Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hỏi Đáp: Thư Mục Vụ Năm 2006 Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

§ Đỗ Công Minh

(Biên sọan theo dạng HỎI ĐÁP tiện dụng cho các Đoàn thể, gia đình và Giáo dân học hỏi nhưng vẫn tôn trọng nguyên bản)

Nhập Đề

Câu 1: Từ năm 2004 đến nay HĐGMVN đã gửi những thư mục vụ nào?

Qua Thư Mục Vụ năm 2004, chúng ta đã chiêm ngắm, suy tôn và sống mầu nhiệm Thánh Thể, là "nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu" (LG 11). Tiếp theo, Thư Mục Vụ năm 2005 mời gọi chúng ta lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa.

Câu 2: Chủ đề Thư Mục vụ năm 2006 là gì?

Thư Mục Vụ năm 2006 này chọn chủ đề "sống đạo hôm nay" để mời gọi mỗi người sống niềm tin bằng những hành động cụ thể, như thánh Giacôbê Tông đồ viết: "Ðức tin không có hành động thì quả là đức tin chết" (Gc 2,17). Quả thực, đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta.

Câu 3: Qua Thư Mục vụ HĐGM mời gọi tín hữu điều gì?

Dưới ánh sáng của Lời Chúa, với sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng tôi mời gọi anh chị em nhìn lại nền tảng việc sống đạo; từ đó, đề ra những định hướng mục vụ cho mọi thành phần Dân Chúa trong xã hội Việt Nam hôm nay.

I. Nền Tảng Việc Sống Đạo

2. Sống quy chiếu vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi

Câu 4: Hãy cho biết ý nghĩa khi chịu phép rửa tội?

Theo thánh Phaolô, Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, được dìm vào trong nước thanh tẩy, tượng trưng cho việc dìm vào trong cái chết của Chúa Giêsu, thì cũng như Người đã từ cõi chết sống lại nhờ quyền năng vinh hiển của Thiên Chúa Cha, họ cũng được sống một đời sống mới (x. Rm 6,3-4).

Câu 5: Thế nào là Đời sống mới theo Thánh Phaolô?

Ðó là đời sống có Thiên Chúa, suối nguồn tình yêu: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16). Chính nhờ tình yêu này, con người có thể nhận ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa và hân hoan tìm đến với Ngài.

Câu 6: Tại sao lại nói Đời sống mới đến từ Chúa Giêsu?

Đời sống đến từ Chúa Giêsu, quà tặng Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Là Con yêu dấu của Thiên Chúa "Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá" (Pl 2,8) để giao hoà thế gian tội lỗi với Thiên Chúa và làm cho nhân loại trở nên con người mới, con người biết "nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu" (Ga 19,37) để nhận lấy ơn cứu độ.

Câu 7: Thế còn đối với Chúa Thánh Thần thì sao?

Đó cũng còn là đời sống năng động trong Chúa Thánh Thần, năng lực tình yêu. Nhờ Chúa Thánh Thần, Kitô hữu thông hiệp vào mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh của Chúa Giêsu để can đảm bước theo con đường của Thầy chí thánh và sống theo gương Ngài.

Câu 8: Ngừơi Kitô hữu được mời gọi sống thế nào?

Vinh dự được làm con Thiên Chúa đòi buộc Kitô hữu phải lớn lên mỗi ngày trong tình yêu của Ngài, trưởng thành hơn trong niềm tin cậy mến và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, hiện thân của Tình Yêu. Nói cách khác, Kitô hữu được mời gọi để trở nên hoàn hảo và thánh thiện, như Chúa Giêsu đã dạy: "Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,48).

Câu 8: Công đồng Vaticanno II nói đến đòi hỏi đó ra sao?

Công Ðồng Vaticanô II, trong Hiến chế "Ánh sáng muôn dân" cũng xác nhận lại đòi hỏi đó: "Mọi Kitô hữu đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành" (LG 11, 3). "Vì thế, tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Ðức Ái" (LG 40, 2).

4. Sống sứ mạng chứng nhân

Câu 10: Trước khi về trời Chúa trao cho các Tông đồ sứ mạng gì?

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã củng cố niềm tin của các tông đồ, mở trí cho các ngài hiểu Thánh Kinh và trao cho các ngài sứ mạng ra đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi thống hối để được ơn tha tội. Người khẳng định: "Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24,48).

Câu l1: Tại sao phải sống chứng nhân Tin Mừng?

Vì sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu đã đến trần gian không để tìm vinh quang cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ con người, Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu để được Tin Mừng của Người biến đổi, và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới này.

Câu l2: Sự hiện diện của người Kytô hữu trong xã hội hôm nay có ý nghĩa gì?

Nếu trong đời sống Kitô hữu, Chúa Giêsu thực sự là điểm quy chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định giá trị các hành vi, thì sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Kitô hữu trong xã hội sẽ trở thành lời chứng về những giá trị căn bản của Tin Mừng và trở nên dấu chỉ của niềm hạnh phúc Nước Trời.

II. Định Hướng Việc Sống Đạo

Câu l3: Nền tảng sống đạo thật sâu xa nhưng làm sao để thể hiện đời sống ấy?

Nền tảng việc sống đạo thật sâu xa, nhưng thể hiện đời sống ấy như thế nào lại là cả một công trình cần phải xây dựng từng ngày, qua việc nỗ lực huấn luyện đức tin và thực hành các nhân đức, qua việc chuyên chăm cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích.

Câu l4: Hoàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay thế nào?

Hoàn cảnh xã hội Việt Nam đang bước vào tiến trình toàn cầu hoá, vốn đem lại những tác động tích cực, nhưng cũng đặt ra những thách đố mới cho cả đời lẫn đạo.

5. Canh tân bản thân

Câu l5: Cuộc sống con người có tác động gì đến xã hội?

Con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của hoàn cảnh xã hội. Nếu hoàn cảnh xã hội nhào nặn ra những con người, thì con người mới cũng sẽ dần dần tác động làm nên những hoàn cảnh mới. Trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ, chúng tôi đề nghị một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc đổi mới bản thân.

Câu l6: Tại sao lại phải khởi đi từ việc đổi mới bản thân?

Ðiểm căn bản trong việc xây dựng con người mới này là làm sao để bản thân mỗi người ý thức và sống đúng phẩm giá của mình; bởi lẽ phẩm giá con người là quà tặng do Thiên Chúa ban. Nhận ra phẩm giá của mình chính là khởi đầu cho việc thánh hoá bản thân.

Ngoài ra, mỗi người cũng cần được huấn luyện để có một lương tâm ngay chính. Thật vậy, một trong những điều cấp thiết người Công giáo phải nêu gương là tìm hiểu giá trị của lương tâm và phải thực hành theo tiếng nói lương tâm của mình.

Câu l7: Lương tâm gíup gì cho cuộc sống con người?

Trong Hiến Chế "Giáo Hội trong thế giới ngày nay" (Gaudium et Spes), Công Ðồng Vaticanô II đã viết: "Lương tâm làm cho con người nhận biết một cách tuyệt vời luật mến Chúa, yêu người. Trung thành với lương tâm, các Kitô hữu phải liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội" (GS 16).

Câu l8: Trong xã hội hôm nay lương tâm có ảnh hưởng gì không?

Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng, mỗi Kitô hữu cần nêu gương học hỏi và thể hiện lương tâm ngay chính tại gia đình cũng như giữa nơi mình sống.

6. Dấn thân phục vụ

Câu l9: Con người mới hôm nay là gì?

Con người mới theo gương Chúa Giêsu phải là con người dấn thân phục vụ. Nếu việc phục vụ tha nhân có thể giúp cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Kitô hữu, thì chính việc phục vụ đó cũng có thể giúp Kitô hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét hơn.

Câu 20: Đức Thánh Cha Bênêđitô có nhận định thế nào về việc phục vụ tha nhân?

Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã khẳng định về tác động hỗ tương cần thiết giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người. Chính khi dấn thân phục vụ anh em, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn. Ngài viết: "Chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu tôi như thế nào" (Tđ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18).

Câu 21: Vậy phải chăng dấn thân phục vụ là đòi hỏi tất yếu của người Công giáo?

Đúng vậy, dấn thân phục vụ con người là đòi hỏi tất yếu của đức tin Kitô giáo. Ðời sống đạo luôn luôn phải được đặt trên nền tảng bác ái yêu thương, vì đây là điều răn quan trọng nhất (x. Mt 22,37-39) và là dấu hiệu rõ ràng nhất khẳng định chúng ta thuộc về Chúa Giêsu: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

Câu 22: HĐGMVN trong năm nay nhấn mạnh điều gì trong thư mục vụ?

Ðời sống bác ái có thể thực hành bằng nhiều cách, nhưng Thư Mục Vụ năm nay nhấn mạnh đặc biệt đến việc dấn thân phục vụ. Vì thế, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ: nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc...

Câu 23: Vậy dấn thân phục vụ người nghèo khổ là chứng nhân của Tin mừng chăng?

Khi dấn thân phục vụ những người này, Kitô hữu làm chứng một cách hùng hồn về tính khả thi của lời mời gọi Phúc Âm và hiệu quả của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô: con người được cứu chuộc đã bước ra khỏi cái tôi của chính mình để phục vụ Chúa nơi những anh chị em bé nhỏ.

7. Góp phần xây dựng một xã hội công bằng

Câu 24: Bổn phận người Kitô hữu đối với xã hội trần thế ra sao?

Lòng mến Chúa yêu người thôi thúc chúng ta góp phần xây dựng một xã hội trong đó con người có điều kiện để sống xứng với phẩm giá của mình. Bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mọi người có quyền được tôn trọng và phát huy những khả năng Chúa ban để phục vụ xã hội một cách hiệu quả nhất.

Câu 25: Con người cần đối xử với nhau thế nào?

Vì con người là anh em của nhau, được tác tạo do quyền năng của Thiên Chúa và là đối tượng của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô, nên mỗi người cần được đối xử với lòng kính trọng và yêu thương chân thành như là mục đích của sự phát triển toàn diện, để họ không bao giờ bị biến thành phương tiện cho sự phát triển kinh tế, cho sự thăng tiến xã hội của bất kỳ tổ chức hay thế lực nào.

Câu 26: Làm thế nào để xây dựng một xã hội công bằng?

Ðể xây dựng một xã hội công bằng, ngoài việc giáo dục để biết tôn trọng những quyền căn bản của con người, cũng cần có một cơ chế thích hợp bảo đảm thực hiện được quyền này. Công việc này đòi hỏi sự đóng góp từ nhiều phía. Là Kitô hữu, được mời gọi để trở thành ánh sáng cho thế gian, muối cho đời, men trong bột, chúng ta hãy tập trung xây dựng một cộng đoàn trong đó mọi thành phần đều được yêu thương và được đối xử công bằng.

Câu 27: Tại sao nói công bằng cần đi đôi với tôn trọng sự thật?

Sự công bằng cần phải đi đôi với lòng tôn trọng sự thật, vì tôn trọng sự thật là điều kiện để xây dựng một cộng đoàn yêu thương. Chúng tôi tin chắc rằng gương sáng phát xuất từ cộng đoàn của những người con cái Chúa sẽ có ảnh hưởng tích cực trong xã hội chúng ta.

III. Trách Nhiệm Đối Với Việc Sống Đạo

8. Vai trò của linh mục và tu sĩ

Câu 28: HĐGMVN ngỏ lời thế nào với các Linh mục, Tu sĩ?

Chúng tôi muốn ngỏ lời đặc biệt với các linh mục và các tu sĩ nam nữ, vì anh chị em chính là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc triển khai Thư Mục Vụ này.Anh chị em là những người chọn Chúa làm gia nghiệp, và tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa và con người, nhất là những người bé nhỏ trong xã hội. Sự dấn thân này được thể hiện cả trong đời sống chiêm niệm lẫn trong hoạt động tông đồ.

Câu 29: Vai trò của Linh Mục Tu sĩ có tác động gì trong xã hội hôm nay?

Việc sống đạo trong lòng xã hội hôm nay cần đến gương sáng và lời cầu nguyện của anh chị em. Tuy rằng việc tham gia vào những công tác từ thiện xã hội của anh chị em còn gặp rất nhiều hạn chế, nhưng nơi nào có sự hiện diện của anh chị em, đức tin và đức ái Kitô giáo được cảm nhận một cách rõ nét. Vì thế, chúng tôi kêu gọi anh chị em hãy nỗ lực và kiên trì dấn thân, để vừa xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại, vừa làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong lòng xã hội chúng ta đang sống.

9. Vai trò của giáo xứ

Câu 31: Mỗi giáo xứ có vai trò gì trong Hội Thánh hôm nay?

Vai trò của giáo xứ trong việc giáo dục đức tin đã được chứng minh qua lịch sử Giáo hội Việt Nam. Vì thế chúng tôi kêu gọi các giáo xứ hãy chăm lo tổ chức những sinh hoạt giáo dục theo từng lứa tuổi, nhằm giúp cho mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng là giới trẻ, phát huy được những giá trị Kitô giáo trong đời thường.

Câu 32: Giáo xứ có thể góp phần thế nào trong việc loan báo Tin mừng?

Dưới sự điều hành của các vị chủ chăn, với sự cộng tác của các thành phần trong gia đình giáo xứ, và với sự hỗ trợ của các hoạt động tông đồ cũng như các hình thức Công giáo tiến hành, giáo xứ sẽ trở thành môi trường thuận lợi thúc đẩy cộng đoàn Dân Chúa thể hiện những giá trị Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội trong cuộc sống xã hội và mọi sinh hoạt nghề nghiệp.

Câu 33: Mỗi giáo xứ cần đặc biệt quan tâm đến những vấn đề gì?

Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay với những biến chuyển mới, bên cạnh những hoạt động mục vụ thông thường, cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đến những lĩnh vực mục vụ mới như chăm lo cho anh chị em di dân, cho những nạn nhân của các tệ nạn xã hội, những người bơ vơ hoặc bị bỏ rơi. Chính lòng yêu thương phục vụ chăm lo cho những anh chị em này làm vang lên tại mỗi địa phương sứ điệp đại đồng của Tin Mừng Chúa Kitô.

10. Vai trò của gia đình

Câu 34: Còn vai trò của các gia đình Kitô giáo thì sao?

Ðể có được lối sống thắm đượm tinh thần Tin Mừng nói trên, chúng tôi xác tín rằng gia đình Kitô giáo nắm giữ một vai trò không thể thay thế. Thật vậy, gia đình chính là mái trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục những đức tính nhân bản cũng như lòng đạo cho con người.

Câu 35: Mỗi gia đình công giáo cần quan tâm điều gì?

Với tư cách là tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội, gia đình hãy quan tâm xây dựng và duy trì những giá trị vô cùng cao quý của đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo. Làm được như thế chính là góp phần tích cực vào sự phát triển vững bền của xã hội cũng như Giáo Hội.

Câu 36: Mỗi gia đình phải có đời sống đạo cụ thể thế nào?

Khi trung thành cầu nguyện chung với nhau, thánh hoá ngày Chúa nhật, duy trì bầu khí trên thuận dưới hoà, nhường nhịn lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, gia đình anh chị em sẽ trở nên chứng từ hùng hồn cho đạo thánh Chúa. Khi vợ chồng vượt lên mọi thử thách, sống trung tín và chung thuỷ sắt son như lời cam kết ngày cử hành hôn lễ, gia đình anh chị em đã góp phần kiến tạo nền "văn minh tình thương" và "văn hoá sự sống" cho đất nước của mình.

Câu 37: Mỗi gia đình công giáo cần phải biết nói KHÔNG những điều gì?

Trong tư cách Kitô hữu sống đạo, anh chị em hãy cương quyết KHÔNG để cho "văn hoá sự chết" lôi cuốn mình, KHÔNG chấp nhận mọi hình thức xúc phạm đến sự sống và phẩm giá con người, nhất là can đảm nói "KHÔNG" với tệ nạn phá thai và ly dị vốn là những tệ nạn luôn luôn để lại hậu quả bi thảm cho gia đình cũng như cho xã hội và Giáo Hội.

Lời Kết

Câu 38: Trách nhiệm sống đạo hôm nay của người tín hữu Việt nam là gì?

Trách nhiệm sống đạo hôm nay thật quan trọng, liên quan đến mọi thành phần Dân Chúa, nhưng cũng là trách nhiệm làm nên phẩm giá của đời tín hữu. Thánh Lêô Cả Giáo hoàng, trong một bài giảng lễ Giáng Sinh đã kêu gọi: "Hỡi các Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình" (Bài đọc 2, Kinh Sách, Lễ Giáng Sinh).

Câu 39: Nhận biết Phẩm gía của mình, phẩm gía đó là gì?

Phẩm giá đó là được làm con của Cha trên trời, được cứu chuộc bằng máu của Chúa Giêsu và được trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Phẩm giá đó được thể hiện rõ nét nhờ nỗ lực nên thánh và trở thành chứng nhân cho Tình yêu Thiên Chúa.

Câu 40: Trên đất nước Việt Nam hôm nay, thái độ cần có của người tín hữu là gì?

Sống trong đất nước đang có nhiều thay đổi và thách đố, chúng ta được mời gọi sống đức tin cách trưởng thành hơn để có thể dấn thân phục vụ tha nhân cách mới mẻ hơn và góp phần tích cực hơn trong công cuộc xây dựng con người mới.

Dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria La Vang, Thánh Cả Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy sống đạo hôm nay theo tinh thần Phúc Âm, để làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mọi người.

Đỗ Công Minh
(Giáo xứ Lộc Hưng – Hạt Chí Hoà - Giáo phận Sài Gòn)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.10.2006. 10:26