Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lời Tựa (Như Lời Cầu Kinh)

§ Hương Vĩnh

(Như Lời Cầu Kinh, Anthony De Mello)

Hình ảnh đầu tiên mà tôi ôm ấp về cha Tony de Mello lùi về cách đây trên ba thập niên, và nói rõ hơn là ở Lonavia, chính ngôi nhà mà về sau đã trở thành trụ sở tu học Sadhana.

Vào thời kỳ đó, cha Tony là một đại chủng sinh dòng Tên, nhưng đảm trách việc dạy dỗ các thầy vừa mãn nhà tập. Cả nhóm đã đến biệt thự Saint Stanislas để nghỉ ngơi vài ngày. Tôi còn nhớ cha Tony, ngồi với các thầy dưới một bụi cây bên ngoài nhà bếp, lặt rau cho bữa ăn trong ngày và không ngừng tiêu khiển với họ bằng những mẩu chuyện không bao giờ chấm dứt.

Mỗi người chúng tôi đều cảm nhận những kinh nghiệm từ thời gian đó và chính cha Tony đã không ngừng phát triển và đổi mới, luôn luôn thêm vào những sự khéo léo và hứng thú mới mẻ, cùng với tinh thần phục vụ tích cực. Nhưng cha luôn luôn là một nhà kể chuyện có biệt tài. Rất ít giai thoại cha kể có tính cách độc đáo, đôi khi không có gì là tinh tế đặc biệt: nhưng trên đôi môi cha, mọi chuyện đều có sức sống, ý nghĩa và làm người nghe thích thú, hoặc hoàn toàn chỉ có tính cách khôi hài. Ở trong địa hạt đó, mọi điều cha kể đều sống động và gây sự chú ý.

Ngày nay món quà vĩnh biệt mà cha để lại, hiển nhiên là một trong những sách bán chạy nhất, đó là quyển “NHƯ LỜI CẦU KINH”. Dù cha ít khi đề cập tới những sáng tác văn chương của cha, nhưng cha rất cẩn trọng trong việc ấn hành các tác phẩm. Việc cuối cùng mà cha đã làm khi ở Ấn-Độ, trước khi lên phi cơ đi Hoa-Kỳ, là đã để ra ba giờ đồng hồ duyệt xét các bản thảo với nhà xuất bản. Tôi không nhìn thấy bản thảo, nhưng tôi được biết nỗi lo lắng cuối cùng của cha.

Đó là chiều ngày 30 tháng 05 năm 1987. Ngày 2 tháng sáu, người ta tìm thấy cha ngã gục trên sàn nhà tại căn phòng ở Nữu-Ước, vì một cơn đột quỵ tim trầm trọng. Trong thời gian trước đó, cha đã viết một lá thư dài cho người bạn thân, trong thư cha đề cập tới một vài kinh nghiệm trước đây:

"Mọi chuyện đó liên quan đến một thời điểm ở vào một thế giới khác. Tôi nhận ra rằng sự quan tâm thiết yếu của tôi nhắm vào một việc khác, đó là ‘thế giới tâm linh’, và mọi điều khác đối với tôi ít quan trọng hơn, ít thích đáng hơn. Những điều ngày xưa rất quan trọng thì đối với tôi không có ý nghĩa gì. Sự quan tâm của tôi gắn bó với những điều liên quan đến ngài Achaan Chah, một thiền sư Phật giáo, và tôi không cảm thấy thích thú gì đối với các việc khác. Phải chăng đó là một ảo tưởng? Tôi không biết. Tuy nhiên, suốt đời tôi, không bao giờ tôi không cảm thấy tự do như thế, hạnh phúc như thế..."

Đó là tóm lược về con người của cha Tony, như cha đã sống và như các người khác đã nhận diện, trong giai đoạn cuối cùng, trước khi cha đã xa rời chúng ta vĩnh viễn một cách đột ngột, ba tháng trước ngày cha mừng sinh nhật thứ năm mươi sáu. Và giờ đây đã có biết bao bài viết về cha từ các chứng nhân khắp bốn phương. Nhiều người cho biết họ chưa bao giờ gặp cha, nhưng đã cảm nghiệm sâu xa về cha do những quyển sách cha viết. Nhiều người khác được may mắn gặp cha. Có người chỉ được cảm nghiệm vắn vỏi do sức thu hút của tài hùng biện của cha.

Ít người hoàn toàn tán đồng những gì cha nói hay làm, nhất là sau khi cha đã đi qua bên kia biên giới của hành trình tu đức. Chính cha cũng chẳng mong người khác ngoan ngoãn theo mình, nhưng ngược lại họ phải phấn đấu. Điểm hấp dẫn nhiều người đối với cá tính và tư tưởng của cha chính là sự việc cha thách đố mỗi người phải tự vấn, tìm tòi, vượt ra ngoài những tư tưởng và thái độ đã được đóng khung và phải can trường tỏ lộ nhân cách của mình, nói tóm lại là kiếm tìm một sự trung thực xác đáng hơn.

Viễn tượng mà cha Tony đã nhắm tới dưới mọi khía cạnh, thuộc mọi trình độ là liên lỉ tìm kiếm sự trung thực xác đáng. Và điều đó đã mang lại cho cá tính đa năng của cha một sự liêm khiết trí thức trọn vẹn có tính cách duyên dáng quyến rũ và uy tín tròn đầy mà không ai sánh được: cha đã hòa giải các điều mâu thuẫn không phải bằng sự căng thẳng, mà bằng sự hòa hợp. Cha luôn luôn sẵn sàng làm bạn, chia sẻ; tuy nhiên, ở nơi cha có một chiều kích mà không ai có thể đạt tới được.

Trong đám đông cha có thể vui vẻ bồng bột, trào lộng đôi khi quá đáng, nhưng không ai có thể nghi ngờ cha có một mục đích nghiêm túc vững vàng. Trải qua bao năm tháng, cha đã thay đổi rất nhiều, trong những cung cách khác nhau, nhưng ngược lại cá tính của cha vẫn trước sau như một.

Một thí dụ điển hình là sự cam kết của cha sống đời linh mục dòng Tên. Cha đã hăng say cổ võ vượt mức việc Linh Thao theo ý hướng nguyên thủy của Thánh I-nhã Lôyôla (1) , thái độ tiên phong đó của cha đã được thế giới ngưỡng mộ. Nhưng thực ra, cuối cùng, cha đã đi xa với truyền thống tu đức của Thánh I-nhã. Dù sao, cha không bao giờ phủ nhận tư cách là một linh mục dòng Tên. Rõ ràng, cha không bao giờ bị cưỡng bách, mà có lẽ cha cũng không suy tư nhiều về điều đó. Nói tóm lại, cha cảm thấy rất hòa nhịp với tinh thần và con tim của Thánh I-nhã đến độ cha đã hiểu biết rất rõ về vị thánh đó.

Trong một bài giảng trước mặt các vị bề trên giám tỉnh dòng Tên ở Ấn-Độ năm 1983, trước khi cha cùng họ tham dự đại hội toàn dòng lần cuối cùng, cha đã chia sẻ với họ một viễn tượng thâm sâu của Thánh I-nhã mà cũng là một mạc khải của chính cha:

"Có một truyền thống đối với các cha tiên khởi của Dòng mà theo đó Chúa đã cho Thánh I-nhã những ân ban và niềm xác tín mà ngài đã thuận trao cho dòng Tên như là một cộng đoàn và cho mỗi một tu sĩ nói riêng. Nếu tôi được chọn cho chính tôi và cho toàn dòng hôm nay giữa bao điều xác tín mà Thánh I-nhã đã lãnh nhận, tôi sẽ chọn ba điều mà không chút do dự: đó là sự chiêm niệm, sự sáng tạo và lòng quả cảm."

Parmananda R. Divarkar, linh mục dòng Tên.
ngày 04 tháng 09 năm 1987

[1] Chú thích của người dịch: Thánh I-nhã Lôyôla (1491-1556), đấng sáng lập dòng Tên, là người lập ra phương pháp Linh Thao dựa trên kinh nghiệm tâm linh của ngài.

(còn tiếp)

Hương Vĩnh chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 02.04.2008. 09:46