Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đầu phiếu bằng lương tâm

§ Vũ Văn An

Chiến dịch vận động để liên danh Obama-Biden không thắng cử lần này xem ra không đạt hiệu quả như ý muốn. Cứ theo kết quả những cuộc thăm dò mới đây, chỉ trừ một phép lạ, liên danh MacCain-Palin khó lòng thắng được. Nhiều người Công Giáo hết sức ngỡ ngàng trước tình huống này, vì mặc dù theo Hiệp Sĩ Tối Cao Anderson, người Công Giáo Hoa kỳ lên tới 69 triệu, từng “giữ chìa khóa không những để vào Tòa Bạch Ốc mà còn nhiều cuộc đua khác nữa” mà vẫn không làm sao đánh bại một liên danh ngang nhiên và minh nhiên ủng hộ phá thai là liên danh Obama-Biden.

Ngày 27 tháng Mười vừa qua, tạp chí “The America” của các cha Dòng Tên có một bài xã luận tựa là “Voting One’s Conscience” khiến ta hiểu được phần nào nguyên nhân của trạng huống đầy bi thảm trên. Tạp chí này cho hay cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ kỳ này đều không hoàn toàn ủng hộ nền đạo đức học xã hội của Giáo Hội. Nền đạo đức học này đã được tài liệu “Forming Consciences for Faithful Citizenship” (Đào tạo lương tâm cho một nền công dân có niềm tin), ấn hành một năm trước đây, trình bầy rõ ràng và đầy đủ.

Trong tài liệu trên, các giám mục Hoa Kỳ nhấn mạnh tới một trong những nguyên tắc đạo đức căn bản nhất đó là phẩm giá của con người và do đó là quyền sống của họ. Cho nên các vấn đề liên quan tới các hành vi trực tiếp tấn công sự sống như phá thai, an tử hay chiến tranh bất chính phải là những vấn đề quan tâm hàng đầu đối với cử tri Công Giáo.

Nhưng, theo Tạp Chí này, cùng một lúc, các giám mục Hoa Kỳ cũng nhắc các tín hữu nhớ tới chiều rộng trong trách nhiệm luân lý của họ: “Giáo huấn Công Giáo về phẩm giá sự sống kêu gọi ta chống đối tra tấn, chiến tranh bất chính, và việc sử dụng án tử hình; ngăn ngừa nạn diệt chủng và việc tấn công những người không chiến đấu; chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc; và chiến thắng nghèo đói và đau khổ… Các quốc gia được kêu gọi phải bảo vệ quyền sống bằng cách mưu tìm các phương thế hữu hiệu để chống lại sự ác và khủng bố mà không cần tới tranh chấp vũ trang…”

Tạp chí này cho hay quả là sai lầm khi chủ trương rằng bổn phận luân lý trong việc bảo vệ sự sống vô tội của con người không bao giờ cho phép người Công Giáo được bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ phá thai. Ấy thế nhưng các giám mục lại đã nói rõ một số điều kiện theo đó việc bỏ phiếu kia có thể được phép. Khi có những lựa chọn khác nữa, thì việc không ủng hộ một ứng cử viên phò phá thai không có chi là tự động hay phổ quát cả. Dĩ nhiên, không bao giờ được phép bỏ phiếu cho một ứng cử viên phò phá thai nếu “cử tri có ý định ủng hộ lập trường ấy”. Nhưng mặc dù bác bỏ chủ trương phò phá thai của một ứng cử viên, người ta vẫn được phép bỏ phiếu cho ứng cử viên ấy “khi có lý do luân lý thực sự nghiêm trọng”.

Lý do luân lý nào thực sự nghiêm trọng thì tài liệu “Faithful Citizenship” không nói rõ. Và tạp chí The America” cho việc đó là khôn ngoan. Các cử tri buộc phải tự tìm ra qua những câu hỏi đại loại như: có hy vọng giảm thiểu tỷ lệ phá thai hay không? Có đưa ra chiến dịch ủng hộ việc dùng tế bào người lớn để nghiên cứu chứ không dùng tế bào phôi thai hay không? Có chống đối chiến tranh phòng ngừa hay tra tấn hay không? Có cung cấp chăm sóc y tế cho người không có bảo hiểm hay không? Có sẵn sàng tham gia chiến dịch mới của quốc tế ngăn ngừa nạn hâm nóng địa cầu hay không? Có cứu vợt được nền kinh tế của Mỹ hay không?...

Tạp chí này còn lý luận thêm rằng quyền sống, vốn bắt rễ nơi phẩm giá nhân vị, nhất thiết phải bao hàm các quyền được hưởng mọi phúc lợi của cuộc sống nhân bản như hòa bình và an ninh, nhà ở, y tế và công ăn việc làm. Họ viện dẫn lời Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin: “một cam kết chính trị đối với một khía cạnh đơn độc nào đó trong học thuyết xã hội của Giáo Hội không làm người ta hết trách nhiệm đối với ích chung”. Điều ấy, theo tạp chí này, có nghĩa: người Công Giáo không phải là các cử tri tự động chỉ có một vấn đề, bất luận đó là vấn đề gì. Giáo huấn xã hội Công Giáo là một thể thống nhất và phải được áp dụng theo thể thống nhất ấy.

Thiển nghĩ người Công Giáo Mỹ không bao giờ là các cử tri tự động chỉ có một vấn đề là bảo vệ sự sống theo nghĩa chống phá thai. Cũng không một ứng cử viên tổng thống nào là một ứng cử viên chỉ có một vấn đề cả. Huấn luyện lương tâm bao giờ cũng bao hàm việc biết phân biệt điều phải điều trái, điều trái ít điều trái nhiều. Huấn luyện lương tâm bao giờ cũng bao hàm việc nhận ra các lựa chọn ưu tiên. Trong cuộc bầu cử lần này, người Công Giáo Hoa Kỳ đã thấy rõ đâu là những ưu tiên hướng dẫn lương tâm họ. Những bài báo như của tạp chí “The America” chỉ là những hỏa mù nhằm nới rộng biên cương chủ nghĩa tương đối, khiến lương tâm người Công Giáo trở thành mù mờ.

Phản ứng đối với bài báo này quả là phức tạp, cho thấy chiều hướng nguy hiểm không phải là sợ liên danh McCain-Palin không thắng, nhưng là chiều đi xuống của cả một nền giáo lý quá xa vời với huấn quyền Giáo Hội đã được 26 năm triều Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II khổ công xây dựng quanh văn minh sự sống và văn minh tình yêu và hiện đang được Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục. Dưới đây, chúng tôi xin trình bầy một số phản ứng ấy.

1. Vấn đề quan trọng hơn cả

Michael Hallman cho rằng bài báo trên đã không làm sáng tỏ điều này: các vấn đề về sự sống, vẫn xấu từ bên trong, như phá thai, dùng tế bào phôi thai để nghiên cứu, an tử, kỳ thị chủng tộc, tra tấn…có tầm quan trọng hơn bất cứ vấn đề nào khác. Sự thật này đang bị một số nhà bình luận Công Giáo làm mờ nhạt đi để dọn đường cho lá phiếu hợp lương tâm dành cho Obama phò phá thai, mặc dù, Obama đã công khai hứa hẹn sẽ ký ban hành đạo luật “Freedom of Choice Act” (nôm na là tự do phá thai) và sẽ bổ nhiệm các chánh án tối cao pháp viện để duy trì quyết định giết người “Roe v. Wade”.

Michael cũng cho rằng huấn luyện lương tâm tín hữu không phải chỉ có một tài liệu trên của HĐGM/HK, mà phải liên tục lắng nghe các giám mục tiếp tục khai triển tài liệu ấy qua các bài giảng, thư mục vụ, các bài diễn văn…Qua các hình thức khai triển này, các giám mục đã minh xác rằng người Công Giáo có trách nhiệm luân lý phải nhìn nhận tính nghiêm trọng hết sức lớn lao của vấn đề ngừa thai trong cuộc bầu cử lần này, so với các vấn đề có thể tranh luận được như ai có kế hoạch y tế hay hơn, ai giải quyết tốt nhất về kinh tế hay ai chấm dứt chiến tranh hay hơn. McCain không hẳn là nhất, nhưng bỏ phiếu cho Obama là việc lương tâm Công Giáo không cho phép!

2. Cái nhìn cân bằng

Charles H. Schramm thì khen bài báo trên có cái nhìn cân bằng và nhiều thông tri. Ông cho rằng nhiều người Công Giáo tự bằng lòng với phương thức một vấn đề đối với bầu cử. Ông còn trích dẫn nhà thần học Ái Nhĩ Lan, Donal Dorr trong cuốn “Spirituality and Justice” (Linh đạo và công lý), mà cho rằng có nhiều kiểu ăn năn trở lại: ăn năn trở lại theo tôn giáo, ăn năn trở lại theo luân lý, và ăn năn trở lại theo chính trị. Kiểu cuối cùng đòi phải có một trình độ hiểu biết về cách vận hành trong các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, và các hệ thống này cần được phê phán ra sao dưới ánh sáng Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo. Đây là phạm vi nhiều người Công Giáo thiếu sót trầm trọng.

Cứ như thể ý thức chính trị của người Công Giáo non nớt hơn anh ta không bằng!

3. Sẽ gặp Chúa và trẻ thơ vô tội

Robert Langworthy cho rằng khi một đảng nào đó hoàn toàn kiểm soát được chính quyền, thì việc phá thai nửa thai kỳ chắc chắn sẽ lại xẩy ra. Máu trẻ thơ vô tội sẽ tuôn đổ như thác Niagara. Những người thêm tay chân cho đám đông phò phá thai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó. Và một ngày kia, tất cả chúng ta sẽ gặp lại Người và các trẻ thơ vô tội. Người sẽ chỉ vào các trẻ thơ bị thảm sát đó mà hỏi: “Các NGƯƠI đã làm gì để chấm dứt VIỆC NÀY?”. “Con bỏ phiếu ủng hộ đảng phò phá thai vì con là người rất phóng khoáng” chắc chắn không phải là câu trả lời Người muốn nghe.

4. Đức Hồng Y Ratzinger

Lucius cho rằng tạp chí “The America” đã cẩu thả không nhắc đến lá thư năm 2004 của Đức HY Ratzinger gửi các giám mục Hoa Kỳ về việc người Công Giáo có được bầu cho một ứng cử viên phò phá thai/an tử dù không có cùng quan điểm phò phá thai/an tử với ứng cử viên này hay không? Trong lá thư này, dù Đức Hồng Y có cho rằng trong một số trường hợp, nếu có lý do tương xứng (proportionate reasons), người ta có thể bỏ phiếu như thế, song Ngài nhấn mạnh: án tử hình hay quyết định tuyên chiến không ở cùng một bình diện luân lý như phá thai/an tử. Do đó, người Công Giáo được tự do bất đồng với Giáo Hội trong các vấn đề như thế mà vẫn chịu Lễ được. Nhưng đối với phá thai/an tử thì không như thế. Vậy vấn đề là: liệu có chăng một lý do tương xứng khi bỏ phiếu cho Obama một người không những có kỷ lục 100% ủng hộ phá thai mà còn bỏ phiếu chống lại bất cứ đạo luật nào nhằm bảo vệ các thai nhi dù bị phá thai nhưng đã may mắn thoát chết? Nhiều vị giám mục đã nói rõ: đó không phải là lý do tương xứng!

5. Nhất định bầu cho ứng cử viên phò sự sống

Theo Robert Koch, nếu phải chọn giữa ứng cử viên phò phá thai và ứng cử viên phò sự sống, ông sẽ bỏ phiếu cho người phò sự sống. Tạp chí “The American” không thể thuyết phục ông bỏ phiếu cho người phò phá thai dù với bất cứ lý do gì.

6. Tổng thống phải hành động hợp hiến

Ron Dirks, Sugar Land, TX, cho rằng bài báo trên có cái nhìn cân bằng dựa vào tài liệu của HĐGM/HK. Ông ta phân tích dài dòng lịch sử phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về trường hợp “Roe v. Wade” để biện minh rằng phán quyết đó đúng về phương diện hiến pháp. Bởi Tối Cao Pháp Viện không có cách chi xác định được liệu phôi thai có phải là ‘người’ theo ngôn ngữ và ý nghĩa của Tu Chính Án Thứ 14 hay không. Nếu họ xác định được như thế thì Roe đã thua Tiểu Bang Texas rồi… Các nhà tư pháp không phải là các nhà tôn giáo hay triết học, nên họ không thể xác định “tính người” (personhood) của phôi thai… Một khi họ phán quyết hoàn toàn dựa vào Hiến Pháp, thì bất cứ ai tuyên thệ nhậm chức tổng thống, bất kể là Obama hay McCain, đều phải tuân hành phán quyết này, không thể làm khác.

Dirks kết luận: trong tư cách công dân, ta nên bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống dựa trên nhiều vấn đề và chính sách của ứng cử viên đó, thay vì chỉ dựa vào một vấn đề là phò phá thai hay không, vì ứng cử viên nào rồi cũng phải “phò phá thai” mà thôi.

Nói như Dirks, chả lẽ các thẩm phán tối cao không thể có quan điểm tôn giáo hay triết lý được sao. Chả lẽ tôn giáo hay triết lý không phải là nguồn của các nguyên lý sống của xã hội hay sao. Tư pháp hay gì gì thì cũng phải dựa vào lương tri chứ. Mà lương tri, như Đức Gioan Phaolô II nói, dạy ta rằng phôi thai nếu không phải là người thì làm sao thành người trưởng thành được! Mặt khác, hiến pháp từng được tu chính, nó đâu phải là một văn bản cứng ngắc, có giá trị trường cửu đến không thể thay đổi được. Dirks cũng phạm sai lầm ở chỗ không ai buộc Obama hoặc McCain, lúc còn là Thượng Nghị Sĩ, phải ủng hộ phá thai. Chán vạn dân biểu và TNS chống phá thai mà vẫn là những dân biểu và TNS có giá trị. Mặt khác, không ai buộc Obama hay McCain, khi đắc cử tổng thống, phải làm quá phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Đàng này rõ ràng Obama sẵn sàng đi hết con đường “phá thai” của ông ta.

7. Chỉ chống phá thai, chuyện khác làm ngơ

Robert Gordon thiên kiến rõ ràng khi cho rằng bài báo trên rất đúng và rất tốt, tuy nhiên không được đa phần giáo dân nghe theo. Lý do vì người ta chỉ nghe các giám mục hô hào không cho các chính trị gia phò phá thai rước lễ, chứ không đề cập chi tới các vấn đề khác như chăm sóc người nghèo, ủng hộ các tiêu chuẩn của cơ quan EPA chống lại ô nhiễm không khí, đất, nước và thực phẩm có hại cho trẻ chưa sinh lẫn mới sinh. Hai vị giáo hoàng liên tiếp lên án chiến tranh Iraq, nhưng hầu như các giám mục HK không đề cập gì tới vấn đề này. Hai vị GH cũng lên án án tử hình, các vị giám mục HK cũng lên án nhưng không mạnh mẽ bằng lên án phá thai.

Không ai không thấy Gordon là người ít đọc báo Công Giáo, chứ đừng nói là năng đi nhà thờ. Anh ta mù tịt về các hành động của các vị Giám Mục Hoa Kỳ. Câu cuối cùng của anh ta nói lên một sự thật: con số nạn nhân của án tử hình làm sao so sánh được với con số nạn nhân phá thai, mặt khác, nạn nhân của phá thai là người hoàn toàn vô tội, và đang bị người ta coi như phiền phức cần loại bỏ bằng bất cứ giá nào, một thứ nạn nhân không người bênh vực!

8. Đi với ma mặc áo giấy

Maryann cho rằng phán quyết “Roe vs Wade” đã trở thành luật. Vấn đề quan trọng là bầu cho ứng cử viên nào chống đối ngừa thai và trước nay vẫn sống cuộc sống hợp luân lý và phục vụ xứ sở. Mẹ bà vẫn khuyên con phải biết chọn bạn mà đi lại giao thiệp: giao thiệp đi lại với ai, sẽ bị phán đoán theo đó. Dĩ vãng đầy bóng tối của Obama khiến người ta phải đặt nhiều câu hỏi bất kể tài ăn nói của anh ta. Bà kết luận: Hãy dùng đầu óc mà bỏ phiếu!

9. Suy luận phi luận lý

Mike Nygra tự hỏi: một người Công Giáo với lương tâm ngay thẳng liệu có thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ phá thai trong khi họ được quyền chọn một ứng cử viên khác không phò phá thai không? Ông ta không tin như thế, vì chả có lý do tương xứng nào biện minh được việc giết hại 45 triệu thai nhi trong 35 năm qua qua phá thai. Ông ta cho rnằg bài báo của tờ “The America” kia chỉ là một thứ suy luận phi luận lý dẫn người ta tới tội trọng.

10. Bài tẩy

Andrew J. Russell cho rằng vấn đề phá thai chỉ là một lá bài tẩy giúp ứng cử viên thu phiếu mà quên các vấn đề quan trọng khác. Chứ thực ra, lương tâm Công Giáo đòi buộc người ta phải bỏ phiếu vì nhiều vấn đề khác như chiến tranh phi nghĩa, chính sách di trú bất công, các chính sách kinh tế không công bằng. Nó khiến người Công Giáo cảm thấy an tâm khi bỏ phiếu cho người phò sự sống bất kể các chính sách bất công khác của ứng cử viên này. Theo Russell, nếu các vị giám mục cứ nằng nặc bắt người Công Giáo phải đầu phiếu vì một vấn đề duy nhất là phá thai, thì người Công Giáo sẽ mất tiếng nói tinh thần nơi chính trường. Thí dụ như chính sách ‘lưới an toàn an sinh xã hội’ được F.D. Roosevelt đưa ra thời Đại Suy Thoái sẽ bị bãi bỏ nếu ta chỉ chú trọng tới phá thai. Hay Hoa Kỳ sẽ vướng vào những cuộc chiến phi pháp tại Trung Mỹ, hay các cuộc chiến đánh phủ đầu ở tận mãi nửa vòng thế giới bên kia khi ta tự mãn với việc chống phá thai. Trong khi ấy, phá thai vẫn tiếp tục hợp pháp và nhiều phụ nữ vẫn thấy mình không được hỗ trợ đầy đủ để mà phò sự sống.

Russell tự hỏi: điều nào có tội hơn: bầu cho một ứng cử viên ủng hộ quyền phá thai nhưng chịu xây dựng một xã hội biết chăm sóc cho các bà mẹ đơn chiếc và con cái họ, hay ủng hộ một ứng cử viên chống phá thai nhưng chẳng làm chi để giảm thiểu con số phá thai hay đỡ gánh nặng cho các bà mẹ đơn lẻ.

Người Công Giáo có lương tâm ngay thẳng biết phải trả lời ra sao cho câu hỏi ấy: họ không bao giờ bỏ phiếu cho một ứng cử viên chống phá thai mà lại không đồng thời có những chính sách tốt đẹp khác. Họ không đơn giản và không thụ động về chính sách xã hội. Mọi vấn đề khác đều có thể tranh luận. Nhưng vấn đề bảo vệ sự sống thì không thể tranh luận được. Đừng làm cho vấn đề nào cũng giống vấn đề nào. Đừng cho là Giáo Hội Công Giáo chỉ biết một vấn đề duy nhất là chống phá thai.

Chúng ta đồng ý với ý kiến của André Kenji: Obama có thể làm cho vấn đề phá thai trở nên tồi tệ hơn khi ủng hộ việc dùng quỹ liên bang tài trợ việc phá thai. Ngay như một tổng thống phò sự sống không làm gì được để hủy bỏ phán quyết “Roe v. Wade”, thì một tổng thống phò phá thai vẫn làm cho vấn đề phá thai thêm trầm trọng hơn.

Mặt khác, các vấn đề chính trị, kinh tế hay xã hội khác có thể giải quyết bằng nhiều lý thuyết hay đường hướng khác nhau. Không một lý thuyết hay đường hướng nào được coi là hoàn toàn có giá trị. Sự sống trái lại chỉ có một đường, chấm dứt nó là chấm dứt vĩnh viễn, không thể mang nó ra “đùa dỡn” như các vấn đề khác được.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.11.2008. 11:38