Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Andre Dũng Lạc và Các Thánh Tử Đạo

§ Lm Lôrenxô Chu Văn Minh

Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13 ), đó là Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ yêu quý của Ngài và chân phúc thầy giảng Anrê Phú Yên, người môn đệ trẻ đã hăng hái đáp lại : “Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, mạng sống đáp lại mạng sống ”.

117-martyrs-vn1.jpg

117 Thánh Tử Đạo Việt Nam

Vào thế kỷ XVI, lần đầu tiên Lời Tin mừng đã vang dội trên đất nước Việt Nam yêu qúy của chúng ta, hạt giống Tin Mừng bắt đầu bén rễ và nẩy mầm cùng sinh bông hạt, nhiều người Việt Nam đón nhận Tin Mừng và cộng đoàn Kitô hữu đã được thành lập, nhưng Giáo hội sơ khai đó trải qua cơn bách hại khốc liệt suốt 300 năm, chỉ đôi khi được gián đoạn trong một vài quãng thời gian ngắn sống bình an. Người ta nói cuộc bách hại ở Việt Nam không kém cuộc bách hại đạo Kitô 300 năm thời đế quốc La-mã xưa. Từ năm 1627 đến 1886 các vua quan đã ngăn cản đức tin Kitô bằng cấm đoán, tróc nã, tù ngục, tra tấn với nhưng hình khổ đủ loại : chém đầu, treo cổ, đóng đinh, phanh thây, xả thịt, voi dầy… và bao loại tra tấn ghê rợn khác nhưng những người Kitô hữu đã chịu đựng và vượt thắng. Con số những người Kitô hữu kiên vững trong đức tin bị bách hại và đổ máu lên tới 130.000. Trong đó, có 117 vị đã được tôn phong hiển thánh mà chúng ta cùng toàn thể Giáo hội hoàn vũ mừng kính hôm nay. Đoàn các thánh vinh hiển đó gồm mọi tầng lớp xã hội: Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, trùm trưởng và giáo dân…. “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nẩy sinh các tín hữu" ( Giáo phụ Tertuliano ). Lịch sử hai ngàn năm qua đã chứng minh sự chân thực của lời nói đó ở nhiều nơi, rõ ràng nhất là trên đất nước Việt Nam chúng ta; từ khi có số tín hữu khiêm tốn ban đầu, hiện nay đã lên tới 7 triệu người Công giáo.

Một trong những vị thời danh nhất là thánh Anrê Dũng Lạc. Ngài thụ phong linh mục khi mới 28 tuổi. Vị tân linh mục trẻ tuổi, đạo đức, thông thái, nhân hậu và giàu lòng yêu mến các linh hồn. Ngài hằng cầu nguyện, hiến dâng tất cả sức sống, mọi tài năng ưu tú để mở mang Nước Chúa và phục vụ anh em đồng loại. Cha Anrê say sưa lao vào các cánh đồng truyền giáo, đi ngược về xuôi, rao giảng Tin Mừng, giảng giải sốt sáng, nói năng trôi chảy, dễ nghe dễ hiểu. Cha có tài khéo phân xử mọi việc cả đạo lẫn đời nên giáo dân yêu mến và vâng phục cha lắm. Cha hay đi thăm các tù nhân bị bắt vì đạo để an ủi họ. Ngài đã bị quan quân bắt giam, ngài từ chối không để bổn đạo lo tiền chạy chuộc, các quan thấy ngài thông minh đức độ nên thương tiếc, không muốn giết hại ngài, khuyên ngài hãy nhắm mắt cho quân lính khiêng qua thập tự để lấy cớ tâu vua mà tha cho ngài, nhưng ngài cương quyết không chịu.

Ngày 21- 12 Cha Dũng Lạc vui vẻ tiến ra pháp trường ở bãi Cầu Giấy- Hà nội. Khi lý hình chuẩn bị hành quyết, cha lấy trầu mời và bảo: “ông xử cho khéo nhé ”. Lính tháo xiềng, trói cha vào cọc, khi lính búi tóc cha. Cha ngẩng cổ lên hỏi: “Thế này đã vừa chưa?”. Ngài đã bị xử trảm tại Hà Nội, ngài đã hiến mạng sống mình để bảo vệ đức tin chân chính, củng cố đoàn chiên và làm vinh danh Thiên Chúa.

Trong Kinh Tiền tụng lễ các thánh Tử đạo, Giáo hội ca khen: Máu các thánh tử đạo đổ ra để tuyên xưng danh Chúa nói lên những việc kì diệu của Thiên Chúa, làm nên sức mạnh trong bản tính mỏng dòn và làm cho sức yếu đuối trở nên mạnh mẽ khi làm chứng cho Ngài.

Không phải chỉ có cái chết mới làm chứng cho đức tin của mình, mà cả cuộc sống của chúng ta cũng phải là đời chứng tá. Không phải chỉ có cái chết anh hùng, mà còn có cả những cuộc sống anh hùng, nhưng tất cả những ai hoàn thành trọn vẹn bổn phận, trách nhiệm hằng ngày của mình cũng là anh hùng. Đừng làm những việc cao quí cách tầm thường, nhưng chúng ta hãy làm những việc tầm thường cách cao quý. Tất cả mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm cuả đời chúng ta nếu được thấm nhuần tình yêu Chúa Kitô, chúng sẽ được thần hóa trở nên có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Hy sinh mạng sống đổ hết máu đào ra một lúc là hành động anh hùng, thực hiện chiến công đó thật là khó khăn, nhưng phải làm chứng cho đức tin suốt cuộc đời; từng giọt mồ hôi toát ra; từng giây, từng phút trái tim ứu máu; khi phải dứt bỏ, phải hy sinh những gì qúy báu thân thiết của lòng mình đâu phải dễ!

Giáo hội thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, tuy không đòi hy sinh mạng sống, nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng và ổn định.

Mỗi ngày chúng ta thường bị đặt trước chọn lựa, trước thập giá cuả Đức Giêsu, y như các vị tử đạo ngày xưa. Có khi chúng ta chọn mình mà chối Chúa, ta đã bước qua thập giá khi ta ươn hèn ngại khó, từ chối hy sinh để chọn cách hưởng thụ cách bất chính. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc có thể là những bạo chúa, những sức mạnh gây ra những cuộc bách hại thầm lặng nhưng không kém phần khủng khiếp và tai họa. Chúng ta phải tỉnh thức luôn mà đương đầu với những thử thách và chọn lựa đó.

Chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá, không để mất đức tin được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo, ước gì chúng ta không ngừng làm chứng chuyển giao đức tin đó cho những người khác.

Chúng con đoàn hậu duệ
Noi gương sáng cha ông
Đức tin quyết bảo vệ
Đức ái tỏa sáng ra.
Xây dựng nước trần thế
Mở rộng nước Chúa Cha.

Vậy chúng ta hãy sống xứng đáng là con em của các thánh tử đạo, hãy là những người Công Giáo Việt Nam anh hùng.

Lm Laurenxô Chu Văn Minh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.11.2007. 15:52