹ Têrêxa trở thành tồi tệ hơn. Có nhiều lúc Mẹ phải nằm bệnh viện. Một trong các vị linh mục trong dòng nhớ lại các đau khổ của Mẹ và sức mạnh Mẹ nhận được từ Thánh Thể vào những lúc khó khăn đó:

“Trong cơn bệnh sau cùng (1996) Mẹ thường ở nhà thương. Mẹ phải nằm liệt trên giường như bị đóng đinh vào thập giá. Khi hồi tỉnh, Mẹ cố làm dấu Thánh giá ngay – dù cánh tay còn vướng víu nhiều kim chích từ các máy móc …Mẹ nói với tôi cách trở thành một linh mục thánh thiện: ‘Mỗi sáng, việc làm đầu tiên là hôn Thánh giá. Dâng cho Chúa tất cả những gì sẽ nói, làm hoặc suy tưởng trong ngày. Yêu Người bằng mối tình sâu đậm, riêng tư, tha thiết – và cha sẽ trở thành một linh mục thánh thiện.’

“Trong những năm sau này Mẹ được ơn là có Mình Thánh Chúa trong phòng bệnh viện, và Mẹ luôn mong muốn có được như vậy…[Vào tháng 8] tim Mẹ ngừng đập ngay trước mắt chúng tôi. Người ta đặt một chiếc ống vào phổi để giúp Mẹ thở được và làm giảm áp lực trên tim.

“Cuối cùng, trước khi các ống được rút ra, [bác sĩ] …nói: ‘Này cha, đi về đem cái hộp đó đến đây cho Mẹ ’. Thoáng trong một giây, tôi phân vân: ‘hộp nào – hộp đựng giày à?’ Ông nói: ‘Cái hộp đó, cái ngôi thờ họ mang tới đặt trong phòng và Mẹ lúc nào cũng nhìn vào. Nếu cha mang tới đặt trong phòng Mẹ sẽ thinh lặng.’ Tôi hiểu ra ông muốn nói cái nhà tạm có Mình Thánh Chúa. Ông bảo tôi: ‘Mỗi khi cái hộp đó ở đây, trong phòng này, Mẹ chỉ nhìn, nhìn và nhìn chăm chăm cái hộp đó.’ Người bác sĩ Ấn độ đã vô tình là nhân chứng về sức mạnh của Thánh Thể trên con người Mẹ.”

Sứ vụ của Mẹ trong cõi vĩnh hằng

Mẹ hồi phục sau cơn bệnh thập tử nhất sinh này. Đứng đầu tu hội cho tới tháng 3 năm 1997 (sáu tháng trước khi qua đời), Mẹ rất mực vui vẻ khi thấy nữ tu Nirmala Joshi được bầu làm người kế nhiệm. Đến tháng 5, bất chấp mọi lời khuyến cáo của y giới, Mẹ Têrêxa lên đường làm một cuộc hành trình cuối cùng về Rome, New York và Washington D.C. Khi trở lại Calcutta vào tháng 7 sau một hành trình bận rộn và kiệt lực, Mẹ lặng lẽ nói với một người bạn: “Công việc của tôi đã hoàn tất.” Mẹ rất đỗi vui mừng được “trở về nhà”, nhà mẹ của tu hội, về Calcutta yêu dấu, nơi Mẹ hằng mong mỏi sẽ là chỗ lìa đời. Một nữ tu đã nhận xét:

“Sau khi từ Rome trở về…Mẹ cực kỳ hạnh phúc, vui vẻ, lạc quan và nói nhiều. Khuôn mặt Mẹ lúc nào cũng rạng rỡ, đầy thích thú. Chúa hẳn tiết lộ cho Mẹ giờ cuối đời của Mẹ đã gần kề.”

Mấy ngày trước khi Mẹ Têrêxa qua đời, một nữ tu chứng kiến cảnh tượng làm xác tín rằng Mẹ đã trung thàng anh dũng với lời khấn hứa riêng tư sẽ không từ chối Chúa bất cứ điều gì: “Tôi thấy Mẹ một mình, hướng …về bức ảnh Chúa…Mẹ nói: ‘Giêsu, con chưa bao giờ từ chối điều gì.’ Tôi tưởng Mẹ đang nói chuyện với ai đó. Tôi lại đi vào. Một lần nữa tôi lại nghe cùng câu nói: ‘Giêsu, con chưa bao giờ từ chối Chúa điều gì.’”

Mẹ Têrêxa đã giữ lời hứa với Chúa. Mẹ đã thành công trong việc không từ chối Chúa Giêsu điều gì suốt 55 năm, đón nhận mỗi hoàn cảnh như là cơ hội mới để trung thành với tình yêu mà Mẹ đã thề hứa. Từ những ngày đầu của tu hội, Mẹ đã luôn luôn quan tâm dạy dỗ các môn sinh trẻ không từ chối Chúa điều gì và dâng hiến cuộc đời cho Chúa không giữ lại. Viễn ảnh của Mẹ về một tu hội Thừa Sai Bác ái đích thực quả là một đòi hỏi, như Mẹ viết trong lời giải thích hiến pháp nguyên thủy của dòng:

“Tình yêu chân thật là hàng phục. Càng yêu nhiều ta càng hàng phục nhiều. Nếu chúng ta thực tình yêu mến các linh hồn, chúng ta phải sẵn sàng nhận lấy chỗ đứng của họ, nhận lấy tội lỗi của họ trên mình chúng ta và nhận chịu cơn giận của Chúa. Chỉ có như vậy chúng ta mới biến mình thành phương tiện của họ và biến họ thành cứu cánh của mình…”

MotherTeresa-4.jpg

Đó là điều chính Mẹ đã trở thành từ bao nhiêu chục năm cho đến bây giờ – một vị Thừa Sai Bác ái đích thực, một người chuộc tội cho những kẻ khác…Và qua tất cả những khổ đau sứ mạng này đòi hỏi, Mẹ đã sống với một niềm hoan lạc sâu xa phát sinh từ lời đáp ứng tận tình tiếng gọi của Đức Giêsu. Trong lúc những ngày cuối đời được tiếp tục ghi dấu bằng những đau đớn thân xác và tâm hồn, những người chung quanh Mẹ có thể thấy được Mẹ đang tỉnh táo sửa soạn cho lúc gặp gỡ Chúa, và ý nghĩ được “về nhà Chúa” làm Mẹ tràn đầy niềm vui. Một chị nữ tu đã nhớ lại: “Vào những ngày cuối cùng, Mẹ nói…rất nhiều về thiên đàng và Mẹ tỏ ra quan tâm đến mỗi chị em trong tu hội…Mẹ rất yêu thương và trìu mến, Mẹ rất vui tươi và rạng rỡ.”

Và một linh mục thuộc tu hội Thừa Sai Bác ái hồi tưởng: “Khi gần đến cuối đời, nghe Mẹ nói ta có thể thấy được trong lời Mẹ niềm khao khát trông mong được ở với Đức Giêsu, ngóng chờ được ‘về nhà Chúa.’ Nếu có ai năn nỉ: “Mẹ ơi, xin đừng bỏ chúng con. Không có Mẹ chúng con sống sao được.’ Mẹ nói thật giản dị: ‘Đừng lo. Mẹ có thể làm nhiều hơn cho các con khi ở trên thiên đàng.’”

Từ bóng tối đi vào ánh sáng

Ngày 5 tháng 9 năm 1997, sau 6g tối, Mẹ Têrêxa cho biết bị đau lưng hết sức, rồi chẳng bao lâu tình trạng của Mẹ thêm nghiêm trọng vì không thở được. Các nữ tu tại nhà dòng mẹ được báo động. Người ta làm mọi cách để giúp Mẹ; một bác sĩ và một linh mục được mời đến. Thật bất ngờ, điện trong nhà bị hư và cả ngôi nhà chìm trong bóng tối. Đã tiên liệu trước để đề phòng tình trạng khẩn cấp, các nữ tu đã dự trù hai nguồn điện khác, nhưng cả hai đều cùng lúc tắt ngấm; trường hợp như vậy chưa bao giờ xảy ra trước đây. Trợ giúp y tế chuyên môn và mau mắn cũng không hiệu quả gì vì máy giúp thở không khởi động được. Lúc đó là 9:00 tối. Trong lúc Calcutta chìm trong bóng đêm, đã lịm tắt cuộc đời trần thế của một người đã mang rất nhiều ánh sáng đến cho đô thị này và cho toàn thế giới. Dù thế, sứ vụ của Mẹ vẫn còn tiếp tục: từ chốn thiên đường, Mẹ vẫn còn đáp lại tiếng gọi của Đức Giêsu : “Con Hãy Đến Trở Thành Ánh Sáng Của Cha.”

Phụng Nghi dịch

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.09.2007. 16:55