Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mẹ Têrêxa kiên trì vượt qua những mối nghi nan

§ Phụng Nghi

(VietCatholicNews 03/09/2007)

Bình luận của Elizabeth Lev, giáo sư trường đại học Duquesne tại Ý

Một ánh sáng chiếu trong “Đêm Đen Tăm Tối ” của thế kỷ 21

Một luật sư được vị nể tại Boston đã có lần đưa ra nhận xét về những cuốn sách tiểu sử các danh nhân mới xuất bản gần đây: “Những người đã chết gặp lúc khó khăn.” Trường hợp điển hình là hình bìa tạp chí Time tuần trước. Tiêu đề “Cuộc Đời Bí Ẩn Của Mẹ Têrêxa” chạy ngang suốt trang bìa kèm theo bức hình u tối nhất của người nữ tu thánh đức bạn chưa bao giờ nhìn thấy.

MotherTeresa-10yr2.jpg

Với nhan đề kiểu giật gân như thế, tạp chí Time không chỉ rơi xuống hàng báo chí lá cải mà còn tiết lộ sự dốt nát quá tồi tệ về ý nghĩa cuộc hành trình tâm linh của Chân phước Têrêxa Calcutta.

Đầu hàng trước cái mốt nhất thời là đi tìm những gì đê tiện dấu sau lớp sơn hào nhoáng – những tiêu đề như “Britney bị suy sụp” hay “Lindsay trong cơn khủng hoảng” chắc chắn sẽ nâng cao số bán - chính bài báo đã rơi vào trạng thái tâm lý cho rằng sự việc không bao giờ đẹp đẽ như dáng vẻ bên ngoài.

Trong thời đại chúng ta – với xu hướng che dấu những khuyết điểm của chính mình bằng cách chĩa mũi dùi vào những yếu kém của người khác – thì bài báo cho ta hình dung thấy tâm tình vui vẻ yêu thương người nghèo khó nơi Mẹ Têrêxa che đậy một khía cạnh đen tối hơn, gần như hung hiểm.

Mối quan tâm gần đây về người sáng lập tu hội Bác ái Truyền giáo bắt nguồn từ cuốn sách mới xuất bản “Mother Teresa: Come Be My Light” (Mẹ Têrêxa: Hãy Đến Làm Ánh Sáng Cho Ta). Trong cuốn này Lm. Brian Kolodiejchuk, cáo thỉnh viên phụ trách xin tuyên thánh cho người nữ tu thánh đức qua đời năm 1997, đã thu thập các thư từ và bài viết của Mẹ Têrêxa, trong đó có tiết lộ những thử thách về tinh thần của Người.

Lm. Kolodiejchuk, khi phổ biến các tài liệu này, tìm cách mở cho các độc giả cánh cửa nhìn vào đời sống đạo đức sâu kín của Mẹ Têrêxa và tạo hứng khởi cũng như hy vọng khi thuật lại những thách đố Mẹ phải gánh chịu để bước theo Đức Kitô.

Nhưng, một số người đã đem những mối nghi ngờ về đức tin được Mẹ thổ lộ với các vị linh hướng, bẻ cong thành ra lời kết án lòng thành tâm và sự thánh thiện của Mẹ. Tác giả bài báo trên tuần san Time là David Van Biema viết :”Lúc nào cũng vui vẻ trước công chúng nhưng con người Têrêxa trong các lá thư đã sống trong một tình trạng đau khổ về tinh thần sâu xa và lâu dài.”

Những câu viết như thế chẳng khác gì so sánh cuộc đời Mẹ Têrêxa với cuộc đời của một diễn viên hài hước, cho rằng nhân cách chuyên biệt của Mẹ và con người riêng tư Mẹ khác hẳn với nhau. Thế nhưng Mẹ Têrêxa không chỉ tươi cười trước ống kính máy quay phim mà còn biểu lộ một tình yêu thương hoan lạc trong mọi hành động, cử chỉ và cách diễn đạt.

Cũng nên nhắc là Mẹ Têrêxa Calcutta là Chân phước nghĩa là Mẹ được Giáo hội chính thức công nhận là đã vào cõi thiên đàng; và khi được phong thánh, khắp thế giới sẽ được phép tôn kính Mẹ như xây cất thánh đường để ghi nhớ, cầu xin Người trong các nghi thức phụng vụ…

Một tiêu chuẩn khác biệt

Các tiêu chuẩn của giới truyền thông không phải là tiêu chuẩn của các vị thánh. Trong lúc chính Mẹ sợ rơi vào kiểu đạo đức giả hình, thì sự thực, Mẹ cũng như nhiều vị thánh, có được cảm nhận sâu sắc để thấy rằng mình không theo được gương Đức Kitô.

Những người vô thần nổi tiếng nhảy vào lôi kéo Mẹ về phía chính nghĩa của họ. Christopher Hitchens người đã viết một cuốn tiểu sử Mẹ Têrêxa với nhiều ác ý, được trưng dẫn nhiều lần trong bài báo nói trên. Nắm lấy cơ hội để đến với hàng triêu độc giả, Hitchens hăm hở bỏ thầu để biến Mẹ Têrêxa thành đứa nhỏ trên bức tranh quảng cáo cho chủ nghĩa hư vô.

Tạp chí Time cũng tham khảo cả những nhà tâm lý học để phân tích con người Mẹ Têrêxa sau khi Mẹ đã lìa đời qua các lá thư của Mẹ. Điều lạ lùng là có quá nhiều người không tin vào linh hồn lại cảm thấy mình có thẩm quyền dò dẫm linh hồn của Mẹ.

Mặc dầu có nhiều người đã vội vã dập tắt những tia lửa đó, nhưng Mẹ Têrêxa rõ ràng không cần ai bảo vệ. Đang vui vẻ hạnh phúc trên thiên đàng cùng với những người hoài nghi khác, như thánh Tôma chẳng hạn, có lẽ Mẹ đang cầu khẩn với lòng khoan dung nhân từ cố hữu của mình xin Chúa Giêsu tha thứ cho Hitchens và những người kia “vì họ không biết việc họ làm.”

Trớ trêu thay, khía cạnh bất đồng trong các câu chuyện nói trên lại làm được việc mà nhiều thượng hội đồng trong Giáo hội đã không thực hiện được. Những người cấp tiến và bảo thủ đã hợp lực nhau cải chính hồ sơ về Mẹ và công nhận Mẹ Têrêxa là gương mẫu cho mọi người đã chịu cảnh cô đơn về tinh thần.

Những mối hoài nghi và nỗi đau khổ của Mẹ, không phải là nguyên cớ gây ra sự tủi thẹn ngượng ngùng cho những người yêu mến và cảm phục người phụ nữ vĩ đại này, mà trái lại sẽ làm cho chúng ta hãnh diện khi khám phá ra rằng Mẹ còn là người anh hùng lớn lao hơn chúng ta tưởng.

Đối với những ai thành thực quan tâm đến sự nghiệp của Mẹ Têrêxa, thì những khó khăn về tinh thần của Mẹ không phải là điều đáng ngạc nhiên vì đã được tiết lộ sau khi Mẹ được phong chân phước năm 2003. Thảo luận về vấn đề đó trong một bữa ăn tối tại Roma vào lúc ấy, người ta nói với vẻ kinh ngạc về sự kiên trì phi thường của Mẹ trước những việc có thể làm bao người khác ngã quỵ nếu không có ơn Chúa phù trì.

Các kinh nghiệm của Mẹ Têrêxa không phải là những điều gây tai tiếng nhưng là tấm gương phản chiếu thời kỳ cô độc của chính chúng ta. Trong khi người thời nay cố xua tan các cảm giác cô đơn bằng các lối phân tích, thuốc men, hoặc phong cách dân gian hiện đại (pop spirituality) thì Mẹ ấp ủ nỗi cô đơn và bám víu vào niềm tin nơi Chúa Giêsu, đức tin đó thường trống vắng cảm giác nhưng kiên cố và sâu thẳm. Trong thực tế, điều nhiều người không chú ý tới, là một số lớn các biểu hiện nỗi cô đơn của mình được Mẹ giãi bày với chính Đức Giêsu

”Cảm nghiệm được”

Trong cuốn sách “First Things” (Những Sự Việc Đầu Tiên) Carole Zaleski viết rằng Mẹ Têrêxa biến đổi “cảm xúc mình bị Chúa bỏ rơi thành một hành động bỏ mình phó thác cho Chúa.”

Dưới nhiều hình thức, cảm nghiệm chính mình bị Chúa bỏ ra ngoài lề giúp Mẹ Têrêxa nhận ra nỗi cô đơn nơi những người khác. Mẹ tuyên bố rằng “trên thế giới có nhiều người đói khát tình thương yêu và lời khích lệ hơn là đói khát cơm bánh.” Mẹ nhận ra rằng sự chối từ và bỏ bê không phải chỉ trong phạm vi người phong cùi nhưng hiện diện ngay cả nơi nội tâm cuộc sống của những kẻ được coi là thành công và được ưu đãi.

Biết bao lần chúng ta đi lễ, mà không “cảm nghiệm được thánh lễ” nói theo kiểu mấy người thời nay. Môi ta mấp máy, cử chỉ ta máy móc, nhưng chúng ta xa vời sự hiện hữu của Chúa và tình Người yêu thương chúng ta. Trong cảnh trống vắng đó, cơn cám dỗ ngóc đầu lên, xúi giục ta thay vì làm điều “giả hình” đó thì bỏ thánh lễ để đi ra ngoài chơi golf.

Mẹ Têrêxa sống niềm hoài nghi của mình, không phải chỉ trong một giờ ngày Chủ nhật, nhưng là mọi ngày đang khi Mẹ chăm sóc người nghèo đói và người hấp hối trong khu vực thường xuyên và hoàn toàn dơ bẩn. Tấm gương của Mẹ vượt qua người theo đạo Chúa đến với những người không phải là Kitô hữu.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi còn là Lm. Joseph Ratzinger, trong cuốn “Introdution to Christinanity” (Nhập môn Kitô giáo) xuất bản năm 1963, đưa ra một nhận định đặc sắc là “cả người tin và người không tin cùng chia sẻ - theo cách thức của mình - nỗi hoài nghi và niềm tin tưởng.” Điều đó dẫn đưa người ấy tới nhận thức rằng hoài nghi có thể là một “con đường thông cảm” giữa hai bên.

Theo dòng thời gian, các thánh nhân chỉ cho chúng ta thấy rằng khi họ đau khổ, giải pháp là hướng ra phía ngoài, đừng nhìn thêm vào nội tâm nữa. Thánh Alfonso Liguori và thánh Gioan Thánh giá cả hai đã thắng thế được những khó khăn của chính mình bằng cách đặt hết chú tâm vào ơn gọi. Đúng như một chị nữ tu đã quan sát thấy một cách chính xác rằng khi Mẹ Têrêxa không thể tìm thấy Đức Giêsu trong đời sống cầu nguyện của mình thì Mẹ lại tìm được Người trên khuôn mặt những người bạn hữu đồng loại.

Mẹ Têrêxa cuối cùng đã đi đến chỗ tìm cho các thử thách của mình một ý nghĩa. Mẹ thấy các thử thách đó như là một đặc ân, là quà tặng được chia sẻ vào sự cô đơn của Đức Kitô trên thập giá.

Trong cuốn phim “The Passion” (Cuộc Thương Khó) Mel Gibson đã vẽ nên được hình ảnh quay quắt trong cơn hấp hối của Đức Kitô trong vườn Giệtsimani. Giữa bóng tối áp đảo, cảnh tượng Đức Giêsu, bị các môn đệ bỏ rơi, chiến đấu để tiếp tục sứ mạng của mình làm cho khán giả cảm thấy sự cô đơn đi kèm theo với sự hy sinh của Người.

Các vì thánh, như Chân phước Têrêxa, những người đã đối mặt với nỗi cô đơn trong đời tự hiến, đã cảm nhận được một sự chia sẻ độc nhất vào huyền nhiệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Cũng như thứ vàng ròng tinh tuyền nhất, họ đã được rèn luyện thử thách trong những ngọn lửa nóng bỏng hơn.

Đặc biệt là trong thời đại chúng ta, thời coi trọng cảm xúc hơn là sự thật, coi trọng cảm giác hơn là nhận thức, Mẹ Têrêxa dạy thế giới phải kiên trì qua những nghi nan, đớn đau và cô độc. Trong bóng đêm tinh thần đen tối của thế kỷ 21, tấm gương Mẹ Têrêxa Calcutta là ngọn hải đăng soi sáng cho tất cả mọi người.

Phụng Nghi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 05.09.2007. 14:17