Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kinh Mân Côi - Lời kinh hòa bình

§ Lm JB Vũ Xuân Hạnh

Những năm gần đây, thế giới đã xảy ra quá nhiều những thương đau, mất mát. Chúng ta chưa thể nguôi ngoai được những đau đớn của nhân loại trong cuộc đánh úp mà chủ nghĩa khủng bố gây ra tại nước Mỹ ngày 11.9.2001, giết chết trên 3.000 người. Càng không thể nguôi ngoai trước cơn giận dữ của thiên nhiên đã gây nên trận cuồng phong động đất và sóng thần ngày 26.12.2004, giết chết gần 20 vạn người ở Nam Á. Đến lượt cơn bão Katrina năm 2005 tàn phá đến ba tiểu ban của nước Mỹ: Louisiana, Mississippi và Alabama, đã giết gần chục ngàn người. Và vô số các gia đình loạn lạc, nhà cửa, của cải mất trắng trong những thảm trạng ấy...

Chúng ta không thể ngờ được, thiên niên kỷ thứ III, mới bước vào thời kỳ khai mạc, lại ghi những dấu ấn nghiệt ngã đến thế. Chỉ tính riêng mùa hè năm 2006, cũng đã có quá nhiều đau thương. Chẳng hạn, hàng trăm ngư dân phải bỏ mạng trong trận bão Chinsu ở Việt Nam. Rồi lại một đợt sóng thần ở Inđônêxia giết hại thêm rất nhiều người nữa. Đang khi tôi viết bài suy niệm này, miền Trung Việt Nam vừa mới trải qua cơn bão số năm. Và một trận bão mới đang càn quét nhiều vùng ở Philipine, cũng đã đe dọa bờ biển Việt Nam…

Trong khi đó, sự đối đầu và chạy đua vũ trang vẫn không ngừng tiếp diễn. Đến nay, người ta vẫn còn đang chú ý đến việc thử một loạt vũ khí hạt nhân tại Bắc Triều Tiên. Mối lo ngại về sự đối đầu của Iran với một vài cường quốc lớn trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Đó đây, mọi hình thức khủng bố, nhất là cho nổ bom trên các phương tiện dân dụng, hoặc ở những nơi đông người… vẫn không ngừng tiếp diễn. Trong khi đó, như một thường lệ đầy bất công, các cường quốc kinh tế, nhóm G8, lại chỉ lo củng cố chính mình bằng những hội họp (mùa hè 2006, họ họp tại St. Peterbourg ở Nga), dĩ nhiên là không bao giờ thiệt hại cho nền kinh tế bậc nhất mà họ đang nắm giữ.

Ngay sau đó, cuộc chiến Trung Đông, một lần nữa lại lôi kéo không nhỏ sự chú ý của thế giới. Miền Trung Đông, vài chục năm qua, vốn chưa bao giờ kết thúc lòng hận thù, lại nỗ ra chiến sự gây gắt. Chỉ để trả thù cho việc Hamát bắt cóc một người lính và trả thù Hécbôla bắt cóc hai người lính, Israel đã không ngần ngại cùng lúc dội bom dữ dội trên dãi Gaza và tiến quân vây hãm Libăng, cài xới và phá hủy không biết bao nhiêu mà nói. Trận chiến Trung Đông đã giết hại nhiều sinh mạng con người, trong đó đã có quá nhiều phụ nữ và trẻ em…

Những ngày gần đây, cả Hội Thánh Công Giáo và thế giới giật mình vì sự phản bác của thế giới Hồi giáo dành cho những lời phát biểu của Đức Thánh Cha. Dù có giải thích cách nào đi nữa, thì sự căm tức của người Hồi giáo đang là một bằng chứng cho thấy nỗi cay đắng và căm ghét chất chứa bấy lâu trong lòng họ, nay như tìm được cớ để gây rối, nặng hơn, để chống lại niềm tin Kitô giáo đã quá vững vàng, mà văn hóa của niềm tin này đã thấm quá lâu, quá sâu trong cả thế giới phương Tây nói riêng và vẫn đang trên đà lan ra cả thế giới nói chung. Hóa ra, nhìn ở góc cạnh ảnh hưởng, ta nhận ra, thái độ đi tìm sự đối đầu của thế giới Hồi giáo, đúng là một cuộc nổi loạn trong ganh tỵ, chiến cuộc và bạo tàng. Nó tìm kiếm một sự loại trừ một đức tin đang cùng song hành với mình trong trần thế, hơn là một cuộc bênh vực niềm tin của mình…

Không chỉ những mất bình an vừa kể, tất cả những diễn biến trên thế giới, và trọn cuộc sống nhân loại, trọn sự sống của từng người đều gọi đến lòng nhân từ. Bởi lòng nhân từ quá đỗi quan trọng, vì thế, hơn bao giờ hết, nhân loại nói chung và từng người nói riêng, đặc biệt là mọi người con của Hội Thánh, hãy chạy đến Nguồn Cội của lòng nhân từ, từ đó học lấy bài học về lòng nhân từ ấy mà sống với nhau, sống cho nhau và vì nhau. Nguồn Cội của lòng nhân từ ấy là một Nguồn Cội muôn đời bền vững, tận trời cao đổ xuống trần thế, tận cung lòng Thiên Chúa đổ xuống trên từng cá nhân con người. Để cho mình thấm nhập lòng nhân từ từ Nguồn Cội là chính Chúa của mình, nhân loại sẽ bớt xâu xé nhau hơn, thế giới bình an hơn, lòng người bớt đớn đau hơn. Và dù còn đó những hiểm nguy giữa lòng thế giới tự nhiên, thì lòng nhân từ mà nhân loại giành cho nhau, vẫn vô cùng cần thiết, nhằm làm ấm lên những băng giá, những thương tật, những bất hạnh… của rất nhiều anh chị em phải lâm cảnh tai bay vạ gió ấy…

Chỉ có Thiên Chúa mới là tình yêu và là kiểu mẫu của tình yêu đúng nghĩa. Chỉ có nơi tình yêu Thiên Chúa mới làm phát sinh lòng nhân từ trọn vẹn. Chỉ khi nào nhân loại tắm mình, để cho mình sống và ngụp lặn trong tình yêu nhân từ của Thiên Chúa, tình yêu nhân từ ấy sẽ luôn luôn đánh thức lương tâm nhân loại, luôn luôn nhắc nhở nhân loại rằng: Kiếp người tự nó đã có quá nhiều đau khổ, xin đừng gieo rắc thêm sự mất mát nào. Và rằng: Nếu thế giới thiếu yêu thương, thế giới chỉ hoàn toàn là một màu đen của nỗi đau hận thù…

Vậy có cách nào để gọi về lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi tâm hồn con người? Nhất là nơi tâm hồn mỗi Kitô hữu nói chung, mỗi linh mục nói riêng? Có thể có nhiều cách mà mỗi người tự trang bị lấy cho mình. Nhưng chắc chắn có một cách mà không bao giờ các Kitô hữu được phép bỏ qua. Đó là SUY NIỆM và CẦU NGUYỆN.

Trải qua cả mùa hè với nhiều biến động của thế giới, Hội Thánh bước vào tháng mười, tháng Mân Côi. Vì thế, bước đi cùng với phụng vụ của Hội Thánh, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự bình an của nhân loại, sự bình an của Hội Thánh, sự bình an của mỗi tâm hồn con người và kêu nài tình yêu nhân từ của Thiên Chúa bằng việc suy niệm và cầu nguyện với các mầu nhiệm kinh Mân Côi.

I. Chiêm Ngắm Chúa Kitô Và Đức Maria.

Tháng Mười, tháng Mân Côi, đúng hơn, đó là tháng của chuỗi hoa hồng tình yêu kết tinh từ sự thánh thiện, không phải xuất phát từ lòng người, nhưng lại xuất phát từ sự thánh thiện của chính Thiên Chúa tuôn đổ, tặng ban trong lòng người, để lòng người hiến dâng về Thiên Chúa chính sự thánh thiện mà mình đã đón nhận.

Bởi thế, chuỗi Mân Côi không đơn giản chỉ là lời kinh của tâm hồn thánh thiện, nhưng là tràn hoa thiêng thánh của những tâm hồn được rót “đầy ơn phúc” của Thiên Chúa, giờ đây tiến về Thiên Chúa trong sự chìm lắng của suy niệm và cầu nguyện, nhằm sống chính cách sống của Chúa Kitô và đi trên chính con đường Chúa Kitô khai mở, theo khuôn mẫu của Đức Maria: Được ban “đầy ơn phúc” và hiến dâng một tâm hồn đầy ơn phúc ấy, suốt đời tiến về phía Thiên Chúa theo chân Người Con Một của mình, Chúa Kitô, Thiên Chúa làm Người.

Bởi thế, tháng Mười, chúng ta được mời gọi suy niệm và cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi để nhìn ngắm chân dung của một Người Con hoàn hảo tuyệt đối và một Người Mẹ thánh thiện vô song.

Điểm đặt biệt của kinh Mân Côi là lời kinh Kính Mừng không ngừng được lặp đi lặp lại. Dù vậy, cái khung để làm điểm tựa cho lời kinh Kính Mừng lại là bản tóm tắt cả một mầu nhiệm lớn lao về cuộc đời Chúa Kitô. Bởi đó, kinh Mân Côi là lời kinh mang đậm nét Tin Mừng, vì thế cũng là lời kinh quy Kitô. Có một hình ảnh đẹp giúp ta dễ hiểu hơn chân dung của kinh Mân Côi, đó là: Một tràn chuỗi, mà trong đó kinh Kính Mừng như một khung cửi đan dệt các mầu nhiệm về Chúa Kitô.

Vì điểm nối kết các mầu nhiềm Mân Côi là chính cuộc đời Chúa Kitô, bởi thế, đọc kinh Mân Côi, Chúa Kitô mới là đối tượng chúng ta chiêm ngắm trước tiên.

Chính trong sự chiêm ngắm quy Kitô ấy, mà Đức Phaolô VI vui mừng reo lên: “Vì là một lời kinh dựa theo Tin Mừng, tập trung vào mầu nhiệm nhập thể cứu độ, kinh Mân Côi là lời kinh mang chiều kích Kitô một cách rõ nét…Thật thế, yếu tố đặc trưng nhất của kinh Mân Côi là một lời ca ngợi không ngừng dâng lên Chúa Kitô, Đấng là đối tượng tối hậu của cả lời truyền tin của thiên thần, lẫn lời chúc mừng của mẹ thánh Gioan Tẩy Giả: ‘Con lòng Bà gồm phước lạ’…Trong chuỗi Mân Côi, Chúa Giêsu mà mỗi kinh Kính Mừng nhắc đến, cũng chính là Chúa Giêsu được các mầu nhiệm tuần tự giới thiệu cho chúng ta lúc như là Con Thiên Chúa, lúc như con của Đức Trinh Nữ” (Tông huấn Marialis Cultus, số 46).

Ngoài ra, khi chiêm niệm và cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, mỗi chúng ta cũng nâng tâm hồn mình để tỏ lòng kính yêu, tôn sùng Mẹ của Chúa Kitô, cũng chính là Mẹ thật của mỗi một người.

Tuy nhiên, trong từng suy tư riêng tư của mỗi người, tình mẹ mà mỗi người cảm nhận chắc chắn sẽ không đủ ngôn từ diễn tả. Cũng giống như tình mẹ trong câu chuyện mà người ta kể cho nhau nghe: “Trên bàn của một nhà văn có một cuốn sách dày tựa đề: Mẹ. Lật bên trong, chỉ toàn là giấy trắng. Người ta hỏi ông vì sao. Ông đáp: “Tôi đã viết một tác phẩm nói về mẹ mình, dài hơn 1000 trang. Đọc lại, tôi thấy có nhiều điều thừa, tôi cô đọng lại xuống 100 trang, xuống 10 trang, rồi xuống 01 trang. Vẫn mãi còn thừa! Cuối cùng, tôi đã xóa hết mà chỉ giữ lại chữ ‘Mẹ’ thôi! Tiếng ‘Mẹ’ tự nó đã nói nhiều hơn mọi điều tôi có thể viết ra!”

Vâng, toàn bộ giáo huấn của Hội Thánh về Kinh Mân Côi, toàn bộ tâm tình được gợi lên trong hình thức cầu nguyện đơn sơ qua chuỗi Mân Côi, sẽ là một nét chấm phá mạnh cho những ai trung thành đọc và suy niệm nó, để tự bản thân, họ mạnh mẽ thốt lên trong chính nội tâm, trong cả cuộc đời, trong từng công tác của đời sống một chữ duy nhất: “Mẹ” Đầy kính yêu mà lòng họ dành cho Đức Maria.

Bởi lẽ cầu nguyện với Mẹ là con đường ngắn nhất để đến với Chúa Kitô, nên chúng ta cùng hiệp lời với Thánh Phanxicô Assisi để dâng lên Mẹ lời cầu xin của ngài: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Mẹ tuyệt mỹ và dịu hiền, xin Mẹ cầu bàu cùng Đức Vua bị xử án, là Con rất mực nhân từ của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô, để nhờ lòng nhân từ và quyền năng nhập thể thánh thiện và tử nạn đắng cay, Ngài ban cho chúng con ơn tha thứ mọi tội lỗi của chúng con” (hạnh thánh Phanxicô).

Trên hết mọi người, bước theo Chúa Kitô trong đời tận hiến, mỗi linh mục phải là người biết gặp gỡ Chúa Kitô bằng sự chìm đắm của cả một đời cầu nguyện. Mỗi linh mục hãy học lấy tâm tình của Đức Maria mà chiêm ngắm Chúa Kitô, mà theo Chúa Kitô, sống cùng Chúa Kitô, hoạt động với Kitô.

Là linh mục của Chúa Kitô, mang Chúa Kitô đến cho trần thế, các linh mục phải chiêm ngắm mẫu gương và noi gương cưu mang Chúa Kitô không những trong lòng dạ mà còn trong chính tâm hồn của Đức Maria. Các linh mục phải làm bằng được điều mà thánh Phaolô đã từng trải nghiệm: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Chỉ như thế, các linh mục mới thực sự là chứng nhân, là sự thể hiện cách hiện thực lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa giữa chốn nhân trần này. Có như thế, họ mới trở nên dụng cụ sắc bén khả dĩ gọi về lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi lòng người. Bởi chỉ gọi về lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa nơi lòng người, mới hy vọng một thế giới bình an, một Hội Thánh hiệp nhất, và cả nhân loại hạnh phúc.

II. Lời Kinh Hòa Bình.

Chiêm ngắm Chúa Kitô, và chiêm ngắm Đức Maria trong sự suy niệm và cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, chúng ta càng nhận ra hai khuôn mặt của ơn bình an mà Thiên Chúa ban cho loài người. Chính vì toàn bộ kinh Mân Côi ngày càng làm lộ rõ hai khuôn mặt của ơn bình an, mà kinh Mân Côi và các mầu nhiệm Chúa Kitô nơi lời kinh này trở thành lời kinh giúp gọi về lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi mỗi tâm hồn con người, nhằm thiết lập nền hòa bình trong nhân loại, trong đời người, mang lại ơn bình an cho mỗi chúng ta.

Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng đề nghị Hội Thánh hãy đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho ơn bình an: “Trước tiên, nhu cầu nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bình an. Kinh mân côi đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi nhiều lần đề nghị như một lời kinh cầu cho hoà bình. Vào lúc khởi đầu một ngàn năm mới với biến cố tấn công gây kinh hãi ngày 11.9.2001, chứng kiến mỗi ngày tại nhiều miền trên thế giới những cảnh đổ máu và bạo lực, khám phá lại Kinh mân côi có nghĩa là chìm sâu vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Ki-tô Đấng là bình an của chúng ta, bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,14). Vì thế, ta không thể đọc Kinh mân côi mà không cảm thấy thôi thúc dấn thân cách cụ thể để kiến tạo hoà bình, đặc biệt tại quê hương Đức Giê-su, đang bị thử thách nặng nề và đặc biệt gần gũi trong trái tim của mọi Kitô hữu” (Tông thư Rosarium Virginis Mariae số 6).

Và bây giờ, chúng ta cùng đọc lại toàn bộ số 40 của Tông thư Rosarium Virginis Mariae, để cùng Đức Cố Giáo Hoàng, cảm nhận hơn nữa sự hiệu nghiệm của lời kinh mà Chúa ban cho chúng ta, kinh Mân Côi, lời kinh được mệnh danh là “lời kinh Hòa Bình”, để nài xin tình yêu nhân từ của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế giới và trong tâm hồn mỗi con người, nhờ đó thế giới bình an, mỗi một người được thỏa niềm hạnh phúc.

“Những thách đố nghiêm trọng mà thế giới phải đương đầu khi bước vào ngàn năm mới, khiến cho chúng ta nghĩ rằng chỉ có sự can thiệp từ trên cao, có khả năng hướng dẫn tâm hồn những người sống trong những hoàn cảnh xung đột và những người nắm giữ vận mệnh các quốc gia, mới có thể cho chúng ta lý do để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.

Tự bản chất, Kinh Mân côi là lời kinh cầu cho hoà bình, vì nó hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Đức Ki-tô, Hoàng tử Hoà bình, là sự bình an của chúng ta (Ep 2,14). Bất cứ ai đồng hoá với mầu nhiệm Đức Kitô - và rõ ràng đó là mục tiêu của Kinh mân côi - thì sẽ học được bí quyết của hoà bình và biến nó thành dự phóng của đời sống mình. Hơn nữa, nhờ tính chất suy niệm của nó, với sự tiếp nối thanh thản các Kinh Kính mừng, Kinh Mân côi đem lại sự an bình nơi người cầu nguyện, tạo điều kiện cho họ đón nhận và cảm nghiệm tận đáy lòng, và gieo vãi ra chung quanh, hoà bình đích thật vốn là quà tặng đặc biệt của Chúa Phục Sinh (x. Ga 14,27; 20,21).

Kinh Mân côi cũng là lời kinh cầu cho hoà bình, vì những hoa trái bác ái mà nó sản sinh. Khi được thực hiện tốt theo một thể thức suy ngắm đích thật, Kinh mân côi dẫn ta đến gặp gỡ Đức Kitô trong các mầu nhiệm của Người, và vì thế, ta không thể không quan tâm tới dung nhan Đức Ki-tô nơi những người khác, nhất là nơi những người đau khổ nhất. Làm sao ta có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm Hài nhi ở Bêlem trong năm sự vui, mà không có lòng khao khát đón nhận, bảo vệ và cổ võ sự sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên toàn thế giới? Làm sao ta có thể bước theo vết chân Đức Kitô, Đấng Mạc khải, trong các mầu nhiệm sự sáng, mà không cương quyết làm chứng cho các mối phúc lộc của Người trong đời sống hằng ngày? Và làm sao ta có thể chiêm ngưỡng Đức Kitô vác Thánh giá và chịu dóng đinh, mà không nhận thấy cần phải hành động như ông Ximong thành Xyrênê để nâng đỡ những anh chị em quằn quại đau đớn và ê chề thất vọng? Cuối cùng, làm sao ta có thể chiêm ngắm vinh quang của Đức Kitô Phục sinh và của Đức Maria, Nữ vương Thiên đàng, mà không khao khát làm cho thế giới này đẹp hơn, công bằng hơn và phù hợp sít sao hơn với kế hoạch của Thiên Chúa?

Tóm lại, bằng cách hướng cặp mắt chúng ta về Đức Ki-tô, Kinh Mân côi cũng biến chúng ta thành những người kiến tạo hoà bình trên thế giới. Với bản chất là một lời khẩn nài của cộng đoàn, phù hợp với lời mời gọi hãy cầu nguyện không ngừng của Đức Kitô (Lc 18,1), Kinh Mân côi cho phép chúng ta hy vọng rằng, cả ngày hôm nay nữa, trận chiến cam go vì hoà bình có thể dành thắng lợi. Kinh Mân côi không hề tạo cho chúng ta cơ hội tránh né những vấn đề của thế giới, trái lại nó bắt buộc chúng ta phải nhìn thẳng những vấn đề ấy với con mắt của người có tinh thần trách nhiệm và quảng đại, đồng thời ban cho chúng ta nghị lực để đối diện với chúng, xác tín về sự trợ giúp của Thiên Chúa và quyết tâm vững vàng muốn làm chứng trong mọi hoàn cảnh cho tình yêu là mối dây kiên kết tuyệt hảo (Cl 3,14)” (Tông thư Rosarium Virginis Mariae số 40).

Hơn hết tất cả mọi người, linh mục được coi là con người của bình an, vì linh mục làm nhiệm vụ của người dọn đường cho “Hoàng Tử Bình An” đến trong lòng người thế, và đưa dẫn anh chị em trần thế đến gặp gỡ và lãnh nhận Nguồn Bình An cao cả nơi vị “Hoàng Tử” có một không hai, không ai và không có bất cứ cái gì có thể thay thế, đúng như lời sách Khải Huyền diễn tả: “Người là Anpha và Ômêga, là Đầu và là Cuối”.

Vì thế, mỗi lần suy niệm và cầu nguyện với kinh Mân Côi, Chúng ta nguyện xin cho chính chúng ta, những linh mục của Chúa luôn có một tâm hồn bình an để gieo rắc bình an trên trần thế. Xin cho chúng ta học nơi Chúa lòng bình an, để tiến tới sự bình an trong chính tâm hồn mình. Nơi người linh mục đã có bình an, mới mong ơn bình an ấy đủ sức chiếu giãi môi trường quanh mình.

Tháng mười, chắc chắn không vị mục tử nào không nói đến, không cổ vũ việc suy niệm và cầu nguyện với kinh Mân Côi. Vậy trước khi la to trên diễn đàn, từng người trong anh em linh mục chúng ta đây, hãy cố gắng mà sống chuỗi Mân Côi trong từng ngày sống của mình. Nhờ chuỗi Mân Côi, các linh mục cũng hãy cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho hoà bình trong chính cộng đoàn mà mình đãm trách.

Vì là lời kinh Hòa Bình, khi suy niệm và cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, các linh mục cũng hãy cố gắng thiết lập trật tự bình an của nội tâm, để rồi từ đó, sẽ thiết lập trật bình an nơi tâm hồn anh chị em.

Trước viễn cảnh của các gia đình và của thế giới đang xảy ra nhiều mất mát, nhiều chiến cuộc, thêm vào đó, nhiều lần bị thiên tai đàn áp, các linh mục đừng quên xin anh chị em của mình hãy tiếp tay với mình kiến tạo và cầu nguyện cho sự bình an bằng việc lắng chìm trong các mầu nhiệm kinh Mân Côi.

Dõi theo Đức Maria, học lấy cuộc đời của Chúa Kitô, các linh mục hãy là người trước tiên ban phát sự bình an bằng cả một đời hiền từ, nhân ái, khoang dung, để lời chứng cho Tin Mừng bình an của mình không trở thành phản chứng.

Vấn Tâm.

1. Số 11 của Tông thư kinh Mân Côi cho biết: Hội Thánh công bố các mầu nhiệm Chúa Kitô trong kinh Mân Côi vì Hội Thánh muốn các mầu nhiệm của Chúa Kitô được chiêm ngưỡng, nhờ đó năng lực cứu độ của lời kinh này được lan tỏa, ơn hòa bình nội tâm nơi mỗi tâm hồn được thiết lập.

Vậy, tôi có ý thức kinh Mân Côi không chỉ đưa tới sự thánh thiện, mà còn có khả năng trao ban ơn hòa bình? Và do ý thức hay không, tôi đã đọc kinh Mân Côi qua lần chiếu lệ hay đọc một cách cẩn thận?

2. Số 14 của Tông Thư kinh Mân Côi dạy, nhờ Chuỗi Mân Côi, ta học nơi Đức Maria bài học của lòng khiêm tốn và sự vâng phục trong đức tin. Là linh mục, tôi không bỏ lần chuỗi bao giờ, nhưng có khi đó chỉ là thhói quen. Hoặc tôi cũng chưa từng khám phá một bài học nào từ kinh Mân Côi, vì thế lòng tôi còn nhiều gai góc, chẳng khiêm tốn và cũng chẳng muốn vâng phục bề trên.

3. Số 41 và 43 của Tông Thư kinh Mân Côi cho biết, kinh Mân Côi là lời kinh CỦA gia đình và CHO gia đình, và mời gọi các mục tử hãy dấn thân cổ võ kinh Mân Côi. Tôi đã nhận lãnh tránh nhiệm phổ biến lòng yêu mến kinh Mân Côi cho anh chị em tín hữu đến mức độ nào? Đã nhiều năm, tôi làm linh mục chánh xứ, phó xứ, nhưng anh chị em nơi tôi phụ trách, hiểu được bao nhiêu về sự cao trọng của mầu nhiệm Mân Côi? các gia đình trong giáo xứ mà tôi phụ trách có yêu mến chuỗi Mân Côi? Mọi thành phần trong gia đình có ngồi lạI đọc kinh, lần chuỗi chung với nhau chưa?

Đó là trách nhiệm của tôi. Đó là lòng vâng phục mà tôi dành cho Hội Thánh khi phổ biến kinh Mân Côi theo ý Hội Thánh. Tôi biết, tôi phải nỗ lực hơn và ý thức thật nhiều đối với đời sống đức tin của mỗi anh chị em giáo dân. Không chỉ cổ võ việc lần chuỗi mà còn giúp họ yêu mến Thánh Thể, yêu mến Lời Chúa, yêu mến các bí tích, yêu mến thánh lễ… và trên hết, yêu mến Chúa Kitô, cùng đích của mọi người, mọi sự.

LM. Vũ Xuân Hạnh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.10.2006. 17:30