Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đời Sống Nội Tâm Lạ Thường Của Mẹ Têrêxa Calcutta (2)

§ Trương Văn Tiến

(VietCatholicNews 02/10/2007)

(Bài phỏng vấn Linh Mục Brian Kolodiejchuk do ZENIT thực hiện)

Không có đau khổ, công việc của chúng ta chỉ thuần là một công việc mang tính xã hội, nó chẳng phải là công trình của Đức Giêsu Kitô, nó không phải là thông phần vào Sự Cứu Rỗi.”

Đó là điều mà Chân Phước người Albani giải thích trong một bức thư gởi linh hướng vừa mới được linh mục Brian Kolodiejchuk – Thừa sai Bác ái, và là Thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Mẹ Têrêxa – giới thiệu và công bố trong cuốn sách “Come Be My Light” (Hãy đến và trở thành Ánh sáng của Ta). Trong phần hai này, linh mục Kolodeijchuk ước mong chúng ta khám phá sâu hơn đời sống nội tâm của Mẹ Têrêxa.

ZENIT – Thưa linh mục, nhan đề cuốn sách “ Hãy đến và trở nên Ánh sáng của Ta” có phải là một đòi hỏi của Đức Giêsu với Mẹ Têrêxa hay không ? Phải chăng nỗi đau cứu độ tha nhân đã được Mẹ sống trong “Đên Tăm tối” có liên quan đến đặc sủng của Mẹ ?

Lm Kolodiejchuk – Trong những năm của thập niên 50 [của thế kỷ trước – LND] Mẹ Têrêxa đã bỏ mình và chấp nhận “Đêm Tăm tối”. Linh mục Neuver [một trong những linh hướng của Mẹ] đã giúp Mẹ hiểu được trạng thái này bằng cách nêu ra mối quan hệ giữa Đêm Tối tăm và đặc sủng “giãn khát cho Đức Kitô” của Mẹ ( tạm dịch: Son charisme d’étancher la soif de Jésus).

Mẹ đã thường xuyên nói rằng nỗi đau lớn lao nhất là chịu bị ít được yêu thương, bị chối từ, bị bỏ rơi; và đúng là Mẹ đã cảm nhận điều này trong mối liên hệ của Mẹ với Đức Giêsu !

Mẹ đã từng trải nỗi đau cứu chuộc, hay còn được gọi là “đau khổ cho tha nhân”, như một cách sống đặc sủng sống cho những người cùng khốn của Mẹ.

Vậy nên, với Mẹ, đau khổ không chỉ có nghĩa là Mẹ nên giống như người nghèo khổ về thể xác, vật chất nhưng Mẹ còn phải giống như họ về nội tâm – nghĩa là nên như những kẻ ít được yêu thương, cô đơn và bị chối từ.

Mẹ đã khước từ ánh sánh riêng của Mẹ cho những người còn đang trong bóng tối, Mẹ nói : “ Con biết rằng đó chỉ là những cảm giác !”.

Mẹ viết trong một thư gởi Đức Giêsu : “Ôi Giêsu, xin lắng nghe lời con cầu nguyện, nếu điều này làm Chúa vui thích. Nếu nỗi thống khổ và sự chịu đựng của con, nếu cảnh tối tăm và sự cách biệt mà con phải chịu đem lại cho Chúa một GIỌT-ỦI-AN, thì Giêsu của con ơi, xin hãy làm con trở nên điều Chúa muốn, dù Ngài chẳng đoái thương cho con một ánh nhìn thương xót đến tình cảm và nỗi đớn đau của con. Con là của Chúa. Xin hãy khắc ghi vào tâm hồn và cuộc sống con những đớn đau của Trái Tim Ngài. Xin Chúa đừng nhìn đến những tình cảm và xin cũng đừng đoái hoài đến những đớn đau con phải chịu.”

“Nếu việc con phải xa cách Chúa khiến cho tha nhân đi về phía Chúa, và làm cho Chúa thấy được niềm vui cùng thoả dạ trong tình yêu của họ, thì, tận đáy lòng con, con ước mong được gánh chịu điều con đang đau khổ, không chỉ bây giờ mà cho đến vĩnh cữu – nếu điều này có thể xảy ra.”

Trong một thư gởi cho các nữ tu trong dòng, Mẹ đã nói rõ đặc sủng của Hội Dòng : “Các con yêu dấu, không có đau khổ, công việc của chúng ta chỉ thuần là một công việc mang tính xã hội, nó rất tốt và bổ ích nhưng nó chẳng phải là công trình của Đức Giêsu Kitô, nó không phải là thông phần vào Sự Cứu Rỗi. Chúa Giêsu đã muốn giúp đỡ ta bằng cách chia phần cuộc sống với ta, sẻ chia nỗi cô đơn, cơn hấp hối và cái chết của ta.”

“Ngài đã nhận mọi trách nhiệm về mình và đã mang tất cả vào trong đêm tối tối tăm nhất. Chỉ chính khi nên một với chúng ta, Ngài giải thoát chúng ta.”

Và, Ngài cũng cho phép chúng ta làm giống như Ngài : hết mọi sầu não của kẻ nghèo hèn, không chỉ cái nghèo vật chất của họ mà còn là những khốn cực tinh thần – phải được cứu chuộc và, chúng ta phải thông phần vào công việc ấy. Vậy, các con hãy cầu nguyện khi điều ấy trở nên khó khăn. “Mẹ ước mong được sống trong cái thế giới đang xa cách Thiên Chúa này, cái thế giới đang ngoảnh mặt quay lưng với ánh sáng của Đức Giêsu này, để giúp thế giới này, để gánh vác một phần đau khổ của thế giới này nơi Mẹ”.”

Tôi có thể tóm tắt sứ mệnh của Mẹ qua lời của Mẹ : “ Nếu một ngày nào đó tôi là thánh, chắc hẳn tôi sẽ là một vị thánh của “Đêm Tăm Tối”.Và tôi sẽ tiếp tục khiếm diện ở trên Trời, để [thắp sáng lên] ánh quang cho những những ai đang còn trong tăm tối ở thế trần..”

Đấy, Mẹ đã thấu hiểu Đêm Tăm Tối của Mẹ như thế đấy. Và chúng ta cũng có thể hiểu thấu hơn một vài lập ngôn của Mẹ, những điều này có một ý nghĩa sâu sắc hơn những gì chúng ta đã biết về Mẹ.

ZENIT –Với những người cho rằng những cảm nghiệm của Mẹ Têrêxa là một cuộc khủng hoảng đức tin, với những kẻ quả quyết rằng Mẹ không thực tin vào Thiên Chúa hoặc nói bóng gió rằng Đêm Tăm Tối của Mẹ chỉ là dấu hiệu của sự bất ổn tâm lý, linh mục muốn nói gì ?

Lm Kolodiejchuk – Đó không phải là một cuộc khủng hoảng đức tin, hay là một sự thiếu thốn đức tin nhưng Mẹ đã sống trải nghiệm qua một thử thách của đức tin, trong thử thách ấy – Mẹ có cảm giác là hãy đừng tin vào Thiên Chúa !

Thử thách này đòi hỏi một sự trưởng thành về nhân linh. Không có sự chín mùi này, Mẹ chẳng bao giờ vượt qua được thử thách này. Lẽ ra Mẹ đã mất quân bình.

Như Linh mục Garrigou-Lagrange từng khẳng định, người ta có thể cùng một lúc cảm nghiệm những tình cảm có vẻ trái ngược nhau. Người ta có thể cảm nghiệm “niềm vui kitô khách quan” (joie chétienne objective) - như Carol Zaleski đã gọi cho sự việc này (tức là sự việc cùng lúc cảm nghiệm những tình cảm có vẻ trái ngược nhau, LND)– trong lúc trải qua thử thách, hay còn gọi là cảm giác không có niềm tin.

Ở đây, vấn đề không phải là 2 ngôi vị, mà là một ngôi vị đơn độc với những cảm thức khác nhau theo cung bậc.Con người có thể cảm nhận thật sự sâu sắc khổ giá bằng một cách nào đó – điều này thật là đau đớn, điều này khiến người ta đau khổ. Và việc có thể thánh hoá đau khổ cũng không làm mất đi cái khổ. Tất cả đều ở trong niềm vui vì người ta sống với Đức Giêsu. Điều này không sai đâu.

Đó chính là lý do khiến Mẹ têrêxa đã sống một đời tràn đầy niềm vui.

ZENIT – Với tư cách là Thỉnh Nguyện viên án phong thánh, linh mục có nghĩ rằng Mẹ sẽ sớm được phong thánh hay không ?

Lm Kolodiejchuk – Chúng tôi đang cần một phép lạ bổ sung. Chúng tôi đã khảo sát một vài phép lạ nhưng chưa đủ rõ ràng. Đã có một phép lạ để phong chân phước và chúng tôi đang đợi phép lạ thứ hai.

Có thể đầu tiên, Chúa trông chờ cuốn sách này được xuất bản, bởi vì nhiều người biết rằng Mẹ Têrêxa là thánh, nhưng người bình thường và tỏ ra đơn sơ đến nỗi họ không hiểu thấu cái thâm sâu của sự thánh thiện của Mẹ.

Một ngày kia, người ta mang đến cho tôi cuộc hội thoại của hai linh mục. Một trong hai linh mục ấy khẳng định rằng mình sẽ không bao giờ là “Fan” (người hâm mộ) của Mẹ Têrêxa cả bởi vì, với linh mục này, đơn giản Mẹ chỉ đã tỏ lòng thương xót vĩ đại, đạo đức lớn lao và đã chu toàn công việc mình cách đáng kính phục, thế nhưng, sau khi nghe nói về đời nội tâm của Mẹ, mọi sự đã thay đổi.

Giờ đây, chúng ta đã thấy rõ hơn chiều sâu linh thánh của Mẹ. Những đặc trưng sâu sắc nhất của Mẹ đã phần nào được tỏ rộ.

Khi có thêm phép lạ xảy ra, điều này hẳn sẽ mất khoảng hai năm, có thể Đức Thánh Cha tăng tốc tiến trình phong thánh nếu Ngài muốn.

ZENIT – Sau cái chết của Mẹ têrêxa, Hội Dòng đã sống như thế nào ?

Lm Kolodiejchuk – Hội Dòng đã có thêm gần 1000 tân nữ tu. Lúc Mẹ têrêxa qua đời, Hội Dòng có khoảng 3.850 nữ tu, bây giờ con số ấy là 4.800, cùng với hơn 150 nhà mới lập tại hơn 14 quốc gia. [Đây không phải là phép lạ lớn lao trong thời đại này sao ? – LND].

Công trình của Thiên Chúa đang tiếp diễn!

Trương Văn Tiến

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.10.2007. 12:40