Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dư vị bầu cử

§ Vũ Văn An

Liên danh phò phá thai Obama-Biden đã thắng “vẻ vang” cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2008. Cả Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh đã gửi điện chúc mừng người thắng cử, đúng theo lề lối và phong thái ngoại giao. Đức Hồng Y George, chủ tịch hội đồng giám mục Mỹ cũng đã gửi điện văn chúng mừng, nhưng đã nhắc nhở tổng thống đắc cử trách nhiệm “bảo vệ những người dễ bị thương tổn nhất”, dù trong bài diễn văn đắc cử, Obama hứa với những người không đồng quan điểm với ông rằng: “tôi cũng là tổng thống của các bạn nữa”. Không hiểu điều ấy có hàm nghĩa ông ta sẽ ngưng không ký ban hành đạo luật Freedom of Choice Act như đã long trọng hứa hẹn năm 2007 hay không?

Phá thai

Hình như không. Và đó là lý do khiến các vị giám mục Hoa Kỳ lo âu. Trong đó, có Đức cha Donald Wuerl, Tổng giám mục của thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ngày 5 tháng Mười Một, một ngày sau khi Obama đánh bại TNS McCain của Arizona, ngài đã gửi cho giáo dân một thông điệp, cho hay cùng với toàn dân, ngài vui mừng về biến cố lịch sử này. Tuy nhiên, ngài cầu xin cho các nhà tân lãnh đạo “được hướng dẫn để đưa ra các quyết định khôn ngoan và biết cảm thương”. Nhắc lại nỗi âu lo của hơn 50 vị giám mục các giáo phận Hoa Kỳ về việc bảo vệ sự sống của trẻ chưa sinh, Đức cha Wuerl nhấn mạnh rằng ngài hy vọng thấy tân chính phủ “tôn trọng và cam kết sâu xa đối với tính thánh thiêng và phẩm giá của mọi sự sống nhân bản và nâng đỡ những người dễ bị thương tổn nhất trong chúng ta”.

Phát biểu trên đài Phát Thánh Vatican, Đức cha William Murphy, giám mục giáo phận Rockville Centre, New York, cũng đã bình luận về ngày bầu cử tại Mỹ và gọi ngày ấy là “giây phút lịch sử” của Hoa Kỳ. Đối với ngài, Obama là một “người thông minh” có khả năng “dùng viễn kiến của mình mà đánh động cả một nhóm người… Xét về nhiều phương diện, đất nước này đã mỏi mệt và muốn có một giọng nói mới mẻ”. Ngài nghĩ Obama đáp ứng được ý muốn đó. Nhưng ngài nhấn mạnh vấn đề phá thai là “thách đố lớn” đối với vị tổng thống này, người mà ngài nói “không phải là phò lựa chọn mà là phò phá thai’. Đức cha lưu ý mọi người nhớ đến “nỗi kinh hoàng của 40 đến 50 triệu trẻ thơ bị phá thai” và cho hay đất nước này đã “một cách có hệ thống, loại bỏ không cho cả một bộ phận công dân được chia sẻ quyền sống”. Ngài nói: “Đây là một vết nhơ hết sức đen tối đánh dấu lên đất nước Hoa Kỳ. Và vết nhơ này đi ngược hẳn lại bản sắc của chúng ta, một dân tộc vốn chủ trương rằng mọi người đều được hưởng tự do, công bình và mưu cầu hạnh phúc…Không cho trẻ chưa sinh quyền được sống, là chúng ta không sống đúng bản sắc mình. Đối với Obama, Đức cha Murphy cho hay hồ sơ chống sự sống của ông “hết sức rõ rệt” và “các đức giám mục sẽ thúc giục ông phải suy nghĩ lại việc ấy. Chúng tôi sẽ thúc giục ông đừng châm lửa cho những chia rẽ văn hóa khác nữa và gây chia rẽ đất nước ta hơn nữa về vấn đề quan trọng hàng đầu này”. Ngài nói rằng các giám mục sẽ “thúc giục ông suy nghĩ lại các quan điểm trên và cố gắng suy gẫm cảm nhận phổ quát hiện nay rằng phá thai theo yêu cầu tự nó không phải là điều tốt, vì nó giết hại trẻ em, nó không phải là điều tốt cho đất nước chúng ta vì nó phạm tới cốt lõi một xã hội thiện hảo”

Các giám mục vùng San Antonio thì kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho văn hóa sự sống. Trong một sứ điệp phổ biến trên trang mạng của giáo phận, Đức tổng giám mục Archbishop José H. Gomez và Đức cha phụ tá Oscar Cantú nhìn nhận con số kỷ lục các cử tri đi bầu lần này để bầu vị tổng thống Da Đen đầu tiên cho nước Mỹ. Các ngài viết: “Ta hãy cầu xin Chúa ban cho ông sự khôn ngoan và lòng cảm thương để lên khuôn được một nền văn hóa sự sống tại đất nước này và để ông quay về với các chính sách bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta”.

Hôn nhân đồng tính

Trong cuộc bầu cử lần này, một số tiểu bang cũng cho trưng cầu dân ý một số tu chính án quan trọng. Trong đó, tiểu bang California trưng cầu dân ý về “Đề Án Số 8” nhằm sửa lại Hiến Pháp Tiểu Bang để cho vào câu định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Kết quả đa số cử tri đã đồng ý thông qua Đề Án này. Ngày 5 tháng Mười Một vừa qua, Đức Hồng Y Roger Mahony, Tổng giám mục Los Angeles đã gửi cho giáo dân một bản tuyên bố cho rằng việc Tiểu Bang California ngăn cấm hôn nhân đồng tính là kết quả của một “liên minh vô tiền khoáng hậu gồm nhiều cộng đồng đức tin và công dân khác, đã hiểu ra tầm quan trọng của việc duy trì định chế hôn nhân nền tảng”. Trích dẫn chương trình Thiên Chúa dành cho gia đình nhân bản trong Sách Sáng Thế, Đức Hồng Y nói thêm: “Các cố gắng tập thể của chúng ta trong việc ủng hộ Đề Án Số 8 đã tập trung quanh việc bảo tồn kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch cho rằng hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà phải là thực tại bất biến qua đó tình yêu hỗ tương của họ sẽ mang hoa trái bằng việc cho ra đời những đứa con để tiếp diễn gia đình nhân loại. Việc dưỡng nuôi, đào luyện và giáo dục con cái đã được Thiên Chúa định liệu xẩy ra trong khung cảnh gia đình truyền thống gồm một người cha và một người mẹ”. Ngài cho rằng Đề Án Số 8 là một cuộc đầu phiếu tích cực. Cuộc đầu phiếu này không nhằm kình chống bất cứ nhóm xã hội nào khác, mà chỉ tìm cách bảo tồn kế hoạch của Thiên Chúa cho “mọi người sống trên trái đất này”. Ngài khuyên mọi người củng cố định nghĩa mới này của hiến pháp bằng cách tiếp tục hỗ trợ hôn nhân và gia đình.

Hội Nghị Công Giáo Arizona cũng ra một bản tuyên bố gửi cử tri “thuộc mọi niềm tin và lối sống” đã cùng nhau tham gia vào việc chấp thuận Đề Nghị Số 102 cũng nhằm đưa định nghĩa về hôn nhân vào hiến pháp tiểu bang. Bản tuyên bố này viết: “Chúng tôi đặc biệt biết ơn khi thấy người Công Giáo đáp ứng nồng nhiệt đối với các cố gắng của các vị giám mục nhằm thông qua biện pháp này”. Việc ngăn cấm hôn nhân đồng tính tại tiểu bang này hết sức có ý nghĩa vì năm 2006, dân Arizona là những người duy nhất bác bỏ tu chính án về hôn nhân. Cuộc đầu phiếu hôm thứ Ba vừa qua đã lật lại việc bác bỏ kia, làm con số các tiểu bang chịu cho điều khoản bảo vệ hôn nhân vào hiến pháp tăng lên 30.

Tiểu bang Florida cũng chấp thuận một tu chính án nhằm ngăn cấm hôn nhân đồng tính. Cuộc đầu phiếu này cũng hết sức ý nghĩa vì nó đòi phải có đa số 60% thuận, thực tế nó chiếm được 62% tổng số phiếu. Kết quả của California cũng đáng kể vì từ tháng Năm, đã có tới 18,000 cuộc hôn nhân đồng tính được cử hành tại đây. Tu chính án được chấp thuận với 52% tổng số phiếu này sẽ hủy bỏ án lệnh của Tối Cao Pháp Viện hợp pháp hóa hôn nhân đồng tình trước đây. Ngân khoản dành cho các chiến dịch ủng hộ và đả phá tu chính án này được coi là kỷ lục đối với bất cứ vấn đề xã hội nào tại Mỹ, lên đến 73 triệu dollars thu được từ các tiểu bang và cả nước ngoài nữa.

Trong khi đó, tiểu bang Arkansas cũng đã bỏ phiếu ngăn cấm các vợ chồng không cheo cưới được nhận con nuôi. Trái lại, các cử tri tiểu bang Hoa Thịnh Đốn lại bỏ phiếu ủng hộ việc trợ tự tử, bắt chước theo đạo luật “Chết Hợp Nhân Phẩm” của tiểu bang Oregon. Tu chính án này cho phép người mắc bệnh đến thời kỳ cuối cùng được phép dùng thuốc giết người để tự chấm dứt sự sống của mình. Và tại Dakota Nam, cuộc trưng cầu chống phá thai chỉ thu được 45% số phiếu không đủ để thông qua. Sau khi thua năm 2006, lúc ấy đề nghị cấm hoàn toàn, đề nghị lần này cho phép phá thai trong trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân hay sức khoẻ của người mẹ bị đe doạ đến tính mạng. Các người phò sự sống khá thất vọng vì mặc dù có thay đổi như thế mà tu chính án vẫn không được thông qua.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.11.2008. 11:31