Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục với sự qua đi của Phó Thiết Sơn

§ Nguyễn Việt Nam

(VietCatholicNews 22/04/2007)

Sự qua đi của Phó Thiết Sơn, chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước, giám mục trái phép đã cai quản giáo phận Bắc Kinh gần 28 năm qua, đang đem lại những thuận lợi bất ngờ cho hiệu quả của bức thư của Đức Thánh Cha gởi người Công Giáo Trung Hoa. Đó là nhận xét của tờ Buổi Sáng Miền Nam Trung Quốc.

GM-NgoKhamKinh.jpg

Đức Cha Giuse Ngô Khâm Kính

Thật vậy, lá thư Đức Thánh Cha gởi cho người Công Giáo Trung Hoa diễn ra trong bối cảnh Tòa Thánh tin rằng Bắc Kinh, đặc biệt là bộ ngoại giao của nước này, có thành ý muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, chí ít là vì sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, vì chính sách mở cửa, và vì Thế Vận Hội năm 2008. Cản trở lớn nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao là Hội Công Giáo Yêu Nước và Vụ Tôn Giáo. Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh ở Hồng Kông, cho biết Phó Thiết Sơn, Lưu Bách Niên (Hội Công Giáo Yêu Nước) và Diệp Tiểu Văn (Vụ Tôn Giáo) đã bỏ túi riêng 130 tỷ nhân dân dân tệ (13 tỷ Euros) từ những vụ buôn bán sang nhượng địa ốc của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục. Những kẻ này lo ngại rằng một khi Trung quốc bình thường hóa quan hệ với Tòa Thánh, họ còn không còn những quyền hành nào trên các tài sản của Giáo Hội.

Trong thông cáo đưa ra hôm 8/4/2007, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân của Hồng Kông cũng đã vạch trần lý do chống lại việc Trung quốc bình thường hóa quan hệ với Tòa Thánh: “Chúng tôi ở tại Hồng Kông này nhất loạt nghĩ rằng giải thích đáng tin nhất cho những trò tấn phong trái phép này là có những người lo sợ rằng sau khi bình thường hóa các quan hệ, họ mất đi quyền hành và các lợi lộc đi kèm. Vì thế, họ ngăn cản các cuộc thương thảo.”

Những trò phá bỉnh:

Lập trường của Phó Thiết Sơn là việc Tòa Thánh bổ nhiệm một Giám Mục tại Hoa Lục là “việc xen vào nội bộ Trung quốc”. Một cụm từ thường được Phó Thiết Sơn dùng là “sự kiểm soát và can thiệp của các thế lực nước ngoài” đối với Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa. Đó là “thành ngữ” thường được Phó Thiết Sơn dùng để ám chỉ Tòa Thánh và việc bổ nhiệm các Giám Mục của Đức Thánh Cha. Thành ngữ này đánh mạnh vào tâm lý “đại bá” của nhà cầm quyền Bắc Kinh, những người đang ít nhiều tự mãn với những thành công vang dội về kinh tế của họ.

Các Giám Mục hiệp thông với Tòa Thánh và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hay Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bổ nhiệm cũng khốn khổ với cụm từ “sự kiểm soát và can thiệp của các thế lực nước ngoài” này. Các ngài bị đối xử y hệt như các “tình báo viên” hay “điệp viên” thượng thặng của Vatican đến nỗi công an có quyền túm tóc đánh đấm túi bụi và đưa đi cải tạo bất cứ lúc nào mà không cần xét xử. Một trường hợp cụ thể gần đây nhất là Đức Cha Giuse Ngô Khâm Kính, 39 tuổi, Giám Mục Châu Chí. Đức Cha đã tốt nghiệp Thạc Sĩ về Thần Học Mục Vụ tại Đại Học Thánh Gioan ở Collegeville, Minnesota Hoa Kỳ và Đại Học Fordham ở New York. Ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bổ nhiệm Giám Mục Châu Chí vào tháng 5/2006. Tuy nhiên, chính quyền Trung quốc không công nhận và liên tục sách nhiễu ngài. Ngày 11/9/2006, công an Trung quốc đến nhà thờ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ ở Châu Chí bắt ngài đi, đánh đập túi bụi. Năm ngày sau ngài được trả tự do nhưng phải đi nằm nhà thương. Ngày 18/3/2007 ngài lại bị công an đưa đi đến nay không ai biết ngài ở đâu.

WangRenlei01.jpg

Giám mục dỏm Gioan Vương Nhân Lôi

Chính vì thế vấn đề bổ nhiệm Giám Mục là vấn đề căng thẳng trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung quốc. Trung quốc luôn muốn giành quyền được bổ nhiệm tất cả các chức sắc tôn giáo, bao gồm cả các Đức Giám Mục và nhất mực cho rằng việc Tòa Thánh bổ nhiệm một Giám Mục tại Hoa Lục là việc xen vào nội bộ Trung quốc. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã nhiều lần lên tiếng rằng “vấn đề bổ nhiệm Giám Mục là vấn đề nội bộ của tôn giáo và không hề ảnh hưởng đến tự ái của Trung quốc”. Tuy nhiên, tiếng nói của ngài làm sao nặng ký bằng tiếng nói của ông Phó Thiết Sơn, phó chủ tịch Ủy Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân Trung quốc!

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 30/11/2006, Đức Hồng Y cho biết các vận động ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung quốc trong năm 2006 đang trên đà tiến triển thì Hội Công Giáo Yêu Nước đã tiến hành phá bỉnh bằng hàng loạt các vụ tấn phong Giám Mục trái phép với ý đồ khiêu khích Tòa Thánh và làm gẫy đổ quan hệ ngoại giao đang trên đà tốt đẹp.

Vụ tấn phong trái phép thứ nhất diễn ra hôm 30/4/2006 tại Côn Minh nhằm tấn phong giám mục trái phép cho linh mục Giuse Mã Anh Lâm. Tiếp liền ngay sau đó, hôm 2/5/2006, lại tấn phong giám mục trái phép cho linh mục Giuse Lưu Tân Hồng tại tỉnh An Huy. Tòa Thánh đã mạnh mẽ phản kháng và bộ ngoại giao Trung quốc đã mời một phái đoàn Tòa Thánh sang thăm nước này và hứa sẽ bàn bạc với Tòa Thánh trong các bổ nhiệm tương lai, cam kết không để một biến cố tương tự xảy ra.

Hội Công Giáo Yêu Nước lại kiên trì quyết tâm đập tan mọi cố gắng bình thường hóa quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung quốc bằng cách tấn phong giám mục trái phép cho linh mục Gioan Vương Nhân Lôi vào ngày thứ Năm 30/11/2006. Quyết tâm phá hoại của Hội Công Giáo Yêu Nước được thể hiện rõ trong hành vi bắc cóc hai Giám Mục tại tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, là các Đức Cha Phêrô Phong Tân Mão, Giám Mục phó giáo phận Hàng Châu, và Giám Mục Giuse Lý Liên Quý của giáo phận Từ Châu để cưỡng chế phải tham dự lễ tấn phong giám mục trái phép.

Xu hướng của nhà cầm quyền Trung quốc

Trong những năm gần đây, nhà nước Trung quốc cũng cảm thấy bất lợi khi duy trì đường lối ngoại giao căng thẳng với Tòa Thánh. Chính vì thế, trong thời gian gần đây, nhiều Giám Mục được Tòa Thánh chuẩn y và nhà nước Trung quốc cũng công nhận như Đức Cha Phêrô Phong Tân Mão (được thụ phong Giám Mục Phụ Tá Hàng Châu năm 2004), Đức Cha Giuse Hình Văn Chi (được thụ phong Giám Mục Phụ Tá Thượng Hải tháng 6/2005), và Đức Cha Antôn Đảng Minh Ngạn (được thụ phong Giám Mục Phụ Tá Tây An tháng 7/2005).

Nhà nước cũng cảm thấy Hội Công Giáo Yêu Nước là một cơ chế lỗi thời có tính cách cản trở mà chẳng đem lại lợi ích gì. Hội Công Giáo Yêu Nước theo thiết kế ban đầu được xem như công cụ đàn áp và hình thành một Giáo Hội tự trị. Chức năng này Hội Công Giáo Yêu Nước không còn có thể đảm đang được nữa. Thật vậy, hiện nay, tại Hoa Lục có 120 Giám Mục, đa số đã rất già (tuổi trung bình là 74). Có 46 Giám Mục thuộc Giáo Hội Thầm Lặng và 74 Giám Mục thuộc Giáo Hội Quốc Doanh. Trong số 74 Giám Mục thuộc Giáo Hội Quốc Doanh do Hội Công Giáo Yêu Nước quản lý, đã có 65 vị đệ đơn xin thần phục Tòa Thánh. Chỉ còn 9 giám mục (thực ra chỉ còn 8 vì Phó Thiết Sơn đã qua đời) vẫn cương quyết không thần phục Tòa Thánh. Người Công Giáo Hoa Lục, các linh mục Hoa Lục công khai cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Hình Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI được chưng trong nhiều nhà thờ của Giáo Hội công khai.

Bộ ngoại giao Trung quốc cũng tỏ ra dễ dãi với các cơ quan bác ái Công Giáo trong việc cấp thị thực nhập cảnh. Caritas, chẳng hạn, được hoan nghênh tại nhiều địa phương Trung quốc. Hiệu quả hoạt động của các cơ quan bác ái Công Giáo có thể thấy hiển nhiên qua con số những người được rửa tội vừa qua trong mùa Phục sinh.

Nguồn tin của thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc ghi nhận trong mùa Phục sinh vừa qua ít nhất 6.000 người đã được rửa tội trong 26 giáo phận và 41 giáo xứ lớn ở Trung quốc. Một con số khích lệ hơn được UCAN đưa ra là hơn 10,000 người, đặc biệt 80% tân tòng ở các thành phố lớn của Trung quốc có trình độ cao đẳng, đại học.

Các báo cáo cụ thể cho thấy giáo phận Nghi Châu có số tân tòng gia tăng đáng kể. Mùa Phục sinh năm 2006 có 200 người, năm nay có 600 người. Giáo phận Hàm Đan có 500 người, Thương Châu có 400 và Thương Châu có 300. Giáo phận Vệ Huy, thuộc tỉnh Hà Nam ở phía bắc, và giáo phận Ô Lỗ Mộc Tề, ở Khu Tự trị Tân Cương nơi có đa số người Hồi Giáo, mỗi nơi có khoảng 100 người mới được rửa tội. Ở tỉnh Hà Nam, 2.000 giáo dân của nhà thờ chính tòa An Dương đã chào đón 85 thành viên mới, trong đó có 20 đàn ông.

Tuy nhiên, đặc biệt nhất vẫn là tại Bắc Kinh với hơn 1000 người được rửa tội. Đó là chuyện chưa từng xảy ra.

Các vị Hồng Y Trung Quốc và các Giám Mục Đài Loan

Nguyễn Việt Nam

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.04.2007. 10:09