Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đón Xuân này, Nhớ Xuân xưa

§ Nguyễn Việt Cường

Xuân sang, Xuân đến reo vui
Xuân về sao vẫn bùi ngùi Xuân xưa
Vui Xuân biết mấy cho vừa
Tha phương hải ngoại vẫn chưa vơi sầu

Mới đó mà đã 32 Mùa Xuân trở về nơi đất khách quê người. Đã 32 cái tết tẻ nhạt buồn bã, nhớ nhung đến với những con cái Mẹ Việt-Nam tha hương. Đã 32 cuốn lịch được lật qua để đánh dấu một thời gian dài, thật dài, dài bằng 3 thập niên, dài bằng 3/4 thế kỷ, đủ để cho mọi người Việt Nam dù còn ở quê nhà hay đang lang thang khắp bốn phương trời đều cảm thấy một niềm xót xa dâng trào khi nhớ lại những Mùa Xuân xưa.

Đón Xuân này, ta nhớ Xuân xưa !
Những Mùa Xuân xưa như vẫn còn đậm nét trong trí nhớ, vẫn còn lảng vảng đâu đây để lâu lâu lại trở về giày vò tâm trí ta. Niềm nhớ nhung đó đem ta trở về vùng trời Quê Mẹ, nơi chúng ta đã buông tiếng khóc chào đời, đã được nuôi dưỡng bằng chính mạch sống của Quê Hương. Ta còn nhớ rất rõ mỗi độ Xuân về, vạn vật như bừng sống, người người nô nức, hớn hở mừng đón Xuân sang, nhà nhà đều đua nhau chuẩn bị để được hưởng một cái Tết thật tưng bừng, thật đầm ấm và cũng thật hạnh phúc. Chúa Xuân đã thực sự đem đến cho con người niềm vui tràn trề trong những ngày đầu năm, đã thổi vào từng mái ấm gia đình một luồng sinh khí mới, đã đem lại sức sống cho cỏ cây, hoa lá cũng như cho muôn vật, muôn loài nhất là cho con người, cả về vật chất lẫn tâm hồn.

Nhớ Xuân xưa...
Ta nhớ lại những mùa Xuân thật xa xưa khi ta còn ở vào lớp tuổi niên thiếu. Mỗi độ Xuân về, ta tung tăng bay nhảy, hớn hớn hở hở trong những bộ quần áo mới và những đồng tiền lì xì còn thẳng nếp. Quần áo mới, tiền mới, là một ước mơ của mọi tuổi trẻ vào những ngày đón Tết, mừng Xuân. Gương mặt luôn rạng rỡ, tươi vui, miệng cười cười nói nói như bắp rang, như pháo nổ, đem lại niềm vui mới cho ông bà, cha mẹ và cả gia đình. Người lớn thường được vui lây cái vui bộc phát của trẻ nhỏ. Kẹo bánh ê hề, tiền bạc rủng rỉnh lại thêm đủ thứ trò chơi và hội chợ vui Xuân đâu đâu cũng có càng làm cho tuổi trẻ thêm hân hoan, vui thích. Đã có Tết là phải có kẹo bánh, có pháo nổ, có múa lân với nhịp trống tùng tùng cắc cắc và ông địa tay phe phẩy chiếc quạt mo miệng cười toe toét nhất là khi con lân đang cố gắng giật cho bằng được gói tiền treo lủng lẳng trên cây nêu...rồi còn có bánh chưng, bánh tét và nhất là có tiền lì xì nữa. Chỉ có các em nhỏ mới háo hức, mới phập phồng, mới trông mong Tết đến, Xuân về để được vui chơi thỏa thích làm cho không khí gia đình tăng thêm niềm vui và hạnh phúc.

Nhớ Xuân xưa...
Ta cũng nhớ tới những nam thanh nữ tú trong Mùa Xuân mới. Tuổi đôi tám là lứa tuổi đầy sức sống và mộng đẹp. Có thể nói các cô, các cậu ai cũng dành thật nhiều thì giờ để đi mua sắm những bộ quần áo thật đẹp, thật kẻng, để rồi chàng và nàng cùng nhởn nhơ khắp phố phường trong những ngày đón Tết cũng như trong 3 ngày đầu năm. Hãy rảo bước một vòng khắp phố thị tại Miền Nam Việt Nam ngày trước để thấy đâu đâu cũng có các thiếu nữ xinh đẹp thướt tha trong những tà áo muôn màu, tô điểm cho bức tranh Tết thêm tươi đẹp và linh động. Nếu ta có dịp ghé lại Sài-gòn, thủ đô ngày cũ, vào những cận tết, ta sẽ thấy bức tranh kia càng linh động, càng đẹp mắt hơn nữa. Các khu phố gần chợ hoa Nguyễn Huệ, nơi trưng bày đủ mọi loại hoa muôn mầu, muôn sắc nhất là những cành đào, cành mai thật tươi đẹp và hấp dẫn cũng như các dẫy phố ngập tràn hàng tết như dọc hai bên lề đường Lê-Lợi, thương xá Tax, thương xá Tam-Đa và nhất là quanh chợ Bến-Thành là những hình ảnh khó quên nhất. Phố xá thì tấp nập ngày đêm, xe cộ chạy nối đuôi nhau như dòng nước chảy không ngừng, người người lăng xăng, vội vã mua sắm đủ thứ như thể Chúa Xuân sắp ào tới, họ sẽ không kịp chuẩn bị, không kịp đón tiếp. Sài-gòn, Chợ-Lớn, Tân-Định, Thị-Nghè, Gia-Đình v.v. đâu đâu cũng đầy ắp kẻ bán người mua, đâu đâu cũng tràn nhập bánh mứt và các mặt hàng Xuân đủ màu, đủ sắc ngụp lặn trong một rừng âm thanh rất đặc thù của một phiên chợ Tết. Đó chính là nhũng kỷ niệm đẹp và khó quên ta đã bỏ lại sau lưng từ 25 năm qua.

Nhớ Xuân xưa!
Xuân xưa là những Mùa Xuân thanh bình, những Mùa Xuân hy vọng, những Mùa Xuân thực sự đem đến niềm vui và hạnh phúc. Nào có ai thờ ơ với cái Tết ? Có gia đình nào không lăng xăng chuẩn bị đón Xuân sang ? Người dư tiền, dư bạc thì mua sắm đủ thứ để trưng bày nhà cửa và để cùng nhau vui hưởng một cái tết thật linh đình và thoải mái. Nhiều gia chủ còn tỏ ra chịu chơi mướn những đoàn múa lân về múa trước cửa nhà giữa tiếng nổ dòn tan của những tràng pháo nhói thật dài. Còn giai cấp trung lưu, có chút của ăn của để, thì cũng phải sắm chút ít để gọi là tạm đủ cho 3 ngày Tết và cho cả nhà cùng được hưởng mùi vị của những ngày đầu Xuân. Riêng đối với những người cơm ăn bữa no, bữa đói, thì Tết đối với họ là cả một gánh nặng, là một quả tạ ngàn cân đè lên đôi vai. Nhiều người phải đi mượn nợ để có chút tiền sắm cho con cái một bộ đồ mới, mua ít gạo thơm và ít thức ăn đặc biệt để cho chồng cho con đỡ tủi thân trong dịp Xuân về. “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...” chỉ là những mỹ từ, những sáo ngữ đối với họ.

Nhớ Xuân xưa!
Xuân xưa chẳng bao giờ ta quên được mặc dù đã 32 mùa Xuân qua đi, đã 32 cái Tết chợt đến rồi chợt đi như một cơn gió thoảng nhưng lại khiến ta bạc trắng mái đầu, tuổi đời thêm chồng chất. Ở nơi đây, ta chẳng màng tới Nàng Xuân dù Nàng vẫn còn yêu kiều, duyên dáng. Ở nơi đây ta thiếu tất cả những cái ta đã bỏ lại sau lưng thì... đón tết, mừng Xuân mà làm gì. Ở nơi đây ta như muốn quên Tết đến, quên Xuân về vì có vui thú gì khi 3 ngày Tết ta còn phải đi cày hoặc ẩn mình dưới 2, 3 lớp áo ấm dầy cộm trong tuyết lạnh hay mưa dầm ? Ở nơi đây cũng có pháo nổ, có mai vàng, có bánh chưng, có thịt mỡ, dưa hành...nhưng tìm đâu ra cái hương vị đích thực của Quê Hương ? Tìm đâu ra cái rung cảm, cái không khí tưng bừng của những ngày Tết ? Tìm đâu ra sự xum họp đầm ấm của gia đình và bà con dòng họ mỗi độ Xuân về. Chúng ta đã mất tất cả, chỉ còn lại những kỷ niệm thật khó quên.

Nhưng trên thực tế ở đâu có người Việt cư ngụ là ở đó vẫn còn đón Tết, vẫn còn mừng Xuân để bảo tồn phong tục tập quán của tổ tiên và để truyền lại cho con, cho cháu sau này.

Thiếu pháo nổ, thiếu nêu cao nhưng có Vui Xuân là có TẾT
Thừa thịt mỡ, thừa bánh chưng, hễ còn Ăn Tết vẫn còn XUÂN

Nguyễn Việt Cường

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.02.2007. 10:59