Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo Hoàng Đen của Trung Hoa: Lưu Bách Niên

§ Đặng Tự Do

(VietCatholicNews 25/04/2007)

LuuBachNien.jpg

Giáo gian Lưu Bách Niên

Trong nhiều năm qua, tại Trung Hoa, Lưu Bách Niên hành xử quyền bính mà Giáo Hội Công Giáo chỉ dành riêng cho Đức Giáo Hoàng: bổ nhiệm các Giám Mục Trung Hoa, và kiểm soát toàn bộ công việc của các ngài, “đề nghị” với các Giám Mục về các bổ nhiệm trong giáo phận, quyết định ai được giảng dạy trong các chủng viện và giảng dạy nội dung gì; đánh giá các ứng sinh nam nữ được tuyển vào các chủng viện và các dòng tu; giám sát các hoạt động quản lý giáo phận. Chính vì thế, tuy chỉ là một giáo dân, tên giáo gian này được coi là “Giáo Hoàng Đen” tại Trung Hoa. Lưu không từ chối danh hiệu này. Trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Nancy Wiechec của thông tấn xã Công Giáo Hoa Kỳ CNS, Lưu tỏ ra rất thích thú và tự hào với danh hiệu đó.

Antôn Lưu Bách Niên sinh năm 1934 tại Sơn Đông. Năm 1957, khi cộng sản Trung quốc cho ra đời quái thai Hội Công Giáo Yêu Nước, Lưu Bách Niên lúc đó đang là một chủng sinh. Y đã gia nhập Hội này ngay từ ngày đầu. Sau đó, chẳng bao lâu, Lưu giã từ chủng viện để toàn tâm toàn ý phục vụ cho đảng như một công chức trong Hội Công Giáo Yêu Nước. Tuy cúc cung phụng sự đảng, năm 1966, khi Mao phát động Cách Mạng Văn Hoá, cũng như các thành viên khác trong Hội, Lưu Bách Niên cũng bị đá ra ngoài và phải lang thang đầu đường xó chợ một thời gian trước khi xin được công ăn việc làm khác trong một xưởng thợ. Lưu làm công nhân ở đó cho đến năm 1978 khi được cộng sản gọi ra tổ chức lại Hội Công Giáo Yêu Nước để tô son trét phấn cho chế độ đang muốn theo đuổi con đường hiện đại hóa.

Nhà nước cộng sản Trung quốc phải cần một tên lưu manh như Lưu Bách Niên mới có khả năng tổ chức lại được Hội Công Giáo Yêu Nước. Thật vậy, từ tháng 7/1977 trong cuộc tranh giành quyền hành với Hoa Quốc Phong, Đặng Tiểu Bình đưa ra lý thuyết “Giải Phóng Tư Duy” được nhiều người ủng hộ. Việc xét lại các chính sách của Mao diễn ra trong nhiều lãnh vực, khiến cho việc tái lập lại Hội Công Giáo Yêu Nước gặp nhiều khó khăn. Tuyệt đại đa số các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân không muốn gia nhập hội này. Đầu tiên việc tổ chức lại hội này được giao phó cho một linh mục. Có thể vì ngài cũng chỉ vì bị ép buộc nên không mặn mà lắm. Sau gần nửa năm trời, việc thành lập hội không đi đến đâu, năm 1978, nhà nước mới bốc Lưu Bách Niên từ xưởng thợ ở Sơn Đông về Bắc Kinh để giao cho trọng trách này. Chỉ có Lưu Bách Niên, người đã gia nhập Hội từ buổi đầu và nắm được cái “thóp” của nhiều vị mới có đủ khả năng khống chế và buộc các vị phải gia nhập. Năm 1980, nhà nước cử Lưu Bách Niên làm Tổng Thư Ký và ủng hộ y bằng sắc lệnh tôn giáo năm 1980 quy định chỉ cho các linh mục vào Hội được cử hành thánh lễ.

Các nguồn tin từ Hoa Lục cho hay từ sau khi “Lũ Bốn Tên” (chỉ nhóm của Giang Thanh) bị bắt vào tháng 10/1976 đến khi Hội Công Giáo Yêu Nước hoạt động trở lại vào năm 1980, Giáo Hội có một thời gian được tương đối tự do. Lợi dụng quãng thời gian được tương đối dễ thở này, Giáo Hội đã có thể thực hiện được những cải cách quan trọng. Đặc biệt nhất là việc cử hành thánh lễ theo Phụng Vụ sau Công Đồng Vatican II thay vì theo nghi lễ Tridentinô bằng tiếng La Tinh. Đến khi Lưu Bách Niên tổ chức lại được quá thai Công Giáo Yêu Nước thì tình hình khó khăn trở lại. Tuy nhiên, cũng thành thật mà nói là dễ thở hơn dưới thời Mao.

Trong vai trò Tổng Thư Ký, Lưu Bách Niên tổ chức một guồng máy rộng khắp toàn quốc để khống chế Giáo Hội tại Trung Hoa. Ngày nay, với 3 ngàn tổng thư ký, phó tổng thư ký, chánh văn phòng và cơ man các viên chức địa phương, Hội Công Giáo Yêu Nước khống chế các hoạt động của khối 5 triệu giáo dân Công Giáo sinh hoạt trong Giáo Hội được nhà nước công nhận. Không có hoạt động nào của Giáo Hội loạt qua được những cặp mắt rình mò ngày đêm của bọn giáo gian này: chúng bổ nhiệm Giám Mục, chúng “đề nghị” với các Giám Mục về các bổ nhiệm trong giáo phận, chúng quyết định ai được giảng dạy trong các chủng viện và giảng dạy nội dung gì; chúng đánh giá các ứng sinh nam nữ được tuyển vào các chủng viện và các dòng tu; chúng giám sát các hoạt động quản lý giáo phận.

Một nguồn tin Giáo Hội địa phương nói với thông tấn xã Công Giáo Hoa Kỳ CNS hồi tháng Ba vừa qua: “Hắn ta có một ảnh hưởng mạnh, rất mạnh về điều mà nhà nước có thể làm và sẽ làm về chính sách tôn giáo”.

Một trong những chủ trương chính yếu của Lưu Bách Niên là chống lại việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Giám Mục tại Trung Hoa. Phó Thiết Sơn, giám mục trái phép tại Bắc Kinh, chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước, cũng chống lại việc này và giải thích là việc Tòa Thánh bổ nhiệm một Giám Mục tại Hoa Lục là “việc xen vào nội bộ Trung quốc”, một “sự kiểm soát và can thiệp của các thế lực nước ngoài” đối với Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục – một cách giải thích xem ra vẫn còn chung chung. Cách giải thích của Lưu Bách Niên về lập trường chống Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm tại Trung Hoa cụ thể và thâm hiểm hơn. Lưu nói:

“Những công dân và xã hội e sợ rằng các Giám Mục được bổ nhiệm sẽ như các Giám Mục ở Ba Lan hay Tiệp, hay như Đức Hồng Y của Hồng Kông, những người quá xen vào các công việc chính trị”.

Trong khi cách giải thích của Phó Thiết Sơn gói gọn trong phạm vi Giáo Hội Công Giáo và chủ yếu đánh mạnh vào tâm lý “đại bá” của nhà cầm quyền Bắc Kinh, những người đang ít nhiều tự mãn với những thành công vang dội về kinh tế của họ; cách giải thích của Lưu, “lưu manh” hơn, nó mở rộng ra trong phạm vi toàn xã hội và đánh vào lo ngại lớn nhất của đảng cộng sản là vấn đề an ninh chính trị của Trung quốc.

Trong những năm gần đây, Lưu Bách Niên coi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hồng Kông là kẻ thù không đội trời chung của y vì Đức Hồng Y thường xuyên tố cáo y và Diệp Tiểu Văn (vụ trưởng Tôn Giáo Vụ Trung quốc) cố tình cản trở sự bình thường hóa ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh, đặc biệt qua những hành vi tấn phong Giám Mục trái phép trong năm qua. Trong thông cáo đưa ra hôm 8/4/2007, Đức Hồng Y viết : “Chúng tôi ở tại Hồng Kông này nhất loạt nghĩ rằng giải thích đáng tin nhất cho những trò tấn phong trái phép này là có những người lo sợ rằng sau khi bình thường hóa các quan hệ, họ mất đi quyền hành và các lợi lộc đi kèm. Vì thế, họ ngăn cản các cuộc thương thảo.”

Trong thông cáo báo chí đưa ra ngay hôm tấn phong Giám Mục trái phép cho linh mục Gioan Vương Nhân Lôi hôm 30/11/2006, Đức Hồng Y cho biết các vận động ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung quốc trong năm 2006 đang trên đà tiến triển thì Hội Công Giáo Yêu Nước đã tiến hành phá bỉnh bằng hàng loạt các vụ tấn phong Giám Mục trái phép với ý đồ khiêu khích Tòa Thánh và làm gẫy đổ quan hệ ngoại giao đang trên đà tốt đẹp.

Vụ tấn phong trái phép thứ nhất diễn ra hôm 30/4/2006 tại Côn Minh nhằm tấn phong giám mục trái phép cho linh mục Giuse Mã Anh Lâm. Tiếp liền ngay sau đó, hôm 2/5/2006, lại tấn phong giám mục trái phép cho linh mục Giuse Lưu Tân Hồng tại tỉnh An Huy. Tòa Thánh đã mạnh mẽ phản kháng và bộ ngoại giao Trung quốc đã mời một phái đoàn Tòa Thánh sang thăm nước này và hứa sẽ bàn bạc với Tòa Thánh trong các bổ nhiệm tương lai, cam kết không để một biến cố tương tự xảy ra.

Hội Công Giáo Yêu Nước lại kiên trì quyết tâm đập tan mọi cố gắng bình thường hóa quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung quốc bằng cách tấn phong giám mục trái phép cho linh mục Gioan Vương Nhân Lôi vào ngày thứ Năm 30/11/2006. Quyết tâm phá hoại của Hội Công Giáo Yêu Nước được thể hiện rõ trong hành vi bắc cóc hai Giám Mục tại tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, là các Đức Cha Phêrô Phong Tân Mão, Giám Mục phó giáo phận Hàng Châu, và Giám Mục Giuse Lý Liên Quý của giáo phận Từ Châu để cưỡng chế phải tham dự lễ tấn phong giám mục trái phép.

Đứng đằng sau tất cả những trò này là giáo gian Lưu Bách Niên.

Đặng Tự Do

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 25.04.2007. 10:09