Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đọc sách mới "Hãy đến là Ánh sáng của Con" nói về Mẹ Têrêxa

§ Phụng Nghi

(VietCatholicNews 06/09/2007)

Bình luận của Lm Raymond J. de Souza, báo National Post, Canada

Khi Mẹ Têrêxa qua đời 10 năm trước đây, người ta cho rằng con đường Mẹ được chính thức tuyên phong hiển thánh sẽ mau chóng và không có nhiều biến cố.

MotherTeresa9.jpg

Con đường quả thực là mau chóng vì Mẹ được Đức Thánh Cha Gioan Phalô tuyên phong Chân Phước năm 2003 để một phần ghi dấu 25 năm triều đại giáo hoàng của ngài. Nhưng nó lại chẳng phải là không có nhiều biến cố. Duyệt xét tỉ mỉ các giấy tờ Mẹ để lại ta thấy một cuộc sống nội tâm ghi dấu chính yếu bằng bóng tối và khổ đau. Suốt 50 năm, cuộc sống tinh thần của Mẹ Têrêxa được ghi đậm bằng cảm nghiệm thiếu vắng Thiên Chúa. Một cuốn sách mới đề cập đến nhật ký và các thư từ của Mẹ do một linh mục người gốc Winnipeg (Canada) biên tập được phát hành ngày thứ ba (4 tháng 9). Cuốn sách có nhan đề Come Be My Light (Hãy Đến Làm Ánh Sáng Cho Ta) tiết lộ cuộc sống ẩn dấu đó.

Mẹ Têrêxa đã viết: “Tình yêu đòi hỏi hy sinh. Nhưng nếu chúng ta yêu thương đến mức đau đớn thì Chúa sẽ ban cho ta bình an và niềm hoan lạc của Người.”

Lòng yêu thương làm đau đớn? Đó có phải là một sự mâu thuẫn hay không? Không đúng chút nào cả, bậc làm cha mẹ nào cũng biết thế. Đôi khi yêu là chịu đau khổ cho người khác. Và Mẹ Têrêxa đã không miễn trừ cho chính mình sự khổ đau của những người nghèo nàn nhất trong những người nghèo mà Mẹ phục vụ

Thế nhưng những thực tế trong cuộc sống tinh thần của Mẹ lại sâu xa hơn thế nhiều. Đối với hầu hết mọi người chúng ta, càng đến gần Chúa hơn thì ta có cảm giác bình an, thư thái và hoan lạc. Chúa ban cho chúng ta những điều an ủi đó để chúng ta không nhàm chán cuộc sống đạo đức. Nhưng chúng ta, nhờ đọc những gì các bậc thánh nhân ghi lại, mà được biết rằng đôi lúc – đối với các vị đã tiến xa trên đường nhân đức – Chúa giữ các sự an ủi đó lại để cho các vị đi tìm kiếm Chúa chỉ vì Chúa mà thôi. Đó là điều thánh Gioan Thánh giá gọi là “đêm tăm tối của linh hồn”. Nó không có nghĩa là thế giới u ám phía bên ngoài, nhưng là chính tâm hồn cảm thấy thiếu ánh sáng Chúa chiếu soi.

Đó là một hình thức thanh tẩy thiêng liêng bằng đau khổ, nơi linh hồn được kéo lại gần Chúa hơn. Mà Chúa thì vô biên vô tận, và ở vô hạn ngoài các cảm giác hữu hạn của chúng ta, vì thế mà Người như có vẻ “không là gì hết cả (nothingness)” – nên mới có điệp khúc nada, nada, nada của thánh Gioan Thánh giá. Điều đó không có nghĩa Chúa không là gì cả, nhưng sự vô hạn ấy xuất hiện cách thức đó cho những linh hồn nào thấy được chỗ thâm sâu nhất. Cũng gần giống như ống kính thiên văn mạnh nhất, tầm nhìn càng xa thì bầu trời càng như trống vắng đi. Chỉ những kẻ dính chặt vào Trái đất mới thấy bầu trời dầy đặc những vì sao.

Đức Tổng Giám mục Calcutta Ferdinand Périer có viết cho Mẹ Têrêxa năm 1955: “Thiên Chúa hình như ẩn mình trong một thời gian. Điều đó có thể làm ta đau đớn và nếu kéo dài sẽ trở thành việc tuẫn đạo. Vị Thánh Bông Hoa Nhỏ đã trải qua điều đó, Thánh Têrêxa Cả cũng vậy và chúng ta có thể nói hầu hết các vị thánh, nếu không muốn nói là tất cả, đều như thế.”

Tổng Giám mục Périer công nhận rằng Mẹ Têrêxa ở trong gia tộc các vị thánh quan thày của Mẹ, đó là Bông Hoa Nhỏ (Têrêxa Lisieux 1873-1897) và vị đại thánh tiến sĩ Giáo hội (Têrêxa Avila 1515-1582). Cả hai đều đã cảm nghiệm bóng đêm đen tối nơi mà Thiên Chúa dường như vắng mặt nhiều hơn là hiện diện. Đối với Mẹ Têrêxa, bóng đêm như thế là đặc tính nổi bật trong cuộc sống tinh thần của mình.

“Nếu ngày nào tôi làm thánh – Chắc tôi sẽ là một vị thánh của “đêm đen”. Tôi sẽ thường xuyên vắng mặt chốn thiên đàng – để chiếu soi ánh sáng cho người còn trong tăm tối chốn trần gian.”

Trong cuộc sống trường thọ, Mẹ Têrêxa đã cống hiến chính mình cho những kẻ sống trong bóng tối của cuộc đời – người nghèo, người hấp hối, người bị ruồng bỏ, kẻ vô thừa nhận. Đó là hình ảnh con người thu hút được trí tưởng tượng của mọi người và chiếm được trái tim của toàn thế giới. Thế nhưng Mẹ luôn luôn nói về sự nghèo nàn cùng cực hơn về tinh thần – nghèo nàn vì không biết Chúa và vì sống xa Người

Bây giờ thì chúng ta biết rõ Mẹ cảm thấy gần gũi với các linh hồn đó bởi vì chính Mẹ cũng đã trải nghiệm sự vắng mặt của Chúa. Đúng hơn là Mẹ biết điều đó như chỉ có những người gần Chúa nhất mới biết được, như Chúa Giêsu trên thánh giá biết được khi Người kêu lên: Chúa ôi, Chúa ôi, sao Chúa bỏ con? Cũng tương tự như Mẹ đã mang ánh sáng từ bi và bác ái đến cho những người đau khổ về thể xác thì Mẹ cũng nghĩ rằng các cảm nghiệm của mình có thể giúp Mẹ mang ánh sáng của Đức Kitô đến cho những người còn trong bóng tối tinh thần.

Những lời cảm thán trong các lá thư của Mẹ – như “tăm tối”, “tôi không có đức tin”, “Chúa vắng mặt” – không cố ý dùng để công khai trình bày sự việc, nhưng là mô tả sự phấn đấu của Mẹ nhằm được thấy Chúa vượt ra ngoài những hình ảnh thư thái đối với tất cả chúng ta. Một số trình thuật mô tả điều đó một cách lúng túng, coi Mẹ Têrêxa như có điều gì gần như vô thần, điều đó rất xa sự thật.

Trên hết cả, Mẹ Têrêxa là con người thực tế về phương diện đạo đức (spiritual realist). Mẹ đã nhìn đời như đời thực là vậy, và vì thế một số người cho Mẹ là con người lý tưởng vô vọng (hopeless idealist). Mẹ đã không nhìn thấy lý tưởng trừu tượng của việc xóa đói giảm nghèo trong một tương lai xa, mà chỉ nhìn thấy thực tế của một người nghèo khó, không ai chăm sóc và cần tình yêu thương ngay ngày hôm nay, và vì thế Mẹ thu nhặt, lau chùi vết thương, và cho người đó một nụ cười trìu mến. Mẹ đã nghe Chúa Giêsu nói rằng bất cứ điều gì các con làm cho người nhỏ nhất trong những người này là các con làm cho Ta, và Mẹ đã không tìm thấy ở đó cái lý tưởng mỏng manh nào. Mẹ chỉ thấy những người cùng cực nhất và bé nhỏ nhất chung quanh mình và khám phá thấy trong con người họ Đức Giêsu “cải trang thành người khó nghèo cơ cực”

Nay thì chúng ta đã khám phá ra rằng chủ nghĩa thực tế (realism) của Mẹ được phát sinh do giao tiếp hàng ngày với Chúa như con người thực của Chúa – không phải trong lối so sánh yếu ớt mà chúng ta dùng thay thế cho sự hiện diện của Chúa, nhưng trong sự bao la đáng kính sợ nơi sự vô hạn và lòng thương xót của Người. Mẹ Têrêxa biết về nỗi khổ đau của một Giêsu bị bỏ rơi trên thập giá, rõ ràng là bị Chúa Cha từ bỏ. Mẹ biết Đức Giêsu đó, và đó là niềm bí mật của Mẹ. Bất cứ linh hồn nào thực sự biết Đức Giêsu bị đóng đinh, thì có khả năng nhận ra những kẻ bị đóng đinh vì sự khốn khổ của thế gian này.

Năm 1949 Mẹ Têrêxa viết trong nhật ký: “Họ gọi tôi là ‘người nữ tu chốn bùn lầy’. Và tôi lấy làm sung sướng chỉ được làm con người như thế để yêu mến và làm vinh danh Người.”

Phụng Nghi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.09.2007. 10:24