Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lòng Tôn Kính Đức Maria

§ Khánh Hà

Trích Maranatha #78

Một trong những trở ngại trong đối thoại giữa người Công Giáo và Tin Lành là vấn đề liên quan đến việc tôn kính đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu. Những trở ngại này thường khó khăn, vì đa số người Công Giáo thường không tiếp xúc hoặc học hỏi Kinh Thánh, khi gặp những chuyên gia hoặc mục sư Tin Lành trích dẫn Lời Chúa thì chỉ biết nghe mà ít khi trả lời được ngọn ngành. Một khó khăn khác nữa là tín hữu Công Giáo thường rất tôn sùng Đức Mẹ, nhưng lại không hiểu rõ những chỉ thị, giáo huấn của Giáo Hội về việc này sao cho đúng đắn. Thậm chí có nhiều người còn có những suy nghĩ như Đức Mẹ còn quyền năng hơn, còn nhân từ hơn, còn hiểu con người hơn Chúa Giêsu hay Thiên Chúa. Rồi nếu chỉ dùng tư duy thông thường, thì người ta lại thấy niềm tin, lòng tôn sùng của mình thường dành cho Đức Mẹ sẽ không có cơ sở. Những người suy nghĩ kiểu này thường lý luận đơn giản: nếu Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô là đấng trung gian duy nhất, và ta có thể chạy đến với người bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, thì vì cớ gì mà ta lại phải chạy qua một trung gian con người khác là Đức Maria, dù cho đó là mẹ của Chúa Giêsu? Suy nghĩ như thế, nên một số người, thậm chí cả một số tu sĩ hay linh mục đều cho rằng những việc tôn kính Đức Mẹ đều không cần thiết hay chỉ là những hình thức, những việc đạo đức dành cho phụ nữ, hoặc không cần thiết để thể hiện một đức tin trưởng thành!!!

Những suy nghĩ trên đều cực đoan, nhưng người Công giáo chúng ta vẫn giữ những hình thức đạo đức như thế, và được gọi là ‘lòng đạo đức bình dân’, tuy vẫn không thấy sự hợp lý hay cần thiết để giữ. Rồi thì vì giáo lý Công giáo vẫn dạy, một số đấng bậc đạo đức vẫn giữ, nên thế thì cứ theo thói quen mà hành xử, nghĩa là chúng ta tiếp tục đọc kinh, lần chuỗi, xin ơn khi chạy đến với Đức Mẹ, mặc dù cũng hình như không thấy ‘thoải mái’ trong việc giữ những điều như thế khi bị thách thức, đặt vấn đề vì những câu hỏi xem ra ‘khó nghe’ của anh chị em tôn giáo bạn. Đó là lý do của những mặc cảm tự ti, tự tôn và tinh thần đạo “tơ lơ mơ” không làm chứng được của không ít người Công Giáo chúng ta.

Tháng Năm lại về, truyển thống của Năm Phụng Vụ dành kính Đức Mẹ trong Tháng Hoa, các nhà thờ thường có nghi lễ dâng hoa cho Đức Mẹ, chúng ta được nhắc nhở lần chuỗi nhiều hơn, làm việc lành phúc đức để thành những bó hoa thiêng dâng lên Mẹ, và cả tháng Hoa này tín hữu được nhắc nhở dành nhiều nghi thức để bày tỏ lòng tôn kính Mẹ Maria, vừa là Mẹ Thiên Chúa, vừa là Mẹ chúng ta, Mẹ Giáo hội. Thiết nghĩ một vài học hỏi, suy tư về Mẹ Maria và lòng sùng kính Mẹ cho phải đạo là một điều nên làm.

Trong đời sống thường nhật, con cái thường dễ gần gũi, tâm sự, giãi bày với mẹ của mình hơn trong các vấn đề của gia đình và cuộc sống, trong đời sống đức tin cũng thế, các tín hữu thấy mình dễ cầu nguyện và chạy đến với Mẹ Maria để than thở, cầu xin, nhất là trong những giờ phút khó khăn nhất, và tín hữu Việt Nam có một lòng đạo đức sốt sắng khi nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ rất thân thương của mình. Chúng ta cần nhắc lại với nhau vì sao Đức Mẹ Maria lại là Mẹ của các tín hữu. Công đồng Vaticanô II gọi Đức Maria “mẹ của nhân loại” (LG 54); lý do là vì Đức Kitô, con Mẹ, là Ađam (tổ tiên) mới, và vì “Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, ngài thật là mẹ chúng ta” (LG 61). Bây giờ, Mẹ ở trên trời không ngừng chăm sóc cho con cái ở dưới đất, cũng “vì thế trong Giáo hội, Đức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Vị bảo trợ, Đấng Phù hộ và Đấng Trung gian” (LG 62), dĩ nhiên là bao giờ cũng phải hiểu theo một phụ tùy so với Đức Kitô. Trong hai thế kỷ 19 và 20, Giáo hội đã minh định hai tín điều về Đức Maria: tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội và tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. “Trinh nữ Maria được công nhận và tôn kính là Mẹ đích thực của Thiên Chúa và của Đấng Cứu chuộc... Mẹ cũng thật sự là ‘Mẹ các chi thể Chúa Kitô’... vì Mẹ đã cộng tác bằng đức ái của mình vào việc sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Đức Kitô là Đầu. Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, là Mẹ của Hội Thánh” (x. Sách Giáo Lý, số 963).

Cần nhắc lại là Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu không loại trừ ai, có được lòng tôn kính Đức Mẹ trong riêng tư cũng như chung với cộng đoàn bằng cách dùng những phương thế đạo đức đã được chuẩn nhận và khuyến khích. Những phương thế đó, dù bên ngoài các nghi lễ phụng vụ, vẫn là những cách thức diễn tả lòng tôn sùng của dân Thiên Chúa đối với Mẹ của Người. Tiêu chuẩn căn bản cho những hình thức này là bắt nguồn từ Đức Kitô, thể hiện đầy đủ trong Đức Kitô, và qua Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần để dẫn đến Thiên Chúa là Cha. Vì thế, những hình thức và mức độ tôn kính Mẹ Maria cần phải dẫn đến việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi; được hướng dẫn bởi thần khí, vì Chúa Thánh Thần là nguồn của mọi hình thức đạo đức; phải có tính hiệp thông trong Giáo hội, vì các tín hữu là dân Thiên Chúa, cùng hiệp thông với cộng đồng các thánh. Tiêu chuẩn khác nữa của việc tôn sùng này là phải dựa vào Kinh Thánh, Thánh truyền; lưu ý đến những đòi hỏi của việc đại kết, các yếu tố văn hóa dân tộc và làm nổi bật trách nhiệm truyền giáo, bổn phận làm chứng của người môn đệ Chúa Kitô.

Những nguyên tắc lý thuyết trên xem ra cũng khá trừu tượng, nhất là đã nói đến lòng tôn sùng đạo đức bình dân, thì mấy ai mà thấm được những nguyên tắc thần học cao siêu. Vì thế, xin được mạo muội liệt kê một số điều cụ thể mang tính thực tiễn để người tín hữu có thể dựa vào đó mà thực hành trong bình an tin tưởng.

Ngoài những ngày thứ bảy trong tuần, đặc biệt các ngày thứ bảy đầu tháng dành tôn kính Mẹ Maria, chúng ta có những tháng dành cho Mẹ đặc biệt, như tháng Năm (tháng Hoa), tháng Mười (tháng Mân Côi). Tháng Năm thường trùng vào những ngày mừng Mầu nhiệm Phục Sinh, nên các hình thức trong tháng này có thể nhấn mạnh vào việc Mẹ Maria đã tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của con Mẹ (Ga 19, 25-27). Trong tháng Năm cũng có lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày Giáo hội thành hình (Cv 1, 14): như thế, chúng ta mừng lễ Mẹ trong tinh thần có Mẹ Maria đồng hành với Giáo hội. Việc kết vòng hoa dâng lên Mẹ Maria trong tháng này đã bắt nguồn từ lâu đời, trước khi Kitô giáo hình thành. Tại nước Anh thưở xưa, ngày đầu tháng Năm là ngày người ta hái hoa và đem tặng láng giềng; phụ nữ thì ra đường từ sáng sớm để được sương mai đượm mặt, sương này chỉ xuất hiện vào ngày trong năm, nên việc tắm sương này sẽ giữ cho làn da của người phụ nữ tươi tắn đẹp đẽ trong suốt 12 tháng trời. Sau này, Giáo hội vào cuối thời Trung cổ đã biến ngày này để tôn kính Mẹ Maria, bằng việc làm vòng hoa triều thiên dâng lên Mẹ Maria. Tháng Năm cũng là mừng mùa Xuân bắt đầu sự sống mới của thiên nhiên, mừng kính Mẹ Maria là mừng kính mùa Xuân mới của Giáo hội, mừng kính người Mẹ thiêng liêng thần linh, và sự sống mới của người Mẹ này chính là Đức Kitô, đấng cứu độ nhân thế. Đức Hồng y John Newman từng nói, “Tháng Năm là tháng của lời hứa. Đó là tháng của Mẹ Maria, là lời hứa chắc chắn của Đấng Cứu Độ sắp đến.”

Việc đọc kinh Truyền Tin (Angelus Domini) cũng được khuyến khích, và các đức Giáo hoàng thời cận đại đều dùng những cơ hội này để làm gương cho lòng tôn kính Mẹ và cho các bài huấn đức. Đọc kinh Lạy Nữ Vương (Regina Coeli) trong mùa Phục Sinh thay cho kinh Truyền Tin cũng tiếp nối việc suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Chúa Giêsu Cứu Thế cũng được đề cao. Kế đến là việc lần chuỗi Mân Côi, cũng được các Giáo hoàng thời cận đại thực hành triệt để; không những thế, đức Gioan Phaolô II còn giới thiệu một mầu nhiệm Mân Côi mới, mầu nhiệm Sự Sáng. Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm, cần sự yên tĩnh của tiết tấu và cho tâm trí suy tư về những mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, tuy được khuyến khích đọc thường xuyên, người tín hữu cũng được nhắc nhở không nên lần chuỗi trong Thánh Lễ, cũng như đừng mang mặc cảm tội lỗi nếu không đọc thường xuyên được vì những lý do nào đó. Đọc kinh cầu Đức Mẹ cũng là điều tốt, hay tham dự những hành hương ngày thứ bảy trong tuần để làm phép ảnh tượng, lần chuỗi, và chầu Thánh Thể tại một số nơi như ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn cũng là những việc tốt lành. Còn một số việc đạo đức bình dân khác cũng được khuyến khích như việc đeo ảnh Đức Bà, hát những thánh ca ngợi khen Đức Mẹ, việc kính Tận hiến, Toàn hiến cho Đức Mẹ. Khi thực hành, chúng ta luôn nhớ quy hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi, và qua đó tránh những tình cảm hoàn toàn uỷ mị, ướt át để rơi vào những kiểu cách mà qua đó anh chị em không có niềm tin hoặc không cùng Công Giáo nghĩ chúng ta đã thờ ngẫu tượng, hoặc theo Mẹ bỏ Chúa, quên đi Đấng Tối Cao là Thiên Chúa đích thực. Chúng tôi xin đề nghị một vài suy niệm dựa trên Thánh Kinh, thánh truyền trong tháng kính Đức Mẹ như sau:

MẸ MARIA, ĐẤNG ĐƯỢC CHÚC PHÚC

  1. Là người mẹ của Chúa Giêsu theo tự nhiên của con người (Tân Ước)
  2. Là người mẹ thần linh (lời chào của bà chị họ Elizabeth, Luca 1:43)
  3. Là mẹ của Thiên Chúa (Theotokos; Công đồng Ê-phê-sô, 431)
  4. Là mẹ thiêng liêng (mẹ của thánh Gioan, Ga 19:26-27)
  5. Là mẹ Giáo Hội (Rô-ma 8:29; Khải Huyền 12:17)

NGƯỜI NỮ ĐỒNG TRINH ĐƯỢC CHÚC PHÚC

  1. Người mẹ đồng trinh, “Làm sao có chuyện đó được, vì tôi đồng trinh?” (Lc 1:34)
  2. Mẹ Maria, trọn đời đồng trinh. (GLCG #500) Đối chiếu các trích đoạn Mác-cô 3:31-35, 6:3; 1Cô-rin-tô 9:5; Ga-lát 1:19; Mt 13:55, 28:1, Mt 27:56.

BẢY LỜI CỦA MẸ MARIA TRONG THÁNH KINH

  1. “Làm sao có chuyện đó, vì tôi đồng trinh..” (Lc 1: 34 – câu hỏi truyền tin)
  2. “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin cho được thành sự như lời sứ thần.” (Lc 1:38 - lời đáp trả chấp nhận Thánh Ý)
  3. Maria vào nhà Zacharia và chào chị Elizabeth (Lc 1:40 - Lời chào khi Mẹ thăm Elizabeth và đem Chúa đến cho người khác)
  4. “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa..” (Lc 1:46-55 – Magnificat)
  5. “Này con, sao con đối với cha mẹ như vậy? Cha và mẹ phải lo lắng tìm con.” (Lc 2:48 – Tìm Chúa Giêsu)
  6. “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2:3 – Xin cho tiệc cưới Ca-na)
  7. “Con tôi bảo gì, hãy cứ làm theo.” (Ga 2:5 - Chỉ dẫn cho gia nhân tiệc Ca-na)

Thiết nghĩ trong tháng Hoa này, ngoài việc thường làm như tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, lần chuỗi và đọc kinh Truyền tin, kinh Lạy Nữ Vương nếu có thể, nếu chúng ta để dành thêm giờ suy gẫm về những trích dẫn trong Thánh Kinh nói trên. Đặc biệt suy gẫm những lời của Đức Mẹ được tường thuật trong Tân Ước, và đem áp dụng trong đời sống cá nhân, cộng đoàn trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, là chúng ta đang làm điều tôn vinh Đức Mẹ, theo như Giáo Hội dạy bảo. Và nếu chúng ta để cho Lời Chúa thấm nhập vào cuộc đời mình, rồi sống với cộng đoàn, người tin hay không, là chúng ta đã đang bắt chước Mẹ Maria sống đời sống chứng nhân của mình trong thế giới hôm nay. Một cuộc sống không thiếu những câu hỏi dường như không có lời giải đáp, nhưng đồng thời cũng biết thốt lên lời “Xin Vâng.” Một cuộc sống tưởng âm thầm, nhưng luôn biết đến với những người anh chị em đang cần đến sự giúp đỡ. Chúng ta cũng không quên dâng lời ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa, cũng như cầu xin cho những nhu cầu của đời sống tâm linh cũng như vật chất, và nhất là luôn làm theo những lời Chúa Giêsu dạy chúng ta, như lời Mẹ đã dạy, “Người bảo gì, hãy cứ làm theo!”●

Khánh Hà

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.05.2006. 23:17