Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mẹ Têrêxa, “Đêm tối” được tiếp nhận như quà tặng

§ Phạm Hoàng Nghị

(VietCatholicNews 21/09/2007)

Lời giới thiệu của Sandro Magister – Bình luận của Raniero Cantalamessa -

Roma - Thời gian trước đây, khi nói truyện với 300 ngàn người trẻ tụ họp tại Loreto, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc lại rằng ngay cả một phụ nữ thánh đức như Mẹ Têrêxa “với tất cả lòng bác ái và đức tin mạnh mẽ” mà cũng “chịu khổ đau vì sự im lặng của Chúa.”

MotherTeresa2.jpg

Và ngài nói thêm: “Một cuốn sách đã được phát hành chất chứa những kinh nghiệm đạo đức của Mẹ Têrêxa, trong đó những điều chúng ta đã biết trước đây được trình bày công khai hơn nữa.”

Cuốn sách mà Đức Thánh Cha đề cập nhan đề “Mother Teresa: Come Be My Light." Ấn bản Anh ngữ của cuốn sách đã bày bán từ ngày 4 tháng 9, được biên tập và có lời giới thiệu của Lm. Brian Kolodiejchuk thuộc Tu hội Thừa sai Bác ái, là cáo thỉnh viên xin tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa.

Cuốn sách trình bày những lá thư mà người nữ tu này, qua đời cách đây 10 năm và đã được phong chân phước, viết cho các vị linh hướng trong nhiều thời kỳ khác nhau. Các thư đó xác nhận Mẹ đã cảm nghiệm “đêm tối của đức tin” suốt một thời gian lâu dài trong cuộc đời.

Tin cuốn sách sắp xuất bản vừa được loan ra, và ngay cả khi chưa được phát hành, đã gây nên nhiều tranh luận, chẳng khác chọc vào tổ ong, tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới, dường như cuốn sách chứa đựng những tiết lộ chưa từng thấy sẽ gây kinh ngạc đến độ có thể hủy hoại thanh danh của Mẹ Têrêxa.

Nhưng tất cả nội dung cuốn sách đã được biết đến từ lâu, như Đức Thánh Cha chỉ rõ. Các lá thư nay được xuất bản, cùng với các bài viết tương tự khác, đã nằm trong 8 tập hồ sơ xin phong chân phước cho Mẹ Têrêxa rồi. Và khi Mẹ được phong chân phước ngày 19 tháng 10 năm 2003, Tòa thánh Vatican phổ biến tiểu sử chính thức của Mẹ với những lời nguyên văn như sau:

“Khía cạnh anh hùng của người phụ nữ vĩ đại này chỉ được tiết lộ sau khi người đã qua đời. Ẩn giấu khỏi cái nhìn của mọi con mắt, ẩn giấu ngay cả với những người thân cận nhất, là cuộc sống nội tâm ghi dấu bằng kinh nghiệm về một cảm giác sâu xa, đau đớn và lâu dài bị tách lìa khỏi Chúa, ngay cả bị Người ruồng bỏ, cùng với sự khao khát khôn nguôi tình yêu của Người. Mẹ gọi cảm nghiệm nội tâm đó là ‘bóng tối’. Đêm đau khổ của linh hồn Mẹ – bắt đầu khoảng thời gian Mẹ khởi sự công việc phục vụ người nghèo và tiếp tục cho đến hết đời - đã dẫn đưa Mẹ Têrêxa đến một sự kết hợp sâu xa hơn với Chúa. Qua bóng tối, Mẹ tham dự một cách mầu nhiệm vào cơn khát của Chúa Giêsu, vào sự khát khao tình yêu đến độ đau đớn và cháy bỏng của Người, và Mẹ chia sẻ trong sự đau khổ nội tâm của người nghèo.”

Mẹ Têrêxa thuật lại bóng tối nội tâm lâu đến hàng nửa thế kỷ này - giữa khi cả thế giới thán phục niềm vui Kitô rạng rỡ nơi Mẹ – không với ai khác mà chỉ riêng cho các vị linh hướng, yêu cầu họ hủy bỏ các thư từ đó sau khi đã xem. Nhưng các vị đó đã không làm như thế.

Sự tăm tối về đức tin giống như vậy đã ghi dấu nơi cuộc đời nhiều vị thánh, cả những vị đại thánh. Nhưng luôn luôn có vẻ gì độc đáo nơi mỗi vị. Và nơi Mẹ Têrêxa cũng thế.

Trong bài bình luận dưới đây, một tác giả xuất sắc cố gắng trình bày vẻ độc đáo nơi Mẹ Têrêxa, nói cho đúng là sự độc đáo trong tương quan với những mối nghi ngờ về đức tin của Mẹ. Đó là Lm. Raniero Cantalamessa thuộc dòng Thánh Phanxicô, một sử gia chuyên về thời sơ khai của Giáo hội và là người giảng phòng chính thức của giáo triều Roma.

Bình luận của cha được in trên tờ báo "Avvenire" của Hội đồng Giám mục nước Ý, số ra ngày chủ nhật 26 tháng 8, giữa khung cảnh ồn ào của nhiều thảo luận tiếp theo sau lời loan báo cuốn sách về Mẹ Têrêxa sắp được xuất bản.

Trong bài này, cha chủ trương một giả thiết táo bạo: trong Mẹ Têrêxa ngài nhận diện ra người bạn đồng hành lý tưởng của nhiều người “vô thần có thiện ý” (atheists in good faith) trong thế giới ngày nay. Cha gọi họ là những người yêu dấu nhất của Đức Giêsu, Đấng trên thánh giá đã cảm nghiệm sự bỏ rơi của Thiên Chúa hơn bất cứ ai khác.

Chủ Nghĩa “Vô Thần” Của Mẹ Têrêxa

Bình luận của Lm Raniero Cantalamesa

MotherTeresa26.jpg

Điều gì đã xảy ra sau khi Mẹ Têrêxa nói tiếng “xin vâng” với cảm hứng thần thiêng đã gọi mình từ bỏ hết mọi sự để phục vụ người nghèo nhất trong những người nghèo?

Thế giới đã biết nhiều về những sự việc đã xảy ra chung quanh Mẹ – những người đầu tiên đến theo Mẹ, giáo quyền chấp nhận, sự phát triển đến chóng mặt các hoạt động bác ái – nhưng cho mãi tới khi Mẹ chết, không ai biết được những gì xảy ra trong nội tâm người.

Điều đó được tiết lộ nơi nhật ký và những thư từ Mẹ viết cho các vị linh hướng, nay được cáo thỉnh viên vụ án xin phong thánh cho Mẹ đem ra xuất bản. Tôi không tin rằng những vị lưu giữ các lá thư này, trước khi quyết định cho phép in ra, đã phải khắc phục nỗi nghi ngại rằng những thư đó có thể gây xôn xao nơi người đọc hoặc ngay cả gây ra tai tiếng. Chẳng những không làm giảm thiểu tầm vóc Mẹ Têrêxa, những thư này lại nâng cao thêm nữa, đặt Mẹ cạnh những nhà thần nghiệm (mystics) vĩ đại nhất của Kitô giáo.

Lm Joseph Neuner thuộc dòng Tên là người thân cận với Mẹ đã viết: “Khi khởi đầu cuộc sống mới phục vụ người nghèo, một bóng tối áp đảo đã đến xâm chiếm Mẹ.”

Những dòng mô tả vắn tắt này cũng đủ cho ta một ý niệm về sức nặng của bóng tối Mẹ thấy trong nội tâm: “Trong linh hồn con có quá nhiều mâu thuẫn, một nỗi khát khao Chúa sâu xa, sâu đến nỗi làm con đau đớn, một sự đau khổ triền miên – và cùng với nỗi khổ đau đó lại còn cảm thấy bị Chúa không nhìn đến, bị cự tuyệt, trống vắng, không đức tin, không tình yêu, không nhiệt tình …Thiên đường thật vô nghĩa đối với con; dường như đó chỉ là nơi trống vắng.”

Thật chẳng khó gì mà không nhận ra ngay rằng cảm nghiệm của Mẹ Têrêxa là một trường hợp cổ điển thường được các nhà học giả về thần nghiệm (mysticism) sau thánh Gioan Thánh giá gọi là đêm tối của linh hồn.

Johannes Tauler đưa ra một mô tả làm ta ngạc nhiên về tình trạng này: “Thế rồi chúng tôi bị bỏ trong cảnh không còn biết gì về Chúa nữa, và rơi xuống chỗ khổ não đến không biết mình còn đi đúng đường hay không, hay biết Chúa có hiện hữu không, hoặc chúng tôi còn sống hay là đã chết. Và rồi, một nỗi thống khổ dày vò chúng tôi quá đỗi lạ lùng dường như mọi sự trên khắp thế gian này hợp lại để mà làm khổ chúng tôi. Chúng tôi không còn cảm nghiệm hoặc nhận thức nào về Chúa nữa, nhưng lại thấy mọi sự có vẻ ghê tởm, và dường như chúng tôi bị kẹt giữa hai bức vách tường.”

Mọi sự chứng tỏ rằng sự tăm tối này còn mãi nơi Mẹ Têrêxa cho đến khi người qua đời, chỉ ngừng lại một thời gian ngắn năm 1958, lúc Mẹ viết một cách đắc thắng: “Hôm nay linh hồn tôi đầy tràn tình yêu, đầy tràn nỗi vui khôn tả và một sự kết hiệp không gián đoạn với tình yêu.”

Nếu có một thời điểm nào Mẹ không đề cập đến bóng đêm này nữa, thì không phải là nó đã chấm dứt, mà vì Mẹ đã học biết cách sống trong nó. Không những Mẹ đã chấp nhận nó mà còn nhận ra đặc ân nó mang đến cho mình: “Tôi đã bắt đầu yêu thích bóng tối nơi tôi, bởi vì nay tôi tin rằng nó là một phần, một phần rất nhỏ bé, của bóng tối và nỗi khổ đau mà Đức Giêsu chịu khi còn ở trần gian.”

Sự im lặng của Mẹ Têrêxa.

Đóa hoa thơm tho nhất của đêm tối trong đời Mẹ Têrêxa là sự im lặng về đêm tối đó. Mẹ sợ rằng khi nói về nó, Mẹ sẽ lôi kéo người ta chú ý về chính con người mình. Ngay cả những kẻ thân cận Mẹ nhất cũng không chút ngờ vực – mãi cho đến cuối cùng – về sự dằn vặt trong nội tâm Mẹ.

Theo Mẹ yêu cầu, vị linh hướng sẽ hủy bỏ tất cả các thư từ Mẹ viết, và nếu một số thư này còn sót lại được là vì Mẹ đã cho phép làm bản sao cho Đức Tổng giám mục Trevor Lawrence Picachy – sau này được phong hồng y – và các bản sao này được tìm thấy trong số giấy tờ ngài để lại sau khi qua đời. May mắn cho chúng ta là vị Tổng giám mục đã từ chối không theo yêu cầu hủy bỏ các bản sao đó, những bản được Mẹ Têrêxa làm cho riêng cá nhân ngài.

Điều nguy hiểm ngấm ngầm nhất cho linh hồn bị bóng đen đêm tối bao phủ là nhận ra mình quả thực ở trong bóng đêm, ở nơi mà các vị đại thần nghiệm trước đã cảm nghiệm, và như vậy lọt vào nhóm các linh hồn được đặc sủng.

Với ơn Chúa, Mẹ Têrêxa tránh được sự nguy hiểm này, giấu đi nỗi dằn vặt không cho ai thấy dưới một nụ cười bất tận. “Lúc nào cũng tươi cười, đó là điều các nữ tu và người ta nói về tôi. Họ nghĩ trong nội tâm tôi là người tràn đầy đức tin, lòng trông cậy và đức kính mến…Nếu mà họ biết được sự thực rằng sự vui vẻ của tôi chẳng là gì cả mà chỉ là chiếc áo tôi phủ lên che đậy nỗi trống vắng và sự khốn khổ của tôi!”

Có một câu nói của các vị thánh ẩn tu: ”Các nỗi đau khổ dù lớn biết bao nhiêu, sự chiến thắng chúng nằm ở chỗ im lặng.” Mẹ Têrêxa đưa điều đó ra thực hành bằng một đường lối dũng cảm.

Không chỉ là thanh tẩy

Nhưng tại sao hiện tượng đêm tối tâm linh lạ lùng này lại lâu dài suốt cuộc đời Mẹ? Ở đây có một cái gì mới so với cảm nghiệm và cuộc đời của các vị đại thánh trong quá khứ, kể cả thánh Gioan Thánh giá. Đêm tăm tối không thể chỉ được giải thích bằng ý tưởng truyền thống về thanh tẩy thụ động, được gọi là “đường lối thanh luyện”, chuẩn bị cho đường lối chiếu sáng và kết hiệp. Mẹ Têrêxa tin rằng trong trường hợp của mình, cái bản ngã (ego) của Mẹ khó thể khắc phục vì Chúa buộc lòng phải giữ Mẹ một thời gian lâu dài trong trạng thái này.

Nhưng chắc chắn đây không phải là trường hợp của Mẹ. Bóng đêm vô tận của một vài vị thánh thời đại tân tiến hiện đại là phương tiện bảo vệ mà Chúa phát minh ra cho các vị thánh ngày nay đang sống và làm việc dưới sự chú ý không ngưng nghỉ của các phương tiện truyền thông. Nó là bộ áo che chắn cho những người phải bước đi giữa những ngọn lửa; nó là lớp bọc ngăn cách để ngăn không cho dòng điện tăng vọt gây nên những sự ngắt mạch (short circuit).

Thánh Phaolô đã nói: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái gai đâm vào” (2 Cor 12:7). Cái gai đâm vào thịt đó là sự lặng thinh của Chúa, đã tỏ ra cực kỳ hiệu quả đối với Mẹ Têrêxa: nó che chắn Mẹ khỏi bất cứ hình thức tự hào nào giữa những ồn ào náo động mà thế giới tạo ra về Mẹ, ngay cả lúc nhận giải Nobel hoà bình. Mẹ nói: “Nỗi đau khổ nội tâm mà tôi cảm thấy thật to lớn đến nỗi tất cả sự chú ý của công chúng và tất cả lời nói của người ta không có hiệu quả gì nơi tôi hết.”

Thật xa sự thực biết bao nhiêu khi Christopher Hitchens trong lời bình luận đả kích của ông ở cuốn "God Is Not Great: How Religion Poisons Everything", cho rằng Mẹ Têrêxa là sản phẩm của thời đại truyền thông!

Và còn có một lý do sâu xa hơn để giải thích những đêm kéo dài suốt một đời đó: noi gương Đức Giêsu, tham dự vào đêm tối tăm của linh hồn đã vây phủ Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu, đã bao trùm lúc Người chết trên đồi Calvê, miệng kêu “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ con?”

Mẹ Têrêxa tiến đến chỗ thấy sự thử thách phải chịu càng ngày càng rõ rệt hơn thành lời đáp ứng cho lòng mong muốn được thở dốc, cùng với Đức Giêsu trên thập giá: “Ta khát.” “Nếu nỗi đau đớn và khổ cực của con, bóng tối và sự chia ly của con làm cho Chúa được chút an ủi nào nhỏ nhoi, thì Giêsu của con ơi, xin làm nơi con điều Chúa muốn…Hãy in dấu nỗi khổ đau của trái tim Chúa lên linh hồn và cuộc đời con …Con muốn làm dịu cơn khát của Chúa bằng mỗi mỗi giọt máu cuối cùng Chúa có thể tìm được trong con. Đừng quan tâm đến việc sớm trở lại: Con sẵn sàng chờ đợi Chúa cho đến đời đời.”

Nếu nghĩ rằng cuộc sống của những con người như thế không là gì cả mà chỉ có đau khổ u sầu, thì lầm lớn. Trong chiều sâu của tâm hồn, họ được hưởng bình an và hoan lạc ngoài họ ra nhân loại không ai biết đến, xuất phát từ niềm xác tín – mạnh mẽ hơn nỗi hoài nghi trong con người họ – rằng họ đang sống theo thánh ý Chúa.

Thánh Catherine xứ Genoa so sánh sự đau khổ của những linh hồn trong trạng thái này với các đau khổ nơi chốn Luyện tội, và nói rằng nó “rất đỗi lớn lao đến nỗi chỉ có thể so sánh với đau khổ trong Hỏa ngục” nhưng trong đó có một sự “vui thỏa kỳ diệu” đến độ chỉ có thể so sánh với sự mãn nguyện của các thánh trên Thiên đàng.

Niềm vui và sự thanh thản rạng rỡ từ khuôn mặt Mẹ Têrêxa không phải là một mặt nạ, nhưng đúng hơn là phản ảnh sự kết hiệp sâu xa với Chúa Mẹ cảm nghiệm được trong tâm hồn. Mẹ mới là người tự “lừa gạt” mình về tình trạng tâm linh, không phải ai khác.

Ở bên cạnh người vô thần

Thế giới ngày nay đã sản sinh ra một loại người mới: người vô thần ngay tình, những người cảm nghiệm sự thinh lặng của Chúa là một gánh nặng đớn đau, những người không tin vào Chúa nhưng không khoe khoang điều đó, mà thay vào lại cảm nghiệm sự khắc khoải về cuộc sống và thiếu thốn tuyệt đối về ý nghĩa của mọi sự; cả họ nữa, họ cũng – theo đường lối riêng của mình – sống trong cảnh đêm đen của linh hồn. Trong cuốn tiểu thuyết “The Plague” (Dịch hạch), Albert Camus gọi họ là “những vị thánh không có Chúa Trời.” Trên hết cả, các vị thánh thần nghiệm (mystics) có mặt để giúp họ; là bạn đồng hành với họ trên đường đi cũng như tại bàn ăn. Cũng như Đức Giêsu, các vị đó “đã ngồi cùng bàn với người tội lỗi và cùng ăn uống với họ” (xem Luca 15:2)

Điều này giải thích niềm đam mê của một số người vô thần, một khi đã tòng giáo, lại lao mình vào việc đọc các bài viết của các vị thần nghiệm: Claudel, Bernanos, Jacques và Raïssa Maritain, Leon Bloy, nhà văn Joris-Karl Huysmans, và nhiều người khác đã lao vào đọc các bài viết của Angela da Foligno; T.S. Eliot tìm đọc Julian of Norwich. Ở đây họ đã tìm thấy cùng một cảnh trí họ đã bỏ lại đàng sau, nhưng lần này được mặt trời soi sáng. Ít người biết được rằng tác giả của vở kịch “Waiting for Godot" (Trong khi chờ đợi Godot) là Samuel Beckett, thường đọc sách của Thánh Gioan Thánh giá khi rảnh rỗi.

Từ ngữ “atheist (vô thần)” có thể có nghĩa tích cực hay tiêu cực. Nó có thể chỉ người khước từ Chúa, nhưng cũng có thể chỉ người bị Chúa khước từ - hoặc ít nhất cảm thấy chính mình bị (như thế). Trường hợp thứ nhất là người theo chủ nghĩa vô thần đáng bị khiển trách (khi không có thiện ý), trong lúc trường hợp thứ hai là chủ nghĩa vô thần vì đau khổ hay vì đền bù. Trong ý nghĩa sau này, chúng ta có thể nói rằng các nhà thần nghiệm, trong đêm tối của linh hồn, là những người a-theists – không có Chúa – và Đức Giêsu trên thánh giá cũng là một a-theist – một người không có Chúa.

Mẹ Têrêxa viết những từ ngữ mà không ai ngờ là Mẹ có thể viết ra: “Họ bảo rằng sự đau khổ đời đời mà linh hồn phải chịu trong hỏa ngục là sự mất Chúa…Trong linh hồn tôi, tôi cảm thấy chính xác nỗi đau đớn khủng khiếp của cảnh trầm luân này, của một Thiên Chúa không muốn tôi nữa, của một Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa, của một Thiên Chúa thực sự không hiện hữu. Lạy Chúa Giêsu, con xin Chúa tha thứ sự lộng ngôn của con.”

Nhưng người ta nhận ra rằng chủ nghĩa a-theism (không có Thiên Chúa) của Mẹ có một đặc tính khác, đánh dấu bằng sự đồng cảm và cứu chuộc: “Trong thế giới rất xa cách Chúa này, thế giới đã quay lưng lại với ánh sáng của Đức Giêsu, tôi muốn giúp đỡ con người bằng cách nhận lấy phần nào những khổ đau của họ.”

Dấu chỉ rõ rệt nhất cho biết chủ nghĩa vô thần này có tính chất khác biệt hoàn toàn, đó là sự đau khổ không thể diễn tả khơi động nơi các nhà thần nghiệm. Những người vô thần thông thường không trải qua loại đau đớn cực độ này gây nên bởi chủ nghĩa vô thần mà họ tin theo.

Các nhà thần nghiệm đã bước một bước vào thế giới nơi con người sống không có Chúa; họ đã cảm nghiệm như đang lao xuống, quay cuồng đến chóng mặt. Mẹ Têrêxa một lần nữa viết cho cha linh hướng: “Con xuýt nói tiếng “Không” … Một trong những ngày này con cảm thấy như có sự gì trong con sẽ phải gẫy đổ.” “Xin cầu nguyện cho con để con không chối bỏ Chúa trong giờ phút này. Con không muốn thế, nhưng con sợ là con có thể làm chuyện đó.”

Vì lí do này mà các vị thần nghiệm là những người truyền bá Tin mừng lý tưởng trong thế giới hậu hiện đại, nơi con người sống “etsi Deus non daretur," dường như Thiên Chúa không hiện hữu. Các vị đó nhắc nhở những người vô thần thiện tâm rằng họ không “xa nước Trời” bao nhiêu, và chỉ cần một bước nhảy họ có thể sang được phía của người thần nghiệm, vượt qua được từ chỗ không có gì hết đến chỗ có mọi sự (from nothing to everything).

Karl Rahner rất đúng khi nói: “Trong tương lai, Thiên Chúa giáo sẽ là tôn giáo thần bí, hoặc sẽ không còn tồn tại.” Cha Piô và Mẹ Têrêxa là đáp ứng cho dấu chỉ của thời đại này. Chúng ta không được hạ thấp giá trị các vị thánh nhân, giảm thiểu các ngài thành những nguồn chuyển cầu ơn phúc, hoặc chỉ là những tấm gương tốt lành để noi theo.

Phạm Hoàng Nghị

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.09.2007. 18:25